T.A
Khu đất hơn
2000m2 của gia đình bà Tạ Quán Nam và ông Vũ Duy Hưng ở phường Ngọc Thụy
bị lấn chiếm ngõ đi từ năm 1993 đến nay, chính quyền quận và phường đã
“ra quân” kiểm tra nhiều lần. Nhưng, những động thái ấy chỉ mang tính
“đối phó”, bởi sự việc vẫn “bình chân như vại”. Trong khi ranh giới con
ngõ vẫn đang tranh chấp thì chính quyền lại cho phép chuyển nhượng mảnh
đất kế bên (gồm cả phần diện tích ngõ của hộ bà Nam và ông Hưng), khiến
sự việc càng trở nên phức tạp.
“Được đằng chân lân đằng đầu”
Theo giấy thỏa thuận ngày 17.2.1993 giữa hai gia đình
bà Nam và bà Lý (có đất giáp ranh với nhà bà Nam) thì toàn bộ phần ngõ
đi 11,5m2 (dài 23m, rộng 0,5m) thuộc quyền sử dụng của hộ bà Nam. Để có
quyền sử dụng đất ngõ, bà Namphải trả cho bà Lý là 80.000đ/m2, tổng số
tiền là 920.000đ. Như vậy, kể từ ngày 17.2.1993, con ngõ đi không thuộc
“quyền quản lý” của bà Lý.
Sở dĩ có việc thỏa thuận mua bán phần đất ngõ này là
do gia đình bà Lý cố tình tranh chấp lấn chiếm. Thực tế, trước đó, phần
đất ngõ đã được hai hộ gia đình bà Nam và anh Hưng (con trai bà Nam) mua
lại của gia đình ông Liêm khi nhận chuyển nhượng khu đất 2.050m2. Việc
mua bán đất (có cả phần diện tích ngõ) diễn ra ngày 19.1.1993, được ông
Nguyễn Văn Thụy, Chủ tịch xã Ngọc Thụy khi đó xác nhận. Tuy nhiên, sau
một tháng nhận chuyển nhượng khu đất, gia đình bà Lý cho người sang
trồng chuối và hoa hồng vào lòng con ngõ lấn chiếm một phần lối đi (hộ
bà Lý có ngõ khác vào nhà), để giữ hòa khí, phía gia đình bà Nam đã
nhượng bộ thỏa thuận mua lại phần diện tích bà Lý lấn chiếm (như giấy
thỏa thuận ngày 17.2.1993). Về lý, đáng lẽ gia đình bà Nam có quyền sử
dụng hợp pháp toàn bộ phần ngõ trên mà không phải mua lại.
Tưởng rằng sự việc giải quyết ổn thỏa, nhưng sau vài
tháng được phía hộ bà Nam nhượng bộ, gia đình bà Lý lại cố tình lấn tới,
tự ý phá bỏ bức tường xây trên phần đất ngõ của bà Nam. Lúc này, gia
đình bà Nam đã gửi đơn lên chính quyền xã Ngọc Thụy huyện Gia Lâm (nay
là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, sự
việc kéo dài nhiều năm sau, chính quyền địa phương vẫn không có những
động thái quyết liệt, xử lý dứt điểm.
Đến tháng 8.2003, sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi
gia đình bà Lý công khai xây nhà cấp bốn lấn vào phần đất ngõ đi của nhà
bà Nam. Việc trắng trợn vi phạm pháp luật của phía hộ bà Lý buộc UBND
xã Ngọc Thụy phải ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo Quyết
định số 301 ngày 22.8.2003, bà Nguyễn Thị Lý có hành vi xây nhà cấp bốn
trái phép (trên phần đất đang có tranh chấp) vi phạm Nghị định 48/CP
ngày 5.5.1997 của Chính phủ… Yêu cầu bà Lý phải khôi phục lại hiện trạng
ban đầu và nộp tiền phạt 200.000đ tại kho bạc Nhà nước huyện Gia Lâm.
Nhưng, sau khi nhận Quyết định xử phạt hành chính, phía gia đình bà Lý
vẫn không thi hành đúng pháp luật, thường xuyên cho người quấy phá, lấn
chiếm ngõ đi.
Chính quyền có tiếp tay cho sai phạm?
Một năm sau khi chính quyền phường Ngọc Thụy ra Quyết
định xử phạt đối với bà Lý, UBND huyện Gia Lâm đã tiến hành cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nam và anh Hưng. Tuy nhiên, khó hiểu
là tấm “bìa đỏ” ấy chỉ công nhận quyền sở hữu hơn… 1.500m2 cho gia đình
bà Nam (giấy chuyển nhượng năm 1993 có xác nhận của chính quyền địa
phương là hơn 2000m2). Vậy, số diện tích đất hơn 500m2 nữa “rụng” đi
đâu? Phải chăng, đây là cơ sở để gia đình bà Lý lấn chiếm một phần diện
tích đất ngõ đi của hộ bà Nam và anh Hưng!?
