Monday, November 18, 2013

MỘT SỐ ĐIỀU CHỈNH CHỦ YẾU TRONG QUAN HỆ SỞ HỮU Ở VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ

TS. NGUYỄN THƯỜNG LẠNG – Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế Đại học Kinh tế Quốc dân
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế, chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó đến nay nền kinh tế đã có những bước tiến đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng liên tục trong 15 năm liền, trung bình từ 6-7%/năm. Thu nhập quốc dân tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Xuất nhập khẩu tăng mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Kết quả này cho thấy nguồn lực trong nước đã được khai thác có hiệu quả.
Theo một số dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng cao trong thời gian tới. Những kết quả đạt được to lớn trên đây chịu sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong số các yếu tố đó, việc đổi mới quan niệm về sở hữu toàn dân để dẫn đến việc điều chỉnh các quan hệ sở hữu được coi là bước “đột phá” trong tư duy hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế. Điều này đã mở ra những cách tiếp cận mới, rộng lớn và đa dạng hơn để nâng cao hiệu quả sở hữu mà kết quả tiếp theo là việc tăng hiệu quả của cả nền kinh tế.
Các hình thức sở hữu khác được thừa nhận và được tạo điều kiện để phát triển mạnh theo phương châm đa dạng hoá. Điều này được khẳng định rõ ràng và nhất quán trong chính sách, Hiến pháp và các văn kiện chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi đổi mới đến nay.
Thứ nhất, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm số lượng, tỷ trọng và tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp này. Việc làm này tạo ra sức mạnh và trạng thái mới cho sở hữu nhà nước hay rộng hơn là kinh tế nhà nước.
Số lượng các doanh nghiệp nhà nước từ khoảng 12 nghìn đã được giảm xuống còn khoảng 6 nghìn. Quan niệm cứng nhắc về việc các doanh nghiệp nhà nước phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế cũng đã thay đổi. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp nhà nước đã và đang được cổ phần hoá đánh dấu việc chấm dứt tình trạng độc tôn của một chủ sở hữu. Nhà nước chỉ sở hữu một phần nhất định vốn và tài sản của doanh nghiệp thay cho việc sở hữu hoàn toàn trước đó. Quá trình cổ phần hoá vẫn được tiếp tục tiến hành và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã qua cổ phần hoá đang được nâng lên. Các doanh nghiệp cũng được trao quyền tự chủ rất lớn, được tự do cạnh tranh và có thể bị giải thể, phá sản, hợp nhất, chuyển nhượng, bán khoán, cho thuê… Điều này làm cho các quan hệ sở hữu tồn tại trong các doanh nghiệp nhà nước vận động theo đúng thực chất của nó và quan trọng hơn là phù hợp với khả năng quản lý của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, đã xuất hiện hình thức sở hữu mới – sở hữu của các tổng công ty theo hướng tập đoàn kinh doanh và xuất hiện cơ chế công ty mẹ – công ty con. Đây là việc sử dụng tác động của các hình thức tổ chức kinh doanh mới để tạo nên cấp độ mới của sở hữu theo xu hướng vận động chung của nền kinh tế thị trường toàn cầu.
Thành công của quá trình tổ chức, sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách đổi mới. Các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn vì trách nhiệm của người quản lý được đề cao. Không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” như thời gian trước. Như vậy có thể thấy, chế độ sỡ hữu toàn dân hay sở hữu công cộng hiểu theo nghĩa đầy đủ của nó chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cơ sở trình độ phát triển sản xuất đạt đến trình độ rất cao, khả năng làm chủ (thực chất là khả năng quản lý) đạt đến trình độ rất lớn. Do đó, mọi ý chí áp đặt chủ quan các hình thức sở hữu vượt quá khả năng quản lý của chủ sở hữu thực chất là phi kinh tế và trái quy luật, không thể tồn tại. Việc loại bỏ sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn bảo đảm duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để nền kinh tế vận động theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức về sở hữu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung, để thực hiện được vai trò chủ đạo, cần đi đầu trong việc ứng dụng khoa học-công nghệ, nêu gương về năng suất-chất lượng-hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế.
Thứ hai, phát triển hình thức sở hữu tư nhân thông qua việc cho phép và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Việc thực hiện Luật doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây là sự chuyển biến rất lớn về nhận thức đối với vị trí và vai trò của sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Số doanh nghiệp tư nhân đã “bùng lên” sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời và cho đến nay đã đạt con số hàng chục vạn (khoảng 80 vạn) và giải quyết hàng triệu việc làm cho dân cư. Tỷ trọng của kinh tế tư nhân đã tăng lên trong cơ cấu các thành phần kinh tế và trong đóng góp vào GDP. Các loại thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã được đơn giản hoá và đã bước đầu thực hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua “mạng”- một xu hướng tạo sự đơn giản và thuận lợi cho các doanh nhân. Các doanh nghiệp tư nhân đã ngày càng được hưởng sự đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác. Điều này đã khẳng định thêm thực chất của sự chuyển động của sở hữu tư nhân.
Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Sự kiểm soát sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã được giảm bớt và các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài còn có quyền tham gia vào các dự án đầu tư quy mô lớn có khả năng chi phối đến thị trường của cả nước chỉ trừ những dự án thuộc danh mục cấm đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền tham gia lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Cho đến nay vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm gần 1/3 tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội. Các chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư. Ngoài quyền sở hữu về vốn và tài sản hợp pháp không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính hoặc quốc hữu hoá, nhà đầu tư nước ngoài còn được bảo hộ cả quyền sở hữu công nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài đang dần dần được đối xử bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể kết hợp đan xen các hình thức sở hữu (tư nhân, tập thể, công cộng). Các doanh nghiệp này được chuyển đổi hình thức đầu tư mà thực chất là chuyển đổi sở hữu. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể chuyển thành hình thức doanh nghiệp liên doanh. Hình thức doanh nghiệp liên doanh có thể chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và từ hình thức này có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước.v.v…Đây là yếu tố bảo đảm cho quan hệ sở hữu vận động theo đúng bản chất của nó.
