Friday, November 22, 2013

PHẬN ĐÀN BÀ NGÀY NAY


 BS. NGUYỄN KHẮC VIỆT
Sinh thời, ngoài những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hoá, giáo dục…Đời sống phụ nữ và trẻ em cũng là chủ đề được nhà văn hoá lớn, BS. Nguyễn Khắc Viện đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết. Nhờ tấm lòng nhân ái bao la, vốn kiến thức khoa học xã hội, tâm lý…uyên bác và phong phú, dẫu trải qua nhiều thời gian, không ít bài viết của BS. Nguyễn Khắc Viện cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Bài Phận đàn bà ngày nay được BS. Nguyễn Khắc Viện viết từ thập kỷ 60, thế kỷ trước là một thí dụ điển hình.
                         Đau đớn thay phận đàn bà
                                                                  Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

                                                   (Kiều – Nguyễn Du)
Thế nào là phận? Phận đàn ông, phận đàn bà, phận làm con, làm tôi, làm vua; đó là cái phận mà cuộc sống trong xã hội dành cho mỗi người. Có thân phận, bổn phận, danh phận, chức phận, phận sang, phận hèn, và nếu có ngẫu nhiên chen vào là số phận.
Phải chăng Nguyễn Du đã đúc kết với hai câu thơ cái phận khổ đau của đàn bà trong xã hội cũ, của mọi người phụ nữ xưa? Cái phận đàn bà xưa là phận của một con người suốt đời là vị thành niên, làm con, làm vợ, làm mẹ để phục vụ cha, chồng, con. Mà không riêng gì ở các nước phương Đông hay Nho giáo; ở Đức ngày xưa người ta cũng chỉ giao phó cho đàn bà ba nhiệm vụ, với khẩu hiệu 3k đó là: Kinder (con), Kuche (bếp) và Kirche (nhà thờ). Không có phận làm công dân, giữa làng, giữa nước. Đàn bà cũng không được làm linh mục, giáo hoàng.
Tôi không bàn đến cái khổ cực của người đàn bà nhà nghèo chịu hai tầng áp bức bóc lột; người đàn bà trung lưu con nhà khá giả, như cô Kiều, cô Vân thì sao? Kiều thì khổ, Vân thì không. Vân rất an phận làm người đàn bà, cả một nền giáo dục, lễ nghi tín ngưỡng đã tạo cho Vân một tâm lý an phận, gặp được bố mẹ nhân từ, chồng thành đạt, con ngoan là thoả mãn không ước mơ gì hơn.
Vì Vân không có tài như Kiều, chắc học hành cũng không được bao nhiêu. Xã hội cũ phân chia phần, xếp ghế đâu đấy cho mỗi người, ai chấp nhận cái tôn ti trật tự ấy là sống yên ổn, không dằn vặt, trăn trở. Chỉ có những người đàn bà có học, có tài mới khổ, mà phải thốt lên
Thân này giả sử làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
(Hồ Xuân Hương)
Freud cho rằng mỗi em gái đều có những lúc mơ ước làm trai; có lẽ điều ấy trong xã hội xưa chỉ đúng với những người đàn bà có tài. Mơ ước làm đàn ông, theo Freud, ở thời thơ ấu là có được "Con chim", tôi nghĩ rằng mơ ước chủ yếu là có một sự nghiệp giữa xã hội, cho nên lúc còn ngây thơ thì mơ được có "con chim". Trong một xã hội do đàn bà ngự trị, có lẽ con trai mơ ước có cặp vú nở nang.
Hãy xét hoàn cảnh của một người đàn bà tiêu biểu cho thời đại hiện nay: Một cán bộ hay công nhân có sức học khá, có một vị trí nhất định giữa xã hội. Rõ ràng khác hẳn với thân phận người đàn bà xưa; xã hội ít nhất cũng đã phó cho quyền được lập một sự nghiệp riêng, không ai có thể an phận với con cái, bếp núc, nhà thờ nữa. Làm vợ, làm mẹ, xây dựng sự nghiệp, trong cái phận đàn bà không thể bỏ vế nào cả.
Hiến pháp, pháp luật mới cho họ cái quyền có một sự nghiệp riêng. Còn xây dựng được sự nghiệp hay không, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ lại là cả một vấn đề. Được quyền tự do là một chuyện, còn đủ điều kiện để thực hiện quyền tự do ấy lại là chuyện khác. Có thể thất bại, có thể thành công. Đẹp nhất là hoàn thành cả ba vế, trăn trở khổ ải là những lúc nhiệm vụ này mâu thuẫn với nhiệm vụ khác. Và khó mà tránh mâu thuẫn.
Làm vợ, làm mẹ, xây dựng sự nghiệp riêng cả ba nhiệm vụ đều đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý. Người ta thường bảo, người mẹ tuy chia tấm lòng cho nhiều đứa con, vẫn hiến cho từng đứa tất cả lòng yêu thương của mình. Chia ra từng phần mà vẫn giữ nguyên vẹn Bài toán khá học búa. Nhất là trong một xã hội quá độ.
Quá độ có nghĩa là mới xác định nguyện vọng, phương hướng, nhưng hạ tầng vật chất còn sơ sài, trong thượng tầng xã hội tư tưởng còn rơi rớt nhiều cái cũ. Nguyện vọng đã giao rồi, và ngày ngày báo chí, đài, phim, sách đề cao những người đàn bà làm nên sự nghiệp, không ai an phận được nữa với cảnh bếp núc.
Trong hoàn cảnh nước ta sự nghiệp của vợ khó mà không mâu thuẫn với sự nghiệp của chồng. Và cũng trong lúc quá độ, thường sự nghiệp của chồng đối với gia đình, với xã hội vẫn quan trọng hơn của vợ, vợ khó mà không buộc phải hy sinh phần của mình. Khách thường là của chồng, nhưng vợ dù có bận gì ở cơ quan xí nghiệp cũng phải chợ búa, nấu nướng đãi khách. Cũng vì còn là quá độ, nên con thường hơn cha, đúng hơn nữa là hơn mẹ. Học hành của con lên đến đại học, ít bà mẹ có thể so sánh được, và thi cử của con nhất định phải đặt lên trên nguyện vọng của mẹ; nói gì lúc con đi học nước ngoài hay thi tiến sĩ! Các bà vợ, bà mẹ đành ôm lấy ước mơ học tập phấn đấu hoàn thành công trình này hay nhiệm vụ khác, câu chuyện phục vụ chồng con vẫn choán hết sức khoẻ và thời gian. Mẹ thôi không nhắm là thư ký công đoàn nữa cũng được, đối với gia đình quan trọng hơn là chồng được lên trưởng phòng hay vụ trưởng hoặc đứa con được vào đại học hay đi nghiên cứu nước ngoài. Không ai nghĩ ngược lại. Con mới học trung học thì mẹ đã giành lấy áo quần mà giặt. Giặt nhưng vẫn ấp ủ ước mơ học thêm một môn nào đó, hoàn thành một công trình khoa học hay văn nghệ, được kết nạp Đảng hay trở thành giám đốc.
Làm vợ, làm mẹ không những chỉ đòi hỏi vất vả thức khuya dậy sớm, không còn thời gian làm gì khác. Quan hệ vợ chồng chung chăn chung chiếu, quan hệ mẹ con, khi cho bú, khi bế bồng tắm rửa là những quan hệ ruột thịt, giữa hai xác thịt với nhau, khác hẳn quan hệ với những người khác. Thông thường quan hệ giữa người và người đều thông qua ngôn ngữ, lời nói chữ viết, một dấu hiệu nào đó; lời nói dùng để truyền đạt ý nghĩa rất thuận lợi, nhưng lời nói cũng là cách dễ nhất để che giấu ý nghĩ của mình. Quan hệ giữa vợ chồng và mẹ con nằm ngoài ngôn ngữ, là trao đổi giữa hai xác thịt, khó che giấu, khó lừa dối nhau được. Đồng sàng mà dị mộng, nằm bên chồng, bên con mà đầu óc suy nghĩ trăm thứ, tâm bất tại, lo đến lời phát biểu ngày hôm sau ở một hội nghị hay một kỳ thi sắp đến, một câu thơ, bức tranh đang thai nghén, người chồng và đứa con nhỏ biết ngay là vợ là mẹ không toàn tâm với mình. Lời nói có dịu dàng ve vuốt đến đâu cũng không che đậy nổi.
