Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM: LẠI CHUYỆN NGƯ DÂN KIỆN BẢO HIỂM

NAM CƯỜNG
Một chủ tàu cá vừa có đơn kêu cứu gửi báo Tiền Phong tại miền Trung về trường hợp tàu của ông ra khơi đánh bắt bị chìm từ tháng 11/2008, nhưng đến nay, Cty Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bồi thường.
Ông Nguyễn Đức Thạch (tổ 22 phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng), trình bày, ngày 14/11/2008, tàu ĐNa – 90271 (CS 450CV) ra khơi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ngày 20/11, trên đường vào bờ, tàu bị hỏng máy, nước tràn vào gây chìm. BĐBP phối hợp cùng tàu Chân Mây I (TT Huế) đưa 14 ngư dân vào bờ.
Riêng con tàu, ông Thạch phải thuê nhiều tàu trục vớt, lai dắt vào bờ. Sau khi sửa chữa, vụ tai nạn tính sơ sơ ông Thạch bị thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Ông Thạch cầm lá đơn bức xúc: “Tôi đã cẩn thận mua bảo hiểm rồi mà đến phút chót hoá ra phải còng lưng lo liệu gần 400 triệu sửa tàu”.
Theo trình bày của ông Thạch, trị giá tàu ĐNa – 90271 khoảng một tỷ đồng (gồm thân, máy cùng nhiều ngư cụ khác), nên vào năm 2007 ông đã mua bảo hiểm của Cty Bảo hiểm Bảo Minh chi nhánh Quảng Nam (số AD 0001/08/B3 510) với giá tiền 10 triệu đồng/năm, mức bồi thường tối đa là 820 triệu đồng.
“Tôi đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục về kiểm định thiệt hại, hóa đơn chứng từ chi phí cho việc sửa chữa tàu. Đơn vị bảo hiểm cũng đến xác nhận, chụp ảnh, nhưng cuối cùng họ từ chối thanh toán vì cho rằng tôi đã tự ý ra khơi khi có dự báo thời tiết nguy hiểm” – Ông Thạch buồn rầu.
Năm lần gọi, tòa vẫn chưa thể xử
Ông Thạch trình bày: “Chúng tôi là ngư dân Đà Nẵng, vì thế khi ra khơi căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết của Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng (DRT), mà đài này phát bản tin của Đài Khí tượng Thuỷ văn Trung Trung Bộ. Ngoài ra, vào ngày 14/11/2008, khi tàu tôi ra khơi, thời tiết bình thường, không có lệnh cấm nào của BĐBP Đà Nẵng, chính quyền cũng như BCH PCLB Đà Nẵng.

“Ông Nguyễn Đình Hoàng – GĐ Cty Bảo hiểm Bảo Minh tại Quảng Nam cho hay, vụ việc không còn thẩm quyền giải quyết của ông vì số tiền đền bù quá lớn.
“Theo luật, chúng tôi phải thuê một đơn vị thứ ba giám định. Chúng tôi sẽ theo kết quả giám định của họ để quyết định đền bù hay không. Còn kết quả thế nào hãy chờ tòa án giải quyết” – Ông Hoàng nói.
Vậy mà bên phía Cty Bảo Minh viện dẫn thông báo của Đài KTTV Khu vực Nam Bộ. Chúng tôi biết tin ai?” – Ông Thạch nói.
Theo tìm hiểu của PV, BCH Phòng chống Lụt bão TP Đà Nẵng dẫn nguồn tin của Đài KTTV (còn lưu trữ) cho biết: “Ngày 12/11/2008, có vùng áp thấp xuất hiện vị trí 9,3 – 10,3 độ vĩ bắc, 115,5-115,5 độ kinh đông – cách vị trí bờ biển Vũng Tàu 900km về phía đông và di chuyển hướng tây nam. Đến 14/11, áp thấp suy yếu ở vùng biển từ Bình Thuận – Cà Mau, Đài KTTV phát bản tin cuối cùng.
Do áp thấp ở vùng biển phía nam cách quá xa ngư trường hoạt động của Đà Nẵng, BCH PCLB và BĐBP Đà Nẵng không cấm tàu ra khơi. Việc tàu cá ĐNa – 90271 của ông Thạch xuất bến đánh cá vùng biển gần đảo Cồn Cỏ (18,00 độ vĩ bắc, 108,10 độ kinh đông) là không vi phạm yêu cầu của BCH PCLB”.
Ngoài ra, BĐBP Đà Nẵng cũng xác nhận tàu ĐNa – 90271 ra khơi hợp pháp. Thêm nữa, theo một cán bộ của BCH PCLB Đà Nẵng, thì ngay dự báo của Đài KTTV Nam Bộ cũng cho rằng ngày 14/11/2008, áp thấp suy yếu, chỉ bị ảnh hưởng vùng biển từ Bình Thuận – Cà Mau, ở vĩ độ 9,1 – 10,1. Trong khi tàu ông Thạch lại đánh bắt tận vĩ độ 18,00, có khoảng cách địa lý cả ngàn kilômét.
Được biết, ông Nguyễn Đức Thạch đã kiện Cty Bảo Minh ra TAND Quảng Nam, nhưng từ tháng 6/2009 đến nay, đã bốn lần tòa gọi hòa giải không thành do phía Cty Bảo Minh không đến.
Ngày 30/8, ông Nguyễn Đức Thạch lại đến VP đại diện báo Tiền Phongmiền Trung, bức xúc việc TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoãn phiên tòa.
Theo ông Thạch, phiên tòa dự kiến sẽ xử vào sáng 28/8 nhưng chiều 27/8, phía Cty Bảo Minh đem hồ sơ đến bổ sung, khiến TAND Quảng Nam lại phải hoãn để tiếp tục nghiên cứu.
“Cũng vì nghĩ đến rủi ro cho con tàu mà tôi mua bảo hiểm, bây giờ cả tiền sắm tàu lẫn tiền sửa tôi nợ đến 500 triệu. Thế mà họ viện lý do từ chối. Sao khi mời chào mua bảo hiểm lại ngon ngọt thế?” – Ông Thạch ngán ngẩm.
SOURCE: BÁO TIỀN PHONG

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHIẾU: “ÔM” CỔ PHIẾU RỒI “XÙ”

VI TRẦN
Vì giá cổ phiếu không như kỳ vọng, bên mua từ chối “ôm” dù đã ký hợp đồng, nhận tiền cổ tức… và tòa cũng hủy luôn việc mua bán này.
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy việc mua bán cổ phiếu giữa ông T. với bà Th. vì cho rằng giao dịch giữa hai bên không hợp pháp. Điều đáng nói là trước đó bà Th. đã đồng ý ký hợp đồng mua cổ phiếu, đã nhận tiền lãi hằng năm từ số cổ phiếu này…
Chỉ tại cổ phiếu không tăng
Đầu năm 2007, Công ty Xuất nhập khẩu B. chia cổ phần cho nhân viên để huy động vốn mở rộng kinh doanh. Theo chủ trương chung, công ty sẽ chia cổ phần cho nhân viên của công ty theo thâm niên công tác, mức lương…, sau đó sẽ phát hành ra ngoài. Công ty dự kiến mệnh giá mỗi cổ phiếu là 100 ngàn đồng.
Phán đoán giá cổ phiếu Công ty B. sẽ tăng, ông T. đã thỏa thuận mua hơn 130 cổ phiếu của hai nhân viên công ty với giá 150 ngàn đồng/cổ phiếu. Hai bên chỉ làm thỏa thuận mua bán bằng giấy tay vì Công ty B. chưa cấp sổ cổ đông cho nhân viên.
Có giấy thỏa thuận, ông T. bèn tìm người bán để kiếm lời và bà Th. đã đồng ý mua. Thay vì ông T. trực tiếp mua bán hơn 130 cổ phiếu với bà Th. thì ông lại nhờ một người bạn đứng ra giao dịch. Thế là vào tháng 10-2007, bà Th. đã ký vào tờ hợp đồng do ông T. soạn sẵn rồi giao hơn 400 triệu đồng cho bạn của ông T. mang về.
Sáu tháng sau thời điểm ông T. bán cổ phiếu cho bà Th., Công ty B. cấp sổ cổ đông cho nhân viên. Nhận được sổ, hai nhân viên Công ty B. liền chuyển số cổ phiếu cho ông T. như thỏa thuận ban đầu. Ông T. liền yêu cầu bà Th. đưa giấy tờ để ông chuyển tên sở hữu số cổ phiếu của mình cho bà. Song song đó, ông T. cũng đã chuyển đến bà Th. hơn ba triệu đồng tiền cổ tức mà Công ty B. chia cho số cổ phiếu trên.

Mọi chuyện tưởng xuôi chèo mát mái nhưng lúc này, cổ phiếu của Công ty B. không tăng giá như kỳ vọng nên bà Th. đã yêu cầu ông T. hủy hợp đồng mua bán cổ phiếu, trả lại tiền cho mình.
Tòa: Giao dịch không hợp pháp!
Tại phiên phúc thẩm vừa qua, ông T. nói tại thời điểm mua bán cổ phiếu với bà Th. thì ông có quyền tài sản trên hơn 130 cổ phiếu trên nên ông có quyền định đoạt chúng. Bà Th. đã ký vào thỏa thuận mua quyền của số cổ phiếu này và đã nhận tiền cổ tức của Công ty B. nên không thể nói là không tự nguyện.
Cạnh đó, ông T. cho rằng Luật Doanh nghiệp cũng không cấm chuyện mua bán này nên ông yêu cầu bà Th. phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Ông T. còn than: “Giả sử cổ phiếu này lên sàn và tăng giá, tôi chắc chắn rằng bà Th. sẽ rượt tôi để đòi sang tên chúng chứ không đòi hủy ngang hợp đồng như thế này”.
Tòa phân tích: Tại thời điểm ông T. mua cổ phiếu của hai nhân viên Công ty B., công ty này chưa cấp sổ cổ đông cho họ nên ông T. không có cổ phiếu tại đó. Nếu có chuyện mua bán giữa ông T. với hai nhân viên thì việc mua bán này là không hợp pháp bởi trong điều lệ, Công ty B. quy định việc mua bán cổ phiếu phải có sự đồng ý của công ty trong khi hai nhân viên kia lại tự ý bán.
Vì ngay từ đầu việc mua bán cổ phiếu giữa ông T. với hai nhân viên của Công ty B. không hợp pháp nên các hợp đồng, giao dịch sau đó sẽ đương nhiên vô hiệu. Do đó, tòa đã tuyên giao dịch giữa ông T. với bà Th. vô hiệu và phía ông T. phải trả lại cho bà Th. hơn 400 triệu đồng.

TRANH CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ: TRỔ CỬA SỔ SANG NHÀ HÀNG XÓM, BIẾT SAI NHƯNG KHÔNG DỄ BỊT!

LINH GIANG
Quy chuẩn xây dựng hiện hành không quy định việc trổ cửa.
Sáu hộ dân ngụ hẻm 47 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM phản ánh: Hơn 50 năm nay, họ có sử dụng chung một nhánh rẽ của hẻm 47 để làm lối đi. Do nhánh rẽ là đường cùn nên các hộ đã nâng cấp, xây nhiều bồn cây, chậu kiểng làm thành một sân chung trồng nhiều cây xanh.
Tự ý trổ nhiều cửa
Lấn cấn phát sinh khi hộ 47/19 (không thuộc sáu hộ trên) xây dựng nhà ở vào tháng 5-2009. Do hông nhà này giáp ranh với nhánh rẽ, mặt tiền nhà quay ra đoạn đầu con hẻm nên trong quá trình thi công, chủ hộ là ông T. đã di dời, phá bỏ cây xanh nhằm mở cửa đi bên hông nhà. Khi bị sáu hộ phản đối, ông T. đã bít cửa hông này. Chừng khi xây lầu thì ông lại tiếp tục mở cửa bên hông trên lầu và cửa sổ nhìn trực diện vào nhà của sáu hộ. Ngoài ra, cửa thông gió phòng vệ sinh của nhà ông T. còn hướng thẳng vào nhà 47/28.
Theo một hộ dân, khi khởi công xây dựng thì ông T. có trao đổi với các hộ về việc trổ cửa sổ và cửa hông, đồng thời yêu cầu các hộ dọn dẹp cây xanh. Nhưng sáu hộ không chấp thuận cho trổ cửa. Bởi làm vậy thì hẻm sẽ bị thu hẹp và các cây xanh cũng bị phá hỏng. Nhưng viện lẽ đã được cấp phép xây dựng, ông T. vẫn cứ theo kế hoạch mà làm.
Không còn cách nào khác, sáu hộ đã khiếu nại đến UBND phường 6 và UBND quận 5. Ngày 25-5, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 5 đã mời hai bên đến làm việc và yêu cầu sáu hộ dân đồng ý cho ông T. trổ cửa sổ với điều kiện “cách mặt đất 2,5 m trở lên, chỉ được trổ ít cửa sổ và không mở trực diện nhìn thẳng sang nhà các hộ”. Sau đó, đại diện của Thanh tra xây dựng quận 5 có biên bản lưu ý: Theo bản vẽ kèm theo giấy phép xây dựng thì nhà 47/19 không có cửa hông lẫn cửa sổ. Nhưng để dễ đón nắng, ông T. được trổ ba cửa sổ.

Chưa có cơ sở điều chỉnh
Trong hai công văn trả lời khiếu nại của sáu hộ dân, UBND quận 5 cho biết: Quyết định 04 ngày 3-4-2008 của Bộ Xây dựng không khống chế việc mở cửa sổ tại hẻm công cộng. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 chỉ quy định “khi thiết kế nhà ở liên kế, việc mở cửa sổ tại các phòng chức năng phải đảm bảo tính riêng biệt cho mỗi căn nhà” (khoản 5.5.1). Tiếp nữa, theo Công văn 5673 ngày 20-7-2009 của Sở Xây dựng, nhà ở và công trình xây dựng trong khu quy hoạch cải tạo các khu vực cũ trong đô thị phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu đến ranh đất kề cận từ 2 m trở lên. Như vậy, hộ 47/19 không làm sai quy định trong việc trổ cửa sổ tại hẻm 4 m. Tất nhiên, việc mở cửa phải đảm bảo tính riêng biệt cho mỗi căn nhà.
Đáng lưu ý, cả hai công văn đều chưa thể hiện rõ ông T. có được phép mở cửa hông hay không. Riêng với lưu ý trên của Thanh tra xây dựng quận 5 (chỉ được mở tối đa ba cửa sổ), ông T. đã mở đến tám cửa sổ và hai cửa bên hông lại nhìn trực diện vào nhà của sáu hộ dân làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Ông Huỳnh Thiện Triết, Phó phòng Quản lý đô thị quận 5, thừa nhận: Rất khó ra công văn yêu cầu ông T. bít cửa sổ vì không có quy định về việc này. Trong khi đó, Công văn 5673 của Sở Xây dựng lại cho phép “công trình xây dựng có khoảng cách đến ranh đất của hộ liền kề từ 2 m trở lên được trổ cửa sổ”.
“Để đảm bảo được sự riêng tư của các hộ lân cận, phòng đã đề nghị Thanh tra xây dựng quận phối hợp với UBND phường buộc ông T. phải lắp gạch kính (không nhìn thấy bên ngoài) đối với các cửa sổ theo đúng thiết kế. Sắp tới, nếu ông T. không thực hiện việc này thì phòng sẽ xin ý kiến xử lý của UBND quận” – ông Triết nói.
Trước chi tiết, nay không
Theo Điều 7 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 682 ngày 14-12-1996 của Bộ Xây dựng, chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa sổ, cửa đi, lỗ thông hơi, lỗ thông gió theo quy định sau:
- Từ tầng hai (lầu một) trở lên, trên các bức tường cách ranh giới đất với công trình bên cạnh dưới 2 m không được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi (chỉ được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi trên các bức tường cách ranh giới đất với nhà bên cạnh ít nhất 2 m). Khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh (chắn tầm nhìn hoặc bố trí so le các cửa sổ giữa hai nhà).
- Mép ngoài cùng của ban công trông sang nhà hàng xóm phải cách ranh giới đất giữa hai nhà ít nhất là 2 m.
Tuy nhiên, quy chuẩn xây dựng này đã được thay thế bằng Quy chuẩn xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 04 ngày 3-4-2008 của Bộ Xây dựng và việc trổ cửa đã không được đề cập đến.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP DÂN SỰ VỀ GIA SÚC BỊ THẤT LẠC: RỐI RẮM CHUYỆN CON BÒ ĐI LẠC

HỒ SỸ
Chủ bò muốn bắt đền người đã xẻ thịt con bò nhưng xã chỉ huyện, huyện lại đổ xã.
Con bò “bất hạnh” trên thuộc sở hữu của ông Phan Văn Hạnh, ngụ xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Sau khi vay tiền ngân hàng, ông Hạnh đã dùng 18 triệu đồng mua một con bò đực để cày đất và chở nông sản. Tối 5-2-2008 (nhằm ngày 29 Tết Mậu Tý), con bò thường ngày được cột trong vườn nhà ông Hạnh bị tuột dây, đi lạc.
Còn sống hay đã chết?
Ngày 20-6-2008, sau bốn tháng trời ròng rã truy tìm, ông Hạnh mới hay tin con bò của mình đã được ông C. (thôn Lập Phước, xã Tân Lập) bắt được và nuôi giữ. Ông C. cũng thừa nhận việc này nhưng lại cho rằng “đó là chuyện của quá khứ” vì vào đầu tháng 6 thì con bò đã chết và ông đã đem ra xẻ thịt.
Không dễ dàng cho qua việc này, ông Hạnh đã nộp đơn yêu cầu UBND xã Tân Lập xử lý. Gần ba tháng sau đó, xã mời ông Hạnh đến làm việc nhưng không phải về vụ đòi bò mà là vụ con bò của ông đã gây thiệt hại cho ông C. và một người khác cùng thôn vào đêm bị lạc. Theo biên bản do thôn lập ngày 6-2-2008 thì con bò của ông Hạnh đã ăn gần 1.500 trái và bông thanh long, đạp rách 12 tấm bạt để phủ đất và đạp bể 200 viên gạch. Theo đó, xã yêu cầu ông Hạnh phải bồi thường 6,4 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Tâm, nguyên thôn phó thôn Lập Phước, biên bản trên được lập không có căn cứ. “Chỉ trong một đêm thì con bò không thể nào quậy phá tanh bành như thế! Nhưng thôn trưởng chỉ đạo tôi cứ lập biên bản để bắt chủ bò bồi thường nhằm lấy tiền làm quỹ thôn” – ông Tâm nói. Ông Tâm còn khẳng định: “Trong thời gian ở nhà ông C. thì con bò không chết và không hề bị xẻ thịt. Chính xác là ông C. đã bán bò cho một người ở thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Tôi đã thu âm được lời của hai người bàn việc mua, bán bò và tôi sẵn sàng đứng ra làm chứng việc này”.

Người nuôi giữ phải có trách nhiệm
Từ thông tin do ông Tâm cung cấp, cứ tưởng UBND xã Tân Lập sẽ nhanh chóng xác định thủ phạm “tẩu tán” con bò để bù đắp thiệt hại cho ông Hạnh nhưng không phải vậy. Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết: “Chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc này. Do vậy, chúng tôi đã chuyển đơn của ông Hạnh đến huyện”. Trong khi đó, vào tháng 6, 7-2009, UBND huyện Hàm Thuận Nam liên tiếp có hai văn bản yêu cầu xã Tân Lập giải quyết và có văn bản trả lời cho huyện. Mới đây nhất, vào ngày 14-8, UBND huyện lại có văn bản giao Công an huyện giải quyết vụ việc. Cách chuyển giao tới lui này khiến ông Hạnh bị xoay như đèn cù.
Theo Điều 242 Bộ luật Dân sự, người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho UBND xã nơi cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được. Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được. Trong thời gian nuôi giữ, người nuôi phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.
Nếu ông Tâm nói đúng thì ông C. đã làm sai quy định khi không báo tin để UBND xã thông báo công khai và còn tự ý bán con bò đi lạc khi chỉ mới nuôi bốn tháng. Trường hợp con bò chết như trình bày của ông C. thì nguyên nhân chết cũng cần được làm rõ để có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của ông C.
Được biết, ông Hạnh đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi kiện ông C. ra tòa. “Trong đơn kiện tôi sẽ yêu cầu ông C. trả lại bò hoặc ông C. phải thanh toán cho tôi giá trị con bò” – ông Hạnh cho biết.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI LIÊN QUAN ĐẾN NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ: ĐỨT DÂY ĐIỆN LÀM HAI NGƯỜI CHẾT, CHỦ LƯỚI ĐIỆN PHẢI BỒI THƯỜNG?

VIỆT TƯỜNG
Trưa 31-12-2008, một sợi dây cáp điện của đường dây hạ thế 0,4 kV thuộc công trình lưới điện tại thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên bất ngờ bị đứt, rơi xuống vắt ngang sân nhà ông Nguyễn Thanh Sang.
Không may, đứa cháu nội gần ba tuổi của ông Sang bị vướng vào dây và bị điện giật ngã nhào. Trong cơn hoảng loạn, vợ ông Sang chạy ra kéo tay đứa cháu và sau đó thì cả hai đều chết. Cho rằng đơn vị quản lý lưới điện là Hợp tác xã Quản lý kinh doanh điện nông thôn Sơn Hà phải chịu trách nhiệm về thiệt hại trên, ông Sang đã nộp đơn yêu cầu chính quyền địa phương xử lý.
Tháng 7-2009, trả lời đơn khiếu nại của ông Sang, thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng Công an huyện Sơn Hòa cho biết không thể xử lý ai cả. Bởi lẽ tai nạn xảy ra là do sự chủ quan, thiếu hiểu biết của gia đình nạn nhân. Thấy dây cáp điện bị đứt, rơi trước sân nhà nhưng gia đình không cảnh giác đề phòng, không báo cho người có trách nhiệm và có biện pháp an toàn cho người ở gần khu vực trên biết để đề phòng tai nạn. Khi cháu bé bị vướng dây cáp điện, bà nội không đủ tỉnh táo tìm vật liệu cách điện cứu cháu mà trực tiếp nắm tay nên cũng bị điện giật chết. Cũng theo thượng tá Tuấn, mặc dù có hậu quả xảy ra chết người nhưng đây là tai nạn ngoài ý muốn, không có lỗi trực tiếp của người nào, kể cả nhân viên trực tiếp quản lý và vận hành lưới điện. Căn cứ vào công văn này, UBND xã cũng đã có biên bản từ chối thanh toán chi phí mai táng cho hai nạn nhân trên.

Bộ luật Dân sự xếp hệ thống tải điện vào nguồn nguy hiểm cao độ. Theo Điều 623 bộ luật này, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bảo quản, trông giữ nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định; phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi (trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng…).
Được biết, do sử dụng lâu ngày nên kẹp đấu nối xuống công tơ khách hàng bị lỏng, dẫn đến hiện tượng phóng điện, gây phát nóng cục bộ và làm đứt dây. Nhiều ý kiến cho rằng nếu làm tốt việc bảo quản, trông giữ lưới điện thì hợp tác xã đã không để xảy ra sự cố đứt dây… Căn cứ vào điều luật trên, hợp tác xã không thể viện lẽ không có lỗi để phủi tay trước cái chết ngoài ý muốn của hai bà cháu.
Hiện ông Sang đang làm thủ tục khởi kiện Hợp tác xã Sơn Hà ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẦU TƯ: BẦU SỐ KIỆN CA SĨ

HOÀNG YẾN
Tòa bác yêu cầu bồi thường gần 60 triệu đồng của bầu sô vì không chứng minh được ca sĩ vi phạm hợp đồng.
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm một tranh chấp hợp đồng đầu tư khá lạ giữa bầu sô H. với nam ca sĩ T.
Đầu xuôi, đuôi không lọt
Theo đơn kiện, tháng 8-2004, bà H. ký hợp đồng độc quyền với nhóm ca NC gồm bốn thành viên, trong đó có ca sĩ T. (bà H. ký hợp đồng riêng với từng người). Đầu năm 2005, Album Vol 1 của nhóm ca được phát hành. Đến cuối năm, một người trong nhóm tự rút ra khi thời hạn hợp đồng vẫn còn. Bà H. và ba thành viên còn lại vẫn quyết định duy trì hoạt động.
Do điều kiện khó khăn, bà cho nhóm ca tạm nghỉ bốn tháng để chuẩn bị rồi đến tháng 6-2006 sẽ ký hợp đồng mới để thực hiện Album Vol 2. Thời gian nhóm ca tạm nghỉ, bà H. vẫn trả cho mỗi thành viên 500 ngàn đồng mỗi kỳ lương nửa tháng. Nhưng khi đến hạn ký hợp đồng mới, ca sĩ T. lại từ chối. Tiếp đó, hai thành viên còn lại của nhóm ca cũng dứt khoát không hợp tác nữa.
Bà H. đòi bồi thường thì ca sĩ T. không chịu và cũng không hề liên hệ với bà để biết tình hình hoạt động của nhóm. Vì thế, bà H. khởi kiện ra TAND quận 10 (TP.HCM), đòi ca sĩ T. phải trả tổng cộng gần 60 triệu đồng, gồm 50 triệu đồng tiền vi phạm hợp đồng, bốn triệu đồng tiền lương đã nhận khi tạm nghỉ cùng một số khoản vay lắt nhắt khác.
Ngược lại, ca sĩ T. nói sau khi một người trong nhóm ca rút ra, hoạt động của nhóm chỉ mang tính chất cầm chừng để chờ bà H. tìm người mới tái lập bộ tứ như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, chờ mãi mà bà H. vẫn không tìm được người, nhóm ca không thể nhận các sô biểu diễn, thu nhập của anh em kém hẳn đi.

Đến tháng 7-2006, khi bà H. đề nghị ca sĩ T. ký hợp đồng mới thì nội dung lại chỉ là thành lập một nhóm ca ba người và có nhiều điều chưa phù hợp. Cạnh đó, ca sĩ T. thấy nghiệp ca hát của mình không tiến triển sau hai năm hợp tác với bà H. nên từ chối. Ca sĩ T. không đồng ý bồi thường cho bà H. vì cho rằng mình không tự ý chấm dứt hợp đồng đã ký ban đầu. Hợp đồng của ca sĩ T. là hợp đồng độc lập giữa anh với bà H. nên không có nghĩa vụ liên đới bồi thường khi một thành viên khác của nhóm ca ra đi…
Tòa: Ca sĩ không có lỗi
Thụ lý được một thời gian, TAND quận 10 đã chuyển hồ sơ lên Tòa kinh tế TAND TP để giải quyết theo thẩm quyền.
Tháng 11-2008, Tòa kinh tế TAND TP đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm, nhận định hợp đồng ký kết giữa bà H. và ca sĩ T. là hợp đồng giữa hai cá nhân. Trong hợp đồng không quy định là nếu nhóm ca có người rút ra thì các thành viên còn lại phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Hợp đồng cũng không hề ghi rằng nhóm ca có hoạt động khi thiếu người hay không, nếu thiếu người thì chấm dứt hợp đồng hay tiếp tục… Thực tế là các bên không ngồi lại bàn bạc để chấm dứt hợp đồng hay thanh lý hợp đồng. Sau khi ca sĩ T. không ký hợp đồng mới, bà H. cũng không yêu cầu hai thành viên còn lại tiếp tục thực hiện hợp đồng…
Mặt khác, việc nhóm ca thiếu người nhưng bà H. không tìm được người bổ sung, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên cũng có phần lỗi của bà H. Đồng thời, việc ca sĩ T. từ chối ký hợp đồng mới không có lỗi của anh.
Như vậy, bà H. đã không chứng minh được ca sĩ T. có lỗi vi phạm hợp đồng nên tòa bác yêu cầu bồi thường. Tòa cũng bác cả các yêu cầu khác của bà H. bởi tiền lương trong thời gian nhóm ca tạm nghỉ là lương hỗ trợ, không có chứng cứ gì chứng minh nếu ca sĩ T. không ký tiếp hợp đồng mới thì sẽ phải trả lại. Còn về các khoản nợ lắt nhắt, bà H. chỉ trình sổ bà tự ghi chép trong khi ca sĩ T. lại cương quyết phủ nhận.
Ngay sau đó, bà H. kháng cáo. Sau nhiều lần hoãn xử vì triệu tập các thành viên nhóm ca không được, mới đây Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm vì đồng tình với phân tích, nhận định của cấp sơ thẩm.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN: KIỆN NHAU. . . VÌ CÁI ĐUÔI CỨU *

