Monday, November 18, 2013

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO CÂY CỐI, NHÀ CỬA, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GÂY RA

THS. VŨ THỊ HỒNG YẾN – Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội
Cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác là những tài sản có giá trị, mang lại cho người sử dụng những lợi ích to lớn, nhưng cũng là những nguồn gây thiệt hại đáng kể cho những người xung quanh. Những vấn đề pháp lý liên quan như xác định các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, mức và phương thức bồi thường…cần phải được tìm hiểu một cách đầy đủ và toàn diện trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện hành. Trên cơ sở phân tích những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra (điều 626 – BLDS 2005) và do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (điều 627- BLDS 2005) đặt trong mối liên hệ với thực tiễn, người viết mong muốn chỉ ra những điểm còn bất cập và đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện những quy định này của pháp luật.
1. Một số nội dung cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
1.1 Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Có 3 điều kiện cơ bản để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra:
Điều kiện 1: Có thiệt hại xảy ra.
Các loại thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra bao gồm thiệt hại về tài sản, sức khoẻ và tính mạng cho người khác. Riêng loại thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín thì không thuộc phạm vi tác động gây thiệt hại của các loại tài sản này.
Cách tính mức thiệt hại của từng loại thiệt hại vẫn tuân theo nguyên tắc chung được quy định tại điều 608, 609, 610 của BLDS 2005.
Điều kiện 2: Có mối quan hệ nhân quả giữa sự tác động của cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác đối với thiệt hại xảy ra.

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ đặc điểm của loại tài sản này. Đây là những tài sản mang bản chất pháp lý của bất động sản, hay nói cách khác chúng có đặc tính bất di bất dịch. Cây cối được điều chỉnh theo luật này không bao gồm những cây cảnh như cây giả hay cây được trồng trong chậu; hay nói cách khác đó là những cây phải được trồng trên một mảnh đất xác định. Nhà cửa được hiểu theo nghĩa chung nhất là những công trình xây dựng được dùng với mục đích để ở, các công trình xây dựng khác là những kết cấu xây dựng được dùng theo các mục đích khác nhau gồm cả các công trình xây dựng dưới mặt đất và dưới mặt nước.
Vậy những loại tài sản này sẽ tác động để gây thiệt hại cho những người xung quanh theo những cách thức nào khi chúng có đặc tính gắn liền với đất đai, bất di bất dịch? Chúng ta bàn tới 2 khả năng gây thiệt hại bởi cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác: thứ nhất, là do hành vi của con người tác động, qua đó những tài sản này gây thiệt hại cho người khác; thứ hai, tự bản thân những tài sản này gây thiệt hại cho người khác. Nếu thiệt hại được gây ra trong trường hợp thứ nhất thì căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được dựa trên nguyên tắc chung của THBTT ngoài hợp đồng. Cụ thể nó dựa trên 4 điều kiện: có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có lỗi của người gây ra thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Hãy phân tích các tình huống sau đây chúng ta sẽ thấy rõ điều đó: 1. A chặt cây xà cừ to của nhà mình và để cây đổ gây thiệt hại về tài sản và sức khoẻ cho nhà hàng xóm; 2. A phá ga ra ô tô cũ để xây cái mới nhưng sơ suất đã để tường đổ gây gãy chân người đi qua gần đó. Trong hai tình huống trên, thiệt hại gây ra hoàn toàn do hành vi của một chủ thể cụ thể, đó là A và trách nhiệm bồi thường thiệt hại được phát sinh trên cơ sở thoả mãn 4 điều kiện của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ý chí của chủ thể được thể hiện thông qua hành vi tác động trực tiếp đến cây cối, nhà cửa… hay nói cách khác chúng chỉ đóng vai trò là những công cụ để chủ thể gây thiệt hại cho người khác dù cố ý hay vô ý. Chúng ta không thể vận dụng điều luật 626 để quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra hay điều 627 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Do vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra chỉ có áp dụng cơ chế “tự gây thiệt hại”. Nguồn gây ra thiệt hại cho những người xung quanh là do tác động tự thân của vật, chứ không phải từ hành vi của con người tiến hành. Chẳng hạn như cây cối đổ, gẫy hay nhà cửa, công trình xây dựng khác sụt lở gây ra thiệt hại cho những người xung quanh mà không có sự tác động trực tiếp của con người.
