Saturday, November 23, 2013

“GIẢI THÍCH PHÁP LUẬT”: TOÀ ÁN TỐI CAO VỚI TƯ CÁCH LÀ CƠ QUAN THẨM ĐỊNH TÍNH HỢP HIẾN


A.E. DICK HOWARD

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ban hành nguyên tắc của chế độ bảo hiến – quyền quyết định tính hợp hiến trong các đạo luật – ngay trong một trong những phán quyết đầu tiên của Tòa. Một chuyên gia pháp lý nổi tiếng đề cập tới việc thực hiện chế độ bảo hiến của Tòa trong suốt 220 năm lịch sử của Tòa, trong đó có nhiều ví dụ từ thế kỷ XIX tới nay. Dù Tòa có nhiều phán quyết trong các vụ án cụ thể, song tác giả kết luận rằng “Vai trò đảm bảo chế độ pháp trị của Tòa đòi hỏi phải có sự nhất trí rộng rãi của người dân Hoa Kỳ”.
A.E. Dick Howard là Giáo sư Luật và Hành chính tại White Burkett Miller kiêm Giáo sư Luật tại Trung tâm Nghiên cứu Roy L. và Rosamond Woodruff Morgan, Đại học Virginia tại Charlottesville. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực luật hiến pháp và Tòa án Tối cao. Từ năm 1985 đến 1992, ông là chủ tịch Hội đồng 200 năm Hiến pháp Hoa Kỳ tại Đại học Virginia.

Những người soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng văn bản này sẽ được coi là luật của các loại luật. Điều VI quy định Hiến pháp và các đạo luật “được ban hành theo Hiến pháp này” (cũng như các điều ước) sẽ là “Luật tối cao của quốc gia”. Các nhà soạn thảo Hiến pháp cũng trao quyền, tại Điều III, cho một Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập. Liệu hai điều khoản này, cùng được viện dẫn, có tạo điều kiện cho Tòa án Tối cao quyền hạn bác bỏ các văn bản luật, trong đó có các đạo luật của Quốc hội, được coi là mâu thuẫn với Hiến pháp hay không?

Nếu như các nhà soạn thảo Hiến pháp đã có chủ trương rõ ràng tại Hội nghị lập hiến năm 1787 tại Thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania rằng chính quyền liên bang mới cần phải có một ngành tư pháp thì họ lại dành rất ít thời gian để cân nhắc “quyền tư pháp” sẽ có phạm vi đến chừng mực nào. Họ dành thời gian nhiều hơn để tranh luận về quyền hạn mà chính quyền liên bang mới có thể có, cơ cấu của Quốc hội liên bang, việc cân bằng quyền lực giữa tiểu bang và liên bang và bản chất của cơ quan hành pháp liên bang mới. Khi Hiến pháp dự thảo được chuyển tới một số tiểu bang để thông qua thì các cuộc tranh luận về phê chuẩn lại tập trung chủ yếu vào các mối quan tâm về quyền lực của liên bang nói chung – và về việc thiếu một tuyên ngôn nhân quyền.

CHẾ ĐỘ XEM XÉT LẠI BẢN ÁN

Ở cấp tiểu bang, chế độ xem xét lại bản án – quyền của một tòa án tuyên bố một đạo luật là không hợp hiến – chỉ xuất hiện trong những năm đầu tiên mới thiết lập chế độ cộng hòa. Tư tưởng dân chủ thì nhấn mạnh tới vai trò của các cơ quan lập pháp là thể chế đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhưng người Mỹ đã sớm phát hiện thấy các cơ quan lập pháp của họ, cũng giống như những ông hoàng hoặc quốc hội, có thể sẽ đe dọa quyền con người và quyền tự do của họ. Vì lẽ đó, cùng với tư tưởng tam quyền phân lập và nguyên tắc kiểm soát và cân bằng, chế độ bảo hiến đã trở thành trụ cột đảm bảo tính tối thượng của hiến pháp.