Sự việc ngày một căng thẳngS, phức tạp thì tháng
1.2008, bà Lý tiến hành chuyển nhượng khu đất của mình cho hộ ông Toàn
và bà Phương. Điều đáng nói là khi chuyển nhượng khu đất ấy, bà Lý tự ý
gộp cả phần diện tích ngõ lấn chiếm được để bán, trong khi phần diện
tích này vẫn đang diễn ra tranh chấp. Việc tranh chấp này, chắc chắn cả
UBND quận Long Biên và phường Ngọc Thụy đều biết rõ, nhưng vì nguyên
nhân nào vẫn cho phép bà Lý chuyển nhượng? Câu hỏi khó giải thích này
đang gây bức xúc cho dư luận. Hơn thế, sau khi nhận chuyển nhượng đất từ
gia đình bà Lý, hộ ông Toàn đã khởi công xây dựng tường đè lên phần
móng bức tường con ngõ nhà bà Nam. Trước tình hình trên, bà Nam có đơn
lên quận và phường, đề nghị giải quyết đúng pháp luật. Ngày 13.5.2008,
UBND phường Ngọc Thụy mở phiên họp hòa giải giữa hai gia đình, đi đến
kết luận “đình chỉ việc xây dựng của ông Toàn vào phần móng ngõ đi của
nhà bà Nam. Từ nay đến ngày 20.3.2008, nếu việc hòa giải không thành,
phường sẽ chuyển hồ sơ lên quận giải quyết”.
Ngày 18.3.2008, chúng tôi có mặt tại khu đất có tranh
chấp con ngõ, dù đang trong quá trình hòa giải, nhưng gia đình ông Toàn
vẫn cho người đào móng đổ bê tông để tiến hành xây dựng vào phần đất
ngõ của bà Nam. Chứng kiến tình hình đó, chúng tôi đã lên Thanh tra quận
Long Biên thì được anh Nguyễn TiếnNam – Thanh tra viên của quận cho
biết: “Hiện vụ việc được giao cho phường Ngọc Thụy giải quyết, sau đó
phường sẽ báo cáo lên quận”. Cùng ngày, chúng tôi lại xuống UBND phường
Ngọc Thụy, anh Đặng Văn Chiến – cán bộ Thanh tra xây dựng phường nói:
“Đất của nhà ông Toàn được cấp “sổ đỏ” và có giấy phép xây dựng nên ông
Toàn xây nhà là đúng pháp luật”. “Theo tìm hiểu, ông Toàn đã xây nhà
trên phần móng ngõ đi của gia đình bà Nam? “. “Không có chuyện đỏ, họ
còn xây thụt cả vào trong ấy chứ…”. “Nhưng khi đất đang có khiếu kiện
thì việc chuyển nhượng và cấp “sổ đỏ” là trái luật. Khi cấp giấy phép
xây dựng cho ông Toàn, phường có thẩm tra kỹ không? “. “ông Toàn chỉ là
người mua lại, nếu ông có đủ giấy tờ hợp pháp thì chúng tôi sẽ cấp phép
xây dựng”.
Như vậy, một vụ việc dù đã có những Quyết định giải
quyết của chính quyền, nhưng với cách xử lý khó hiểu, “tiền hậu bất
nhất” của bộ máy công quyền lại càng làm sự việc “nóng bỏng” hơn. Liệu
còn bao nhiêu cuộc họp hòa giải nữa, khi gia đình ông Toàn cứ xây dựng
vì ông đã mua nhà diện tích như vậy? Và trách nhiệm của bà Lý như thế
nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở vụ việc này.
= = = = = = = = = = = = = = =
Như trên đã
thông tin về khu đất hơn 2000m2 của gia đình bà Tạ Quán Nam và ông Vũ
Duy Hưng xảy ra tranh chấp phần móng ngõ đi với gia đình bà Nguyễn Thị
Lý, nhưng chính quyền địa phương vẫn cho phép bà Lý chuyển nhượng khu
đất của mình, trong đó có phần diện tích móng con ngõ. Sự việc càng trở
nên phức tạp khi ông Toàn (chủ sở hữu mới trên mảnh đất mua lại của bà
Lý) xây nhà, phá dỡ phần móng ngõ đang tranh chấp, buộc UBND phường Ngọc
Thụy phải tổ chức buổi hòa giải. Và tại buổi hòa giải, diện tích phần
ngõ tranh chấp đã có chủ sở hữu thực sự!
