ĐẶNG HUỲNH LỘC
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… đề nghị giải oan vụ án Cimexcol Minh Hải.
Hơn 20 năm trước, Công ty Cimexcol Minh Hải trong khi
đang hoạt động bình thường thì bị vướng vào vòng tố tụng (tháng
12-1987). Gần hai năm sau đó (từ ngày 14 đến 22-4-1989), vụ án Cimexcol
Minh Hải được đưa ra xét xử với 21 bị cáo bằng một thủ tục khá đặc biệt,
TAND tối cao trực tiếp xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm.
Một năm sau đó (1990), qua kiểm tra tài chính lại
phát hiện Cimexcol chẳng những không lỗ mà còn có lãi nhưng đến bốn năm
sau (1994), kết quả này mới được công bố. Cũng từ đó, những người lãnh
án tù, cả án chung thân lần lượt được tha…
Bức thư phu nhân cố Tổng Bí thư
Gần 20 năm qua, đặc biệt là từ năm 1994 đến nay, rất
nhiều đơn thư khiếu nại, yêu cầu được minh oan trong vụ án Cimexcol được
gửi đến các cơ quan trung ương.
Mới đây (ngày 4-3-2008), bà Ngô Thị Huệ, nguyên đại
biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Vụ
trưởng Ban Tổ chức Trung ương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh
nhân nghèo TP.HCM và là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lại viết
thư gửi đến các cơ quan trung ương đề nghị xem xét lại vụ án, minh oan
cho những người bị hàm oan. Thư có đoạn:
“Năm 1994, sự thật vụ án Cimexcol đã được phơi bày,
nhiều người bị vào tù oan sai đã được thả ra. Nếu ông Nguyễn Văn Linh
còn sống chắc ông cũng sẽ phản đối việc im lặng của các cơ quan pháp
luật hơn 14 năm qua. Bởi vì bản thân việc im lặng như thế là vi phạm
pháp luật, vi phạm đạo đức, nhân nghĩa của dân tộc.
Hiện nay đồng chí Lê Văn Bình đang lâm trọng bệnh,
tình trạng sức khỏe vô cùng nguy kịch. Một cán bộ không hề có tư túi
trong suốt quá trình hoạt động cách mạng lại phải chịu hàm oan gần 20
năm trời, lẽ nào chúng ta không sót xa, thương cảm!
Từ những điều nêu trên, tôi yêu cầu các đồng chí hãy
cho điều tra, xét xử lại vụ án như ông Phạm Hưng đã đề nghị trước đây.
Tôi xin thay mặt ông Nguyễn Văn Linh và gia đình, người thân của ông,
yêu cầu các đồng chí đừng để ông Linh mang tiếng không tốt với đồng chí
của mình. Đảng ta quang minh chính đại, không việc gì không làm sáng tỏ
được.
Tôi thiết tha mong các đồng chí hãy giải oan cho vụ
án Cimexcol, giải oan cho đồng chí Lê Văn Bình, đồng thời giải tỏa những
dư luận không đúng đắn về ông Nguyễn Văn Linh trong vụ án này”.
Tiếp ngay sau bức thư của phu nhân cố Tổng Bí thư, bà
Nguyễn Thị Được, nguyên khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, Phó ban Phụ vận TW
Cục Miền Nam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam cũng gửi thư lên trung
ương đề nghị minh oan vụ án. Bức thư viết:
“Tôi có thường xuyên thăm đồng chí Lê Văn Bình. Có lẽ
đồng chí khó vượt qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo (ung thư) đang tái phát.
Không biết ngày phán quyết cuối cùng khi Đảng giải oan cho mình, đồng
chí có còn được nghe thấy gì không?
Tôi tin rằng các đồng chí trong Ban chấp hành TW làm
sao có thể để cho một đồng chí đảng viên của Đảng không tội tình gì lại
phải lãnh án hình sự 20 năm qua một cách oan ức…”.
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Vụ án Cimexcol Minh Hải bị TAND tối cao truy tố trước
tòa 21 bị cáo theo sáu tội danh: tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; cố ý
làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà
nước gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; buôn bán hàng
cấm và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Qua tám ngày xét
xử, tòa tuyên phạt trắng án ba bị cáo sau gần hai năm giam giữ, một bị
cáo án chung thân, 17 bị cáo còn lại từ một đến mười năm tù.
Trong số các bị cáo có án, ông Lê Văn Bình (Năm
Hạnh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên
đại biểu Quốc hội khóa VIII, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Minh Hải (nay
là hai tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu) có hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả
nghiêm trọng”, bị phạt một năm tù được hưởng án treo.
Nguyễn Quang Sang – Giám đốc Cimexcol Minh Hải phạm
hai tội “cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh
tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “tham ô tài sản XHCN”,
bị phạt năm năm tù.
