PGS.TS. ĐINH VĂN THANH – Toà án nhân dân tối cao
1.Ý nghĩa, đặc điểm của trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra
Theo quy định chung của pháp luật thì công dân và
pháp nhân có quyền được bảo vệ tài sản, các lợi ích hợp pháp… Tại Điều
1, Sắc lệnh 97/SL ngày 22.5.1950 đã ghi nhận :"Những quyền dân sự đều
được luật bảo vệ khi người ta hành sử nó đúng với quyền lợi của nhân
dân". Trong Hiến Pháp 1992 (Đạo luật cơ bản của Nhà nước) đối với tài
sản của công dân đã được ghi nhận cụ thể: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu
hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”.
Như vậy, khi tài sản của pháp nhân, của Nhà nước,
hoặc tài sản, tính mệnh, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân
bị xâm hại, Nhà nước sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế nhất định đối
với người có hành vi xâm hại trái pháp luật nhằm mục đích khắc phục
những hậu quả xấu về tài sản và tinh thần, khôi phục lại tình trạng vốn
có ban đầu cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng là một quan hệ pháp
luật dân sự, theo đó người gây ra thiệt hại trong những điều kiện mà
pháp luật quy định phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái
pháp luật của họ gây ra. Trong quan hệ nghĩa vụ này bên bị thiệt hại
được coi là người có quyền và có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại là
người có nghĩa vụ phải bồi thường những thiệt hại đã xảy ra.
Trong đời sống thực tế hiện nay bên cạnh những
thiệt hại do hành vi của con người gây ra, có nhiều thiệt hại do tài sản
là các phương tiện giao thông, máy móc, công trình xây dựng, súc vật
gây ra. Vấn đề xác định trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu, người sử
dụng tài sản, tài sản khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt
hại cho người khác; hoặc trách nhiệm của chủ sở hữu đối với
các thiệt hại do tài sản, tài sản thuộc sở hữu của người đó gây ra
cho con người, cho xã hội ngày càng có ý nghĩa thực tế quan trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật nhiều
vấn đề mới đã xuất hiện và gây khó khăn trong thực thi pháp luật khi
phải áp dụng trách nhiệm dân sự. Để đối phó với tình trạng này, từ lâu
các luật gia trên thế giới đã bàn luận nhiều về chủ đề: làm sao có thể
tạo thêm những điều kiện thuận lợi nhất để bảo vệ nhanh và kịp thời khi
các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm hại.
Các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt
hại do tài sản gây ra đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các
tranh chấp liên quan đến thiệt hại do tài sản gây ra. Theo quy định của
pháp luật tố tụng, người có quyền, lợi ích bị xâm phạm có trách nhiệm
cung cấp chứng cứ và chứng minh (theo nguyên tắc được
quy định tại Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004). Trên thực tế,
quy định này nhiều khi lại rất khó khăn khi thực hiện. Vì vậy, việc
nghiên cứu và đề xuất giảm nhẹ trách nhiệm cung cấp chứng cứ và chứng
minh của bên bị thiệt hại là xu thế được các luật gia quan tâm. Ngoài
ra, cơ sở của trách nhiệm dân sự nói chung còn được xây dựng trên nguyên
tắc lỗi. Theo nguyên lý truyền thống, người bị thiệt hại muốn được bồi
thường còn phải dẫn chứng lỗi của người gây thiệt hại; ngoài ra họ còn
có trách nhiệm chứng minh sự thiệt hại (những tổn thất thực tế) do người
có hành vi vi phạm pháp luật gây ra phải gánh chịu khi do chính lỗi của
người đó gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra đã
mở ra một hướng giải quyết tranh chấp, theo đó, khi tài sản gây ra thiệt
hại, chủ sở hữu, người đang quản lý tài sản đương nhiên bị coi là có
lỗi.
Với quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
tài sản gây ra, quyền lợi của người bị thiệt hại được bảo đảm. Việc xác
định trách nhiệm trên nguyên tắc lỗi và trách nhiệm chứng minh của người
có quyền, lợi ích bị xâm phạm nhiều khi rất phức tạp và có thể còn có
những bất lợi cho người bị thiệt hại. Nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do
cây đổ, nhà cửa công trình bị sụp đổ hoặc do gia súc gây ra… nhưng
không có ai chứng kiến, hoặc thiệt hại thực tế đã xảy ra nhưng không do
lỗi của ai cả (do máy móc, cây cối, nhà cửa, gia súc… gây ra). Vì vậy,
trong những trường hợp này, nếu bắt buộc người bị thiệt hại phải dẫn
chứng lỗi tức là đã gián tiếp hạn chế quyền được đòi bồi thường của họ,
nhất là những trường hợp không phải do con người gây ra mà chỉ do tài
sản gây ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
cũng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ sở hữu, người quản lý tài
sản. Chủ sở hữu, người quản lý tài sản có nghĩa vụ trông coi, quản lý,
không để tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác. Để thực hiện
nghĩa vụ đó, họ phải tuân thủ các quy tắc trong việc sử dụng, bảo quản,
sử dụng…, kịp thời phát hiện nguy cơ tài sản có thể gây thiệt hại cho
những người xung quanh để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục thích hợp.
