Một trong những nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất của Chính phủ và
các bộ, ngành, địa phương là làm sao cho các văn bản ban hành đạt chất
lượng cao nhất. Nhưng làm thế nào để đo được chất lượng của việc ban
hành văn bản? Một khiếm khuyết dễ nhận thấy và đã để lại nhiều hệ lụy là
việc phân tích chính sách ít được quan tâm đúng mức để làm cơ sở cho
việc ban hành văn bản, thậm chí ngay trong Luật Ban hành các văn bản
pháp luật cũng không đề cập công đoạn này. Các văn bản kém chất lượng
thường xuất phát từ những nguyên nhân sau: Không thiết lập được những ưu
tiên chính sách chính yếu; không đưa ra được những lựa chọn giữa các
mục tiêu mâu thuẫn nhau; không chuyển hóa được những ưu tiên thành các
văn bản hoạt động cụ thể; tạo ra một khoảng trống về chính sách do không
có tính liên tục trong bộ máy hành chính hoặc do những nền tảng chính
sách yếu kém và thiếu gắn kết; vai trò của tổ chức không rõ ràng hoặc có
sự mâu thuẫn giữa các chương trình công tác của các bộ, ngành hoặc vì
cả hai lý do này; các ý kiến đệ trình lên chính phủ không đánh giá đầy
đủ về các khoản chi phí theo ngành dọc; có sự tồn tại song song các nhóm
lợi ích từ bên ngoài không chịu trách nhiệm nhưng lại có khả năng tác
động lên chính sách.
Có bốn nguyên tắc đặc biệt quan trọng trong
một quy trình ra quyết định: tính kỷ luật, tính minh bạch, tính bền vững
và lựa chọn cấu trúc. Theo nguyên tắc ra văn bản có tính kỷ luật cao,
các quyết định cần phải nhất quán, có tính thực tiễn về mặt tài chính và
khả năng thực hiện. Trong khi nguyên tắc này có vẻ hiển nhiên, trên
thực tế nó lại ít khi được tôn trọng. Ở những nền hành chính kém phát
triển, người ta thường ban hành quyết định mà không có sự cân nhắc, xem
xét đầy đủ những chi phí tiềm tàng, đặc biệt là gánh nặng chi phí theo
ngành dọc tác động lên ngân sách. Ví dụ, kết quả nghiên cứu ở một số
nước châu Phi cho thấy hơn hai phần ba quyết định của nội các đưa ra
không bao giờ được thực hiện. Ngoài ra, tính bền vững của việc ra quyết
định cũng có vai trò quan trọng. Các quyết định nông nổi thường là cản
trở lớn cho các hoạt động kinh tế.
Nguyên tắc cuối cùng của một
quy trình ban hành văn bản là lựa chọn cấu trúc. Nhiều quyết định đệ
trình lên chỉ là những vấn đề thường nhật, ví dụ như việc phê duyệt
những thay đổi nhỏ về nhân sự của một bộ, hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm
nhân sự trong ngành ngoại giao… Những quyết định loại này thường được dễ
dàng thông qua. Nhưng ở nhiều nước, cũng có việc dồn trách nhiệm dẫn
tới việc nhiều vấn đề nhỏ nhặt cũng phải chờ chính phủ phê duyệt. Vì
thế, cần phải thực hiện phân cấp ủy quyền để chính phủ có thời gian đầu
tư vào những vấn đề chiến lược.
Từ những nguyên tắc chung, đã có
những khuyến cáo những nhiệm vụ cụ thể cần được thực hiện, theo đó một
cơ chế lập và điều phối để ban hành văn bản tốt phải thực hiện hiệu quả
ít nhất năm nhiệm vụ sau: 1. Cung cấp hệ thống thu thập, xử lý thông tin
và cảnh báo sớm về vấn đề cần quyết định; 2. Bảo đảm tham khảo đầy đủ ý
kiến của mọi cơ quan và ban, ngành có liên quan tới vấn đề đang quan
tâm; 3. Cung cấp các phân tích hỗ trợ và xem xét thận trọng các khả năng
lựa chọn; 4. Ghi chép và phổ biến các quyết định; và 5. Giám sát quá
trình thực hiện và theo dõi sát các bước tiến triển tiếp theo.
Tuy
nhiên, nói chung, quy mô của các nhóm trực tiếp ban hành văn bản có thể
là nhỏ nên hiệu quả của việc ban hành văn bản sẽ cao hơn, với điều kiện
phải có một số cơ chế nhất định để tổ chức thu thập ý kiến rộng rãi từ
các cơ quan của chính phủ cũng như từ công chúng. Do đó, điều quan trọng
là không nên nhìn nhận các cơ chế lập chính sách trung ương một cách
biệt lập. Thông thường, trong thành công của những cơ chế đó luôn có sự
hỗ trợ của các cơ chế điều phối bổ sung. Những cơ chế này là rất đa
dạng, từ những tiểu ban của chính phủ, các nhóm đặc trách liên bộ và các
nhóm làm việc cho tới các văn phòng liên lạc với quốc hội và những ủy
ban điều phối quan hệ giữa chính phủ và giới doanh nghiệp là những thiết
chế có thể đóng vai trò bổ trợ hữu ích. Và một điều quan trọng cuối
cùng là chính phủ cũng nên tìm cách khuyến khích sự hợp tác phi chính
thức ở mọi cấp hành chính nhà nước, khơi thông dòng thông tin trong nội
bộ chính phủ đến các cấp.
0 comments:
Post a Comment