Tại cuộc họp sáng 13.3.2008, có đại diện các bên liên
quan khu đất, ông Nguyễn Đăng Lập, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy đứng
ra chủ trì. Cuộc họp đã xác định lại rõ ràng nguồn gốc khu đất của gia
đình bà Tạ Quán Nam và ông Vũ Duy Hưng là đất mua lại của gia đình ông
Liêm, gồm cả phần diện tích ngõ đi, tổng cộng 2.050m2. Nguyên nhân tranh
chấp một phần do những người thừa hành công vụ khi cắm mốc giới địa
chính và mốc giới xây dựng sai với với diện tích thực địa, lấy bức tường
của gia đình bà Lý xây vào tháng 8.2003 làm mốc giới, trong khi bức
tường này lại là của gia đình bà Nam bị gia đình bà Lý lấn chiếm xây đè
lên. Chứng thực việc lấn chiếm này là Thanh tra xây dựng xã Ngọc Thụy
lúc đó đã lập biên bản báo cáo và UBND xã đã ra Quyết định xử phạt hành
chính ngày 22.8.2003, buộc gia đình bà Lý phải đình chỉ xây dựng. Hơn
thế, từ năm 1993, trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền, bà Lý đã
lấn chiếm phần diện tích móng ngõ, buộc gia đình bà Nam phải mua lại
(theo giấy thỏa thuận mua bán ngày 17.2.1993).
Một điểm khác đáng lưu ý là khi cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho gia đình bà Nam và ông Hưng vào năm 2004, cán bộ
địa chính đã đo đạc phần diện tích khu đất hụt đi hơn 500m2. Vì sao có
“chuyện lạ” này, câu trả lời xin chuyển cho chính quyền phường Ngọc Thụy
và quận Long Biên. Nhưng, theo quy định của Luật Đất đai, thời điểm bà
Nam mua đất của gia đình ông Liêm trước ngày 15.10.1993, vì vậy toàn bộ
khu đất thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình bà Nam.
Với những phân tích xác thực trên, tại buổi hòa giải
ngày 13.3.2008, ông Nguyễn Đăng Lập, Chủ tịch UBND phường kết luận: Phần
diện tích 11,50m2 (phần đất ngõ – PV) năm 1993 gia đình bà Nam mua của
gia đình bà Lý, gia đình bà Nam được toàn quyền quản lý sử dụng; việc
xác định toàn diện tích ngõ đi vào thửa đất của gia đình bà Nam mua lại
của ông Nguyễn Gia Liêm năm 1993 là ngõ đi chung hay riêng vượt quá thẩm
quyền của UBND phường, nếu các gia đình không tự thỏa thuận được, UBND
phường sẽ báo cáo UBND quận để giải quyết; hiện nay diện tích ngõ vào
gia đình bà Nam chỉ có gia đình bà Nam sử dụng.
Như vậy, phần diện tích móng ngõ tranh chấp đã có chủ
sở hữu thực sự. Tuy nhiên, theo kết luận của ông Lập thì lại có sự mâu
thuẫn ở hai điểm, bởi hiện con ngõ vào nhà bà Nam chỉ có mình gia đình
bà Nam sử dụng thì đó không thể là ngõ đi chung được. Hơn thế, nguồn gốc
đất từ trước năm 1993 do gia đình ông Liêm sử dụng thì phần diện tích
con ngõ thuộc thửa đất của riêng gia đình ông Liêm, không hề có hộ dân
nào đi chung.
Trong quá trình điều tra diễn biến tranh chấp phần
móng khu đất, chúng tôi phát hiện việc làm sai trái của gia đình ông
Toàn, người mới nhận chuyển nhượng khu đất của bà Lý đầu năm 2008. Ngày
sau khi mua lại khu đất, ông Toàn cho phá dỡ phần móng tường ngõ của gia
đình bà Nam để xây móng tường nhà mình đè lên. Điều đáng nói là việc
xây dựng của ông Toàn xảy ra vào thời điểm chưa được cơ quan có thẩm
quyền cấp phép xây dựng. Việc UBND phường cấp phép cho ông Toàn xây nhà,
trong khi sự việc chưa được giải quyết dứt điểm liệu có đổ thêm dầu vào
lửa?
Về phía UBND quận Long Biên, đến thời điểm này, Thanh
tra quận đã tổ chức xuống hiện trường kiểm tra, tạm thời đình chỉ việc
xây dựng của ông Toàn. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm, lãnh đạo quận
cần nhanh chóng chỉ đạo UBND phường Ngọc Thụy xử lý vụ việc công khai,
minh bạch và ra quyết định cụ thể bằng văn bản.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
0 comments:
Post a Comment