Monday, November 25, 2013

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM: BÊN MUA TÀI SẢN ĐƯỢC BẢO HIỂM CÓ ĐƯỢC THỤ HƯỞNG TIỀN BẢO HIỂM KHI XẢY RA SỰ KIỆN BẢO HIỂM?


image Civillawinfor tổng hợp (Theo Hoàng Yến – Báo pháp luật TPHCM)
Chuyển bảo hiểm lòng vòng
Ngày 11-1-2007, Công ty P. ký hợp đồng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự 24 xe ôtô loại 29 chỗ với Công ty Bảo hiểm N. (gọi tắt là Công ty Bảo hiểm).
Một ngày sau, Công ty P. chuyển nhượng năm trong số 24 xe trên cho Công ty C. Theo thỏa thuận, Công ty P. đồng ý cho Công ty C. tiếp tục thụ hưởng phần còn lại của bảo hiểm thân xe. Riêng phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hai bên không bàn tới nhưng Công ty P. có giao cho Công ty C. năm giấy chứng nhận bảo hiểm xe được mua từ Công ty Bảo hiểm.
Tháng 7-2007, một trong số năm xe của Công ty C. gặp tai nạn. Công ty C. đã phải bỏ ra hơn 110 triệu đồng để đóng viện phí, bồi thường cho hành khách trên xe, bồi thường trụ điện chiếu sáng công cộng mà xe tông phải. Song song đó, Công ty C. cũng thông báo sự việc cho Công ty Bảo hiểm biết.

Sau khi giám định, thu thập hồ sơ tai nạn, tháng 9-2007, Công ty Bảo hiểm gửi văn bản từ chối bồi thường với lý do ngày xảy ra tai nạn phát sinh sau ngày thông báo hủy hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 4-2007 (thời điểm đó, Công ty P. có công văn đề nghị Công ty Bảo hiểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm với năm ôtô chuyển giao cho Công ty C.).
Đòi bảo hiểm không được, đầu tháng 12-2007, Công ty C. đã khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu Công ty Bảo hiểm bồi thường 110 triệu đồng bảo hiểm về tai nạn xe.
Tranh cãi kịch liệt, tòa khó quyết
Tại phiên sơ thẩm đầu năm nay, đại diện Công ty C. và Công ty Bảo hiểm đã tranh cãi kịch liệt.
Theo Công ty Bảo hiểm, Công ty P. đề nghị chấm dứt hợp đồng bảo hiểm với năm xe ôtô bán cho Công ty C. từ tháng 4-2007. Khi tòa hỏi lúc chấm dứt hợp đồng, Công ty Bảo hiểm và Công ty P. có thông báo cho Công ty C. hay không, cả hai công ty đều nói do trụ sở cũ của Công ty C. không còn hoạt động, chỗ mới thì không biết nên họ không thông báo.
Phía Công ty C. nói bảo hiểm dân sự là loại bảo hiểm bắt buộc đối với xe, không có giấy xe sẽ không thể lưu hành. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn còn hiệu lực nên Công ty Bảo hiểm phải bồi thường.
Ngược lại, Công ty Bảo hiểm cho rằng trước đó, Công ty P. chưa đóng đủ phí bảo hiểm và ngưng hợp đồng nên trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh. Việc chuyển nhượng xe giữa hai Công ty P. và C. không liên quan gì đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự mà Công ty P. mua của Công ty Bảo hiểm. Việc bàn giao giấy chứng nhận bảo hiểm giữa Công ty P. và Công ty C. không có giá trị pháp lý.
Phản bác, Công ty C. bảo giấy chứng nhận bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm không hề ghi “chỉ có hiệu lực khi đã thanh toán đầy đủ”. Đồng thời, nếu được thông báo phí bảo hiểm chưa được thanh toán đủ, Công ty C. sẵn sàng đi đóng. Ngoài ra, việc Công ty Bảo hiểm từ chối bảo hiểm sau một tháng là không hợp lý.
Cuối cùng, TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của Công ty C., buộc Công ty Bảo hiểm phải bồi thường bảo hiểm. Ngay sau đó, Công ty Bảo hiểm kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, các bên tiếp tục lặp lại lập luận của mình. Một điều khác trong vụ án là giấy chứng nhận bảo hiểm đã được Công ty Bảo hiểm cấp cho Công ty P. từ trước khi hai bên ký hợp đồng bảo hiểm. Chưa kể, khi hai bên hủy hợp đồng bảo hiểm cũng không thu lại giấy. Theo chủ tọa, chính cách làm việc thiếu minh bạch, không đúng quy cách trên đã gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp.
Vì tính chất phức tạp của vụ việc, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa phải hoãn tuyên án, vì cần thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ
Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.
Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
(Theo Điều 14, 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm)
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=221672

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code