Tuesday, September 17, 2013

Nhà nước phong kiến Nhật Bản

I. NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN NHẬT BẢN

1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ SUY VONG

a. Quá trình hình thành nhà nước phong kiến Nhật Bản

v Xã hội chiếm hữu nô lệ ở Nhật Bản

- Căn cứ vào nhiều tài liệu, người ta biết rằng vào những thế kỷ đầu công nguyên, ở Nhật Bản đã xuất hiện những hình thức phôi thai của nhà nước.
Theo Đông Di Truyện, Hán Thư Địa Chí và Hậu Hán Thư của Trung Quốc, thì vào thế kỷ 1, ở Nhật Bản đã hình thành hơn 100 nước nhỏ. Những nước này thực chất là liên minh của các bộ lạc, nhưng đã mang một vài yếu tố của nhà nước, người ta thường gọi các quốc gia này là những quốc gia bộ lạc. Các quốc gia này thường tổ chức chiến tranh thôn tính lẫn nhau. Đến cuối thế kỷ thứ 4, trên đảo Hôn Sư xuất hiện quốc gia Yamatô. Quốc gia này nhanh chóng lớn mạnh và thống nhất được Nhật Bản.
- Nhật Bản tuy là quốc gia hình thànhh muộn nhưng phát triển rất nhanh chóng nhờ biết tiếp thu, học hỏi văn minh của các nước khác như Triều Tiên, Trung Quốc.
Sau khi thống nhất Nhật Bản, năm 391, Yamatô đưa quân đi xâm chiếm Nam Triều Tiên, bắt cả vùng này quy phục Nhật Bản trong thời gian gần 2 thế kỷ. Trong giai đoạn này, Nhật Bản được tiếp xúc với văn hoá và kỹ thuật của Triều Tiên, đồng thời thông qua Triều Tiên, Nhật Bản cũng mở rộng giao lưu tiếp xúc với Trung Quốc. Triều đình Yamatô còn cho mời người Trung Quốc, Triều Tiên sang ở hẳn bên Nhật để truyền bá nhiều phương diện kỹ thuật và văn hoá. Từ thế kỷ 4, chữ Hán du nhập vào Nhật Bản và trở thành quốc tự của nước này. Đến thế kỷ thứ 5 thì Nho giáo, và sau đó, vào thế kỷ 6, Phật giáo cũng được truyền vào Nhật Bản.
- Với những nguyên nhân trên, xã hội Nhật Bản có rất nhiều biến chuyển, hình thành nên nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau:

· Giai cấp thống trị

Đứng đầu là Thiên Hoàng. Vào thế kỷ thứ 6, vì thấy vua ở Trung Quốc gọi là Thiên Tử, đồng thời thấy một vài dòng họ ở triều tiên tự xưng Vương nên vua Nhật Bản lấy hiệu cao quý là Thiên Hoàng.
Bên dưới, Thiên Hoàng tập hợp các hào tộc cũng là những người cùng họ với Thiên Hoàng để chia nhau quyền hành trong triều đình.

· Giai cấp bị trị

Dân tự do phải lao động cực nhọc và bị áp bức, bóc lột nặng nề.
Bên cạnh đó, trong xã hội Nhật Bản cũng đã xuất hiện nô lệ. Nô lệ chiếm số lượng ít, sức lao động của nô lệ dùng để phục dịch trong các gia đình quý tộc, khai khẩn đất hoang, làm thủy lợi và nhiều công trình khác.
Tầng lớp bộ dân: đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của Nhật Bản.
Họ vốn là thành viên của những bộ tộc bị chinh phục. Sau khi chinh phục, người chiến thắng bắt kẻ bị chinh phục phải lệ thuộc vào mình và gọi đó là bộ, thành viên của nó gọi là bộ dân. Bộ dân bị phá sản và phụ thuộc vào quý tộc. Họ là những người nửa tự do, có một chút tài sản riêng, chủ không có quyền bán và giết họ, nhưng họ bị trói chặt vào ruộng đất của Thiên Hoàng và quý tộc.

- Tình hình xã hội Nhật Bản thời kỳ nhà nước Yamatô chứng tỏ rằng, tuy quan hệ nô lệ đã từng tồn tại trong lịch sử nhưng, nó không trải qua sự phát triển đầy đủ của xã hội chiếm hữu nô lệ. Mà nguyên nhân của nó là do:
· Nền kinh tế chủ yếu của Nhật Bản là nông nghiệp chủ yếu do nông dân công xã cày cấy. Nô lệ chưa bao giờ là nguồn lao động sản xuất chủ yếu.
· Nguồn nô lệ ngày một suy giảm. Trước nay, nô lệ mà Nhật Bản có được chủ yếu do tiến hành chiến tranh xâm lược Triều Tiên, nhưng vào thời kỳ này, Triều Tiên lớn mạnh, có khả năng đẩy lùi các cuộc đấu tranh của Nhật Bản.
· Thời kỳ hình thành nhà nước Nhật Bản cũng là thời kỳ chế độ nô lệ, xét trên phạm vi toàn thế giới đã lâm vào tình trạng suy sụp.

v Quá trình tan rã chế độ chiếm hữu nô lệ

- Từ thế kỷ 6, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia thống nhất. Sản xuất phát triển nhờ áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật.
- Tuy nhiên, sự phát triển của sản xuất chỉ làm giàu thêm cho tầng lớp quý tộc, còn tầng lớp nhân dân vẫn cực khổ vì bị áp bức bóc lột. Những cuộc phản kháng của quần chúng nhân dân thường xuyên diễn ra, thông thường là bỏ trốn. Chế độ bộ dân có nhiều dấu hiệu bị tan rã. Để cứu vãn tình hình, Nhà nước cử quan lại đến quản lý một số bộ dân, tiến hành đăng ký các gia đình của bộ dân vào sổ hộ tịch.
- Từ đó, các bộ dân, từ thân phận phụ thuộc các quý tộc sang địa vị thần dân nhà nước. Điều này chứng tỏ rằng vào cuối thế kỷ 6, xã hội chiếm hữu nô lệ nhật bản bắt đầu chuyển mình sang xã hội phong kiến.
Người đặt nền mống cho những thay đổi đó là thái tử Sôtôcư với đạo luật 17 điều và chính sách tiến bộ của ông. Tuy nhiên, ông đã không thực hiện được những cải cách của mình, do hoàn cảnh lịch sử.

v Quá trình thiết lập nhà nước phong kiến Nhật Bản

- Năm 645, Thiên Hoàng Côtôcư lên ngôi, đặt niên hiệu là Taica. Ngay sau đó 1 năm, ông ban chiếu cải cách và ban hành những luật lệnh cụ thể. Lịch sử Nhật Bản gọi đó là cuộc cải cách Taica (646 – 649).
- Nội dung của cuộc cải cách:
· Xoá bỏ quyền sỡ hữu tư nhân về đất đai; quy định chỉ có nhà nước được quyền sở hữu đất đai.
· Xoá bỏ chế độ bộ dân, toàn bộ cư dân trở thành thần dân cả nước, được lĩnh canh ruộng đất của quốc gia và có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
· Nhà nước thực hiện chế độ ban điền và chế độ thu tô “tô, dung, điệu” (tương tự như ở Trung Quốc.)
Người ở địa phương nào được chia ruộng ở địa phương ấy. Nam từ 6 tuổi trở lên, mỗi người được cấp 1 đoạn, nữ bằng 2/3 suất của nam, nô tì hoặc tôi tớ trong nhà được cấp 1/3 suất của dân tự do. Những người nhận phải ruộng xấu thì được gấp đôi.
Nông dân nhận ruộng phải nộp thuế cho nhà nước bằng thóc (3% sản lượng/ những người có dưới 1 mẫu; 25% sản lượng/ những người có trên 1 mẫu); đồng thời họ còn phải nộp thuế bằng sản phẩm thủ công nghiệp như tơ lụa, bông vải… ngoài ra còn làm lao dịch 10 ngày trong năm trong các công trình công cộng.
Mỗi gia đình được quyền sở hữu đối với đất nhà, đất vườn của họ. Rừng núi, ao ngòi, sông hồ là của chung, ai cũng có quyền sử dụng.
Người nông dân lĩnh canh ruộng đất, về hình thức, không bị mất quyền tự do cá nhân, nhưng họ cũng không có quyền rời bỏ mãnh đất được chia và trở thành đối tượng bóc lột chủ yếu của nhà nước và giai cấp thống trị.
· Tầng lớp quý tộc thống trị cũng có ruộng đất dưới hình thức phong nhận được của nhà nước.
Căn cứ theo tước vị, chức vụ, công lao của quý tộc mà nhà nước ban cấp ruộng đất cho họ những loại ruộng khác nhau, có 3 loại ruộng đất phong: ruộng tước vị, ruộng đẳng cấp và ruộng thưởng công lao với nhà nước. Ruộng tước vị và ruộng đẳng cấp được ban tặng trong thời kỳ đảm nhiệm chức vụ nhất định hay được phong vào 1 cấp nhất định. Nhìn chung, những loại đất này được ban cấp trong một thời gian, ngắn hay dài, tuỳ trường hợp.
Ngoài đất phong, họ còn được nhận kèm theo những hộ nông dân làm bổng lộc. Nếu có công với nhà nước, họ cũng được ban cấp một số hộ nông dân. Những gia đình này phải nộp một nữa tô thóc cho nhà nước, một nữa còn lại nộp cho quý tộc phong kiến trực tiếp sử dụng họ.
· Xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền (theo mô hình bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc đời Đường.)

- Cuộc cải cách này là kết quả của cuộc đấu tranh của nông dân, mà trước hết là của bộ dân và nô lệ với giai cấp thống trị, nó buộc giai cấp thống trị phải thay đổi phương thức bóc lột. Như vậy, có thể nói cuộc cải cách Taica là kết quả của yêu cầu khách quan. Nhưng khi thiết lập trật tự và thể chế mới, Taica đã rập khuôn chế độ phong kiến của Trung Quốc, thời nhà Đường trong việc thực hiện quyền sở hữu ruộng đất, chế độ quân điền, tổ chức bộ máy nhà nước nhằm củng cố chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.

Sau cải cách, nền tảng căn bản của chế độ phong kiến ở Nhật Bản đã được xây dựng. Với ý nghĩa đó, cải cách Taica được xem là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự thiết lập chế độ phong kiến ở Nhật Bản.

b. Quá trình phát triển và suy vong của nhà nước phong kiến Nhật Bản

v Thời kỳ Nara

- Năm 710, Nhật Bản chọn Nara làm thủ đô. Từ đó đến năm 794, Nara trở thành trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của Nhật Bản. Lịch sử Nhật Bản gọi thời kỳ này là thời kỳ Nara.
- Sau cuộc cải cách Taica, do ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc ngày càng sâu sắc, quyền lực của Thiên Hoàng càng được củng cố. Nhà nước phong kiến Nhật Bản tiếp tục ban hành một số luật lệnh, chiếu dụ để hoàn thiện các cuộc cải cách trước đó, đồng thời thi hành nhiều biện pháp để thống nhất đất nước. Kết quả, đến cuối thế kỷ thứ 8, Nhật Bản đã kiểm soát được hầu hết quần đảo Nhật Bản, trừ đảo Hôcaiđô.
- Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tầng lớp quý tộc cũ muốn khôi phục lại địa vị và quyền lợi trước kia nên đã đấu tranh với tầng lớp quý tộc quan lại mới. Đến cuối thời Nara, dòng họ Phudioara- một dòng họ của quý tộc quan lại - đã trở nên rất mạnh, đánh bại hoàn toàn tầng lớp quý tộc cũ. Sau đó, dòng họ này muốn làm suy yếu thế lực của thiên hoàng. Họ buộc thiên hoàng phải dời kinh đô sang Yômashirô, thủ đô mới của quốc gia là Hâyan Kiô. Thời kỳ Hâyan bắt đầu từ đó.

