Tuesday, January 21, 2014

Tiểu Luận bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Vệt Nam – Những vấn đề còn tồn tại và hướng khắc phục”



Trong chiến lược phát triển kinh tế của nước ta hiện nay và trong tương lai, biển Đông ngày càng chiếm một vị trí quan trọng. Đi cùng với những thuận lợi nhất định thì chúng ta cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và hàng loạt vấn đề đặt ra trong quá trình khai thác các tiềm năng của biển đông hiện nay. Một trong những khó khăn tồn tại là việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của nước ta.
 Nhằm có 1 cách nhìn sâu sắc và toàn diện về vấn đề này chúng em xin đi sâu phân tích vấn đề: “Bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Vệt Nam – Những vấn đề còn tồn tại và hướng khắc phục”
1.     Những vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta.
Bằng việc gia nhập Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (25/7/1994), Việt Nam đã có cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xác định chủ quyền trên biển. Theo công ước thì vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta bao gồm:
1.1. Nội thủy (Internal waters)
 Nội thủy là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở (baseline) giáp với bờ biển. Đường cơ sở này do quốc gia ven biển quy định vạch ra. Từ đó trở vào gọi là nội thủy. Theo Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đường cơ sở của Việt Nam là những đường thẳng gãy khúc nối liền 11 điểm. Vùng nước nội thủy về mặt pháp lý đã nhất thể hóa với lãnh thổ đất liền nên có chế độ pháp lý đất liền, nghĩa là đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của nước ta.
1.2. Lãnh hải (Territorial sea)
   Lãnh hải là lãnh thổ biển, nằm ở phía ngoài nội thủy. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển. Công ước quốc tế về Luật biển 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia ven biển tối đa là 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở” (điểm 1)
1.3 Vùng biển thuộc các đảo có chủ quyền của Việt Nam.
Các đảo và quần đảo có thuộc chủ quyền của nước ta có chế độ pháp lý như đất liền. Việt Nam có trên 3000 đảo lớn nhỏ với 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, những vùng biển thuộc những đảo và quần đảo này đều thuộc chủ quyền của nước ta với một diện tích lớn như vậy việc bảo vệ chủ quyền gặp rất nhiều khó khăn.
2.     Vấn đề bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của nước ta.
2.1             Những thuận lợi mà chúng ta có được.
Từ thuở xa xưa, nghề biển đã là 1 nghề quan trọng của cha ông ta, vấn đề khai thác và khẳng định chủ quyền biển đã được cha ông ta quan tâm. Các truyền thuyết, truyện dân gian đã phần nào nói lên điều đó. Đến thời nhà Nguyễn, chủ quyền nước ta đã được khẳng định trên các quần đảo xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa…Như vậy tư tưởng bảo vệ chủ quyền biển đã tự bao đời hình thành trong nhân dân ta như 1 truyền thống quý báu trong cộng đồng, trong mỗi người dân Việt Nam.
Với việc trở thành thành viên của công ước “ Liên hợp quốc về luật biển 1982” chúng ta đã có 1 công cụ pháp lý quốc tê hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền trên biển. Đồng thời với việc ban hành Luật biên giới 2003 và nhiều văn bản pháp luật khác về vấn đề biển, chúng ta đã có những cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển.
Đảng và nhà nước ta dành sự quan tâm lớn đến việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Lực lượng Hải quân Việt Nam ngày càng được tăng cường cả về quân số cũng như trang bị, như gần gần đây nhà nước ta đã kí hợp đồng với Nga để mua sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo ,tổng trị giá gần 2 tỷ đôla và nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại để trang bị cho lực lượng này.. Trong đường lối đối ngoại của nước ta luôn khẳng định độc lập chủ quyền đối với các vùng biển của chúng ta…. Việc kí các hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan với các nước liên quan đã góp phần giải quyết tốt vấn đề về chủ quyền trên 2 khu vự này, góp phần vào công cuộc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển Đông.
2.2 Những vấn đề còn tồn tại trong việc bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của nước ta.
a. Chúng ta chưa xây dựng được một cơ sở pháp lý vũng chắc cho việc bảo vệ chủ quyền trên những vùng biển thuộc chủ quyền.
