Monday, November 18, 2013

TỔNG QUAN VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

TS. TRẦN THỊ HUỆ – Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội

I. Những vấn đề lý luận cơ bản về Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra

1. Khái niệm và đặc điểm Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra.

1.1. Khái niệm trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra

Theo quy định chung của pháp luật thì công dân và pháp nhân có quyền được bảo vệ tài sản, các lợi ích hợp phápNgay tại tại Điều 1 Sắc lệnh 97/SL ngày 22.5.1950, đã qui điịnh :"Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân". Điều này được hiểu là mọi quyền dân sự ( quyên nhân thân hay quyên tài sản) thì luôn được pháp luật của Nhà Nước ghi nhận và bảo vệ nhưng chỉ khi con người thực hiện những hành vi năm trong giới hạn mà pháp luật cho phép, Điêu 12 cua Sắc lệnh này tiếp tục qui định cụ thể về một quyền dân sự, đó là quyền được khai thác và hưởng lợi từ tài sản và đồng thời cũng qui định ràng việc khai thác và hưởng lợi đó không được làm phương hại đến lợi ích của các chủ thể khac." Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vât thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân". Điều này dã xác định rất rõ về quyền của chủ sở hữu trong việc sử dụng, khai thác, hưởng lợi ích ích theo ý chí của mình một cách vô tận nhưng phải biết và phải dừng lại khi bắt đầu đụng đến quyên lợi của người khác.Đây là những qui định mang tính nguên tắc xuyên suốt trong quá trình lập pháp của Nhà nước ta Trong Hiến Pháp 1992 cũng định rõ: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”. Cụ thể hoá quyền của chủ sở hữu, tại Điều 183 BLDS năm 2005 qui định" Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác". BLDS 2005 tại Điều 15 cũng ghi nhận cá nhân có quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản, quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản.Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền được hưởng lợi từ tài sản của các chủ sở hữu, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho chủ sở hữu những nghĩa vụ khi thực hiện các quyền nãng pháp lý của họ. Như vậy pháp luật qui định, khi tài sản của bất kỳ chủ sở hữu nào mà gây thiệt hại trái pháp luật cho chủ thể khác thì Nhà nước sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhất định nhằm mục đích khắc phục những hậu quả xấu về tài sản và tinh thần, khôi phục lại tình trạng vốn có ban đầu cho người bị thiệt hại.

Thông thường, thiệt hại xảy ra thường do hành vi của con người gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi tài sản cũng có thể tự bản thân nó gây ra tổn hại cho người khác ví dụ như nhà, công trình xây dựng bị sụt; cây cối bị đổ, gẫy; súc vật cắn, húc người… Chính vì vậy, ngoài trách nhiệm BTTH do hành vi của con người gây ra thì pháp luật còn quy định về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra. Trong BLDS 1995 cũng như 2005 chỉ qui định một cách bao quát về trách nhiệm BTTHNHĐ, trong đó, có qui định về trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp cụ thể có tính chất đặc biệt mà không có quy định về khái niệm cũng như không có các quy định chung về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra. Qua qui định của pháp luật Dân sự về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung cũng như một số qui định về các loại tài sản gây thiệt hại, có thể hiểu: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra là qui định của luật Dân sự mà khi áp dụng sẽ phát sinh một quan hệ pháp luật dân sự. Theo đó chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng để tài sản gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác thì phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

Là một loại trách nhiệm pháp lý nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung như do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp dụng, được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước…. thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng còn có những đặc điểm riêng sau đây:

- Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong BLDS ở Điều 307 và Chương XXI và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.

- Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại . Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm BTTH có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên.

- Về hậu quả: trách nhiệm BTTH luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại thiệt hại cho người bị thiệt hại.

- Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề…

1.2. Đặc điểm của Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra

Là một loại trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nên trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra cũng mang những đặc điểm của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung. Tuy nhiên trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra nguyên nhân gây ra thiệt hại không phải là do hành vi của con người mà là do bản thân tài sản gây ra. Chính vì vậy, trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra còn có những nét đặc thù riêng:

* Về điều kiện phát sinh trách nhiệm.

Nếu như các điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung bao gồm có 4 điều kiện là: (1) Có thiệt hại xảy ra; (2) Có hành vi trái pháp luật; (3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; (4) Có lỗi của người gây thiệt hại thì các điều kiện xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong một số trường hợp yếu tố lỗi được loại trù, Trong loại trách nhiệm này không bao hàm hành vi gây thiệt hại trái pháp luật mà tự thân tài sản tác động trực tiếp gây thiệt hại. Đó là:

- Có thiệt hại thực tế xảy ra;

- Có sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật;

- Có lỗi trong việc quản lý, chấp hành qui định vận hành, sử dụnh, bảo quản… tài sản.

- Có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Sẽ là không hợp lý khi một đồ vật gây thiệt hại lại xét đến yếu tố hành vi. Thuật ngữ hành vi gây thiệt hại trái pháp luật chỉ đúng khi thiệt hại do con người – thực thể của quan hệ xã hội và là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự – gây ra. Vì vậy, trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đồ vật gây ra chỉ cần xác định đúng sự kiện gây thiệt hại là nguyên nhân trực tiếp làm tổn thất tài sản thực tế, giữa chúng có mối quan hệ nhân – quả, thì chủ sở hữu tài sản phải là người chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đồ vật gây ra , yếu tố lỗi dường như không được xem xét đến. Theo quan niệm truyền thống yếu tố lỗi chỉ được xem xét khi gắn với một chủ thể xác định. Vì vậy, người ta cho rằng gắn lỗi cho đồ vật khi chúng gây thiệt hại là không thể xảy ra. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, lỗi trong dân sự là lỗi suy đoán cho nên trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu tài sản luôn bị coi là có lỗi. Nếu chủ sở hữu chứng minh được mình không có lỗi cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm BTTH ví dụ như trong trường hợp bất khả kháng. Lỗi của chủ sở hữu trong trường hợp này được hiểu là chủ sở hữu quản lý không tốt hoặc không đúng quy trình … để đồ vật gây thiệt hại. Trong trường hợp đặc biệt nếu pháp luật quy định phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi thì chủ sở hữu hoặc chủ thể khác chứng minh được mình không có lỗi vẫn phải BTTH do tài sản gây ra như trong trường hợp BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623), BTTH do làm ô nhiễm môi trường (Điều 624)…

* Về chủ thể chịu trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra.

Trong thực tế, nhiều trường hợp sự kiện gây thiệt hại của đồ vật diễn ra trong một quá trình và có thể nói là không liên quan gì đến trạng thái tâm lý hay nhận thức của chủ sở hữu. Nói cách khác sự kiện gây thiệt hại của đồ vật nằm ngoài mong muốn cũng như sự kiểm soát của chủ sở hữu. Để nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu trong chiếm hữu, sử dụng tài sản và theo nguyên tắc công bằng thông thường thì chủ sở hữu của tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền quản lý của mình gây ra.

Việc xác định chủ thể trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra cũng có những điểm khác biệt. Nếu xác định chính xác chủ sở hữu đối với tài sản, thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường là công bằng và hợp lý. Nhưng sẽ rất phức tạp nếu “người đó’ chỉ có quyền quản lý mà không phải là chủ sở hữu. Chẳng hạn, việc quản lý cây cối của công ty công viên và cây xanh. Thực tế đã có những thiệt hại loại này xảy ra, nhưng việc quy kết trách nhiệm cho chủ thể phải bồi thường là rất phức tạp. Không ít trường hợp có thiệt hại xảy ra nhưng không quy kết được trách nhiệm bồi thường cho ai! Trong những trường hợp này đương nhiên chủ thể bị thiệt hại phải chịu thiệt thòi.

Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng, cần xác định theo tiêu chí sau:

- Tài sản đó xác định rõ chủ sở hữu và chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, thì chủ sở hữu phải bồi thường.

- Nếu đồ vật được chủ sở hữu chuyển giao cho người khác quyền chiếm hữu, sử dụng (thông qua hợp đồng thuê tài sản, thuê khoán…) theo ý chí của chủ sở hữu cần xác định: Nếu có lỗi của người chiếm hữu, sử dụng, thì người chiếm hữu sử dụng có trách nhiệm bồi thường; nếu người chiếm hữu, sử dụng không có lỗi mà thiệt hại do chính đồ vật gây ra (mà người sử dụng không thể biết và luật cũng không buộc phải biết) như đổ nhà, sập trần, xe ô tô bị bất ngờ gẫy khung xe… thì chủ sở hữu phải bồi thường.

- Chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao trách nhiệm quản lý, thì những người này có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp này cần quy định là trách nhiệm liên đới để bảo đảm việc khắc phục được nhanh chóng, bảo đảm lợi ích cho người bị thiệt hại.

Cần lưu ý rằng, Điều 626 và Điều 627 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định hai trường hợp không phải bồi thường là: thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Đây cũng là một thực tế rất phức tạp, vì rằng nếu vì sự vô ý của chủ sở hữu hoặc của người được giao quản lý thì cũng rất khó quy kết trách nhiệm bồi thường. Ví dụ: cây bị mục rễ tự nhiên đổ không phải do bão, lụt (là những sự kiện bất khả kháng thông thường); hoặc có những công trình công cộng lâu năm mà sức bền vật liệu hoặc thời hạn sử dụng đã hết… tự nhiên đổ, thì cũng rất khó khăn khi xác định trách nhiệm. Nên chăng, cần có quy định về trách nhiệm kiểm tra tài sản định kỳ nhằm phòng tránh rủi ro cho những người xung quanh.

Đối với trường hợp tài sản thuộc sở hữu Nhà nước như cây cối trong rừng, thú dữ, động vật khác gây thiệt hại thì lại có những đặc thù riêng. Do Nhà nước là một chủ thể đặc biệt có rất nhiều đặc quyền và có thể được miễn trừ trách nhiệm nên theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Nhà nước mới chỉ chịu trách nhiệm BTTH do hành vi của cán bộ, công chức Nhà nước gây ra. Mặc dù Luật Bồi thường Nhà nước đang được xây dựng và sắp được Quốc hội thông qua nhưng trong phạm vi điều chỉnh của Luật này cũng loại trừ trách nhiệm của Nhà nước đối với trường hợp tài sản của Nhà nước gây ra thiệt hại. Do đó, trong trường hợp tài sản của Nhà nước gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người bị thiệt hại mà không phát sinh trách nhiệm BTTH và người bị thiệt hại sẽ phải gánh chịu một rủi ro.

*Về năng lực chịu trách nhiệm.

Theo quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân thì:

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường;

Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Theo quy định trên thì người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì có thể cha, mẹ hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm BTTH. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp thiệt hại là do hành vi của con người gây ra còn nếu thiệt hại là do tài sản gây ra thì nguyên tắc này không thể được áp dụng bởi lẽ cha mẹ chỉ có thể bị suy đoán là có lỗi trong việc giáo dục, quản lý con cái để con cái có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác. Còn trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu của tài sản vẫn là người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự và cha mẹ không bị coi là có lỗi nếu tài sản đang do người khác quản lý. Hơn nữa, trách nhiệm dân sự là trách nhiệm về tài sản và người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Do đó chủ thể chịu trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra phải là chủ sở hữu của tài sản đó hoặc người đang chiếm hữu, quản lý tài sản chứ không thể là cha mẹ hoặc người giám hộ. Nếu cha, mẹ, người giám hộ cũng là người quản lý tài sản thì họ cũng có thể là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mặc dù người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự không có năng lực tố tụng nhưng người đại diện của họ có thể tham gia còn trách nhiệm vẫn phải thuộc về những người này và họ phải bồi thường bằng tài sản của chính họ. Và nếu tài sản của họ không đủ để bồi thường thì cha, mẹ, người giám hộ cũng không phải thực hiện thay.

+ Về đối tượng bị xâm phạm. Nếu đối tượng bị xâm phạm trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung có thể là sức khoẻ, tính mạng, tài sản danh dự, nhân phẩm, uy tín, thì đối tượng bị xâm phạm trong trách nhiệm bồi thường do tài sản gây ra chỉ bao gồm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe,còn thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín không thuộc phạm vi tác động gây thiệt hại của tài sản. Điều này được lý giải theo hướng, danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị nhân thân gắn liền với từng cá nhân và danh dự, uy tín gắn liền với từng tổ chức nhất định. Trong trường hợp bị xâm phạm đến các giá trị kể trên thường được thông qua hành vi của con người dưới dạng hành động ( như thông qua lời nói, chữ viết, hành vi cụ thể) trong sự tác động của quá trình nhận thức cũng như ý thức tôn trọng các quyền tuyệt đối này và ý thức chấp hành pháp luật của con người. Tuy nhiên. việc xâm phạm các lợi ích này có thể dẫn đến tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại hay thân nhân của họ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc xác định đối tương bị xâm hại trong trường hợp tài sản gây thiệt hại lại là danh dự, nhân phẩm, uy tín

2. Lược sử qui định của pháp luật về trách nhiệm BTTH do tài sản gây thiệt hại.

Sự phát triẻn của pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói riêng gắn liền với lịch sử truyèn thống đạo đức, gắn liền với nền văn hoá dân tộc và với quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của dân tộc Việt Nam. Qua sử liệu cho thấy, trước thời nhà Lê, xã hội Việt Nam đã trải qua các thời kì: nhà Đinh (967-1909); nhà Lý (1010-1225); nhà Trần (1226-1399); nhà Hồ (1400-1406).

Việc nghiên cứu cũng như khảo cổ luật của Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu, các bộ luật chẳng hạn như Bộ luật Hình thư của nhà Lý, Bộ luật Hình thư của nhà Trần cùng một số văn bản pháp luật quý báu khác bị thất lạc. Các tài liệu chính để nghiên cứu các vấn đề pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã bị mất. Từ thế kỉ thứ XV, để nghiên cứu về pháp luật ở các triều đại này, các nhà nghiên cứu đã phải sử dụng các tài liệu gián tiếp của các tác giả như Phan Huy Chú, Ngô Sỹ Liên, Lê Quý Đôn, Hoàng Xuân Hoãn…song những tài liệu này không đủ cơ sở để phân tích đánh giá cho một kết luận chính xác nào về một vấn đề cụ thể, trong đó có những quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2.1. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo Luật Hồng Đức

Trong Luật Hồng Đức tại chương tạp luật có các qui định về bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra, như trộm cắp, đánh người và các qui định về trách nhiệm bồi thường do tài sản gây ra. Điều 568 Luật Hồng Đức qui định:

“Khi có việc xây dựng hoặc phá huỷ gì mà phòng bị không cẩn thận để đến lỗi xảy ra chết người thì bị xử biếm một tư và chịu tiền mai táng 5 quan, còn thợ thuyền, chủ ty thì hình quan sẽ xem xét lỗi vì ai xảy ra mà định tội.”

Khi xây dựng nhà ở, công trình xây dựng thì chủ sở hữu phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn trong xây dựng và có biện pháp đề phòng các trường hợp có thể gây thiệt hại cho tài sản, tính mạng sức khoẻ của người khác. Tuy nhiên, nếu xây dựng hoặc phá huỷ công trình xây dựng mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường. Trường hợp này có hai khả năng xảy ra, thứ nhất khi xây dựng hoặc phá huỷ công trình mà người trực tiếp làm công việc đó có lỗi để gây ra thiệt hại. Thứ hai, do người chủ không cẩn thận trong việc ngăn ngừa thiệt hại để cho công trình xây dựng gây thiệt hại đẫn đến chết người, trường hợp này lỗi của chủ sở hữu là gián tiếp cho nên chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại, đây là trách nhiệm do tài sản gây ra.

Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp trên là lỗi vô ý của chủ sở hữu hoặc lỗi của người trực tiếp xây dựng, của người nhận thầu công trình và hậu quả là chết người. Mặc dù lỗi của ai nũa thì suy đoán cũng là lỗi của chủ sở hữu vì người xây dựng là người làm thuê hoặc làm giúp cho chủ sở hữu, cho nên công việc xây dựng hoặc phá dỡ là của chủ sở hữu, vì vậy chủ sở hữu công trình và phải bồi thường. Nếu chủ sở hữu có lỗi vô ý vì cẩu thả “không cẩn thận” sẽ bị xử tội biếm và phải bồi thường tiền mai táng cho nạn nhân là 5 quan tiền.

Khi xây dựng, phá dỡ công trình, việc gây thiệt hại có thể do thợ xây hoặc người tháo dỡ công trình xây dựng bất cẩn để xảy ra thiệt hại, trước hết chủ sở hữu phải bồi thường. Nếu những người trực tiếp thực hiên việc xây dựng, phá dở có lỗi, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị hình phạt tương xứng.

Ngoài các công trình xây dựng gây thiệt hại, pháp luật còn qui định các trường hợp do súc vật gây ra thiệt hại. Điều 581 Luật Hồng Đức qui định:“ Người thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta thì xử phạt 80 trượng và đền sự thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo thì biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu trâu ngựa lồng lên không kìm hãm được thì được miễn tội trượng”.

Theo qui định trên, người trực tiếp quản lý trâu, ngựa mà vô ý như chăn dắt trâu ngựa trông coi không cẩn thận để trâu, ngựa phá hoại hoa mầu, mùa màng thì bị phạt 80 trượng và phải đền bù toàn bộ thiệt hại. Trường hợp cố ý cho trâu, ngựa phá hoại mùa màng, hoa mầu thường là những hành vi mang tính trả thù. Trường hợp này, việc phá hoại mùa màng không những vi phạm trật tự an ninh xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của chủ sở hữu, cho nên pháp luật áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm.

Nếu do bản tính hung dữ, trâu, ngưạ lồng lên mà người chăn dắt không kìm hãm được việc phá hoại của trâu, ngựa thì chủ sở hữu không có lỗi trong việc trông coi, cho nên không phải chịu trách nhiêm hình sự, tuy nhiên về trách nhiệm dân sự vẫn phải bồi thường thiệt hại.

Trâu, ngựa là loại súc vật to lớn giúp con người trong sản xuất kinh doanh, vì vậy người nông dân thường phải lựa chọn những con súc vật này có tính hiến lành, không hung dữ, như thế mới có thể điều khiển được chúng. Tuy nhiên, có những trường hợp trâu, ngựa phá hoại mùa màng là do hành vi bất cẩn của con người hoặc do hành vi cố ý sử dụng trâu, ngựa làm phương tiên, công cụ để phá hoại mùa màng của người khác, cho nên chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

Trong thực tiễn phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, có trường hợp những con súc vật có tính hung ác luôn đe doạ gây thiệt hại, vì vậy chủ sở hữu phải có các biện pháp ngăn chặn không cho súc vật gây thiệt hại tài sản, tính mạng, sức khoẻ của người khác. Điều 582 Luật Hông Đức qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc hung dữ vật gây ra như sau:

“ Súc vật và chó có tính hay húc, đã và cắn người mà làm hiệu buộc ròng không đúng phép (đúng phép là con vật hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá người thì buộc hai chân, cắn người thì phải cắt hai tai) hay chó dại mà không giết thì đều xử phạt 60 trượng”.

Đối với súc vật có tình hung ác, thì chủ sở hữu phải có các biện pháp trông giữ theo qui định của pháp luật như trâu, bò hay húc thì phải cắt hai sừng, vì sừng là “vũ khí” nguy hiểm đẻ tấn công con người hay súc vật khác, nếu cắt bỏ thì khả năng gây thiệt hại không còn. Nếu ngựa hay đá người thì phải buộc rằng hai chân trước và sau sao cho có thể đi lại được bình thường nhưng không thể co chân đá người khác và có nghĩa là nếu co hai chân sau lên cùng đá thì con ngựa sẽ bị ngã, cho nên không thể gây ra thiệt hại.

Đối với chó hay cắn người thì cắt hai tai, đây là biện pháp trừng phạt theo cách thức dân gian có hiệu quả. Chó phát hiện ra con người từ hướng nào và chuẩn bị tấn công người hướng đó là do thính giác, vì thế chó bị cắt hai tai sẽ không phát hiện ra tiếng động từ phía nào, cho nên nó không chủ động tấn công con người.

Đối với chó dại là nguồn nguy hiểm cho bất cứ ai, nếu không giết ngay sẽ gây nguy hiểm về tính mạng cho người khác, vì thế chủ sở hữu phải giết chó dại ngăn ngừa chó căn người, nhưng chủ sở hữu không thực hiện việc phòng ngừa đó, cho nên phải chịu hình phạt là 60 trượng.

Súc vật không những gây thiệt hại về tài sản, tính mạng sức khoẻ cho con người, mà còn gây thiệt hại cho những con súc vật cùng loại khác như trâu bò đánh nhau. Đặc biệt trâu mộng là con vật luôn thể hiện mình có sức mạnh nhất mà con khác phải coi chừng và phải nhường lãnh địa kiếm ăn, vì thế, do bản tính kình địch thủ, cho nên chúng hay đánh nhau đến chết, do vậy, nếu xảy ra hai trâu đánh nhau dẫn đến hậu quả một con chết thì được xử lý theo qui định tại Điều 586 LHĐ: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, còn sống hai nhà cùng cầy. Trái luật xử phạt 80 trượng”.

Con trâu là đầu cơ nghiệp của một gia đình nông dân, điều này vẫn còn phù hợp đến ngày nay ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, nếu không có trâu cày, kéo thì ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình người nông dân, vì vậy Luật Hồng Đức qui định là nếu hai con trâu đánh nhau mà một con chết thì con chết chia đôi cho mỗi chủ sở hữu một nửa và con còn sống thuộc sở hữu chung của hai nhà. Qui định này nhằm đảm bảo cho hai gia đình đều có trâu để cầy, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp của mỗi gia đình.

Qua những điều luật trên, Luật Hồng Đức đã qui định tương đối đầy đủ trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu khi các loại tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác. Điều này chứng tỏ các nhà làm luật đã dự liệu được các trường hợp tài sản có thể gây ra thiệt hại và thể hiện cái nhìn tương đối toàn diện về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đương thời.

2.2. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo Luật Gia Long

Những thành quả của Luật Hồng Đức đã không được kế thừa trong luật của nhà Nguyễn. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do nhà Nguyễn bị ảnh hưởng, phụ thuộc nhiều vào chế độ phong kiến phương Bắc, cho nên trong Hoàng Việt Luật lệ (Luật Gia Long), cấu trúc của Luật Gia Long hoàn toàn khác so với Luật Hồng Đức. Trong chế định bồi thường thiệt hại thì các qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra không có qui định cụ thể mà chủ yếu qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi con người gây ra (quyển 6 Hộ luật). Trong quyển 6, chủ yếu qui định về các hành vi gây thiệt hại về tài sản của Vua hoặc quan lại triều đình mà không có qui định về bồi thường thiệt hại tài sản của công dân. Điều này có thể được giải thích là trong xã hội nhà Nguyễn pháp luật bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của giai cấp thống trị nhằm củng cố địa vị của giai cấp thống trị đối với nhân dân lao động.

2.3. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của các Bộ Dân luật

Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, quốc mẫu Pháp đã thi hành chế độ bảo hộ đối với Việt Nam và các nước Đông Dương, vì vậy các bộ luật dân sự của nước ta thời kỳ pháp thuộc do nhà nước Pháp ban hành bằng tiếng pháp và được dịch ra tiếng Việt. Các bộ luật này dựa theo Bộ luật dân sự của NAPOLEON nhưng có điều chỉnh phù hợp với điều kiện chính trị kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Chế định bồi thường thiệt hại trong Bộ Dân luât Bắc Kỳ (DLBK) và Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật (DLTK) được chia thành trách nhiệm dân sự theo hợp đồng và ngoài hợp đồng. Đối với trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, nguyên tắc chung để xác định trách nhiệm dân sự được qui đinh tại Điều 711(DLBK) và Điều 763 (DLTK):

“Người ta phải chịu trách nhiệm không những tổn hại tự mình làm ra mà cả về sự tổn hại do những người mà mình phải bảo lãnh hay do những vật mình phải trông coi nữa.

Phàm vật vô hồn mà làm nên tổn hại. thì người trông coi vật ấy cho là có lỗi vào đó, không phân biệt vật đó có tay người động đến hay không, muốn phá sự phỏng đoán đó thì phải có bằng chứng trái lại mới được.

Bấy nhiêu trường hợp như trên đều có trách nhiệm cả, trừ khi người chịu trách nhiệm đó có bằng chứng rằng cái việc sinh ra trách nhiệm ấy mình không thể ngăn cấm được”.

Đoạn một điều luật trên qui định về nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là người nào gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Mặt khác nếu một người giám hộ (bảo lỉnh) người khác mà để người được giám hộ gây thiệt hại thì người giám hộ phải bồi thường thiệt hại, vì người giám hộ không thực hiện tốt nghĩa vụ giám hộ của mình nên phải chịu thay người được giám hộ. Ngoài ra đoạn một điều luật còn qui định trách nhiệm của người trông coi tài sản mà để tài sản gây thiệt hại thì phải bồi thường thiêt hại. Người trông coi tài sản có thể là chủ sở hữu, hoặc người được chủ sở hữu chuyển tài sản thông qua hợp đồng như gửi giữ…, người trông giữ không bảo quản, coi giữ cẩn thận để tài sản gây thiệt hại là do lỗi của người trông gữi, cho nên họ phải bồi thường thiệt hại.

Đoạn hai điều luật qui định vật vô hồn là các vật như nhà ở, công trình xây dựng và các tài sản vô chi vô giác khác gây thiệt hại trong hai trường hợp: Thứ nhất, do người quản lý trông coi, sử dụng tài sản mà có lỗi vô ý, quản lý, trông coi hoặc khai thác sử dụng không cẩn thận để tài sản gây thiệt hại. Thứ hai là tài sản tự nó gây thiệt hại mà không có hành vi tác động trực tiếp của người quản lý trông coi. Trường hợp này người quản lý tài sản có lỗi vô ý gián tiếp là không thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa có khả năng cho phép, cho nên để tài sản gây thiệt hại, vì vậy chủ sở hữu hoặc người quản lý trông coi tài sản phải bồi thường thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của người quản lý tài sản mà do hành vi trái luật trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phát sinh khi người quản lý, trông coi tài sản chúng minh được việc gây thiệt hại đó là bất khả kháng. Vì trường hợp này người quản lý không có lỗi trong việc trông coi tài sản, thiệt hại xảy ra nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người, cho nên họ không phải chịu trách nhiêm dân sự.

Trách nhiệm dân sự về thiệt hại do súc vật gây ra được qui tại Điều 715 (DLBK) và Điều 766 (DLTK):

“ Người chủ con vật hay người dùng nó, trong khi nuôi nó mà nó làm tổn hại sự gì phải chịu trách nhiệm dù khi đó mình có giữ nó hay nó trốn di mặc lòng”.

Súc vật là những con gia súc nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, chó.. đây là những con thú dữ đã được thuần hoá, nhưng do bản năng hung dữ có thể xuất hiện bất cứ khi nào, vì vậy chủ sở hữu, người sử dụng súc vật phải có biện pháp trông coi cẩn thận, tuy nhiên có trường hợp chủ sở hữu đã áp dụng các biện pháp cho phép để trông giữ nhưng súc vật vẫn trốn khỏi sự kiểm soát của chủ sở hữu hoặc người sử dụng nó và gây thiệt hại cho người khác. Súc vật gây thiệt hại có thể do hành vi bất cẩn của người quản lý nó hoặc do người quản lý đã không lường hết được các khả năng sẽ gây thiệt hại thì những trường hợp này suy đoán là ngươì quản lý có lỗi trong việc trông coi, quản lý súc vật để nó gây thiệt hại, vì thế chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại.

Tài sản lớn có giá trị của cá nhân là nhà ở, tài sản này có thể gây thiệt hại do hành vi vô ý của chủ nhà thể hiện trong Điều 716 (DLBK) và Điều 767 (DLTK) như sau:

“ Người chủ nhà mà nhà đổ nát làm thiệt hại cho người ta vì không chụi tu bổ hay vì làm không chắc chắn phải chịui trách nhiệm về sự tổn hại đó”.

Khi nhà ở bị đổ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ cho người khác cần xem xét lỗi của chủ nhà trong việc tu bổ, sửa chữa thường xuyên những hư hỏng thông thường. Nếu chủ nhà cố ý hoặc vô ý không tu bổ hư hỏng mà để gây thiệt hại thì đây là hành vi vô ý của chủ nhà. Trường hợp nhà đổ do xây dựng không đảm bảo an toàn như chất lượng vật liệu không tốt, kỹ thuật xây dựng kém hoặc làm nhà tạm bợ vì không có khả năng kinh tế…những trường hợp trên mà nhà ở gây thiệt hại thì được coi là lỗi gián tiếp của chủ sở hữu, cần phải biết hoặc buộc phải biết về khả năng nhà có thể đổ nát khi gặp mưa to, gió lớn, cho nên chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Các qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hai bộ Dân luật Bắc kỳ và dân luật Trung kỳ đều dựa trên căn cứ vào lỗi trực tiếp hoặc lỗi gián tiếp của của chủ sở hữu hoặc quản lý sử dụng tài sản. Nguyên tắc xác định trách nhiệm dân sự dựa trên yếu tố lỗi đảm bảo được việc xác định đúng trách nhiệm dân sự của người có hành vi trái luật, bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại do người khác gây ra.

2.4. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện đại.

* Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của Thông tư 173/UBTP năm 1972

Bộ dân luật Bắc kỳ được áp dụng ở miền Bắc nước ta đến cuối năm 1959 và sau đó toà án áp dụng đường lối xét xử được Toà án nhân dân tối cao tổng kết kinh nghiệm xét xử hàng năm và các văn bản hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao. Trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại có Thông tư 173-UBTP ngày 23/3/1972 ( TT.173) của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo Thông tư 173, để xác định một chủ thể có phải chịu trách nhiệm dân sự hay không cần phải căn cứ vào 4 điều kiện sau:

- Phải có thiệt hại

Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất, cụ thể là các thiệt hại về tài sản, các chi phí cần thiết và thu nhập bị mất do xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ.. những thiệt hại xảy ra phải tính toán được bằng một số tiền cụ thể.

- Phải có hành vi trái pháp luật.

Hành vi trái luật có thể là hành vi phạm pháp hình sự hoặc bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật nói chung hoặc vi phạm một qui tắc sinh hoạt xã hội.

- Phải có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.

Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của của hành vi trái luật, hành vi trái luật là nguyên nhân chủ yếu có tính quyết định làm phát sinh hậu quả cụ thể.

- Người gây thiệt hại có lỗi.

Người gây thiệt hại nhận thức hoặc cần phải nhân thức hành vi của mình là trái luật và có thể gây ra thiệt hại cho người khác. Lỗi của người gây thiệt hại có thể là cố ý hoặc vô ý.

Khi có thiệt hại xảy ra, cần phải xem xét thiệt hại do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của con người. Hành vi trực tiếp gây thiệt hại là hành của một người đã xác định được, hành vi đó là trái luật. Hành vi gián tiếp gây thiệt hại là do ngưòi đó không thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa việc gây thiệt hại, như không có các biện pháp phù hợp bảo quản tài sản dẫn đến việc tài sản gây thiệt hại…Đối với những trường hợp hành vi trực tiếp gây thiệt hại cần xác định ý thức chủ quan của người gây thiệt hại là biết, hoặc không biết hành vi của mình là sai để xác định người thực hiên hành vi đó có lỗi cố ý hay vô ý. Trường hợp tài sản gây thiệt hại do nguyên nhân chủ quan của người quản lý sử dụng tài sản, thì cần phải xác định lỗi của người chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng thể hiện như thế nào trong từng trường hợp cụ thể.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được hướng dẫn tại Mục B điểm 4 của Thông tư 173 như sau:

“-Đối với thiệt hại do súc vật gây ra (như chó dại cắn chết người, trâu húc người hay súc vật bị thương) thì người sở hữu súc vật trực tiép phụ trách viẹc trông coi, chăn rắt phải chịu bồi thường.

Nếu súc vật đã chuyển cho người khác sử dụng (như cho mượn..) mà gây thiệt hại thì người sử dụng súc vật đó phải bồi thường.

Cở sở trách nhiệm của người chủ sở hữu hay của người trực tiếp sử dụng súc vật là lỗi của họ trong việc trông coi, chăn dắt súc vật không cẩn thân.”

Khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người khác lỗi lỗi vô ý của chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý sử dụng phải bồi thường thiệt hại. Nếu súc vật đã chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng chuyển quyền sủ dụng thì, người chiếm hữu hợp pháp phải bồi thường thiệt hại. Theo hướng dẫn trên, thì lỗi của người chủ sở hữu hoặc của người trực tiếp quản lý sử dụng là lỗi vô ý, không cẩn thận trong việc trông coi súc vật dẫn đến việc súc vật thoát khỏi sự kiểm soảt của chủ sở hữu, người quản lý sử dụng và gây thiệt hại. Ngược lại, do lỗi vô ý để súc vật gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì lỗi cố ý cho súc vật phá hoại mùa màng hoa mầu của người khác… thì tất nhiên chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải bồi thường thiệt hại.

Về nguyên tắc, khi xác định trách nhiệm dân sự của một chủ thể thì cần phải xác định chủ thể đó có lỗi trong việc gây thiệt hại. Tuy nhiên, một số trường hợp không cần xác định lỗi của con người, đó là trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nguyên tắc của trách nhiệm này là chủ sở hữu sử dụng tài sản thì phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, trừ trường hợp chứng minh được thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi người bị hại hoặc do bất khả kháng. Trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được hướng dẫn tại điểm 5 mục B Thông tư 173.

“ Trường hợp thiệt hại xảy ra hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ, không do lỗi của ai, thì cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại…”

Những năm 1970, miền Bắc đã hoàn thành cải tạo XHCN, cho nên phương tiện giao thông vận tải và các nguồn nguy hiểm cao độ khác chủ yếu thuộc sự quản lý của các hợp tác xã, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội.. cho nên TT.173 hướng dẫn là cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại. Thông tư 173 được áp dụng đến ngày Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực.

* Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của Thông tư 03-TATC ngày 05/04/1983

Thông tư 173 được ban hành trong điều kiện nền kinh tế – xã hội còn chưa phát triển, trình độ và kỹ thuật lập pháp còn đạt ở mức độ khiêm tốn; vì thế, những qui định trong Thông tư này chưa thực sự toàn diện, thiếu vắng những qui định liên quan đến trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, quan hệ xã hội phát sinh ngày càng nhiều và phong phú hơn trong đời sống dân sự, vì thế, yếu tố khách quan này đòi hỏi cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn. Thực trạng đó đã đưa đến cuộc trao đổi thống nhất giữa VKSNDTC, Bộ GTVT và với TANDTC. Thông tư số 03-TANDTC ngày 05/04/1983 được ban hành, hướng dẫn một số quy định về BTTH trong tai nạn ô tô. Vào thời điểm Thông tư 173 được ban hành thì ở Việt Nam ô tô chỉ thuộc sở hữu nhà nước, các cá nhân không có quyền sở hữu đối với các loại ô tô, vì thế, trong mọi trường hợp, chủ sở hữu là nhà nước phải BTTH. Thời gian sau đó, ở Việt Nam, ô tô không chỉ thuộc sở hữu của nhà nước mà còn thuộc sở hữu của tư nhân. Điều đó chứng tỏ trong xã hội, khả năng kinh tế của mỗi cá nhân có độ chênh lệch, bởi thế, các nhà lập pháp đã có cách nhìn nhận mới trong việc quy định trách nhiệm BTTH do tai nạn ô tô. Trên cơ sở kế thừa những quy định của Thông tư 173 về cơ sở để xác định việc bồi thường cũng dựa vào 4 điều kiện. Tuy nhiên, trong khi quy định về trách nhiệm BTTH trong tai nạn ô tô đã quy định khá cụ thể về lỗi của từng chủ thể (lỗi của phía ô tô, lỗi của nạn nhân, lỗi của người thứ 3). Ngoài ra, còn có dự liệu khi ô tô va chạm mà gây thiệt hại và chỉ có 1 bên có lỗi thì bên có lỗi phải BTTH còn nếu cả 2 bên có lỗi thì xác định trách nhiệm liên đới. Nếu trong trường hợp tự thân hoạt động của ô tô mà gây thiệt hại thì phía ô tô phải bồi thường. Trong trường hợp bất khả kháng như: do cây đổ, đá lở, sét đánh, v.v… thì phía ô tô không phải bồi thường. Người phải BTTH cũng phải xác định tương đối cụ thể trong Thông tư 03, cụ thể là người chiếm hữu phương tiện phải bồi thường những thiệt hại gây ra cho người xung quanh mà không phân biệt người chiếm hữu phương tiện chỉ phải bồi thường khi người lái xe đang làm nhiệm vụ được giao với khi không được giao nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng hoặc sử dụng để làm việc riêng. Qui định này xuất phát từ việc nhanh chóng khắc phục thiệt hại cho người bị thiệt hại và có tác dụng làm cho người chiếm hữu phương tiện phải quản lý những người lái xe. Thông tư này còn xác định người chủ xe là người chiếm hữu xe trừ khi xe đã được chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng cho mượn, cho thuê không kèm theo người lái, xe bị trưng dụng theo mệnh lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi xe chuyển giao thì người được chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu xe bị huy động phục vụ các nhu cầu của nhà nước như: chống bão lụt, dịch bệnh,… thì chủ phương tiện vẫn phải BTTH nếu xe gây thiệt hại vì chủ phương tiện vẫn được coi là thực hiện kế hoạch Nhà nưóc, được Nhà nước cung cấp cho kinh phí, nhiên liệu, v.v…. Có thể nói, đây là quy định hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của chủ xe mà cần được hiểu rằng trong trường hợp này, xe đã được chuyển giao và Nhà nước chính là người đang chiếm hữu xe của cá nhân để phục vụ lợi ích công cộng, không cân bằng giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, dẫn đến hậu quả rất khó khăn trong việc khuyến khích chủ xe thực hiện nghĩa vụ với nhà nước…

* Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của BLDS 1995 và 2005

Trong Bộ luật dân sự 1995 và được sửa đổi bổ sung năm 2005, các qui định về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra không thay đổi, bổ sung mà thay đổi số các điều luật. Qui định bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra gồm các điều luật sau đây:

Điều 627 BLDS 1995 (Đ623 BLDS 2005)-Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều 628 (624)-Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Điều 629 (625) -Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Điều 630 (625)-Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Điều 631(626)-Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra. Những qui định về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong BLDS dựa trên cơ sở pháp lý là lỗi của chủ sở hữu hoặc của người trực tiếp sử dụng, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó. Những người này có lỗi vô ý hoặc cố ý để tài sản của mình gây thiệt hại. Ngoài ra, luật qui định trường hợp không cần xác định lỗi của chủ sở hữu như trách nhiệm dân sự do ngưồn nguy hiểm câo độ gây ra.

3. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.

3.1. Pháp luật của Cộng hoà Pháp

Pháp luật luật dân sự của Pháp ảnh hưởng mạnh đến pháp luật dân sự của nhà nước phong kiến Việt Nam thời kỳ thuộc địa, vì thế các qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung trong các Bộ dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ đều giống Bộ luật dân sự Pháp.

Điều 1384 Bộ luật dân sự Pháp qui định:

“Mỗi người phải chịu trách nhiệm không những về thiệt hại do mình gây ra mà cả về thiệt hại do những người mà mình chịu trách nhiệm hoặc những vật mà mình coi giữ gây ra”.

Điều 1385 BLDS Pháp: “ Chủ sở hữu con vật hoặc người sử dụng con vật ấy phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do con vật gây ra, dù nó đang được coi giữ hoặc bị xổng ra”.

Điều 1386 BLDS Pháp: “Chủ sở hữu công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm vè thiệt hại gây ra do công trình bị đổ vì thiếu bảo dưỡng hoặc vì khuyết tật trong khi xây dựng”.

Các qui định trong Bộ dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ đã đựợc phân tích tại phần đầu.

3.2. Pháp luật của Nhật Bản

Trong Bộ luật dân sự Nhật Bản, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được qui định tại Chương V- Hành vi không hợp pháp. Chương này qui định về bồi thường thiệt hại do hành vi không hợp pháp của con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại. Người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì cần phải xác định người chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý, người sử dụng có lỗi hay không. Nếu thiệt hại xảy ra mà người quản lý sử dụng hoàn toàn không có lỗi thì không phải bồi thường. Lỗi của người quản lý tài sản thể hiện trong từng trường hợp cụ thể khác nhau. Thiệt hại xẩy ra có thể do hành vi của con người hoặc do tài sản nhưng nguyên nhân chính là hành vi cố ý hoặc bất cẩn của con người trong việc quản lý, sử dụng tài sản, vì thế Điều 709 BLDS Nhật Bản qui định một nguyên tắc chung là: “Một người vi phạm do cố ý hoặc do vô ý mà vi phạm quyền của người khác thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh từ vi phạm ấy”

Theo qui định trên quyền của người khác là các quyền dân sự như quyền nhân thân, quyền tài sản (quyền sở hữu)…Tuỳ thuộc vào loại thiệt hại mà người gây thiệt hại phải bồi thường theo các mức khác nhau. Điều 709 BLDS Nhật bản qui định hai cơ sở bồi thường là người gây thiệt hại có lỗi vô ý hoặc cố ý và thiệt hại là xâm phạm quyền dân sự của các nhân tổ chức. Đây là một qui định mang tính tổng quát, cho nên không cần thiết phải qui định cụ thể từng trường hợp gây thiệt hại. Tuy nhiên, có những thiệt hại xẩy ra xét về thực tế người phải bồi thường không có lỗi hoặc lỗi của họ là bị suy đoán như công trình xây dựng gây thiệt hại trong thời gian sử dụng. Lỗi có thể là do thiết kế, thi công hoặc do các nguyên nhân khác mà không phải là sự kiện bất khả kháng. Liên quan đến vấn đề này Điều 717 BLDS Nhật Bản qui định: “ Nếu việc xẩy ra thiệt hại đối với người khác vì nguyên nhân sai sót trong xây dựng hoặc bảo quản cấu trúc trên đất thì người chiếm hữu cấu trúc chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với bên bị thiệt hại, song nếu như người chiếm hữu đã thể hiện sự quan tâm đúng mức nhằm ngăn chận việc xảy ra thiệt hại thì chủ của cấu trúc đó phải bồi thường”.

Theo qui định trên, nếu công trình đang xây dựng mà gây thiệt hại thì phải xác định lỗi của người đang thi công. trường hợp người thi công có lỗi như vi phạm qui trình kỹ thuật xây dựng, vô ý để tài sản gây thiệt hại cho người khác thì bên thi công phải bồi thường thiệt hại. Qui định này hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi lẽ xây dựng là công việc thuộc chuyên môn kỹ thuật cao, người làm nghề xây dựng phải có thẻ hành nghề và mua bảo hiểm nghề nghiệp, vì vậy nếu trong quá trình xây dựng do lỗi của bên thi công thì bên thi công phải bồi thường thiệt hại và bên thi công có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thay.

Trường hợp, các công trình xây dựng hoặc các cấu trúc khác như nhà khung sắt, nhà gỗ…sụp đổ gây thiệt hại, trước hết xem xét người chiếm hữu cấu trúc đó có lỗi trong việc sử dụng hay không, nếu người chiếm hữu không có lỗi trong việc cấu trúc gây thiệt hại thì chủ sở hữu công trình phải bồi thường. Rõ ràng trường hợp này người chủ sở hữu không có lỗi trong việc khai thác tài sản, cho nên qui định có tính chất suy đoán người chủ sở hữu có lỗi nên buộc phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, xét về mặt thực tiễn qui định này có tính hợp lý, thể hiện là công trình xây dựng là những khối bê tông cốt thép khổng lồ được chôn sâu trong lòng đất, vì công trình xây dựng do con người tạo ra, do vậy mọi tính toán của con người đều không thể đúng một cách tuyệt đối, cho nên có thể dẫn đến thiếu sót trong thăm dò địa chất, thiết kế, hoặc thi công dẫn đến gây thiệt hại cho người khác, vì vậy cần phải buộc chủ sở hữu bồi thường cho người bị thiệt hại là phù hợp. Mặt khác pháp luật qui định như vậy để buộc chủ sở hữu phải mua bảo hiểm các công trình xây dựng, nếu xảy ra thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường thay.

