Saturday, November 23, 2013

Nguyên tắc Paris và các cơ chế bảo đảm nhân quyền quốc gia trên thế giới

HumanRights Nguyên tắc Paris và các cơ chế bảo đảm nhân quyền quốc gia trên thế giớiKhoa học Pháp lý – Phaply.com.vn : “…Bản chất chính trị của Ủy ban cần phải được đặc biệt lưu ý trong bối cảnh diễn biến hòa bình đã chuyển sang làn sóng thứ 3[5] với sự trỗi dậy mạnh mẽ của tổ chức xã hội dân sự và chủ nghĩa tư bản đã đẩy cao đến trạng thái độc quyền tuyệt đối của nó dưới hình thức đội lốt của chủ nghĩa tư bản nhân văn (humane capitalism) hay chủ nghĩa tư bản bộ mặt người (human-faced capitalism). Thực chất sự vận động ấy vẫn chưa thể làm thay đổi bản chất bóc lột và vi phạm các QCN hàng loạt của nó. Đó không khác gì hơn là một dạng thức mới của chủ nghĩa đế quốc mà ngày nay có thể được gọi dưới cái tên chủ nghĩa tư bản toàn cầu (global capitalism)…”
1. Nguyên tắc Paris và nền tảng hình thành các cơ quan nhân quyền quốc gia
Tháng 12/1993, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết 48/134 quy định các nguyên tắc về quy chế của các cơ quan quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (QCN)[1], được gọi là Nguyên tắc Paris. Nguyên tắc Paris bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
1. Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
2. Cơ quan nhân quyền quốc gia (CQNQQG) được xác lập bằng một đạo luật hay luật mang tính hiến định hoặc luật định, quy định chi tiết về thành phần, cơ cấu và phạm vi, thẩm quyền.
3. CQNQQG thực thi các nghĩa vụ sau:
(a) Đệ trình lên Chính phủ, Nghị viện và các cơ quan thẩm quyền có liên quan trên cơ sở tham vấn hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền liên quan hoặc thông qua việc thực hiện thẩm quyền của mình nhằm đánh giá về một vấn đề nhân quyền nào đó mà không cần đến sự đề nghị của cấp trên, nêu chính kiến, đề xuất, kiến nghị và báo cáo về bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. CQNQQG có thể quyết định công khai các vấn đề đó trước công chúng. Các quan điểm, đề xuất, kiến nghị và báo cáo này, cũng như bất cứ sự đánh giá nào của CQNQQG cần phải xem xét những khía cạnh sau đây:
(i)                    Các quy định hành chính và lập pháp, cũng như các quy định liên quan đến các cơ quan tư pháp, liên quan đến việc tăng cường bảo vệ QCN. Trên cơ sở đó, CQNQQG sẽ đánh giá các quy định hành chính và luật hiện hành, cũng như các dự luật, kiến nghị, đề xuất; đồng thời đưa ra những kiến nghị phù hợp để bảo đảm rằng các quy định này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc nhân quyền cơ bản. CQNQQG, khi phù hợp, cần đề xuất việc thông qua một luật mới, sửa đổi luật hiện hành và thông qua hoặc sửa đổi các biện pháp hành chính.
(ii)                   Quyết định xem xét đối với bất cứ sự vi phạm nhân quyền nào xảy ra.
(iii)                  Soạn thảo các báo cáo về tình hình trong nước liên quan đến nhân quyền nói chung và về các vấn đề cụ thể nói riêng.
(iv)                  Đề nghị Chính phủ lưu tâm đến các vụ việc vi phạm xảy ra ở bất cứ nơi nào trong lãnh thổ quốc gia khi các QCN bị vi phạm và đưa ra những kiến nghị, đề xuất đối với vấn đề đó, đưa ra sáng kiến nhằm chấm dứt tình hình vi phạm như vậy; đồng thời khi cần thiết bày tỏ quan điểm về vị trí và phản ứng của Chính phủ.