Ở cấp độ liên bang, chính Chánh án John Marshall là người đã tuyên bố công khai quyền xem xét lại theo thủ tục tư pháp của Tòa qua vụ Marbury kiện Madison (1803). Bằng ngôn từ nổi tiếng – sau này thường được viện dẫn trong các vụ án – Marshall đã tuyên bố “Trách nhiệm và bổn phận chính của cơ quan tư pháp là giải thích luật”. Và ông kết luận rằng bổn phận đó thậm chí bao hàm quyền của các tòa án được bác bỏ các đạo luật của Quốc hội nếu những đạo luật này bị phát hiện trái với Hiến pháp.

Mãi tới khi nổ ra cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865), tư tưởng hiến pháp của Tòa án Tối cao phần lớn tập trung vào các vấn đề xây dựng liên bang. Tuyên ngôn Nhân quyền, bổ sung vào Hiến pháp 1791, chỉ áp dụng với các đạo luật của liên bang chứ không phải của tiểu bang. Tuy nhiên, sau nội chiến, việc thông qua điều bổ sung sửa đổi thứ 14 đã buộc các bang không được tước bỏ quyền của bất cứ người nào được xét xử hoặc bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Theo thời gian, các quy định này đã trở thành nền tảng cho nhiều hoạt động lớn của Quốc hội (chẳng hạn Tuyên ngôn Dân quyền năm 1964) và là nền tảng pháp lý của ngành tư pháp (trong đó có phán quyết năm 1954 trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục tuyên bố phân biệt chúng tộc trong các trường công là vi phạm hiến pháp).

Trong các thập niên đầu thế kỷ XX, Tòa án Tối cao thường được coi là cơ quan bảo vệ tài sản và các doanh nghiệp trước các đạo luật cấp tiến. Chẳng hạn vào năm 1905, Tòa đã bác bỏ một đạo luật của tiểu bang New York giới hạn số giờ làm việc của những người làm bánh mì trong một ngày và tuyên bố những quy định như vậy là “sự can thiệp trắng trợn” vào quyền của các cá nhân. Cách nhìn nhận như vậy của ngành tư pháp đã khiến cho Tòa án Tối cao lâm vào thế mâu thuẫn với chương trình Phát triển kinh tế mới của Tổng thống Franklin Roosevelt trong những năm 1930. Trước nguy cơ “Tòa bị siết chặt thêm” – đề án tăng thêm số lượng thẩm phán tại Tòa – các thẩm phán đã đổi hướng và tôn trọng hơn các đạo luật cải cách kinh tế và xã hội của tiểu bang và liên bang.

Ngày nay, Tòa án Tối cao xem xét một số lượng lớn các vấn đề khác nhau. Đôi khi người ta còn gọi Hoa Kỳ là “xã hội nhiều kiện tụng”. Tất nhiên người Mỹ dường như đã khéo léo biến những tranh chấp thành các cuộc đua tài trước tòa – một đặc điểm mà Alexis de Tocqueville, người quan sát tài tình những đặc thù của Hoa Kỳ, đã bình luận ngay từ thế kỷ XIX. Trong thập niên 1960 khi Earl Warren là Chánh án, Tòa án Tối cao đã theo đuổi một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Tòa đã phán quyết mỗi người một phiếu bầu (đảm bảo tới mức cao nhất mỗi khu vực cử tri có số dân bằng nhau) là nguyên tắc trong bầu cử các thành viên của cơ quan lập pháp. Tòa cũng áp dụng hầu hết thủ tục tố tụng đảm bảo Tuyên ngôn Nhân quyền tại tất cả các tiểu bang, ủng hộ phong trào dân quyền và mở đường cho việc thực hiện quyền riêng tư và tự quyết đã quy định trong Hiến pháp. Cho dù một số thẩm phán do các Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa bổ nhiệm chủ trương “hạn chế ngành tư pháp” song Tòa án Tối cao vẫn tự tin giải quyết nhiều vấn đề đại sự quốc gia.