Đối với trách nhiệm dân sự do súc vật gây ra, thì cần phải xác định lỗi của người chủ sở hữu, người quản lý súc vật theo Điều 718 BLDS Nhật Bản: “Người chiếm hữu động vật phải bồi thường thiệt hại do nó gây ra cho người thứ ba, song đièu này không áp dụng nếu người chiếm hữu đã bảo quản nó với quan tâm đúng mức phù hợp với đặc tính và bản chất của động vật. Người chăm sóc động vật thay cho người chiếm hữu cũng phải gánh vác trách nhiệm nêu ở phần trên”.

Khi xảy ra thiệt hại, để xác định lỗi của chủ sở hữu, người quản lý súc vật phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xem xét chủ sở hữu, người quản lý súc vật đã áp dụng các biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa súc vật gây thiệt hại phù hợp với đặc tính của từng loại súc vật hay chưa, ngoài ra các biện pháp đó có phù hợp với hoàn cảnh nuôi giữ súc vật hay không. Nếu súc vật gây thiệt hại mà người chủ sở hữu, người quản lý súc vật không có lỗi thì không phải bồi thường thiệt hại. Qui định này phù hợp với lý luận và thực tiễn, bởi lẽ nguyên tắc xác định trách nhiệm dân sự là lỗi của người gây thiệt hại mà trường hợp này người người chủ sở hữu, người quản lý súc vật đã sử dụng các biện pháp ngăn ngừa cho phép nên đã thể hiên sự thận trọng trong việc nuôi, giữ súc vật. Ví dụ: nuôi chó trong nhà mà chủ sở hữu đã xích chó một chỗ cố định mà trộm vào nhà bị chó cắn. Trường hợp này không thể coi chủ sở hữu có lỗi trong việc chó gây thiệt hại cho kẻ trộm.

Những qui định về bồi thường thiệt hại trong Luật dân sự của Pháp và đặc biệt của Luật dân sự Nhật Bản rất hợp lý và hợp tình trong việc xác định trách nhiệm dân sự của người gây thiệt hại hoặc của chủ sở hữu, người quản lý sử dụng tài sản. Những qui định này chỉ rõ trường hợp nào có lỗi, trường hợp nào không có lỗi nhưng vẫn phải bồi thường, trên cơ sở đó áp dụng pháp luật sẽ được chính xác.

II. Quy định của Pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra:

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định dân sự có lịch sử ra đời sớm nhất. Các quốc gia trên thế giới, tương ứng với mỗi thời kỳ lịch sử với những điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau có những quy định khác nhau về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng có một nguyên tắc nhất quán không thay đổi, đó là người gây thiệt hại có lỗi phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm bảo đảm việc khắc phục, đền bù những tổn thất vật chất và tinh thần do hành vi trái pháp luật gây ra mà còn giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Trong thực tiễn đời sống, thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm… của các cá nhân, tổ chức có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” là sự kiện phổ biến làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những thiệt hại phát sinh do hành vi trái pháp luật và có lỗi của con người, có nhiều thiệt hại phát sinh do tác động của những sự vật khác như đồ vật, máy móc, thiết bị, súc vật… không liên quan đến hành vi của con người, khó có thể xác định được ai là người gây ra thiệt hại và ai có lỗi. Trong những trường hợp như vậy, quyền được bồi thường của nạn nhân liệu có được bảo đảm không và ai sẽ phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường?

Xuất phát từ nguyên tắc chung của pháp luật dân sự là tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, khi các quyền này bị xâm phạm, gây thiệt hại, việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng. Chính vì vậy, bên cạnh những quy định mang tính nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra, pháp luật dân sự Việt Nam còn dành ra một số quy định ngoại lệ đối với trách nhiệm bồi thường do tài sản gây ra.

1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

1.1. Có sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản

Nếu như “hành vi gây thiệt hại trái pháp luật” của con người là nguyên nhân phổ biến làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ được áp dụng khi thiệt hại “do sự tác động tự thân của tài sản” gây ra.

Trong khoa học pháp lý đã có quan điểm cho rằng các vật là vô tri vô giác, vì vậy chúng không thể gây thiệt hại nếu không có sự tác động của con người. Quan điểm này cho rằng đằng sau việc gây thiệt hại của một vật bao giờ cũng có sự tác động của con người: Chiếc xe gây tai nạn là do người lái xe làm cho nó chuyển động; nhà máy thải chất độc hại ra môi trường là do chủ ý của người quản lý nhà máy; cây đổ là do người chặt cây làm nó đổ… Quan điểm này đánh đồng tất cả các thiệt hại đều do con người gây ra, đồng nghĩa với việc phủ định có thiệt hại hoàn toàn do tài sản tự gây ra. Như vậy, các thiệt hại đều quy về một nguyên tắc bồi thường thiệt hại nói chung.

Tuy nhiên, không phải mọi thiệt hại do tài sản gây ra đều có sự tác động của con người. Nhiều trường hợp, sự kiện gây thiệt hại của tài sản nằm ngoài sự kiểm soát, chế ngự của con người và tự thân tài sản có thể gây thiệt hại. Việc xác định thiệt hại là do “tác động của người” hay “tác động của vật”có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, là điểm mấu chốt để phân định ranh giới giữa hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại: do hành vi của con người gây ra và do tài sản gây ra.

Hầu hết các vụ tai nạn, thiệt hại đều có sự tham gia của đồ vật, súc vật với vai trò trung gian như là công cụ, phương tiện mà con người sử dụng để gây thiệt hại như: đặt mìn để gây thiệt hại cho người khác, để đánh cá; dùng súng sát thương người khác; lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn; dùng chất độc để đầu độc người khác; dùng nguồn điện để gài bẫy trộm; huấn luyện chó tấn công người khác; phá dỡ công trình xây dựng gây thiệt hại cho người xung quanh… Những trường hợp này thiệt hại hoàn toàn do hành vi có chủ ý của con người. Ý chí của con người thể hiện thông qua hành vi tác động trực tiếp đến tài sản của mình, dùng tài sản như một công cụ trung gian để gây thiệt hại với lỗi cố ý hoặc vô ý. Những trường hợp thiệt hại có liên quan đến tài sản (như nguồn nguy hiểm cao độ, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng, súc vật) nhưng do “tác động của con người, do hành vi của con người gây ra thì sẽ không áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra (Theo các điều 623, 625, 626, 627 Bộ luật dân sự) mà sẽ chỉ áp dụng nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ được áp dụng khi tự thân tài sản đó gây thiệt hại như: xe ô tô đang chạy với tốc độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt hại; cháy, chập đường dây tải điện; cháy nổ trong nhà máy do trục trặc kỹ thuật; cây cối tự nhiên đỗ, gẫy; công trình xây dựng tự sụt lở gây tai nạn; súc vật vô cớ tấn công người; do tác động của môi trường hoặc dịch bệnh dẫn tới trâu, bò, chó điên, dại gây thiệt hại… Sự kiện gây thiệt hại của tài sản trong những trường hợp này theo cơ chế “tự gây thiệt hại”, hoàn toàn không có sự tác động của con người. Tuy nhiên, sự độc lập giữa “tác động của vật” và “tác động của con người” chỉ mang tính chất tương đối. Cây cối, công trình xây dựng, nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật… gây thiệt hại có thể vì nhiều lý do, trong đó có thể xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là người quản lý đã không thực hiện tốt nghĩa vụ trông coi, quản lý nên đã không có biện pháp thích hợp, kịp thời để ngăn chặn nguy cơ tài sản gây thiệt hại.

Một điểm cần lưu ý là sự kiện gây thiệt hại của tài sản phải có tính trái pháp luật. Pháp luật hiện hành mới chỉ có quy định về “hành vi trái pháp luật” của con người mà chưa có quy định về tính trái pháp luật khi tài sản gây thiệt hại. Theo tinh thần của Bộ luật dân sự, mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe; quyền sở hữu của công dân được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Vì vậy, về nguyên tắc, việc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác bị coi là trái pháp luật. Tuy nhiên, Điều 623 Bộ luật dân sự về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; Điều 625 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra; Điều 626 về Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra; Điều 627 về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra đều thuộc về trường hợp tâì sản gây thiệt hại, và cần phải hiểu đây là sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật, vì thế trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải được đặt ra.

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại: Trong các trường hợp Điều 625, 626, 627, thiệt hại xảy ra có thể do lỗi cố ý hoặc vô ý của người bị thiệt hại, ví dụ: công trình xây dựng đang xuống cấp, lún, nứt nghiêm trọng, đã có biển báo nguy hiểm và hàng rào vây quanh nhưng người bị thiệt hại vẫn đi vào khu vực cấm vì cho là không nguy hiểm; đột nhập vào trong nhà để trộm cắp bị chó giữ nhà tấn công… Riêng Điều 627 Bộ luật dân sự quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được loại trừ trong trường hợp “thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”. Quy định như vậy được hiểu là nếu thiệt hại hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phát sinh. Lý do vì nguồn nguy hiểm cao độ luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cao và cần đề cao trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ trong việc trông giữ, quản lý hơn các tài sản khác.

- Thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng: Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra hoàn toàn mang tính khách quan mà các chủ thể liên quan không thể tiên liệu được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện, khả năng cho phép. Việc không thể tiên liệu và không thể khắc phục được không chỉ đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản mà còn đối với những người khác nếu trong điều kiện, hoàn cảnh đó. Sự kiện bất khả kháng có thể là thiên tai như: lũ quét, mưa đá, sóng thần, động đất… hoặc những thảm họa như nổ bom nguyên tử… Trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường này được quy định trong các Điều 623 – Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; Điều 626 – Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra và Điều 627 – Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Riêng đối với thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625), Bộ luật dân sự không cho đây là một trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường, có nghĩa là chủ sở hữu, người quản lý súc vật vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, ví dụ: do thời tiết mà súc vật bị dịch bệnh, gây thiệt hại cho con người. Chủ sở hữu, người quản lý súc vật có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để quản lý, chăm sóc súc vật, bảo đảm chúng không gây thiệt hại cho người khác.

Ngoài ra, theo nguyên tắc chung của pháp luật, việc gây thiệt hại cũng không bị coi là trái pháp luật nếu được thực hiện theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ: hoạt động của xe cần trục, xe ủi… khi phá dỡ các công trình xây dựng trái phép không thể coi là trái pháp luật; để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, những thiệt hại trên đường sắt do tàu hỏa gây ra cho các chủ thể khác không bị coi là trái pháp luật và ngành đường sắt không có trách nhiệm bồi thường.

1.2. Có thiệt hại do tài sản gây ra:

Do tính chất của loại trách nhiệm này là thiệt hại do tài sản gây ra nên thiệt hại chỉ bao gồm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe. Riêng thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm không thuộc phạm vi tác động gây thiệt hại của tài sản.Tuy nhiên, cũng có thể có những trường hợp gây thiệt hại về tinh thần cho những người xung quanh.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ áp dụng khi tài sản gây thiệt hại “cho người khác” hay có thể gọi là “người xung quanh”. “Người khác” (hay “người xung quanh”) được hiểu là những người khi xảy ra thiệt hại, không phải là chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản. Nếu tài sản gây thiệt hại cho chủ sở hữu, họ phải tự chịu mọi rủi ro đối với thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Trường hợp tài sản gây thiệt hại cho người chiếm hữu, sử dụng tài sản theo nghĩa vụ lao động, người chiếm hữu, sử dụng bị thiệt hại có thể được hưởng bồi thường theo chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Nếu thiệt hại gây ra cho người được chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng theo hợp đồng, việc có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường hay không còn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên cũng như các quy định khác của pháp luật. Ví dụ: khoản 3 Điều 493 Bộ luật dân sự quy định về nghĩa vụ của bên cho thuê nhà ở, trong đó quy định “nếu bên cho thuê không bảo dưỡng, sửa chữa nhà mà gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường”. Tuy nhiên, nếu có phát sinh trách nhiệm trong trường hợp này thì đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, không phải trách nhiệm ngoài hợp đồng mà chúng ta đang đề cập.

Cách xác định thiệt hại vẫn căn cứ vào các quy định chung của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường (Từ Điều 608 đến Điều 610)

1.3. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quan điểm cổ điển, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi có điều kiện lỗi. Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác thì mới phải bồi thường. Cơ sở để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường là họ phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Lỗi theo truyền thống khoa học luật dân sự, được hiểu là yếu tố chủ quan nói lên trạng thái tâm lý của con người có khả năng đánh giá và nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và hậu quả của hành vi đó. Một vấn đề được đặt ra là nếu thiệt hại do tự bản thân tài sản gây ra thì có xem xét đến yếu tố lỗi của người sở hữu, quản lý không?

Quan điểm thứ nhất: Lỗi là một trong các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bản chất của lỗi trong dân sự là “lỗi suy đoán”, được hiểu là người nào gây ra thiệt hại bị suy đoán đương nhiên là có lỗi. Đối với các thiệt hại do tài sản gây ra, chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản bị suy đoán là có lỗi. Họ chỉ được giải trừ khỏi trách nhiệm bồi thường khi chứng minh được mình không có lỗi, hay nói cách khác, họ phải chứng minh được thiệt hại do tài sản gây ra là do lỗi của người khác và khi đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được chuyển sang cho người bị coi là có lỗi; Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản cũng không bị coi là có lỗi khi họ chứng minh thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng (khi đó người bị thiệt hại không được bồi thường và coi đó như là một rủi ro đối với mình) hoặc thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại (khi đó người bị thiệt hại phải tự chịu). Trên thực tế, thiệt hại do tài sản gây ra có thể có nguyên nhân sâu xa là người sở hữu, người quản lý tài sản đã không thực hiện tốt nghĩa vụ của họ trong việc quản lý. Nếu chủ sở hữu, người quản lý tài sản đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết để quản lý tài sản của mình nhưng việc tài sản gây thiệt hại nằm ngoài khả năng kiểm soát, chi phối của họ thì họ không bị coi là có lỗi và không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Điều kiện này trong nhiều trường hợp thực tế là không thể thực hiện được khi thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của ai cả. Khuynh hướng xác định trách nhiệm bồi thường dựa trên ý niệm lỗi nhiều khi không bảo đảm được một cách hiệu quả quyền lợi cho nạn nhân trong khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng. Thực tế cho thấy các thiệt hại mang tính khách quan nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, cơ giới hóa, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người. Nếu trong mọi trường hợp xảy ra thiệt hại đều buộc người bị hại dẫn chứng lỗi thì không khác gì gián tiếp bác bỏ quyền đòi bồi thường thiệt hại của nạn nhân. Vì vậy, để bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ nạn nhân chống lại việc gây ra tai nạn, xuất hiện quan điểm thứ hai cho rằng khi có thiệt hại xảy ra, người bị thiệt hại được bảo đảm bồi thường ngay cả trong trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi.

Quan điểm thứ hai: cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra loại trách nhiệm hoàn toàn loại trừ yếu tố lỗi của người sở hữu, người chiếm hữu tài sản. Theo quan điểm này, yếu tố lỗi chỉ được xem xét khi gắn với hành vi của một chủ thể nhất định. Vì vậy, gắn lỗi cho các tài sản như đồ vật, nhà cửa, cây cối, súc vật… là không thể xảy ra. Vì vậy, khi tài sản như đồ vật, máy móc, cây cối, công trình xây dựng, súc vật gây thiệt hại sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường cho người có trách nhiệm quản lý tài sản, kể cả trong trường hợp người này hoàn toàn không có lỗi đối với thiệt hại. Quan điểm này bảo vệ được lợi ích của người bị thiệt hại nhưng có khuynh hướng đè nặng trách nhiệm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản.

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự từ Điều 623 đến Điều 627 Bộ luật dân sự 2005, chúng ta có thể thấy duy nhất hai điều luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại không xem xét đến điều kiện lỗi. Khoản 3 Điều 623 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”; Điều 624 quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Các điều luật còn lại không quy định vấn đề loại trừ yếu tố lỗi, được hiểu là vẫn áp dụng bốn điều kiện bồi thường thiệt hại nói chung, trong đó có điều kiện về lỗi. Một điểm quan trọng cần lưu ý là lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ có thể là lỗi vô ý. Chủ thể này đã không nhìn thấy trước nguy cơ tài sản có thể gây thiệt hại – điều mà những người chu đáo, cẩn thận sẽ nhận thấy được trong hoàn cảnh tương tự. Thiệt hại phát sinh khi chủ sở hữu, người quản lý tài sản đã không thực hiện sự quan tâm, chu đáo cần thiết khi thực hiện nghĩa vụ quản lý tì sản.

- Trường hợp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra: Súc vật là những động vật đã được con người thuần hóa, kiểm soát được hoạt động và tuân thủ theo sự quản lý của con người trong quá trình nuôi dưỡng. Mặc dù súc vật đã được thuần hóa nhung chúng vẫn mang bản chất tự nhiên của động vật hoang dã nên chỉ cần con người lơi lỏng, thiếu ý thức trong việc quản lý, chăm sóc là súc vật có khả năng gây thiệt hại. Lỗi của chủ sở hữu, người quản lý súc vật trong trường hợp súc vật gây thiệt hại là lỗi vô ý, thể hiện ở chỗ họ đã không áp dụng tốt, đầy đủ các nguyên tắc trong việc trông coi, quản lý, chăm sóc súc vật như: không cột giữ trâu bò cẩn thận khi chăn thả ngoài đồng làm trâu bò tự do đi lại dẫm nát ruộng lúa của người khác; không tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm khi đến mùa dịch bệnh… Đây là những biện pháp phòng ngừa thiệt hại cần thiết mà người quản lý súc vật hoàn toàn có thể thấy trước và có khả năng thực hiện được nhưng đã không thực hiện, dẫn đến súc vật gây thiệt hại.

- Trường hợp bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra: Chủ sở hữu, người quản lý cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng có các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản, trong đó có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về chuẩn mực an toàn trong xây dựng cũng như các quy tắc trồng cây, không để tài sản mình đang quản lý gây thiệt hại cho người khác. Để có thể thực hiện tốt nghĩa vụ này, người trông coi quản lý phải kịp thời phát hiện nguy cơ cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác có khả năng gây thiệt hại cho những người xung quanh để tìm cách khắc phục như cây đã mục ruỗng, cành cây to chưa được chặt khi cơn bão sắp tới hoặc nhà bị nghiêng…Nếu không có ngay biện pháp khắc phục kịp thời thì người trông coi phải có các cách thức thông báo tình trạng nguy hiểm của cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng để những người xung quanh tránh xa chúng hay có biện pháp tự bảo vệ. Nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp chủ sở hữu, người quản lý đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong việc quản lý thì họ sẽ được giải trừ khỏi trách nhiệm bồi thường.

- Trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: Khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Quy định này được hiểu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt, hoàn toàn không cần xem xét đến điều kiện lỗi.

Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm các sự vật như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất trong nhà máy, thú dữ… bản thân hoạt động của nó luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Tính nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại và đây chính là điểm khác biệt với các tài sán thông thường. Đối với súc vật, nhà cửa, công trình xây dựng, cây cối, người quản lý có khả năng nhìn thấy trước nguy cơ gây thiệt hại cũng như có điều kiện áp dụng các biện pháp phòng ngừa thiệt hại. Thiệt hại do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thường có lỗi của người quản lý vì họ đã không tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy tắc trong chăn nuôi, trông cây, trong xây dựng… Đối với nguồn nguy hiểm cao độ, mặc dù con người luôn cố gắng áp dụng mọi biện pháp để kiểm soát, vận hành nó một cách an toàn nhưng vẫn có những thiệt hại khách quan bất ngờ có thể xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát đó. Chủ sở hữu, người đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không được miễn trừ trách nhiệm bồi thường kể cả trong trường hợp họ chứng minh được mình không có lỗi trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu như các trường hợp bồi thường thiệt hại thông thường dựa trên sự suy đoán lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dựa trên sự suy đoán trách nhiệm đối với người có nghĩa vụ quản lý nguồn nguy hiểm cao độ. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người (như xe đang chạy trên đường bất ngờ nổ lốp trước dẫn đến đổi hưởng đột ngột gây thiệt hại). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không loại trừ khả năng thiệt hại cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hành vi của người trông giữ, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ không phải nguyên nhân có tính quyết định đến thiệt hại và lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại (như trước khi xuống dốc, lái xe không kiểm tra lại phanh; lốp mòn nhưng chưa thay do chủ quan nghĩ rằng xe vẫn vận hành tốt…).

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được áp dụng khi hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài khả năng kiểm soát, điều khiển của người chiếm hữu, vận hành và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của con người trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này mà sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung.

1.4. Có mối quan hệ nhân quả giữa sự tác động gây thiệt hại của tài sản với thiệt hại xảy ra

Khi có thiệt hại xảy ra và xác định trách nhiệm thuộc về ai, cần xem xét thiệt hại đó do nguyên nhân nào gây ra? Nguyên nhân đó do đâu mà có? Nếu không xác định chính xác mối quan hệ nhân quả thì sẽ dẫn đến những sai lầm khi xác định trách nhiệm bồi thường. Đối với thiệt hại do tài sản gây ra, điều kiện này đòi hỏi thiệt hại xảy ra là do sự tác động của tài sản gây thiệt hại, chứ không phải do hành vi của con người. Cái cây tự nó đổ sẽ khác với trường hợp người chặt cây cho nó đổ xuống; cái xe ô tô tự dưng mất phanh gây tai nạn sẽ khác với trường hợp người lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn… Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ được áp dụng khi thiệt hại là kết quả của sự tác động tự thân của tài sản gây ra.

2. Vấn đề xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

Đối với những thiệt hại do hành vi của con người gây ra, việc xác định trách nhiệm bồi thường căn cứ vào việc người nào có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đối với những thiệt hại do tài sản gây ra, việc xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm không phải là vấn đề đơn giản vì sự kiện gây thiệt hại của tài sản có thể diễn ra độc lập, không có liên quan đến trạng thái tâm lý hay nhận thức của chủ sở hữu hay người quản lý tài sản. Có không ít trường hợp tài sản gây thiệt hại nhưng không thể quy kết trách nhiệm cho cho chủ thể nào. Căn cứ vào các quy định hiện hành liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, trách nhiệm có thể được áp dụng với các chủ thể sau:

- Chủ sở hữu tài sản;

- Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng tài sản;

- Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản.

2.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, quản lý tài sản

Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Điều 165 Bộ luật dân sự quy định Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, theo đó “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Khi có thiệt hại do tài sản gây ra, trước tiên người ta nghĩ đến nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, vì vậy, trách nhiệm bồi thường trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác hoặc do sự kiện bất khả kháng. Trường hợp xác định được chủ sở hữu tài sản và người này đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, quản lý tài sản của mình thì chủ sở hữu phải bồi thường. Họ bị coi là có lỗi khi đã không thực hiện tốt nghĩa vụ trông coi, quản lý tài sản, để tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác.

2.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng, quản lý tài sản cho người khác

Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng luôn có các hình thức thể hiện khác nhau: Chủ sở hữu có thể trực tiếp chiếm hữu, sử dụng để khai thác công dụng của tài sản; chủ sở hữu cũng có thể chuyển giao quyền chiếm hữu thực tế tài sản cho người khác và cho phép người này được sử dụng, quản lý tài sản của mình như: ủy quyền quản lý, cho thuê, cho mượn, chuyển giao theo nghĩa vụ lao động…). Theo chúng tôi, chủ sở hữu tài sản có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản thông qua hai hình thức sau:

+ Chủ sở hữu tài sản chuyển giao tài sản của mình cho người khác quản lý, sử dụng theo quan hệ hành chính, lao động. Trong trường hợp này, người được chuyển giao tài sản là các cơ quan, tổ chức, cá nhân – những chủ thể có nhiệm vụ quản lý tài sản theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Giữa trường hợp chủ sở hữu tài sản là nhà nước và trường hợp chủ sở hữu tài sản là các cá nhân, tổ chức, trách nhiệm bồi thường có gì khác nhau hay không?

Ví dụ: Nhà nước giao tài sản thuộc sở hữu nhà nước là cây xanh, các công trình xây dựng công cộng… cho các cơ quan, tổ chức quản lý. Nếu cây đổ, công trình xây dựng sụt đổ, hư hỏng, sụp lở gây thiệt hại thì nhà nước hay cơ quan, tổ chức quản lý phải bồi thường? Trách nhiệm bồi thường sẽ được xác định trên cơ sở văn bản hoặc quyết định liên quan đến việc giao tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, nếu những văn bản này không quy định ai phải chịu trách nhiệm thì sẽ xác định trách nhiệm như thế nào? Trên thực tế, cây xanh trên đường phố đỗ, gẫy gây tai nạn, không cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường. Dự thảo Luật bồi thường Nhà nước cũng không quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước trong trường hợp này.

Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân được giao cho người làm công, ăn lương chiếm hữu, sử dụng để thực hiện nhiệm vụ mà người chủ lao động giao cho. Giữa chủ sở hữu tài sản và người được giao chiếm hữu, sử dụng tài sản có mối quan hệ lao động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao động. Mặc dù người lao động là người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng tài sản nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý, điều hành của chủ sở hữu và vì lợi ích của chủ sở hữu nên phải coi đây giống như trường hợp chủ sở hữu tài sản đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, theo đó, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm khi tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ví dụ: giữa người lái taxi và hãng taxi có thỏa thuận lái xe phải chịu mọi trách nhiệm khi xe của mình gây thiệt hại. Theo quy định pháp luật hiện nay, vấn đề gánh chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp các bên có thỏa thuận sẽ căn cứ vào thỏa thuận tự nguyện giữa các bên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu buộc người bị thiệt hại đòi người lái xe phải bồi thường là tương đối khó khăn. Mặt khác, ô tô thuộc sở hữu của công ty và Công ty có trách nhiệm bảo đảm an toàn tài sản thuộc sở hữu, quản lý của mình. Người lái xe chỉ là người đang thực hiện một hoạt động của công ty, mang lại lợi nhuận cho công ty, dưới sự giám sát, điều hành của công ty. Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này, để bảo đảm được lợi ích cho người bị thiệt hại, bảo đảm thiệt hại được bồi thường nhanh chóng, cần xác định công ty phải bồi thường với tư cách chủ sở hữu. Còn thỏa thuận giữa lái xe và công ty là thỏa thuận bên trong nhằm đề cao trách nhiệm của người lái xe, đồng thời là cơ sở pháp lý để công ty yêu cầu lái xe thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý trường hợp thiệt hại do tài sản gây ra không phải trong lúc người lao động thực hiện nhiệm vụ mà người sử dụng lao động giao cho. Ví dụ: Anh A là lái xe theo hợp đồng của Công ty X, có nhiệm vụ đưa giám đốc đi họp hội nghị. Trong lúc chờ giám đốc họp, A tranh thủ lái xe đi chơi thăm bạn bè. Xe bị mất lái trong lúc A điều khiển xe đi chơi dẫn đến gây thiệt hại. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, thiệt hại xảy ra không phải trong lúc A đang thực hiện nghĩa vụ lao động vì lợi ích của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, A là người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

+ Chủ sở hữu chuyển giao quyền tài sản cho người khác chiếm hữu, sử dụng, quản lý theo một giao dịch dân sự.

Chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng, quản lý tài sản cho chủ thể khác thông qua hợp đồng: mượn, thuê, cầm cố, gửi giữ… tài sản hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của mình. Đây là những hợp đồng dân sự được xác lập trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, vì vậy sự cam kết thỏa thuận được coi như pháp luật đối với các bên. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận đó. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật. Bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, trong đó có nghĩa vụ trông coi, quản lý tài sản, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp tài sản gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ, họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý, sử dụng và phải chịu trách nhiệm bồi thường.

2.3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong trường hợp tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật

Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản là các chủ thể đã thực hiện hành vi trộm cắp, chiếm đoạt hoặc các hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật khác… tài sản ngoài ý chí của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Theo quy định của Bộ luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản chỉ áp dụng trong trường hợp bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623) và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625) – do đây là những động sản dễ bị người khác chiếm hữu, sử dụng gây thiệt hại . Đối với cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng – là các bất động sản không di dời, dịch chuyển được nên luôn thuộc sự quản lý của chủ sở hữu hoặc người có quyền quản lý. Bộ luật dân sự 2005 phân định thành 2 trường hợp.

+ Nếu chủ sở hữu, người quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật hoàn toàn không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật gây ra. Chủ sở hữu, người quản lý tài sản được giải trừ khỏi trách nhiệm bồi thường nếu họ chứng minh được đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong việc bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng… tài sản.

+ Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản cũng có lỗi trong việc để tài sản bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.

- Ngoài những trường hợp pháp luật quy định, trên thực tế có trường hợp chủ sở hữu bắt buộc phải chuyển giao tài sản cho người khác theo quy định của pháp luật, ví dụ: người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước trưng dụng tài sản của các cá nhân, tổ chức khi cần thiết để bảo vệ lợi ích chung; hoặc tạm thu giữ tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Trong những trường hợp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản bắt buộc chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo chúng tôi, pháp luật nên quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng được chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó.

2.4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của vợ chồng gây ra

Khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, cần phải xác định xem tài sản gây thiệt hại là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng. Đây là vấn đề quan trọng để chúng ta xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm của một bên vợ chồng hoặc của cả hai vợ chồng.

Bên cạnh đó, tính chất cộng đồng trong quan hệ hôn nhân nên nhiều trường hợp mặc dù trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định là của một bên vợ chồng nhưng bên kia tự nguyện dùng tài sản chung của vợ chồng để bồi thường hoặc có khi dùng tài sản riêng của mình để bồi thường cho phía người bị thiệt hại điều này hoàn toàn được chấp nhận miễn là thiệt hại được bồi thường toàn bộ và kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

2.5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra có yếu tố nước ngoài

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Tư pháp quốc tế được hiểu là quan hệ trách nhiệm có yếu tố nước ngoài. Quan hệ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là quan hệ trách nhiệm có một trong các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, các bên chủ tham gia trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm bên gây hại và bên bị hại có quốc tịch khác nhau hoặc nơi cư trú khác nhau (đối với cá nhân) hoặc có trụ sở ở các nước khác nhau (đối với pháp nhân).

Thứ hai, việc gây ra thiệt hại hoặc hậu quả thực tế của hành vi gây ra thiệt hại xảy ra ở nước ngoài.

Để giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản gây ra có yếu tố nước ngoài, có thể áp dụng quy phạm xung đột để giải quyết xung đột pháp luật hoặc áp dụng quy phạm thực chất, song chủ yếu vẫn là áp dụng các quy phạm xung đột nhằm điều chỉnh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhiệm vụ chủ yếu của loại quy phạm pháp luật này là lựa chọn hệ thống pháp luật cần phải được áp dụng để giải quyết quan hệ trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói trên. Hệ thống pháp luật trong trường hợp này là thường là Luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật (Lex loci delicti Commissi) hoặc luật nhân thân (Lex personalis – Lex Nationalis hoặc Lex Domicilli), tuy nhiên luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật vẫn được áp dụng chủ yếu.

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp và thi hành án về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

3.1. Thủ tục giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sẩn gây ra

* Việc xác định đương sự trong các vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

Việc xác định các bên đương sự trong các vụ kiện yêu cầu bồi thường là tìm ra người có quyền lợi bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc chủ thể có quyền lợi trong vụ kiện đã thực hiện việc khởi kiện hay được người khác khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho họ được coi là nguyên đơn. Người khởi kiện để bảo vệ quyền lợi ích của người khác, tuỳ trường hợp sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật hay đại diện theo uỷ quyền.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng hạn định những trường hợp, theo đó chỉ những chủ thể nhất định mới có quyền yêu cầu người gây thiệt hại thực hiện nghĩa vụ bồi thường và chỉ có những chủ thể này mới có thể khởi kiện với tư cách là nguyên đơn. Cụ thể là đối với các yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do xâm phạm đến tính mạng thì chỉ những người sau đây mới có thể khởi kiện : Người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng hoặc người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (Điều 309, 609, 610 BLDS).

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 610 BLDS thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Vấn đề đặt ra là đối với các thiệt hại vật chất do tính mạng bị xâm phạm này thì ai sẽ là người có quyền khởi kiện. Có thể nhận thấy đối với khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng thì chính những người có quyền cấp dưỡng (hoặc người đại diện hợp pháp của họ) có thể đứng đơn kiện. Nếu dùng phương pháp loại trừ thì ta cần phải xác định ai là chủ thể có quyền khởi kiện để đòi các khoản bồi thường là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng. Về nguyên tắc, thì người có quyền kiện với tư cách là nguyên đơn để đòi những khoản tiền này là người thực tế đã bỏ tiền ra để chi phí cho người bị thiệt hại đã chết. Tuy nhiên, xét về thực tế thì thông thường những người thân thích là người thừa kế theo pháp luật của nạn nhân chính là những người đã bỏ tiền ra để chi phí nhằm khắc phục thiệt hại, do vậy, những chủ thể này có thể khởi kiện với tư cách là nguyên đơn. Như vậy, theo suy luận logic trong trường hợp tính mạng bị xâm hại thì phạm vi những người có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất có thể rộng hơn phạm vi những người có quyền khởi kiện để yêu cầu bù đắp những tổn thất về tinh thần.

Theo phân tích ở trên, người cho rằng mình có quyền lợi bị tranh chấp hay vi phạm có quyền khởi kiện nhưng không có nghĩa là họ có quyền khởi kiện bất kỳ ai. Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì, “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm” (khoản 3 Điều 56 BLTTDS 2004). Như vậy, nhà lập pháp dường như đã đồng nhất bị đơn với người bị kiện. Thiết nghĩ, sẽ hợp lý hơn khi quan niệm rằng bị đơn trong vụ án dân sự là người bị khởi kiện do giả thiết đã xâm phạm tới quyền lợi của nguyên đơn theo quy định của pháp luật. Tuy việc kiện của nguyên đơn chỉ là một suy đoán về việc người bị kiện có hành vi trái pháp luật hay trách nhiệm nhưng suy đoán đó không phải là một giả tưởngphải là một suy đoán có căn cứ dựa trên cơ sở pháp luật.

Đối với việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra thì người bị thiệt hại phải khởi kiện người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự và trong trường hợp này người bị khởi kiện là bị đơn. Đối với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới thì bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (Điều 298 BLDS). Trong trường hợp này, bị đơn trong vụ kiện là một trong số những người có nghĩa vụ liên đới bị nguyên đơn khởi kiện, những người có nghĩa vụ liên đới còn lại sẽ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường phải căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự đối với từng trường hợp cụ thể. Riêng đối với việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cần căn cứ vào Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để xác định người có trách nhiệm trong quan hệ bồi thường và tư cách bị đơn sẽ thuộc về người có trách nhiệm bồi thường bị khởi kiện[1].

Theo Điều 626 BLDS thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 200 BLDS thì rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Như vậy, xét về logic đối với thiệt hại do cây rừng đổ, gẫy gây ra thì Nhà nước phải bồi thường. Xét về thực tế, thì vấn đề đặt ra là người bị thiệt hại có thể khởi kiện ai: cơ quan quản lý (UBND tỉnh hay huyện) nơi có rừng hay chủ thể bị khởi kiện là Nhà nước. Tương tự như vậy, đối với thiệt hại do cây cối đổ, gẫy tại các khu vực công cộng nơi đô thị gây ra thì công ty công viên cây xanh có phải là chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không cũng là một vấn đề cần được quy định cụ thể trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.

Điều 627 BLDS quy định chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác. Như vậy, đối với các công trình xây dựng như cột điện (thiệt hại do đường dây tải điện gây ra sẽ áp dụng Điều 623 BLDS), các hố ga, cống ngầm …hư hỏng dẫn tới tai nạn gây thiệt hại cho người tham gia giao thông thì về nguyên tắc người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu cơ quan điện lực, cơ quan quản lý các công trình giao thông công chính bồi thường thiệt hại.

* Việc xác định Toà án có thẩm quyền để thực hiện. Thủ tục giải quyết tranh chấp và thi hành án về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

3.1. Thủ tục giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sẩn gây ra

* Việc xác định đương sự trong các vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

* Việc xác định Toà án có thẩm quyền để thực hiện việc khởi kiện

- Về thẩm quyền sơ thẩm theo cấp Toà án:

Thông thường, các việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, đối với những việc nêu trên nếu có một bên đương sự đang ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thì người bị thiệt hại phải yêu cầu Toà án cấp tỉnh thụ lý giải quyết (các Điều 33, 34 BLTTDS).

- Về thẩm quyền sơ thẩm theo lãnh thổ:

Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản, đối với các việc kiện không phải là tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định theo nguyên tắc nơi hiện diện của bị đơn. Như vậy, về nguyên tắc đối với các việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra thì Toà án có thẩm quyền là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, nếu các đương sự có thoả thuận với nhau bằng văn bản thì cũng có thể yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức (Điều 35 BLTTDS).

Bên cạnh đó, nhà lập pháp cũng đã quy định về quyền lựa chọn của nguyên đơn trong việc xác định Toà án có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không cần sự đồng thuận của người bị kiện. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 36 BLTTDS thì “ Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết” nhằm mở rộng hơn quyền lựa chọn của người bị thiệt hại trong việc xác định Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Theo luật thực định nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm liên đới, do tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người hoặc chủ sở hữu và người chiếm hữu cùng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại…thì Toà án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở giải quyết. Điểm h Khoản 1 Điều 36 BLTTDS quy định “Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết”.

Như vậy, tuỳ theo trường hợp mà Toà án có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết việc kiện bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra là Toà án nơi bị đơn, Toà án nơi nguyên đơn hoặc Toà án nơi xảy ra thiệt hại. Để xác định nơi cư trú của cá nhân là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ kiện, cần căn cứ vào các quy định của BLDS (từ Điều 52 tới Điều 57) và quy định của Luật cư trú 2006 (Điều 12 tới Điều 17).

* Về điều kiện thực hiện quyền khởi kiện

- Về thời hiệu khởi kiện:

Trước đây, đối với các việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng pháp luật không quy định về thời hiệu khởi kiện nên trong thực tế các việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra không bị giới hạn về thời gian khởi kiện. Thế nhưng, hiện nay theo Điều 607 BLDS thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có chỉ rõ hai mốc thời gian để xác định thời hạn hai năm nói trên. Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh kể từ ngày 1/1/2005 thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 1/1/2005 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 1/1/2005.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm là ngày nào: Ngày xảy ra sự kiện thiệt hại hay ngày mà quyền được bồi thường của người bị thiệt hại không được bên gây thiệt hại đáp ứng. Ví dụ trong trường hợp nếu người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động nhưng trong thời hạn hai năm kể từ ngày xảy ra thiệt hại mà họ không khởi kiện thì họ có mất quyền khởi kiện hay không? Nếu quan niệm người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện nữa thì dường như mâu thuẫn với quy định “người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết”. Tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng người bị thiệt hại chỉ được hưởng bồi thường cho đến khi chết nếu đã khởi kiện khi sự việc còn thời hiệu khởi kiện, ngược lại nếu không khởi kiện trong thời hạn đó thì sẽ không được hưởng bồi thường. Nếu giải thích theo hướng này thì quả thực rất bất lợi cho người bị thiệt hại. Thiết nghĩ, sẽ hợp lý hơn nếu cho rằng khi hết thời hạn 2 năm kể từ ngày kết thúc việc điều trị người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện với các khoản chi phí để điều trị nhằm khắc phục thiệt hại, còn đối với các khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút sau khi điều trị thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm tính theo định kỳ hàng tháng đối với từng khoản thu nhập. Theo chúng tôi, pháp luật cần phải có những hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng các quy định của BLDS về thời hiệu khởi kiện trong các vụ việc về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại.

- Về trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án

Về nguyên tắc thì Toà án không thụ lý đối với các trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 168 BLTTDS về trả lại đơn khởi kiện thì Toà án trả lại đơn khởi kiện nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, trừ trường hợp vụ án thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại …Như vậy, nếu vận dụng các quy định này thì mặc dù trước đó người bị thiệt hại đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và Toà án đã giải quyết nhưng sau đó đương sự vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường nếu điều kiện sống thay đổi hoặc bệnh tật tái phát làm phát sinh những khoản chi phí mới để điều trị và bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ.

* Về vấn đề chứng minh và xác định luật áp dụng

- Về vấn đề chứng minh

Khi thực hiện việc khởi kiện trước Toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra thì về nguyên tắc người khởi kiện phải có trách nhiệm dẫn chứng các giấy tờ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Bị đơn nếu có yêu cầu phản tố cũng có nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ, tài liệu để chứng minh.

Trong việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra thì các chứng cứ tài liệu được cung cấp là để làm rõ những vấn đề sau đây:

- Có thiệt hại thực tế xảy ra hay không và mức độ thiệt hại

- Người bị khởi kiện có hành vi trái pháp luật hay không? Nếu là tài sản gây thiệt hại thì có sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật hay không?

- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật hoặc sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra

- Lỗi của người gây thiệt hại, lỗi của người bị thiệt hại

Bốn yếu tố này là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người bị khởi kiện có thể dẫn chứng những tài liệu để phản bác lại yêu cầu khởi kiện như chứng minh thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Trong các vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, người bị thiệt hại có thể cung cấp cho Toà án những tài liệu, hoá đơn, chứng từ để chứng minh thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Thế nhưng trách nhiệm của Toà án là phải thẩm định lại tính xác thực và độ tin cậy của những tài liệu này. Trong trường hợp cần thiết Toà án có thể tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn (ý kiến của bác sĩ điều trị, hội đồng giám định y khoa đối với thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ; kết luận giám định về nguyên nhân lún nứt công trình xây dựng, về chi phí thực tế bỏ ra để phục hồi nguyên trạng tài sản…) hoặc tham khảo ý kiến của cơ quan nơi người lao động làm việc để xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

- Về xác định luật áp dụng

Về nguyên tắc, trước hết Toà án phải căn cứ vào các quy định mang tính nguyên tắc, bao gồm quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (các điều từ 604 đến 607 BLDS) và các quy định về xác định thiệt hại (các điều từ 608 đến 612 BLDS) để áp dụng giải quyết. Bên cạnh đó, đối với trường hợp tài sản gây thiệt hại, Toà án cần căn cứ vào cả các quy định riêng biệt cho từng loại vụ kiện cụ thể để giải quyết, cụ thể: bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623), do súc vật gây ra (Điều 625), do cây cối gây ra (Điều 626), do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (Điều 627). Bên cạnh đó, cần phải lưu ý tới các quy định tại Điều 3 BLDS về áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật. Chẳng hạn, trong BLDS có quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625) nhưng nếu là thiệt hại do những vật nuôi khác gây ra thì có thể vận dụng quy định tại Điều 3 và Điều 625 BLDS để giải quyết.

3.2. Vấn đề thi hành án về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

Sau khi có bản án của Toà án buộc người gây thiệt hại phải bồi thường, về nguyên tắc trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị thiệt hại phải làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức việc thi hành án. Vấn đề đặt ra là để bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại do tài sản gây ra cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nào?

Xét về bản chất, việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án về bồi thường thiệt do tài sản gây ra thuộc trường hợp thi hành nghĩa vụ trả tiền. Do vậy, nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây: Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.

III. Một số vấn đề thực tiễn trong giải quyết tranh chấp về trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra thiệt hại.

