TS. PHẠM KIM ANH – Đại học Luật TPHCM
Các chủ thể tham gia
quan hệ pháp luật dân sự nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ đã cam kết hoặc do luật định thì phải gánh chịu những hậu quả
bất lợi về vật chất hoặc tinh thần. Nguyên tắc được coi là có tính tất
yếu để bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và tổ chức đồng thời nhằm mục
đích duy trì trật tự lưu thông dân sự trong xã hội. Tuy vậy, nguyên tắc
bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ lại là kết quả của một quá
trình diễn biến rất lâu dài trong lịch sử.
Trong thời kỳ cổ xưa khi xã hội chưa có nhiều định
chế để giải quyết các vụ tranh chấp giữa các cá nhân với nhau nên mỗi
khi quyền lợi của cá nhân bị xâm phạm, các cá nhân được tự ý trừng phạt
lẫn nhau hoặc bắt đối phương làm nô lệ, hay tước đoạt tài sản của họ.
Đây là chế độ tư nhân phục cừu. Dấu ấn của chế độ này còn lưu lại trong
một số điều của hai Bộ Luật Hồng Đức và Luật Gia Long. Theo Điều 591 Bộ
Luật Hồng Đức thì: “Người đòi nợ không trình quan mà tự ý bắt đồ đạc,
của cải của người mắc nợ, nếu quá số tiền trong văn tự thì xử phạt 80
trượng, tính những của cải ấy trả cho người có nợ, còn thừa thì trả cho
người mắc nợ”. Như vậy Bộ Luật Hồng Đức cho phép bắt đồ đạc để trừ
nợ nếu việc trừ nợ không quá số tiền cho vay. Hạn chế này của Bộ Luật
Hồng Đức nhằm loại trừ sự tự tiện của chủ nợ trong việc chiếm đoạt tài
sản của con nợ để bù vào số tiền cho vay.
Trong Bộ Luật Gia Long, Điều 134 cũng đề cập đến vấn
đề này nhưng rõ rệt hơn. Bộ Luật Gia Long cấm các chủ nợ không được tự
tiện bắt gia súc hay tài sản của con nợ và cũng không được bắt thân nhân
của họ làm nô tỳ. Ngoài ra, người gây thiệt hại cũng phải nộp một số
tiền chuộc để tránh sự trả thù.
Từ các qui định viện dẫn trên chứng tỏ chế độ tư nhân
phục cừu đã xuất hiện ở Việt Nam. Có thể nói rằng đây là manh nha của
chế độ trách nhiệm dân sự cho dù không có điều khoản nào của hai Bộ luật
trên nói đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cả.
Đến khi bộ máy Nhà nước được tổ chức ổn định
trong xã hội thì hai bên không được tự tiện trả thù hay tự tiện thỏa
thuận số tiền chuộc mà việc giải quyết tranh chấp phải bằng cách bồi
thường một khoản tiền mà pháp luật qui định. Khoản tiền bồi thường này
vừa có tính chất là hình phạt vừa có tính chất là bồi thường. Theo Điều
29 Bộ Luật Hồng Đức thì tiền đền mạng được ấn định tùy theo phẩm trật
của kẻ bị chết như sau: Nhất phẩm, tòng nhất phẩm được đền 15.000 quan,
nhị phẩm, tòng nhị phẩm 9.000 quan, tam phẩm, tòng tam phẩm 7.000 quan,
tứ phẩm, tòng tứ phẩm 5.000 quan, ngũ phẩm, tòng ngũ phẩm 2.000 quan,
lục phẩm, tòng lục phẩm 1.000 quan, thất phẩm, tòng thất phẩm 500 quan,
bát phẩm đến cửu phẩm 300 quan, thứ dân trở xuống 150 quan.
Trong trường hợp đánh người gây thương tích thì thì người phạm tội ngoài hình phạt bị đánh roi còn phải bồi thường cho nạn nhân theo mức đã được qui định trong Điều 466 Bộ Luật Hồng Đức như sau: “Sưng phù thì phải đền tiền tổn thương
3 tiền, chảy máu thì phải 1 quan, gãy một ngón tay, một răng thì đền 10
quan, đâm chém bị thương thì 15 quan. Đọa thai chưa thành hình thì 30
quan, đã thành hình thì 50 quan, đứt lưỡi, hỏng âm, dương vật thì đền
100 quan. Về người quyền quí thì xử khác”
Riêng Bộ Luật Gia Long tiền bồi thường không được đề
cập đến. Trong Bộ Luật Gia Long chỉ có Điều 201 qui định về tiền bồi
thường cho gia đình nạn nhân trong trường hợp phạm tội giết người, phạm
nhân bị phạm tội chiếu theo điều luật cố ý đả thương nhân thương chí tử
nhưng cho chuộc tội. Tiền chuộc thì giao cho gia đình nạn nhân để lo
chôn cất. Nếu phạm nhân bị phạt tội giảo thì thì số tiền chuộc là 12
lạng bạc. Đối với người điên giết người thì số tiền này cũng vậy
Nếu kẻ giết người được ân xá, y phải trả cho gia đình
nạn nhân 20 lạng bạc. Nếu nghèo túng thì chỉ phải trả nửa số tiền ấy.
Đối với trường hợp gây thương tích theo Điều 271 Bộ Luật Gia Long cũng
qui định tỉ mỉ các hình phạt tùy theo thương tích từ nhẹ đến nặng nhưng
đó chỉ là những chế tài về hình sự chứ không đề cập đến bồi thường như
trong Điều 466 của Bộ Luật Hồng Đức. Điều 271 Bộ Luật Gia Long chỉ dự
liệu bồi thường trong các trường hợp nặng nhất như hỏng mắt, gãy tay
chân, làm hỏng bộ phận trong cơ thể…thì ngoài hình phạt lưu 300 lý, 100
trượng thì 1/2 tài sản kẻ phạm tội được đền cho nạn nhân để nuôi thân.
