Friday, November 22, 2013

TRANH CHẤP VỀ TÀI SẢN VÀ SỞ HỮU: PHƯỜNG KIỆN DÂN ĐỂ ĐÒI LẠI ĐẤT?

THỤY CHẤU
Năm 1993, ông Từ Thiên Thọ được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận quyền sử dụng hơn 1.600 m2 đất tọa lạc tại phường 6, thị xã Trà Vinh. Nhưng mới đây, UBND phường 6 đã kiện ông Thọ ra tòa với lý do ông Thọ đã lấn chiếm đất công.
Lấp kênh để lấy đất
Theo UBND phường 6, con kênh có chiều ngang 3,2 m từ sông Long Bình đến cống Bờ Đắp được hình thành từ năm 1950. Năm 1983, ban quản lý tập đoàn vét kênh lấy nước phục vụ cho tập đoàn. Sau khi tập đoàn giải thể, con kênh được sử dụng làm đường thoát nước công cộng. Lâu ngày nó bị lấp dần và bị gia đình ông Thọ lấn chiếm. Con kênh này do UBND phường 6 quản lý, sử dụng. Vì vậy, UBND phường 6 khởi kiện yêu cầu ông Thọ trả lại con kênh lấn chiếm để làm đường cống thoát nước phục vụ công cộng.

Ông Thọ cho rằng nếu cơ quan chức năng muốn thu hồi đất thì phải giải quyết việc bồi thường, bởi ông đã sử dụng ổn định phần đất này từ năm 1962, được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Ông Thọ cho biết: “Năm 1994, vài người đã xây nhà lấn chiếm con kênh công cộng, đồng thời lấn chiếm cả đất của tôi. Khi tôi đang khiếu nại vì bị lấn ranh thì họ đã được hợp thức hóa phần đất lấn chiếm. Chính UBND phường 6 đã “giúp sức” cho những người này làm việc đó bằng cách vẽ lại bản đồ…”.
Năm 1995, UBND thị xã Trà Vinh đã ban hành quyết định buộc ông Thọ tháo dỡ 35 m2 đất vì cho rằng đó là đường thoát nước công cộng, không thuộc quyền sử dụng của ông Thọ. Năm 1996, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bác khiếu nại của ông Thọ. 10 năm sau, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh lại ra quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã ban hành năm 1996 với lý do: “Vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp”. Chủ tịch UBND thị xã Trà Vinh sau đó cũng thu hồi quyết định buộc ông Thọ tháo dỡ 35 m2 đất.
Phường có quyền kiện dân?
UBND phường 6 khởi kiện vụ án dân sự “tranh chấp quyền sử dụng đất” đối với ông Thọ. Tháng 9-2007, TAND thị xã Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, xác định UBND phường 6 là nguyên đơn, ông Thọ là bị đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án gồm UBND tỉnh Trà Vinh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Trà Vinh. Ông Thọ phản ứng: “Luật không cho UBND phường quyền khởi kiện dân sự đối với cá nhân, tổ chức khác. Cớ sao UBND phường 6 lại kiện tôi ra tòa?”.
Tiến sĩ-luật sư Phan Đăng Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết đối với tranh chấp đất đai thì nhà nước vẫn có thể kiện dân nếu đó là quan hệ tranh chấp dân sự. Nghĩa là UBND phường 6 chỉ có thể khởi kiện dân sự đối với ông Thọ nếu phần đất tranh chấp nằm trong quỹ đất 5% giữ lại cho phường sử dụng theo quyết định của cơ quan chức năng. Lúc này, UBND phường 6 là chủ thể sử dụng đất. Quan hệ giữa UBND phường 6 và ông Thọ là quan hệ dân sự.
Ngược lại, nếu phần đất tranh chấp không nằm trong quỹ đất 5% giữ lại cho phường thì UBND phường 6 không có quyền kiện dân sự để đòi lại đất. Với tư cách là đơn vị hành chính cơ sở, quản lý nhà nước về đất đai, UBND phường 6 có nhiệm vụ tham mưu, báo cáo lên UBND cấp huyện, xác định phần đất tranh chấp có thuộc quyền sử dụng của ông Thọ hay không để trên cơ sở đó có cách xử lý phù hợp bằng quyết định hành chính. Trong trường hợp này, nếu không đồng ý thì ông Thọ có thể khởi kiện ra tòa hành chính.
Bỏ qua bước hòa giải là sai?
Các cấp tòa không đề cập đến chi tiết phần đất tranh chấp có thuộc quỹ đất 5% giữ lại cho phường hay không. Theo bản án sơ thẩm, ông Thọ bị buộc phải trả lại diện tích 150 m2 đất cho UBND phường 6 để làm đường cống thoát nước công cộng. Tháng 11-2007, TAND tỉnh Trà Vinh xử phúc thẩm và giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ông Thọ cho rằng các cấp tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi thụ lý và giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông và UBND phường 6, bởi thủ tục hòa giải bắt buộc tại cơ sở chưa được tiến hành.
Theo Điều 136 Luật Đất đai 2003, tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại UBND cấp phường. Có ý kiến phân vân liệu việc hòa giải có thực hiện được không khi UBND phường 6 chính là một bên tranh chấp.
Cũng theo luật sư Thanh, nếu phần đất tranh chấp nằm trong quỹ đất 5% giữ lại cho phường và phường có quyền khởi kiện thì việc hòa giải vẫn phải được tiến hành. Bởi lẽ trong thành phần tham gia hòa giải tranh chấp đất đai còn có Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Xem ra, việc ông Thọ yêu cầu viện trưởng VKSND tối cao, chánh án TAND tối cao xem xét, giải quyết lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm là có cơ sở.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code