Pháp luật dân sự qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trách nhiệm bồi thường do tài sản gây thiệt hại dã trải qua chặng đường dài phát triển cùng với lịch sử phát triển của đất nước. pháp luật Việt Nam đã đạt được những thành tựu qua các thời kỳ lịch sử, pháp luật cũng mang tính kế thừa tinh hoa, tiến bộ của pháp luật thời kỳ trước, mặc dù ở mỗi thời kỳ, pháp luật có nội dung, đối tượng, phạm vi và phương pháp điều chỉnh khác nhau và ở mức độ cao, thấp khác nhau. Nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh loại quan hệ này ( các văn bản pháp luật về môi trường, về xây dựng, vê giao thông, ..) nhưng chủ yếu và tập trung nhất là BLDS và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành những qui định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. BLDS là kết quả của trí tuệ và kỹ thuật lp pháp của các nhà lập pháp Việt nam. Trong đó đã qui định cụ thể hơn, rõ ràng hơn và cũng toàn diện hơn so với các vãn bản qui định về loại trách nhiệm này trước đó. Điều này đã góp phần làm minh thị hơn những qui định của pháp luật, đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cac tổ chưc trước Nhà nước, trước xã hội về những thiệt hại trái pháp luật và cũng là cãn cứ chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên bị xâm phạm một cách co hiệu quả nhất. Bên cạnh nhũng thành công này, Pháp luật dân sự hiện hành vẫn còn những thiếu khuyết và hạn chế nhất định: Đặc biệt là những qui định liên quan đến tài sản gây thiệt hại, trong khi đó khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng , những thành tựu mới của công nghiệp hóa, cơ giới hóa đã làm thế giới ngày càng văn minh, với những trang thiêt bị hiện đại Tuy nhiên, mặt trái của nó là kéo theo sự gia tăng các tai nạn mang tính khách quan nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản…của con người trong xã hội. Có những sự vật như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất trong nhà máy… bản thân hoạt động của nó luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho con người. Kể cả những tài sản tưởng chừng như chúng chỉ có giá trị mang lại cho con người lợi ích nhất định, như: xe cộ, nhà cửa, công trình xây dựng, cây cối, gia súc và các đồ vật khác , nhưng cũng là những nguồn gây thiệt hại đáng kể cho những người xung quanh. Những vấn đề liên quan như khái niệm, các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, người được bồi thưuờng, mức và phương thức bồi thường…là những vấn đề pháp lý cần phải được xem xét và nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện hành. Từ việc tìm hiểu những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, đối chiếu với việc áp dụng thực tiễn để thấy được diễn biến và sự đa dạng của loại trách nhiệm này trên thực tế.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS), mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền sở hữu hợp pháp của công dân được pháp luật thừa nhận. Do đó, bất cứ người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự uy tín của pháp nhân hoặc các chủ thể khác thì phải có nghĩa vụ bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định từ Điều 604 đến Điều 630 của BLDS, bao gồm: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường, xác định thiệt hại. Ngoài các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, BLDS còn quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể: bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625); bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra (Điều 626);bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (Điều 627).Theo các quy định này, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản hợp pháp để tài sản thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của mình gây ra thiệt hại cho người khác phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định pháp luật giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gặp phải khó khăn, bất cập nhất định, nhất là đối với trường hợp xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản hợp pháp khi để tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình gây thiệt hại cho người khác

1. Về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Dựa trên các nguyên tắc chung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nguyên tắc bồi thường thiệt hại, đối với bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì về nguyên tắc, người chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tuy nhiên, Điều 625 BLDS quy định bồi thường thiệt hại đối với từng trường hợp cụ thể:

- Nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại;

- Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại; Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

- Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

So với quy định tại Bộ luật dân sự năm 1995, thì quy định về trường hợp súc vật bị sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người sử dụng trái pháp luật phải bồi thường là quy định mới được bổ sung tại Bộ luật dân sự năm 2005. Do thói quen nuôi súc vật thả rông trong nhân dân, điển hình như việc nuôi chó để canh nhà, nuôi trâu, bò, ngựa cho sản xuất nông nghiệp theo lối chăn thả tự do, nhiều trường hợp súc vật gây thiệt hại nặng nề không chỉ tổn thất về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng cho người bị thiệt hại.

2. Về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Điều 626 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Ở đây cần lưu ý khái niệm “sự kiện bất khả kháng”. "Sự kiện bất khả kháng" theo quy định tại khoản 1 Điều 161 BLDS là: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Như vậy, sự kiện bất khả kháng phải là: a) Sự kiện không thể lường trước được. Nếu lường trước được mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm dân sự. b) Cùng với tính chất không lường trước được, sự kiện bất khả kháng còn phải là không tránh được và không thể chống đỡ được, tức là đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà thiệt hại vẫn xảy ra. Tính chất không lường trước được và tính chất không thể tránh được và không thể chống đỡ được, phải được xem xét và đánh giá cụ thể trong từng trường hợp. Mặc dù BLDS đã quy định như nêu trên, nhưng trên thực tế, để xác định một sự kiện là bất khả kháng thì còn nhiều tranh luận.

Xung quanh vấn đề bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trong trường hợp nếu thiệt hại về tính mạng thì một vấn đề khác còn được đặt ra là chủ sở hữu cây đổ, gãy ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của BLDS thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Ngoài việc xem xét trách nhiệm dân sư của chủ sở hữu cây thì cần xem xét trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc quản lý cây xanh nơi công cộng. Việc xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường của các bên trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn và chưa có quy định của pháp luật về việc buộc cơ quan nhà nước phải bồi thường khi gây thiệt hại cho người khác. Hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng dự án Luật Bồi thường nhà nước. Theo tinh thần của dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước thì phạm vi điều chỉnh của Luật quy định trách nhiệm bồi thường Nhà nước về thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, bao gồm các lĩnh vực: hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, thi hành án. Dự thảo Luật cũng quy định những trường hợp phải bồi thường do tài sản thuộc Nhà nước quản lý gây ra. Theo đó, cây đổ, cầu sập, dây điện cao thế đứt… gây chết hoặc bị thương con người hoặc thiệt hại về tài sản cũng được xem xét bồi thường theo Luật Bồi thường Nhà nước. Nguyên tắc chung là thiệt hại được bồi thường một lần, bằng tiền, trên cơ sở thỏa thuận giữa bên bị thiệt hại và bên gây ra thiệt hại. Nếu việc thỏa thuận không thành, việc bồi thường sẽ tuân theo một bản án hoặc quyết định của toà án. Tiền bồi thường sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước. Người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, tuỳ theo lỗi cố ý hay vô ý, có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ hay một phần số tiền Nhà nước đã ứng ra để bồi thường.

3. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Điều 627 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

Thực tế yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong những năm gần đây ngày càng nhiều, các tranh chấp thường mang tính chất gay gắt, bức xúc kéo dài nhiều năm không thể giải quyết được. Có gia đình bắt đầu xây dựng lại căn nhà, sau khi đào, đổ móng xong thì chủ nhà bên cạnh không cho xây tiếp mà bắt phải bồi thường vì cho rằng việc đào móng đã làm cho căn nhà này bị nghiêng và lún nứt…, hai bên không tự thỏa thuận được, sau đó nhờ chính quyền địa phương hòa giải nhưng cũng không thành, chủ nhà bị thiệt hại khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Chính quyền địa phương ra quyết định buộc gia đình bắt đầu xây dựng phải đình chỉ thi công, giữ nguyên hiện trạng để chờ phán quyết của Tòa án. Có những vụ việc được Tòa án thụ lý từ năm 2001 và kéo dài mãi đến nay cũng chưa xét xử được. Sự việc bị "ngâm" quá lâu khiến cả nguyên đơn và bị đơn đều lâm vào thế bí. Chủ nhà không dám sửa chữa do vẫn phải giữ nguyên hiện trạng các vết lún nứt, nghiêng tường để chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo dự báo của Hội Kiến trúc sư thành phố thì hiện nay mật độ nhà ở các tuyến đường, khu vực dân cư san sát nhau (nhất là ở các thành phố, khi đô thị lớn…) nên việc thi công các công trình xây dựng tất yếu bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng khó xử, trước khi xây dựng công trình, chủ công trình nên ghi nhận tình trạng nhà xung quanh. Nếu được, có thể thuyết phục các hộ dân bên cạnh công trình xây dựng ký vào biên bản chất lượng căn nhà, thậm chí có thể ghi lại bằng hình ảnh, mời chính quyền địa phương chứng kiến để sau này nếu có tranh chấp phát sinh sẽ dễ giải quyết hơn. Về phía các Công ty kiểm định xây dựng cũng khuyên đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình xây dựng cần có bước khảo sát trực tiếp hoặc cho giám định chất lượng các nhà dân bên cạnh. Nếu chất lượng không đảm bảo, đơn vị thi công nên có những giải pháp kèm theo nhằm hạn chế những thiệt hại.

Việc làm lún, nứt nhà hàng xóm, công trình kế cận thường xảy ra không chỉ vì nguyên nhân thi công không đảm bảo mà còn do nhiều nguyên nhân khác như về địa chất, chất lượng công trình bị lún, nứt không đẩm bảo chất lương … Đối với những trường hợp thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra không lớn thì hai bên có thể thương lượng được với nhau, nhưng nếu thiệt hại lớn, các bên lại không có thiện chí khi giải quyết tranh chấp dẫn đến việc các bên phải đưa nhau ra Tòa. Có nhiều vụ việc do các bên không xác định được thiệt hại, không có điều kiện để giám định nguyên nhân gây lún, nứt… do đó không thống nhất về mức bồi thường bao nhiêu là thỏa đáng nên dẫn đến tranh chấp gay gắt. Theo các Tòa án, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn đọng kéo dài các vụ tranh chấp này là công tác giám định nguyên nhân lún nứt và thiệt hại của căn nhà bị ảnh hưởng trên thực tế không đạt được hiệu quả. Hiện vẫn chưa có một cơ quan thống nhất đứng ra làm nhiệm vụ giám định về xây dựng.

Khi thụ lý để giải quyết các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại này, các Tòa án cũng có nhiều quan điểm. Có Tòa án sau khi kiểm tra tính hợp lệ của đơn khởi kiện đã thụ lý vụ án và ra quyết định trưng cầu giám định xây dựng, nhưng trên thực tế có nhiều vụ việc do số tiền chi phí giám định xây dựng rất lớn, bên yêu cầu trưng cầu giám định không có đủ số tiền tạm ứng chi phí giám định nên cơ quan, tổ chức giám định từ chối giám định. Do việc giám định không thể tiến hành được kéo theo hệ quả nếu không có kết luận giám định thì Tòa án không có cơ sở để giải quyết, bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 90 của Bộ luật tố tụng dân sự: theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định… Thực tiễn tại một số Tòa án, để tránh trường hợp này, có Tòa án yêu cầu nguyên đơn phải có kết luận giám định về thiệt hại thì Tòa án mới thụ lý để giải quyết, Tòa án cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án lập luận theo quy định tại khoản 5 Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự thì kết luận giám định là một trong những nguồn chứng cứ, do đó khi khởi kiện nguyên đơn phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, tức là nguyên đơn phải có kết luận giám định về thiệt hại kèm theo đơn khởi kiện thì Tòa án mới thụ lý. Ý kiến này cho rằng nên coi đây như một biện pháp áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để việc thụ lý để giải quyết vụ án của Tòa án được thuận lợi hơn… Có ý kiến cho rằng trong trường hợp nguyên đơn không có được bản kết luận giám định về thiệt hại gửi kèm theo đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn phải thụ lý để giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của đương sự, sau khi thụ lý Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự. Đa số ý kiến đồng tình quan điểm này. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ việc khi Tòa án ra quyết định trưng cầu một tổ chức giám định thiệt hại của công trình xây dựng thì sau khi có kết quả giám định, đương sự lại không đồng ý với kết quả giám định vì cho rằng kết quả giám định chưa khách quan và yêu cầu giám định lại. Việc này một phần xuất phát từ thực tế là mỗi công ty thường cho kết quả kiểm định khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau về đánh giá nguyên nhân, tình trạng thiệt hại. Có trường hợp việc giám định thiệt hại của Công ty A được Tòa án trưng cầu giám định kết luận tổng thiệt hại và chi phí khắc phục là x… triệu đồng. Nguyên đơn không đồng ý, đề nghị trưng cầu công ty khác giám định. Công ty B xác định tổng thiệt hại lại là y… triệu đồng, có trường hợp kết quả xác định thiệt hại lần sau số tiền gấp đôi kết quả xác định thiệt hại lần trước…

Về các yêu cầu giám định lại, khoản 3 Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Trong trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Việc giám định lại có thể do người đã tiến hành giám định trước đó thực hiện hoặc do tổ chức chuyên môn khác thực hiện theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi có yêu cầu giám định lại, Tòa án ra quyết định giám định lại. Về vấn đề này cũng còn cách hiểu khác nhau, có ý kiến cho rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự như nêu trên, khi xét thấy có căn cứ cho thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng mà một bên hoặc các bên yêu cầu giám định lại thì Tòa án phải ra quyết định giám định lại. Có ý kiến cho rằng phải hạn chế việc giám định lại, chỉ tiến hành giám định lại khi thật sự cần thiết…

Theo chúng tôi, sở dĩ có những vướng mắc như nêu trên là do ngoài các quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự về giám định trong tố tụng dân sự nói chung, thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định này, trong khi đó giám định xây dựng là lĩnh vực khó, để thực hiện được thì các đương sự phải chịu tốn kém về tiền bạc và thời gian. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trưng cầu giám định không hiệu quả là do chúng ta chưa thống nhất được cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng giám định xây dựng, do đó đối với việc mời (chỉ định) cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành giám định trên thực tế không dễ dàng thực hiện được. Nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được chỉ định giám định từ chối tiến hành giám định. Có nhiều lý do để cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối tiến hành giám định, có trường hợp do không có chức năng giám định xây dựng, có trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được chỉ định giám định từ chối tiến hành giám định do chi phí giám định không bảo đảm cho việc triển khai giám định… Đây chỉ là một vài vấn đề pháp lý phát sinh khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Qua thực tiễn này cho thấy một phần nguyên nhân là các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được thực tiễn giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dạng này. Theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp thì giám định xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này (khoản 1 Điều 9), tuy nhiên qua 4 năm thi hành các quy định của Pháp lệnh về giám định trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả của việc áp dụng Pháp lệnh này không được như mong muốn. Ngày 01-8-2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1399/QĐ-BTP và Quyết định số 1400/QĐ-BTP về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật giám định tư pháp, theo kế hoạch thì Ban soạn thảo tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, đánh giá thực trạng, thực tiễn về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, thực tiễn thi hành các quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp để qua đó, có những sửa đổi, bổ sung kịp thời và làm cơ sở pháp lý cần thiết nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Hy vọng khi được nâng lên thành Luật thì thực tiễn giải quyết các yêu cầu của Tòa án về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và giám định tư pháp nói chung sẽ được cải thiện, tạo hành lang an toàn pháp lý để việc giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra của Tòa án đạt được hiệu quả như mong muốn.