(b) Thúc đẩy và đảm bảo sự hài hòa giữa pháp luật, quy định và thực tiễn quốc gia với các văn kiện nhân quyền quốc tế mà quốc gia ấy là thành viên, cũng như việc thực thi hiệu quả.
(c) Khuyến khích việc phê chuẩn các văn kiện nhân quyền hay gia nhập các văn kiện này, đồng thời nhằm đảm bảo việc thực hiện chúng.
(d) Đóng góp vào các báo cáo mà các quốc gia thành viên được yêu cầu phải đệ trình lên các cơ quan và Ủy ban của LHQ, và lên các cơ quan khu vực, theo nghĩa vụ của mình; đồng thời, khi cần thiết, bày tỏ quan điểm về vấn đề này trên cơ sở tôn trọng tính độc lập của họ.
(e) Hợp tác với LHQ và cơ quan khác trong hệ thống LHQ, các thể chế khu vực và cơ quan quốc gia của các quốc gia khác phù hợp với các lĩnh vực tôn trọng và thúc đẩy nhân quyền.
(f) Hỗ trợ vào việc thành lập các chương trình giảng dạy, nghiên cứu trên lĩnh vực nhân quyền tại các trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ.
(g) Công khai hóa các quyền con người và những nỗ lực nhằm đấu tranh chống lại tất cả các hình thức phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt chủng tộc, thông qua việc tăng cường nhận thức công chúng, đặc biệt thông qua giáo dục và thông tin, truyền thông và sử dụng các cơ quan báo chí.
Thành phần cơ cấu của CQNQQG phải bảo đảm nguyên tắc độc lập và tính đại diện rộng rãi như sau:
Thứ nhất, tính đại diện rộng rãi bao gồm: (a) Các tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm nhân quyền và nỗ lực đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, các tổ chức công đoàn, các tổ chức nghề nghiệp và xã hội liên quan, chẳng hạn, hội luật sư, hội thầy thuốc, hội nhà báo, hội các nhà khoa học; những xu hướng tư tưởng tôn giáo và triết học; (c) các trường đại học và các chuyên gia kinh nghiệm; (d) Nghị viện; (e) các bộ, ban ngành của Chính phủ (nếu các cơ quan này được bao hàm, những người đại diện của họ nên chỉ tham gia vào các cuộc tranh luận với tư cách tham vấn).
Thứ hai, được cung cấp ngân sách và độc lập về tài chính.
Thứ ba, độc lập về nhân sự (quy trình lựa chọn, bổ nhiệm độc lập, được trao thẩm quyền độc lập nhất định,…).
Theo quy định của Nguyên tắc này, trong phạm vi hoạt động của mình, CQNQQG phải thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
(a) Xem xét một cách độc lập đối với bất cứ vấn đề nào nằm trong thẩm quyền của mình, dù là chúng được chính phủ đệ trình hay được xử lý theo một cơ quan có thẩm quyền cao hơn, theo đề xuất của các thành viên của mình hoặc bất cứ người khiếu kiện nào.
(b) Gặp gỡ bất cứ cá nhân nào và lấy thông tin và các tài liệu cần thiết cho việc đánh giá về các vụ việc vi phạm trong thẩm quyền của mình.
(c) Giải quyết dư luận trực tiếp hay thông qua bất cứ cơ quan báo chí nào, đặc biệt nhằm công khai hóa chính kiến và đề xuất của mình.
(d) Họp thường xuyên và bất cứ khi nào cần thiết với sự hiện diện của tất cả các thành viên sau khi họ thấy được sự quan ngại.
(e) Thành lập các nhóm làm việc trong số các thành viên khi cần thiết và thành lập các phân bộ khu vực và địa phương nhằm trợ giúp cho việc thực hiện các chức năng của mình.
(f) Duy trì tham vấn với các cơ quan khác, dù là theo thẩm quyền tài phán hoặc không, chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền (đặc biệt là, thanh tra Quốc hội, người hòa giải hay các cơ quan tương tự khác).
(g) Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoạt động của các CQNQQG; vì vậy cần xây dựng các quan hệ với các tổ chức phi chính phủ cống hiến trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, vào sự phát triển kinh tế và xã hội, vào đấu tranh chống chủ nghĩa chủng tộc, vào việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt (đặc biệt là trẻ em, lao động di cư, người tị nạn, những người bị khuyết tật về trí tuệ và vận động) hoặc đối với các lĩnh vực đặc biệt khác.
Một điểm hết sức quan trọng đó là việc nhấn mạnh đến thẩm quyền tương tự xét xử (quasi-jurisdictional competence) của CQNQQG (chẳng hạn, đó là Ủy ban) theo Nguyên tắc này. Theo đó, một cơ quan quốc gia có thể có thẩm quyền xem xét và giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến các vụ việc vi phạm đối với cá nhân. Các vụ việc có thể được Ủy ban xem xét và xử lý bởi những cá nhân, người đại diện của họ, các bên thứ ba, các tổ chức phi chính phủ, các hội và tổ chức công đoàn hay bất cứ các tổ chức đại diện nào khác. Nguyên tắc này cũng chỉ ra những thẩm quyền và chức năng của một CQNQQG (như Ủy ban) khi xem xét các vụ cáo buộc vi phạm, đó là: (a) Tìm kiếm việc giải quyết thông qua hòa giải hoặc theo quy định của pháp luật, thông qua các quy đinh ràng buộc, trên cơ sở tin cậy; (b) thông báo cho bên khiếu nại về các quyền của họ, đặc biệt là các biện pháp khắc phục (bồi thường), và thúc đẩy việc tiếp cận đối với các quyền của người bị hại; (c) xem xét và giải quyết các khiếu nại hoặc khiếu kiện hoặc chuyển chúng đến cơ quan chức năng có thẩm quyền theo phạm vi quy định của pháp luật; (d) đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là bằng việc đề xuất những sửa đổi hoặc cải cách các luật, quy định và thực tiễn hành chính, trong trường hợp có những rào cản về thể chế cho những người khiếu kiện để bảo vệ các quyền của họ.
Kể từ khi được LHQ thông qua đến nay, sau hai thập kỷ, Nguyên tắc Paris đã trở thành nền tảng quy tắc hướng dẫn và chuẩn mực của LHQ cho việc hình thành tổ chức và hoạt động của các CQNQQG trên toàn thế giới, góp phần quan trọng vào việc định hình các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, trong đó đáng chú ý là việc hoàn thiện cơ chế quốc gia bảo đảm nhân quyền.
2. Các cơ chế bảo đảm nhân quyền
Cơ chế chính thức bảo bảo đảm QCN bao gồm ba cơ chế chủ yếu đó là cơ chế của LHQ, cơ chế khu vực và cơ chế quốc gia.
2.1. Cơ chế LHQ
Cơ chế bảo đảm quốc tế về QCN là hệ thống các quy phạm, chuẩn mực, nguyên tắc ràng buộc pháp lý quốc tế về QCN cùng với những chế tài (như Hội đồng Nhân quyền, Uỷ ban Công ước, thủ tục, toà án,..) điều chỉnh hành vi của các quốc gia thành viên trong việc tôn trọng và thực thi các cam kết đối với các QCN. Cơ chế quốc tế này bao gồm: Cơ chế theo Hiến chương; cơ chế theo Ủy ban Công ước; cơ chế theo thủ tục đặc biệt.
Cơ chế theo Hiến chương LHQ
Được thành lập dựa vào chức năng các cơ quan chuyên môn của LHQ. Cơ chế này bao gồm Hội đồng Nhân quyền (ra đời từ năm 2006 thay thế cho Ủy ban Nhân quyền – UBNQ – được thành lập từ năm 1946) và các thủ tục đặc biệt. Theo Nghị quyết số 60/251 về việc thành lập Kiểm điểm định kỳ toàn cầu (Universal Periodic Review) đối với tình hình thực hiện QCN của các quốc gia thành viên. Tháng 3 vừa qua Chính phủ Việt Nam đã bảo vệ thành công kết quả thực hiện QCN theo cơ chế này.
Cơ chế theo các Uỷ ban Công ước
Đây là cơ chế giám sát việc thực hiện QCN của các quốc gia thành viên thông qua các Uỷ ban của các công ước quốc tế về QCN.
Cho đến nay đã có các ủy ban công ước sau được thành lập và hoạt động: Ủy ban Loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), 1969; Uỷ ban Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (CESCR), 1987; Uỷ ban Nhân quyền (HRC), 1977; Uỷ ban Loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), 1982; Uỷ ban Chống tra tấn (CAT), 1987;  Uỷ ban Quyền trẻ em (CRC), 1990; Uỷ ban về Bảo vệ quyền của người lao động di cư và các thành viên gia đình của họ (CMW), 2004; Uỷ ban về Quyền của những người khuyết tật (CRPD),…
Cơ chế theo thủ tục đặc biệt
Cơ chế này được thành lập bởi Đại hội đồng LHQ dựa trên những cuộc họp toàn thể của Đại hội đồng và được thông qua bằng các nghị quyết ràng buộc. Chẳng hạn, đó là các nghị quyết, như Nghị quyết 728F (XXVIII), Nghị quyết 227 (X), Nghị quyết 607 (XXI), Thủ tục công khai 1235, Thủ tục kín 1503 (UBNQ được nhận/giải quyết bí mật các khiếu kiện về QCN do chính nạn nhân hay cá nhân khác, hoặc tổ chức phi chính phủ gửi đến). Cơ chế theo thủ tục (hay trình tự đặc biệt) này giúp các cá nhân của các quốc gia thành viên Công ước có thể khiếu kiện trực tiếp lên Uỷ ban Công ước về tình hình tôn trọng và thực hiện QCN ở quốc gia đó.
2.2. Cơ chế khu vực
Cùng với cơ chế quốc tế, cơ chế khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ các QCN được nêu trong hệ thống pháp luật quốc tế. Sự ra đời của cơ chế khu vực, điển hình và hiệu quả là cơ chế của châu Âu, là một yêu cầu tất yếu của việc đưa các chuẩn mực quốc tế áp dụng trong phạm vi quốc gia và khu vực dựa trên những điều kiện đặc thù và trình độ phát triển nhất định, sự tương đồng của khu vực. Cụ thể, các châu lục đều có Hiến chương, Tuyên bố, Công ước và Cơ chế giám sát (trừ châu Á). Riêng châu Âu và châu Mỹ có Toà án khu vực về QCN.
Các cơ chế khu vực bảo đảm nhân quyền trên thế giới hiện nay đáng chú ý đó là Cơ chế châu Âu (bao gồm: Hiến chương xã hội châu Âu, Công ước Châu Âu về QCN, UBNQ châu Âu, Tòa án Nhân quyền châu Âu); Cơ chế châu Mỹ-La tinh (Hiến chương Liên Mỹ, Công ước Liên Mỹ về QCN, Ủy ban Liên Mỹ về QCN, Tòa Án Liên Mỹ về Nhân quyền); Cơ chế châu Phi (Hiến chương xã hội châu Phi, Công ước châu Phi về QCN và quyền dân tộc, UBNQ châu Phi,..).
