LS. ĐIỀN ĐỨC THÀNH – Đoàn Luật sư TPHCM
Theo Điểm b khoản 1
Điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế qui định những yếu tố để được công nhận
là tập quán quốc tế là sự áp dụng thường xuyên của quốc gia và được thừa
nhận là quy phạm pháp lý bắt buộc (opinio juris). Theo đó, nội dung của
Điều 38 Tòa án quốc tế hướng dẫn tập quán quốc tế đã được thừa nhận là
qui phạm pháp luật phải được các quốc gia thừa nhận và áp dụng thường
xuyên, mà sự áp dụng thường xuyên này khó có thể chứng minh rõ ràng.
Tuy khó chứng minh, nhưng ở một khía cạnh nào đó,
cũng có thể chứng minh được như qua các tài liệu chuẩn bị cho các thủ
tục khác như phê chuẩn điều ước; đàm phán điều ước hoặc tham gia hội
nghị quốc tế; xây dựng luật pháp quốc gia; những bản án của tòa án quốc
gia; bầu cử trong Đại hội Đồng Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế
khác; những phát biểu của bộ trưởng đại diện chính phủ về ngoại giao;
các văn kiện chính thức về ngoại giao, các ý kiến tư vấn hoặc bào chữa
của luật sư trước Tòa án quốc gia và Tòa án quốc tế.
Những phán quyết của tòa án hoặc trọng tài quốc tế
đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành về thừa nhận tập quán quốc
tế. Ví dụ như quan hệ song phương về môi trường được hình thành từ phán
quyết trọng tài đối với tranh chấp Trail Smelter năm 1941: ”Không quốc
gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để phát
tán khói gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản và người dân
của quốc gia khác” và nguyên tắc này được mở rộng bằng tuyên bố
Stockholm: ”Các quốc gia có trách nhiệm bảo đảm những hoạt động chủ quyền quốc gia không gây thiệt hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực vượt quá giới hạn chủ quyền quốc gia” (Môi trường và luật quốc tế về môi trường, Nhà xuất bản chính trị quốc gia 1996).
Còn nhiều các văn bản quốc tế khác về tập quán
quốc tế khác, nhất là ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế ngày 08/07/1996:
”Môi trường không phải là khái niệm trừu tượng, mà thể hiện một
không gian nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người,
kể cả những thế hệ chưa được sinh ra. Do đó, các quốc gia có nghĩa vụ
bảo đảm những hoạt động trong phạm vi chủ quyền quốc gia phải được tiến
hành theo cách thức tôn trọng môi trường quốc gia khác hoặc những khu
vực vượt quá giới hạn chủ quyền quốc gia. Đây trở thành một cách giải
thích luật quốc tế trong những vấn đề môi trường” (GS. Trần Văn Thắng –
GS Lê Mai Anh, Luật quốc tế – Lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Giáo
dục, 2001).
Do đó, nghĩa vụ của các quốc gia là phải thông báo
cho các quốc gia khác về hiểm họa môi trường cũng được thừa nhận, về bản
chất được coi là một quy tắc tập quán, nguyên tắc này được ghi nhận vào
năm 1974, trong một văn bản khuyến nghị của Tổ chức Hợp Tác và Phát
Triển Kinh Tế (OECD – Organization for Economic Cooperation and
Development) của các quốc gia công nghiệp phát triển, đã có nhiều văn
bản tập quán, khuyến nghị và cưỡng chế…
Năm 1982, Công ước luật biển được chính thức qui định: “Khi biết được môi trường biển
đang có nguy cơ sắp phải chịu thiệt hại do ô nhiễm, các quốc gia phải
thông báo cho quốc gia có nguy cơ phải chịu tổn thất, cũng như thông báo
cho các tổ chức có thẩm quyền (Điều 198)”. Một điều quan trọng là dù
không hành động (bất hành vi) cũng được xem là sự áp dụng thường
xuyên của quốc gia như chấp nhận một mức độ ô nhiễm hoặc gây suy thoái
môi trường, đương nhiên hiểu rằng các quốc gia thừa nhận điều đó phù hợp
với luật quốc tế.
Như vậy, được xem là tập quán quốc tế được thành lập
là sự áp dụng thường xuyên được phổ biến, mà không đòi hỏi sự thừa nhận
áp dụng của tất cả các quốc gia trên thế giới hoặc tại một khu vực nào
đó, ví dụ như tranh
chấp thềm lục địa Biển Bắc (North Sea Continental Shelf Case), Tòa án
quốc tế đã xác định :“một qui tắc có thể được công nhận là tập quán
ngay khi có sự thừa nhận của những đại diện, miễn sao bao gồm cả những
quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng quy tắc đó”; nếu có một
quốc gia không thừa nhận áp dụng không có nghĩa là quy tắc này sẽ không
có giá trị ràng buộc đối với quốc gia đó; do đó có thể hiểu là các
quốc gia không cần thiết phải chính thức, mà đương nhiên bị ràng buộc
vào quy tắc tập quán, vì sự hình thành tập quán luôn phải xuất phát từ
những cách thức thừa nhận ở bất kỳ lúc nào (tài liệu Luật quốc tế, Khoa
Luật Trường Đại học Groningen Hà Lan, 1996 – bản tiếng Anh).
Tuy nhiên xu hướng mới hiện này là dù không trực tiếp
chứng minh quốc gia thừa nhận những quy phạm bắt buộc, và có thể suy
luận một cách gián tiếp thông qua những xử sự thực tế của quốc gia, cũng
không cần phải qui định rằng quốc gia phải tuyên bố chính thức thừa
nhận, sự thừa nhận quy phạm bắt buộc có thể thông qua hành vi hoặc bất
hành vi; với mục đích này, cho nên các quy tắc xử sự của luật quốc tế
điều chỉnh hành vi của quốc gia trong mối quan hệ với những quốc gia
khác; vì vậy không thể xem xét hành vi xử sự của một quốc gia, mà phải
xem phản ứng của quốc gia khác như thế nào; nếu các quốc gia cùng khẳng
định tính trái pháp luật trong những xử sự của một quốc gia, thì sự áp
dụng thường xuyên vẫn không hình thành một quy tắc tập quán quốc tế.
Luật tập quán gắn liền với một cơ chế, nếu các quốc
gia tán thành nên thay đổi một quy tắc, một quy tắc mới xuất hiện từ sự
áp dụng thường xuyên của các quốc gia, có thể hình thành nhanh chóng.
Nếu số lượng quốc gia ủng hộ, hoặc phản đối sự thay đổi quá ít, thì phải
theo cách xử sự của số đông quốc gia đã tán thành quy tắc tập quán quốc
tế đã áp dụng thường xuyên, không những luật quốc tế thừa nhận, mà quốc
gia cũng mặc nhiên thừa nhận tập quán đó.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ
0 comments:
Post a Comment