TẤN VŨ
Công ty TNHH Vận
tải biển Quang Phát, trụ sở tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) vừa gửi đơn
kiện ra TAND tỉnh này yêu cầu Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Bình
(thuộc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh) đền bù bảo hiểm cho tàu Quang Phát
09 gặp nạn tại cảng Biên Mậu (Phòng Thành, Trung Quốc).
Tàu mắc cạn
Tàu Quang Phát 09 là loại tàu nhỏ cấp III, chạy ven
bờ không quá 20 hải lý, từng nhiều lần được phía Việt Nam cho phép chở
hàng qua cảng Biên Mậu.
Theo báo cáo sự cố tai nạn của thuyền trưởng tàu
Quang Phát 09, ngày 24-4-2007, khi thủy triều lớn nhất (so với vạch dấu
trên tàu là 3,4 m), tàu được lệnh của cảng trưởng cảng Biên Mậu cho vào
cảng làm hàng. Lúc vào cảng, 1/3 thân tàu phía trước tiếp xúc với cảng,
2/3 thân tàu còn nằm ngoài cảng, đang ở thế song song với cảng thì phần
mũi gặp cạn. Toàn bộ thủy thủ trên tàu đã dùng mọi cách để tời neo tàu
ra khỏi cạn nhưng không được. Khi thủy triều xuống, tàu đã bị xoắn vỏ đổ
nên chỉ một lát sau bị gãy tại khoang hầm số 2, làm nước tràn vào hầm
ngập hết hàng hóa.
Sau đó, vừa báo cáo sự cố tai nạn, thuyền trưởng tàu
Quang Phát 09 vừa làm “kháng cáo hàng hải” gửi giám đốc cảng vụ phía
Trung Quốc đề nghị xác nhận rằng sự cố xảy ra ở trên là khách quan,
không thuộc về lỗi chủ quan của thuyền viên trên tàu. Thế rồi, Quang
Phát đã lập hồ sơ gửi Bảo Minh Quảng Bình đề nghị đền bù bảo hiểm 779
triệu đồng tiền thiệt hại phát sinh từ tai nạn trên.
Lỗi chủ quan?
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bảo hiểm của Quang Phát, ngày
20-6-2007, Bảo Minh Quảng Bình đã có công văn trả lời với nhận định:
Tàu Quang Phát 09 cập cầu làm hàng khi không có hải đồ khu vực cảng,
thuyền trưởng lại chưa có đầy đủ thông tin chính xác về độ sâu của cảng.
Mặt khác, tàu xếp hàng không đúng quy cách (hầm mũi ít xếp hàng, hầm
lái nhiều hàng) làm mớn nước lái tàu lớn nên tàu bị mắc cạn. Ngoài ra,
cũng do tàu xếp hàng không đúng quy cách, kết hợp với đáy biển không
bằng phẳng đã dẫn đến thân tàu bị gãy và bị biến dạng.
Từ các phân tích trên, Bảo Minh Quảng Bình khẳng định
thuyền trưởng tàu Quang Phát 09 đã cố ý đưa tàu vào cảng khi không có
thông tin về điều kiện an toàn của cảng. Trường hợp này rơi vào mục loại
trừ bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển. Do đó,
Bảo Minh Quảng Bình từ chối bồi thường bảo hiểm cho tàu.
Do xài hải đồ cũ?
Ngày 27-6-2007, Quang Phát có công văn gửi Bảo Minh
Quảng Bình phản đối việc từ chối bồi thườngbảo hiểm. Theo Quang Phát,
trên thế giới không có thuyền trưởng nào được quyền biết trước về độ sâu
và chất đáy của thủy diện nơi cầu cảng mình phải cập vào. Hơn nữa, mọi
thông số kỹ thuật của tàu đều đã được trình báo cho cảng vụ. Chỉ có cảng
vụ mới được phép cho tàu di chuyển và thuyền trưởng các tàu phải chấp
hành mệnh lệnh. Việc thuyền trưởng thực hiện lệnh điều động của cảng vụ,
đưa đến tình trạng mắc cạn là khách quan. Ngoài ra, việc xếp hàng lên
tàu là đúng vì đã qua đăng kiểm từ phía Việt Nam.
Ngày 10-7-2007, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh có công
văn gửi Quang Phát kiên quyết từ chối bồi thường bảo hiểm vì cho rằng
hải đồ mà tàu dùng để ra vào cảng Biên Mậu là hải đồ có tỷ lệ
1/1.000.000, xuất bản năm 1982. Đây là loại hải đồ chỉ dùng thao tác cho
tàu chạy tuyến biển xa chứ không thể dùng cho việc dẫn tàu ra vào cảng.
Trong khi đó, hải đồ cảng Biên Mậu do Hải quân Anh sản xuất cập nhất
mới nhất và bán rộng rãi trên thị trường thì tàu lại không trang bị. Mặt
khác, theo khoản 3 Điều 51 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, thuyền trưởng có
quyền từ chối không cho tàu hành trình nếu xét thấy chưa đủ điều kiện an
toàn hàng hải. Ở đây, thuyền trưởng tàu vẫn dẫn tàu vào cảng nên mới
xảy ra tai nạn.
Cứ thế, tranh cãi xung quanh việc bảo hiểm con tàu bị
nạn giữa hai công ty kéo dài cho đến đầu năm 2008 với hàng loạt văn bản
qua lại. Cuối cùng, không thể thỏa thuận được, hai bên phải nhờ tòa
phân định thắng thua. Dự kiến tháng 8 tới, TAND tỉnh Quảng Bình sẽ xét
xử sơ thẩm vụ án.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment