CẨM DUYÊN
Loay hoay giải
quyết hậu quả tai nạn giao thông, chủ xe chậm thông báo nên đơn vị bảo
hiểm từ chối chi trả. Liệu chủ xe có níu áo được ông bảo hiểm?
TAND TP Quy Nhơn (Bình Định) đã chuyển hồ sơ vụ tranh
chấp hợp đồng bảo hiểm giữa DNTN Tấn Đạt và Chi nhánh Công ty Bảo hiểm
dầu khí khu vực Nam Trung bộ (PVI NTB, thành viên Tổng Công ty Dầu khí
Việt Nam) cho TAND tỉnh này thụ lý theo thẩm quyền.
Chậm báo là mất quyền lợi?
Vụ tranh chấp bắt nguồn từ một tai nạn giao thông xảy
ra ở huyện Vân Canh. Ngày 19-11-2006, xe ben vận chuyển cát của DNTN
Tấn Đạt đụng một chiếc xe gắn máy khiến hai người tử nạn, xe gắn máy và
một phần xe ben bị bốc cháy. Sau đó, Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố
tài xế xe ben, xác định thiệt hại vật chất trong tai nạn là hơn 38 triệu
đồng (xe ben hơn 31 triệu đồng). Tháng 3-2007, TAND tỉnh xét xử đã phạt
tài xế xe ben ba năm tù. Về phần dân sự, DNTN Tấn Đạt đã lo chi phí mai
táng cho các nạn nhân, bồi thường 41 triệu đồng và thỏa thuận hỗ trợ
thêm 30 triệu đồng tại tòa.
Theo chủ DNTN Tấn Đạt, dàn xếp với phía nạn nhân
xong, ngày 21-12- 2006, ông đã liên lạc với Văn phòng đại diện Chi nhánh
PV NTB, cung cấp tài liệu liên quan để đề nghị chi trả bảo hiểm. Ngày
27-3-2007, Chi nhánh PVI NTB có công văn từ chối bảo hiểm với lý do hơn
một tháng sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe mới thông báo cho đơn vị bảo
hiểm là quá chậm so với thời hạn năm ngày theo Điều 6 Quy tắc bảo hiểm
kết hợp xe cơ giới do Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam ban
hành. Vì thế, Chi nhánh PVI NTB không thể tiến hành giám định giá trị
tổn thất của xe ben…
Hai ngày sau, DNTN Tấn Đạt đã có văn bản giải trình
rằng việc chậm thông báo tai nạn là do khi tham gia bảo hiểm không được
đại lý tư vấn, cung cấp thông tin về thời hạn năm ngày theo quy tắc bảo
hiểm. Hơn nữa, vụ tai nạn phát sinh nhiều hệ quả phức tạp kéo dài, DNTN
Tấn Đạt phải nhờ đến sự can thiệp tích cực của cơ quan chức trách cùng
chính quyền, đoàn thể ở địa phương mới dàn xếp ổn thỏa. Tuy nhiên sau
đó, Chi nhánh PVI NTB vẫn giữ nguyên quan điểm, tiếp tục có công văn từ
chối bảo hiểm, đề nghị DNTN Tấn Đạt cử người làm việc với PVI NTB để
chia sẻ rủi ro trên tinh thần hỗ trợ thiện chí một phần tổn thất. Không
đồng tình, chủ DNTN Tấn Đạt đã khởi kiện ra tòa.
Có được chi trả?
Chiếc xe ben gây tai nạn của DNTN Tấn Đạt được đại lý
Chi nhánh PVI NTB cấp giấy chứng nhận bảo hiểm từ tháng 11-2006, thời
hạn bảo hiểm từ 7 giờ ngày 19-11-2005 đến 7 giờ ngày 19-5-2007, nội dung
bảo hiểm trách nhiệm dân sự người thứ ba, bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe
và vật chất xe với tổng mức phí đã nộp hơn 2,4 triệu đồng. Như vậy, thời
điểm xảy ra tai nạn còn nằm trong thời hạn bảo hiểm.
Trong vụ này, về mặt pháp lý vẫn còn nhiều quan điểm
khác nhau. Có người đồng tình với đơn vị bảo hiểm là chủ xe có lỗi khi
không thông báo vụ tai nạn trong vòng năm ngày theo đúng Điều 6 Quy tắc
bảo hiểm kết hợp xe cơ giới do Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt
Nam ban hành mà lại để đến hơn một tháng. Do đó đơn vị bảo hiểm từ chối
giải quyết là đúng.
Ngược lại, có người bảo việc đơn vị bảo hiểm chỉ viện
dẫn Điều 6 Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới do Tổng Giám đốc Tổng
Công ty Dầu khí Việt Nam ban hành là chưa đầy đủ. Bởi theo cả Quy tắc
bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngày 25-2-2003
của Bộ Tài chính lẫn quy định mới là Quy tắc bảo hiểm bắt buộc trách
nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ngày 9-4-2007 của Bộ Tài chính, bên mua
bảo hiểm thông báo tai nạn chậm vẫn có thể được xem xét nếu có lý do
chính đáng.
Vấn đề còn lại là những lý do mà DNTT Tấn Đạt đưa ra
để lý giải sự chậm trễ của mình như khi mua bảo hiểm không được cung cấp
thông tin, tai nạn phát sinh nhiều chuyện kéo dài… có phải là lý do
chính đáng hay không sẽ do tòa quyết định. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông
tin tới bạn đọc.
Từng tranh chấp vì xung đột luật
Trước đây, một vụ tai nạn giao thông chết người tương
tự đã xảy ra tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Lỗi hoàn toàn thuộc về nạn
nhân nên đơn vị bảo hiểm đã dựa vào Luật kinh doanh bảo hiểm để từ chối
giải quyết. Khi gia đình nạn nhân khởi kiện, tòa lại buộc chủ xe tải
bồi thường vì cho rằng theo Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu hợp pháp của
nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại, kể cả khi không có
lỗi.
Ấm ức, chủ xe đi kiện phía bảo hiểm. Xử sơ thẩm, tòa
nhận định theo Bộ luật Dân sự, trường hợp bên mua bảo hiểm đã bồi thường
thiệt hại cho người thứ ba thì có quyền yêu cầu bên bảo hiểm hoàn trả
khoản tiền mà mình đã trả cho người thứ ba nhưng không vượt quá mức bảo
hiểm mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật đã quy định. Từ đó, tòa
buộc phía bảo hiểm phải trả cho chủ xe 15 triệu đồng. Không phục, phía
bảo hiểm kháng cáo, cho rằng hậu quả vụ tai nạn này không thuộc phạm vi
bảo hiểm đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc quy tắc
bảo hiểm có liên quan như Luật kinh doanh bảo hiểm…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment