Friday, November 22, 2013

VÔ TƯ "CẠO SỬA" HỢP ĐỒNG

THỤY CHÂU
Tháng 4-2003, cụ B. (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bán cho một người cùng địa phương hai phần đất, tổng cộng hơn 1.000 m2. Cụ nhận bảy lượng vàng 24k cho phần đất thứ nhất, hơn 50 triệu đồng cho phần đất thứ hai. Theo thỏa thuận, bên mua phải thanh toán thêm năm lượng vàng 24k và gần 30 triệu đồng. Bảy tháng sau, hai bên lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có chứng thực của chính quyền địa phương. Tổng giá trị chuyển nhượng được quy ra tiền là 200 triệu đồng.
Từ 100 triệu đồng sửa thành 150 triệu đồng
Vì bên mua lần lữa không trả nốt tiền thiếu nên cụ B. nộp đơn kiện người này ra tòa. Theo cụ, bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, giờ cụ chỉ giao đất tương ứng với số vàng và tiền đã nhận chứ không giao đủ đất như thỏa thuận trong hợp đồng nữa.
Tháng 3-2005, TAND TP Mỹ Tho xử sơ thẩm vụ án. Tại phiên tòa, bên mua giải thích có đưa cho bên bán 150 triệu đồng tiền đặt cọc đúng như hợp đồng đã ghi. Số tiền 50 triệu đồng còn lại chưa thanh toán được vì cụ B. đo đất thiếu. Bên mua yêu cầu bên bán tiếp tục đo và giao đủ đất để được nhận hết tiền.

Cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng các bên ký có giá trị pháp lý. Tiền đặt cọc đúng là 150 triệu đồng. Cụ B. nói bên mua vi phạm hợp đồng nên không giao đủ đất nhưng không có chứng cứ chứng minh. Từ đó, cấp sơ thẩm tuyên buộc bên bán giao đủ đất, còn bên mua phải giao hết 50 triệu đồng còn lại. Cụ B. kháng cáo.
Tháng 6-2005, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm vụ án và phát hiện hợp đồng có dấu bôi xóa, cạo sửa so với bản hợp đồng lưu tại UBND TP Mỹ Tho. Bên mua đã tự ý sửa chữa số tiền đặt cọc từ 100 triệu đồng thành 150 triệu đồng (!?). Do đó, cấp phúc thẩm xác định số tiền đặt cọc chỉ có 100 triệu đồng. Giải quyết vụ án, cấp phúc thẩm buộc bên bán giao đủ diện tích đất, còn bên mua phải giao đủ năm lượng vàng 24k và gần 30 triệu đồng theo đúng thỏa thuận ban đầu.
Cạo sửa vô tư
Trong vụ án dân sự, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Lâu nay nhiều người phải than trời khi đối phương xuất trình chứng cứ đã bị cạo sửa hoặc thêm bớt. Phải xử lý sai phạm này như thế nào?
Bộ luật Hình sự không quy định hành vi này là tội phạm. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 chỉ áp dụng đối với chủ thể đặc biệt như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật theo Điều 307 cũng áp dụng cho chủ thể đặc biệt là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng. Điều 266 quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sửa chữa, làm sai lệch giấy tờ, tài liệu. Tuy nhiên, đây phải là các loại giấy tờ, tài liệu do các cơ quan thẩm quyền cấp như hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, giấy chứng nhận…
Cụ B. bất bình: “Nếu cấp phúc thẩm không phát hiện việc cạo sửa thì bên mua đã lừa đảo trót lọt và chiếm đoạt của tôi 50 triệu đồng”. Ngặt nỗi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự phải gồm hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Người cạo sửa hợp đồng đã có hành vi lừa dối nhưng hành vi chiếm đoạt chưa xảy ra nên không thể xử lý theo tội này.
Điều 18 Nghị định số 150 ngày 12-12- 2005 của Chính phủ cũng có quy định xử phạt hành chính người cạo sửa hợp đồng. Nhưng để xử phạt được theo quy định này cũng phải có điều kiện là hành vi gian dối ấy đã dẫn đến kết quả là chiếm đoạt được tài sản (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).
Pháp luật không thể bó tay
Khoản 3 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Người đưa ra chứng cứ giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác”. Điều 138 luật này quy định người sai phải trả chi phí giám định chứng cứ. Viện dẫn các điều luật này, luật sư Trương Thị Cẩm Hòa cho rằng đó chính là hình thức chế tài dành cho người cung cấp chứng cứ giả tạo, sai sự thật.
Luật sư Trần Công Ly Tao – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết lâu nay đương sự trong vụ án dân sự cứ vô tư cạo sửa, cung cấp chứng cứ sai sự thật. Nếu chẳng may bị phát hiện, quá lắm thì tòa bác bỏ chứng cứ chứ không làm gì hơn. Ngược lại, nếu không bị phát hiện, người đó “tỉnh queo” xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của đối phương. Lợi nhiều, hại không có nên các đương sự cứ thế mà làm. Cũng theo luật sư Ly Tao, việc cung cấp chứng cứ sai sự thật còn kéo dài thời gian xét xử vì tòa án phải mất công xác minh, điều tra, giám định chứng cứ đó. Bởi vậy, cơ quan giải thích pháp luật cần làm rõ các văn bản hiện hành đã đủ để xử lý các trường hợp này chưa. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp luật chí ít cũng phải quy định việc xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền. Số tiền phạt có thể cao gấp ba, năm, mười lần số tiền có thể có nếu hành vi cạo, sửa không bị phát hiện.
Luật sư Cẩm Hòa lưu ý: Pháp luật các nước quy định rất khắt khe, phạt nặng, xử lý hình sự nghiêm khắc việc khai báo gian dối, cung cấp chứng cứ giả trong hình sự lẫn dân sự. Đây là vấn đề mà nhà làm luật cần quan tâm xem xét nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code