Friday, November 22, 2013

GIAO DỊCH CÓ ĐỐI TƯỢNG QUYỀN ĐÒI NỢ

THS. BÙI ĐỨC GIANG – Cong ty Luật Audier and Partners Vietnam LLC

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam tồn tại một số khái niệm có nội hàm tương tự nhau và có thể ít nhiều khó phân biệt như quyền yêu cầu, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền đòi nợ, khoản phải thu. Việc nhận diện các quyền tài sản (tài sản vô hình) này có ý naghĩa quan trọng khi thực hiện giao dịch có đối tượng là các tài sản này. Bài viết sẽ phân tích quyền đòi nợ dưới góc nhìn của pháp luật dân sự trong tương quan với các quyền tài sản nói trên cũng như các giao dịch về quyền đòi nợ được pháp luật thừa nhận, trong đó có một số giao dịch còn chưa được khai thác thường xuyên trong hoạt động thương mại, nhất là trong việc cấp tín dụng.

1. Bản chất của quyền đòi nợ

Tính chất hỗn hợp

Quyền đòi nợ (debt claim, money claim, debt) có tính chất khá đặc biệt vì nó phản ánh việc một nghĩa vụ vừa là một mối quan hệ về mặt pháp luật, đồng thời lại là một loại tài sản.

Dưới góc độ của pháp luật về nghĩa vụ dân sự, quyền đòi nợ (khoản nợ, quyền yêu cầu thanh toán) là quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một công việc1 quy định tại Ðiều 291 của Bộ luật dân sự (BLDS), cụ thể là phải thanh toán một khoản tiền cho bên có quyền tại một thời điểm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Thời điểm thỏa thuận này có thể là một thời điểm nhất định trong tương lai, nhưng quyền đòi nợ có thể được thanh toán khi bên có quyền yêu cầu hay khi phát sinh một sự kiện tương lai nhất định mà các bên đã thỏa thuận. Bên có quyền chỉ có thể yêu cầu việc thanh toán này từ phía bên có nghĩa vụ chứ không thể yêu cầu một bên thứ ba làm việc này bởi quyền đòi nợ chỉ thiết lập các mối quan hệ giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ mà thôi. Ðiều này minh họa cho tính chất tương đối của quyền đòi nợ.

Dưới góc độ của pháp luật về tài sản, quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản (khoản 1 Ðiều 322, BLDS) và quyền tài sản lại là một trong bốn loại tài sản theo quy định hiện hành (Ðiều 163, BLDS). Như vậy, có thể hiểu quyền đòi nợ tự thân nó là một tài sản. Ðối tượng của quyền đòi nợ chính là khoản tiền sẽ được thanh toán vào một thời điểm nhất định.

Phân biệt quyền đòi nợ với quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng

Trong khuôn khổ pháp luật giao dịch bảo đảm, Ðiều 322 của BLDS phân biệt quyền đòi nợ với quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng (rights under a contract) theo hướng đây là hai loại quyền tài sản độc lập với nhau. BLDS công nhận một khái niệm pháp lý khác là quyền yêu cầu (các Ðiều từ 309 đến Ðiều 314). Khoản 4 và 5, Ðiều 22, Nghị định 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm được bổ sung, sửa đổi năm 2012 (Nghị định 163) coi quyền đòi nợ là một loại quyền yêu cầu. Trước đây, khoản 1.1, điểm d, Thông tư số 04/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ đã định nghĩa quyền đòi nợ theo hướng liệt kê gồm quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay, hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ hoặc phát sinh từ các căn cứ hợp pháp khác. Song, danh sách này đã bị hủy bỏ bởi Thông tư số 05/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 16/02/2011 hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Ðăng ký giao dịch, tài sản của Cục Ðăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Thay vào đó, Ðiều 2, khoản 2, điểm 2.4 Thông tư 05/2011/TT-BTP quy định “Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ bao gồm quyền đòi nợ hiện có hoặc quyền đòi nợ hình thành trong tương lai”. Dường như các nhà làm luật muốn mở rộng hơn căn cứ phát sinh quyền đòi nợ khi không giới hạn ở các hợp đồng nhất định nữa. Tuy nhiên, không có quy định nào của BLDS giải thích nội hàm của các quyền phát sinh từ hợp đồng. Có thể hiểu quyền đòi nợ là một quyền yêu cầu mang tính chắc chắn có thể được thực thi trong khi quyền phát sinh từ hợp đồng là quyền yêu cầu ít chắc chắn hơn, có tính chất ngẫu nhiên hơn, tức là phụ thuộc vào các tình huống nhất định để chuyển một quyền tiềm năng thành một quyền có thể thực thi được. Quyền phát sinh từ hợp đồng bao gồm rất nhiều loại quyền, chẳng hạn như quyền chọn (options), quyền phát sinh từ một hợp đồng cho thuê tàu biển, quyền phát sinh từ vận đơn, quyền phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quyền phát sinh từ hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp2 hay quyền thuê phát sinh từ hợp đồng thuê: Quyền đòi nợ và quyền phát sinh từ hợp đồng là hai loại quyền yêu cầu tiêu biểu.

Quyền đòi nợ tương lai – Các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu (Ðiều 309 đến Ðiều 314) không chỉ rõ liệu các quyền đòi nợ tương lai có thể trở thành đối tượng của việc chuyển giao hay không. Khó khăn đặt ra đối với việc chuyển giao một quyền yêu cầu tương lai là bên chuyển giao không thể thực hiện việc thông báo về việc chuyển giao cho bên có nghĩa vụ quy định tại khoản 2, Ðiều 309, BLDS trong khi đây lại là điều kiện để đảm bảo tính đối kháng của giao dịch chuyển giao đối với bên có nghĩa vụ. Tương tự, theo khoản 1, Ðiều 22 của Nghị định 163, có thể thế chấp các quyền đòi nợ hình thành trong tương lai, tuy nhiên, quy định hiện hành về loại tài sản này còn bộc lộ khá nhiều hạn chế. Tài sản tương lai (future assets) là các tài sản chưa tồn tại vào thời điểm xác lập giao dịch có liên quan. Pháp luật Việt Nam sử dụng khái niệm tài sản hình thành trong tương lai là một thuật ngữ khá dài và khó hiểu đối với các luật gia nước ngoài lần đầu tiên tiếp cận với pháp luật Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 2 Ðiều 4, Nghị định 163, tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất và bao gồm 3 loại sau đây:

(i) Tài sản được hình thành từ vốn vay (tài sản có được từ việc sử dụng vốn vay để đầu tư); (ii) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm (gồm các tài sản mà việc hình thành hay tạo lập về mặt vật chất đang diễn ra tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, ví dụ các công trình xây dựng đang được thi công); (iii) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Rất dễ nhận thấy danh sách các tài sản hình thành trong tương lai này có vẻ chỉ hướng đến các tài sản hữu hình (cụ thể hơn là nhà ở và các công trình xây dựng), có vẻ khá trùng lặp và chưa bao quát hết các loại tài sản có thể coi là tài sản tương lai, đặc biệt là các quyền tài sản. Rất khó có thể xác định một quyền đòi nợ nào đó có phải là quyền đòi nợ tương lai nếu dựa vào danh sách này.

Thực ra, quyền đòi nợ tương lai là quyền đòi nợ chưa trở thành tài sản của bên thực hiện giao dịch. Nó có thể còn chưa phát sinh do giao dịch hay sự kiện pháp lý có thể làm phát sinh quyền đòi nợ này còn chưa diễn ra. Chẳng hạn đối với một công ty hàng không, thu nhập từ việc bán các vé máy bay hiện còn chưa được bán nhưng sắp được bán là các quyền đòi nợ hình thành trong tương lai vì giao dịch bán chưa diễn ra. Các khoản phải thu tương lai (future account receivables) là các khoản phải thu phát sinh từ các hợp đồng với khách hàng của doanh nghiệp mà các hợp đồng này còn chưa được ký kết. Tiền phạt vi phạm hợp đồng khi một cầu thủ vi phạm nghĩa vụ với một câu lạc bộ bóng đá cũng là một quyền đòi nợ tương lai vì sự kiện pháp lý (việc cầu thủ vi phạm nghĩa vụ quy định trong hợp đồng) chưa diễn ra. Tương tự, trong trường hợp một doanh nghiệp thế chấp tài khoản giao dịch của mình để vay vốn ngân hàng, quyền đòi nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng nơi mở tài khoản là một quyền đòi nợ tương lai vì việc xử lý tài sản bảo đảm là sự kiện pháp lý cho phép ấn định số dư tài khoản thế chấp (giá trị của quyền đòi nợ) chưa diễn ra vào thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm. Cần lưu ý một khoản nợ sẽ được thanh toán trong tương lai theo quy định tại một hợp đồng đã được ký kết là một quyền đòi nợ hiện tại chứ không phải là một quyền đòi nợ tương lai. Tuy vậy, một quyền đòi nợ tương lai có thể đã tồn tại nhưng chưa thuộc khối tài sản của bên thực hiện giao dịch. Chẳng hạn, một hợp đồng mua bán tài sản đã được ký kết và việc thanh toán được thực hiện theo nhiều đợt. Bên bán có quyền đòi nợ đối với bên mua và có thể chuyển giao quyền đòi nợ này. Bên thực hiện giao dịch có thể là bên sẽ nhận chuyển giao quyền đòi nợ từ bên bán này. Trong cả hai giả thiết phát sinh quyền đòi nợ tương lai vừa nêu, bên thực hiện giao dịch vẫn chưa có quyền định đoạt quyền đòi nợ tương lai.

Mô tả quyền đòi nợ tương lai

Theo khoản 2 Ðiều 282 của BLDS, “đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải được xác định cụ thể”. Nói cách khác, để trở thành đối tượng của các giao dịch, quyền đòi nợ phải được xác định cụ thể. Về lý thuyết, yêu cầu này có thể gây cản trở cho việc thực hiện giao dịch đối với quyền đòi nợ tương lai vì quyền đòi nợ tương lai có thể còn chưa được xác định rõ tại thời điểm xác lập giao dịch.

Về quy định riêng, nếu chiểu theo khoản 2, Ðiều 309, có thể hiểu BLDS đặt ra yêu cầu, theo đó, bên chuyển giao quyền đòi nợ phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ. Tuy vậy, như đã nêu ở trên, trong trường hợp chuyển giao quyền đòi nợ tương lai, do không thể nhận diện được bên có nghĩa vụ tại thời điểm xác lập giao dịch nên không thể thực hiện việc thông báo này cũng như không thể thực hiện được việc chuyển giao quyền sở hữu đối với khoản nợ cho tới khi khoản nợ tồn tại.

Ðối với việc thế chấp quyền đòi nợ, khoản 2, Ðiều 10, Nghị định 163 cũng đặt ra nguyên tắc “việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm”.Nguyên tắc này từ nay không còn được áp dụng (khoản 20, Ðiều 1, Nghị định 11/2012/NÐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163). Có thể suy luận là tài sản bảo đảm phải được xác định cụ thể, nếu không, hợp đồng có nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Thực ra, nếu suy luận theo cách này thì sẽ dễ dàng nhận thấy có sự mâu thuẫn trong chính quy định của Nghị định 163 khi khoản 1, Ðiều 22 của Nghị định này quy định có thể thế chấp cả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai. Hơn nữa, khoản 1, Ðiều 33, Nghị định số 83/2010/NÐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010, được bổ sung sửa đổi năm 2012 vẫn giữ quy định, theo đó “việc mô tả chung về tài sản không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm”. Cho nên, có thể diễn giải theo hướng tinh thần của quy định pháp luật là cho phép có một cách tiếp cận linh hoạt đối với việc mô tả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai được thế chấp, chẳng hạn như chỉ yêu cầu hợp đồng thế chấp nêu một vài trong số các yếu tố cho phép xác định khoản nợ như nêu bên có nghĩa vụ trả nợ, nơi thanh toán, số nợ hay việc định giá khoản nợ và thời hạn thanh toán khoản nợ (nếu có).

