Friday, November 22, 2013

NHÂN NGÀY 20/11: MỘT CÁCH LÝ GIẢI VỀ SỰ HỌC VÀ TÌNH THẦY TRÒ

LẠI NGUYÊN ÂN
Lâu nay trong xã hội ta, nhất là trong đời sống ở các đô thị, đề tài về sự ứng phó với giới nhà giáo không còn chỉ là chuyện của học sinh sinh viên mà đã thành mối bận tâm thường trực của các bậc cha mẹ, của toàn xã hội. Những gương giáo viên tận tụy với nghề thì vẫn có, song, những lời kêu ca từ cha mẹ học sinh về những khoản đóng góp có tên và không tên cho nhà trường và thầy cô, những tin tức về mua điểm, về chạy lớp chạy trường, v.v…lại nổi trội hơn. Lương giáo viên nhìn chung vẫn thấp nhưng không ít thầy cô đã giàu hẳn lên, nhờ những nguồn thu ngoài lương như luyện thi hoặc tham gia các vụ chạy điểm chạy trường chạy lớp…
Trong mắt người dân, nhất là dân đô thị, nghề giáo viên từ chỗ là nghề  “ốm  đói”, “lương ba cọc ba đồng”, trở nên nghề dễ kiếm tiền, và do đó trở nên nghề cao giá hơn trước, nhưng trong cư dân cũng thấy giảm dần niềm tin vào tính mô phạm, vào đức độ của giới nhà giáo; khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” thường gặp nơi khuôn viên các trường học, đang lộ ra những nét mỉa mai…
Vậy thì nên nghĩ thế nào về người thầy, về nghề giáo viên? về quan hệ thầy trò trong đời sống hiện tại?
Tôi muốn nêu lại một sự lý giải − mà theo tôi rất đặc sắc tuy không dễ nghe − về sự học và về điều vẫn được gọi là “tình thầy trò” trong xã hội.
Sự lý giải này là của Phan Khôi (1887-1959), một tác gia vốn nổi tiếng về sự thẳng thắn, “thiết diện vô tư” trong ngôn luận.
Quan hệ thầy trò nảy sinh là do ở xã hội con người nảy sinh sự học, − tức là hoạt động   tiếp nhận, đào luyện tri thức và kỹ năng; “sự học” trong ý niệm của các lớp người trước  còn mang nghĩa rộng hơn, trỏ hoạt động học thuật, tức là hoạt động nghiên cứu, phát minh, sáng chế, bổ sung và làm giàu các nguồn tri thức và kỹ năng.
Ở nước ta, sự học xuất hiện từ việc tiếp nhận chữ Hán và Khổng giáo, − hai thứ ban đầu không tách rời nhau. Sự kiện Sĩ Nhiếp, một viên Thái thú do triều đình phương Bắc cử đến trị nhậm đất này, được hậu nho người Việt tôn xưng “Nam Giao học tổ”, là minh chứng về nguồn gốc nêu trên của sự học ở nước ta. Nền học thứ nhất hiện hữu trên đất Việt suốt gần hai ngàn năm chính là Hán học (ch Hán, Khổng giáo, văn hoá Hán); chỉ từ cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện nền học thứ hai, được gọi là “Tây học” (ngày nay hẳn có những người muốn gọi khác đi tuy chưa thấy ai quyết liệt lên tiếng).
Trong một bài viết đăng báo năm 1931, Phan Khôi lưu ý rằng cái mà ở ta gọi là “Hán học” hoặc “Nho học” đó vốn có hai phương diện khác nhau:
“Một là cái học về nghĩa lý, tức là cái học của thánh hiền; một nữa là cái học về từ chương khoa cử, cũng kêu là tục học. Hồi Khổng Mạnh bắt đầu đề xướng ra, nguyên chỉ có cái học nghĩa lý mà thôi; đến sau lần lần một ngày một sai đi, mới thành ra cái học từ chương khoa cử”. (1)
Theo Phan Khôi, “cái học nghĩa lý” bao gồm: một phần lớn là cái mà ngày nay gọi là triết học, “xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là cái cần thiết cho sự sống của loài người”, (1)  bên cạnh đó có một phần là cái học tu thân, “dạy về sự làm người cho đúng đắn”, (1)  và một phần nữa là cái học kinh tế, “dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ”; (1)  ngoài ra, tất cả những lĩnh vực tri thức mà người xưa gọi là “kinh học”, “sử học”, “lý học”, “đạo học”, v.v…, theo Phan Khôi, đều thuộc “cái học nghĩa lý”.
Từ triều Hán trở đi, các vua Trung Quốc dùng khoa cử để chọn người cho bộ máy cai trị.
“Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày mỗi sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nói luôn là từ chương khoa cử”. (1)
Ở Trung Quốc suốt thời trung đại, − Phan Khôi nhận xét, − thời nào số đông sĩ phu cũng chuộng cái học khoa cử nhưng thời nào cũng vẫn có không ít người theo đuổi cái học nghiã lý. Có những người vẫn theo đuổi mục tiêu thi đậu làm quan đồng thời “còn muốn cái thân của mình có quan hệ đến xã hội đời sau, muốn vậy thì duy có gieo mình vào cõi học mới được; cho nên có nhiều người đã làm đến bậc đại thần, công danh rực rỡ, mà cũng còn chen chân vào đám học giả mới nghe”.(1)Lại có “những người cả đời theo học vấn mà nhất định không thèm thi cử, không thèm tranh cái danh tầm thường với đời, chỉ chăm một đường khảo cứu trước thuật, hiến thân cho sự học”.(1) Tóm lại, “sĩ phu dầu bị cái học khoa cử làm hư đi cũng nhiều, song cái học nghĩa lý của thánh hiền đời xưa vẫn không đến nỗi mờ tối” (1)  – đó là nhận xét của Phan Khôi về Nho học hay là cái học cổ truyền ở Trung Quốc thời cổ và trung đại.
Chính Hán học là nền học thứ nhất đã từ Trung Quốc truyền vào nước ta. Hán học ở Việt Nam thời Bắc thuộc, theo Phan Khôi, tựu trung mới chỉ là lối giáo dục “chấm câu”(tức là lối dạy lối học qua loa, giống như bài văn chỉ chấm câu mà không khuyên điểm),
“cái học nghĩa lý của thánh hiền thật chửa thấm khắp trong óc người mình chút nào”.
“Học “chấm câu” như vậy non ngàn năm, đến lúc nước mình độc lập, lại vội vàng lập ra ngay phép khoa cử. Từ đó Hán học ở nước ta chỉ biết có từ chương khoa cử mà thôi, không hề biết đến cái học nghĩa lý.
Theo lịch sử Việt Nam thì có hai thời kỳ mà người ta cho là Nho học rất thịnh, là hồi triều Lê và triều Nguyễn […] Nhưng thịnh đó là chỉ thịnh về đằng từ chương khoa cử; nếu bảo rằng Nho học thịnh thì oan cho Nho học lắm, vì Nho học tức là cái học nghĩa lý, mà ở nước ta nó hầu như không có” (1)
Nguyên nhân tình trạng lệch lạc này trong sự học ở nước ta, theo Phan Khôi, là quan niệm của người nước ta  về sự học.
“Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa”.(1)
Quan niệm này, theo Phan Khôi, vẫn còn được người nước mình duy trì trong nền học mới, tức Tây học:
“Hiện ngày nay Tây học cũng chia làm hai như vậy; một cũng là cái học nghĩa lý; một nữa lại là cái học “kiếm cơm”. Nếu ngày nay ta chỉ chuyên theo cái học kiếm cơm thì nó cũng sẽ di họa cho ta như cái học từ chương khoa cử ngày xưa vậy”.(1)
Nhận định như trên về nguồn gốc và đặc tính sự học ở nước ta của  Phan Khôi là  nhất quán với (và là cơ sở cho) nhận định về quan hệ thầy trò, − điều mà ông đề cập trong một bài khác, cũng đăng báo năm 1931.
Không chiếm riêng một “luân” nào trong “ngũ luân” của Khổng Mạnh (quân thần; phụ tử; phu phụ; huynh đệ; bằng hữu), quan hệ thầy trò chỉ thuộc về luân “bằng hữu”, nhưng từ xưa vẫn được xem trọng. Ba đấng “quân, sư, phụ” (vua, cha, thầy) được người ta thờ kính như nhau. Cái nghĩa của quan hệ này được gói trong sự “thi” và “báo”: thầy thi ân, ban ơn tác thành (về học vấn, về năng lực, phẩm cách…) cho trò, trò báo đáp cái ơn tác thành ấy của thầy; hai hành vi của hai phía là tương ứng, tuỳ thuộc lẫn nhau.
Ở ngọn nguồn của Nho học, thầy dạy trò không chỉ bằng sách vở, tư tưởng, mà còn bằng chính con người mình.
“Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác”.(2)
“Sự tương tri tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bậu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi” (2)
Những quan hệ như giữa thầy Khổng Tử với trò Nhan Uyên thời cổ đại, giữa trò Phí Mật (1625-1701) với thầy Tôn Kỳ Phùng (1585-1675) thời trung đại mà nét đặc trưng là sự tương tri tương đắc với nhau về học thuật và đạo lý, được Phan Khôi nêu ra như hai ví dụ về tình thầy trò trong “cái học nghĩa lý”, “cái học của thánh hiền”.
Ở thế giới hiện đại, có lẽ chỉ có quan hệ giữa người phát kiến, đề xướng một xu hướng, một trường phái, một lý thuyết, một phương pháp, v.v…với những môn đồ kế thừa và phát triển chúng, − mới có sự tương ứng phần nào với quan hệ “sư đệ” trong cái học nghĩa lý xưa kia, như Phan Khôi hình dung.
Tuy nhiên, theo Phan Khôi, cũng ngay từ xa xưa,
“Sau đức Khổng, trong cõi học bị văn chương khoa cử choán mất rồi thì đạo thầy trò cũng kém xưa. Lúc bấy giờ chỉ là mấy anh thợ làm văn truyền nghề cho những thợ bạn của mình, chớ không còn phải là thầy trò. Không có cái hoài bão cao, đạo đức lớn nêu ra, thì lấy đâu có được sự tương tri tương đắc? Anh thợ làm văn ấy chết thì còn thiếu chi anh thợ làm văn khác; có điều đã theo Nho giáo thì cũng làm ra bộ tâm tang cho có, chớ thiệt tình, trong lòng họ chẳng có cái gì là cái vết thương. Hồi nhà Đường, Hàn Dũ than thở mà nói đời nay không còn sư đạo nữa, thật không phải là quá đáng vậy”.(2)
Quan hệ thầy trò trong lối học khoa cử, theo Phan Khôi, là khác hẳn quan hệ ấy trong cái học nghĩa lý,
“Vì trong cái học nầy, thầy chỉ dạy cho trò làm văn hay để thi đậu làm quan mà thôi; so với bên kia vì nghĩa, bên nầy vì lợi, không thể đồng nhau”. (2)
Nhận định về sự học ở nước ta từ khi du nhập Hán học, Phan Khôi cho rằng:
“Nói đến sự thầy trò nước ta thì phải thú thật rằng chưa hề có thứ thầy trò như Khổng Tử với Nhan Uyên, Tôn Kỳ Phùng với Phí Mật, mà đều là hạng thầy trò trong cái học khoa cử cả”. (2)
Thời kỳ khoa cử Hán học còn thịnh tại Việt Nam, ở các trường cuả các thầy đồ, học trò thường lập những hội “đồng môn”: các hội này có vốn, có hoạt động làm cho vốn sinh lợi, trước để cung cấp nhu cầu đời sống cho thầy, sau cũng chi phí cho sự vãng lai thù tạc trong đám trò với nhau. Nhiều hội đồng môn làm nhà cho thầy, đặt đất hương hoả cho thầy, và sau khi thầy mất thì giữ ngày cúng giỗ như giỗ cha mình vậy. Tục lệ này được xem là một cái tục rất hậu.
“Người ta cho là tục hậu; hậu thật. Nhưng tôi xin hỏi: cái tục ấy có ích gì cho đời không? Có ảnh hưởng gì đến học giới không? Hỏi sao từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ra ròng những quan lớn? Thầy tác thành ra một đống quan lớn nên người được tác thành đền đáp như vậy cũng phải; song xét kỹ thì chỉ là lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại đó thôi, chớ có gì đâu mà khen ngợi trầm trồ!” (2)
Rất có thể có không ít người trong hoặc ngoài giới nhà giáo, cả trong thời Hán học xưa kia lẫn trong học chế ngày nay, không tán đồng sự phân tích nêu trên của Phan Khôi. Tuy nhiên, bình tĩnh lại, ta sẽ thấy sự phân tích ấy khá phù hợp với lẽ phải.
Hãy tạm gác lại chuyện “học” trong các nhóm phái văn hoá hay khoa học thời hiện đại.
Ta hãy chỉ nói đến sự học ngày nay ở hai hệ thống: phổ thông và chuyên nghiệp (đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề); sự học ở đây rất hợp với chữ “tục học” mà Phan Khôi đã gọi tên. Ở hai hệ thống này, cả hai thành phần là người họcngười dạy đều tham gia hoạt động giáo dục theonguyên tắc lợi ích.
