Saturday, November 23, 2013

Lãnh đạo và ê kíp lãnh đạo

hillary obama Lãnh đạo và ê kíp lãnh đạoKhác với doanh nghiệp tư nhân, đối với các cơ quan ít nhiều hoạt động nhờ “bầu sữa” ngân sách, khi một “người đứng đầu” mới lên, họ có xu hướng kéo theo một ê kíp, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo dọc từng cấp. “Ê kíp” lãnh đạo được dùng theo cách hiểu tự nhiên, hoặc ngây thơ nhất, là nhóm những người “cùng hội, cùng thuyền” cùng chia các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong một cơ quan, tổ chức. Có lúc, nó “vừa khít” với ban lãnh đạo, có lúc không.

Ê kíp lãnh đạo không phải nhóm chính thức, không luật định như ban lãnh đạo, nhưng sự hiện hữu của nó trong khoa học quản lý là bình thường như thở bằng mũi. Nó có mặt tích cực, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của tổ chức, với thuyền trưởng và những thuỷ thủ đầy năng lực, phẩm chất đạo đức và cùng chí hướng. Rất đời là đây đó, mặt tiêu cực của nó có cơ hội bộc lộ.
Nếu người đứng đầu ê kíp thực tài, thì những người tài khác có nhiều đất diễn. Với lãnh đạo “ít tài” hơn, chỉ cần nhìn vào ê kíp, tinh ý là có thể nhận ra. “Bộ sậu” ấy phải sưu tập được những người biết nịnh, biết luồn cúi, quá nhiệt tình và biết nghe lời… Có một điều rõ ràng, cơ quan nhà nước không phải “chốn đi về” của một cá nhân. Ban lãnh đạo không phải những ông chủ trong gia đình, vì cánh cổng cơ quan khác hoàn toàn cánh cổng làng… Nhưng nhiều người vô tình hay may mắn được trao quyền “thủ lĩnh”, với nhiệm kỳ hữu hạn của mình, nghĩ khác. Những hành xử của họ cũng đầy sự yêu, ghét, đố kỵ… vì nhầm lẫn vai diễn, không biết hay cố tình không biết đến chuẩn mực theo những quy tắc vàng của quản lý. Trong khi đó, pháp luật hành chính cũng khó có thể điều chỉnh được trong trường hợp người đứng đầu “tròn vo”: làm ít – sai ít; không làm – không sai, hoặc không phát hiện được sai phạm… trong cả nhiệm kỳ. Và dưới bóng “thủ lĩnh”, không ít người trong ê kíp sẽ lạm quyền. Ở những tổ chức nhỏ, quyền ở đây không quá ghê gớm, tác động nhiều đến xã hội, nhưng sẽ mâu thuẫn với lợi ích tập thể vì nó ngả về quyền lợi cá nhân nhóm nhỏ không chính thức… Khi ban lãnh đạo không song trùng với một ê kíp lãnh đạo thì vị trí lãnh đạo cấp dưới nào nằm ngoài ê kíp có xu hướng bị cô lập. Mâu thuẫn nội bộ là điều khó tránh khỏi, nguy ở chỗ, nó gây ảnh hưởng trì trệ lên cả tập thể. Điều an ủi có thể là, nếu không khác nhau ở mục đích, ít nhất, hãy cố hơn nhau ở phương pháp…
Trong môi trường đó, nếu bạn là người có tài, có thể bạn sẽ thấy chán nản. Bản lĩnh và lòng tự trọng thường không cho phép bạn đứng vào một ê kíp tiêu cực. Đó chưa hẳn là giải pháp hay nhất. Điều này được John C. Maxwell, chuyên gia bậc thầy về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ ra trong cuốn The 3600 Leader – Nhà lãnh đạo 360 độ. Hãy cố gắng nhìn thấy những ưu điểm của cấp trên và gia tăng giá trị của những ưu điểm đó… Hãy khéo léo như vô tình để lãnh đạo biết rằng, uy tín chức vụ và uy tín cá nhân không phải lúc nào cũng song hành. Maxwell, trong tác phẩm nói trên, cũng đã nêu ra những ngộ nhận về chức vụ lãnh đạo. Nhiều người nghĩ rằng họ được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu nghĩa là họ thành người lãnh đạo. Điều này thật sai lầm vì tầm ảnh hưởng thực sự mới là quan trọng. Nếu bạn chính là người đứng đầu, duy trì ở cấp độ mà mọi người chỉ đi theo bạn, tuân thủ các mệnh lệnh của bạn vì bạn cầm trong tay quyết định bổ nhiệm, bạn là lãnh đạo tồi. Bạn được trao quyền lãnh đạo không đồng nghĩa mọi người sẽ ủng hộ bạn một cách tự nhiên. Bạn không được ban cho vai trò lãnh đạo thực sự, nếu bạn không gây dựng nó bằng chính khả năng của mình. Còn với cả ê kíp, nếu không được xây dựng trên sự đồng thuận, minh bạch và hướng về lợi ích chung của tập thể, cũng khó mà đứng vững và giữ gìn sự đoàn kết chung.
Còn như bạn đang là công bộc của dân, đã, đang hoặc sẽ ở trong một ê kíp lãnh đạo, dù tích cực hay tiêu cực, “hãy lãnh đạo bản thân trước, đó chính là xuất phát điểm cho mọi điều.” (John C. Maxwell)
Phương NA

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code