Dương Văn Ba – Phó Giám đốc Công ty Cimexcol được hội
đồng xét xử đánh giá là “người cầm đầu, chủ mưu, có vai trò quan trọng
nhất và quyết định nhất trong vụ án”, phạm ba tội “tham ô tài sản XHCN;
cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của
nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ”, bị tuyên phạt tù chung
thân.
Trương Công Miên, cũng là phó giám đốc Công ty Cimexcol, bị truy tố về tội tham ô tài sản XHCN, bị phạt tám năm tù…
Phản ứng sau phiên tòa
Sau phiên tòa, nhiều cá nhân, tổ chức kiến nghị trung
ương xét xử lại vụ án. Ông Nguyễn Văn Để (Tư Vân), ủy viên Thường vụ
Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Minh Hải kiến nghị: “Bản án Cimexcol
chứng minh xét xử không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp
luật, không được lòng dân và xét về tình tiết, nội dung phán quyết của
phiên tòa sai trái đến mức nghiêm trọng, làm cho tình tiết và bản chất
của vụ án thay đổi một cách cơ bản…”.
Ngày 12-5-1989, Ban giám đốc Trường Đảng tỉnh An
Giang báo cáo trung ương dư luận về vụ án Cimexcol trong cán bộ, đảng
viên: “Quan điểm xét xử không đổi mới, lấy Nghị quyết 4, Nghị quyết 5 xử
Nghị quyết 6, lấy cơ chế cũ xử cơ chế mới, lấy tư duy cũ xử tư duy mới
đi ngược lại Nghị quyết Đại hội VI”…
Trước dư luận phản ứng phiên tòa, trong hai ngày 29
và 30-5-1989, trung ương tổ chức họp đánh giá “diễn biến trước, trong và
sau phiên tòa”. Cuộc họp kết thúc bằng Thông báo số 142 do cố Tổng Bí
thư Nguyễn Văn Linh ký ngày 30-5-1989 (sau này nhiều người gọi đây là
Thông báo 30). Thông báo nêu “những việc cần làm ngay” là “Minh Hải phải
có thông báo công khai đánh giá tính chất, hậu quả của vụ án và những
sai sót trong việc quản lý Dương Văn Ba và đồng bọn”. “Những việc cần
làm thêm” là các địa phương tập hợp dư luận, hướng dẫn dư luận “đây là
vụ án xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, đồng thời “kiểm điểm các
cơ quan báo đài đã viết bài, quay phim một cách sai lệch” (trích nguyên
văn). “Những việc cần làm sớm” là tiếp tục kiểm điểm lãnh đạo tỉnh Minh
Hải, đồng thời “Bộ Nội vụ báo cáo trung ương danh sách và tài liệu
những cán bộ, đảng viên có liên quan đến vụ án để tiếp tục xem xét và xử
lý”. “Những việc cần làm tiếp” là “Làm rõ việc đồng chí Trang Thanh Khả
tự sát do nguyên nhân gì? Ai trực tiếp hay gián tiếp gây ra?”…
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết thư gửi trung ương đề nghị minh oan
Ngày 23-4, tiếp xúc với PV Báo Pháp Luật TP.HCM,
nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết ông đang viết bức thư đề nghị Ban
Bí thư minh oan cho những người bị hàm oan trong vụ án Cimexcol. Bức thư
có tựa đề: “Nhìn lại việc điều tra, khởi tố, xét xử vụ án Cimexcol Minh
Hải: Sự thật và số phận của những người trong cuộc”.
Nguyên Thủ tướng đọc cho chúng tôi nghe đoạn đầu bức
thư: “Tôi: Võ Văn Kiệt, là người từng có trách nhiệm, có quá trình theo
dõi vụ án Cimexcol Minh Hải từ khi bắt đầu đến khi kết thúc và những hậu
quả kéo dài cho tới tận ngày nay. Xin được trình bày những gì mình
biết, cảm nhận xung quanh vụ án này. Tôi khẳng định, toàn bộ vụ án là
oan sai, không bình thường, bản thân tôi đã nhiều lần phát biểu ý kiến
của mình với tập thể lãnh đạo trực tiếp và qua thư. Trong đó, tôi cũng
đã đề xuất các phương án giải quyết đối với trong nội bộ Đảng và cơ quan
pháp luật, nhà nước. Phần lớn đều thừa nhận thực tế những kiến nghị đều
có cơ sở, có căn cứ nhưng ngại đặt ra, giải quyết lại vụ án”…
SOURCE: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=215420Thực hiện Thông báo 30, ngày 8-8-1989 Tỉnh ủy Cửu Long báo cáo trung ương kết quả thăm dò dư luận trong cán bộ trung, cao cấp và các giám đốc, phó giám đốc sở, ngành như sau:- Không đồng tình xử vụ án Cimexcol: 70%.- Vụ án phản tác dụng: 92%.- Bị cáo có công hơn có tội: 86%.- Qua phiên tòa thiếu lòng tin, nghi ngờ pháp luật: 93%.- Đề nghị xử lại hoặc hủy bỏ bản án: 96%.
0 comments:
Post a Comment