Wednesday, November 6, 2013

TRANH CHẤP THỪA KẾ: VỤ KIỆN 11 NĂM MỚI XỬ PHÚC THẨM Ở HẢI PHÒNG, TRỞ VỀ VẠCH XUẤT PHÁT?

NGÂN HÀ
Vụ án chia thừa kế ngôi nhà số 8 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, Hải Phòng có điều bất thường sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, dù nguyên đơn đã có kháng cáo, nhưng phải 11 năm sau, Tòa phúc thẩm TANDTC mới xem xét vụ án theo trình tự phúc thẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật của cả Tòa sơ thẩm lẫn Tòa phúc thẩm đều “có vấn đề”. Ngay sau khi báo đăng, Chánh án TANDTC đã có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm…
Đây là vụ kiện chia thừa kế giữa nguyên đơn là bà Lê Thu Khuê với bị đơn là ông Hoàng Viết Phẩm và bà Hoàng Thuý Phương. Di sản thừa kế là ngôi nhà số 6 Cát Dài (nay là số 8 phố Hai Bà Trưng) quận Lê Chân, TP.Hải Phòng.
Năm 1996, khi xét xử sơ thẩm, TAND TP.Hải Phòng đã chia tầng 1 nhà số 8 Hai Bà Trưng cho ông Phẩm, bà Phương; diện tích tầng 2 (bao gồm cả phần gầm cầu thang lối đi lên tầng 2 của ngôi nhà) được chia cho bà Khuê. Năm 2007, tức là 11 năm sau, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội mới xét xử phúc thẩm vụ kiện này. Khác với Tòa sơ thẩm, Tòa Phúc thẩm lại giao diện tích gầm cầu thang cho phía ông Phẩm, bà Phương.
Bà Khuê liên tục khiếu nại bản án phúc thẩm số 87 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và ngày 24.1.2008, Chánh án TANDTC đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án nêu trên. Ngày 14.5.2008, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã phân tích các cơ sở pháp lý và đi đến nhận định:
Có cơ sở xác định Nhà nước không quản lý nhà số 8 Hai Bà Trưng, Hải Phòng khi thực hiện chính sách cải tạo XHCN. Trong trường hợp này phải xác định cố Thứ, cố Khang (là ông bà của nguyên đơn, bị đơn) là chủ sở hữu căn nhà, còn nội dung được thể hiện tại “biên bản giao nhà” ngày 10.4.1961 (Tòa Phúc thẩm đã căn cứ vào biên bản này để chia phần gầm cầu thang cho bị đơn – PV) chỉ là để xác nhận thực tế diện tích nhà số 8 Hai Bà Trưng và xác nhận những người trong gia đình cố Thứ, cố Khang sử dụng tại thời điểm nhà nước giao nhà, không phải là căn cứ để xác định những người đang thực tế sử dụng nhà có quyền sở hữu và cũng không phải là căn cứ xác định một phần căn nhà trên là của Nhà nước cho cụ Nhân (bố bà Khuê) và các con của cụ thuê. Theo Hội đồng thẩm phán, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ căn nhà trên là tài sản của cố Thứ, cố Khang là có căn cứ, đúng pháp luật (trong khi đó, Toà phúc thẩm lại xác định di sản của cố Thứ, cố Khang chỉ có tầng 2 nhà số 8 Hai Bà Trưng, còn tầng 1 là của Nhà nước).
Theo Hội đồng thẩm phán, Toà phúc thẩm đã mắc một số sai sót trong thủ tục tố tụng. Trong khi nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế; bị đơn không chấp nhận và không có yêu cầu phản tố nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại xác định bị đơn có quyền quản lý, sử dụng và được làm thủ tục đăng ký, kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là không đúng và vượt quá yêu cầu của các đương sự. Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử, phát hiện thấy Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật (TAND TP.Hải Phòng xác định quan hệ pháp luật trong vụ kiện này là tranh chấp thừa kế tài sản), thì Tòa án cấp phúc thẩm phải huỷ án sơ thẩm để giải quyết lại mới đúng. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm lại không hủy án mà vẫn xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Trước khi quyết định huỷ cả hai bản án sơ thẩm (của TAND TP.Hải Phòng), phúc thẩm (của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội) để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, Hội đồng thẩm phán yêu cầu các cấp tòa phải làm rõ vai trò của ông Lê Quang Hùng (em trai bà Khuê, một người bị bệnh tâm thần và là người trực tiếp quản lý, sử dụng phần diện tích gầm cầu thang mà Tòa phúc thẩm giao cho bị đơn -PV) trong vụ kiện này.
Với quyết định này, vụ án lại trở về vạch xuất phát. Sắp tới đây, TAND TP.Hải Phòng sẽ xem xét lại theo trình tự sơ thẩm. Liệu bản án sơ thẩm lần thứ hai sẽ có gì khác với bản án sơ thẩm lần thứ nhất? Chúng ta hãy chờ xem.
Ngay sau quyết định kháng nghị, Chánh án TANDTC cũng đã có quyết định tạm đình chỉ việc thi hành bản án phúc thẩm số 87 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, phía bị đơn (ông Phẩm, bà Phương) đã tự động thi hành án, khóa trái phần diện tích gầm cầu thang, nơi ông Hùng đang ở, khiến ông này phải trèo tường mới vào trong được. Với một người bình thường, đây đã là một hành động nguy hiểm, một người bị mắc bệnh tâm thần như ông Hùng thì mức độ nguy hiểm sẽ lớn như thế nào?
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code