Bước phát triển tiếp theo của chế định bồi thường
thiệt hại đánh dấu sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Nhà nước bằng cách dự
liệu những chế tài về hình sự để trừng phạt những kẻ nào xâm phạm đến
tài sản và nhân thân kẻ khác. Ngoài việc phải gánh chịu hình phạt kẻ
phạm tội còn phải bồi thường cho nạn nhân những thiệt hại mà họ đã gây
ra. Vì mang tính chất hình phạt nên số tiền bồi thường được ấn định gấp
đôi, gấp ba, gấp bốn lần thiệt hại thực tế đã xảy ra
Như vậy trong Cổ luật Việt Nam chưa có sự phân biệt
rõ rệt giữa trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Tuy chỉ được coi
là một yếu tố cấu thành trong trách nhiệm hình sự và chưa được coi là
một chế định riêng biệt về trách nhiệm dân sự (tức là chỉ bắt người gây
thiệt hại phải bồi thường thiệt hại mà không trừng phạt về hình sự) song
Bộ Luật Hồng Đức và Bộ Luật Gia Long cũng đã ý thức được vai trò của
bồi thường thiệt hại cũng vì thế mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã
dần dần có xu hướng tách rời khỏi các trách nhiệm hình sự. Theo Điều 581
Bộ Luật Hồng Đức thì thì: “Người thả trâu, ngựa cho dày xéo, ăn lúa,
dâu của người khác thì phải xử phạt 80 trượng và đền bù thiệt hại. Nếu
cố ý thả cho dày xéo, phá hoại thì xử biếm một tư và đền gấp đôi sự
thiệt hại. Nếu vì trâu, ngựa chạy lồng lên không kìm hãm được thì miễn
tội trượng”. Như vậy, trong trường hợp này chỉ là vấn đề bồi thường
thiệt hại là một trách nhiệm thuần túy dân sự hoặc Điều 585 Bộ Luật Hồng
Đức qui định rằng: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì cả hai
cùng thịt, con nào sống thì hai nhà cùng cày, trái luật thì xử phạt 80
trượng”. Như vậy, hình phạt chỉ phải dùng đến khi các đương sự không
tuân theo giải pháp dân sự đã được ấn định
Điều 91 Bộ Luật Gia Long qui định về trường hợp khi
vứt bỏ hay phá hoại đồ vật, mùa màng, cây cối của người khác thì ngoài
việc xử người vi phạm về tội trộm can phạm mà còn phải bồi thường thiệt
hại đã gây ra cho người cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, nếu những đồ
vật bị vứt bỏ hoặc bị phá hủy của tư nhân và sự vứt bỏ, phá hoại do vô ý
gây ra thì người gây ra thiệt hại chỉ phải bồi thường, trường hợp này
cũng hoàn toàn là trách nhiệm dân sự
Tóm lại, mặc dù các qui định nêu trên chỉ áp dụng
trong một phạm vi có giới hạn song điều này chứng tỏ khái niệm trách
nhiệm dân sự dân sự không phải là khái niệm xa lạ trong Cổ Luật Việt
Nam. Có thể nói rắng ý niệm này đã manh nha và cùng với sự phát triển
của hệ thống pháp luật dần dần được định hình với tư cách là một chế
định trách nhiệm
Có thể nói chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng nói chung và bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra nói
riêng, đã trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển. Các nhà
làm luật của Việt Nam cũng như những người áp dụng pháp luật đã có rất
nhiều cố gắng trong việc xây dựng cũng như giải thích các quy định của
pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh khi xác định trách nhiệm bồi
thường thiệt hại. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước nhà
trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cũng được giải thích khá cụ
thể và rõ ràng trong Thông tư 173 – Ủy ban Thẩm phán của TANDTC ngày
23/3/1972 hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Thông
tư 173). Thông tư 173 được ban hành trong bối cảnh nền lập pháp của
nước nhà còn ở giai đoạn mới hình thành, còn chưa phát triển. Ngoài ra
điều kiện kinh tế xã hội lúc đó rất đặc thù, nhận thức của các nhà làm
luật và những người có chức năng giải thích pháp luật còn hạn chế.
Theo Thông tư 173, nhiều người cùng chung gây thiệt
hại thì họ chỉ liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giữa
họ có sự thống nhất ý chí. Thông tư cũng giải thích rằng, thông thường,
họ thống nhất ý chí với nhau cả về hành vi lẫn về hậu quả (như cộng phạm
lừa đảo, tham ô…), nhưng cũng có trường hợp, họ cùng nhau gây thiệt hại
mà chỉ thống nhất ý chí về hành vi (như hai người do cùng lăn gỗ ở trên
cao xuống mà vô ý gây tai nạn…) hoặc chỉ thống nhất ý chí về hậu quả
(như tên trộm cắp và kẻ tiêu thụ tài sản trộm cắp), họ vẫn phải chịu
trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi xác định trách
nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp chỉ có sự thống
nhất ý chí về hậu quả cần phải xét đến phong tục, tập quán nơi hành vi
gây thiệt hại xảy ra cũng như của những người liên quan. Về vấn đề này
Báo cáo tổng kết hội nghị toàn ngành Toà án nhân dân năm 1967 đã giải
thích như sau: Đối với trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, trong
các vụ săn bắn vô ý làm chết hoặc làm bị thương người khác, có thể thấy
không thể dựa vào tập tục lợi cùng hưởng của các phường săn bắn để bắt
chịu trách nhiệm liên đới được. Hai vấn đề khác hẳn nhau: Việc chia đều
phần thịt thú rừng săn bắn được giữa các người cùng đi săn là một tập
quán ở các vùng dân tộc; việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn
thuộc phạm trù trách nhiệm dân sự. Chỉ kẻ có lỗi mới phải chịu trách
nhiệm dân sự, người trực tiếp gây ra tai nạn mới phải bồi thường thiệt
hại. Còn nếu họ tự nguyện giúp đỡ nhau góp phần bồi thường thiệt hại thì
là một việc làm tốt, Toà án không phải can thiệp. Trong bối cảnh như
vậy thì trong một chừng mực nào đó, cách giải thích như vậy là phù hợp
với phong tục, tập quán của địa phương.
