TỬ DUY
Đại Đoàn kết -
Với nhiều người chứng cứ, nhân chứng, lời khai đầy đủ, khách quan, thế
nhưng một thẩm phán tại TAND huyện Chơn Thành – Bình Phước dường như chỉ
dựa vào phía đương sự đưa ra những chứng cứ “khai bằng miệng” để phán
quyết!
Theo đơn khiếu nại, kêu cứu của bà Nguyễn Thị Bé Tư
(sinh năm 1958, ngụ khóm 3, phường 11, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) gửi
đến nhiều cơ quan chức năng và báo chí, vào thời điểm cuối năm 2002,
chồng của bà Bé Tư là ông Dương Văn Sơn (sinh năm 1958, cùng ngụ địa chỉ
trên) cùng anh ruột của bà là ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ huyện Gò Công,
tỉnh Tiền Giang) có đến ấp 5, xã Minh Lập, huyện Bình Long cũ (nay là
huyện Chơn Thành), tỉnh Bình Phước để mua một mảnh đất. Do người có
quyền sử dụng mảnh đất trên là bà Thái Thu Ngân (ngụ quận 6, TP.Hồ Chí
Minh, hiện là Phó Chánh án TAND quận 6, có diện tích 47.017m2 đất) và
Thái Thu Hà (ngụ tỉnh Vĩnh Long, có diện tích 83.700 m2 đất) nên bà Bé
Tư đã liên hệ với em ruột là bà Nguyễn Thị Bé Năm (sinh năm 1962, ngụ
quận 6, TP.Hồ Chí Minh) để nhờ hỏi bà Ngân và bà
Hà trong việc sang nhượng lại hai mảnh đất có diện tích trên.
Hà trong việc sang nhượng lại hai mảnh đất có diện tích trên.
Sau đó, với giá thỏa thuận là 342 triệu đồng, bà Bé
Tư đã nhờ một người em khác là Nguyễn Thị Bé Sáu mang 42 triệu để bà Bé
Năm và ông Nguyễn Văn Hùng đặt tiền cọc cho bà Ngân, ông Hùng là người
giao tiền và ký xác nhận đặt cọc số tiền này. Bà Bé Tư cho biết, em ruột
của bà Bé Tư (cũng là em ruột của bà Bé Năm) là ông Nguyễn Văn Việt
(quốc tịch Canada) có gửi về cho bà Bé Tư số tiền 20.000 USD (vụ việc
này đã được ông Việt xác nhận tại tòa) để mua đất.
Ngày 20-2-2003, bà Bé Tư cùng bà Ngân, bà Hà đã có
mặt tại UBND xã Tân Lập, huyện Chơn Thành để bàn giao đủ số tiền 300
triệu đồng, làm các thủ tục chuyển nhượng dưới sự chứng kiến chính của
quyền địa phương và các giao dịch mua bán liên quan đến hai mảnh đất này
đều được ông Lưu Văn Chuyên (Phó chủ tịch UBND huyện Chơn Thành) và ông
Tạ Hữu Dũng (Trưởng Phòng địa chính huyện Chơn Thành) ký và đóng dấu
xác nhận. Sau này, hai mảnh đất nói trên được cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất đứng tên chủ hộ là bà Bé Tư. Tuy nhiên, tháng 11-2007, bà Bé
Năm đã khởi kiện tại TAND huyện Chơn Thành để đòi lại “đất của mình” vì
cho rằng chính bà đã mua hai mảnh đất và để chị ruột (tức bà Bé Tư)
đứng tên giùm (nhằm chứng minh tài chính cho con gái của bà Bé Tư đi du
học ở nước ngoài?).
“Án dân sự, xử thế nào cũng được”?
Việc khởi kiện “đòi lại đất” của bà Bé Năm có nhiều
điều chưa rõ ràng, không có tính thuyết phục. Điển hình là tờ giấy ủy
quyền (viết tay) của ông Nguyễn Văn Hùng cho bà Bé Tư. Trong biên bản
này ông Hùng xác nhận rằng ông là người ủy quyền cho bà Bé Tư đứng tên
giùm trên giấy hợp đồng chuyển nhượng và trên giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất mà ông đã chuyển nhượng từ bà Hà và bà Ngân. Tuy nhiên, khi vụ
việc vỡ lở thì chính ông Hùng đã gửi đến TAND tỉnh Bình Phước, TAND
huyện Chơn Thành để “nói lại cho rõ” là tờ ủy quyền nói trên là do bà Bé
Năm tạo dựng và yêu cầu ông ký tên; trong tờ ủy quyền này chỉ có duy
nhất chữ ký của ông Hùng (người được ủy quyền là bà Bé Tư không biết gì
cả!).
