Friday, November 22, 2013

BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ: ĐÒI CƯA KÈO NHÀ HÀNG XÓM

NGUYÊN TRƯỜNG
Cho rằng 20 cây đòn tay nhà ông hàng xóm lấn khoảng 20 cm sang khoảng không của mình, một người dân đã khởi kiện đòi cưa bỏ…
TAND thị xã Bến Tre đã đình chỉ vụ tranh chấp khoảng không giữa ông Phạm Văn Tám, ngụ phường 2 với hàng xóm vì “xét thấy tranh chấp giữa các đương sự đã giải quyết bằng một bản án khác”. Tuy nhiên, ông Tám phản đối rằng ông kiện một đằng, tòa lại đình chỉ một nẻo và kháng cáo.
Tố qua, kiện lại
Năm 2005, ông Tám dỡ căn nhà cũ mặt tiền đường, định xây mới khang trang hơn để phục vụ việc làm ăn. Nhà cũ dỡ xong, vật liệu đã kéo về, giấy phép xây dựng cũng nằm trong tay nhưng giờ chót ông lại gặp trục trặc. Số là ông hàng xóm nhà liền vách đã gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng rút “giấy đỏ” cùng giấy phép xây dựng của ông Tám vì cho rằng mình bị ông Tám lấn đất.
Về nguyên tắc, đất đang tranh chấp thì chưa được xây dựng nên ông Tám phải chờ. Mấy tháng sau, ông hàng xóm tự động rút đơn khiếu nại nhưng ông Tám vẫn không xây nhà được vì cứ rục rịch xây là bị bên kia chửi bới. Bực mình, ông Tám khởi kiện, cho rằng chính mình mới là người bị ông hàng xóm lấn đất.

Sau đó, tòa án hai cấp sơ, phúc thẩm đã xét xử, bác đơn kiện, tuyên giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất của hai bên. Theo nhận định của cả hai cấp tòa, không có chênh lệch lớn giữa thực tế sử dụng so với “giấy đỏ”, do đó không có cơ sở xác định ông hàng xóm lấn đất của ông Tám.
Bó tay dù bị lấn chiếm khoảng không?
Oái oăm ở chỗ là từ lâu ông hàng xóm khi dựng nhà đã làm 20 cây đòn tay lấn ra gần 20 cm trên khoảng không phần đất của ông Tám. Thế nhưng giải quyết tranh chấp về ranh đất, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm lại quên tính tới việc lấn chiếm này. Hệ quả là ông Tám không thể xây nhà lên cao được vì bị các cây đòn tay cùng mái tôn nhà ông hàng xóm án ngữ ngay bên trên.
Ông Tám yêu cầu ông hàng xóm cưa phần đòn tay lấn qua không gian đất ông nhưng ông hàng xóm không chịu. Tháng 9-2007, tại lần hòa giải đầu tiên ở phường, ông hàng xóm đồng ý cắt bỏ phần đòn tay, mái tôn lấn chiếm không gian của ông Tám. Việc này được lập thành biên bản hẳn hoi nhưng sau đó, ông hàng xóm lại bảo biên bản ghi sai ý mình và yêu cầu phường hủy bỏ.
Tòa tuyên giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất của hai bên nhưng lại “quên” tính tới việc một bên lấn chiếm khoảng không, làm bên kia bị thiệt thòi…
Phường tiếp tục hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Tháng 10-2007, TAND thị xã Bến Tre đã thụ lý đơn kiện của ông Tám. Theo đơn, ông yêu cầu ông hàng xóm phải cưa 20 cây đòn tay với chiều dài lấn chiếm gần 20 cm. Tuy nhiên tháng 12-2007, ông Tám đã nhận được quyết định đình chỉ vụ án của TAND thị xã Bến Tre. Theo đó, tòa khẳng định vụ kiện này là tranh chấp ranh đất mà việc này trước đây đã được xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật rồi.
Nhờ cấp giám đốc thẩm?
Ông Tám lập tức kháng cáo, khăng khăng rằng ông không kiện tranh chấp ranh đất mà chỉ kiện đòi lại quyền sử dụng không gian phía trên đất. Theo luật, không ai được lấn chiếm phần không gian trên đất của ông, nay nếu tòa từ chối giải quyết thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông đây?
Theo một thẩm phán TAND thị xã Bến Tre, tòa này chưa đi vào nội dung vụ việc, chỉ đơn giản xét rằng tranh chấp khoảng không của ông Tám cũng là tranh chấp ranh đất mà việc này đã được xét xử rồi nên tòa không giải quyết nữa.
Đồng tình, một luật sư cũng cho rằng “mắc mứu” trong vụ này do lỗi của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xét xử tranh chấp ranh đất của ông Tám trước đây. Lẽ ra khi đó cả hai cấp tòa phải tính tới chuyện ông hàng xóm lấn chiếm không gian của ông Tám nhưng lại bỏ qua, làm ông Tám bị thiệt thòi.
Theo luật sư này, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ông Tám có thể làm đơn khiếu nại, đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm về tranh chấp ranh đất trước đó để giải quyết cụ thể luôn cả phần không gian.
SOURCE: BÁP PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code