IV. Một số kiến nghị

4.1. Về khái niệm trách nhiệm bồi thường do tài sản gây thiệt hại làm bình diện chung cho nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật

Hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật dân sự từ năm 1950 (từ khi ban hành Sắc lệnh số 97/SL) cho đến nay chưa có bất kỳ văn bản qui phạm nào qui định về khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở khoa học để nghiên cứu và xem xét mọi vấn đề liên quan đến loại trách nhiệm này. Nằm trong những yêu cầu của nghiên cứu cơ bản, bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu, phải xác định được vấn đề nghiên cứu là gì? Sau đó mới rút ra được những đặc điểm, phân loại, xem xét quá trình vận động, phát triển và dự đoán vấn đề nghiên cứu trong tương lai… Muốn xác định được , nhận dạng được đặc điểm, phân loại và xác định các yếu tố trong quan hệ bồi thường thiệt hại. Trước hết, phải nhận dạng và hiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là gì? Với những điều kiện nào sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại?… Từ những căn cứ nào sẽ phát sinh trách nhiêm bồi thường do tài sản gây thiệt hại?…Để xem xét và giải quyết các vấn đề về bồi thường thiệt hại phải dựa trên bình diện chung nhất thể hiện bản chất pháp lý của loại trách nhiệm này từ khái niệm chung nhất của nó. Xây dựng khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải hàm chứa được các yếu tố pháp lý:

- Thứ nhất: Việc gây thiệt hại trái pháp luật

- Thứ hai: Chủ thể gây thiệt hại

- Thứ ba: Chủ thể được quyền yêu cầu bồi thường.

- Thứ tư: Trách nhiệm phải thực hiện việc bồi thường

- Thứ năm: Xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một quan hệ pháp luật dân sự, theo đó người gây ra thiệt hại trong những điều kiện mà pháp luật quy định phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật của họ gây ra. Trong quan hệ nghĩa vụ này bên bị thiệt hại được coi là người có quyền và có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại là người có nghĩa vụ phải bồi thường những thiệt hại đã xảy ra.

Từ những yếu tố chung này, có thể xây dựng khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt do tài sản gây ra; trách nhiệm bồi thường thịêt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra…

4.2. Về điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

Hiện nay chưa có quy định nào phân định cụ thể: khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến tài sản là áp dụng quy định riêng về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Cách hiểu và vận dụng pháp luật như vậy hoàn toàn không chính xác, dẫn đến sai lầm khi xác định người có trách nhiệm bồi thường. Các cơ quan áp dụng pháp luật cũng vô cùng lúng túng khi cùng là thiệt hại do tài sản, nhưng có trường hợp có sự tác động của hành vi con người, có trường hợp thiệt hại hoàn toàn độc lập với hành vi con người Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong pháp luật dân sự cần phân nhóm các trường hợp thiệt hại do tài sản gây ra và có những quy định riêng về điều kiện phát sinh đối với loại trách nhiệm này, cụ thể cần bổ sung một số quy định sau:

+ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ được áp dụng khi thiệt hại do tự thân tài sản tác động gây ra.

+ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản được đặt ra khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, quản lý tài sản có lỗi vô ý trong việc quản lý, trông giữ, dẫn đến tài sản thuộc quyền quản lý của họ gây thiệt hại. Điều kiện này không áp dụng đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

4.3. Về xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường

- Đối với trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại:

Cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự:

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm.

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Đối với trường hợp thiệt hại do súc vật, cây cối gây ra

Điều 625, Điều 626 Bộ luật dân sự chỉ quy định chủ thể duy nhất phải chịu trách nhiệm bồi thường là chủ sở hữu súc vật, cây cối khi súc vật, cây cối gây thiệt hại cho người khác. Quy định này chỉ đúng trong trường hợp chủ sở hữu đồng thời là người đang có trách nhiệm quản lý, trông coi súc vật, cây cối. Còn trường hợp súc vật, cây cối được chủ sở hữu giao cho người khác quản lý, trông giữ thì ai phải chịu trách nhiệm ví dụ: Chủ sở hữu thuê hoặc ủy quyền cho người khác trông coi gia súc, cây cối của mình?

Theo chúng tôi, bộ luật dân sự cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người chiếm hữu hợp pháp, người quản lý súc vật, cây cối trong trường hợp tài sản do họ quản lý gây thiệt hại. Cụ thể, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu với người được chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì trách nhiệm thuộc về người có nghĩa vụ quản lý, chiếm hữu tài sản. Họ bị coi là có lỗi trong việc để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác.

- Đối với thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng xây ra

Điều 627 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

Điều luật chỉ ra hai chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác. Người phải chịu trách nhiệm trước tiên đó là chủ sở hữu nếu đồng thời là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đó. Chủ thể phải bồi thường thiệt hại tiếp theo là người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng.

Điều luật chưa quy định rõ người quản lý đồng thời là người sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hay đó là 2 chủ thể độc lập. Trên thực tế có những trường hợp sau xảy ra:

Người quản lý không đồng thời là người sử dụng trong trường hợp chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác trông coi nhà, công trình xây dựng cho mình. Người này chỉ có quyền quản lý nhà cửa, công trình xây dựng thôi mà không có quyền được khai thác giá trị sử dụng của chúng để hưởng lợi. Nếu trong thời gian đang quản lý đó mà nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường không?

Người sử dụng không đồng thời là người quản lý nhà cửa, công trình xây dựng trong trường hợp chủ sở hữu một toà nhà chung cư cho người khác thuê từng căn phòng để làm văn phòng giao dịch hay để ở nhưng mọi vấn đề như an ninh, điện nước, sự an toàn nói chung của ngôi nhà là thuộc về nghĩa vụ của chủ sở hữu ngôi nhà. Nếu toà nhà sụt, lở gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Người quản lý đồng thời là người sử dụng như trường hợp chủ sở hữu cho thuê nhà cửa, công trình xây dựng theo phương thức “chìa khoá trao tay”. Theo đó, người thuê có toàn quyền quản lý và khai thác giá trị của toàn bộ ngôi nhà hay công trình xây dựng đó một cách độc lập; hoặc phần diện tích riêng trong một căn hộ, căn phòng độc lập trong toà nhà chung cư, còn phần diện tích chung như cầu thang, hành lang… của toà nhà thì thuộc quyền quản lý của chủ sở hữu toà nhà.

Quy định của điều luật chưa làm rõ những chủ thể phải bồi thường trong các trường hợp trên. Người quản lý đồng thời là người sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng sẽ phải bồi thường hay chỉ người quản lý hoặc chỉ người sử dụng mới phải bồi thường?

Chủ sở hữu chỉ có thể giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường nếu chứng minh được lỗi của người khác đã để cho nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại như lỗi của người thi công xây dựng nhà, công trình. Vấn đề này chưa được điều luật điều chỉnh và chưa được quy định rõ.

Theo chúng tôi, căn cứ để xác định chủ thể phải bồi thường là người “quản lý vật chất” đối với nhà cửa, công trình xây dựng đó, họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý, trông coi; do vậy điều luật chỉ cần chỉ ra người phải bồi thường là người có trách nhiệm quản lý nhà cửa, công trình xây dựng là đủ, bỏ đi từ “sử dụng”. Trường hợp nhà đang trong quá trình thi công hoặc đang còn thời hạn bảo hành mà sụt lở gây thiệt hại do chất lượng của công trình không đảm bảo (theo chuẩn thiết kế hay theo chất lượng trung bình của nhà cửa, công trình xây dựng cùng loại) thì tất yếu bên thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường.

4.4. Về vấn đề liệt kê các thiệt hại do tài sản gây ra

Hiện nay, Bộ luật dân sự vẫn theo hướng liệt kê, mô tả những tác động của tài sản dẫn đến gây thiệt hại như:

Điều 626 mô tả những tác động của cây cối dẫn đến thiệt hại xảy ra là “cây cối đổ gẫy”. Điều 627 mô tả tác động cụ thể của nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác là “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở”. Sự liệt kê các trường hợp gây thiệt hại của cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng bao giờ cũng rơi vào tình trạng bỏ sót, không đầy đủ. Ví dụ, cây cối có thể là nguyên nhân gây thiệt hại mà không cần phải đổ gẫy như: trái cây rụng (trái sầu riêng, dừa, mít…) gây thiệt hại cho người khác; Trên thực tế có những trường hợp nhà cửa, công trình đang trong quá trình xây dựng hoặc đã xây xong, bản thân công trình đó không bị sụp đổ, lún nứt, hư hỏng nhưng lại gây thiệt hại cho công trình khác như làm nghiêng hay nứt tường, trần các nhà liền kề. Trong trường hợp này vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường và chủ sở hữu nhà cửa, công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm nếu không chứng minh được lỗi của bên thi công hoặc sự kiện bất khả kháng.

Theo ý kiến của chúng tôi, quy định của 2 điều luật này nên theo hướng ngắn gọn, khái quát để điều chỉnh được tất cả các tình huống phát sinh do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra. Theo chúng tôi, có thể quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại nếu để cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

Tương tự như vậy, khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong Khoản 1 Điều 623 theo hướng liệt kê, vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị không nên định nghĩa nguồn nguy hiểm cao độ theo hướng liệt kê mà chỉ cần xác định tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, đồng thời nên có tiêu chí rõ ràng để phân biệt một động vật khi nào là súc vật, khi nào là nguồn nguy hiểm cao độ.

4.5. Cần quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của nhà nước

Trên thực tế hiện nay có nhiều thiệt hại do tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của nhà nước gây ra nhưng không có quy định xác định cơ quan tổ chức nào có trách nhiệm bồi thường, ví dụ: cây trong rừng tự nhiên, cây xanh trong thành phố đổ, gẫy gây thiệt hại; các công trình công cộng sụp đổ, lún nứt; thú rừng, độc vật hoang dã gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe người dân. Theo chúng tôi, cần có quy định cụ thể xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về cơ quan nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó cũng cần xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong trường hợp tài sản của cá nhân, tổ chức bị trưng dụng, tạm giữ gây thiệt hại.

4.6. Về thủ tục giải quyết tranh chấp và thi hành án về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

- Pháp luật tố tụng không nên đồng nhất giữa bị đơn và người bị kiện trong trường hợp thiệt hại do tài sản gây ra theo như quy định hiện nay;

- Cần có quy định cụ thể hướng dẫn trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp thiệt hại do tài sản gây ra, cụ thể cầm xác định “ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm” là ngày xảy ra sự kiện thiệt hại hay ngày mà quyền được bồi thường của người bị thiệt hại không được đáp ứng.

4.7 Nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao thông qua hợp đồng mua bán nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên theo qui định của pháp luật

Liên quan đến việc chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ, hiện nay, pháp luật dân sự mới chỉ dự liệu những nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao thông qua các giao dịch dân sự như thuê, mượn, cầm cố, thế chấp mà chưa dự liệu trường hợp khi chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao kết hợp đồng mua bán nhưng người mua chưa hoàn tất thủ tục sang tên nhưng đã sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, gây thiệt hại cho những người xung quanh thì trách nhiệm lúc này thuộc về người bán hay người mua. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này phải xem xét đến lỗi của người bán hay người mua trong việc thực hiện thủ tục pháp lý chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mua hay là lỗi của cả hai bên. Pháp luật dân sự nên quy định cụ thể về vấn đề này để xác định ai là người phải chịu trách nhiệm BTTH trong từng trường hợp cụ thể.

4.8. Tài sản của người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại..

Pháp luật hiện hành mới chỉ qui định về người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật mà chưa qui định trách nhiệm của những người này khi tài sản thuộc quyền sở hữu của họ gây thiệt hại cho chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 606 BLDS năm 2005 thì người chưa thành niên dưới 15 tuổi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại nếu còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, hoặc người giám hộ có thể phải chịu trách nhiệm BTTH. Tuy nhiên, Điều 606 chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp thiệt hại là do hành vi của con người gây ra còn nếu thiệt hại là do tài sản của họ gây ra thì qui định này đưa ra áp dụng là không phù hợp. Vì, cha mẹ không thể bị coi là người có lỗi trong việc tài sản của con gây thiệt hại ở mọi trường hợp, trừ khi tài sản của con đang nằm trong sự quản lý của cha, mẹ thì có thể bị suy đoán là có lỗi trong việc quản lý và sử dụng tài sản, lúc này cha, mẹ mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người người bị thiệt hại. Theo qui định tại Điều 12: " Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân" và Điều 183 BLDS năm 2005 qui định" Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác". Như vậy, người có tài sản được quyền hưởng lợi từ tài sản thì có trách nhiệm bồi thường khi tài sản của mình gây thiệt hại .Nếu tài sản gây ra thiệt hại đang do người khác quản lý thì chủ sở hữu của tài sản là người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự cũng như cha mẹ hay người giám hộ của họ không bị coi là có lỗi nên trách nhiệm trong trường hợp này không thuộc về họ. Bên cạnh việc xác định ai là người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp trên thì việc xác định tư cách đương sự nếu vụ việc giải quyết tại Toà án nhân dân sẽ được xác định và nếu tài sản của người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự không đủ hoặc không có để thực hiện việc bồi thường thì cha, mẹ, người giám hộ không phải lấy tài sản của họ để thực hiện việc bồi thường.

[1] Vấn đề này trước đây đã được hướng dẫn trong Bản hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về dân sự kèm theo Thông tư số 96 NCPL ngày 8/2/1977 của TANDTC.
SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI “TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”, MÃ SỐ: LH-08-05/ĐHL. HÀ NỘI NĂM 2009
CÁM ƠN TS. TRẦN THỊ HUỆ – CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT
VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI NHẬN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
CÁC CHUYÊN ĐỀ THUỘC ĐỀ TÀI
TS. Trần Thị Huệ
1
Khái niệm chung về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ths. Nguyễn Minh Oanh
2
Ý nghĩa, đặc điểm và xác định chủ thể của trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra
PGS.TS. Đinh Văn Thanh
3
Pháp luật dân sự Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia trên thế giới qui định về trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại gây ra.
TS. Nguyễn Minh Tuấn
4
Lược sử qui định của pháp luật về trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại
TS. Phạm Kim Anh
5
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
TS. Vũ Thị Hải Yến
6
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây thiệt hại
Ths. Nguyễn Hồng Hải
7
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác và cây cối gây ra.
Ths. Vũ Thị Hồng Yến
8
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của vợ, chồng gây thiệt hại.
Ths. Bùi Thị Mừng
9
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồngcó yếu tố nước ngoài.
TS. Nguyễn Hồng Bắc
10
Một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về Trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại.
TS. Nguyễn Văn Cường & Ths. Bùi Dung Huyền
11
Một số vấn đề thủ tục giải quyết tranh chấp và vấn đề thi hành án về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
TS. Trần Anh Tuấn
12
Những bất cập trong qui định của pháp luật về Trách nhiệm do tài sản gây thiệt hại và hướng hoàn thiện.
TS. Trần Thị Huệ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code