Monday, November 25, 2013

TRANH CHẤP LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG VAY: NGÂN HÀNG CÓ QUYỀN TỰ Ý TĂNG LÃI SUẤT CHO VAY?


The-Thinker ÁI PHƯƠNG
Tuy hợp đồng ấn định mức lãi suất 0,88%/tháng nhưng viện lẽ mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, ngân hàng đã nâng lên 1,75%/tháng.
Cần tiền cho con đi du học, ông Nguyễn Thành Kham (cư xá Chu Văn An, quận Bình Thạnh) đã làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần X.
Chỉ giải ngân với lãi suất cao
Theo hợp đồng tín dụng được ký vào ngày 2-11-2007, Ngân hàng X đồng ý cho ông Kham vay gần 400 triệu đồng, thời hạn giải ngân tối đa đến hết ngày 31-12-2008. Lãi suất cho vay là 0,88%/tháng và mức lãi suất này là cố định trong thời gian 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Ngân hàng đã làm thủ tục xuất tiền cho ông Kham (còn gọi là giải ngân) làm hai đợt với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Đến 12-6, khi ông Kham đề nghị giải ngân hơn 200 triệu đồng còn lại thì ngân hàng lại cho biết mức lãi suất mới là 1,75%. Ông Kham thắc mắc thì được trả lời: “Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay bình quân đang áp dụng là 1,75%/tháng. Nếu cần giải ngân gấp thì khách hàng phải chịu mức này”.
Ngày 18-6, để kịp đóng học phí cho con, ông Kham đành chấp nhận điều kiện trên của ngân hàng. Tính ra, ngoài việc phải chịu mức lãi suất cao hơn so với hợp đồng, ông Kham còn bị thiệt hơn 15 triệu đồng do tỷ giá VND/USD tăng so với ngày 12-6. Ông yêu cầu ngân hàng phải khắc phục thiệt hại này cho ông, đồng thời phải làm đúng như hợp đồng ban đầu về mức lãi suất cho vay.
Ông Kham giãi bày: “Nếu như ngân hàng chịu bàn bạc để đi đến thống nhất mức lãi suất mới với tôi thì tôi sẵn sàng chia sẻ. Trong hợp đồng cũng quy định: “Nếu có tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng, hai bên sẽ thương lượng để có biện pháp giải quyết thích hợp”. Đằng này, cách làm của ngân hàng khiến tôi cảm thấy mình bị ép…”.
Vi phạm hợp đồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Ngân hàng X cho rằng: “Chúng tôi không vi phạm hợp đồng đã ký với ông Kham. Sở dĩ ngân hàng từ chối giải ngân vào ngày 12-6 là do chưa thu xếp được nguồn vốn giá thấp. Nên lưu ý, Điều 2 hợp đồng đã quy định: “Theo yêu cầu của bên vay và khả năng nguồn vốn của ngân hàng, số tiền cho vay sẽ được ngân hàng giải ngân theo hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ”. Cũng cần nói thêm, thời hạn giải ngân kéo dài đến 31-12-2008 nhưng trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, ngân hàng không hề thu phí để duy trì hạn mức. Với những khách hàng khác, ngân hàng đều làm việc lại và họ đều chấp nhận mức lãi suất mới”.
Đại diện Ngân hàng X khẳng định: “Ngân hàng sẽ không chấp thuận yêu cầu của ông Kham về việc áp dụng mức lãi suất 0,88%. Đồng thời, việc tỷ giá tăng gây thiệt hại cho ông Kham là do điều kiện khách quan, không phụ thuộc vào sự điều chỉnh của ngân hàng. Ngoài ra, ông Kham đã đồng ý ký vào khế ước nhận nợ ngày 18-6 với lãi suất 1,75%, sao nay còn đòi điều chỉnh?”.
Khách hàng có quyền kiện ngân hàng?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét: Việc ngân hàng đơn phương nâng mức lãi suất có thể được xem là vi phạm hợp đồng. Lý do “chưa thu xếp được nguồn vốn giá thấp” chỉ là cái cớ thoái thác. Khoản tiền hơn 200 triệu đồng trong lần giải ngân cuối cùng là một phần giá trị của hợp đồng tín dụng đã ký, không thể tách rời nên lẽ ra ngân hàng cần áp dụng mức lãi suất như đã cam kết”. Tuy nhiên, do ông Kham đã ký vào khế ước nhận nợ, thể hiện sự đồng ý về lãi suất mới nên bây giờ không có cơ sở để khởi kiện.
Cũng theo luật sư Hậu, cách hành xử của ngân hàng X không sòng phẳng. Đối với các trường hợp khách gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, khi chưa đến hạn thì ngân hàng đâu có nâng lãi suất lên cho họ, vậy tại sao lại nâng lãi suất cho vay khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực?
Không tăng lãi suất đối với các hợp đồng đã ký kết trước ngày 19-5-2008. Ngày 16-5, Ngân hàng nhà nước đã có công văn quy định lãi suất cơ bản bằng đồng VN là 12%/năm; đồng thời cũng quy định lãi suất kinh doanh của các ngân hàng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức là 18%/năm (tương đương 1,5%/tháng). Căn cứ vào quy định mới này, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tuy khách hàng không đồng ý. Ngày 4-6, Ngân hàng nhà nước đã có Văn bản 5004 xác nhận: Đối với các hợp đồng tín dụng ký kết trước ngày 19-5, các bên tiếp tục thực hiện những nội dung đã ghi trong hợp đồng.
(Tên của bài viết thay đổi do civillawinfor)
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code