v Thời kỳ Hâyan (794 – 1192)

- Trong thời kỳ này, họ Phudioara tìm mọi cách lấn át quyền lực thực tế của Thiên Hoàng.
Trong khoảng hơn 2 thế kỷ, họ Phudioara thay nhau chiếm đoạt hết quyền lực của Thiên Hoàng và lần lượt đảm nhiệm chức Nhiếp chính. Về sau tiến lên chức Nhiếp chính Quan bạch.
- Từ nữa sau thế kỷ thứ 11, Thiên Hoàng tìm cách thoát khỏi sự khống chế và ràng buộc của dòng họ Phudioara.
Thiên Hoàng thiết lập các cơ quan giúp việc cho mình, do mình trực tiếp quản lý, không phụ thuộc vào Nhiếp chính Quan bạch, như: Ký Lục Sở, Tàng Nhân Sở, Viện Chính. Viện chính dựa vào thế lực của hai họ là Taira và Minamôtô để chống lại họ Phudioara. Về hình thức đây là các cơ quan theo dõi việc chính trị của triều đình và giúp đỡ thiên hoàng nhưng thực chất là cơ sở của hoàng gia để chống lại họ Phudioara.
Bên cạnh đó, Thiên Hoàng còn lập ra chế độ Thượng Hoàng và Pháp Hoàng. Thượng Hoàng và Pháp Hoàng gíup đỡ cho Thiên Hoàng điều hành đất nước, kiểm soát phủ Nhiếp chính và triều đình.
- Kết quả là từ đầu thế kỷ 12, quyền lực của họ Phudioara bị thu hẹp dần. Nhưng quyền hành lại chuyển sang họ Minamôrô.
Trong khi đó, họ Taira lại nhanh chóng phát triển thế lực của mình và nắm lấy mọi quyền hành, gây nên mâu thuẫn với Viện chính và họ Minamôtô. Vì thế, cuộc nội chiến giữa họ Taira và họ Minamôtô đã nổ ra. Năm 1185, nội chiến kết thúc với sự thất bại của họ Taira. Từ đó, quyền hành dần chuyển sang tay họ Minamôtô

v Nhà nước trong thời kỳ thống tị của chính quyền mạc phủ ( thế kỷ 12 đến thế kỷ 19)

Họ Minamôtô khởi nghiệp trên vùng đất Camacưra ở sứ Sagami thuộc miền Cantô. Sau khi đánh bại họ Taira, Camacưra trở thành trung tâm để họ Minamôtô điều hành và khống tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự của toàn quốc.

- Năm 1192, Yôrimôtô, người đứng đầu họ Minamôtô lập ra chính quyền riêng và hộ phủ riêng gọi là Mạc phủ, chính thức khai nguyên nên chế độ Tướng quân.
Lúc này, tướng quân là từ có nghĩa chính thức là nhà cầm quyền quân sự phong kiến ở nhật bản, cón từ mạc phủ chỉ tổng hành dinh của tướng quân.
- Chính quyền của mạc phủ tồn tại song song với chính quyền của thiên hoàng, tạo nên hệ thống chính quyền kép, trong đó, Mạc Phủ dần dần trở thành chính quyền công khai, thâu tóm toàn bộ quyền lực , còn triều đình chỉ là chính quyền danh nghĩa, núp bóng.