Khi tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu, người quản lý tài sản bị suy
đoán là có lỗi, trừ trường hợp họ chứng minh được lỗi thuộc về người
khác.
Các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng cũng góp phần làm minh thị các quy định pháp luật về
trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
* Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
là loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng phát sinh khi có sự kiện gây
thiệt hại trái pháp luật của tài sản. Trách nhiệm này phát sinh khi tài
sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại như hoạt động của nguồn nguy hiểm
cao độ gây thiệt hại, cây cối đổ gẫy gây ra thiệt hại, nhà công trình
xây dựng bị sụt, đổ gây thiệt hại, gia súc gây thiệt hại…
- Trách nhiệm được áp dụng cho chủ sở hữu, người
chiếm hữu, sử dụng tài sản – những người có nghĩa vụ trong việc quản lý
tài sản. Đối với những thiệt hại do hành vi của con người gây ra, việc
xác định trách nhiệm bồi thường căn cứ vào việc người nào có hành vi
trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường. Còn đối với BTTH do
tài sản gây ra thì về nguyên tắc trách nhiệm lại thuộc về chủ sở hữu
hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý tài sản đó chứ không phải thuộc
về tất cả mọi người đang chiếm giữ tài sản đó.
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra có trường hợp không cần xem xét đến điều kiện lỗi.
Trong lịch sử phát triển khoa học pháp lý dân sự đã
có nhóm luật gia đề xuất thuyết "trách nhiệm khách quan". Nghĩa là, đã
có thiệt hại xảy ra là phải được đền bù, bồi thường một cách ngang bằng,
không cần biết người gây ra thiệt hại có lỗi hay không có lỗi. Nói cách
khác, thuyết “trách nhiệm khách quan” bãi bỏ và không công nhận điều
kiện lỗi. Khi các cá nhân trong hoạt động đã gây ra thiệt hại (kể cả khi
gặp rủi ro), làm thiệt hại tính mạng, tài sản cho người khác đều phải
có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp như vậy, người bị thiệt hại
có quyền yêu cầu đòi bồi thường mà không cần phải dẫn chứng một lỗi nào
của bên gây thiệt hại cả. Người bị thiệt hại chỉ cần dẫn chứng: sự thiệt
hại thực tế đúng là kết quả (hậu quả) của chính hành vi do phía bên kia
đã gây ra. Người ta cho rằng, mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật về mọi hành vi của mình. Nếu hành vi đó gây thiệt hại
cho người khác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại không cần biết có
lỗi hay không.
Điều này rất đúng nếu thiệt hại không phải do con
người gây ra mà do máy móc, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng hoặc
gia súc gây ra theo nguyên tắc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi
thường. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội và luật pháp, người ta
thấy như vậy là không công bằng. Các luật gia đã quan tâm tìm kiếm
nguyên nhân nội tại của hành vi gây ra thiệt hại và kết luận rằng: Lỗi
phải được xem là một trong những cơ sở, là điều kiện của trách nhiệm dân
sự, dù rằng lỗi trong trách nhiệm dân sự chỉ là điều kiện suy đoán. Để
bảo đảm sự công bằng, thì người gây ra thiệt hại chỉ phải bồi thường
thiệt hại khi họ có lỗi.
Hiện nay trong khoa học pháp lý ở Việt Nam vẫn
tồn tại quan điểm cho rằng: cơ sở phát sinh trách nhiệm pháp lý dân sự
là các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật dân sự. Một trong những yếu tố
cấu thành đó phải là yếu tố lỗi (được xác định theo trạng thái
tâm lý) của người có hành vi vi phạm. Lỗi là một trong các điều
kiện bắt buộc để áp dụng trách nhiệm do hành vi vi phạm pháp luật
gây ra theo nguyên tắc chung đã phân tích ở phần trên. Chính vì vậy
mà quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại,
yếu tố lỗi được đưa vào Điều 604 Bộ luật dân sự; sau đó là các
trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 3, Điều 623 Bộ luật dân
sự năm 2005. (Lưu ý rằng, vấn đề lỗi quy định tại Điều 604 Bộ
luật dân sự áp dụng trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng, còn lỗi trong trách nhiệm dân sự do vi phạm
nghĩa vụ được quy định tại Điều 308 Bộ luật dân sự áp dụng
cho việc vi phạm trong các quan hệ hợp đồng. Khoản 1, Điều 308
đã quy định: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ
dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý
trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”).
2. Trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra và các điều kiện xác định trách nhiệm.
Trong thực tế của đời sống xã hội, có những
thiệt hại phát sinh không phải do lỗi trực tiếp từ con người mà là do
các tài sản, thậm chí do súc vật gây ra. Ví dụ: tường rào đổ, xe bị
hỏng phanh, cây tự nhiên gẫy, ngựa đá, trâu lồng, chó cắn… hay các
thiệt hại phát sinh từ việc kinh doanh sản xuất do máy móc gây ra.
Vậy, trong những trường hợp như thế, rất khó chính
xác và hợp lý khi dựa vào những nguyên tắc có tính chất truyền
thống để áp dụng và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân
sự thuần túy. Dù rằng một số điều luật tại mục 3, Chương XXI
Bộ luật dân sự 2005 đã quy định việc bồi thường thiệt hại
trong một số trường hợp cụ thể như: Điều 625 quy định bồi
thường thiệt hại do súc vật gây ra; Điều 626 quy định bồi
thường thiệt hại do cây cối gây ra; Điều 627 quy định bồi thường
thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra… Đây được
xem là trách nhiệm bồi thường thiệt hại có tính đặc thù
riêng. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại
cũng có những yêu cầu riêng với những đặc trưng riêng.
Các thiệt hại phát sinh được nhiều luật gia cho là
do lỗi vô ý gián tiếp của chủ sở hữu các tài sản gây thiệt hại đó và
việc xác định trách nhiệm dân sự trong các trường hợp này hiện vẫn đang
là một trong những vấn đề hết sức phức tạp và chưa đáp ứng được trong
thực tiễn yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong
cuộc sống. Mặc dù pháp luật dân sự coi lỗi là một trong những điều
kiện bắt buộc để áp dụng trách nhiệm dân sự nhưng lại không đưa ra
định nghĩa rõ ràng về lỗi. Trong một số giáo trình luật dân sự tại các
cơ sở đào tạo luật các tác giả định nghĩa lỗi như là căn cứ để xác
định trách nhiệm dân sự dựa trên trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức
của một người đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra.
Điều này là đúng, nhưng chưa đủ, vì sẽ khó áp dụng trong trường
hợp xác định lỗi của chủ sở hữu do đồ vật thuộc sở hữu của
người đó gây ra.
Hiện nay, trong khoa học pháp lý dân sự của Việt
Nam, khái niệm lỗi được xây dựng trên cơ sở trạng thái tâm lý của chủ
thể do ảnh hưởng quan điểm của các luật gia Liên Xô cũ. Các luật gia
Liên Xô trước đây xây dựng khái niệm lỗi trên hai phương pháp nghiên
cứu sau đây:
Thứ nhất, đưa vào khoa học Luật Dân sự những quy định
và phương pháp nghiên cứu môn khoa học tâm lý, khoa học Luật Hình
sự…là những ngành khoa học có đối tượng và phương pháp nghiên
cứu riêng. (Một vấn đề cần được lưu ý là khái niệm về lỗi
cố ý, lỗi vô ý theo quy định tại khoản 2, Điều 308 Bộ luật dân
sự năm 2005 được xây dựng giống như quy định về cố ý phạm tội
và vô ý phạm tội theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Bộ luật
hình sự năm 1999). Vì vậy, trong khoa học pháp lý dân sự xuất
hiện và chịu ảnh hưởng quan điểm về lỗi như được nói ở trên. Các
luật gia của Liên Xô cũ cho rằng, những nguyên tắc cơ bản của triết học
về tự do ý chí và sự cần thiết về sự hoạt động tích cực của con người
trong sự tác động thay đổi thế giới khách quan là tiền đề tâm lý chung
của khái niệm lỗi trong khoa học pháp lý.
Thứ hai, quan điểm về trạng thái tâm lý của lỗi trong
trách nhiệm dân sự trước đây được xác định trên nền tảng hệ tư tưởng
trong xã hội Xô Viết. Khi đó, việc lý giải về mặt tâm lý khái niệm lỗi
khẳng định một cách thuyết phục rằng, “lỗi là một khái niệm có tính
lịch sử, giai cấp”. Mỗi giai cấp đều có quan niệm của mình về luật
pháp, về luân lý… và mỗi giai cấp có một quan niệm riêng của mình về
lỗi như là căn cứ pháp lý và là tiêu chí quan trọng của trách
nhiệm dân sự. Vì vậy, ý nghĩa của lỗi trong các nước có hệ
thống chính trị, hệ thống pháp luật khác nhau là khác nhau.