HOÀNG VĂN
Nghi ngờ bị đơn chặt đuôi để lừa bán cừu giống xấu thành cừu giống tốt, nguyên đơn đã kiện ra tòa đòi bồi thường.
Cuối năm 2004, vợ chồng ông T., ngụ phường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) có ý định mua cừu giống về nuôi. Qua giới thiệu, họ được biết ông B. ở phường Ba Ngòi có một bầy cừu 52 con muốn bán. Thế là vợ chồng ông T. đến gặp ông B., thỏa thuận mua bầy cừu này với giá 185 triệu đồng.
Biến cừu xấu thành cừu tốt?
Sau khi mang bầy cừu về nuôi, một hôm tắm cho chúng, vợ chồng ông T. bất ngờ phát hiện trong số 44 con cừu cái giống chỉ có sáu con là giống cụt đuôi (loại tốt, giống cừu thuần chủng của Việt Nam), một con giống dài đuôi (loại xấu), 37 con còn lại đều là giống dài đuôi nhưng đã bị… chặt cụt đuôi!
Nghi ngờ ông B. đã chặt đuôi cừu để lừa bán cừu giống xấu thành cừu giống tốt cho mình, vợ chồng ông T. yêu cầu ông B. trả lại số tiền chênh lệch 38 con cừu giống xấu với giá mỗi con 1,7 triệu đồng, tổng cộng gần 65 triệu đồng. Ông B. không chịu, bảo việc mua bán giữa hai bên diễn ra công khai. Vật mua bán là con cừu nên bên mua có thể quan sát một cách toàn diện. Cái đuôi cừu thì nằm ở bên ngoài, bên mua có thể quan sát, sờ mó được chứ không phải là đặc điểm ẩn giấu bên trong nên “đã mua là phải chịu”.
Mỗi tòa một phán quyết
Không ai chịu ai nên tháng 5-2005, vợ chồng ông T. đã khởi kiện ông B. ra TAND thị xã Cam Ranh.

Bốn tháng sau, tòa này đưa vụ kiện ra xử. Theo tòa, dù hợp đồng mua bán không ghi cụ thể chủng loại cừu nhưng ông B. xác định cả đàn cừu ông bán đều là cừu cụt đuôi giống tốt trừ một con cừu dài đuôi giống xấu. Nhưng thực tế lại có đến 37 con cừu dài đuôi giống xấu đã bị chặt cụt đuôi để giả làm cừu giống tốt. Như vậy, ông B. đã cố tình giao cho vợ chồng ông T. số cừu này. Việc vợ chồng ông T. yêu cầu ông B. bồi thường tiền chênh lệch cừu giống xấu là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận.
Đi vào cụ thể, tòa phân tích theo hợp đồng mua bán giữa hai bên thì vợ chồng ông T. mua cả đàn cừu 52 con của ông B. với số tiền 185 triệu đồng. Giá bình quân mỗi con cừu này là hơn 3,5 triệu đồng, trong khi giá cừu giống xấu trên thị trường tại thời điểm đó là 2,5 triệu đồng/con nên tiền chênh lệch giá mỗi con là hơn một triệu đồng. Từ đó, tòa buộc ông B. phải bồi thường cho vợ chồng ông T. tổng cộng hơn 40 triệu đồng.
Ông B. lập tức kháng cáo. Tháng 1-2006, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ kiện ra xử phúc thẩm với một phán quyết trái ngược hoàn toàn.
Tòa phúc thẩm phân tích: Vợ chồng ông T. nói ông B. đã có hành vi gian dối khi bán cừu song lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh ông B. thỏa thuận bán cho vợ chồng ông loại cừu giống gì. Hai bên chỉ thỏa thuận rằng mua một bầy cừu 52 con, trong đó có 44 con tơ và mẹ, hai con đực lớn, một con cái choai và năm con đực vừa mà thôi. Như vậy, không có cơ sở để khẳng định ông B. lừa dối vợ chồng ông T. trong việc ký kết cũng như thực hiện hợp đồng mua bán bầy cừu như cấp sơ thẩm nhận định.
Mặt khác, trong thời gian chờ thanh toán đủ tiền để nhận cừu, gia đình ông T. đã đến tiếp xúc, làm quen và quản lý, chăn cừu nên không thể cho rằng ông B. cố tình che giấu khuyết tật của vật giao dịch được. Vì thế, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông B., tuyên bác yêu cầu bồi thường của vợ chồng ông T.
Cả tòa tối cao cũng vào cuộc
Vụ tranh chấp vì cái đuôi cừu này chưa dừng lại bởi sau đó bản án phúc thẩm nói trên đã bị kháng nghị giám đốc thẩm. Xử giám đốc thẩm, Tòa dân sự TAND tối cao đã quyết định hủy án, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm lại theo hướng công nhận bản án sơ thẩm.
Theo TAND tỉnh Khánh Hòa, quá trình giải quyết lại vụ án, tòa đã hai lần triệu tập hợp lệ nhưng ông B. vẫn không đến tham gia phiên phúc thẩm lần hai. Vì vậy, tháng 7-2009, tòa đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tức bản án dân sự sơ thẩm của TAND thị xã Cam Ranh (tuyên vợ chồng T. thắng kiện) có hiệu lực pháp luật.
Chưa chịu, mới đây ông B. đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng, cho rằng mình không hề nhận được giấy triệu tập nào của TAND tỉnh Khánh Hòa cả. Ông bảo cũng không được nhận văn bản kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm trước đó…
* Tiêu đề bài viết Civillawinfor đặt lại
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ:

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG: GIÁ GIAO DỊCH GIẤY TAY CAO HƠN HỢP ĐỒNG CÔNG CHỨNG, XỬ THEO HỢP ĐỒNG MỚI ĐÚNG LUẬT?

MAI MINH
Năm 2003, vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Sương có mua căn nhà 552 Cách Mạng Tháng Tám, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đến năm 2007, sau khi chồng bà đột ngột qua đời, bà phải đối mặt với khoản nợ lớn gần gấp ba lần số tiền mua căn nhà ban đầu.
Buộc phải trả số vàng chênh lệch
Theo hợp đồng mua bán nhà ở lập ngày 24-12-2003 giữa vợ chồng bà Sương với người bán (đã được Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Dương chứng nhận), giá mua bán căn nhà trên là 546 triệu đồng. Hợp đồng ghi rõ: “Giá này là giá cố định, không thay đổi trong trường hợp giá thị trường lên, xuống. Bên mua có trách nhiệm thanh toán một lần sau khi ký hợp đồng. Sau khi thanh toán đủ, bên mua được giao nhà đất”. Đầu năm 2004, vợ chồng bà Sương đã nhận nhà và làm xong thủ tục sang tên.
Mọi chuyện trôi qua yên ả cho đến tháng 3-2007, tức hơn ba năm sau thời điểm hai bên mua bán nhà. Bấy giờ, chủ nhà cũ đã khởi kiện bà Sương ra tòa, yêu cầu phải trả nợ 92,5 lượng vàng thay cho người chồng đã chết. Theo nguyên đơn, trước đây chồng bà Sương mua nhà trên với giá 300 lượng vàng và chỉ mới trả được hơn 200 lượng vàng. Để chứng minh, nguyên đơn đưa ra giấy viết tay lập ngày 18-12-2003 (trước ngày đi công chứng hợp đồng mua bán nhà). Giấy này không ghi tên người nhận tiền, chỉ ghi “Gửi cho thầy số vàng 207,5 lượng vàng, còn lại 92,5 lượng vàng”. Chủ nhà cũ khẳng định đó là giấy của chồng bà Sương xác nhận việc nợ tiền mua nhà.
“Theo hợp đồng, giá mua bán chỉ hơn 500 triệu đồng, tương đương 80 lượng vàng ở thời điểm giao dịch. Vậy con số 300 lượng vàng lấy đâu ra?” – Từ các thắc mắc này, bà Sương không đồng ý trả nợ.

Thế nhưng cả hai bản án sơ thẩm tháng 7-2007 của TAND thị xã Thủ Dầu Một và phúc thẩm tháng 9-2007 của TAND tỉnh Bình Dương đều tuyên xử “bà Sương phải trả nốt 92,5 lượng vàng”. Hai tòa này đều căn cứ vào giấy tay nêu trên để cho rằng việc nợ nần “là có thật” và không đả động gì đến số tiền giao dịch ghi trên hợp đồng mua bán nhà được công chứng.
Xử vậy là sai?
Luật sư Nguyễn Thế Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Cả hai cấp tòa đều xử sai luật”. Bởi theo khoản 1c Điều 80 Bộ luật Tố tụng dân sự, những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp thì không phải chứng minh. Tòa án phải căn cứ vào những chứng cứ đó để phán quyết cho hợp lẽ. Trong trường hợp hai bên cùng đưa ra chứng cứ, một bên là chứng cứ hợp pháp và một bên là chứng cứ chưa được kiểm nghiệm thì tòa án không thể bỏ qua chứng cứ hợp pháp.
Luật sư Nguyễn Minh Luận (Đoàn luật sư TP.HCM) còn chỉ ra một sai sót khác: Dù hết thời hiệu khởi kiện nhưng tòa án vẫn thụ lý đơn kiện của chủ nhà cũ nộp tháng 3-2007. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 159 bộ luật trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm. Kế tiếp, Nghị quyết 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn: “Nếu tranh chấp phát sinh trước ngày 1-1-2005 thì thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày 1-1-2005”. Do vợ chồng bà Sương đã hoàn tất thủ tục sang tên nhà từ đầu năm 2004 nên nếu thực sự có việc nợ nần mà không chịu khởi kiện thì đến ngày 1-1-2007, chủ cũ đã mất quyền khởi kiện.
Ngoài ra, tòa án hai cấp còn vi phạm thủ tục tố tụng khi không đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vụ án. Luật sư Luận phân tích: “Khi chồng bà Sương chết không để lại di chúc, vợ, các con và cha mẹ ruột của ông được đồng thừa kế phần nhà thuộc sở hữu hợp pháp của ông. Theo khoản 1 Điều 637 Bộ luật Dân sự, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Như vậy, khi bị kiện tụng thì không chỉ bà Sương mà hai con đã thành niên của vợ chồng bà cùng cha mẹ chồng của bà (nếu còn sống) đều là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải tham gia vụ án”.
Các bạn có đồng tình với hai quan điểm của hai luật sư nêu trên, nhất là về việc tòa án cần dựa vào hợp đồng công chứng để làm căn cứ xét xử tranh chấp? Do việc làm hai hợp đồng khác nhau để đối phó với cơ quan thuế vẫn hay xảy ra trên thực tế nên chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến liên quan. Mời bạn đọc theo dõi tiếp ở số báo sau.
Vì sao phải làm hai hợp đồng?
Khi mua bán nhà, đất, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân (theo quy định cũ là chuyển quyền sử dụng đất); phần người mua nộp lệ phí trước bạ nhà, đất.
- Thuế thu nhập cá nhân bằng 2% theo giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng hoặc theo giá do UBND tỉnh quy định trong trường hợp giá ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá của tỉnh. Hoặc người bán có thể nộp 25% trên tiền lãi.(Thuế chuyển quyền sử dụng đất ở bằng 4% theo bảng giá do UBND tỉnh quy định).
- Lệ phí trước bạ nhà, đất bằng 0,5% (quy định cũ là 1%) theo giá ghi trên hợp đồng hoặc theo giá do UBND tỉnh quy định trong trường hợp giá ghi trên hợp đồng thấp hơn bảng giá của tỉnh.
Sợ ghi đúng theo giá giao dịch trên thực tế thì phải đóng thuế, lệ phí cao, hai bên mua, bán đã thỏa thuận làm hai hợp đồng: Một hợp đồng tay ghi chính xác giá mua bán để hai bên thực hiện; một hợp đồng ghi không đúng giá mua bán để hai bên đi công chứng.
PV
Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ CHUYÊN GIA
Ông Trần Đông Chu, kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao:
Sẽ đầy đủ hơn nếu xem xét thêm giấy tay
Trước giờ, trong rất nhiều trường hợp mua bán nhà, đất, tuy giá giao dịch thực tế một đằng nhưng giá ghi trên hợp đồng được công chứng, chứng thực lại là một nẻo. Thường là giá giao dịch luôn cao hơn rất nhiều so với hợp đồng công chứng. Sở dĩ xảy ra điều này vì các bên ý thức rõ: nếu ghi đúng giá giao dịch thực có thể phải đóng thuế, lệ phí cao.
Ở góc độ pháp lý, trong hợp đồng mua bán nhà, đất, công chứng viên xác nhận nhiều nội dung. Khi có tranh chấp, hợp đồng mua bán nhà, đất được công chứng, chứng thực có giá trị pháp lý để chứng minh hành vi mua bán là hợp pháp.
Nhưng xét riêng về giá cả (như bên bán kiện đòi bên mua thanh toán số tiền chênh lệch theo hợp đồng) thì hợp đồng công chứng không phải là căn cứ duy nhất để xác định giá trị thực của căn nhà mà cần phải dựa vào nhiều chứng cứ khác (như hợp đồng tay, hợp đồng nguyên tắc, người làm chứng, giá cả của hội đồng định giá do tòa trưng cầu…) để ra phán quyết.
Cần lưu ý, chúng ta chưa có cơ quan chuyên môn thẩm định giá cả nên công chứng viên không chịu trách nhiệm về giá cả của hợp đồng mà giá cả là do các bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm với nhau. Đây là cách làm phù hợp với luật tố tụng dân sự.
Đồng ý là việc ghi sai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng là hành vi ăn gian, đáng phê phán. Nhưng tiếc rằng pháp luật chưa có thang điểm về chứng cứ, cơ chế phạt hành vi ăn gian này nên đến giờ các vi phạm vẫn còn tồn tại.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, thẩm phán TAND quận 10, TP.HCM:
Phải căn cứ vào giá giao dịch thật
Về nguyên tắc, tòa án cần xác định đối tượng tranh chấp là gì để sử dụng nó làm vật ngang giá nhằm xử lý tranh chấp của các bên. Khi các bên tự thừa nhận giá trị thật của tài sản không phải là giá trị ghi trong hợp đồng công chứng, tòa án không thể dựa vào hợp đồng công chứng đó để xét xử.
Bên cạnh đó, tòa án có quyền định giá lại tài sản tranh chấp khi có sự không phù hợp về giá. Chẳng hạn, một căn nhà nằm ở vị trí đắc địa, có nhiều lợi thế thì không thể có giá quá thấp như ghi trong hợp đồng công chứng. Trong trường hợp này, pháp luật cho phép tòa án được diễn giải, suy đoán một cách có căn cứ để tìm ra giá trị thật của tài sản tranh chấp.
Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM:
Nếu giả tạo thì không có giá trị pháp lý
Trên nguyên tắc, tòa phải xử dựa vào hợp đồng công chứng vì đây là chứng cứ không cần chứng minh. Nhưng nếu các bên chứng minh được giá giao dịch thật thì hợp đồng công chứng lúc này chỉ là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng thật khác. Do hợp đồng giả tạo không có giá trị pháp lý nên tòa án cần căn cứ vào hợp đồng tay để xét xử.
Việc chứng minh hợp đồng công chứng là hợp đồng giả tạo thường khá phức tạp. Để tránh những thiệt thòi có thể xảy ra về sau, các bên không nên vì lợi nhỏ trước mắt mà gian dối khi kê khai giá chuyển nhượng. Người dân được hưởng phúc lợi từ nhà nước và xã hội nên phải có nghĩa vụ đóng thuế. Đây vừa là nghĩa vụ pháp lý, vừa là nghĩa vụ đạo lý.
Tất nhiên, nhà nước cũng cần xem xét lại chính sách thuế và việc sử dụng tiền thuế sao cho có tác dụng động viên người dân đóng thuế.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=265302

TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: HẠNH PHÚC CẦN BÁNH MÌ VÀ HOA HỒNG

HOÀNG YẾN
TAND quận X (TP.HCM) vừa giải quyết một vụ ly hôn mà cả tòa lẫn những người trong cuộc đều thấy khó xử. Lý do chia tay chỉ là sự không hòa hợp về tâm hồn: Người vợ sống nội tâm, nhạy cảm trong khi người chồng lại khô khan, ít quan tâm đến cảm xúc của vợ…
Lòng tốt thôi chưa đủ
Theo hồ sơ, bà T. là giáo viên, còn ông V. là tài xế. Họ đều đã hơn 40 tuổi, kết hôn từ 11 năm nay và có với nhau ba mặt con. Tháng 3-2009, bà T. nộp đơn ra tòa xin được ly hôn.
Bà trình bày rằng ông V. tính tình hiền lành, chịu khó làm lụng nên được mọi người quý mến. Đó cũng là ưu điểm lớn nhất để bà đồng ý kết hôn với ông. Trong quá trình chung sống, ông V. là người chồng tốt, người cha tốt, chịu khó giúp đỡ vợ chăm sóc con. Ông đi làm về giao hết tiền lương cho vợ, còn bản thân tiêu xài tằn tiện, ít mua sắm cho bản thân, không ăn chơi, tụ tập ăn nhậu. Nói chung, ông V. có những điểm tốt cơ bản.
Thế nhưng, theo bà T., giữa vợ chồng có những điểm khác biệt không thể dung hòa về quan niệm sống, cách giáo dục con cái… Bà T. bảo mình là người sống nội tâm, nhạy cảm và lãng mạn, còn ông V. thì bàng quan, lạnh lùng, khô khan, không cần biết cảm xúc của vợ, càng không biết âu yếm hay chiều chuộng vợ. Tính bà chu đáo, thích quan tâm đến người thân, còn chồng thì hời hợt, vô tâm. Bà nói mình cực nhọc suốt ngày để cùng chồng nuôi con cũng được nhưng phải có sự âu yếm lẫn trân trọng của chồng để làm nguồn động viên.

Thời gian đầu, bà T. có chủ động trao đổi trực tiếp với ông V. để vợ chồng hiểu nhau nhưng hiếm khi nào bà nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chồng. Nghĩ rằng nói chuyện trực tiếp hay dẫn đến nóng nảy, mất bình tĩnh nên thỉnh thoảng bà cũng trao đổi qua thư từ, nhật ký, bày tỏ những suy nghĩ thật để mong được chồng cảm thông, chia sẻ nhưng tiếc là không được như mong đợi.
Sáu năm trước, khi chỉ mới có với nhau một mặt con, bà đã nộp đơn lên tòa xin đơn phương ly hôn nhưng sau đó rút đơn lại vì hy vọng ông V. sẽ thay đổi nhưng đến giờ bà thấy không còn hy vọng gì nữa nên cương quyết xin tòa cho ly hôn. Bà tự nguyện nhận nuôi ba con và chỉ nhận trợ cấp từ ông V. một triệu đồng/tháng cho các cháu.
Vì tương lai con trẻ!
Trong các phiên hòa giải, bà T. luôn thừa nhận ông V. là người chồng, người cha tốt, có trách nhiệm với gia đình nhưng lại thiếu thứ quan trọng nhất là sự lãng mạn. Bà nói: “Nếu đối với một phụ nữ nào đó hơi vô tâm thì anh V. là người mẫu mực. Nhưng với tôi, sống với anh ấy tinh thần tôi nặng nề, không thoải mái”.
Trình bày với tòa, ông V. lại không đồng ý ly hôn vì sợ các con nhỏ thiếu cha, thiếu mẹ. Ông bảo cũng biết vợ là người lãng mạn nhưng vì cuộc sống khó khăn nên ông đã trao đổi với vợ là tạm gác những chuyện không cần thiết, cố gắng làm ăn lo cho gia đình. Tính ông đơn giản, nhiều lúc không muốn phiền ai thì bà T. lại cho đó là hời hợt, bàng quan. Ông ít nói nên mỗi khi vợ chồng xích mích, ông không thích nói qua nói lại thì bị vợ nghĩ là vô tâm…
Hòa giải không được, tòa phải mở phiên xử. Tòa lựa nhiều lời khuyên giải nhưng bà T. vẫn cương quyết giữ nguyên ý kiến. Đến nước này, tòa chỉ còn biết tiếp tục xét xử.
Theo tòa, ông V. là người có trách nhiệm với gia đình, hiền lành, siêng năng, toàn bộ thu nhập hằng tháng đều đưa cho vợ. Mâu thuẫn vợ chồng chỉ nảy sinh từ tính tình, cách thức thể hiện tình cảm nhưng không đối lập nhau về mục đích. Cạnh đó, quá trình chung sống ông V. chưa hề có một lời nói hay hành vi nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của vợ. Mâu thuẫn giữa họ cũng chưa một lần được bà con thân thích hoặc cơ quan tổ chức nào đứng ra hòa giải.
Như vậy, hôn nhân của ông bà chưa trầm trọng đến mức phải đường ai nấy đi. Nếu họ cùng quan tâm tìm hiểu, tích cực giải quyết mâu thuẫn thì chắc chắn sẽ giải tỏa được và mang lại hạnh phúc cho gia đình. Nếu có thiện chí, hai bên vẫn có thể khắc phục những điều chưa hòa hợp để cùng nhau nuôi dạy con cái nên người.
Từ đó, tòa đã bác yêu cầu của bà T. Sau phiên xử, một vị hội thẩm gọi riêng ông V. ra tâm sự, mong ông biết cách quan tâm hơn đến suy nghĩ, tình cảm của vợ để giữ gìn ngọn lửa yêu thương trong gia đình. Bởi lẽ hôn nhân để đạt được sự bền vững và hòa hợp thì chỉ bánh mì thôi chưa đủ mà vẫn cần phải có cả hoa hồng!
Thẩm phán Lê Thị Kim Thoa, Chánh án TAND quận 11 (TP.HCM):
Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định là nếu xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa quyết định cho ly hôn.
Trên thực tế, khi giải quyết yêu cầu ly hôn, tòa phải xem xét từng trường hợp cụ thể mà chấp nhận hay không. Trong quá trình giải quyết, nếu xét thấy những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chỉ là nhất thời, không đáng, có thể khắc phục được thì tòa sẽ bác đơn. Hoặc khi một bên cương quyết đòi ly hôn với lý do chồng (vợ) có quan hệ tình cảm với người khác mà không có căn cứ rõ ràng hoặc người chồng (vợ) đó đã sửa sai thì thẩm phán cũng tạo điều kiện cho hai bên đoàn tụ.
Tòa cũng bác đơn đối với những người xin ly hôn với lý do không chính đáng, chẳng hạn như đã sống chung hàng chục năm mà lại nói là tính tình không hòa hợp…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRÁNH MÁY MÓC KHI GIẢI QUYẾT KHIẾU KIỆN VỀ ĐẤT ĐAI