Chổ dựa chủ yếu của chính quyền Mạc Phủ là tầng lớp võ sĩ đạo. Tầng lớp này ngày càng phát triển, họ được Tướng quân ban cho nhiều ruộng đất và chiếm ưu thế về mọi mặt. Trong khi đó, quý tộc quan lại của triều đình Thiên Hoàng ngày càng suy yếu.
- Bên cạnh đó, các lãnh chúa lớn ở địa phương dần dần củng cố, tăng cường thế lực của mình bằng cách chiếm đoạt đất đai, dần dần trở thành những địa chủ lớn, gọi là “Đại danh”. Các Đại danh giống như 1 ông vua trong vương quốc nhỏ của mình, họ có chính quyền, lực lượng quân đội riêng…
Khi chính quyền Mạc Phủ suy yếu, các đại danh tranh hùng, tranh bá với nhau và nhà nước phong kiến nhật bản trải qua 2 thời kỳ Mạc Phủ nổi tiếng nữa, đó là Mạc Phủ Murômachi của dòng họ Asicaga và Mạc Phủ Tôcưgaoa của dòng họ Tôcưgaoa.
- Trước sự áp bức bóc lột nặng nề của chính quyền mạc phủ nên từ thế kỷ 18 đến nữa đầu thế kỷ 19, phong trào khởi nghĩa của nông dân phát triển mạnh mẽ.
Trong hoàn cảnh đó, giai cấp phong kiến bị phân làm 2 phái: phái ủng hộ mạc phủ và phái chủ trương mạc phủ phải trả lại chính quyền cho thiên hoàng. Đến nữa sau thế kỷ 19, cuộc đấu tranh giữa hai phe phái đó phát triển thành cuộc nội chiến.
- Năm 1968, Tướng quân Mạc Phủ phải trao trả chính quyền lại cho Thiên Hoàng lúc bấy giờ là Mâygi (Minh Trị). Sau đó, Minh Trị tiến hành cuộc cải cách (Minh Trị Duy Tân) đưa Nhật Bản tiến lên một xã hội mới cao hơn, xã hội tư bản chủ nghĩa.
- Sự kiện trên đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Mạc Phủ, kết thúc chế độ phong kiến nhật bản.

