khoahocphaply.vn – phaply.com.vn – Nếu Hiến pháp là một trong số những niềm tự hào lâu đời của người Mỹ, thì với người Pháp, Bộ luật Dân sự (BLDS) hay còn gọi là Bộ luật Napoléon xứng đáng để họ tự hào, hơn cả một bộ luật, được ví như “Hiến pháp
dân sự”, và như là áng văn bất hủ. Chính Napoléon, khi bị đi đày ở đảo
Saint Helen, đã nói: “Vinh quang của tôi không phải ở chỗ tôi đã thắng
40 trận đánh. Thất bại Waterloo đã xoá đi tất cả hồi tưởng về những trận
thắng đó. Cái không thể xoá trong trí nhớ, cái sẽ còn mãi mãi, đó là
BLDS của tôi”.
Nếu đặt lên bàn cân – theo đúng nghĩa
đen – với 2.283 điều luật – người Pháp chắc hẳn cũng tự hào không kém.
So sánh nhỏ, theo bản dịch tiếng Việt của Nhà pháp luật Việt – Pháp (Nxb Tư Pháp, 2006) mà Sách hay
muốn giới thiệu đến các bạn, dày 1.199 trang; trong khi BLDS Việt Nam
năm 2005 dày 415 trang, với 777 điều… Đương nhiên, chúng ta không bàn về
vấn đề vay mượn hay tiếp nhận pháp luật
trong khoa học pháp lý, cũng không kỳ vọng hiện tại và tương lai, người
Việt có thể tự hào về một đạo luật “hoành tráng” nào đó .
Về Bộ luật Napoléon, đã có quá nhiều bài nghiên cứu khoa học pháp lý. Vì thế, không vượt ra ngoài mục đích giới thiệu một cuốn sách tra cứu, tham khảo giá trị, dưới đây, Sách hay
sẽ trích dẫn lại một bài viết để minh hoạ… Nếu cần nói thêm điều gì,
thì BLDS Pháp chính là ví dụ tiêu biểu cho việc đưa cuộc sống vào pháp luật…
————————————
…“Nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự Napoleon
Bộ luật dân sự Napoleon bao gồm 2283
Điều, chia thành Thiên mở đầu (Titre Preliminaire) và 3 Quyển (Livre).
Các quyển chia làm các Thiên (Titre), các Thiên chia thành các Chương
(Chapitre); các Chương chia làm các Phần ( Section); các phần chia thành
các Điều (Article).
Thiên mở đầu (Titre Preliminaire)
từ Điều 1 đến Điều 6. Thiên này được gọi là: “Công bố luật, hiệu lực
của luật và áp dụng luật” (De la publication, des effets et de l,application des lois en general) chứa đựng một số nguyên tắc cơ bản về luật:
Quyển 1 – Về người (Des personnes) từ Điều 7 đến Điều 515.
Quyển này quy định về chứng thư, hộ tịch (Des actes de l,Etat
civil) như chứng thư khai sinh, chứng thư kết hôn, chứng thư khai tử;
nơi cư trú, mất tích, hôn nhân, ly hôn, quan hệ giữa cha mẹ và con, quan
hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, quyền của cha mẹ, tình trạng vị thành
niên, giám hộ và quyền tự lập, tình trạng thành niên và những người
thành niên được pháp luật bảo hộ.
Quyển 2 – Về tài sản và những thay đổi về sở hữu (Des biens et des differentes modifications de la propriete) từ Điều 516 đến Điều 710.
Quyển này quy định về phân biệt các loại tài sản (động sản, bất động sản), về sở hữu, quyền thu hoa lợi, quyền sử dụng và quyền cư dụng (de l,habitation);
dịch quyền (một nghĩa vụ đối với bất động sản tạo điều kiện thuận tiện
cho việc sử dụng bất động sản của người khác) hay địa dịch (des
servitudes ou services fonciers), dịch quyền phát sinh địa thế, dịch
quyền xác lập theo quy định của pháp luật (như các quy định về tường hào
chung; hoảng cách giữa các công trình trung gian cần thiết đối với một
số công trình xây dựng; trổ cửa sổ sang bất động sản của nhà hàng xóm;
máng nước dọc mái nhà); dịch quyền về lối đi; dịch quyền xác lập theo ý
chí của con người; chấm dứt dịch quyền.
Quyển 3 – Các phương thức xác lập quyền sở hữu (Des differentes manieres dont on acquiert la propriete) từ Điều 711 đến Điều 2281. Quyển này bao gồm các quy phạm pháp luật liên quan đến các vấn đề thừa kế, tặng cho lúc còn sống và di chúc; hợp đồng hay nghĩa vụ hợp đồng
nói chung; những cam kết được hình thành không thông qua thỏa thuận;
hôn ước và các chế độ tài sản trong hôn nhân; hợp đồng mua bán; hợp đồng
trao đổi; hợp đồng thuê mướn; hợp thầu khoán xây dựng bất động sản;
công ty dân sự; những thoả thuận liên quan đến việc thực hiện những
quyền không chia phần; vay mượn; gửi giữ và quyền trữ; hợp đồng mang
tính chất may rủi (đánh bạc và cá cược; hợp đồng về lợi tức trọn đời);
uỷ quyền; bảo lãnh; dàn xếp, thoả thuận trọng tài; cầm cố; quyền ưu tiên
và quyền thế chấp; cưỡng chế chuyển quyền sở hữu và thứ tự giữa những
người có quyền; thời hiệu và chiếm hữu.
Đây là bộ luật phản ánh những tư tưởng của cách mạng dân chủ tư sản Pháp bảo vệ các quyền và tự do của cá nhân.
Về sở hữu, bộ luật đã khẳng định quyền
sở hữu là quyền được hưởng thụ và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối,
miễn là không sử dụng tài sản vào những việc mà pháp luật cấm (Điều 544). Không
ai có thể bị buộc nhượng lại quyền sở hữu của mình, trừ phi vì lợi ích
công cộng và với điều kiện được bồi thường trước một cách thoả đáng
(Điều 545). Mọi người đều có quyền giao kết hợp đồng nếu không bị pháp luật
coi là vô năng (Điều 1123). Quyền tự do của cá nhân được khẳng định
trong các quy định về quyền của mỗi người được tôn trọng đời tư của mình
(Điều 9); quyền của cha, mẹ đối với con chấm dứt khi con đạt 18 tuổi
(khi mới ban hành bộ luật là 21 tuổi).
Bộ luật được xây dựng trên nguyên tắc phi tôn giáo.
Đây là nguyên tắc được thể hiện rõ trong
các quy định về hôn nhân và gia đình. Thể thức cử hành kết hôn không
gắn với nhà thờ mà cử hành công khai trước viên chức hộ tịch của xã, nơi
một trong hai vợ chồng thường trú hoặc cư trú vào thời điểm công bố
(Điều 165).
Tính ổn định, khả năng tồn tại và có hiệu lực lâu dài của bộ luật
Bộ luật dân sự Napoleon được các luật
gia thực hành nổi tiếng của Pháp như Tronchet, Portalis, Bigot de
Préameneu và Maleville soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hoàng đế
Napoleon, một người có hiểu biết sâu sắc về luật La Mã cổ đại. (Napoleon
đã từng dành trọn 2 năm trong tù ngục để nghiên cứu
luật La Mã cổ đại với ý định tự mình làm luật sư bào chữa cho mình và
nếu sự nghiệp chính trị thành công sẽ xây dựng bộ luật của mình.)
Cho đến nay Bộ luật dân sự Napoleon đã tồn tại được trên 200 năm, vì vậy bộ luật này thường được các luật gia Pháp gọi là “Hiến pháp dân sự” của nước Cộng hoà Pháp. Trải qua hai thế kỷ, trong số 2283 điều của Bộ luật vẫn còn giữ được nguyên vẹn trên 1100 điều.
Ý tưởng của các tác giả khi soạn thảo Bộ luật dân sự Napoleon là thông qua việc thống nhất các quan hệ dân sự xây dựng nền tảng để thống nhất các quan hệ chính trị.
Một trong những tác giả của Bộ luật dân
sự Napoleon là Portalis vào năm 1802 đã nói: “trật tự dân sự chính là xi
măng gắn kết các vấn đề chính trị. Chúng ta không phải là những người
miền Prô-văng, miền Brơ-ta-nhơ hay xứ An -zat, chúng ta là người
Pháp”[4]. Theo giáo sư Claude Witz, Bộ luật dân sự chính là một trong
những “khối đá tảng” mà hoàng đế Napoleon đã đặt trên đất Pháp để củng
cố quốc gia.
Bộ luật dân sự Pháp đánh dấu sự phát triển của kỹ thuật lập pháp.
Đây là bộ luật mẫu mực về cấu trúc chặt
chẽ§, lôgic của các chế định pháp luật, về việc sử dụng ngôn ngữ chính
xác, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, sự phù hợp với thực tiễn, sự kết hợp
khéo léo giữa tính tổng quát và tính cụ thể của các quy phạm pháp luật.
Các nguyên tắc chung của bộ luật dân sự được quy định rất cụ thể, nhưng
vẫn đảm bảo tính linh hoạt và mềm dẻo, tạo điều kiện cho các thẩm phán
có thể giải thích linh hoạt, phù hợp với thực tế. Có thể đưa ra các ví
dụ sau đây để minh chứng:
- Điều 1382: “Bất cứ hành vi nào của một
người mà gây thiệt hại cho người khác, thì người gây ra thiệt hại do
lỗi của mình phải bồi thường thiệt hại”;
- Điều 1384: “Mỗi người phải chịu trách
nhiệm không những về những thiệt hại do mình gây ra mà cả những thiệt
hại do những người mà mình phải chịu trách nhiệm hoặc những vật mà mình
coi giữ gây ra”.
Hai nguyên tắc trên đây trong trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng
có thể áp dụng cho mọi quốc gia trên thế giới bởi tính hợp lý và công
bằng của nó. Những quy định mang tính nguyên tắc như vậy có thể vượt qua
không gian và thời gian và có thể áp dụng trong nhiều thế kỷ mà không
cần phải nghi ngờ vào tính chân lý và công bằng của nó.
Nhiều quy phạm trong Bộ luật dân sự
Napoleon thể hiện tính mẫu mực về tính cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng và vì
thế đã được tiếp nhận nguyên vẹn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng
ta có thể thấy điều này qua một số điều luật sau đây:
- Điều 671: “Chỉ được phép trồng những
cây to, cây nhỡ, cây nhỏ gần giới hạn đất láng giềng theo khoảng cách
được xác định theo những quy định cụ thể hiện hành hoặc những thông lệ
được thừa nhận. Nếu không có những quy định hoặc thông lệ thì cây mọc
cao trên 2 mét phải trồng cách đường giới hạn phân cách hai bất động sản
là 2 mét, đối với các cây trồng khác là nửa mét”.
- Điều 673: “Chủ sở hữu bất động sản có
quyền buộc bên hàng xóm phải cắt bỏ các cành cây mọc vươn sang đất của
mình. Nếu hoa quả ở các cành cây tự nhiên rụng xuống thì chủ sở hữu đất
bị cành cây vươn sang được hưởng. Nếu rễ cây hoặc cành nhỏ mọc vươn sang
đất người khác thì người đó có quyền cắt những rễ và cành cây nhỏ đó
đến giới hạn đường phân chia của hai bên. Quyền được cắt rễ cây và cành
nhỏ hoặc quyền được yêu cầu bên hàng xóm cắt các rễ cây, cành cây của
các cây to, cây nhỡ, cây nhỏ không thể bị thời hiệu tiêu diệt”.
- Điều 675: “Chủ sở hữu bất động sản
liền kề không được trổ cửa sổ hoặc lỗ cửa vào bức tường chung dù bằng
bất cứ cách nào, kể cả khi có lắp kính mờ, trừ trường hợp được chủ sở
hữu bất động sản liền kề bên kia đồng ý”;
- Điều 681: “Chủ sở hữu bất động sản
phải lắp đặt mái nhà sao cho nước mưa chảy vào đất nhà mình hoặc đường
công cộng, không được để nước mưa chảy vào đất của bên hàng xóm”.
Bộ luật dân sự Napoleon không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Có thể đưa ra các minh chứng sau đây:
- Cơ chế trách nhiệm trước đây trong bộ
luật dân sự dựa trên khái niệm lỗi, vì vậy nhiều trường hợp xảy ra tai
nạn lao động, nhưng người lao động không được bồi thường do không chứng
minh được lỗi của người sử dụng lao động. Luật ngày 9/4/1898 đã buộc
người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại cho người lao động ngay
cả trong những trường hợp người chủ lao động không có lỗi. Theo Luật số
70-459 ngày 4/6/1970 cha và mẹ, với tư cách là người thực thi quyền
trông giữ con, phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do con chưa
thành niên sống với họ gây ra. Người chủ và người được uỷ thác phải chịu
trách nhiệm về thiệt hại do gia nhân và người giúp việc gây ra trong
khi họ làm nhiệm vụ. Thầy giáo và những người thợ thủ công phải chịu
trách nhiệm về thiệt hại do học sinh gây ra khi những người này đang
chịu sự giám sát của họ.
- Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có
nhiều cải cách trong tư duy pháp luật theo xu hướng tự do và bình đẳng.
Quyền lực của người cha, theo triết lý năm 1804, đã bị huỷ bỏ, thay vào
đó là khái niệm quyền của cha mẹ đối với con cái. Vào năm 1804, khi Bộ
luật mới ra đời, theo Điều 1124 người phụ nữ có chồng bị hạn chế năng
lực hành vi dân sự vì khi ký kết hay thực hiện bất kỳ một hợp đồng dân
sự có giá trị nào đều phải được sự đồng ý của người chồng. Người vợ có
nghĩa vụ tuân theo ý chí của chồng, “có nghĩa vụ sống với chồng và theo
chồng đến bất cứ nơi nào được chồng chọn làm nơi cư trú” (Điều 214 Bộ
luật dân sự). Về quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, người chồng quản lý
tài sản chung, nếu vợ chồng không lựa chọn một chế độ quản lý tài sản
khác. Thì nay, theo Điều 1124 được sửa đổi theo Luật số 68-5 ngày
3/1/1968, bị coi là không có năng lực giao kết hợp đồng chỉ là những
người chưa thành niên, chưa được quyền tự lập và người thành niên được
bảo hộ do bị mắc các bệnh tâm thần hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân
sự. Điều 213 của Bộ luật dân sự được sửa đổi theo Luật số 70- 459 ngày
4/6/1970 xác định vợ chồng cùng nhau đảm bảo việc quản lý gia đình về
mặt tinh thần và vật chất. Vợ chồng cùng có nghĩa vụ dạy dỗ con cái và
chuẩn bị cho tương lai của chúng. Với Luật số 75- 617 ngày 11/7/ 1975,
Điều 215 Bộ luật dân sự đã quy định: “Nơi ở của gia đình là nơi vợ chồng
chọn, có sự thoả thuận chung”. Với Luật ngày 3/1/1972 nguyên tắc bình
đẳng con trong giá thú và ngoài giá thú được thiết lập. Với Luật ngày
5/7/1974 tuổi thành niên được giảm từ 21 tuổi xuống 18 tuổi.
- Vấn đề xác lập họ, tên cho con cũng là
vấn đề cần lưu ý khi nói đến sự phát triển của Bộ luật dân sự Napoleon.
Trước năm 2002, theo tập quán pháp luật áp dụng đương nhiên, con mang
họ của bố, phụ nữ lấy chồng mang họ của chồng. Tuy nhiên, sau khá nhiều
tranh luận, Luật số 2002-304 ngày 4/3/2002, đã được sửa đổi bổ sung theo
Luật số 2003-516 ngày 18/6/2003 và được thể hiện trong Điều 311-21 của
Bộ luật dân sự Napoleon cho phép cha, mẹ thoả thuận để lựa chọn họ cho
con, theo đó con có thể mang họ của bố, hoặc họ của mẹ hoặc họ của cha
và mẹ kết hợp lại theo trật tự thỏa thuận.
- Chế định ly hôn trong Bộ luật dân sự
cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm và thay đổi đáng kể theo hướng
phát triển tư tưởng tự do hôn nhân. Bộ luật dân sự khi mới được ban hành
vào năm 1804 đã cho phép ly hôn, trong đó có thuận tình ly hôn. Tuy
nhiên, Luật De Bonald ngày 8/5/1816 đã bãi bỏ chế định ly hôn vì cho
rằng, chế định ly hôn làm huỷ hoại gia đình. Mãi đến gần cuối thế kỷ
XIX, với Luật Naquet ngày 27/7/1884 chế định ly hôn mới được tái thiết
lập, tuy nhiên cũng chỉ cho phép ly hôn do lỗi của một bên, còn thuận
tình ly hôn vẫn chưa khôi phục được. Luật ngày 15/12/1904 cho phép người
vợ (chồng) ngoại tình được kết hôn với người tình của mình. Luật ngày
5/7/1956 cho phép công nhận đứa con do ngoại tình là con trong giá thú
nếu bố mẹ đứa trẻ đó kết hôn với nhau. Luật số 75-617 ngày 11/7/1975 đã
phi hình sự hoá hành vi ngoại tình, tiếp tục cho phép thuận tình ly hôn
và ly hôn do “chấm dứt cuộc sống chung” khi vợ và chồng không sống chung
trong thực tế từ 6 năm trở lên” ngay cả khi một bên không muốn ly hôn.
Cuộc cải cách gần đây nhất đã tạo điều
kiện thuận lợi hơn cho việc ly hôn được thực hiện vào năm 2004. Luật số
2004C-439 ngày 26/5/2004 (được thể hiện trong Điều 238 Bộ luật dân sự)
quy định cuộc sống chung của vợ chồng được coi là hoàn toàn chấm dứt khi
hai vợ chồng đã sống riêng biệt từ 2 năm trở lên, tính từ thời điểm có
quyết định triệu tập ra toà để giải quyết việc ly hôn[5].
-Vấn đề năng lực hành vi dân sự cũng có
những thay đổi nhất định theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Điều 22
Bộ luật dân sự Napoleon nguyên thuỷ quy định về vấn đề tước bỏ hoàn toàn
quyền dân sự trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Quy định
này tạo nên một khái niệm khá đặc biệt là “chết dân sự” – con người còn
tồn tại về mặt sinh lý học nhưng về khía cạnh pháp lý coi như đã chết vì
các quyền dân sự là các quyền cơ bản và tối thiểu nhất của con người
không còn nữa. Quy định này đã được bãi bỏ bởi Luật ngày 31/5/1854.
Trong phần Thừa kế thuộc Quyển 3 – Các phương thức xác lập quyền sở hữu
của Bộ luật dân sự Napoleon có các quy định gián tiếp về năng lực pháp
luật dân sự của các phôi thai. Đó là các quy định tại Điều 725 và Điều
906, theo đó các phôi thai được hưởng thừa kế, nếu sinh ra đứa bé sống
được.
- Về quốc tịch, Bộ luật dân sự Napoleon
cũng có những thay đổi đáng lưu ý. Khi bộ luật mới ban hành, vấn đề quốc
tịch chưa được đề cập đến trong bộ luật. Các vấn đề pháp lý liên quan
đến quốc tịch được quy định trong một đạo luật nằm ngoài bộ luật, đó là
Luật ngày 10/8/1927. Trên cơ sở luật này, năm 1945 Bộ luật quốc tịch đã
được ban hành. Với Luật ngày 22/7/1993 các quy định về quốc tịch đã được
đưa vào bộ luật dân sự (Thiên I bis bao gồm các Điều từ 17 đến 34).
Việc đưa Luật quốc tịch vào bộ luật dân sự khẳng định quan điểm gắn kết
các quyền dân sự với tư cách công dân và việc giải quyết các tranh chấp
về quốc tịch trước Toà dân sự của Toà án tư pháp. Theo quy định tại Điều
29 Bộ luật dân sự (xác lập theo Luật số 73-42 ngày 9/1/1973) chỉ có Toà
dân sự có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện về quốc tịch Pháp hoặc quốc
tịch nước ngoài của cá nhân. Các Toà hành chính
hoặc các Toà tư pháp khác chỉ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề quốc
tịch khi đó là yêu cầu phụ, trừ trường hợp đó là Toà hình sự có bồi thẩm
đoàn. Việc thực hiện thủ tục tuyên bố vào quốc tịch Pháp hoặc mất quốc
tịch Pháp, việc cấp giấy chứng nhận quốc tịch Pháp thuộc thẩm quyền của
Toà án. Theo quy định tại Điều 26-1 (xác lập theo Luật số 93-933 ngày
22/7/1993) mọi tuyên bố về quốc tịch phải được đăng ký tại toà sơ thẩm
có thẩm quyền trong trường hợp thủ tục tuyên bố được thực hiện tại Pháp
hoặc tại Bộ Tư pháp trong trường hợp thủ tục tuyên bố được tiến hành tại
nước ngoài. Nếu không tiến hành đăng ký mọi tuyên bố về quốc tịch sẽ
không có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 31 BLDS (xác lập theo Pháp
lệnh số 45-2441 ngày 19/10/1945) chỉ có lục sự trưởng tại Toà án sơ thẩm
thẩm quyền hẹp (Tribunal d,Instance) là người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quốc tịch Pháp cho những người chứng minh có quốc tịch này”…
(Trích từ bài viết: Tính hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật qua Bộ luật Napoleon 1804 của PGS.TS Thái Vĩnh Thắng.
Đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 111, tháng 12/2007).
0 comments:
Post a Comment