PHAN GIA HI
Cha mẹ chia đất
cho hai anh em, dành lối đi chung nhưng sau đó người anh rào bít, bảo
muốn mở lối phải trả tiền, còn người em khăng khăng: Trường hợp này theo
luật là khỏi trả!
Bà Nết và ông Trùm ở quận Bình Tân (TP.HCM) là anh em
ruột. 20 năm trước, họ được cha mẹ chia cho hai lô đất kề nhau, ông
Trùm ở phía ngoài, bà Nết phía trong. Trong tờ chia đất, người cha viết
rằng giữa hai lô đất có “đường xe” (4 x 15 m, nằm phía trên cùng của
mảnh đất) để người phía trong sử dụng đi ra đường công cộng.
Sau đó, ông Trùm được cấp “giấy đỏ” phần đất được
chia, bao gồm cả “đường xe”. Đất của bà Nết thì được phân lô bán cho
nhiều hộ khác. Ban đầu, mọi người vẫn qua lại trên “đường xe” sẵn có
nhưng từ năm 2002, ông Trùm đã rào kín lại. Bà Nết yêu cầu anh mở lại
lối đi thì ông Trùm bảo phải trả 50 triệu đồng ông mới mở cho một lối đi
2 x 15 m.
Muốn đi, phải đền bù
Không ai chịu ai, hai bên nhờ tòa phân xử. Đầu năm
2004, giải quyết vụ án, TAND quận Bình Tân cho rằng cơ quan chức năng đã
khẳng định việc cấp “giấy đỏ” cho ông Trùm là đúng. Trong các “giấy đỏ”
của ông Trùm, bà Nết đều không thể hiện có con “đường xe”. Tuy nhiên,
vì khu đất của bà Nết không có lối đi ra nên việc đòi lối đi ra của bà
là chính đáng, phía ông Trùm phải có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu đó. Theo
quy định, người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động
sản liền kề. Vị trí giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi
do hai bên tự thỏa thuận…
Trước “gợi ý” của tòa, bà Nết không chịu vì cho rằng
cha mẹ đã để lại đất và ghi rõ là dành “đường xe” thì không lý nào bắt
bà trả tiền. Do bà khăng khăng không đổi ý nên TAND quận Bình Tân đã đưa
ra xét xử và bác yêu cầu của bà.
Sau khi bà Nết kháng cáo, cuối năm 2004, TAND TP xử
phúc thẩm, nhận định đất của bà Nết không có lối ra vào nên việc tòa sơ
thẩm bác yêu cầu đòi dành lối đi của bà là sai. Vì hai bên đương sự
không thống nhất được kích thước, chiều dài, chiều rộng, vị trí lối đi
nên cần phải yêu cầu cơ quan chức năng địa phương căn cứ vào tình hình
quy hoạch đô thị khảo sát. Số tiền đền bù đưa ra cũng phải theo đơn giá
tại địa phương theo quy định của TP. Những vấn đề trên, tòa sơ thẩm chưa
điều tra và trưng cầu cơ quan địa chính địa phương nên tòa hủy án, giao
hồ sơ cho tòa sơ thẩm xét xử lại.
Khỏi trả, được không?
Tại các lần hòa giải mới đây ở TAND quận Bình Tân, bà
Nết vẫn khăng khăng không chịu đền bù khi được dành lối đi. Bà lập
luận: Luật quy định trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều
phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành
lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù. Hai phần đất
của bà và ông Trùm vốn cùng nguồn gốc, đều được cha mẹ cắt chia từ một
miếng đất lớn. Khi chia, cha mẹ họ cũng đã chừa lối đi cho người phía
trong. Như vậy bắt bà đền bù giá trị lối đi này là không đúng.
Theo nhiều chuyên gia, hiện chưa có hướng dẫn là
người ở phía trong không phải đền bù cho người ở phía ngoài ngay khi
chia đất hay cả sau khi các bên đã được cấp “giấy đỏ” nhưng trong thực
tiễn, quy định trên được hiểu là không phải đền bù cả sau khi các bên đã
được cấp chủ quyền đất. Ở đây, cha mẹ của các đương sự khi chia đất cho
hai con đã thể hiện rõ ý chí bằng việc để lại “đường xe”, thực tế bà
Nết đã sử dụng “đường xe” đó làm lối đi lâu dài cho tới khi bị ông Trùm
bít nên lập luận của bà không phải là không có cơ sở.
Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác…2. Vị trí, giới hạn chiều dài, rộng, cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định của khoản 2 điều này mà không có đền bù.(Trích Điều 275 Bộ luật Dân sự 2005)
0 comments:
Post a Comment