Người học (học sinh, sinh viên, học viên…) tham gia hoạt động giáo dục để được trang bị những tri thức và kỹ năng nhất định; chính vì lợi ích ấy, người học phải đóng góp tài chính để góp phần tạo nguồn kinh phí  trả  lương cho người  thầy, trang trải phí tổn và  duy trì cơ sở đào tạo, v.v.
Người dạy tham gia hoạt động giáo dục với tư cách người hành nghề. Dạy học là một nghề trong các loại nghề. Những phẩm chất như trình độ tri thức (về lĩnh vực mình giảng dạy), nhân cách đạo đức, v.v…, cần được xem như những điều kiện cần có để được phép hành nghề.
Nguyên tắc lợi ích vừa nói ở trên chính là cơ sở của các hoạt động giáo dục đào tạo trong đời sống hiện đại; nguyên tắc ấy hoàn toàn tương ứng với nguyên tắc “lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại” mà Phan Khôi rút ra từ thực chất của cái học khoa cử thời xưa. Nhưng sự “thi”(ban ơn) và “báo” (đền ơn) song phương ở quy mô cá nhân hoặc nhóm nhỏ xưa kia (một ông thầy với nhóm “hội đồng môn” gồm các thế hệ học trò từng thụ giáo ông ta), trong hoạt động dạy và học ngày nay, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội; người dạy thực thi việc truyền thụ kiến thức và kỹ năng là ở quy mô xã hội, tuy người ấy dạy cho những người học cụ thể; người học trả công cho người dạy thông qua lệ phí, học phí đóng cho nhà trường hoặc cơ sở đào tạo, tức là thông qua những “đại lý” của ngành giáo dục và đào tạo; những dạng thức “báo đền” trực tiếp (quà biếu, tiền bạc…) đều là dấu hiệu “có vấn đề”.
Sự học trong đời sống hiện đại đã vận hành theo nguyên tắc lợi ích, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội như vậy, thiết tưởng ta cũng nên hiện đại hoá quan niệm về quan hệ thầy trò. Đó chỉ nên xem là quan hệ chuyển giao tri thức và kỹ năng giữa con người với nhau, một sự chuyển giao đã được tổ chức thành những thiết chế xã hội. Những tri thức hoặc kỹ năng được chuyển giao đó không phải là vốn riêng, sở hữu riêng của người “giao” (= người dạy) mà là vốn chung, sở hữu chung của cộng đồng (nhân loại, dân tộc). Quan hệ tình cảm giữa lớp người “giao” và lớp người “nhận” là có, có một cách tự nhiên, nhưng không nên thần thánh hoá vai “thầy” và chế định ra những bổn phận quá đáng cho vai “trò”. Những quan niệm thông tục cũ, từng được đúc vào những mệnh đề như “nhất tự vi sư bán tự vi sư” (= người dạy cho mình một chữ hay nửa chữ, mình cũng phải xem là thầy), cần được coi như những định kiến hạn hẹp. Ngay khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”, vốn là châm ngôn của Nho học, cũng không diễn đạt đúng tinh thần “vừa dạy kiến thức vừa làm hình thành nhân cách” của nhà trường hiện đại.
Trong đời sống hôm nay, học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời; ai cũng phải học và ai cũng có thể truyền thụ cho người khác được ít ra là một vài hiểu biết hay kỹ năng nào đó. Vậy mà, mỗi người chuyên làm nghề dạy học chỉ có thể “làm thầy” ở một môn học nào đó, trong một thời điểm nào đó, và cũng phải thường xuyên cập nhật những cái mới trong chuyên môn của mình thì mới duy trì được vai trò nghề nghiệp của mình; tức là trong thực chất, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp.
Ở đời sống hiện đại có rất ít bậc thầy đúng nghĩa, ở đời sống hiện đại không tồn tại thánh hiền.
Quan hệ thầy trò thời nay, thiết nghĩ, nên đặt trên một quan niệm thoáng như thế.
Chú thích:
(1) Phan Khôi (1931), Hán học ở bên Pháp (Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris) // Đông tây, Hà Nội, s. 74 (23.5.1931), s. 75 (27.5.1931), s. 76 (30.5.1931). Xem: Phan Khôi , Tác phẩm đăng báo 1931 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006 (sách đang in).
(2) Phan Khôi (1931), Thầy trò đời nay với thầy trò đời xưa // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.98 (3.9.1931). Xem: Phan Khôi,Tác phẩm đăng báo 1931 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm VH&NN Đông Tây, Hà Nội, 2006 (sách đang in).
SOURCE: PHEBINHVANHOC.COM.VN

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code