Được bao nhiêu ông chồng, đứa con đang sống trong một xã hội còn đầy rẫy tư tưởng xưa thông cảm hết nỗi này. Chưa nói đến những người chồng tàn tệ, những đứa con bội bạc. Biết bao nhiêu người đàn bà có học, có tài rồi cũng đành phải để tài năng mai một trong một cuộc sống không khác thời xưa bao nhiêu, là đành lấy việc phục vụ chồng con, để chồng con hoàn thành sự nghiệp. Không thể lấy một vài trường hợp cá biệt thành công để khẳng định rằng xã hội ta đã giải quyết vấn đề phụ nữ một cách cơ bản. Chưa qua được thời kỳ quá độ, phụ nữ chưa thật sự được giải phóng, đừng lấy khẩu hiệu mà che đậy sự thật ấy. Nếu pháp luật đã công nhận quyền tự do bình đẳng của phụ nữ, và đây là một thành tựu lớn, chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật là việc thực hiện quyền ấy còn xa xôi.
Và nhiều người phụ nữ ngày nay vẫn còn phải thốt lên:
Vất vả thay phận đàn bà
Bên là sự nghiệp, bên là chồng con
Chúng ta không thể nói liều là trong hoàn cảnh khách quan khó khăn vẫn có khả năng đạt trình độ văn hoá cao; chỉ có thể xác định một chiến lược, nghĩa là khi chưa đủ điều kiện, cần tập trung sức lực vào một khâu chủ yếu, vào một thời gian quyết định. Mà đã nói đến chiến lược tất phải hy sinh một hay những mặt nào đó, không thể như nhiều nghị quyết thường viết ưu tiên mặt này, đồng thời bảo đảm thực hiện mặt kia; đã ưu tiên mặt này tất đành tạm bỏ mặt kia.
Trong đời một người đàn bà, vất vả nhất mà cũng quan trọng nhất là thời gian nuôi con mọn, từ lọt lòng đến 15 – 18 tháng, lúc con biết đi và biết nói thực sự. Trước đó là tuổi bế bồng, đứa con hoàn toàn bất lực, hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ. Trong lòng mẹ, cái thai tiếp nhận tất cả chất liệu để sống từ cơ thể của mẹ, đó là giai đoạn cộng sinh. Lọt lòng, sữa mẹ là thức ăn không gì thay thế được, và nằm trong lòng mẹ, hơi ấm của mẹ toả ấm khắp người, hơi hám của mẹ bao lấy mình, đứa con có cảm giác vừa dễ chịu thoải mái, đây là hạnh phúc tuyệt đối và con người ta lớn lên, mỗi lần ra đời vấp váp gì không vượt qua, cách an ủi hay nhất là trở về ngả đầu vào lòng mẹ; các tôn giáo cũng không nghĩ ra một cảnh thiên đường nào hơn là cho người tín đồ ngả vào lòng một đức Thánh Mẫu.
Em bé không những tiếp nhận từ mẹ những gì để sống về mặt sinh lý, quan trọng hơn nữa là sự trao đổi chơi đùa, trò chuyện giữa mẹ và con suốt ngày hú hí với nhau. Nếu quan hệ giữa hai cơ thể là tiền ngôn ngữ, thì lúc dùng đến ngôn ngữ cũng chưa phải là ngôn ngữ chung của xã hội, mà một thứ ngôn ngữ riêng cho hai mẹ con, chỉ hai mẹ con hiểu lấy nhau, vì thực chất về mặt tâm lý bản ngã của em bé chưa hình thành, chưa tách rời mẹ, đứa con còn ở giai đoạn hoà mình với mẹ. Cạnh một em bé trước 15-18 tháng, luôn phải có một người mẹ với hai đức tính cơ bản:
  • Luôn luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con bất kỳ lúc nào, không thể mượn cớ này, cớ khác trì hoãn sự đáp ứng ấy.
  • Em bé chưa biết nói, người mẹ phải rất nhạy cảm với yêu cầu của con, con chỉ vặn mình hay ú ớ một tiếng là mẹ biết ngay con đang cần gì. Ai cũng biết nhiều bà mẹ có thể ngủ say giữa tiếng ồn ào của xe cộ qua lại, nhưng hễ con kêu lên một tiếng nhỏ là tỉnh ngay.