Trong thời đại ngày nay, khi mà pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ quốc tế thì việc có 1 cơ sở pháp lý vững chắc là điều hết sức cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền trên biển. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được những cơ sở pháp lý nhất định cho việc bảo vê chủ quyền trên biển nhưng vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra và bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam mới chỉ nêu những nguyên tắc chung về xác định phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, chưa cụ thể hoá công tác quản lý nhà nước về biển, nên hiệu lực pháp lý còn thấp. Hơn nữa, Nhà nước ta chưa có một văn bản luật mang tính tổng thể xác định phạm vi, chế độ pháp lý của từng vùng biển thuộc chủ quyền; quy định các nội dung quản lý nhà nước về biển; bảo vệ chủ quyền, vấn đề bảo vệ quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển. Các quy định tiến bộ của luật biển quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982 mà nước ta là thành viên từ năm 1994 chưa được nội luật hoá. Tuyên bố 1977 và Tuyên bố 1982 mới chỉ là văn bản cấp Chính phủ hiệu lực chưa cao. Mộ số nội dung quy của các văn bản pháp luật về biển còn chưa thực sự phù hợp với công ước về luật biển quốc tế 1982. Việc quy định phạm vi quản lý, bảo vệ, hoạt động giữa các lực lượng chức năng (Hải quân, cảnh sát biển…) còn chồng chéo, chưa cụ thể do vậy công tác quản lý bảo vệ chủ quyền chưa đạt hiệu quả cao. Cùng với đó việc hệ thống hóa, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và công tác phổ biến, tuyên truyền về luật biển cũng chưa được tiến hành thường xuyên rộng khắp. Thực trạng trên hiện là những tồn tại và khó khăn của chúng ta trong việc tiến hành bảo vệ vững chắc và toàn vẹn chủ quyền trên biển.
b. Việc bảo vệ chủ quyền biển trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc mà chưa thể khắc phục ngay được.
Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam có một diện tích lớn, bờ biển kéo dài, giầu tài nguyên, gần với những tuyến đường hàng hải quan trọng trên thế giới do vậy phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý và bảo vệ biển. Để có thể khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền, chúng ta cần phải xây dựng, phát triển sâu và rộng các hoạt động kinh tế - quốc phòng trên biển để khẳng định chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên thực tế hiện nay, chúng ta mới tiến hành được các hoạt động này ở một quy mô và chừng mực nhất định do vậy mà công tác bảo vệ chủ quyền biển còn nhiều vấn đề tồn tại trên thực tế.    
Nếu tính tổng diện tích các vùng biển thuộc chủ quyền thì diện tích đó lớn hơn diện tích đất liền rất nhiều, ngoài ra còn tiếp giáp với các vùng biển của nhiều nước trong khu vực, gần đường hành hải quốc tế do vậy việc qua lại của tàu thuyền quốc tế diễn ra sôi động. Hiện nay có 2 lực lượng đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển đó là lực lượng hải quân và cảnh sát biển với các phương tiện vật chất kĩ thuật vẫn hạn chế, việc tuần tra kiểm soát chưa thực sự được sát sao và toàn diện. Do vậy việc xâm phạm chủ quyền, buôn lậu vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, việc các tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển của Việt Nam bất hợp pháp vẫn còn diễn ra khá phổ biến…
Do điều kiện và hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, mặc dù đã được đầu tư phát triển trong những năm gần đây nhưng tiềm lực quốc phòng trên biển của ta vẫn chưa thể thể sánh ngang với 1 số nước trong khu vực biển Đông đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay lực lượng này gồm 13.000 quân chủ yếu được xây dựng theo hướng phòng thủ là chính, sức mạnh tấn công tương đối hạn chế, măt khác ngân sách quốc phòng hàng năm của nước ta còn hạn chế do vậy việc tăng cường tiềm lực cho hải quân ngay lập tức là không thể.
Đội ngũ chuyên gia biển của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra trong việc nghiên cứu biển đông cũng như trong lĩnh vực nhiên cứu và bảo vệ chủ quyền. Ngư dân chưa có ý thức pháp luật đầy đủ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, chưa thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong công tác giữ gìn bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước.