Châu Á Thái Bình Dương – một châu lục có số dân đông nhất thế giới và là nơi phản ánh đặc sắc đa dạng văn hóa và tôn giáo, cho đến nay vẫn chưa hình thành được một cơ chế nhân quyền khu vực. Mặc dù vậy, ở phạm vi bán khu vực, như Nam Á, và Đông Nam Á đã có các cơ chế tiểu khu vực này. Chẳng hạn, khu vực Đông Nam Á đã hình thành và trong quá trình phát triển, hoàn thiện một cơ chế về QCN tương tự như các cơ chế khu vực trên thế giới. Tháng 12/2007, ASEAN đã thông qua Hiến chương, theo đó xác lập việc hình thành cơ quan ASEAN về QCN (ASEAN Human Rights Body-AHRB) (theo Điều 14 của Hiến chương). Vì vậy, sau quá trình thảo luận, Ủy ban Liên chính phủ về QCN của ASEAN đã được thành lập vào ngày 23/10/2009 tại Cha Am Hua Hin, Thái Lan, với tên gọi là Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về QCN. Tuy nhiên, Ủy ban này chủ yếu có chức năng tham vấn chứ không có chức năng cơ bản khác như các Ủy ban khu vực khác (như chức năng điều tra, xử lý, giải quyết các khiếu nại liên quan đến QCN của các công dân quốc gia thành viên,…). ASEAN cũng đang trong quá trình soạn thảo và thông qua Tuyên bố ASEAN về QCN cũng như hoàn thiện các thể chế khác.
2.3. Cơ chế quốc gia
Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện QCN trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm quốc gia. Các quốc gia phải có các biện pháp, bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác. Chẳng hạn, về lập pháp, hành pháp và tư pháp cần không ngừng hoàn thiện và cải cách hệ thống luật pháp, hành pháp và tư pháp nhằm tôn trọng và bảo đảm tốt các QCN; sửa đổi và bổ sung hệ thống pháp luật quốc gia phù hợp với những chuẩn mực quốc tế về QCN.
Các biện pháp khác bao gồm việc: (a) Thông qua các chương trình, mục tiêu quốc gia (như đề ra các chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách và pháp luật về QCN cần phải được hiện thực hoá thông qua hàng loạt các chương trình hành động từ cấp trung ương xuống địa phương, sâu rộng ở các cấp, các ngành); b) tăng cường cơ chế giám sát hiệu quả (đặc biệt là cơ quan QCN độc lập, như xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, thúc đẩy và thực thi hiệu quả, như việc thành lập Uỷ ban về QCN, hoặc các uỷ ban chuyên trách, thanh tra Quốc hội về QCN); c) tăng cường phổ biến, giáo dục và tuyên truyền về pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền người; đẩy mạnh công tác giáo dục nhằm nâng cao trình độ nhận thức về QCN cho các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công chức và người dân nói chung.
 Ngoài ra, Nguyên tắc này cũng nhấn mạnh đến các quốc gia thành viên của điều ước quốc tế về QCN cần phải tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về nhằm thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm, giáo dục và tuyên truyền về QCN, tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác thực thi pháp luật và bảo vệ QCN.
3. Các cơ chế quốc gia bảo đảm quyền con người
Các chuẩn mực nhân quyền quốc tế chỉ có ý nghĩa thực sự khi chúng được tôn trọng, bảo đảm và thực thi trong thực tiễn ở cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, xét đến cùng, việc bảo đảm QCN ở cấp độ quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trên thế giới hiện nay, ở cấp độ quốc gia có nhiều loại hình cơ quan nhân quyền và cơ chế quốc gia được thành lập và hoạt động theo Nguyên tắc Paris. Tuy nhiên điển hình đó là 3 cơ chế: (1) UBNQ quốc gia; (2) Thanh tra Quốc hội về nhân quyền và Cao Ủy Nhân quyền; (3) CQNQQG khác (như viện/trung tâm/hội/hội đồng,…nhân quyền quốc gia).

UBNQ quốc gia (National Commission of Human Rights)
 Đây là một cơ chế phổ biến trên thế giới hiện nay, với khoảng gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có hình thức Ủy ban quốc gia chuyên trách về bảo vệ và thúc đẩy QCN này[2]. Có nhiều tên gọi khác nhau, như UBNQ quốc gia; UBNQ và Cơ hội bình đẳng; UBNQ và Bình đẳng,…. Khu vực Đông Nam Á hiện nay đã có 6 UBNQ quốc gia được thành lập và hoạt động theo Nguyên tắc Paris, đó là UBNQ Thái Lan, UBNQ Phi-lip-pin, UBNQ In-đô-nê-xia, UBNQ Ma-lai-xia, UBNQ Đông Timor, UBNQ Mi-an-ma.
Các Ủy ban Quốc gia này hầu hết được thành lập theo một đạo luật của Nghị viện (Quốc hội), có quy chế độc lập với các nhánh quyền lực của Nhà nước và là sự đại diện đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong xã hội (các nhà lập pháp, luật sư, hoạt động xã hội,…)
Chức năng của các UBNQ quốc gia này bao gồm tiếp nhận, xem xét, giải quyết các khiếu kiện, tố cáo về những vụ việc vi phạm QCN; giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về QCN; tư vấn pháp luật và chính sách về các vấn đề liên quan đến nhân quyền; tham gia làm báo cáo quốc gia về việc thực hiện nghĩa vụ nhân quyền quốc tế (của quốc gia thành viên công ước nhân quyền); điều tra, phát hiện và đề xuất phương án xử lý hoặc thực hiện thẩm quyền tương tự xét xử (quasi-judicial) để giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền….
  Thanh tra Quốc hội (Parliamentary Ombudsman) và Cao Ủy Nhân quyền
Cơ quan Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) có nguồn gốc từ các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là xuất hiện đầu tiên tại Nghị viện Thụy Điển vào năm 1809. Nghĩa gốc của từ Ombudsman xuất phát từ tiếng Old Norse (người Bắc Âu) có nghĩa là “đại diện” (umboðsmaðr) (hay “representive” trong tiếng Anh), là một quan chức do Chính phủ hay Nghị viện bổ nhiệm có chức năng đại diện cho quyền và lợi ích của công chúng thông qua việc điều tra và giải quyết các khiếu kiện cá nhân do công dân đệ trình. Cơ quan này hiện nay có ở hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới[3]. Điều đáng ngạc nhiên là mô hình này được ưa chuộng ở rất nhiều quốc gia từng là thuộc địa của khối thịnh vượng chung (Common Wealth) của Anh cũng như nhiều quốc gia khác. Đồng thời là một cơ quan song trùng với CQNQQG. Chẳng hạn ở Anh, Canada, Thái Lan, ,…vừa có cả cơ quan Thanh tra Quốc hội và vừa có UBNQ quốc gia.
Cao Ủy Nhân quyền thuộc Nghị viện
Đây là mô hình CQNQGQ độc lập có ở một số quốc gia thuộc Nghị viện được thành lập dựa trên một điều luật của Hiến pháp nhưng có những đặc thù không giống như một CQNQQG. Chẳng hạn, mô hình này hiện diện trong chính thể của nước Cộng hòa Ukraina, với tên gọi Cao uỷ Nhân quyền của Nghị viện Ukraina (Ukrainian Parliamentary Commissioner for Human rights), là cơ quan được thành lập theo Điều 55 của Hiến pháp. Chức năng của cơ quan này là nhận và giải quyết các khiếu kiện về các vấn đề liên quan đến nhân quyền thông qua các cơ chế giải quyết của một cơ quan Nghị viện và thẩm quyền tương tự phán xét (quasi-judicial)[4].
Các CQNQQG khác
Các CQNQQG khác bao gồm các viện nghiên cứu quốc gia hay hội, hiệp hội, hội đồng quốc gia về nhân quyền được thành lập và hoạt động dựa trên Nguyên tắc Paris. Trên thế giới mô hình này khá phổ biến ở nhiều nước Bắc Âu và Tây Âu, như Viện Nhân quyền Đan Mạch, Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Viện Nhân quyền Cộng hòa Liên bang Đức,…Việc lựa chọn mô hình này thường phù hợp với các quốc gia phát triển (nơi có trình độ phát triển kinh tế-xã hội cao và đặc biệt là trình độ nhận thức, văn hóa pháp luật và ý thức cao về QCN của người dân và đội ngũ công chức) hay nơi có những đặc thù nhất định về thể chế chính trị và văn hóa (như Hội Nghiên cứu nhân quyền quốc gia Trung Quốc). Ngoại trừ trường hợp Trung Quốc, điểm lưu ý đó là bước tiến về dân chủ và QCN của các quốc gia lựa chọn mô hình các viện hay trung tâm quốc gia đạt trình độ tương đối cao.