Điều kiện 3: Có lỗi của người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, trông coi cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác. Chúng ta vẫn tuân thủ nguyên tắc chung về lỗi trong luật dân sự: bản chất lỗi trong luật dân sự là “lỗi suy đoán” hay "người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi”. Tuy rằng đó là hai cách diễn đạt khác nhau nhưng đều đi đến chung một hệ quả là: chủ thể bồi thường phải chứng minh được việc gây thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra là do lỗi của người khác (khi đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được chuyển sang cho người đó) hoặc phải chứng minh thiệt hại gây ra do sự tác động của sự kiện bất khả kháng (khi đó người bị thiệt hại không được bồi thường và coi đó như là một rủi ro đối với mình) hoặc thiệt hại gây ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại (khi đó người bị thiệt hại phải tự chịu). Một câu hỏi được đặt ra: Thiệt hại gây ra do tự bản thân cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng trực tiếp tác động nhưng tại sao chúng ta lại coi người đang trực tiếp quản lý trông coi chúng là có lỗi? Ở đây xuất phát từ nguyên nhân sâu xa của trách nhiệm trông coi bảo quản. Trách nhiệm trông coi, bảo quản tài sản bao gồm các nghĩa vụ cơ bản như: không để người khác xâm phạm gây thiệt hại cho tài sản trông coi và không để tài sản mình trông coi gây thiệt hại cho người khác. Chúng ta hãy phân tích nghĩa vụ thứ 2 bởi nó thuộc về phạm vi nội dung mà chúng ta đang tìm hiểu. Để có thể thực hiện tốt nghĩa vụ này, người trông coi quản lý phải kịp thời phát hiện nguy cơ cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác có khả năng gây thiệt hại cho những người xung quanh để tìm cách khắc phục như cây đã mục ruỗng, cành cây to chưa được chặt khi cơn bão sắp tới hoặc nhà bị nghiêng…Nếu không có ngay biện pháp khắc phục kịp thời thì người trông coi phải có các cách thức thông báo tình trạng nguy hiểm của cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng để những người xung quanh tránh xa chúng hay có biện pháp tự bảo vệ. Như vậy, bất luận trong trường hợp nào trước hết người quản lý trông coi đều bị coi là có lỗi khi để cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trừ trường hợp chỉ ra lỗi của người thứ ba hoặc do sự kiện bất khả kháng.
Tóm lại, trách nhiệm BTTH do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra chỉ phát sinh khi thoả mãn được 3 điều kiện như đã phân tích ở trên.
1.2 Người phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Về nguyên tắc chung người phải chịu trách nhiệm bồi thường trước hết phải là người có lỗi để cho cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Như đã phân tích ở trên người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi luôn bị coi là có lỗi nên sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại. Một chủ thể khác chúng tôi xin được nhắc tới đó là tư cách pháp lý của chủ sở hữu cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng. Có trường hợp chủ sở hữu cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác và người đang trực tiếp quản lý trông coi chúng là một, nhưng có những trường hợp họ là 2 chủ thể riêng biệt. Như vậy chủ sở hữu đồng thời là người quản lý, trông giữ cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp họ chứng minh được lỗi của người khác hoặc sự do sự kiện bất khả kháng. Người khác ở đây có thể là do người trực tiếp thi công xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng đã có lỗi kỹ thuật khi thi công ảnh hưởng đến chất lượng ngôi nhà dẫn đến hiện tượng sụt lở mà chủ sở hữu không thể biết được. Còn thiệt hại gây ra do sự kiện bất khả kháng sẽ được coi như là một rủi ro. Đoạn 2 khoản 1 điều 161 BLDS 2005 có quy định về sự kiện bất khả kháng: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, một sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các yếu tố sau: – Phải xảy ra một cách khách quan; – Các chủ thể có liên quan không lường trước được, họ không thể biết trước về sự kiện gây thiệt hại sẽ xảy ra; – Khi sự kiện xảy ra, các chủ thể đã áp dụng mọi biện pháp khả năng cho phép để hạn chế thiệt hại. Chẳng hạn như lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, sóng thần…là những lực lượng tự nhiên mà con người không kiểm soát được. Nhưng nếu bão tố đã được dự báo từ trước mà các chủ thể không có biện pháp khắc phục phù hợp thì lại không được coi là sự kiện bất khả kháng. Do vậy, những thiệt hại đã xảy ra trong trường hợp trên là tất yếu, không thể tránh khỏi. Hay nói cách khác, người bị thiệt hại coi đó là điều rủi ro của mình.
Có những khả năng sau đây dẫn đến chủ sở hữu và người có trách nhiệm quản lý trông coi là 2 chủ thể độc lập với các tư cách pháp lý khác nhau. 1. Chủ sở hữu là Nhà nước giao tài sản thuộc sở hữu nhà nước là cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác cho một số chủ thể là các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý và khai thác sử dụng; 2. Chủ sở hữu là cộng đồng dân cư giao tài sản thuộc sở hữu cộng đồng cho những chủ thể nhất định quản lý; 3. Chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác quản lý, trông coi cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác cho mình; 4. Chủ sở hữu cho người khác thuê hoặc mượn cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng; 5. Người khác chiếm hữu bất hợp pháp nhà cửa công trình xây dựng của chủ sở hữu…Trong các trường hợp cơ bản nêu trên ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại khi cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại. Trước hết, chúng ta cần phải dựa vào cam kết thoả thuận giữa họ. Sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng uỷ quyền, cho thuê, cho mượn hay sự phân định trách nhiệm cụ thể trong quyết định giao tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu cộng đồng… về vấn đề gánh chịu trách nhiệm bồi thường trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội đều có giá trị như pháp luật đối với các bên. Còn trong trường hợp các bên không có cam kết, thoả thuận cụ thể thì chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc như đã nêu trên để xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đó là những người đang trực tiếp chiếm hữu, trông coi, quản lý vật chất đối với cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng cho dù có hay không có tư cách pháp lý (như trường hợp chiếm hữu bất hợp pháp cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng của chủ sở hữu) phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bởi người trông coi, quản lý cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác để cho những tài sản này gây thiệt hại luôn bị coi là có lỗi.
Trên thực tế có những cây cối, nhà cửa hay công trình xây dựng bị bỏ hoang, không xác định được người quản lý trông coi cũng như không xác định được ai là chủ sở hữu thì cũng không có ai phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu những tài sản này gây thiệt hại cho người khác.
2. Quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, những điểm bất cập và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện.
2.1 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra:
Điều 626 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Điều luật chỉ ra chủ thể duy nhất phải chịu trách nhiệm bồi thường là chủ sở hữu nếu để cây cối gây thiệt hại cho người khác. Quy định này chỉ đúng trong trường hợp chủ sở hữu đồng thời là người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi cây cối. Nếu chủ sở hữu đã chuyển giao trách nhiệm trong coi cây cối cho một chủ thể khác thì hậu quả pháp lý có khác đi không? Đây là một câu hỏi mà điều luật chưa giải quyết được. Hãy thử phân tích một tình huống sau: Dọc theo các tuyến phố ở Hà nội có rất nhiều hàng cây xanh cổ thụ, có những cành cây to rớt xuống lòng đường đột ngột gây thiệt hại cho người đi đường, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường? Chủ sở hữu của những hàng cây này là Nhà nước; chịu trách nhiệm trông coi quản lý là Công ty cây xanh và môi trường đô thị Hà nội. Tất nhiên là người bị thiệt hại sẽ kiện đòi Công ty và Công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với tư cách là người quản lý, trông coi chứ không phải là Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu. Hoặc trường hợp: A có một trang trại trồng rất nhiều cây to, A thuê B trông coi, quản lý trang trại của mình. Kết quả một cây cổ thụ to bị mục gốc bất ngờ đổ xuống gây thiệt hại cho một số người vào cắt cỏ trong vườn. Vậy ai phải bồi thường? Nếu A và B có thoả thuận về vấn đề này thì sẽ sự thoả thuận đó sẽ được áp dụng. Còn nếu không có sự thoả thuận cụ thể thì sao? Có 2 quan điểm trong trường hợp này: Quan điểm thứ nhất cho rằng cây của ai gây ra thiệt hại người đó phải bồi thường, tức là chủ trang trại A; Quan điểm thứ hai cho rằng cây đổ gây thiệt hại cho người khác là hoàn toàn thuộc lỗi của B, và chỉ người nào có lỗi trong việc trong việc trông coi, quản lý cây cối mới phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm thứ hai dựa trên 2 lý do: một, đó là việc trông coi cây cối hay chính là việc “quản lý vật chất” đã được chuyển từ chủ sở hữu cây cối sang một chủ thể khác (là người được uỷ quyền quản lý trông coi); hai, đó là người trông coi đã có lỗi để cây cối gây thiệt hại cho người xung quanh, không