MAI NINH
Gần 50 năm qua,
nhiều hộ gia đình trong tổ dân phố 3, phường 3, thị xã Bạc Liêu cùng sử
dụng chung đường thoát nước. Ấy thế, vào tháng 4-2008 qua, TAND thị xã
Bạc Liêu lại xác định đó là tài sản riêng của một hộ gia đình. Cả khu
dân cư đang có nguy cơ không có đường thoát nước.
Đất chung bỗng thành đất riêng
Theo phản ánh của người dân, đường thoát nước trên đã
có từ những năm 1960 và nằm giáp ranh giữa nhà ông Quách Châu (số 82C
Lý Thường Kiệt) và nhà bà Bùi Thị Hải Yến (số 82). Năm 1994, sau một
thời gian dài sử dụng chung và không có mâu thuẫn gì, các hộ gia đình
còn hùn tiền để cải tạo, đổ bê-tông kiên cố.
Khi cấp giấy tờ nhà, đất cho ông Châu, các cơ quan
chức năng đều xác định rõ vị trí của đường thoát nước, đồng thời ghi
nhận đó là tài sản của cộng đồng. Bất ngờ, cuối năm 2007, bà Yến cho xây
tường rào quây luôn đường thoát nước và tuyên bố đó là đất của mình.
Khi bị các hộ gia đình phản đối, bà quay sang khởi kiện ông hàng xóm và
yêu cầu tòa án xác định ai có quyền sử dụng đất trên.
Trong biên bản hòa giải, bà Yến khai rằng gia đình bà
chuyển đến ở tại địa chỉ trên từ năm 1956. Tuy nhiên, theo một người đã
sinh sống lâu năm tại khu vực (nhà số 29 Lê Lợi), gia đình ông đã ở căn
nhà trên cho đến năm 1963 mới chuyển đi, trước khi gia đình bà Yến dọn
tới ở.
Một chủ hộ ở phía sau nhà bà Yến (nhà số 69 Bà Triệu)
cho biết: Trước kia, theo tập quán của người Nam bộ, nhà bà Yến có
trồng một cây dừa sát cạnh đường thoát nước để xác định ranh giới đất
nhà mình. Cách đây vài năm, bà Yến đã chặt cây dừa nói trên và đốt gốc
đi.
Ông Hồng Hán Thêm, tổ trưởng tổ dân phố từ năm
1979-1985, cũng xác nhận đường thoát nước trên là đường thoát nước công
cộng, đã được nhiều người dân thừa nhận từ lâu đời.
Xử lý sao cho thỏa đáng?
Phía bị đơn là ông Quách Châu cho biết: “Tôi không hề
tranh chấp với bà Yến về quyền sử dụng đường thoát nước vốn là ranh
giới giữa hai căn nhà. Trước đây tôi chỉ đặt nhờ một số lu chứa nước
trên đường thoát nước chứ chưa bao giờ nói nó thuộc quyền sử dụng của
mình”.
Cũng theo ông Châu, trước khi mở phiên xử sơ thẩm,
tòa có khảo sát, đo đạc diện tích đất thực tế. Tuy nhiên, đoàn khảo sát
lại sử dụng cây thước thiếu khoảng 10 cm nên số liệu đo không chính xác.
Biên bản cũng không mời người làm chứng ký xác nhận. Điều này dẫn tới
việc diện tích đất hiện tại của bà Yến dư hơn 17 m2 so với diện tích ghi
trong “giấy đỏ” mà bà được cấp năm 2000.
Đáng nói là căn cứ vào biên bản trên, Phòng Tài
nguyên và Môi trường thị xã Bạc Liêu đã ra công văn xác định “đường
thoát nước nằm trên phần đất thuộc quyền sử dụng của hộ bà Yến đã được
cấp giấy chứng nhận”. Ông Châu không hài lòng: “Nếu đúng vậy, hóa ra
những gì nhà nước đã công nhận trên “giấy đỏ” và các giấy tờ khác của
tôi từ năm 1989 hết giá trị? Giấy cấp sau hàng chục năm bỗng có giá hơn
giấy cấp trước?”.
Khoản 1 Điều 265 Bộ luật Dân sự quy định: “Ranh giới
giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận của các chủ
sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh
giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn
tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp”. Khoản 3 Điều 265 Bộ
luật Dân sự cũng quy định: Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương,
hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì
ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.
Nếu đúng là đường thoát nước trên (tức ranh giới đất
giữa nhà bà Yến với nhà ông Châu) đã tồn tại hơn 50 năm qua và bà Yến đã
“xâm phạm” ranh giới đó, bản án sơ thẩm nêu trên rất cần được xem xét
lại theo trình tự phúc thẩm.
0 comments:
Post a Comment