Có hai đức tính ấy, là người mẹ hiền. Người nào chăm sóc một em bé như vậy, dù không sinh ra nó đối với nó vẫn là mẹ hiền. Đối với những đứa con nhà giàu, bà mẹ thường giao lại cho một bà vú em chăm sóc, thì chính vú em là mẹ. Bertold Brecht trong vở kịch "Vành phấn côcadơ" đã nói rõ quan điểm này.
Không có người mẹ hiền đứa con không khôn lớn lên được. Spitz một nhà Tâm lý học Mỹ, đã theo dõi 91 em bé được mẹ chăm sóc ba bốn tháng đầu, về sau vì lý do này, lý do khác bà mẹ bỏ con, giao lại cho những nhà trẻ. Ở đây các em về mặt ăn uống về sinh được chăm nom rất đầy đủ, nhưng thiếu những bà mẹ hiền ngày ngày hú hí trò chuyện, dần dần nhiều em sinh ra đờ đẫn, bỏ ăn, bỏ chơi, rất nhiều em suy sụp về cơ thể, sinh bệnh. Sau hai năm 34 em trong 91 chết bệnh; đây là một tỷ lệ tử vong khủng khiếp.
Thiếu mẹ hiền trẻ em không thành người được. Ngược lại một người đàn bà không bao giờ nuôi một đứa con mọn, không bao giờ sống hoà mình với một đứa con cũng mất đi một kinh nghiệm sống không gì thay thế được, con người cũng què quặt đi, tình người cũng không được thật hoàn chỉnh. Có thể không thờ chồng đầy đủ, nhưng không thể không chăm nuôi con mọn. Một đứa con nhỏ, một em bé đem lại cho cuộc sống của người lớn những tình cảm không gì thay thế được. Một xã hội chăm nom đến trẻ em nhiều chừng nào, thì trình độ văn minh của xã hội ấy cao chừng ấy. Sau khi hai gia đình gây hấn với nhau, muốn hoà giải dễ nhất là một bên bế theo một em bé sang thăm, không khí sẽ cởi mở dễ nói chuyện với nhau.
Tôi khoanh vấn đề lại chỉ nói đến những người đàn bà có tài, nghiên cứu khoa học hay sáng tác văn nghệ. Cứ cho là đẻ hai con, như vậy trong cả cuộc đời, ít nhất cũng phải tạm ngừng hoạt động ngành của mình mỗi lần 18 tháng, tập trung vào đứa con. Trong một cuộc đời 40 năm, thì thời gian 36 tháng cũng không đến nỗi quá dài. Trong thời gian ấy, gia đình, và đặc biệt đức ông chồng cũng phải tập chung giúp vợ, ông bà cũng vậy. Về phía xã hội, đối với những người phụ nữ có tài năng cũng nên tập trung giúp đỡ trong giai đoạn này về vật chất, về sắp xếp công tác. Có thể cơ quan hay đoàn thể giúp cử người, thuê người đến phụ việc để cho bà mẹ vẫn nuôi con, vẫn tiếp tục theo dõi được những đề tài cần thiết, để lúc trở lại công việc không quá bỡ ngỡ. Tôi không nói đến nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo, dịch vụ thương nghiệp vì đây là những vấn đề chung cho mọi chị em có con mọn.
Với một sự giúp đỡ tích cực ít nhất sẽ có một số chị em có tài không đến nỗi phải qua tấn kịch lựa chọn găy gắt giữa sự nghiệp và tình ruột thịt với con cái. Phận đàn bà bất kỳ ở chế độ nào cũng không thoát được cái vất vả nuôi con mọn, nhưng đó cũng là một điểm mà không có bất kỳ người đàn ông nào, dù có thương yêu con cái đến đâu cũng không thể nào sánh được với phụ nữ, vì lẽ đơn giản là đàn ông không thể cho con bú được; quan hệ ruột thịt giữa bố và con bất kỳ ở chế độ nào cũng không thể in sâu vào con người như giữa mẹ và con được.
SOURCE: TẠP CHÍ TRI THỨC TRẺ
Trích dẫn từ: http://chungta.com/tulieu/tu-lieu-tra-cuu/phan_dan_ban_ngay_nay/default.aspx

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code