Tại tờ xác nhận sau đó ông Hùng đã thẳng thắn thừa
nhận sai lầm của mình trong việc giúp bà Bé Năm tạo dựng chứng cứ không
đúng sự thật. Bên cạnh đó, lý do mà bà Bé Năm kiện đòi lại đất của bà Bé
Tư thì được bà Bé Năm trình bày là do bà Bé Tư xin được đứng tên để
chứng minh tài chính cho con đi du học, nhưng không có giấy tờ nào chứng
minh việc đó, và người em trai của hai bà này là ông Nguyễn Văn Việt (ở
Canada) cũng phủ nhận việc bảo lãnh con của bà Bé Tư sang Canada du
học.
Ông Việt có xác nhận đã cho bà Bé Tư số tiền 20.000
USD để mua đất kinh doanh, nhằm phụng dưỡng cha mẹ già đang sinh sống
chung với bà Bé Tư. Đặc biệt những người sang nhượng lại hai mảnh đất,
cụ thể là Thái Thu Hà khẳng định là chỉ giao dịch mua bán với bà Bé Tư
chứ không phải là bà Bé Năm. Việc bà Bé Năm cho rằng bà đã thuê người em
út là ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1967, ngụ thị xã Cao Lãnh, tỉnh
Đồng Tháp) để trông coi kể từ năm 2006, nhưng tại phiên xử sơ thẩm của
TAND huyện Chơn Thành và kể cả trước đó ông Thành cũng phủ nhận việc
này, cho rằng ông là người được bà Bé Tư thuê, trả lương hàng tháng để
trông coi, canh tác trên diện tích đất này từ tháng 4-2003. Điều này
cũng đã được chính quyền xã Minh Lập và những hộ gia đình “liên canh,
liên cư” tại đó xác nhận.
Những chứng cứ rõ ràng chứng minh việc bà Bé Tư mua
đất như trên, cùng với giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của chính
quyền huyện Chơn Thành đã bị Hội đồng xét xử TAND huyện Chơn Thành do
Thẩm phán Đoàn Ngọc Thảo làm Chủ tọa trong phiên xét xử ngày 28-4-2008
bỏ qua một cách khó hiểu. Và những chứng cứ kiểu “khai miệng” thiếu tính
thuyết phục, không có xác nhận của chính quyền địa phương được bà Bé
Năm trưng ra lại được Hội đồng xét xử nhấn mạnh.
Đặc biệt, phiên tòa đã không cho phía gia đình cũng
như bà Bé Tư, các nhân chứng được đối chất (thể hiện trong bản ghi âm
tại phiên tòa). Và cuối cùng, bản án số 09/2008/DSST của TAND huyện Chơn
Thành đã tuyên vợ chồng bà Bé Tư – ông Dương Văn Sơn phải trả lại diện
tích đất 144.400m2 cho bà Bé Năm, đồng thời bà Bé Năm phải bồi hoàn cho
bà Bé Tư số tiền hơn 488 trệu đồng cho các hiện trạng nhà cửa và công đã
chăm sóc trên hai mảnh đất. Ngày 8-5-2008, Viện KSND huyện Chơn Thành
đã kháng nghị bản án dân sự nói trên và đề nghị TAND tỉnh Bình Phước xét
xử vụ kiện dân sự này theo hướng “phải công nhận quyền sử dụng đất của
bà Nguyễn Thị Bé Tư và ông Dương Văn Sơn đối với 2 diện tích đất nói
trên”.
Bản án sơ thẩm nói trên của TAND huyện Chơn Thành đã
gây bức xúc và khó hiểu ngay cả đối với nhiều người dân và chính quyền
địa phương. Không ít người trong cuộc và dư luận địa phương đang nghi
ngại về những tiêu cực phía sau việc tuyên án khó hiểu này.
(Tên của bài viết có sự thay đổi do Civillawinfor)
0 comments:
Post a Comment