1. CHẾ ĐỘ RUỘNG ĐẤT

- Sau cải cách Taica, nhà nước đã xác lập quyền sở hữu tối cao của mình đối với ruộng đất trong toàn quốc và thực hiện quyền sở hữu tối cao đó dưới hình thức ban điền (giống hình thức quân điền của Trung Quốc).
- Tuy nhiên, hình thức sở hữu nhà nước đối với ruộng đất không tồn tại được lâu. Từ thế kỷ 9, chế độ ban điền của Taica dần dần tan rã, đồng thời, chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất dần dần hình thành mà nguyên nhân của sự thay đổi này là:
· Ruộng đất mà nhà nước ban cấp cho quý tộc theo chức vụ, đẳng cấp và thưởng công trước đây luôn kèm theo điều kiện. Nhưng khi họ Phudioara lớn mạnh và lũng đoạn chính quyền Thiên Hoàng thì những điều kiện đó dần dần bị mất đi và ruộng đất được ban trở thành sở hữu riêng của các địa chủ.
· Nông dân cày cấy trên ruộng của nhà nước cấp cho phải chịu nhiều thuế má và tạp dịch nặng nề nên phần nhiều bị phá sản.Họ phải rời bỏ ruộng đất của mình đi lưu lạc hoặc vào làm trong ruộng đất của các chúa phong kiến, hoặc đem ruộng hiến cho nhà chùa… do đó, chế độ ban cấp ruộng đất của nhà nước bị phá hoại nghiêm trọng.
· Do dân số ngày càng tăng nên nhà nước phải khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang để đủ ruộng đất ban cấp cho nông dân. năm 743, nhà nước đã thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất khai khẩn, và dĩ nhiên, số ruộng đất này cũng rơi vào tay bọn quý tộc địa chủ. Giữa thế kỷ 10, hình thức sở hữu tư nhân về ruộng đất của các lãnh chúa phong kiến đã được xác lập hoàn toàn.
- Trong quá trình tan rã của chế độ ban điền, chế độ trang viên phong kiến đã ra đời.
· Từ thế kỷ 10, toàn bộ đất đai của lãnh chúa phong kiến đều được miễn thuế và có quyền bất khả xâm phạm về mặt hành chính.
· Người làm việc cho các tranh viên phong kiến gọi là trang dân. Họ là những nông dân, thợ thủ công… hầu hết các trang viên đều có thể sản xuất tại chổ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Do đó, trang viên vừa là đơn vị hành chính mà nhà nước không thể kiểm soát được, vừa là đơn vị kinh tế tự cung tự cấp.
Từ hoàn cảnh thực tế như vậy, nên nông dân làm việc trong các trang viên phong kiến bị bóc lột nhẹ nhàng hơn so với làm việc trên ruộng đất do nhà nước ban cấp. Do đó, nông dân từ bỏ ruộng do nhà nước ban cấp để vào làm trong các trang viên ngày càng nhiều.
· Bên cạnh đó, các trang viên còn chú ý việc xây dựng lực lượng vũ trang riêng với tên gọi là võ sĩ (Samurai). Điều kiện cao nhất của người võ sĩ là phải trọn vẹn trung thành với chủ, ngược lại họ được chủ chuyển ruộng đất của mình cho các thân binh sử dụng với tính chất là thưởng công. Như vậy, trong những vùng đất rộng lớn đã bắt đầu hình thành quan hệ thái ấp.
2. TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

a. Thời kỳ Nara (năm 710 – 794)

Sau cải cách của Taica, bộ máy nhà nước của Nhật Bản được tổ chức rập khuông theo bộ máy nhà nước của nhà nước phong kiến Trung Quốc đời nhà Đường.

- Người đứng đầu nhà nước và có quyền lực cao nhất là Thiên Hoàng. Thiên Hoàng được thần thánh hoá, được coi là vị thánh sống.
- Ở trung ương
· Dưới quyền và giúp việc cho Thiên Hoàng là vị quan cao nhất là Tể tướng. Tể tướng có 2 chức phó giúp việc cho mình là Tả Thừa Tướng và Hữu Thừa Tướng.
· Để quản lý các công việc khác nhau có 8 bộ: Bộ Trung Ương, Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Ngân Khố Và Bộ Cung Vua. Đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng thư.
- Tổ chức quản lý địa phương được chia thành các cấp
· Quốc hay còn được gọi là tỉnh, đứng đầu là Quốc ti;
· Dưới quốc là quận. Đứng đầu quận là Quận Ti;
· Dưới quận là Lí, đứng đầu là Lí Trưởng
Chức quốc ti trở lên do nhà nước trực tiếp bổ nhiệm, được cấp ruộng đất làm bổng lộc, nhưng không được thế tập.

Thể chế nhà nước này ban đầu được ghi nhận trong cải cách Taica, sau đó được pháp lý hoá trong bộ luật Taihô Risư Riô (Đại Bảo luật lệnh) được ban hành vào năm 701.

b. Thời kỳ Hâyan (năm 794 – 1192)

