CONGANTPHCM -
Chuyện hy hữu đã xảy ra tại huyện Tịnh Biên, An Giang. Khi thu hồi đất
của dân không bồi hoàn, xã lấy lý do đất công thổ quốc gia. Qua hồ sơ,
toàn bộ diện tích đất trên đã được Ủy ban nhân dân (UBND) xã An Nông
cùng địa chính huyện Tịnh Biên đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất và thế chấp ngân hàng.
Kiểu giải quyết lạ lùng của UBND xã đã đẩy ông Vũ
Hùng Mạnh (SN 1953, ngụ thị trấn tịnh biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An
Giang, nguyên sĩ quan Trung đoàn II, Sư đoàn 330, Quân khu 9 đã phục
viên) và gia đình lâm cảnh trắng tay. Vợ phát bệnh, bốn đứa con bỏ học…,
Người lính năm xưa lao vào vòng khiếu kiện.
Hai lần mất đất
Trong căn nhà trống trước dột sau, ông Mạnh nói trong
nước mắt: “Tài sản tui bị mất hết. Mười lăm năm tui lao vào vòng khiếu
kiện cũng là khoảng thời gian tui chứng kiến sự thờ ơ của chính quyền
địa phương. Gia đình tui lâm vào cảnh khốn khó không gì bù đắp được. Tui
quyết kiện tới cùng”.
Theo hồ sơ ông Mạnh cung cấp, gia đình ông sở hữu 3
ha đất tọa lạc cặp con lộ 55A thuộc xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Năm
1977 chiến tranh biên giới diễn ra, vợ chồng ông Mạnh công tác ở Sư đoàn
330, Quân khu 9. Đất nước hòa bình, ông lại tham gia rà phá bom mìn tại
địa phương. Sau nhiều năm bảo vệ quê hương, vợ chồng ông tìm lại mảnh
đất gia đình thừa hưởng thì phát hiện bị nhiều hộ dân xâm chiếm trái
phép. Năm 1987, huyện Tịnh Biên lập đoàn thanh tra đề nghị trả lại đất
cho gia đình ông.
Ông Mạnh dựng nhà an cư lạc nghiệp. Năm 1992, UBND xã
An Nông ra thông báo cho ông làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất. Ông Mạnh mừng muốn rơi nước mắt khi mảnh đất đã được chính
quyền địa phương thừa nhận. Ông vội đến UBND xã thực hiện nghĩa vụ thuế
để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Nào ngờ, ông Mạnh chưa được
nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị chính quyền địa phương thu
hồi.
Ông Mạnh cho biết, năm 1993 nhà nước thi công con lộ
đi ngang qua phần đất của gia đình, nhà ông bị đập phá bởi “lấn chiếm lộ
giới”. Bản chất người lính buộc ông chấp nhận hy sinh cho địa phương.
Nhưng ngặt nỗi, diện tích đất còn lại đã bị “băm nát”. Ông bấm bụng gom
góp số tiền dành dụm mướn máy san ủi cải tạo lại. Ông Mạnh uất ức: “Khi
mặt bằng phẳng lỳ do vợ chồng tui lấp cát, hai năm sau xã lại quy hoạch
trụ sở UBND xã An Nông ngay chỗ vợ chồng tôi cải tạo đất.
Lần này thì trắng tay! Xã sử dụng toàn bộ diện tích
đất mà không một lời thương lượng”. Không đồng tình với kiểu thu hồi đất
lạ lùng của UBND xã An Nông, ông Mạnh quyết tâm lao vào vòng khiếu
kiện. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Hồng không chịu nổi oan ức và sự thờ ơ của
chính quyền địa phương nên bị tai biến trầm trọng, lúc tỉnh lúc mê, nửa
đêm la hét, khóc lóc vì nỗi oan ức của gia đình. Bốn đứa con của ông
phải bỏ học đi làm thuê làm mướn.
Hôm PV đến nhà, ông Mạnh cho biết bệnh của bà Hồng
không thuyên giảm, lúc bà cười một mình, khi lại nói thầm chuyện chính
quyền địa phương ép gia đình.
Cái lý mơ hồ của chính quyền xã
Suốt 15 năm qua, ông Mạnh liên tục làm đơn khiếu
kiện. Tuy nhiên, yêu cầu của ông lại không được xem xét giải quyết thấu
tình đạt lý. Ngày 22-7-1994, UBND xã An Nông mời vợ chồng ông đến giải
quyết vụ tranh chấp đất. Tại đây, ông Mạnh vẫn một mực yêu cầu xã trưng
dụng phần đất trên phải bồi hoàn theo Luật đất đai.
UBND xã An Nông viện giải: đất của ông Mạnh thuộc
công thổ quốc gia nên thu hồi là hợp lý. Cứ thế qua hàng loạt khiếu nại,
xã vẫn giữ lập luận trên kèm theo lý do ông Mạnh có thời gian dài không
sử dụng phần đất ấy nên xã thu hồi là đúng.
Theo hồ sơ, chúng tôi xét thấy đề nghị của ông Mạnh
là thỏa đáng, bởi lẽ phần đất mà xã trưng dụng đã được chính quyền địa
phương đồng ý cấp quyền sử dụng đất cho ông. Do đó, ông Mạnh đã có tờ
biên nhận cấp quyền sử dụng đất. Năm 1992, hoàn cảnh kinh tế khó khăn,
ông nhờ UBND xã An Nông xác nhận thế chấp biên nhận trên cho Ngân hàng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên vay 9,9 triệu đồng.
Chẳng may cho ông Mạnh, sau khi hoàn vốn và lãi cho
ngân hàng thì cán bộ tín dụng cho rằng biên nhận của ông thất lạc. Lãnh
đạo ngân hàng đã xác nhận cho ông đến UBND xã tiến hành làm thủ tục lại.
Thế nhưng, yêu cầu của ông lại bị từ chối. Nếu đất công thổ quốc gia
thì tại sao UBND xã An Nông lại đồng ý đề nghị làm biên nhận quyền sử
dụng đất và xác nhận cho ông Mạnh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn huyện Tịnh Biên?
UBND xã An Nông viện dẫn lý do chưa thuyết phục khi
cho rằng ông Mạnh không sử dụng đất nên thu hồi, bằng chứng là nhiều năm
liền ông Mạnh vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương xem xét lại việc thu hồi phần
đất của gia đình ông Mạnh, không vì một lý do nào để vợ chồng ông phải
chịu nỗi oan ức suốt 15 năm qua.
SOURCE: BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
0 comments:
Post a Comment