KHẢI HÀ
Tranh chấp mồ mả: Tòa không giải quyết vì thiếu quy định.
Mới đây, ngành TAND
TP.HCM đã tổ chức tập huấn về nghiệp vụ xét xử các vụ án liên quan đến
tranh chấp đất đai. Một số sai sót đã được tòa nhắc nhở để thống nhất
quan điểm xét xử chung của ngành.
Thiếu quy định về tranh chấp mồ mả
Một vấn đề được các tòa quan tâm và thường hỏi ý kiến
chỉ đạo nghiệp vụ là chuyện các tranh chấp đất đai nhưng liên quan đến
mồ mả trên phần đất đó thì giải quyết chuyện mồ mả như thế nào. Không ít
tòa bảo họ rất thường gặp các tranh chấp dạng này và lúng túng khi xử
lý vì luật gần như chưa có quy định.
Tòa án TP.HCM cho biết trước đây, khi tranh chấp này
ra đến tòa thì đã có tòa nhận đơn thụ lý giải quyết nhưng có tòa không
thụ lý. Sự không thống nhất này khiến nhiều người dân phàn nàn khá nhiều
về cách làm việc của tòa. Quan điểm chung của ngành tòa án thành phố là
nếu có tranh chấp về mồ mả thì phần mồ mả tòa sẽ không thụ lý giải
quyết.
Đơn cử như vụ của bà N. ở quận Bình Tân. Bà được cha
mẹ cho một miếng đất ở phường Bình Hưng Hòa. Sau đó, bà được quận cấp
giấy chủ quyền. Do trên đất rải rác có một vài ngôi mộ của gia đình nên
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi mục đích sử dụng là đất nghĩa địa.
Hai năm trước, một người anh của bà qua đời. Gia đình
người anh đã qua hỏi xin chôn trên đất của bà nhưng bà không đồng ý.
Nhưng do ở xa, không trực tiếp quản lý đất nên gia đình người anh vẫn
tiếp tục chôn, bà không hay biết. Năm 2007, khi biết việc, bà đã làm đơn
khởi kiện vụ việc ra tòa, nhờ tòa tuyên dời mộ người anh ra khỏi đất
của bà. Tuy nhiên, nhận đơn, tòa đã lắc đầu không thể thụ lý vì không
thuộc thẩm quyền.
Bà khiếu nại việc không thụ lý thì lãnh đạo tòa
án quận trả lời rằng việc không thụ lý là chính xác. Do vậy bà đành phải
quay về nhờ chính quyền địa phương giải quyết giùm tranh chấp này.
Tòa ánh TP.HCM lý giải, những tranh chấp về mồ mả,
hài cốt cho đến nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cho tòa
hay ủy ban giải quyết. TAND tối cao cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn
riêng cho ngành tòa án. Vì vậy, những tranh chấp về đất đai trên đó có
mồ mả, hài cốt thì tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền
sử dụng đất, không có quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến mồ mả,
hài cốt trong phần đất tranh chấp.
Lúng túng về tài sản gắn liền với đất
Các thẩm phán cũng phàn nàn chuyện thiếu những hướng
dẫn về thế nào là tài sản gắn liền với đất khiến cho họ khó khăn khi
giải quyết những tranh chấp này. Đơn cử như chuyện của bà N. nêu trên,
có quan điểm cho rằng bà N. hoàn toàn có thể nhờ tòa giải quyết giùm
việc tranh chấp mồ mả bởi có thể coi mồ mả là một dạng tài sản gắn liền
trên đất. Tuy nhiên, có nhiều người e ngại rằng nếu coi mồ mả là tài sản
thì cũng có vấn đề.
Nhiều ý kiến còn nêu rằng không biết việc tranh chấp
chỉ riêng cái nhà vệ sinh có phải là tranh chấp về tài sản gắn liền trên
đất hay không. Bởi thông thường nó là một bộ phận không thể thiếu, tách
rời ngôi nhà. Nếu chỉ xử lý riêng về nó thì phá vỡ cấu trúc nhà, gây
khó thi hành án. Do vậy chỉ có thể coi nhà vệ sinh là tài sản gắn liền
với đất nếu nó gắn với cái nhà chứ không thể tách riêng.