Thứ tư, phát triển hình thức sở hữu tập thể đặc biệt là sở hữu của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã và hình thức sở hữu theo nhóm khác. Đây là hình thức sở hữu mềm dẻo và phù hợp với kiểu tổ chức các hoạt động kinh doanh theo nhóm, theo vùng, theo địa phương và theo cộng đồng ở Việt Nam cũng như xu hướng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc lựa chọn quy mô sở hữu này là thích hợp với trình độ phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đồng thời, hình thức kinh tế trang trại cũng đã được phát triển ở một số vùng trung du và miền núi. Chính sách giao đất, giao rừng hàng chục năm, phù hợp với mục tiêu khai thác các nguồn lực phát triển kinh tế vùng và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, đã góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên tại chỗ, tạo lợi ích cho dân cư và phúc lợi cho cộng đồng.
Thứ năm, các điều kiện hỗ trợ cho việc điều chỉnh quan hệ sở hữu đã ngày càng được hoàn thiện như việc điều chỉnh các chính sách theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, tham gia quá trình tự do hoá thương mại khu vực và thúc đẩy quá trình tham gia tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu (Tổ chức Thương mại thế giới-WTO). Việc “mềm hoá” chính sách về sở hữu đất đai đã làm tăng hiệu quả sử dụng tư liệu sản xuất cực kỳ quan trọng này.
Để giữ vững nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tính không hoàn hảo của thị trường, bảo đảm sự ổn định về kinh tế – xã hội, hạn chế rủi ro do thiên tai, chiến tranh, sự biến động của thị trường thế giới gây ra, chúng ta tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:
1. Nâng cao hiệu quả sở hữu nhà nước, vai trò của kinh tế nhà nước trong hệ thống các loại hình sở hữu đa dạng, hỗn hợp, đan xen trong các thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước phải có khả năng giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt (đi đầu trong các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và cạnh tranh quốc tế có hiệu quả). Để giải quyết vấn đề này cần phải xử lý một loạt các ràng buộc:
Thứ nhất, xác định rõ các đối tượng thuộc sở hữu nhà nước trong kinh tế nhà nước cả hữu hình và vô hình.
Thứ hai, tiếp tục giảm tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vị trí bình đẳng của chúng với doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác như bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước cơ hội và bình đẳng giữa quyền lợi và nghĩa vụ.
Thứ ba, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất – kinh doanh, ứng dụng khoa học – công nghệ mới và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Thứ tư, bảo đảm được vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong quá trình thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng.
Thứ năm, bảo đảm kinh tế nhà nước mà cốt lõi là sở hữu nhà nước là nhân tố tích cực trong việc lành mạnh hoá môi trường kinh doanh.
Thứ sáu, kinh tế nhà nước phải có khả năng quy tụ, tập hợp, liên kết các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế khác vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển có tính chất chiến lược của nền kinh tế.
2. Tiếp tục bảo đảm thể chế pháp lý quốc gia chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế để tăng hiệu quả của các hình thức sở hữu đã được đa dạng hoá. Bên cạnh sở hữu nhà nước là nền tảng, cần tiếp tục bảo vệ, khuyến khích và đặc biệt khuyến khích phát triển sở hữu tập thể, sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và sở hữu tư nhân đồng thời với việc phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Cho phép tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia vào các dự án có quy mô lớn gắn với việc mở rộng lĩnh vực và hình thức, phương thức thu hút đầu tư. Do vậy, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện để bảo đảm khung khổ pháp lý chặt chẽ, ổn định cho sự vận động hợp quy luật của quan hệ sở hữu.
3. Coi trọng việc phát triển mạnh cơ sở hạ tầng của nền kinh tế để tạo điều kiện vật chất cho các hoạt động kinh tế diễn ra thông suốt cả trong nước và với nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả các quan hệ sở hữu. Các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần được phát triển theo hướng hiện đại hoá đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống thông tin liên lạc…Đơn giản hoá các loại thủ tục hành chính ở các đầu mối quan trọng đặc biệt là các cửa ngõ và trung tâm giao dịch kinh tế quốc tế. Phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh của các chủ sở hữu như dịch vụ thông tin liên lạc, tư vấn, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, nghiên cứu – triển khai…
4. Tiếp tục giữ vững ổn định về chính trị và an ninh, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào tính nhất quán của chính sách đổi mới và khả năng bảo vệ cao các quyền sở hữu hợp pháp của họ. Đây là điều kiện để các chủ sở hữu yên tâm di chuyển các đối tượng sở hữu có khả năng sinh lợi cao (vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý tiên tiến) của họ vào kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, cần có biện pháp và cơ chế làm thất bại mọi âm mưu phá hoại công cuộc đổi mới nền kinh tế của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đặc biệt là âm mưu lợi dụng những điều chỉnh về sở hữu và mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài để làm biến dạng bản chất xã hội, gây bất ổn định tình hình chính trị, an ninh và tiến hành “diễn biến hoà bình”.
5. Chú trọng lớn đến việc phát triển nguồn nhân lực cả về bản lĩnh chính trị và chuyên môn, có khả năng thực hiện có hiệu quả các quan hệ sở hữu đa dạng hoá. Từng bước hình thành thế hệ tài năng Việt Nam biết phát huy những lợi thế về sở hữu và sử dụng tốt các nguồn lực phát triển quốc gia trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 32 NĂM 2003

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code