Việc tiến hành các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác biển của ta cũng còn gặp nhiều khó khăn về vốn khoa học kĩ thuật và việc khai thác phát triển xa bờ vẫn chưa mạnh mẽ. Tất cả những vấn đề trên hiện là những tồn tại trên thực tế trong viêc bảo vệ chủ quyền hàng ngày. Vì vậy muốn thực hiện tốt công tác bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển chúng ta phải nhanh chóng có những biện pháp để giải quyết những tồn tại này.
c. Sự gia tăng ảnh hưởng của các nước trong vùng biển Đông và những tranh chấp về chủ quyền các vùng biển với các nước trong khu vực đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, cũng như công việc bảo vệ chủ quyền  trên các vùng biển của Việt Nam.    
- Tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa vùng biển thuộc quần đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc và Đài Loan: Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đầy đủ các chứng cứ để chứng minh chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa. Tuy nhiên năm 1974 và cho đến nay, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Đã nhiều lần xung đột bằng vũ lực giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra ở khu vực này. Những hành động của Trung Quốc đang xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền trên biển của Việt Nam đối với vùng biển khu vực Hoàng Sa và các vùng lân cận.
- Tranh chấp chủ quyền toàn bộ hay một phần Trường Sa và vùng biển khu vực này giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei: Không chỉ dùng vũ lực để chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc còn tiếp tục nổ súng đánh chiếm quần đảo Trường Sa, hiện nay Trung Quốc đang chiếm giữ 5 đảo phía bắc và đang có âm mưu chiếm hết quần đảo này của Việt Nam. Không chỉ Trung Quốc mà Philippines, Malaysia và Brunei, Đài Loan cũng đã chiếm 1 số đảo ở đây và tuyên bố chủ quyền của mình.
- Âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc với ranh rới “đường lưỡi bò” trên biển: Phần diện tích trong đường lưỡi bò này chiếm khoảng 75% diện tích trên Biển Đông, để lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%. Năm 2007, Trung Quốc đưa ra quy định theo đó tất cả bản đồ Trung Quốc phải vẽ ranh giới lưỡi bò này cùng với rất nhiều hành động vi phạm pháp luật quốc tế khác. Những động thái của Trung Quốc cùng với sự ra tăng sức mạnh và tiềm lực kinh tế cũng như quốc phòng của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ chủ quyền của ta mà còn thực sự là mối đe dọa lớn cho chủ quyền trên biển không chỉ của Việt Nam mà còn là mối đe dọa với các nước trong khu vực. Ranh rới đường lưỡi bò của Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế về luật biển.
3. Hướng khắc phục cho những tồn tại trong việc bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam
3.1 Xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ việc bảo vệ chủ quyền trên biển.  
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần sớm nâng cấp các tuyên bố của chính phủ lên tầm luật quốc gia và cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước về biển. Tiến hành rà soát hệ thống hóa toàn bộ các văn bản pháp luật biển để sửa đổi bổ sung các văn bản không phù hợp, phải xem xét lại một số văn bản pháp luật chưa phù hợp với nội dung công ước về luật biển 1982. Nhằm từng bước xây dựng cho được một hệ thống đồng bộ pháp luật  về  biển. Hơn nữa chúng ta cần sớm ban hành luật các vùng biển Việt Nam làm khung pháp lý thống nhất cho pháp luật về biển, văn bản này phải mang tính tổng thể xác định phạm vi, chế độ pháp lý của từng vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; quy định các nội dung quản lý nhà nước về biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, và lợi ích quốc gia trên biển; vấn đề bảo vệ quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển. Tiến hành việc chuyển hóa các quy định của công ước về luật biển 1982  vào hệ thống pháp luật Việt Nam cùng với đó là phải tiến hành nội luật hóa các quy định của công ước này.
3.2 Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tăng cường tiềm lực kinh tế, chú trọng phát triển quốc phòng, đảm bảo an ninh trên biển.
Muốn bảo vệ vững chắc và bền vững độc lập chủ quyền biển thì đây được coi là biện pháp mang tính chiến lược và lâu dài. Nhân dân ta có truyền thống nghề biển. Vì vậy vần phải khơi gợi thuyền thống ý thức về chủ quyền biển và giáo dục cho mọi người dân Việt Nam về vai trò, vị trí của biển Đông cũng như chủ quyền của Việt Nam trên biển. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển cho ngư dân, giáo dục tuyên truyền tư tưởng đường lối trước sau như 1 của đảng và nhà nước về vấn đề chủ quyền của biển Đông, tuyên truyền công tác bảo vệ chủ quyền phối hợp với nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển.