4. Một số nhận xét
Nghiên cứu Nguyên tắc Paris và thực tiễn hình thành và phát triển của các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc gia, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Một là, việc hình thành một CQNQQG là một yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển xã hội. Dù sớm hay muộn, những quốc gia đi theo lô-gich của sự phát triển kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, chắc chắn sẽ dẫn đến sự hình thành một cơ quan quốc gia nhằm thúc đẩy việc tôn trọng và bảo đảm QCN.
Hai là, dựa trên điều kiện đặc thù về chính trị, văn hóa, lịch sử và trình độ phát triển kinh tế-xã hội và nhận thức của người dân, có thể lựa chọn một mô hình phù hợp với mỗi nước. Chẳng hạn, kinh nghiệm từ In-đô-nê-xia, cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, đã chỉ ra tính đa dạng của các mô hình. Mặc dù giữa chúng có những điểm chung nhất định, chẳng hạn đều được thành lập dựa theo Nguyên tắc Paris (là cơ quan được thành lập theo đạo luật và độc lập khỏi Chính phủ,…), mỗi Ủy ban đều phản ánh đặc thù riêng về điều kiện của mỗi nước.
Ba, trong các chức năng của Ủy ban, không nhất thiết phải có chức năng điều tra, giám sát và tiến hành giải quyết theo hình thức bán-tư pháp (semi-judicial – tức là có những thẩm quyền tư pháp nhất định trong việc đưa các vụ việc vi phạm ra trước tòa án cũng như tham gia một phần vào quá trình tố tụng, như điều tra, xét xử đối với những vi phạm QCN,..) như mô hình của Ôt-xtrây-lia, đặc biệt ở những quốc gia mà thể chế chính trị không dựa trên phân quyền thì yêu cầu có chức năng này là không cần thiết.
Bốn là, có thể xây dựng mô hình UBNQ với những chức năng chủ yếu là nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, xây dựng báo cáo quốc gia, đề xuất các kiến nghị, tham gia xây dựng luật và tư vấn về chính sách liên quan đến QCN. Đây cũng là mô hình CQNQQG của nhiều nước Bắc Âu mà bản thân chúng đều được hình thành và hoạt động theo Nguyên tắc Paris.
Năm là, trong khi thừa nhận vai trò và tầm quan trọng của một CQNQQG (cụ thể ở đây là UBNQ quốc gia) trong việc bảo vệ và thúc đẩy QCN, cần đặc biệt lưu ý đến bản chất sâu xa nhất của cơ chế cũng như tính tất yếu hình thành của nó, đó là bản chất chịu sự chi phối nhất định của các quyết định và ý chí chính trị của giai cấp cầm quyền. Bản chất chính trị của Ủy ban cần phải được đặc biệt lưu ý trong bối cảnh diễn biến hòa bình đã chuyển sang làn sóng thứ 3[5] với sự trỗi dậy mạnh mẽ của tổ chức xã hội dân sự và chủ nghĩa tư bản đã đẩy cao đến trạng thái độc quyền tuyệt đối của nó dưới hình thức đội lốt của chủ nghĩa tư bản nhân văn (humane capitalism) hay chủ nghĩa tư bản bộ mặt người (human-faced capitalism). Thực chất sự vận động ấy vẫn chưa thể làm thay đổi bản chất bóc lột và vi phạm các QCN hàng loạt của nó. Đó không khác gì hơn là một dạng thức mới của chủ nghĩa đế quốc mà ngày nay có thể được gọi dưới cái tên chủ nghĩa tư bản toàn cầu (global capitalism).