Khi xác định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt
hại, Toà án có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của sự việc, phần chiếm
đoạt hoặc mức độ lỗi của mỗi người để ấn định phần bồi thường của mỗi
người, giúp cho họ biết rõ phần trách nhiệm bồi thường của mình trong số
tiền phải bồi thường chung. Gặp trường hợp không có căn cứ rõ ràng để
ấn định phần bồi thường cụ thể của mỗi người thì Toà án phân chia đều
mức bồi thường cho mỗi người. Trong trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, cần
điều tra, thu thập thêm mới có thể định rõ được phần bồi thường của mỗi
người, và nếu có yêu cầu xét xử kịp thời vụ án hình sự, thì trong phần
dân sự, Toà án chỉ tuyên trách nhiệm liên đới; còn việc ấn định mức bồi
thường của mỗi người, thì Toà án sẽ bổ sung sau bằng một bản án dân sự.
Nếu là vụ án dân sự hoặc việc xét xử vụ án hình sự không có tính chất
cấp bách, thì Toà án cần chờ kết quả của việc điều tra bổ sung để có thể
vừa tuyên trách nhiệm liên đới, vừa ấn định cụ thể mức bồi thường của
mỗi người.
Bên cạnh sự giải thích hợp lý nói trên, Thông tư 173
không thừa nhận việc áp dụng trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại
trong trường hợp nếu nhiều người cùng chung gây thiệt hại nhưng không có
sự thống nhất ý chí, thí dụ: hai ô tô cùng phóng nhanh, cùng có lỗi nên
va phải nhau và gây thiệt hại cho người đi đường. Trong những trường
hợp này Toà án phải xác định rõ phần trách nhiệm cụ thể của mỗi người để
ấn định mức bồi thường riêng cho từng người.
Thực tiễn xét xử nhiều năm cho thấy rằng, nói chung,
phương hướng xét xử đã được TANDTC hướng dẫn trong Thông tư 173 là đúng
đắn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các quan hệ phát sinh
ngày càng phong phú hơn và vì vậy phát sinh một số vấn đề cần được
hướng dẫn thêm, đặc biệt là trong việc liên đới bồi thường thiệt hại
trong tai nạn ô tô. Sau khi rút kinh nghiệm và trao đổi thống nhất với
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và Bộ Giao thông vận tải.
TANDTC ban hành Thông tư số 03 –TATC ngày 5/4/1983 hướng dẫn giải quyết
một số vấn đề về bồi thường thiệt hại trong tai nạn ô tô. Một trong
những hướng dẫn của Thông tư 03 như sau: Nếu lỗi của người thứ ba và lỗi
của phía ô tô đều là nguyên nhân gây ra tai nạn, thì người thứ ba và
phía ô tô phải liên đới bồi thường (ví dụ: người đi xe đạp không có
phanh đâm vào một người đi đường, làm cho người này bị ngã và bị ô tô
chạy quá tốc độ cán bị thương, thì người đi xe đạp và phía ô tô phải
liên đới bồi thường cho người bị thương). Trong ví dụ nêu trên, nhận
thấy rằng, không tồn tại sự thống nhất ý chí về hành vi và về hậu quả
giữa những người cùng gây ra thiệt hại. Rõ ràng, họ hoàn toàn không có
sự bàn bạc, thoả thuận trước về việc thực hiện hành vi cũng như hậu quả.
Hành vi của người đi xe đạp và hành vi của người lái ô tô là hoàn toàn
độc lập với nhau.
Như vậy, điểm khác biệt cơ bản của Thông tư 03 – TATC
so với Thông tư 173 thể hiện ở chỗ, Theo Thông tư 03, trong nhiều
trường hợp nhiều người gây thiệt hại nhưng giữa họ không có sự thống
nhất ý chí về hành vi cũng như hậu quả thì họ cũng phải liên đới bồi
thường cho người bị thiệt hại. Đây được coi là một sự thay đổi cơ bản về
nhận thức của những người xây dựng và giải thích pháp luật. Sự thay đổi
nhận thức nói trên là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển xã hội, với
sự phát sinh nhiều quan hệ xã hội mới mà vào thời điểm ban hành Thông tư
173 chưa có. Vào thời điểm ban hành Thông tư 173, ở Việt Nam các loại
xe ô tô chỉ thuộc sở hữu nhà nước, và vì vậy trong trường hợp hai xe
cùng gây tai nạn cho người đi đường thì việc liên đới chịu trách nhiệm
bồi thường cho người bị thiệt hại hay là chịu trách nhiệm riêng rẽ thực
ra là không có ý nghĩa bởi vì trong mọi trường hợp chủ sở hữu phương
tiện là Nhà nước phải bồi thường. Chính vì lẽ đó, trong mọi trường hợp
người bị thiệt hại luôn được bồi thường kịp thời. Sau đó ở Việt Nam, xe ô
tô không chỉ thuộc sở hữu nhà nước mà còn cả thuộc sở hữu tư nhân (nhất
là trong thời kỳ mở cửa và hội nhập), khả năng tài chính khác nhau, nếu
không áp dụng trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, thì thiệt hại
khó có thể được bồi thường kịp thời. Xuất phát từ điều đó nên cần phải
có cách nhìn nhận mới về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong
các vụ tai nạn do ô tô gây ra. Thông tư 03 – TATC ra đời trong bối cảnh
đó. Như vậy, hướng dẫn của Thông tư 03 là phù hợp với thực tiễn, với
tính chất của chế định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp nói trên, hành vi của người đi xe
đạp và hành vi của người lái ô tô là hành vi có lỗi và hành vi của mỗi
người đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra. Nhận thấy rằng,
mặc dù không có sự thống nhất ý chí về hành vi và hậu quả tuy nhiên, một
điều mà ai cũng nhận thấy rằng, hành vi của từng người trong ví dụ nói
trên có mối liên hệ với nhau. Không có hành vi của người đi xe đạp thì
sẽ không có hành vi của người lái ô tô và như vậy sẽ không có thiệt hại
xảy ra. Nếu người đi xe đạp cũng có lỗi, nhưng người lái xe làm chủ được
tốc độ thì cũng không xảy ra thiệt hại. Do đó, khi xem xét hành vi của
từng người và hậu quả xảy ra trong tổng thể, cần chú ý đến mối quan hệ
giữa chúng là mối quan hệ của cặp phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên.
Ngoài ra trong Thông tư 173 cũng đề cập đến trách nhiệm bồi thường do
súc vật gây ra. Nhưng cũng chỉ đề cập đến trách nhiệm bồi thường của chủ
sở hữu và người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chứ chưa có qui
định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba và vấn đề
liên đới chịu trách nhiệm cũng chưa được đề cập tới.
