Friday, November 22, 2013

CÔNG BỐ NGUYÊN NHÂN SẬP NHỊP DẪN CẦU CẦN THƠ: NHÀ THẦU NHẬT BẢN PHẢI BỒI THƯỜNG TOÀN BỘ THIỆT HẠI


CauCanTho_mirro NGHĨA NHÂN
Ngày 2 tháng 7 năm 2008, ngay sau buổi “điều trần” của Ủy ban nhà nước điều tra sự cố cầu Cần Thơ (UBĐT) trước tập thể Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch UBĐT, đã có mặt tại buổi họp báo của Chính phủ. Ông cho biết nhà thầu Nhật Bản cùng các bên liên quan đã “tâm phục, khẩu phục” trước kết luận của UBĐT mặc dù ban đầu còn có ý kiến khác nhau.
Mất chín tháng điều tra
Theo bản báo cáo tổng hợp dày 100 trang cùng 10 phụ lục dày trên 1.000 trang tài liệu, dự án cầu Cần Thơ và đường dẫn hai đầu dài 15,85 km, là tuyến tránh QL1A vượt sông Hậu Giang, nối Vĩnh Long với TP Cần Thơ. Sự cố xảy ra ở phần đường dẫn bên bờ Vĩnh Long, thuộc hai nhịp neo của cầu chính, mỗi nhịp dài 40 m.
Để thi công hai nhịp dầm cầu này, nhà thầu phải dựng hệ thống kết cấu đỡ tạm, gồm hai trụ đứng T13 và T14 để gác dàn ngang, dàn dọc móc vào ba trụ chính. Sau đó mới đổ dầm hộp bê-tông nhịp cầu.

Sáng 26-9-2007, khi gần 200 công nhân đang làm việc trên và dưới nhịp cầu thì sự cố sập nhịp dẫn cầu xảy ra bắt đầu từ trụ T13, khiến rất nhiều công nhân ngã từ độ cao 30 m, bị vùi lấp dưới những khối bê-tông khổng lồ.
Cuộc họp chiều 4-10-2007, Thủ tướng quyết định lập Ủy ban nhà nước điều tra sự cố và yêu cầu sau một tháng có kết quả. “Nhưng đi vào cụ thể mới thấy phức tạp. Hiện trường bị đập nát, phá hỏng nên phải điều tra từng bước, thận trọng, chắc chắn” – ông Quân giải thích cho việc chín tháng điều tra mới công bố kết quả.
Đài móng “chân thấp chân cao” gây sập
Do sự cố xảy ra trong khi đang thi công nên đối tượng gây sự cố được xác định là hệ thống kết cấu đỡ tạm phục vụ thi công. UBĐT đã phân tích xuyên suốt từ khâu thiết kế, gia công, lắp đặt kết cấu tạm cho tới các yếu tố bất lợi khác. Kết quả cho thấy kết cấu đỡ tạm làm việc an toàn trong điều kiện không lún lệch móng.
Những ngày trước khi xảy ra sự cố, trời mưa liên tiếp dẫn tới thay đổi nước ngầm. Rồi việc thi công liên tục hai ngày trước đó làm tăng tải nhanh chóng lên hệ kết cấu đỡ tạm, cộng với cộng hưởng dao động do thiết bị trọng tải lớn vận hành trên công trường… UBĐT tính toán, thấy rằng các yếu tố bên ngoài này chỉ ảnh hưởng nhỏ, không thể trực tiếp gây ra sự cố.
Khả năng cuối cùng là tác động của lún lệch, bao gồm hai trường hợp: lún lệch giữa móng trụ tạm với trụ chính, và lún lệch ngay giữa các móng trụ tạm.
UBĐT đã khoan thăm dò hai mũi tại đài móng phía thượng lưu trụ tạm T13. Kết quả cho thấy chỉ cách nhau chưa tới 10 m đã có biến đổi lớn địa chất lớp đất sâu bên dưới: một bên cát xốp, một bên cát chặt vừa. Hậu quả, chịu tải hàng nghìn tấn bên trên, đài móng này bị lún lệch tới 12 mm, khiến cho bốn cột thép liên kết thành chân trụ này bị “chân thấp chân cao”, đẩy hệ số nguy hiểm ở một số điểm hàn, bu-lông liên kết những thanh giằng chủ chốt lên quá cao, dẫn tới đứt vỡ. Không còn được các thanh giằng níu kéo nữa, các cột thép lần lượt bị nén cong, dồn tải sang nhau gây mất ổn định toàn bộ trụ tạm T13, dẫn tới sụp đổ dây chuyền. Hậu quả 54 người tử nạn, 80 người bị thương.
Rủi ro khó lường
Sự cố thảm khốc này hoàn toàn tránh được nếu các nhà thầu khoan thăm dò địa chất kỹ lưỡng khu vực móng trụ tạm và tổ chức thử tải nghiêm túc trước khi đưa hệ trụ tạm vào vận hành. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Quân, ngay trong tiêu chuẩn xây dựng cầu của Mỹ cũng không bắt buộc phải khoan thăm dò nhiều mũi cho một vị trí trụ tạm. Trong quá trình thu thập hồ sơ, UBĐT phát hiện một lá thư của chủ đầu tư ngày 7-3-2007 có yêu cầu thử tải. Tuy nhiên, lá thư không nói rõ phải thử ở những trụ nào. Thực tế, ngày 11-3, nhà thầu có thử tải nhưng ở vị trí khác. Tới tháng 8, khi thi công móng T13-T14 họ không thử tải nữa.
Từ các phân tích trên, UBĐT cho rằng lún lệch trong phạm vi hẹp một đài móng trụ tạm là “tình huống rủi ro, khó lường trước được trong thiết kế thông thường”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Quân cho biết dự án cầu Cần Thơ nơi xảy ra sự cố đều do nhà thầu Nhật Bản đảm nhiệm, trong đó TNK thi công, Nippon giám sát. Vì vậy, toàn bộ thiệt hại phía nhà thầu phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật cũng như hợp đồng ký với chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải). Về trách nhiệm cá nhân, giám đốc dự án người Nhật Bản đã nhận hết về mình, tuy nhiên phía Việt Nam cho rằng cần làm rõ trách nhiệm ở từng khâu, từng người. Hiện tại, sự cố sập cầu chết người đã được khởi tố điều tra hình sự. Cơ quan điều tra Bộ Công an vẫn đang tiếp tục thu thập tài liệu, xác minh kết luận về trách nhiệm hình sự, hành chính của những người liên quan.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=219922
CÁC BẠN ĐỌC THÊM THÔNG TIN VỀ VỤ SẬP CẦU CẦN THƠ TẠI ĐÂY

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code