Nếu tòa căn cứ vào thực tế giao dịch để xét xử thì VKS lại dựa vào “giấy đỏ” để bênh vực người đứng tên.
Ngày 8-5, VKSND huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã
kháng nghị bản án đòi tài sản mà TAND huyện Chơn Thành xét xử vào tháng
4-2008 vì có nhiều tình tiết chưa đúng với thực tế.
Em nói Đông, chị nói Tây
Bà T. (ngụ phường 11, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và bà N. (ngụ phường 10, quận 6, TP.HCM) là hai chị em ruột.
Tháng 10-2007, bà N. kiện bà T. ra tòa để đòi lại hơn
100 ha đất tại huyện Chơn Thành, Bình Phước. Theo bà N. thì vào tháng
1-2003, bà đã mua diện tích đất trên với giá tiền gần 350 triệu đồng. Bà
N. đã đặt cọc cho hai chủ đất số tiền hơn 40 triệu đồng… Trước ngày bà
giao đủ tiền cho hai chủ đất, người chị là bà T. có đến năn nỉ xin được
đứng tên trên giấy tờ đất để “chứng minh tài chính cho con đi du học
nước ngoài”. Vì thương chị nên bà N. đồng ý. Sau đó, bà N. gửi cho chủ
đất một giấy ủy quyền cho phép bà T. được đứng tên trên “giấy đỏ”. Bà N.
đã tự tay giao đủ tiền cho hai chủ đất có sự chứng kiến của cán bộ xã
Minh Lập. Sau khi làm xong mọi thủ tục, bà N. giao cho anh mình quản lý,
chăm sóc đất.
Nhưng rồi con của bà T. không làm được hồ sơ đi du
học. Tháng 9-2006, bà N. yêu cầu bà T. phải trả lại đất nhưng không
được. Tháng 4-2007, bà N. yêu cầu UBND xã Minh Lập ngăn chặn không cho
bà T. bán đất. Lúc này, bà N. mới phát hiện bà T. đã bán gần 5 ha đất
cho người khác.
Phía bà T. khăng khăng mình mới là chủ đất thực sự.
Chính bà đã đưa số điện thoại của chủ đất để bà N. đến thương lượng
giúp. Sau khi thống nhất được giá đất, bà T. đã nhờ người em mang lên
TP.HCM hơn 40 triệu đồng để đưa cho bà N. đi đặt cọc. Để có đủ tiền mua
đất, bà T. phải rút hết số tiền tiết kiệm và xin của một người em là
Việt kiều 20 ngàn đôla.
Khi đi giao tiền cho chủ đất tại UBND xã Minh Lập, bà
T. đã gọi bà N. đi cùng. Chính bà T. là người trực tiếp giao 300 triệu
đồng còn lại cho chủ đất. Cũng bà T. đã ký tên vào hồ sơ chuyển nhượng
đất trước sự chứng kiến của cán bộ xã Minh Lập. Sau đó ít lâu, bà T. đã
được cấp “giấy đỏ” và bà đã sử dụng đất từ năm 2003 cho đến khi xảy ra
tranh chấp.
Ai đúng, ai sai?
Tháng 4-2008, TAND huyện Chơn Thành xử sơ thẩm vụ án.
Theo tòa này, bà T. chỉ là người đứng tên giùm trên “giấy đỏ”. Người
bán đất cũng xác nhận: “Bà N. có yêu cầu khi làm hợp đồng thì để cho anh
bà đứng tên và bà N. là người đưa tiền cọc…”. Do đó, khi ra xã làm hợp
đồng chuyển nhượng đất thì bà T. ký hợp đồng, còn bà N. là người đưa
tiền. Cán bộ xã cũng xác nhận bà N. là người đưa tiền cho chủ đất chứ
không phải bà T.
Tuy cho rằng đã đưa cho người em hơn 40 triệu đồng để
đặt cọc nhưng bà T. không có giấy tờ chứng minh. Số tiền 20 ngàn đôla
mà bà T. nói đã được người em ở nước ngoài cho cũng không rõ nguồn gốc.
Đối với số tiền 300 triệu đồng mà bà T. cho rằng mình là người trực tiếp
giao cho chủ đất, giấy xác nhận tiền và tờ trình của chủ đất có mâu
thuẫn nhau. Mặc dù số tiền hơn 300 triệu đồng là một tài sản lớn nhưng
bà T. lại một mình đi thanh toán trong khi chồng bà có mặt tại khu đất
lại không tham gia giao nhận hay ký hợp đồng. Tòa này tuyên buộc bà T.
phải trả lại cho bà N. hơn 100 ha đất và một số tài sản trên đất. Không
đồng ý, bà T. đã kháng cáo.
Tháng 5, VKSND huyện Chơn Thành đã kháng nghị bản án
trên. Thực tế, con bà T. không đi du học. Hơn nữa, bà N. cũng không có
chứng cứ gì thể hiện có việc thỏa thuận này với bà T. trong khi lời khai
của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Căn cứ vào hợp đồng chuyển
nhượng đất giữa bà T. với chủ đất và bà T. cũng đã được cấp “giấy đỏ”,
viện này đề nghị tòa nên công nhận quyền sử dụng đất cho bà T.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=13472
0 comments:
Post a Comment