kịp thời phát hiện ra tình trạng nguy hiểm để có những biện pháp khắc phục phù hợp. Có thể xem thêm phân tích ở phần 1.2 của bài viết. Do vậy, với nội dung hiện có của điều luật thì chúng ta sẽ không giải quyết được thoả đáng các tình huống xảy ra và sẽ không tuân thủ đúng các nguyên tắc của pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều luật cũng mô tả những tác động của cây cối dẫn đến thiệt hại xảy ra là “cây cối đổ gẫy”. Thiết nghĩ sự liệt kê các trường hợp gây thiệt hại của cây cối bao giờ cũng rơi vào tình trạng bỏ sót, không đầy đủ. Bởi có những khi cây cối gây thiệt hại mà không cần phải đổ gẫy như trái cây rụng (như trái sầu riêng, dừa, mít…) cũng có thể gây thiệt hại cho người khác thì có áp dụng điều luật này để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Theo ý kiến của chúng tôi, nên quy định theo hướng mọi sự tác động của cây cối dẫn đến thiệt hại cho người khác đều làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2.2 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
Điều 627 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Điều luật chỉ ra hai chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác. Người phải chịu trách nhiệm trước tiên đó là chủ sở hữu nếu đồng thời là người trực tiếp quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đó. Chủ sở hữu chỉ có thể giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường nếu chứng minh được lỗi của người khác đã để cho nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại như lỗi của người thi công xây dựng nhà, công trình. Nếu nhà đang trong quá trình thi công hoặc đang còn thời hạn bảo hành mà sụt lở gây thiệt hại do chất lượng của công trình không đảm bảo (theo chuẩn thiết kế hay theo chất lượng trung bình của nhà cửa, công trình xây dựng cùng loại) thì tất yếu bên thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vấn đề này chưa được điều luật điều chỉnh và chưa được quy định rõ.
Chủ thể phải bồi thường thiệt hại tiếp theo là người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng. Chúng ta cần làm rõ: người quản lý đồng thời là người sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hay đó là 2 chủ thể độc lập. Trên thực tế có những trường hợp sau xảy ra:
Người quản lý không đồng thời là người sử dụng trong trường hợp chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác trông coi nhà, công trình xây dựng cho mình. Người này chỉ có quyền quản lý nhà cửa, công trình xây dựng thôi mà không có quyền được khai thác giá trị sử dụng của chúng để hưởng lợi. Nếu trong thời gian đang quản lý đó mà nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường không?
Người sử dụng không đồng thời là người quản lý nhà cửa, công trình xây dựng trong trường hợp chủ sở hữu một toà nhà chung cư cho người khác thuê từng căn phòng để làm văn phòng giao dịch hay để ở nhưng mọi vấn đề như an ninh, điện nước, sự an toàn nói chung của ngôi nhà là thuộc về nghĩa vụ của chủ sở hữu ngôi nhà. Nếu toà nhà sụt, lở gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Người quản lý đồng thời là người sử dụng như trường hợp chủ sở hữu cho thuê nhà cửa, công trình xây dựng theo phương thức “chìa khoá trao tay”. Theo đó, người thuê có toàn quyền quản lý và khai thác giá trị của toàn bộ ngôi nhà hay công trình xây dựng đó một cách độc lập; hoặc phần diện tích riêng trong một căn hộ, căn phòng độc lập trong toà nhà chung cư, còn phần diện tích chung như cầu thang, hành lang… của toà nhà thì thuộc quyền quản lý của chủ sở hữu toà nhà.
Quy định của điều luật chưa làm rõ những chủ thể phải bồi thường trong các trường hợp trên. Người quản lý đồng thời là người sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng sẽ phải bồi thường hay chỉ người quản lý hoặc chỉ người sử dụng mới phải bồi thường? Theo ý kiến của chúng tôi như đã phân tích ở phần 1.1 căn cứ để xác định chủ thể phải bồi thường vẫn là người “quản lý vật chất” đối với nhà cửa, công trình xây dựng đó, họ được coi là có lỗi trong việc quản lý, trông coi; do vậy điều luật chỉ cần chỉ ra người phải bồi thường là người có trách nhiệm quản lý nhà cửa, công trình xây dựng là đủ, bỏ đi từ “sử dụng”. Trong cuốn ‘Nghĩa vụ dân sự trong Luật dân sự Việt Nam’ của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Bách, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tại trang 259 tác giả có bình luận: Nếu căn nhà hay công trình xây dựng đã được đem cho thuê thì theo quy định của điều luật người thuê sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, nhưng như thế thì trái với nguyên tắc của hợp đồng thuê nhà; theo quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng thuê nhà thì bên cho thuê (chủ sở hữu) có nghĩa vụ bảo dưỡng, sửa chữa