Sáu là, vai trò của các cơ quan chính thức như Tòa án Hiến pháp và hệ thống tòa án trung ương và địa phương, ở các nước trong khu vực được nghiên cứu, là rất quan trọng trong việc bảo vệ những nguyên tắc nền tảng của nền dân chủ (như nguyên tắc pháp quyền, phân chia, cân bằng và đối trọng quyền lực, tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quyền lực nhà nước, tránh lạm dụng quyền lực nhà nước,…), các quyền và tự do của công dân và tất cả mọi người. Vì vậy, trong một nền dân chủ hiện đại, không thể thiếu vắng vai trò của việc đề cao pháp luật, xem pháp luật là nguyên tắc tối thượng; đồng thời, có những cơ chế để kiềm chế xu hướng tha hóa, lạm dụng quyền lực nhà nước của bất cứ nhánh quyền lực nào cũng như của từng cá nhân – công chức và quan chức nhà nước – là những người đại diện cho nhân dân.
Bảy là, phong trào và sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức xã hội dân sự (TCXHDS) trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền cho thấy vai trò thiết yếu của trụ cột này trong cấu trúc của đời sống xã hội hiện đại và của bất cứ nền dân chủ và nhà nước phát triển, văn minh nào. Việc hiện hữu của các TCXHDS là sự mở rộng không gian chính trị của người dân qua đó các quyền và lợi ích của họ không ngừng được cải thiện và hiện thực hóa. Tính hiệu quả, độc lập, tự trị và linh hoạt, năng động của khu vực xã hội dân sự, tạo ra không chỉ những sức ép đáng kể cho các cơ quan nhà nước phải hạn chế những sự vi phạm nhân quyền mà điều quan trọng hơn còn giúp chính các cơ quan nhà nước thực hiện tốt các chức năng của mình và giúp người dân bảo đảm được các quyền và tự do của mình. Nòng cốt của các TCXHDS trong xã hội hiện đại ngày nay thường là những hội, hiệp hội bao gồm những nhà trí thức, những nhà hoạt động xã hội, và những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và tình nguyện, muốn góp phần vào việc thúc đẩy và giương cao các giá trị dân chủ và nhân quyền được thể hiện trong truyền thống văn hóa, dân tộc, pháp luật quốc tế và quốc gia. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các TCXHDS trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở khu vực trong suốt những thập kỷ qua đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện không ngừng việc bảo đảm các quyền và tự do cho tất cả mọi người. Một điều vô cùng quan trọng, đó chính là sự hiện diện và đóng góp của các TCXHDS đã giúp cho cơ chế bảo đảm nhân quyền ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế được hiệu quả rõ rệt; nhất là làm cầu nối và một kênh tham khảo hữu ích, bổ trợ cho hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của các cơ chế chính thức như UBNQ quốc gia./.

http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/nguyen-tac-paris-va-cac-co-che-bao-111am-nhan-quyen-quoc-gia-tren-the-gioi
[1] Nghị quyết này thường được gọi tắt là Nguyên tắc Pa-ri (hay Các Nguyên tắc Paris), được Đại hội đồng LHQ thông qua theo Nghị quyết số 48/134 ngày 20/12/1993. Xem toàn văn Nguyên tắc này tại http://www2.ohchr.org/english/law/parisprinciples.htm
[2] http://en.wikipedia.org/wiki/National_human_rights_institutions  (truy cập 12.10.2011).
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Ombudsman (truy cập 12/10/2011)
[4] http://www.ombudsman.kiev.ua/om_01_e.htm
[5] Làn sóng đầu tiên của Diễn biến hòa bình dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền và cây gậy cà-rốt diễn ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh cho đến khi sụp đổ hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Làn sóng thứ hai hòng xóa bỏ hoàn toàn các nước xã hội chủ nghĩa còn lại được xuất hiện từ sau năm 1991 cho đến đầu những năm 2000. Làn sóng thứ ba bắt đầu một vài năm trở lại đây với sự xuất hiện của khối Alba và mô hình về chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 ở châu Mỹ La tinh.

TS. Hoàng Văn Nghĩa – Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code