PHẠM THÁI
Những năm qua, tình hình khiếu nại và khởi kiện liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất ngày một gia tăng, tính chất, mức độ khá phức tạp. Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ các dấu hiệu để phân định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về vấn đề này. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền thường căn cứ vào yếu tố hình thức là đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định thẩm quyền giải quyết mà ít quan tâm đến bản chất của tranh chấp cũng như yêu cầu của đương sự.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc hai hệ thống: cơ quan hành pháp (UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân). Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003 quy định dấu hiệu phân định thẩm quyền giải quyết giữa hai hệ thống cơ quan này, tuy có phạm vi khác nhau (Luật Đất đai 2003 mở rộng thẩm quyền của Tòa án hơn so với Luật Đất đai 1993) nhưng đều có dấu hiệu chung: tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết; tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có GCNQSDĐ thì do UBND giải quyết.
Các tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra rất nhiều dạng nhưng chủ yếu thuộc hai nhóm quan hệ. Nhóm thứ nhất, tranh chấp trong quan hệ pháp luật đất đai (ai là người có quyền sử dụng đất) do Luật Đất đai điều chỉnh. Loại tranh chấp này thường phát sinh từ hành vi chiếm dụng, sử dụng trái phép, cơi nới, lấn chiếm đất. Nhóm thứ hai, tranh chấp trong quan hệ pháp luật dân sự do Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Nhóm này gồm hai dạng: tranh chấp liên quan đến các hợp đồng dân sự mà quyền sử dụng đất là đối tượng của hợp đồng (hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… quyền sử dụng đất) và tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất.
Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 3.1.2002 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Địa chính hướng dẫn thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đối với các tranh chấp về hợp đồng dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất và tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, mà không cần xem xét đất có GCNQSD hay không. Như vậy, việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa TAND với UBND dựa vào yếu tố có GCNQSDĐ hay không, chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất trong quan hệ pháp luật đất đai.
Quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn đã rõ các dấu hiệu để phân định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, việc hiểu và thực hiện nhiều khi lại chưa rõ ràng, thiếu rạch ròi; vẫn còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc “lấn sân”, giải quyết không đúng thẩm quyền. Thực tế cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền thường căn cứ vào yếu tố hình thức là đất đã có GCNQSDĐ và các loại giấy tờ khác để xác định thẩm quyền giải quyết mà ít khi quan tâm đến bản chất của tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật đất đai hay quan hệ pháp luật dân sự, cũng như yêu cầu của đương sự. Xin nêu một vài vụ việc để minh chứng và cùng trao đổi.
Năm 2008, ông Ng.V.Nh gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Q yêu cầu phục hồi lại GCNQSDĐ cho ông, vì cho rằng con trai là Ng.Ng.S đã giả mạo chữ ký của ông để làm hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất. UBND huyện Q đã trưng cầu giám định chữ ký của ông Nh trong hồ sơ tặng cho. Kết quả giám định không phải chữ ký của ông Nh nên UBND huyện Q đã phục hồi lại GCNQSDĐ cho ông Nh. Việc UBND huyện Q cấp GCNQSDĐ cho anh S là căn cứ vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Do đó, để phục hồi lại GCNQSDĐ cho ông Nh thì cần căn cứ vào kết luận hợp đồng tặng cho có hiệu lực hay vô hiệu. Việc giải quyết tranh chấp, kết luận hợp đồng có hiệu lực hay vô hiệu thuộc thẩm quyền của Tòa án, trong vụ việc này UBND đã làm thay chức năng của Tòa án.
Ngày 22.10.2006, ông Tr.V.Nh gửi đơn đến UBND huyện Q khiếu nại việc cấp GCNQSDĐ cho ông H không đúng, vì diện tích đất này ông H mượn của ông. Trường hợp của anh Ng.V.Tr cũng tương tự, ngày 3.10.2008 anh Tr gửi đơn khiếu nại cho rằng diện tích đất mà UBND huyện Q  đã cp GCNQSDĐ cho anh Đ.X.T là của gia đình anh cho mượn. Hoặc như, trường hợp của ông Ng.V.M, đã hơn mười năm nay luôn đeo đuổi việc khiếu nại đòi lại đất. Ông đã gửi hàng chục đơn đến UBND huyện Q và các cơ quan chức năng khiếu nại việc UBND xã Q.Th lấy đất có nguồn gốc của gia đình ông sử dụng hợp pháp qua nhiều thế hệ để cấp cho bốn hộ gia đình khác và cấp GCNQSDĐ cho các hộ này. Cả ba trường hợp này UBND huyện Q đều không giải quyết, vì cho rằng đất đã có GCNQSDĐ nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.
Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 16/1999/KHXX ngày ngày 1.2.1999 của Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp phát sinh tranh chấp đất mà đương sự cho rằng, việc UBND cấp GCNQSDĐ không đúng thì đây là việc khiếu nại hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND. Ở các vụ việc nêu trên, đương sự không yêu cầu giải quyết tranh chấp đất mà họ khiếu nại việc UBND cấp GCNQSDĐ cho người đã mượn đất, hoặc người chiếm dụng bất hợp pháp đất của họ là không đúng pháp luật. Đó là việc khiếu nại quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND.
Lâu nay nhiều người cho rằng, nguyên nhân tranh chấp đất đai gia tăng là do giá đất tăng. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên cớ. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp đối với các hợp đồng dân sự liên quan đến đất đai là do sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên không thực hiện; thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục pháp lý; đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, nguyên nhân phát sinh chủ yếu do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, mập mờ; các sai sót trong đo đạc, lập bản đồ địa chính, trong việc cấp GCNQSDĐ. Thực tế cho thấy, sự sai lệch về vị trí, ranh giới, kích thước, diện tích… ghi trong GCNQSDĐ so với thực địa xảy ra khá phổ biến đã dẫn đến sự nghi ngờ việc lấn chiếm giữa các hộ liền kề rồi xảy ra tranh chấp. Một khi hồ sơ địa chính xác định rõ ràng, chính xác vị trí, ranh giới, diện tích các thửa đất thì ít ai dám lấn chiếm đất của người khác.
Như vậy, để giải quyết dứt điểm, kịp thời, đúng đắn các tranh chấp đất đai thì cần có sự nhìn nhận thấu đáo với tư duy “điều trị nguyên nhân” chứ không “điều trị triệu chứng”. Nếu tranh chấp phát sinh do các sai sót trong công tác quản lý đất đai thì UBND phải có trách nhiệm giải quyết, sửa sai chứ không thể hiểu máy móc là đất đã có GCNQSDĐ để đùn đẩy trách nhiệm.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code