nhà, nếu không bảo dưỡng, sửa chữa nhà mà gây thiệt hại thì phải bồi thường; như vậy nếu vì thiếu bảo dưỡng, sửa chữa mà công trình kiến trúc sụp đổ gây thiệt hại cho người khác, thì đó là trách nhiệm của chủ sở hữu. Chúng tôi không đồng ý với quan điếm trên của Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Bách bởi 2 lý do sau: thứ nhất, hợp đồng thuê nhà luôn làm chuyển quyền quản lý, trông coi nhà từ chủ sở hữu nhà sang người thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác; thứ hai, nghĩa vụ quản lý trông coi nhà thuê không đồng nghĩa với nghĩa vụ sửa chữa, bảo dưỡng nhà thuê. Bên thuê phải là người có trách nhiệm phát hiện ra những hư hỏng, tình trạng nguy hiểm của ngôi nhà thuê kịp thời để thông báo cho chủ sở hữu nhà biết. Nếu không có sự thông báo mà ngôi nhà thuê sụp đổ gây thiệt hại cho người khác thì bên thuê phải chịu trách nhiệm bồi thường; còn nếu đã thông báo nhưng bên cho thuê không sửa chữa thì bên cho thuê (chủ sở hữu) mới phải bồi thường. Bởi cốt lõi của vấn đề vẫn là người có trách nhiệm quản lý trông coi phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Điều luật chỉ ra những tác động cụ thể của nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác là sụp đổ, hư hỏng, sụt lở. Trên thực tế có những trường hợp nhà cửa, công trình đang xây dựng hoặc đã xây xong nhưng vẫn gây thiệt hại như làm nghiêng hay nứt tường, trần các nhà liền kề, vậy chúng ta có áp dụng điều luật này để xác định trách nhiệm bồi thường không? Trong Bộ luật dân sự điều 267 có thể vận dụng để giải quyết nhưng nó chỉ điều chỉnh đối với công trình đang xây dựng chứ không đề cập đến công trình đã xây xong. Theo ý kiến của chúng tôi đối với một công trình đã xây hoàn thiện cho dù bản thân nó không bị hư hỏng, sụt lở hay sụp đổ gì nhưng nó là nguyên nhân gây thiệt hại cho những người xung quanh (do đào móng sâu, gây nên sự bất ổn định đối với phần móng của những nhà liền kề) thì vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường và chủ sở hữu nhà cửa phải chịu trách nhiệm nếu không chứng minh được lỗi của bên thi công hoặc sự kiện bất khả kháng. Do vậy, cũng vẫn để tránh tình trạng liệt kê trong các điều luật (như đã phân tích ở điều 626 nêu trên) và có thể bao quát, điều chỉnh được các tình huống phát sinh, chúng ta nên quy định gắn gọn và xúc tích là: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại nếu để nhà cửa công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Trên đây là một số phân tích, bình luận, đánh giá của chúng tôi đối với quy định của điều 626 và 627 BLDS 2005 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, cùng với các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra xảy ra khá phổ biến và thường xuyên trong cuộc sống nên việc hiểu biết đầy đủ và chính xác về chúng là rất quan trọng dưới cả 2 góc độ lý luận và thực tiễn.
SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI “TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”, MÃ SỐ: LH-08-05/ĐHL. HÀ NỘI NĂM 2009
CÁM ƠN TS. TRẦN THỊ HUỆ – CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT
VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI NHẬN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
CÁC CHUYÊN ĐỀ THUỘC ĐỀ TÀI
TS. Trần Thị Huệ
1
Khái niệm chung về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ths. Nguyễn Minh Oanh
2
Ý nghĩa, đặc điểm và xác định chủ thể của trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra
PGS.TS. Đinh Văn Thanh
3
Pháp luật dân sự Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia trên thế giới qui định về trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại gây ra.
TS. Nguyễn Minh Tuấn
4
Lược sử qui định của pháp luật về trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại
TS. Phạm Kim Anh
5
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
TS. Vũ Thị Hải Yến
6
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây thiệt hại
Ths. Nguyễn Hồng Hải
7
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác và cây cối gây ra.
Ths. Vũ Thị Hồng Yến
8
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của vợ, chồng gây thiệt hại.
Ths. Bùi Thị Mừng
9
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồngcó yếu tố nước ngoài.
TS. Nguyễn Hồng Bắc
10
Một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về Trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại.
TS. Nguyễn Văn Cường & Ths. Bùi Dung Huyền
11
Một số vấn đề thủ tục giải quyết tranh chấp và vấn đề thi hành án về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
TS. Trần Anh Tuấn
12
Những bất cập trong qui định của pháp luật về Trách nhiệm do tài sản gây thiệt hại và hướng hoàn thiện.
TS. Trần Thị Huệ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code