Tất cả những hạn chế này đã được khắc phục cơ bản
trong các qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
được đề cập đến trong bộ luật Dân sự 1995 ở các Điều 627,629,630,631 và
bộ luật Dân sự 2005 ở các Điều 623,625,626,627 đó là các loại trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; bồi thường
thiệt hại do súc vật gây ra; bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra; bồi
thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Trong số
các loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra này thì đối
với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra đã qui định rất
cụ thể về trách nhiệm của chủ sở hữu, của người thứ ba, của người chiếm hữu sử dụng
trái pháp luật và sự liên đới chịu trách nhiệm của các chủ thể này đặc
biệt còn đề cập đến bồi thường thiệt hại đối với súc vật thả dông theo
tập quán. Nhưng vẫn còn một số qui định trong bộ luật Dân sự 2005 về bồi
thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra và trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra còn chưa hợp
lý. Cụ thể, Điều 627 BLDS 2005 quy định rằng, chủ sở hữu, người được
chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải
bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp
đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt
hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất
khả kháng. Khi xem xét quy định này của pháp luật, nhận thấy có nhiều
vấn đề còn chưa được rõ ràng. Việc sử dụng, quản lý nhà cửa với việc
quản lý công trình xây dựng đã hoàn thành và đã được đưa vào sử dụng với
công trình đang được xây dựng chưa hoàn thành là những vấn đề có nhiều
điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc các nhà làm luật gộp tất cả các vấn đề
có những đặc điểm khác nhau vào một điều luật là chưa hợp lý.
Khi xây dựng quy định pháp luật tại Điều 627 BLDS
2005 cần phải xem xét vấn đề từ các phương diện khác nhau. Điều này được
lý giải bởi việc nhà cửa, công trình được chủ sở hữu giao cho người
khác quản lý, sử dụng gây thiệt hại cho người thứ ba vì những lý do có
thể nói là hết sức khác nhau: i) do lỗi của người được chủ sở hữu giao
quản lý sử dụng; ii) không phải do lỗi của người được chủ sở hữu giao
quản lý, sử dụng. Trong trường hợp thứ nhất, do lỗi của người được chủ
sở hữu giao quản lý sử dụng, thì pháp luật quy định người được chủ sở
hữu giao quản lý sử dụng nhà cửa, công trình phải chịu trách nhiệm bồi
thường cho người bị thiệt hại là hợp lý. Tuy nhiên, một vấn đề hết sức
phức tạp, cần phải được xác định rõ trong trường hợp này, đó là làm thế
nào để có thể xác định được lỗi của người được chủ sở hữu giao quản lý,
sử dụng nhà cửa, công trình. Rõ ràng đây là việc rất không đơn giản trên
thực tiễn cũng như trong lý thuyết.
Mặt khác quy định tại Điều 627 có thể nói là phù hợp
đối với những trường hợp xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối
với chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa. Còn
đối với việc sử dụng và quản lý công trình xây dựng. Thật sự tác giả
còn nhiều băn khoăn đối với công trình xây dựng được quy định tại Điều
627. Công trình mà các nhà làm luật muốn nói đến ở đây là công trình xây
dựng đã hoàn hành và đã được đưa vào sử dụng hay công trình còn đang
được xây dựng. Nếu công trình xây dựng đã hoàn thành và đã được đưa vào
sử dụng thì pháp luật quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn, còn nếu
công trình đang được xây dựng, chưa hoàn thành thì quy định của pháp
luật nói trên chưa ổn.
Quá trình tự do hóa thương mại, đẩy mạnh việc công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với việc bùng nổ trong lĩnh
vực xây dựng nhà ở, công trình. Báo chí trong thời gian gần đây có đưa
nhiều thông tin về việc công trình đang xây dựng gây thiệt hại cho tài
sản liền kề, đặc biệt là bất động sản. Trong trường hợp người thi công
công trình, khi thực hiện công việc xây dựng của mình đã gây thiệt hại
cho người khác. Ví dụ, gây thiệt hại cho chủ sở hữu ngôi nhà liền kề,
thì chủ sở hữu công trình có phải liên đới cùng với người thi công chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Tình huống này thường rất
xảy ra trong thực tế xây dựng ở Việt Nam chúng ta.
Nhiều người có quan điểm rằng, vấn đề này hết sức
phức tạp, bởi lẽ liên quan đến việc xây dựng công trình, chất lượng của
công trình có rất nhiều chủ thể tham gia, bao gồm: Chủ đầu tư, người
khảo sát thiết kế, người thi công và người giám sát công trình. Trong
trường hợp công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác thì chủ đầu
tư phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đó, bởi lẽ khó
mà có thể bóc tách trách nhiệm của từng chủ thể nói trên. Có thể nói,
quan điểm trên chưa thật thuyết phục, bởi lẽ trong vô vàn trường hợp chủ
đầu tư có thể không có lỗi, hoặc giả có lỗi, thì chủ đầu tư có thể chưa
có đủ khả năng tài chính để bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu như
vậy thì có vẻ không công bằng đối với người bị thiệt hại, bởi lẽ trong
nhiều trường hợp chủ đầu tư có thể trốn tránh trách nhiệm khi cho rằng,
việc gây thiệt hại là do lỗi của người thi công, hoặc cố tình kéo dài
thời hạn bồi thường. Khi nghiên cứu Luật xây dựng chúng ta nhận thấy vấn
đề này hiện nay vẫn còn để ngỏ, chưa có sự điều chỉnh của pháp luật.
Mặc dù có nhiều chủ thể tham gia vào việc thực hiện
công trình, đối với việc xây dựng công trình thì chủ yếu có hai chủ thể
tham gia: chủ đầu tư và nhà thầu-người thi công.
Trước hết hãy xem xét mối liên hệ giữa chủ sở hữu
công trình với người thi công công trình. Dưới góc độ pháp lý, ở đây rõ
ràng không có thống nhất ý chí giữa chủ sở hữu công trình và người thi
công trong việc gây thiệt hại (trong cả hành vi và hậu quả). Không những
thế mà chủ sở hữu công trình hoàn toàn không thực hiện một hành vi cụ
thể nào, chỉ có người thi công mới thực hiện hành vi xây dựng là nguyên
nhân của thiệt hại cho người khác. Vậy thì bản chất của mối quan hệ giữa
chủ công trình và người thi công là gì? Họ có phải liên đới chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thứ ba hay không? Đó là những câu
hỏi cần phải được làm sáng rõ, bởi nó vừa có ý nghĩa pháp lý vừa có ý
nghĩa thực tế. Trong trường hợp này, khi xác định trách nhiệm liên đới
bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu công trình, rất có thể một vấn đề sẽ
được đặt ra: Lỗi của họ – chủ sở hữu công trình trong việc gây ra thiệt
hại được xác định như thế nào?
Xét về bản chất, mặc dù giữa chủ sở hữu công trình và
người thi công không có sự thống nhất ý chí, tuy nhiên dưới góc độ pháp
lý, mặc dù là hai chủ thể độc lập, họ được coi là một bên của quan hệ
pháp luật – quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hành vi
của người này cũng được coi là hành vi của người kia. Thật vậy, hành vi
của người thi công là hệ quả của hành vi, theo đó chủ sở hữu công trình
thiết lập mối quan hệ pháp luật với người thi công. Người thi công trong
trường hợp này hành động với tư cách là người đại diện của chủ sở hữu
công trình, thay mặt cho chủ sở hữu công trình. Tuy nhiên cũng cần phải
lưu ý rằng, quan hệ giữa chủ sở hữu công trình với người thi công hoàn
toàn khác với quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là mối quan hệ phụ
thuộc, vì vậy trong trường hợp người lao động, trong quá trình thực
hiện công việc của mình mà gây thiệt hại thì không thể áp dụng trách
nhiệm liên đới được. Điều này có nghĩa là người bị thiệt hại chỉ có
quyền yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường thiệt hại. Vấn đề này sẽ
được phân tích kỹ hơn trong phần tiếp theo của luận án. Còn chủ sở hữu
công trình và người thi công là hai chủ thể độc lập, không phụ thuộc, vì
vậy người bị thiệt hại có quyền yêu cầu áp dụng các quy định trách
nhiệm liên đới.
Khi bàn đến mối quan hệ giữa chủ sở hữu công trình
với người thi công trong việc xác định trách nhiệm liên đới bồi thường
thiệt hại có thể sẽ xảy ra trường hợp, khi giữa chủ sở hữu công trình và
người thi công có thỏa thuận, theo thỏa thuận này người thi công phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu trong quá trình thi công có
gây thiệt hại cho người khác. Vậy thì thỏa thuận này có hiệu lực hay
không? Nếu nó có hiệu lực thì có nghĩa là người bị thiệt hại chỉ có
quyền yêu cầu người thi công chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thỏa
thuận nói trên sẽ chỉ có hiệu lực đối với chủ sở hữu công trình và
người thi công mà hoàn toàn không có hiệu lực pháp luật trong mối quan
hệ với người bị thiệt hại. Điều này có nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm
liên đới ngay cả khi có sự thỏa thuận nói trên. Trong trường hợp này
người bị thiệt hại có quyền yêu cầu hoặc người thi công, hoặc chủ sở hữu
công trình hoặc cả hai cùng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Mặt khác khi nghiên cứu một số vụ án dân sự liên quan
đến bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra có thể nhận thấy
có sự giải quyết tương tự. Ví dụ, Bản án số 30/DSST ngày 24/7/2002 Tòa
án nhân dân Quận 3 TP. Hồ Chí Minh đã buộc chủ nhà cùng người thi công
phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu ngôi nhà
liền kề do công trình xây dựng trong quá trình thi công đã gây thiệt hại
cho người đó.
Đối với bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra cũng được coi là một trong những vấn đề cần phải có sự cẩn
trọng khi phân tích bởi tính phức tạp của nó. Điểm 2 khoản 4 Điều 623
BLDS 2005 quy định, khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy
hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi
thường thiệt hại. Cần phải hiểu quy định này của pháp luật như thế nào
là vấn đề cần phải được làm sáng rõ khi áp dụng pháp luật.
Trong thực tiễn giải thích và áp dụng pháp luật về
lĩnh vực bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, có thể
nói là có nhiều ý kiến, quan điểm không đồng nhất. Theo quy định tại
điểm 2 khoản 4 Điều 623 BLDS 2005, khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu
gia chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để
nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải
liên đới bồi thường thiệt hại. Vấn đề phức tạp ở đây là hiểu thế nào về
việc chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng cũng có
lỗi trong việc để người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
trái pháp luật? Theo quy định của Nghị quyết Số 03/2006/NQ-HĐTP ngày
8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp
dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng thì lỗi của chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu giao chiếm
hữu, sử dụng hợp pháp trong trường hợp này được thể hiện thông qua các
hình thức sau đây: không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy
định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
theo quy định của pháp luật. Như vậy một vấn đề lớn lại được đặt ra và
cần phải tìm được lời giải đáp: như thế nào được coi là không tuân thủ
hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận
chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật. Theo
cách giải thích trên, pháp luật có sự quy định rõ ràng việc bảo quản,
trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Như vậy, theo
lôgic nếu người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ do người
khác sở hữu nhưng không phải là hậu quả của những hành vi nói trên, thì
liệu chủ sở hữu có phải liên đới bồi thường thiệt hại hay không. Mặc dù
được quy định như vậy, nhưng rất khó tìm thấy trong luật pháp những quy
định về việc chủ sở hữu phải về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ như thế nào. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn
trong việc giải thích và áp dụng Điểm 2 khoản 4 Điều 623 BLDS 2005.
Trong những năm gần đây, Nhà nước ta luôn quan tâm,
coi trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, các quy định về
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có trách nhiệm liên đới
bồi thường thiệt hại nói riêng. Vấn đề này được đặc biệt quan tâm nhất
là khi chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương
mại thế giới (WTO) và xuất phát từ quan điểm: thứ nhất, thiệt hại phải
được bồi thường kịp thời và đầy đủ; thứ hai, đảm bảo sự công bằng cho
những người chịu trách nhiệm và giữa những người liên đới chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại; góp phần nâng cao trách nhiệm của cá nhân,
tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình,
đặc biệt là các cơ quan tham gia tố tụng. Có thể nói rằng, đây vừa là
mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, đảm bảo sự công bằng đồng
thời cũng là đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội Việt Nam trong quá
trình hội nhập, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chúng ta.
Song song với việc xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh,
phù hợp với thực tiễn, bảo đảm là một công cụ tạo ra và bảo đảm cho xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh để tạo niềm tin cho người dân, Nhà nước
không ngừng chú trọng đến việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về
bồi thường thiệt hại.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và
hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại, tuy nhiên hiện nay ở nước ta các quy định của pháp luật trong lĩnh
vực này cũng như việc áp dụng các quy định đó còn chưa đáp ứng được nhu
cầu của thực tiễn về sự đầy đủ, tính thống nhất và các yêu cầu khác của
của một thể chế pháp luật trong một xã hội đang phát triển không ngừng.
Các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng như
thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức áp dụng pháp luật khi xác định
trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn tồn tại khá nhiều bất cập trong
việc bảo đảm sự công bằng của các chủ thể khi bị bắt buộc liên đới chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì lẽ đó nên việc hoàn thiện các
quy định của pháp luật về chế định bồi thường thiệt hại, trong đó có
trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là một yêu cầu hết sức cần
thiết đối với Việt Nam chúng ta hiện nay.
Việc xác định rõ ràng một cách tương đối trong trường
hợp nào các chủ thể phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt
hại, trong trường hợp nào thì không có ý nghĩa hết sức quan trọng xuất
phát từ thực trạng của đất nước và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay ở
Việt Nam. Công cuộc đổi mới trong những năm gần đây đòi hỏi sự công minh
của những bản án liên quan đến trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt
hại, tạo niềm tin cho người dân vào sự công bằng của luật pháp nhằm phục
vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh.
Sự nhận thức pháp luật của người dân ngày một được
nâng cao, vì vậy cần thiết phải có sự quy định rõ ràng hơn về trách
nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong thời đại tự do hóa thương mại, thế
giới không ngừng biến đổi và phát triển, đòi hỏi mọi việc cần phải được
giải quyết nhanh chóng, kể cả việc bồi thường thiệt hại do tài sản gây
ra. Tiền đề cho những mục tiêu nói trên bao gồm:
Thứ nhất, sự xây dựng và hoàn thiện nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của nhiều
thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một trật tự pháp
luật cho thị trường để tạo tiền đề cho sự phát triển của hoạt động
thương mại, mang lại sự an toàn cho các chủ thể tham gia vào thị trường
đó. Trong những năm qua sự chuyển biến nền kinh tế một cách mạnh mẽ từ
nền kinh tế tập trung, kế hoạch sang nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa của nước ta được coi là bước cải tổ cơ bản, tác động
đến nhiều vấn đề, hiện tượng xã hội. Điều 15 Hiến pháp 1992 xác định rõ
mục tiêu của nền kinh tế nước ta là làm cho dân giàu, nước mạnh; xã hội
công bằng, dân chủ và văn minh… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật
chất, tinh thần của nhân dân. Nền kinh tế thị trường đương nhiên cũng sẽ
làm phát sinh nhiều quan hệ mới liên quan đến chế định liên đới
bồi thường thiệt hại chưa từng được biết đến trước đây, và điều này đòi
hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật nhằm đảm bảo lợi ích
của các chủ thể tham gia thị trường cũng như của Nhà nước. Nếu pháp luật
có sự quy định rõ ràng trách nhiệm liên đới của các chủ thể trong những
trường hợp cụ thể, cần thiết thì sẽ tạo được niềm tin vào pháp luật của
các nhà đầu tư, những người gia nhập thị trường, góp phần làm cho họ
luôn tin rằng, pháp luật luôn là công cụ hữu hiệu, công bằng được xây
dựng nên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thứ hai, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đòi hỏi các cơ quan
nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, các cơ quan tư pháp không những
phải hoạt động trong phạm vi của pháp luật mà phải hiểu rõ luật pháp khi
áp dụng. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xác định trách nhiệm
liên đới bồi thường thiệt hại. Để bảo đảm sự công bằng trong xét xử thì
không những cần phải có các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn mà
còn cần phải có đội ngũ những người áp dụng pháp luật có trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ cao. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về chế
định liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gắn liền với việc
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở
nước ta. Vì vậy, nó phải được tiến hành theo những yêu cầu và nguyên
tắc của việc xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ, đảm bảo quyền và lợi
ích hợp pháp của các chủ thể khi xác định trách nhiệm liên đới bồi
thường thiệt hại. Rõ ràng việc xây dựng các quy định của pháp luật về
chế định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại phải bảo đảm được hai
yếu tố: i) phải bảo đảm được quyền lợi của người bị thiệt hại do hành
vi trái pháp luật gây ra, điều này được thể hiện ở việc thiệt hại của họ
cần phải được bồi thường kịp thời và đầy đủ. Một trong những yếu tố bảo
đảm cho việc thiệt hại được bồi thường kịp thời và đầy đủ được biểu
hiện thông qua việc xác định rõ phạm vi chủ thể liên đới chịu trách
nhiệm bồi thường; ii) tuy nhiên cũng không vì vậy mà pháp luật bắt buộc
một số chủ thể cùng với các chủ thể khác phải liên đới chịu trách nhiệm
bồi thường thiệt hại mặc dù hành vi của họ hoàn toàn không có mối liên
hệ nào với hậu quả xảy ra, hoặc họ hoàn toàn không có lỗi đối với thiệt
hại xảy ra.
Nếu pháp luật và những người áp dụng pháp luật không
giải quyết được hai vấn đề trên thì dễ xảy ra trường hợp tùy tiện trong
xét xử, kết quả là bản án không công bằng, không phù hợp với những chuẩn
mực pháp lý, đạo đức. Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, một trong
những cam kết của Việt Nam là phải công khai các quyết định của Tòa án,
vì vậy nếu có quá nhiều bản án được thông qua không công bằng, không phù
hợp với những chuẩn mực pháp lý, đạo đức thì niềm tin của người dân đối
với pháp luật sẽ bị giảm sút, và điều này gián tiếp gây tác động đến
công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân
và vì dân ở nước ta, gây cản trở cho quá trình hội nhập toàn diện của
nước ta với thế giới.
Thứ ba, sự tăng trưởng kinh tế không ngừng
trong những năm qua và tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc trong những
năm tới cũng đặt ra nhu cầu phải có sự hoàn thiện hệ thống pháp luật nói
chung và các quy định về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại nói
riêng. Trách nhiệm dân sự, trách nhiệm dân sự liên đới bồi thường thiệt
hại là sự bảo đảm cho các quan hệ tài sản giữa các chủ thể trong lưu
thông dân sự và trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Để có một xã hội
dân sự lành mạnh, hoạt động kinh doanh thương mại phát triển không
ngừng thì cần phải có sự cân bằng về lợi ích giữa các chủ thể tham gia.
Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được điều đó thì pháp luật cần
phải phân định rõ ràng, trong trường hợp nào thì các chủ thể vi phạm
pháp luật phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong
trường hợp nào là trách nhiệm riêng rẽ.
Xã hội càng phát triển thì có sự tham gia ngày càng
nhiều các phương tiện giao thông cơ giới trong quá trình lưu thông và
điều này làm gia tăng nguồn nguy hiểm cao độ. Như đã phân tích ở trên,
việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra theo quy định của Điểm 2 khoản 4 Điều 625 BLDS 2005 được coi là
vấn đề hết sức phức tạp. Quy định “khi chủ sở hữu, người được giao chủ
sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong
việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì
phải liên đới bồi thường thiệt hại” được hiểu chưa thống nhất.
Thứ tư, năng lực của Thẩm phán còn nhiều hạn
chế. Điều này được thể hiện qua việc, cùng một vụ án về bồi thường thiệt
hại nhưng lại có nhiều quan điểm trái ngược nhau; đặc biệt bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong thực tiễn pháp lý ở
nước ta có nhiều quan điểm không đồng nhất. Trong một vụ án, Trần Văn A,
mặc dù biết rằng Phạm Văn T không có bằng lái xe nhưng vẫn cho Phạm Văn
T mượn xe môtô Win 100 cc. Do phóng nhanh, T gây ra tai nạn giao thông
và làm cho chị Nguyễn Thị C bị thương. Có quan điểm cho rằng, căn cứ vào
khoản 4 Điều 627 BLDS 1995 các anh Trần Văn A và Phạm Văn T phải liên
đới bồi thường thiệt hại cho chị Nguyễn Thị C. Quan điểm khác lại cho
rằng, để bắt buộc một người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng, cần phải có đủ 4 điều kiện: i) Phải có hành vi gây thiệt
hại trái pháp luật; ii) phải có thiệt hại thực tế xảy ra; iii) phải có
mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi gây thiệt hại trái pháp
luật; iv) phải có lỗi của người gây thiệt hại. Như vậy, hành vi của anh T
hội đủ 4 điều kiện nói trên nên anh T phải chịu trách nhiệm bồi thường
thiệt hại cho chị C. Hành vi của anh A không thoả mãn bất cứ điều kiện
nào trong 4 điều kiện nói trên, vì vậy anh A không có trách nhiệm liên
đới bồi thường thiệt hại cho chị C, mặc dù anh A là chủ sở hữu chiếc xe
đã gây ra tai nạn. Có nhiều ý kiến về một vụ án như vậy bởi lẽ chưa có
cách hiểu một cách nhất quán khoản 4 Điều 627 BLDS 1995 (khoản 4 Điều
623 BLDS 2005).
Hoàn thiện hệ thống pháp luật là một công việc thường
xuyên, nghiêm túc, có hệ thống và hết sức cần thiết ở mọi quốc gia. Hệ
thống pháp luật nói chung và chế định trách nhiệm dân sự bồi thường
thiệt hại, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản nói
riêng cũng cần phải được nghiên cứu và hoàn thiện để đáp ứng được nhu
cầu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong lĩnh vực này. Vì vậy,
công việc trước hết cần phải làm là hoàn thiện các quy định về trách
nhiệm dân sự liên đới bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự Việt
Nam.
Kết quả nghiên cứu, phân tích cho thấy rằng, cần phải hoàn thiện các quy định sau đây của pháp luật, cụ thể là Bộ luật Dân sự:
Như đã phân tích trên, Việt Nam chúng ta đang trong
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc xây dựng các công
trình được tiến hành mọi nơi. Thực tiễn cho thấy nhiều công trình trong
quá trình xây dựng, vì nhiều lý do khác nhau đã gây thiệt hại cho tài
sản, công trình, nhà cửa liền kề. Ai là người chịu trách nhiệm bồi
thường thiệt hại trong những trường hợp này? Nếu theo quy định của Điều
627, thì chủ sở hữu (ở đây có thể được coi là chủ đầu tư, nhà thầu),
người được chủ sở hữu (ở đây có thể được coi là người thi công) giao
quản lý, phải bồi thường thiệt hại. Như vậy, xuất phát từ ý tứ của điều
luật nói trên, chúng ta khó có thể xác định được, trong trường hợp công
trình đang xây dựng vì bị sụp đổ, sụt lở nên gây thiệt hại cho người
khác thì ai phải bồi thường: chủ đầu tư, người thi công hay cả hai cùng
liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại? Về mặt
khách quan rất khó có thể xác`định được, công trình đang xây dựng bị sụp
đổ, sụt lở là do lỗi của ai, bởi lẽ có ít nhất các chủ thể sau đây tham
gia vào việc thiết kế, xây dựng công trình: Chủ đầu tư, người khảo sát,
người thiết kế, người thi công và người giám sát công trình. Như vậy,
trong số những người nói trên thì chủ đầu tư và người thi công là những
người có mối quan hệ mật thiết với công trình. Còn đối với những người
như khảo sát, thiết kế, giám sát công trình, vì quan hệ của họ với chủ
đầu tư được xác lập trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa họ với chủ đầu
tư, nên họ họ sẽ chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư theo trách nhiệm
trong hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của
người bị thiệt hại, pháp luật nên quy định trách nhiệm liên đới bồi
thường thiệt hại của chủ đầu tư và người thi công. Trên cơ sở sự phân
tích nói trên, có thể thấy, Điều 627 BLDS 2005 cần phải được bổ sung với
nội dung như sau: Chủ đầu tư và người thi công công trình phải liên
đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp công trình
đang xây dựng vì bị sụp đổ, sụt lở gây thiệt hại cho người khác. Tuy
nhiên, cũng phải nói rằng, đây chỉ là một sự gợi ý, bởi lẽ vấn đề này
hết sức phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ và sâu hơn.