Trên cơ sở phân tích các quan điểm khác nhau cũng như
quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau chúng ta thấy rằng nếu
xây dựng khái niệm lỗi chỉ dựa trên tiêu chí thái độ, trạng thái tâm
lý và nhận thức của chủ thể trách nhiệm dân sự đối với hành vi của mình
và hậu quả do hành vi đó gây ra thì khó giải thích được rằng: vì
sao đồ vật (là vật vô tri, vô giác) mà gây ra thiệt hại thì
vẫn phát sinh trách nhiệm dân sự về bồi thường. Trong các
trường hợp xác định được chủ thể là cá nhân, pháp nhân thì
phải xây dựng khái niệm lỗi dựa trên sự quan tâm, chu đáo của chủ thể
trong khi thực hiện nghĩa vụ của mình. Một cá nhân hay pháp nhân, được
coi là không có lỗi nếu khi áp dụng tất cả mọi biện pháp khi thực hiện
nghĩa vụ đã biểu hiện sự quan tâm chu đáo mà tính chất của nghĩa vụ và
điều kiện của đời sống dân sự yêu cầu đối với họ.
Trách nhiệm dân sự phát sinh từ các thiệt hại do tài
sản (có chủ sở hữu) gây ra cho bên có quyền được coi đó là lỗi vô ý nếu
như chủ thể không nhìn thấy trước được những gì mà mọi người chu đáo,
cẩn thận có thể nhìn thấy trong hoàn cảnh tương tự. Thiệt hại phát sinh
khi chủ sở hữu đã không thực hiện sự quan tâm phải có như khi thể hiện
nó trong công việc của mình.
Ví dụ, một người là chủ sở hữu cho người khác
(không có bằng lái xe) mượn ô tô nhưng không hỏi người này có bằng lái
hay chưa. Khi người mượn xe lưu thông trên đường đã gây tai nạn.
Trong trường hợp này, người cho mượn xe ô tô được coi là có “lỗi
gián tiếp” và đương nhiên theo luật thì người cho mượn xe này phải chịu
trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cùng người mượn xe.
Một ví dụ khác, một người đang đi bộ trên vỉa hè bỗng
nhiên bức tường rào của ngôi nhà ven đường đổ sập xuống hoặc cây cối
trong vườn tự nhiên đổ làm gẫy chân, hư hỏng tài sản khác của
người đi bộ đó.
Xem xét trách nhiệm của từng bên đối với thiệt
hại thực tế đã xảy ra ta thấy rằng: Người đi bộ trên vỉa hè và
là người bị thiệt hại đương nhiên không có lỗi (trừ khi có biển
cảnh báo nguy hiểm, cấm không được qua lại và vẫn cố tình đi
ngang qua). Bức tường rào hoặc cây cối bị đổ cũng không do một lực tác
động trực tiếp của một chủ thể nào. Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm
bồi thường bồi thường cho người bị gẫy chân và tài sản hư hỏng
của người đó (nếu có) ? Trong trường hợp này, nếu người chủ sở hữu
của bức tường rào hoặc cây cối đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự,
thì việc bồi thường cho người bị thiệt hại sẽ được thực hiện theo hợp
đồng bảo hiểm; hoặc trong trường hợp người bị thiệt hại đã mua
bảo hiểm thân thể, thì cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm
bồi thường. Nhưng ở Việt Nam thực tế về bảo hiểm này ít xảy
ra. Thông thường người ta chỉ mua bảo hiểm cho tài sản mà có
sự bắt buộc phải mua, ví dụ mua bảo hiểm cho xe ô tô (thân xe,
vỏ xe, máy…) hoặc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Như vậy, thiệt hại xảy ra nhất thiết phải có
nguyên nhân xác định mà không thể là tự nhiên. Theo quan điểm
của triết học, nguyên nhân và kết quả luôn có mối liên hệ nối tiếp
nhau, nguyên nhân bao giờ cũng đi trước, là cái sinh ra kết quả; nhưng
một kết quả có thể lại do nhiều nguyên nhân sinh ra hoặc ngươc lại.
Vì vậy khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai, cần
xem xét thiệt hại đó do các nguyên nhân nào gây ra, các nguyên nhân đó
do đâu mà có v.v… Nếu không xác định được mối quan hệ nhân quả, nghĩa
là không xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại sẽ dễ dẫn đến các
sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự. Trong trường hợp này, chúng
ta nói đến trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu bức tường rào hoặc cây
cối. Khi người chủ xây bức tường rào hoặc tự trồng cây, đương nhiên
sẽ là chủ sở hữu của bức tường rào hoặc cây đó. Người chủ sẽ có đầy đủ
các quyền, nghĩa vụ đối với bức tường rào, cây cối. Một trong các nghĩa
vụ đó là tuân thủ các quy định chuẩn mực về xây dựng cũng như các quy
định về an toàn xây dựng hoặc quy tắc về trồng cây. Sự kiện bức
tường rào, cây cối bị đổ, nguyên nhân sẽ là do người chủ đã vi phạm các
quy định về an toàn xây dựng hoặc trồng cây, nhưng cũng có thể
không có bất kỳ việc vi phạm nào. Sự kiện xảy ra ngoài mong
đợi và nằm ngoài ý chí mong muốn của chủ sở hữu. Nói cách
khác chủ sở hữu không thể kiểm soát được. Nhưng, chủ thể chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ là người chủ
xây dựng bức tường rào hoặc cây cối với tư cách là chủ sở hữu
đồ vật.
Đối với trường hợp xác định được chủ thể vi
phạm, người vi phạm muốn được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại
thì họ phải chứng minh rằng mình không có lỗi hoặc do sự kiện bất
khả kháng; hoặc nếu họ chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra là
do những yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của
họ. Các yếu tố miễn trừ trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại của
người có hành vi vi phạm pháp luật thông thường là yếu tố bất khả
kháng.
* Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Gồm có 4 điều kiện sau đây:
= > Một là: Có thiệt hại thực tế về tài sản. Trong
trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc xác định thiệt
hại về tài sản được coi là tiền đề quan trọng phải có trước tiên. Phạm
vi của trách nhiệm bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiệt hại thực
tế đã xảy ra. Đó là những tổn thất thực tế, tồn tại khách quan và ai
cũng phải thừa nhận.
Xác định đúng thiệt hại để ấn định mức bồi thường cụ
thể là một vấn đề khó khăn và rất phức tạp. Nguyên tắc của tính toán
thiệt hại là: Đó là những thiệt hại về vật chất (thiệt hại về tài sản)
hoặc là những chi phí những thu nhập thực tế bị giảm sút hay bị mất do
có sự thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ đưa đến. Hoặc là những lợi ích
vật chất thực tế khác bị mất đi do người vi phạm đã gây ra cho người bị
thiệt hại. Một số luật gia Sài Gòn trước đây và một số luật gia phương
tây cho rằng việc xác định thiệt hại phải có đủ ba điều kiện sau đây:
- Sự thiệt hại phải là sự đụng chạm đến quyền lợi chính đáng. Tức là quyền lợi đó phải phù hợp với pháp luật, không phi pháp.
- Sự thiệt hại phải chắc chắn hoặc có đủ các yếu tố để ước lượng nó là có thật hoặc sẽ có trên một cơ sở khoa học.
- Sự thiệt hại phải trực tiếp, vì rằng pháp luật
không thể bắt buộc người gây thiệt hại phải gánh chịu tất cả hậu quả của
hành vi của mình một cách vô tận (không có giới hạn) mà chỉ là thiệt
hại trực tiếp do kết quả của hành vi có lỗi và trái pháp luật.
Một số án lệ của Pháp còn xác định thiệt hại thành
một số tiền nhất định và người có hành vi động chạm đến các giá trị tinh
thần như: tôn giáo, tín ngưỡng phải bồi thường. Tuy nhiên, quan điểm
này cũng bị dư luận xã hội chỉ trích nhiều (* Xem thêm: Vũ Văn Mẫu, Dân
luật Việt Nam lược khảo, Tủ sách Đại học Sài Gòn 1971).
Pháp luật Việt Nam hiện hành coi người có hành vi xâm
phạm đến các lợi ích nhân thân như uy tín, danh dự, nhân phẩm… là trái
pháp luật. Trước đây, việc bồi thường trong các trường hợp này chưa được
quy định cụ thể và cũng chưa được áp dụng trong thực tiễn. Sau khi ban
hành Bộ luật dân sự năm 1995, một số bản án đã xét xử coi đây là việc
khắc phục tổn thất về tinh thần và buộc người có hành vi vi phạm bồi
thường một số tiền nhất định. Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2005 xác định
thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cụ thể bao gồm: Tài sản bị mất; bị huỷ
hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài
sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Các thiệt hại về: sức khoẻ được quy định trong Điều
609 Bộ luật dân sự; thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm được quy định
trong Điều 610 Bộ luật dân sự; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín
bị xâm phạm được quy định trong Điều 611 Bộ luật dân sự…
Ngoài việc bồi thường cho những đối tượng trực tiếp
bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản, còn có những thiệt hại
gián tiếp, có những thiệt hại chưa phát sinh ngay mà ảnh hưởng về lâu
dài và chủ thể gây thiệt hại phải có trách nhiệm ngăn chặn, khôi phục
nguyên trạng: tình trạng như trước khi chưa xảy ra thiệt hại.
= > Hai là: Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật.
Việc xác định hành vi trái pháp luật trong
trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng có những đặc trưng
riêng. Xác định “tính trái pháp luật” dựa trên nguyên tắc và cơ sở pháp
lý do pháp luật quy định trước. Các bên không biết và cũng không thể có
sự thoả thuận về vấn đề này. Theo nguyên tắc chung: mọi hành vi xâm phạm và dưới bất kỳ hình thức nào (có lỗi cố ý, vô ý, vô ý nặng, vô
ý nhẹ… thậm chí không có lỗi áp dụng trong trường hợp do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra) nhưng đã xâm phạm đến quyền tuyệt đối của một chủ
thể nhất định đều bị coi là hành vi trái pháp luật.
Khoản 3, Điều 623 Bộ luật dân sự đã quy định :”Chủ sở
hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao
độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau
đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Hành vi gây thiệt
= > Ba là: Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Người có gây thiệt hại chỉ phải chịu trách nhiệm dân
sự khi nào những thiệt hại về tài sản xảy ra là kết quả của chính hành
vi trái pháp luật của người đó. Tức là hành vi trái pháp luật của
người gây thiệt hại phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại về tài sản cho
người bị thiệt hại: nguyên nhân có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.
Dưới góc độ triết học, mối quan hệ nhân quả là mối
liên hệ phổ biến giữa các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên và trong
xã hội. Phạm trù quan hệ nhân quả là yếu tố khách quan, tồn tại ngoài ý
thức của con người. Do vậy, giữa nguyên nhân và kết quả phải có mối
liên hệ nội tại, tất yếu. Tính tất yếu thể hiện: sự vận động là nguyên
nhân đương nhiên xuất hiện kết quả nhất định: gây ra thiệt hại thực tế.
Nguyên nhân và kết quả phải xảy ra trong một không gian xác định, nối
tiếp nhau trong một thời gian nhất định và bao giờ nguyên nhân cũng phải
xảy ra trước kết quả.
Quan hệ nhân quả có ý nghĩa quan trọng trong việc quy
kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do vậy, khi xem xét và đánh giá
mối quan hệ nhân quả cần phân biệt nguyên nhân với điều kiện, nguyên
nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Chỉ khi nào xác định được rõ
ràng rằng hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại có ý nghĩa
quyết định trong việc làm phát sinh thiệt hại thực tế, thì người đó mới
phải chịu trách nhiệm bồi thường.
= > Người gây thiệt hại có lỗi.
Theo truyền thống khoa học luật dân sự: lỗi được
hiểu là yếu tố chủ quan nói lên thái độ tâm lý của con người có khả
năng đánh giá và nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và hậu
quả của hành vi đó. Lỗi là một trong bốn điều kiện của trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng và có ý nghĩa quan trọng trong việc
quyết định mức độ trách nhiệm bồi thường. Dưới góc độ khoa học luật dân
sự nói chung khi người có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền
tuyệt đối của chủ thể khác sẽ bị suy đoán là có lỗi.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng
được coi là một trong những công cụ pháp lý có ý nghĩa thực tế quan
trọng bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân và pháp nhân. Vì
vậy, Trong Luật Hình sự lỗi được coi là dấu hiệu của cấu thành tội
phạm. Xác định đúng tính chất và mức độ lỗi của tội phạm là một trong
những điều kiện cần thiết để định tội danh và quyết định hình phạt. Vì
rằng, có những trường hợp cùng có những biểu hiện khách quan về hành vi
như nhau, nhưng tính chất và mức độ lỗi khác nhau sẽ có kết luận khác
nhau về tội danh và hình phạt.
Trong luật dân sự cũng có sự phân biệt tính chất và
mức độ lỗi (mức độ lỗi cố ý và vô ý. Trong lỗi vô ý có vô ý nặng và vô ý
nhẹ). Sự phân biệt này, tuy nhiên chỉ có ý nghĩa trong một số trường
hợp nhất định. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
người có hành vi trái pháp luật bị coi là có lỗi khi xâm phạm quyền,
lợi ích hợp pháp của người khác.
Vì vậy, có những trường hợp xảy ra ngoài ý chí mong
muốn của người có hành vi trái pháp luật như: bão, lụt do thiên tai
hoặc những trở lực khách quan khác mà con người không có khả năng để
khắc phục. Do đó, tuỳ từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể mà có thể giảm
hoặc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có hành vi trái
pháp luật trên cơ sở xác định lỗi.
Theo nguyên lý chung, các điều kiện xác định trách
nhiệm dân sự do tài sản gây ra, về cơ bản cũng tương tự như các điều
kiện đã phân tích trên đây. Tuy nhiên, các điều kiện xác định trách
nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ cần ba điều kiện sau đây:
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Việc xác định tổn thất trong trường hợp này có thể
dựa trên cơ sở thuyết “trách nhiệm khách quan”, mà không cần xét đến yếu
tố hành vi gây thiệt hại trái pháp luật và yếu tố lỗi của chủ sở hữu.
Sẽ là không hợp lý khi một tài sản gây thiệt hại lại
xét đến yếu tố hành vi. Thuật ngữ hành vi gây thiệt hại trái pháp luật
chỉ đúng khi thiệt hại do con người – thực thể của quan hệ xã hội và là
chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự – gây ra. Vì vậy, trong trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ cần xác định đúng sự kiện
gây thiệt hại là nguyên nhân trực tiếp làm tổn thất tài sản thực tế,
giữa chúng có mối quan hệ nhân – quả, thì chủ sở hữu tài sản phải là
người chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây
ra không cần xét đến yếu tố lỗi. Theo quan niệm truyền thống yếu tố tố
lỗi chỉ được xem xét khi gắn với một chủ thể xác định. Vì vậy, gắn lỗi
cho tài sản khi chúng gây thiệt hại là không thể xảy ra. Tuy nhiên, lỗi
của chủ sở hữu sẽ phải xét đến trong một số trường hợp nếu chủ sở hữu
thông qua tài sản mà có những tác động, quản lý không tốt hoặc không
đúng quy trình quản giữ… để tài sản gây thiệt hại. Đối với thiệt hại
thường chỉ là tổn thất thực tế, thiệt hại gián tiếp cũng được xét đến
nếu thiệt hại xảy ra đối với con người.
3. Vấn đề xác định chủ thể chịu trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra.
Trong thực tế, nhiều trường hợp sự kiện gây
thiệt hại của đồ vật diễn ra trong một quá trình và có thể nói là
không liên quan gì đến trạng thái tâm lý hay nhận thức của chủ sở
hữu. Nói cách khác sự kiện gây thiệt hại của đồ vật nằm ngoài mong
muốn cũng như sự kiểm soát của chủ sở hữu. Để nâng cao trách
nhiệm của chủ sở hữu trong chiếm hữu, sử dụng tài sản và
theo nguyên tắc công bằng thông thường thì chủ sở hữu đồ vật
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đồ vạt thuộc
sở hữu hoặc quyền quản lý của mình gây ra.
Tuy nhiên, có những trường hợp nguyên nhân gây
thiệt hại trực tiếp là đồ vật, nhưng ẩn giấu sau đó lại là
việc làm có chủ định của con người. Vụ chất thải công nghiệp
của Công ty bột ngọt Vedan trên sông Thị Vải gần đây là một ví
dụ. Nếu nhìn hiện tượng thì thiệt hại dường như là do máy
móc gây ra, nhưng con người vẫn có thể kiểm soát và kiềm chế
được thiệt hại này nhưng đã cố ý không làm hoặc bỏ mặc ! (xem
Báo Tuổi trẻ số 258/2008 (5581) số ra ngày thứ bảy, 20/9/2008).
Việc xác định chủ thể trong trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do tài sản gây ra cũng có những điểm khác biệt. Nếu xác định
chính xác chủ sở hữu đối với tài sản, thì chủ sở hữu phải chịu trách
nhiệm bồi thường là công bằng và hợp lý. Nhưng sẽ rất phức tạp nếu
“người đó’ chỉ có quyền quản lý mà không phải là chủ sở hữu. Chẳng hạn,
việc quản lý cây cối của công ty công viên và cây xanh. Thực tế đã có
những thiệt hại loại này xảy ra, nhưng việc quy kết trách nhiệm cho chủ
thể phải bồi thường là rất phức tạp. Không ít trường hợp có thiệt hại
xảy ra nhưng không quy kết được trách nhiệm bồi thường cho ai! Trong
những trường hợp này đương nhiên chủ thể bị thiệt hại phải chịu thiệt
thòi.
Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng, cần xác định theo tiêu chí sau:
- Tài sản đó xác định rõ chủ sở hữu và chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, thì chủ sở hữu phải bồi thường.
- Nếu tài sản được chủ sở hữu chuyển giao cho người
khác quyền chiếm hữu, sử dụng (thông qua hợp đồng thuê tài sản, thuê
khoán…) theo ý chí của chủ sở hữu cần xác định: Nếu có lỗi của người
chiếm hữu, sử dụng, thì người chiếm hữu sử dụng có trách nhiệm bồi
thường; nếu người chiếm hữu, sử dụng không có lỗi mà thiệt hại do chính
tài sản gây ra (mà người sử dụng không thể biết và luật cũng không buộc
phải biết) như đổ nhà, sập trần, xe ô tô bị bất ngờ gẫy khung xe… thì
chủ sở hữu phải bồi thường.
- Chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao trách
nhiệm quản lý, thì những người này có trách nhiệm bồi thường. Trong
trường hợp này cần quy định là trách nhiệm liên đới để bảo đảm việc khắc
phục được nhanh chóng, bảo đảm lợi ích cho người bị thiệt hại.
Cần lưu ý rằng, Điều 626 và Điều 627 Bộ luật dân sự
năm 2005 quy định hai trường hợp không phải bồi thường là: thiệt hại xảy
ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả
kháng. Đây cũng là một thực tế rất phức tạp, vì rằng nếu vì sự vô ý của
chủ sở hữu hoặc của người được giao quản lý thì cũng rất khó quy kết
trách nhiệm bồi thường. Ví dụ: cây bị mục rễ tự nhiên đổ không phải do
bão, lụt (là những sự kiện bất khả kháng thông thường); hoặc có những
công trình công cộng lâu năm mà sức bền vật liệu hoặc thời hạn sử dụng
đã hết… tự nhiên đổ, thì cũng rất khó khăn khi xác định trách nhiệm. Nên
chăng, cần có quy định về trách nhiệm kiểm tra tài sản định kỳ nhằm
phòng tránh rủi ro cho những người xung quanh.
4. Kiến nghị
Qua nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật dân sự Việt
Nam và một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy cho đến nay, trách
nhiệm dân sự trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
vẫn là một vấn đề phức tạp. Thông lệ và tập quán quốc tế liên quan
tới bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra tuy xảy ra trên thực tế
nhưng vẫn chậm phát triển và thiếu tiền lệ pháp lý. Song khoa học
pháp lý dân sự hiện đại không thể phủ nhận ý nghĩa quan trọng của
nó trong việc hạn chế những sự kiện xâm hại của tài sản. Mục tiêu
của các quy định này nhằm góp phần khắc phục nhanh chóng các
tổn thất, duy trì và phát triển trật tự xã hội một cách bền vững.
Việc khôi phục các thiệt hại do tài sản gây ra tương tự như việc khôi
phục thiệt hại do các chủ thể khác gây ra. Vì vậy, việc nghiên
cứu, tìm hiểu nhằm hoàn thiện và bổ sung các quy định pháp luật liên
quan đến trách nhiệm pháp lý dân sự trong bồi thường thiệt hại do
tài sản gây ra để điều chỉnh một cách đầy đủ, chặt chẽ và hợp lý những
quan hệ phát sinh nếu có là rất cần thiết, có ý nghĩa về nhiều
phương diện.
Để đạt được mục tiêu đó, cần xây dựng, hoàn thiện
hệ thống các quy định pháp luật thống nhất, đầy đủ nhằm điều chỉnh một
cách phù hợp và chặt chẽ các quan hệ trong lĩnh vực bồi thường thiệt
hại do tài sản gây ra. Theo đó: Cần quy định đặc thù về trách nhiệm dân
sự trong bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra đối với các
trường hợp cá biệt như: bồi thường thiệt hại do tài sản là
động sản, là bất động sản, máy móc, thiết bị… để đạt được tính
thống nhất và phù hợp. Quy định một cách đầy đủ và có hệ thống các loại
trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại do tài gây ra, các trường
hợp cần áp dụng trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại
để có thể thuận tiện khi áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở
pháp lý cho việc áp dụng trong thực tiễn thi hành.
Quy định chi tiết các quy định bồi thường thiệt
hại do tài sản gây ra làm cơ sở cho việc xác định thiệt hại vật chất
và một số thiệt hại về tinh thần – là một yếu tố cơ bản và quan
trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường – dựa vào đặc điểm và
tính chất của các thiệt hại do tài sản gây ra trên thực tế. Để xác định
được một cách tương đối chuẩn xác và đầy đủ các thiệt hại do đồ tài sản
gây ra, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải áp dụng
nhiều phương pháp, cách thức khác nhau phù hợp với tính chất và mức độ
của thiệt hại.
SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG
ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI “TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN
ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”, MÃ SỐ: LH-08-05/ĐHL. HÀ NỘI NĂM 2009
CÁM ƠN TS. TRẦN THỊ HUỆ – CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT
VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI NHẬN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
CÁC CHUYÊN ĐỀ THUỘC ĐỀ TÀI
0 comments:
Post a Comment