          Song song với nhiệm vụ này, chúng ta phải tăng cường tiềm lực kinh tế, phát huy nội lực, khẳng định sức mạnh trên thực tế. Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng, mở rộng quy mô nền kinh tế. Từ đó mới có thể tăng cường lực lượng cũng như trang thiết bị cho quốc phòng, an ninh trên biển. Kết hợp đảm bảo an ninh – quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế biển. Hiện nay lực lượng Hải quân của ta đang được đầu tư, hiện đại hóa và phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng so với các nước trong khu vực và Trung Quốc thì sức chiến đấu của ta còn hạn chế, chưa thể sánh ngang với một số nước. Mặt khác đây là lực lượng chủ yếu trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền trên biển. Do vậy, xây dựng 1 lực lượng hải quân hùng mạnh và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống là yêu cầu cấp thiết và thực tế đáp  ứng việc bảo vệ chủ quyền biển.
           Một vấn đề quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đó là giữ gìn an ninh trật tự cũng như đảm bảo việc thi hành pháp luật cũng như công tác tuần tra kiểm soát phải được tiến hành 1 cách thường xuyên, liên tục đảm bảo việc chấp hành pháp luật cũng như đảm bảo được quyền tối cao của nhà nước đối với lãnh thổ biển.
3.3 Tăng cường chiến lược ngoại giao và truyền thông. Kêu gọi các nước tranh chấp đàm phán dựa trên nguyên tắc của luật biển quốc tế, tiến hành việc quốc tế hóa tranh chấp biển Đông
Là nước nhỏ, trong chiến lược của chúng ta phải tận dụng biện pháp ngoại giao, chúng ta không thể đòi lại những vùng biển đảo bị chiếm hay giải quyết tranh chấp bằng vũ lực do vậy ngoại giao sẽ là biện pháp để chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy thông qua con đường ngoại giao, chúng ta cần vận động sự qua tâm và ủng hộ của dư luận quốc tế cho 1 giải pháp công bằng và hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Quốc tế sẽ ủng hộ chúng ta khi thấy công lý và lẽ phải thuộc về ta. Mặt khác đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác trong ASEAN. Do vậy, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cần phải tận dụng ưu thế thành viên của mình để vận động cho một tiếng nói chung.
Với việc là thành viên của công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, chúng ta đã có trong tay công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền biển. Vì vậy, hiện nay việc đàm phán dựa trên nguyên tắc của luật quốc tế với các nước tranh chấp là giải pháp hữu hiệu nhất cho chúng ta giải quyết tranh chấp và lấy lại những vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Tuy nhiên cần phải xác định rằng đây là công việc không hề đơn giản, phức tạp, khó khăn và kéo dài. Vì vậy Đảng và nhà nước ta phải giữ thái độ cứng rắn, nhưng khôn khéo dung hòa lợi ích các bên. Cần xây dựng 1 chiến lược lâu dài và cụ thể, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cũng như các chứng cứ và lý lẽ để có thể viễn dẫn pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi của quốc gia.
          Vấn đề quốc tế hóa tranh chấp biển Đông, đưa các tranh chấp ở khu vực này ra trước LHQ là 1 biện pháp cho Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp và đấu tranh chống lại những yêu cầu vô lý của Trung Quốc. Gần đây Philippines đề nghị đưa tranh chấp ra LHQ vừa là một đề nghị hợp lý và là một cơ hội tốt mà Việt Nam không nên bỏ qua. Với vị rí của mình tại LHQ, Việt Nam cần ủng hộ đề nghị này của Philippines.
4. Kết luận.
Trước những diễn biến phức tạp trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển, chúng ta cần phân tích rõ những khó khăn và thuận lợi để đưa ra những chính sách và biện pháp phù hợp đảm bảo nguyên tắc lãnh hải và chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

  

Danh mục tài liệu tham khảo
1.     Giáo trình luật quốc tế - Trường đại học luật Hà Nội
2.     Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về luật biển
3.     Tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải
vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 1977.
4.     Tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải năm 1982.
5.     Cùng một số thông tin trên internet.



Source: TaiLieuTongHop.Com


0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code