Ngành tòa án nhìn nhận hiện nay khái niệm tài sản gắn
liền với đất không được Luật Đất đai năm 2003 hoặc các văn bản giải
thích luật này hướng dẫn cụ thể. Trong khi văn bản đề cập đến khái niệm
này chỉ là Thông tư liên tịch 04 của ngành tòa án, VKS, Tổng cục Quản lý
ruộng đất nhưng nó lại ra đời vào tháng 5-1990, cách đây gần 20 năm.
Dù hướng dẫn có đã khá lâu nhưng trong khi chờ có
hướng dẫn cụ thể thì tạm thời ngành tòa án vận dụng thông tư trên để xử
lý. Theo thông tư này thì tài sản gắn liền với đất có thể là nhà bếp,
nhà vệ sinh, giếng nước, tường xây làm hàng rào, nhà kho, cây lấy gỗ,
cây ăn quả…
Xử linh hoạt với đất lấn chiếm
Trước đây, một lãnh đạo ngành tòa án có than rằng
nhiều thẩm phán khá máy móc khi xử những tranh chấp về đất lấn chiếm.
Nếu thấy lấn chiếm thì tuyên trả lại mà thiếu xác minh thực địa bởi có
trường hợp họ lấn chiếm đất và xây nhà. Do vậy, nếu cứ buộc trả lại phần
đất lấn chiếm thì phải đập nhà, gây thiệt hại lớn cho đương sự.
Theo Tòa án TP.HCM, với những trường hợp này, nếu bên
lấn chiếm đã xây nhà kiên cố (nếu đập bỏ nhà sẽ gây sụp đổ các công
trình kiến trúc lân cận hoặc hai bên đã xây tường sát nhau…) thì thẩm
phán phải cân nhắc, xem xét kỹ. Chỉ nên buộc trả lại nếu có khả năng thi
hành trên thực tế, không gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của các
bên (trừ trường hợp việc xây dựng đã bị cơ quan chức năng cấm nhưng vẫn
cố tình xây dựng).
Trường hợp xét thấy không thể buộc bên lấn chiếm trả
lại phần đất (và phần không gian đã lấn chiếm) thì nên buộc họ phải
thanh toán cho bên kia giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường
hoặc bồi thường thiệt hại do phần đất (không gian) mà chủ đất không được
sử dụng.
Một nội dung khác cũng được Tòa án TP lưu ý là đất
tranh chấp trên thực tế nhỏ hơn hoặc rộng hơn so với diện tích có trong
giấy chứng nhận. Theo tòa, đây là trường hợp gặp rất nhiều trên thực tế
và cách giải quyết của nhiều tòa thường thiếu thống nhất.
Tòa TP nhắc, nếu có sự chênh lệch đó nhưng so sánh
với sổ địa chính thấy đất thực tế được giao theo đúng mốc và chỉ giới
giao đất thì tòa giải quyết theo diện tích thực tế. Trường hợp đất thực
tế có một phần ngoài mốc và chỉ giới giao đất thì tòa chỉ giải quyết
phần đất thực tế trong mốc và chỉ giới…
Theo quy định, nếu đương sự có tên trong sổ đăng ký
ruộng đất, sổ địa chính thì các tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa. Tuy
nhiên, Tòa án TP.HCM cho biết trong thời gian qua, nhiều tòa đã xác
định không đúng yếu tố trên, dẫn đến sai sót khi giải quyết án. Đơn cử
như chuyện đương sự chỉ có giấy đăng ký, kê khai nhà đất năm 1999 hoặc
chỉ có tên trong sổ dã ngoại, sổ mục kê nhưng tòa vẫn xác định vụ án
thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Tòa án TP.HCM lưu ý, các giấy tờ,
sổ sách trên không được coi là một trong những loại giấy tờ về quyền sử
dụng đất. Do vậy, gặp trường hợp này, tòa không được thụ lý giải quyết.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment