Friday, November 22, 2013

BÀ RỊA – VŨNG TÀU: CÓ TRANH CHẤP HAY KHÔNG CÓ TRANH CHẤP RANH ĐẤT?

HÀ THÁI
Tòa án hai cấp đều tuyên hủy hợp đồng với lý do đất mua bán có tranh chấp. Nhưng người trong cuộc thì lắc đầu: “Chúng tôi có tranh chấp gì đâu”!
Vướng xác nhận ở phường
Giữa năm 2005, ông T. (phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) bán nhà, đất diện tích trên 200 m2 cho ông M. với giá 110 lượng vàng SJC. Ông M. đồng ý và đặt cọc 50 lượng. Tuy nhiên sau đó, diện tích đất của ông T. được cấp tăng gần gấp đôi nên hai bên thương lượng lại… Việc này được một ủy ban phường làm “trọng tài” xác nhận hai bên mua bán toàn bộ diện tích được cấp lại với giá khác và người mua chỉ phải thanh toán 85 lượng nữa vì trước đó đã chi… 50 lượng rồi!
Hai bên đã ra phường Rạch Dừa để “chứng thực hợp đồng chuyển nhượng” mới nhưng không được. Ông M. đoán nguyên nhân là do phía người bán đang có tranh chấp ranh giới đất với người khác. Thấy đi lại hoài không xong, vụ việc lùng nhùng chẳng kết quả, phía ông M. đã kiện hủy hợp đồng và lấy lại 50 lượng vàng đã đặt cọc. Ông T. nghe chuyện giật mình, vội vàng yêu cầu tiếp tục hợp đồng như đã thương lượng, còn nếu không ông sẽ được phần tiền cọc!
Tòa: Hủy hợp đồng
Cuối tháng 8, TAND TP Vũng Tàu đưa vụ án ra xử, tuyên hủy hợp đồng mua bán giữa hai bên, buộc ông T. trả lại cho người mua tiền đặt cọc. Theo tòa, phường Rạch Dừa xác định đất của ông T. và nhà lân cận chưa thống nhất được ranh giới…

Bản án bị kháng cáo. Ngày 11-12, TAND tỉnh BR-VT đã tuyên y án sơ thẩm vì án sơ thẩm đã xử như vậy là hợp lý.
Đâu có tranh chấp ranh!
Trong khi phường Rạch Dừa có công văn gửi tòa sơ thẩm nói ranh giới đất đang “chưa thống nhất” thì người được cho là tranh chấp ranh với ông T. lại khẳng định rằng “Hai bên chúng tôi không có tranh chấp ranh giới đất đai gì cả!”. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm tin tưởng công văn của phường hơn!
Đến phiên phúc thẩm thì một lần nữa, “hàng xóm” của ông T. có tờ xác nhận lại là từ trước đến nay họ không có đơn thưa gửi tranh chấp ranh giới đất đai gì với ông T. cả.
Về việc này, tòa phúc thẩm nhận định: có thể từ trước đến nay, “ông hàng xóm” của ông T. không có đơn tranh chấp, song không có nghĩa là trên thực tế không có tranh chấp. Vấn đề là việc không thống nhất ranh giới đất giữa hai nhà đã đến mức và đến lúc phải có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền hay chưa mà thôi.
Tháng 10-2007, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT đã có công văn đề nghị TAND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án của TAND tỉnh BR-VT do thấy việc tranh chấp ranh giữa ông T. và “hàng xóm” là không có thật. Vị này cho rằng việc tranh chấp chỉ là ý kiến chủ quan, thiếu căn cứ của TAND TP Vũng Tàu và sự căn cứ thiếu điều tra của TAND tỉnh BR-VT. Qua công tác giám sát thực tế tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng được ông “hàng xóm” của ông T. khẳng định “không tranh chấp với ông T.”
Hiện ông T. cũng có văn bản khiếu nại lên TAND tối cao nhưng chưa có hồi âm.
Vấn đề đặt ra ở đây là hiểu thế nào về tranh chấp ranh. Có phải khi hai bên gửi đơn “phàn nàn” đến cơ quan chức năng hoặc “lời qua tiếng lại với nhau” thì mới là “có tranh chấp”? Hay là, chỉ cần thấy trên hồ sơ, bản vẽ “có sự không thống nhất” về ranh giới là đã “có tranh chấp rồi”? Liệu hiểu như tòa mới đúng hay hiểu như hai ông hàng xóm và HĐND tỉnh BR-VT mới đúng?
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code