Quyền đòi nợ có kỳ hạn

Nếu áp dụng các giả thiết phát sinh quyền đòi nợ tương lai nêu trên có thể thấy quyền đòi nợ có kỳ hạn (nghĩa vụ dân sự theo định kỳ, Ðiều 292, BLDS) không phải là một quyền đòi nợ tương lai mà đơn thuần chỉ là một quyền đòi nợ hiện tại. Chẳng hạn, tiền thuê tài sản mà bên thuê phải trả cho bên cho thuê (rental receivables) không phải là quyền đòi nợ tương lai khi mà hợp đồng thuê tài sản ghi nhận các cam kết của bên thuê tài sản đã được ký kết vì trong trường hợp này, quyền đòi nợ đã phát sinh từ một hợp đồng đã được xác lập, duy chỉ việc quyền đòi nợ đến hạn là diễn ra trong tương lai mà thôi.

Quyền đòi nợ có điều kiện

Ðối với nghĩa vụ dân sự có điều kiện (Ðiều 294, BLDS), sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ chính là điều kiện mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do điều kiện này chưa phát sinh tại thời điểm xác lập giao dịch (và có thể không bao giờ phát sinh!) nên về nguyên tắc, có thể xem quyền đòi nợ có điều kiện là một quyền đòi nợ tương lai. Chẳng hạn, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vừa là một quyền đòi nợ có kỳ hạn (trong trường hợp người được bảo hiểm còn sống khi hết thời quy định trong hợp đồng) vừa là một quyền đòi nợ có điều kiện (trong trường hợp người được bảo hiểm chết trong thời hạn quy định trong hợp đồng). Do việc người được bảo hiểm chết vốn là sự kiện pháp lý có khả năng làm phát sinh quyền đòi nợ bảo hiểm còn chưa diễn ra vào thời điểm sử dụng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ làm tài sản thế chấp để bảo đảm khoản vay chẳng hạn, nên quyền đòi nợ có điều kiện này là một quyền đòi nợ tương lai.

2. Giao dịch có đối tượng là quyền đòi nợ

Việc hiểu đúng bản chất pháp lý của quyền đòi nợ có vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định đối tượng của các giao dịch thương mại đối với quyền đòi nợ. Các giao dịch này là cácgiao dịch ba bên và do đó, tương đối phức tạp. Nhìn chung, các quy định hiện hành của BLDS mới chỉ dừng ở việc đưa ra nguyên tắc chứ chưa đề cập một cách thỏa đáng các khía cạnh pháp lý khác nhau của các giao dịch này.

Chuyển giao quyền đòi nợ (Ðiều 309 đến Ðiều 314, BLDS) – Ðây chính là việc mua bán quyền đòi nợ (Ðiều 449, BLDS)3. Nhìn chung, các quy định của BLDS đã giải quyết được về cơ bản các vấn đề pháp lý đặt ra đối với giao dịch này. Tuy vậy, các nhà làm luật chưa đề cập tới tính đối kháng của các phương tiện phòng vệ (hủy hợp đồng, bù trừ nghĩa vụ,…) mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể viện ra để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần quyền đòi nợ đã được chuyển giao.

