Một nông dân nhờ
tòa xem xét việc con trâu bị mất từ năm 1986, làm cả chủ lò mổ lẫn cán
bộ điều tra, công an huyện, tòa huyện, tòa tỉnh, tòa tối cao đều bị cuốn
vào vòng tố tụng.
Năm 1986, ông LVN bị mất một con trâu sáu tuổi. Sau
khi tìm kiếm, ông phát hiện ra con trâu của mình đã bị một lò mổ ở huyện
Gò Quao (Kiên Giang) xẻ thịt nên đến trình báo với công an huyện.
Trộm trốn, tiền mất, hồ sơ thất lạc
Xác minh, Công an huyện Gò Quao đã bắt được người
trộm trâu. Sau đó, vì kẻ trộm bỏ trốn nên công an huyện yêu cầu chủ lò
mổ phải nộp lại số tiền bán thịt trâu.
Lúc bấy giờ, chủ lò mổ đã nộp cho ông Nguyễn Văn
Diệm, người được phân công điều tra vụ này toàn bộ số tiền bán thịt con
trâu là 40 ngàn đồng. Thế rồi, xét thấy vụ án đang dang dở vì kẻ trộm bỏ
trốn nên Công an huyện Gò Quao chưa giao lại số tiền cho ông N.
Cuối năm 1989, ông Diệm chuyển công tác sang ngành
khác. Trước khi chuyển công tác, ông đã làm thủ tục bàn giao toàn bộ hồ
sơ vụ án và cả số tiền trên cho một cán bộ điều tra khác. Một thời gian
sau, anh cán bộ điều tra mới này chết và toàn bộ hồ sơ liên quan cùng số
tiền bàn giao cũng bị thất lạc luôn…
Bắt “lính” bồi thường
Mười mấy năm chờ mãi chẳng thấy tiền đâu, tháng
6-2005, ông N. đã nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Gò Quao nhờ can thiệp
với yêu cầu chung chung là “xem xét việc con trâu bị mất” và được tòa
thụ lý.
Tháng 2-2006, tòa này đưa vụ án ra xử sơ thẩm, xác
định chủ lò mổ là bị đơn, còn ông Diệm và Công an huyện Gò Quao là người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên xử, chủ lò mổ trình bày
rằng mình đã nộp số tiền bán thịt trâu cho ông Diệm. Ông Diệm cũng xác
nhận và nói đã bàn giao xong. Còn đại diện công an huyện lại cho rằng
việc bàn giao số tiền bán thịt trâu của ông Diệm không có biên bản chứng
minh nên ông Diệm phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Cuối cùng, TAND huyện đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện
của ông N., buộc ông Diệm phải có nghĩa vụ hoàn trả hơn 11 triệu đồng
giá trị của con trâu (quy đổi theo thời giá hiện nay) cho ông N. Ngay
sau đó, ông Diệm kháng cáo. Tháng 6-2006, TAND tỉnh Kiên Giang đã xử
phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm.
Hủy án vì xử sai
Thấy mình chỉ thực hiện công việc cơ quan phân công,
hơn nữa đã bàn giao hồ sơ và toàn bộ số tiền nên ông Diệm ấm ức làm đơn
khiếu nại gửi đến TAND tối cao. Tháng 5-2007, chánh án TAND tối cao đã
có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm trên của TAND tỉnh Kiên Giang.
Theo chánh án TAND tối cao, tòa án các cấp của Kiên
Giang thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông N. là không đúng pháp
luật bởi trong đơn ông N. không xác định rõ ai là người bị kiện cũng
như yêu cầu khởi kiện Hình thức đơn khởi kiện cũng không đúng quy định
của Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặt khác, ông Diệm nhận tiền của chủ lò mổ
với tư cách là cán bộ điều tra của công an huyện, do đó công an huyện
phải có trách nhiệm bồi thường, còn trách nhiệm của ông Diệm với cơ quan
này là quan hệ nội bộ.
Tháng 7-2007, Tòa dân sự TAND tối cao đã mở phiên
giám đốc thẩm, nhận định kháng nghị của chánh án TAND tối cao là có cơ
sở bởi đơn khởi kiện của ông N. không đúng quy định nhưng TAND huyện Gò
Quao vẫn thụ lý là sai. Hơn nữa, việc buộc ông Diệm phải bồi thường cho
ông N. trong khi đang thực hiện công vụ cho pháp nhân là trái quy định
tại Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 1995. Từ đó, tòa quyết định hủy cả hai
bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Gò Quao xét xử lại.
Từ đó đến nay, đã gần một năm mà TAND huyện Gò Quao
vẫn chưa đưa vụ án ra xử dù ông Diệm đã nhiều lần yêu cầu. Khổ thân cho
ông là sau khi có bản án phúc thẩm, thi hành án huyện yêu cầu ông phải
thi hành nên ông đã nộp hơn 11 triệu đồng. Đến nay, muốn lấy lại số tiền
này, ông chỉ còn cách đợi tòa đưa vụ án ra xử.
Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây raPháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. (Theo Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 1995)
0 comments:
Post a Comment