Friday, November 22, 2013

ÁP DỤNG PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ TÀI SẢN KHI TUYÊN BỐ KHÔNG CÔNG NHẬN LÀ VỢ CHỒNG


THS. PHAN THỊ VÂN HƯƠNG – Tòa Dân sự TANDTC

Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HN & GĐ) và hướng dẫn tại Mục 2 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận là hôn nhân hợp pháp. Tại mục 5.4.1.4, khoản 5, điểm C, phần thứ 3 của “Sổ tay Thẩm phán” cũng nêu rất rõ văn bản án dụng và các trường hợp không được công nhận là vợ chồng. Luật HN & GĐ có chương III quy định về quan hệ giữa vợ và chồng (trong đó có quy định về chế độ tài sản chung vợ chồng, việc đại diện cho nhau, trách nhiệm liên đới của một bên đối với giao dịch do bên kia thực hiện, tài sản riêng…) và chương X quy định về giải quyết các vấn đề về ly hôn (con cái, tài sản…).
Tuy nhiên, giải quyết các vấn đề về tài sản đối với trường hợp hôn nhân không hợp pháp (hủy hôn nhân trái pháp luật, không công nhận là vợ chồng) thì lại chỉ được quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình (Nghị Quyết 35/2000/QH10): “Kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu cóyêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng;nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết”. Điều 17 Luật HN & GĐ quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau: “…3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”.
Thông qua công tác Giám đốc thẩm các vụ án dân sự, chúng tôi thấy rằng các Tòa án địa phương đã vận dụng pháp luật tương đối tốt để xác định hôn nhân hợp pháp (công nhận thuận tình ly hôn hoặc cho ly hôn) hay hủy hôn nhân trái pháp luật, không công nhận là vợ chồng; việc áp dụng các quy định của Luật HN & GĐ khi giải quyết các vụ án ly hôn (xác định tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng…) là tương đối tốt. Tuy nhiên, đối với các vụ án hủy hôn nhân trái pháp luật, không công nhận hôn nhân hợp pháp lại rất lúng túng khi phải giải quyết các vấn đề tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng. Nhiều bản án phần xét thấy có lập luận không công nhận là vợ chồng, nhưng vẫn sử dụng cụm từ vợ chồng, ly hôn, thời kỳ hôn nhân khi phân tích các sự kiện; vẫn trích dẫn điều luật quy định giải quyết về tài sản chung vợ chồng trong Luật HN & GĐ để giải quyết, hoặc không nắm rõ được các quy định của Bộ luật dân sự để xác định tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng và cách phân chia để bảo đảm quy định tại Điều 17 Luật HN & GĐ.
Ví dụ: Năm 1990 bà Phấn và ông Cầu được gia đình hai bên tổ chức lễ cưới nhưng hai bên không đăng ký kết hôn và sau đó cũng không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo Nghị Quyết 35/2000/QH10. Quá trình chung sống hai bên đã có 2 con chung. Năm 1992 gia đình ông Cầu cho ông bà ra ở riêng trên một mảnh đất của gia đình và ông bà dựng nhà lá để ở, quá trình chung sống có cải tạo nhà, trồng cây ăn trái, mua sắm vật dụng gia đình. Năm 2009, do mâu thuẫn trầm trọng, ông bà có đơn xin ly hôn nhưng không thống nhất được việc phân chia tài sản là nhà, đất nêu trên (ông Cầu cho rằng là tài sản riêng của ông vì cha mẹ cho riêng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2004 đứng tên ông, không có tên bà Phấn; còn bà Phấn xác định là được cha mẹ ông Cầu cho chung nên là tài sản chung và yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bản án sơ thẩm quyết định không công nhận là vợ chồng, nhưng phần xét thấy của bản án lại vẫn sử dụng cụm từ vợ chồng, ly hôn như: “Về phần nợ: trong thời gian chung sống vợ chồng…” ;“Xét thấy khi ly hôn đất vườn anh Cầu được quản lý sử dụng”; vẫn vận dụng các quy định giải quyết về tài sản chung, tài sản riêng của trường hợp ly hôn trong Luật HN & GĐ như “…Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định tài sản riêng của vợ chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…”. Bản án nhận xét vì không được công nhận là vợ chồng nên đất là cha mẹ ông Cầu cho riêng ông Cầu, không phải tài sản chung của vợ chồng nên ông được sở hữu nhà (do 2 bên xây, nên là tài sản chung và mỗi bên được ½) và thanh toán cho bà Phấn ½ giá trị nhà.
Bản án phúc thẩm phần trích yếu vẫn ghi “V/v xin ly hôn”; phần xét thấy nhận xét “Tòa án cấp sơ thẩm không công nhận là vợ chồng là có căn cứ”, nhưng lại ghi “…Xét thấy đây là tài sản chung được cha mẹ ông Cầu cho vợ chồng ông trong thời kỳ hôn nhân nên được xem là tài sản của vợ chồng. Ông Cầu cho rằng đây là tài sản được cha mẹ cho riêng nhưng ông không chứng minh được việc cho riêng trong thời kỳ hôn nhân nên không có cơ sở chấp nhận vì theo quy đinh tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ…Ông Cầu cũng không chứng minh được phần đất trong GCNQSD đất cho ông là tài sản riêng nên căn cứ và Điều 27 Luật HN & GĐ thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng…”.
Trong vụ án trên, theo chúng tôi, khi đã xác định quan hệ của họ không được công nhận là vợ chồng, thì bản án không nên sử dụng từ vợ chồng, thời kỳ hôn nhân… nữa, mà có thể sử dụng cách viết khác như ông bà, thời gian cùng chung sống, tài sản tạo lập trong thời gian sống chung,…Về tài sản chung, không phải trường hợp áp dụng Điều 27 Luật HN & GĐ xác định tài sản tranh chấp có phải tài sản chung của vợ chồng hay không cũng như các Điều luật khác để xác định tài sản chung, tài sản riêng…; mà chỉ có căn cứ theo các quy định tại Bộ luật dân sự về sở hữu chung (căn cứ xác lập tài sản chung như được tặng cho chung, cùng đóng góp công sức để tạo lập… Điều 214, 215, 216 Bộ luật dân sự năm 2005) và phân chia tài sản chung theo các quy định của Bộ luật dân sự (Điều 224) và Điều 17 Luật HN &GĐ mà thôi. Trong vụ án trên, bản án phúc thẩm viện dẫn không chính xác Điều luật áp dụng, như hồ sơ thể hiện đã thu thập chứng cứ về việc cho chung là lời khai của mẹ ông Cầu thừa nhận khi tổ chức lễ cưới có tuyên bố cho ông Cầu, bà Phấn mảnh đất này và đã không có ý kiến gì phản đối khi ông Cầu kê khai, làm thủ tục tách thửa và được cấp GCNQSD đất. Tòa án cấp phúc thẩm cũng thu thập chứng cứ về hồ sơ ông Cầu kê khai xin cấp GCN, trong đó ông có ghi cả tên ông và tên bà Phấn là đồng sử dụng; việc GCN chỉ ghi tên ông Cầu là thiếu sót của UBND. Vì vậy, có căn cứ xác định thửa đất là tài sản do ông Cầu, bà Phấn được cha, mẹ ông Cầu tặng cho chung và việc tặng cho đã hoàn thành (đã nhận tài sản sử dụng, đã đứng tên trên giấy tờ) nên cấp phúc thẩm xác định là tài sản chung và chia cho 2 bên sử dụng, là phù hợp.
Mặc dù để thực hiện Nghị quyết 35/2000/QH, ngày 22/10/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP quy định chi tiết về đăng ký kết hôn có quy định chi tiết về đăng ký kết hôn đối với các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, tuy nhiên trên thực tế, số cặp nam nữ đến thực hiện việc đăng ký kết hôn lại không nhiều. Do đó, từ sau ngày 01/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì cho dù họ có thừa nhận là vợ chồng đi nữa, khi thụ lý giải quyết Tòa án vẫn phải tuyên bố không công nhận là vợ chồng và theo thống kê thì loại án này ngày càng tăng và chiếm khoảng 10% số vụ án về hôn nhân và gia đình. Không ít vụ đương sự có tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng…như tranh chấp trong các vụ án ly hôn, thì Tòa án vẫn phải giải quyết và gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc khi áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ. Nhiều bản án vẫn viện dẫn các quy định của Luật HN & GĐ để giải quyết các quan hệ này và về cơ bản, chúng tôi thấy trong nhiều vụ án việc áp dụng Luật HN & GĐ giải quyết cũng đã bảo đảm được quyền lợi của người phụ nữ hơn là áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.
Luật HN & GĐ năm 2000 đang trong quá trình nghiên cứu toàn diện để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Để bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất pháp luật, đồng thời bổ sung hoàn thiện các quy định của Luật HN & GĐ, chúng tôi đề nghị ngành Tòa án cần có nghiên cứu tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án không công nhận là vợ chồng và việc giải quyết về tài sản chung-riêng, nợ chung-riêng…và những vấn đề liên quan đến Điều 17 Luật HN & GĐ.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code