Tòa án nhân dân tối cao đã không công nhận hiệu lực của việc chuyển quyền sở hữu bất động sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng cách (i) coi các hợp đồng này là các hợp đồng thế chấp (Quyết định số 290/2008/DS-GÐT ngày 25 tháng 9 năm 2008 của Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao) hoặc (ii) cho rằng đây là các hợp đồng giả tạo (Quyết định số 325/2011/DS-GÐT ngày 29 tháng 4 năm 2011của Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao). Dù tài sản bảo đảm trong các giao dịch này là bất động sản, cần hiểu rằng Tòa án nhân tối cao đã xác lập nguyên tắc, theo đó, không thể chuyển quyền sở hữu để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cho nên, không thể xác lập hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản vay dù trong thực tế, đây không phải là một trường hợp hiếm gặp.

Thế chấp quyền đòi nợ

Thế chấp quyền đòi nợ là giao dịch bảo đảm duy nhất đối với quyền đòi nợ được pháp luật thừa nhận.

Thế chấp quyền đòi nợ chịu sự điều chỉnh của quy định chung về thế chấp tài sản và một số quy định chuyên biệt (đặc biệt các Ðiều 22, Ðiều 59 và Ðiều 66 của Nghị định 163). Nhìn chung, chế độ pháp lý của thế chấp quyền đòi nợ còn khá sơ lược. Chẳng hạn về tính đối kháng của giao dịch thế chấp quyền đòi nợ với bên có nghĩa vụ trả nợ, điểm b, khoản 2 Ðiều 22 và điểm b, khoản 3 Ðiều 22, Nghị định 163 quy định “bên nhận thế chấp quyền đòi nợ có nghĩa vụ cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ, nếu bên có nghĩa vụ trả nợ yêu cầu” và “bên có nghĩa vụ trả nợ có quyền yêu cầu bên nhận thế chấp cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền đòi nợ; nếu không cung cấp thông tin thì có quyền từ chối thanh toán cho bên nhận thế chấp”. Các quy định này chưa rõ, bởi vì không chỉ ra được thông tin được bên nhận thế chấp cung cấp cho bên có nghĩa vụ trả nợ là về việc xác lập giao dịch thế chấp quyền đòi nợ hay về diễn biến của giao dịch thế chấp quyền đòi nợ. Vấn đề tính đối kháng đối với bên nhận thế chấp của các phương tiện phòng vệ mà bên có nghĩa vụ trả nợ có thể đưa ra để từ chối thanh toán hay chỉ thanh toán một phần khoản nợ cho bên nhận thế chấp cũng còn đang bỏ ngỏ. Hơn nữa, các nhà làm luật chưa đưa ra được giải pháp về xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp quyền đòi nợ đến hạn trước hay sau nghĩa vụ được bảo đảm.

Thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba (Ðiều 293, BLDS) – Theo quy định tại Ðiều 293, BLDS, khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ. Ðiều 293 chỉ dừng lại ở việc đặt ra nguyên tắc cho phép thực hiện giao dịch này và trách nhiệm liên đới của bên ủy quyền với bên có quyền trong trường hợp người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các nhà làm luật chỉ coi việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba là một trong các phương thức chấm dứt nghĩa vụ dân sự, theo đó, thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba dẫn tới việc thay thế nghĩa vụ bằng cách thay đổi bên có nghĩa vụ. Thực ra, thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba còn có thể đảm nhận chức năng của một giao dịch bảo đảm, bởi vì, thay vì chỉ có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ ban đầu thực hiện nghĩa vụ, bên có quyền có thể yêu cầu cả bên có nghĩa vụ ban đầu và người thứ ba thực hiện nghĩa vụ. Chẳng hạn, khi ký hợp đồng vay vốn để mua một công trình xây dựng sử dụng vào mục đích cho thuê, bên đi vay (chủ sở hữu của công trình xây dựng này) có thể đảm bảo việc hoàn trả khoản vay cho ngân hàng bằng cách ủy quyền cho người thuê công trình xây dựng thay mình trả nợ bằng tiền thuê (rentals). Việc sử dụng chức năng giao dịch bảo đảm của thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba được sử dụng khá phổ biến trong tài trợ dự án quốc tế. Nó giúp tài trợ việc xây dựng một nhà máy trong một nước đang phát triển bằng nguồn vốn nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư muốn có bảm đảm đối với việc hoàn trả các khoản cho vay của mình sẽ sử dụng đến cơ chế thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba thông qua việc thỏa thuận rằng các khách hàng chính của nhà máy sẽ thanh toán trực tiếp các khoản tiền tương ứng với giá mua sản phẩm của nhà máy cho các nhà đầu tư4. Về mặt thủ tục, ưu điểm dễ thấy của việc khai thác chức năng giao dịch bảo đảm của thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba nằm ở chỗ không làm phát sinh chi phí khi xác lập (do không phải đăng ký hay công chứng). Tuy vậy, quy định của BLDS còn quá sơ lược. Chẳng hạn như chưa có quy định về việc liệu bên thứ ba có thể viện ra các phương tiện phòng vệ (hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền đòi nợ bị thay đổi, chấm dứt hay hủy bỏ, bù trừ nghĩa vụ,…), để từ chối thanh toán cho bên có quyền hay không5. Tương tự, Ðiều 293 BLDS không đề cập đến sự đồng ý của bên thứ ba trong khi đây là điều kiện không thể thiếu được cho việc xác lập giao dịch này6. Có thể do sự thiếu hụt cơ sở pháp lý, giao dịch này còn ít được sử dụng trong thực tế tại Việt Nam.