Về cơ bản, bộ máy nhà nước trong thời kỳ này vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, thoát khỏi sự thao túng của nhiếp chính quan bạch, thiên hoàng đã bổ sung một số cơ quan mới.
- Từ lúc họ Phudioara vững mạnh và thao túng chính quyền Thiên Hoàng, trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước có thêm chức Nhiếp chính và sau này là Nhiếp chính Quan bạch.
Nhiếp chính Quan bạch có quyền xếp đặt ngôi thế tập Thiên Hoàng và lập Chính cung, có quyền quyết định cả việc văn võ trong triều, phê chuẩn các tấu sớ trước rồi mới tâu lại Thiên Hoàng.
- Từ nữa sau thế kỷ thứ 11, Thiên Hoàng lập hàng loạt các cơ quan nhà nước mới nhằm thoát khỏi sự khống chế và ràng buộc của dòng họ Phudioara.
· Thiên Hoàng lập ra cơ quan mới là Kí Lục Sở, do nhà vua trực tiếp quản lý chứ không chịu sự chi phối của Nhiếp chính Quan bạch. Ký lục sở giải quyết tất cả công việc chính trị và hành chính trên toàn quốc, do đó quyền lực của Nhiếp chính bị giảm xuống.
· Sau đó, Thiên Hoàng còn lập ra cơ quan Tàng Nhân Sở để tự Thiên Hoàng nghiên cứu và ban bố sắc lệnh, chiếu chỉ cho bá quan và toàn quốc thi hành.
· Bên cạnh đó, để kiềm chế họ Phudioara một các khéo léo và lâu dài, thiên hoàng còn lập ra chế độ Thượng Hoàng và Pháp Hoàng.
Theo đó, khi Thiên Hoàng nhường ngôi cho con thì trở thành Thượng Hoàng. Trong trường hợp Thượng Hoàng còn sống thì Thượng Hoàng sẽ lên ngôi Pháp Hoàng. Thượng Hoàng và Pháp Hoàng gíup đỡ cho Thiên Hoàng điều hành đất nước, kiểm soát phủ Nhiếp chính và triều đình.
· Không dừng lại ở đó, chính quyền còn lập ra cơ quan mới là Viện Chính. Về hình thức thì Viện Chính là cơ quan theo dõi việc chính trị của triều đình và giúp đỡ Thiên Hoàng nhưng thực chất là cơ sở của hoàng gia để chống lại họ Phudioara.

c. Thời kỳ Mạc Phủ (thế kỷ 12 – 19)

Trong thời kỳ Mạc Phủ, quản lý nhà nước là một hệ thống chính quyền kép. Tức là, bên cạnh chính quyền của Thiên Hoàng còn có chính quyền Mạc Phủ. Trong đó, chính quyền Mạc Phủ dần dần trở thành thâu tóm toàn bộ quyền lực, còn chính quyền Thiên Hoàng chỉ là chính quyền danh nghĩa, núp bóng.
- Về tổ chức bộ máy nhà nước trong chính quyền Thiên Hoàng thì không có gì thay đổi.
- Tổ chức bộ máy chính quyền Mạc Phủ:
· Đứng đầu Mạc Phủ là Tướng quân, theo chế độ thế tập. Tướng quân là địa chủ lớn hất trong cả nước, đồng thời nắm mọi quyền hành. Thực chất, Tướng quân là Thiên Hoàng của Nhật Bản.
· Giúp việc cho Tướng quân có nhiều quan chức, là những võ sĩ thân tín nhất của Tướng quân. Thời Mạc Phủ Murômachi lập ra chức Quản Lĩnh, gồm có 3 người, giúp Tướng quân giải quyết mọi công việc ở các địa phương.
· Ở các địa phương, có Thủ Hộ và Địa Đầu do các võ sĩ thân tín của Tướng quân đảm nhiệm. Thủ hộ và Địa đầu là chính quyền của Mạc Phủ ở địa phương, chỉ đạo, giám sát hệ thống quan lại địa phương của Thiên Hoàng
Thủ hộ có nhiệm vụ giúp quốc ti quản lý công việc quân sự ở tỉnh.
Địa đầu làm nhiệm vụ quản lý ruộng đất, thu tô thuế, lùng bắt giặc cướp ở quận, làng.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, chính quyền mạc phủ đã lũng đoạn chính quyền của thiên hoàng từ cấp trung ương xuống địa phương và thật sự trở thành chính quyền chi phối thực tế ở Nhật Bản.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code