Vậy Tòa án Tối cao có vai trò gì trong cuộc sống của người dân Hoa Kỳ? Một trong những nhiệm vụ chủ chốt của Tòa là đóng vai trò phân xử trong hệ thống liên bang. Chưa có vấn đề nào thu hút sự quan tâm của các nhà soạn thảo Hiến pháp tại Philadelphia nhiều bằng việc trao quyền hạn tương xứng cho chính phủ liên bang trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của các tiểu bang. Do đó, Tòa án Tối cao thường xuyên được yêu cầu quyết định xem một đạo luật hay quy định của liên bang có cản trở hoạt động của tiểu bang hay không. Tương tự như vậy, người ta cũng thường yêu cầu Tòa phân xử liệu một đạo luật của tiểu bang, nếu không hợp lệ, có ảnh hưởng tới một số lợi ích quốc gia như tự do thương mại hay không. Chẳng hạn, khi tiểu bang Bắc Carolina thông qua một đạo luật, mặc dù bề ngoài mang tính trung lập, song đã phân biệt đối xử với mặt hàng táo từ tiểu bang Washington để tạo lợi thế cho những người trồng táo của họ, Tòa đã phát hiện hành vi bảo hộ và vô hiệu hóa đạo luật đó của tiểu bang Bắc Carolina.

QUYỀN CÁ NHÂN

Tòa án Tối cao cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc đảm bảo các quyền con người và quyền tự do cá nhân. James Madison đã từng tỏ ra lo ngại Tuyên ngôn Nhân quyền có thể sẽ chỉ là một “quy định trên giấy tờ”. Tuy nhiên, trong thời gian qua Tòa đã tích cực thực hiện các quy định đã nêu trong Tuyên ngôn không chỉ chống lại chính quyền liên bang (mục đích ban đầu của họ) mà còn cả các chính quyền tiểu bang. Việc Tòa diễn giải những quyền đã được Hiến pháp bảo vệ thường rất ngay thẳng và mạnh mẽ. Chẳng hạn, năm 1963, Tòa đã phán rằng quyền được tư vấn pháp lý tại điều bổ sung sửa đổi số VI không chỉ bao hàm quyền được sự giúp đỡ của luật sư tại tòa mà còn là quyền được có luật sư do tiểu bang chỉ định và thanh toán nếu bị cáo nghèo tới mức không thể thuê nổi luật sư. Các thẩm phán cũng đặc biệt quan tâm tới quyền tự do ngôn luận. Do vậy, vào năm 1964, Tòa đã tuyên bố một “quan chức” khởi kiện về tội bôi nhọ phải tuân thủ một quy định rất khắt khe – “ác tâm có chủ ý” – tức là phải chứng minh được rằng người bôi nhọ biết rõ lời lẽ của anh ta là sai hoặc cố tình không đoái hoài tới tính chân thực trong lời nói của mình.

Chúng ta đã được chứng kiến cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu Hiến pháp có nên được coi là một văn bản “trường tồn” hay không. Một số người lập luận rằng các thẩm phán nên tìm hiểu “nghĩa gốc” của Hiến pháp – tức là, ý nghĩa đã được các nhà soạn thảo Hiến pháp chuyển tải và có lẽ được củng cố thêm qua thông lệ và các tiền lệ. Một số người khác thì coi Hiến pháp có tính định hướng nhiều hơn. Do đó, trong các vụ án phát sinh trong khuôn khổ quy định cấm áp dụng những hình phạt dã man và khác thường nêu trong Điều bổ sung sửa đổi số VIII, Tòa án Tối cao đã đưa ra khái niệm “áp dụng chuẩn tắc theo thời gian”, cho phép Tòa tuyên bố, ví dụ vào năm 2005, quy định tử hình các phạm nhân trẻ tuổi là trái Hiến pháp.

Rõ ràng là Tòa đã vượt khỏi phạm vi những ngôn từ nêu trong bản Hiến pháp khi thừa nhận và bảo vệ những quyền cụ thể. Một ví dụ điển hình là quyền riêng tư và tự quyết. Chiểu theo quy định đảm bảo quy trình xét xử do luật định trong Điều bổ sung sửa đổi số V và XIV, Tòa đã xác định và mở rng quyền đó để đảm bảo các lợi ích khác như quyền tránh thai, quyền của phụ nữ được quyết định nạo phá thai và vào năm 2003, quyền không bị tiểu bang trừng phạt vì hành vi đồng tính. Có thể hầu như tất cả các vụ án đưa ra xét xử tại Tòa án Tối cao đều đòi hỏi phải giải thích luật, song những phán quyết của Tòa, nhất là về quyền quyết định nạo phá thai và không bị trừng phạt vì đồng tính nêu trên, lại gây nhiều tranh cãi. Vì không có các quy định cụ thể trong hiến pháp về quyền riêng tư nên họ phải chủ yếu dựa vào lập luận và giải thích của tòa. Song cho dù các thẩm phán sẽ hành động như thế nào đi chăng nữa trong các vụ xét xử trong tương lai, cũng thật khó có thể tưởng tượng Tòa án Tối cao với thiết chế như hiện nay lại tuyên bố rằng nhìn chung không có cơ sở hiến pháp cho khái niệm quyền riêng tư cá nhân.

Theo Hiến pháp, các thẩm phán của Tòa án Tối cao đương nhiệm suốt đời với “tư cách đạo đức tốt”. Chưa từng có một thẩm phán nào bị phế truất. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao trong những thập niên gần đây lại trở thành những sự kiện mang tính chính trị cao. Các quyết định của Tòa càng có phạm vi rộng bao nhiêu thì sự cạnh tranh càng cao bấy nhiêu khi xuất hiện một vị trí cần bổ nhiệm. Nếu vậy thì các phán quyết của Tòa phản ánh đến mức độ nào chính kiến và dư luận của xã hội hiện thời? Những người hoài nghi thì cho rằng các thẩm phán phải nên “đọc báo” để có thể tính tới dư luận xã hội khi định hình chính kiến của họ. Nhưng hầu như không có cơ sở cho quan điểm này. Về lâu dài, một phán xử công bằng hơn sẽ có nghĩa là Tòa có xu hướng phản ánh luồng dư luận chủ đạo trong xã hội. Vì vậy mà Tòa án Tối cao dưới thời Chánh án Warren trong thập kỷ 1960 lại tỏ ra đồng tình đối với những giải pháp của số đông người dân trước những vấn đề quốc gia đại sự. Tòa án Tối cao thời Chánh án Rehnquist hiện nay, xét từ một góc độ nào đó, mang tính bảo thủ nhiều hơn, đề cao vai trò của tiểu bang nhiều hơn trong thể chế liên bang.

Các phán quyết của Tòa đặt ra một câu hỏi quan trọng: Ngành tư pháp không thông qua bầu cử có vị trí gì trong một nền dân chủ? Vốn từ lâu đã có sự giằng xé giữa hai nguyên tắc cơ bản trong một nền dân chủ tự do lập hiến – một chính phủ có trách nhiệm được đa số bầu ra một cách dân chủ lãnh đạo và thực thi Hiến pháp thậm chí nếu cần bác bỏ các đạo luật do phe đa số đó hậu thuẫn. Chế độ bảo hiến là cực kỳ quan trọng vì nó củng cố các nguyên tắc dân chủ, chẳng hạn mỗi người dân, một phiếu bầu; tiến hành bầu cử tự do và công bằng; tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chế độ pháp trị – đúng theo tư tưởng của Hiến pháp – yêu cầu Hiến pháp phải được thực thi với tư cách là đạo luật tối cao của quốc gia. Tòa án Tối cao có thể phạm sai lầm trong một số vụ xét xử cụ thể nào đó. Song vai trò đảm bảo chế độ pháp quyền của Tòa đòi hỏi phải có sự nhất trí rộng rãi của người dân Hoa Kỳ.

SOURCE: TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ CỦA BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ THÁNG 4 NĂM 2005

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code