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba (khoản 5 Ðiều 406, Ðiều 419 đến Ðiều 421, BLDS) – Quy định của BLDS đã đề cập được một số khía cạnh chính của chế định này như việc đồng ý hay từ chối hưởng lợi ích của người thứ ba (Ðiều 420 và Ðiều 421), quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình của bên thứ ba này (Ðiều 419). Tuy nhiên, các nhà lập pháp vẫn chưa quy định quyền rút lại thỏa thuận vì lợi ích của người thứ ba của bên có quyền7 trong khi đây là một yếu tố then chốt của cơ chế này. Hơn nữa bản thân cách gọi “hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” vẫn chưa phản ảnh chính xác bản chất pháp lý của chế định này. Thông thường, đây chỉ là một điều khoản hay một quy định trong một hợp đồng chính mà thôi chứ không phải là một hợp đồng riêng rẽ. Chẳng hạn, trong một hợp đồng bảo hiểm tử kỳ, có thể có quy định, theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Cũng chính vì cách gọi tên này gây khó khăn cho việc diễn giải, Ðiều 421 quy định không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, theo đó “khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”. Thực vậy, nếu hiểu quy định này theo hướng các bên không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng chính phát sinh lợi ích liên quan (hợp đồng mua bán, hợp đồng cho thuê, hợp đồng bảo hiểm,…) thì nó can thiệp quá sâu vào quan hệ hợp đồng giữa các bên giao kết, tác động nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các bên này và dẫn đến hệ quả về mặt thực tế là bên kia của hợp đồng chính sẽ do dự, thậm chí không chấp nhận ký kết điều khoản vì lợi ích của người thứ ba. Chỉ có thể hiểu quy định tại Ðiều 421 theo hướng một khi bên thứ ba đã đồng ý hưởng lợi thì các bên không thể tự ý sửa đổi hay hủy bỏ điều khoản quy định người thứ ba được hưởng lợi ích từ hợp đồng chính. Cần lưu ý là thỏa thuận vì lợi ích của người thứ ba rất có tiềm năng trong tài trợ các dự án hợp tác công tư (public-private partnership). Trong một hợp đồng đối tác công tư thường có quy định việc Nhà nước cam kết bồi thường cho công ty dự án một số loại thiệt hại mà công ty này phải chịu trong quá trình xây dựng và khai thác công trình là đối tượng của dự án. Các ngân hàng hay bên mua trái phiếu dự án có thể trở thành bên thụ hưởng các quyền đòi nợ tiềm năng là các khoản bồi thường này : Nhà nước không cam kết trực tiếp với các ngân hàng hay bên mua trái phiếu dự án mà chỉ có thỏa thuận vì lợi ích của bên thứ ba ký giữa Công ty dự án và Nhà nước làm phát sinh hệ quả đối với các ngân hàng hay bên mua trái phiếu dự án. Thiết nghĩ, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của chế định này rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển của các dự án đối tác công tư tại Việt Nam.