Pháp luật nói chung không những của Việt Nam mà của
các nước, cho dù ở đó pháp luật có được coi là tốt nhất, cũng không bao
giờ có thể cụ thể mà chỉ có thể rõ ràng, nhưng thực tiễn lại hết sức
phong phú và đa dạng. Vì vậy, để pháp luật đi vào cuộc sống thì quy định
chung của pháp luật cần phải được cụ thể hóa bằng những văn bản dưới
luật để hướng dẫn thi hành.
Các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Nghị
quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần phải được xây dựng sát với thực
tế, đáp ứng được sự thay đổi không ngừng của các quan hệ xã hội. Không
những thế, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần phải được
xây dựng xuất phát từ những lập luận có tính khoa học, logic. Ở đây luận
án chỉ muốn đề cập đến một số Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
liên quan đến bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, đặc
biệt là phần hướng dẫn cách thức giải quyết bồi thường thiệt hại trong
trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để cho người khác chiếm hữu, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác
theo quy định tại Điểm 2 khoản 4 Điều 623 BLDS 2005.
Cho đến thời điểm này, nội dung Điều 623 BLDS 2005
chủ yếu được giải thích một cách chính thức trong Nghị quyết
03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006. Theo Nghị quyết này, nếu chủ
sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi
trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp
luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo
quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy
định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng
trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Sự
giải thích trong Nghị quyết nói trên cũng chỉ dừng lại ở đó. Như vậy
câu hỏi thế nào là không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy
định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
theo quy định của pháp luật thì chưa được giải thích và hướng dẫn cụ
thể. Vì không có sự giải thích rõ ràng nên có thể hiểu quy định nói trên
theo tinh thần của Thông tư 03-TATC ngày 5/4/1983 của TANDTC hướng dẫn
giải quyết một số vấn đề về bồi thường thiệt hại trong tai nạn ô tô,
theo đó việc không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về
bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy
định của pháp luật được thể hiện như: không khoá xe, không tắt máy
trước khi rời xe hoặc không có biện pháp bảo vệ cần thiết. Có thể nói,
cách giải thích như vậy là khá phù hợp, nhưng chưa đầy đủ. Chưa đầy đủ
bởi lẽ trong nhiều trường hợp, rõ ràng là có lỗi của chủ sở hữu hay
người được chủ sở hữu giao chiếm hữu trong việc để cho người khác chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác nhưng
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC
hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng không quy định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại
mà bắt buộc chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử
dụng phải bồi thường.
Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe
mô tô, nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại,
thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại. Cũng có lẽ chính vì vậy mà
trong thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp Tòa án đã giải thích không
đúng tinh thần của pháp luật khi áp dụng.
Cách giải thích, hướng dẫn nói trên chưa thật thuyết
phục, bởi lẽ trong trường hợp nói trên chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ
đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không
theo đúng quy định của pháp luật. Việc giao xe mô tô cho người không có
bằng lái được coi là hành vi có lỗi trong việc để cho người không có
bằng lái sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ và phải được áp dụng theo Điểm 2
khoản 4 Điều 623 BLDS 2005. Trên cơ sở những phân tích ở trên, chúng ta
thấy rằng, Tòa án nhân dân tối cao nên có sự hướng dẫn cụ thể hơn việc
vận dụng điểm 2 khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 theo hướng, nếu chủ sở hữu,
người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng mô tô, giao mô tô cho
người không có bằng lái sử dụng mà gây thiệt hại, thì phải liên đới cùng
với người trực tiếp gây thiệt hại bồi thường.
Trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam, khi xác định chủ
thể liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, một trong những khó
khăn thường gặp phải đó là khả năng, trình độ nhận thức của Thẩm phán,
của những người áp dụng pháp luật. Không hiếm trường hợp quyết định của
Tòa án bắt buộc chủ thể phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt
hại trong khi chủ thể hầu như hoàn toàn không có lỗi. Bên cạnh đó, cũng
có không ít trường hợp, theo nguyên tắc phải áp dụng trách nhiệm liên
đới bồi thường thiệt hại nhưng quyết định của Tòa án lại không như vậy.
Kết quả là bản án khó có thể bảo đảm được tính công bằng, thuyết phục
cao và như vậy khả năng tranh chấp dễ kéo dài và Tòa án phải xét xử qua
nhiều cấp.
Để tránh những trường hợp nói trên, song song với
việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm liên đới bồi
thường thiệt hại, cùng với việc hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao,
cần phải nâng cao năng lực đội ngũ Thẩm phán của nước nhà. Thực tiễn mấy
chục năm qua cho thấy rằng, khi xét xử các Thẩm phán của chúng ta
thường có thói quen quy chiếu khi áp dụng luật: quy chiếu vào Bộ luật,
quy chiếu vào hướng dẫn của Tòa án tối cao. Rõ ràng, khi xét xử theo
thói quen quy chiếu thì việc nâng cao năng lực của Thẩm phán sẽ gặp rất
nhiều khó khăn và quan trọng là không phù hợp với yêu cầu của công cuộc
cải cách tư pháp. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của công cuộc cải
cách tư pháp ở nước ta là nâng cao năng lực của đội ngũ Thẩm phán để có
được một đội ngũ Thẩm phán giỏi, có khả năng độc lập tư duy, phát hiện
vấn đề.
SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG
ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI “TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN
ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”, MÃ SỐ: LH-08-05/ĐHL. HÀ NỘI NĂM 2009
CÁM ƠN TS. TRẦN THỊ HUỆ – CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT
VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI NHẬN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
CÁC CHUYÊN ĐỀ THUỘC ĐỀ TÀI
0 comments:
Post a Comment