Thay thế quyền đòi nợ (khoản 1, Ðiều 379, BLDS) – Thay thế quyền đòi nợ được xem là một trong các biện pháp chấm dứt nghĩa vụ. BLDS chỉ dừng lại ở việc đặt ra nguyên tắc được thực hiện giao dịch này theo đó “trong trường hợp các bên thỏa thuận thay thế nghĩa vụ dân sự ban đầu bằng nghĩa vụ dân sự khác thì nghĩa vụ dân sự ban đầu chấm dứt”. Các nhà làm luật không chỉ rõ liệu nghĩa vụ mới có nhất thiết là nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ ban đầu hay có thể là nghĩa vụ của một bên thứ ba. Hơn nữa, BLDS chỉ quy định hệ quả duy nhất của việc thay thế quyền đòi nợ là nghĩa vụ dân sự ban đầu chấm dứt chứ chưa đề cập đến một số khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng như việc các bên viện ra các phương tiện phòng vệ liên quan đến nghĩa vụ ban đầu để từ chối thực hiện nghĩa vụ mới, việc giải phóng các bên có nghĩa vụ liên đới trong trường hợp nghĩa vụ ban đầu là một nghĩa vụ liên đới cũng như việc chuyển giao các biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ ban đầu.

Chú thích:

1. Nghĩa vụ trả tiền (nghĩa vụ thanh toán) là một trong các loại nghĩa vụ thực hiện một công việc được ghi nhận tại Ðiều 280 và 290 của BLDS. Xét từ góc độ của bên có quyền, nghĩa vụ trả tiền của bên có nghĩa vụ chính là quyền đòi nợ của bên có quyền.

2. Marcus Smith, The Law of assignment, the creation and transfer of choses in action, Oxford University Press, 2007, trang 41-45.

3. Trong lĩnh vực ngân hàng, bao thanh toán (factoring) cũng là một hình thức chuyển giao quyền đòi nợ cho phép huy động trước giá trị của khoản phải thu. Nghiệp vụ ngân hàng này được điều chỉnh bởi Quyết định 1096/2004/QÐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 6 tháng 9 năm 2004 ban hành quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng được bổ sung, sửa đổi năm 2008 và năm 2011.

4. Dominique Legeais, S-retés et garanties du crédit, LGDJ, 8e éd., 2011, no 328.

5. Có thể lập luận rằng, do có một mối quan hệ nghĩa vụ mới đã được xác lập giữa bên thứ ba và bên có quyền nên về nguyên tắc bên thứ ba không thể viện dẫn ra các phương tiện phòng vệ này.

6. Về lý thuyết thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba là một thỏa thuận ba bên (bên có nghĩa vụ ban đầu, bên có quyền và người thứ ba). Tuy vậy, một thỏa thuận ba bên như thế không thực sự phù hợp với tài trợ dự án. Thông thường thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba được bên có nghĩa vụ ban đầu và bên có quyền ký kết và có nêu kèm trong phần phụ lục một mẫu thư mà sau đó sẽ được sử dụng để gửi cho các bên thứ ba (chẳng hạn các bên đi thuê công trình xây dựng) nhằm có được sự chấp thuận của các bên này. Nội dung chính của mẫu thư này như sau: – Bên thứ ba (bên được ủy quyền) xác nhận hiểu rõ thỏa thuận được ký giữa bên ủy quyền (bên có nghĩa vụ ban đầu); bên có quyền và chấp nhận thực hiện cam kết với bên có quyền.

7. Theo đó, bên có quyền rút lại thỏa thuận và chuyển quyền hưởng lợi ích liên quan cho một chủ thể khác hay cho chính mình.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 19/2013 (CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code