Mặc dù Chính phủ
đã đề ra kế hoạch hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
vào cuối năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ông Đặng Hùng Võ,
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ý kiến chung quanh vấn
đề này.
* Cho đến thời điểm này, tỷ lệ Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất được cấp mới đạt rất thấp. Nguyên nhân nào dẫn
đến tình trạng trên, thưa ông?
- Một trong những lý do gây chậm trễ là, nghĩa vụ tài
chính có nơi vẫn còn tính chưa hợp lý, hoặc đã hợp lý nhưng không phù
hợp với khả năng tài chính của người dân, dẫn đến tình trạng người dân
không làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có
giấy rồi cũng không làm thủ tục tài chính để nhận giấy.
Tuy nhiên, điều này cũng đã được xử lý tại Nghị định
17/2006/NĐ-CP bằng việc cho phép ghi nợ nghĩa vụ tài chính trên giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện,
vì vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất giữa các bộ, ngành về việc ghi
nợ này.
Có ý kiến đề nghị cho ghi nợ đối với tất cả các
trường hợp, nhưng có ý kiến cũng cho rằng, cần xem xét cho ghi nợ đối
với một số trường hợp có khó khăn.
* Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này ra sao?
- Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cho
ghi nợ đối với tất cả các trường hợp, bởi vì khi chúng ta cho ghi nợ thì
đã không cho phép người dân có giấy được thực hiện các quyền rồi, tức
là khi họ có nhu cầu thực hiện quyền thì phải thực hiện nghĩa vụ tài
chính trước. Đây cũng là một quy định phù hợp với hoàn cảnh thu nhập
thực tế hiện nay của người dân.
* Riêng đối với đất ở tại đô thị thì sao, thưa ông?
- Tồn đọng cơ bản hiện nay là đối với đất ở tại đô
thị. Đến nay, mới cấp được khoảng 45%. Việc chậm hiện nay có một nguyên
nhân nữa cũng rất khách quan của hệ thống quản lý, đó là việc thi hành
Luật Nhà ở, trong đó có quy định phải đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất sang giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, trong
khi các tỉnh hiện nay triển khai thực hiện việc này khá bị động vì có
nhiều vướng mắc giữa hai loại giấy mà chưa có cách xử lý. Cần lưu ý một
số hệ quả pháp lý mà chúng ta phải lường trước trong việc cấp một loại
giấy mới đối với đất có nhà ở.
* Hệ quả pháp lý đó là gì?
- Tôi thí dụ như đất có nhà ở thì theo quy định của
Luật Nhà ở, việc cấp giấy là tuỳ theo nguyện vọng của người có nhà ở,
còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc cấp giấy lại là bắt buộc,
vì Nhà nước phải thừa nhận ranh giới của thửa đất, chứ không thể ai
muốn sử dụng đến đâu cũng được. Việc cấp mỗi loại giấy lại thụ lý theo
một chu trình khác nhau, trừ khi đã thống nhất được các cơ quan thụ lý
hồ sơ.
Điều này có thể xảy ra trường hợp một thửa đất được
cấp song song hai loại giấy. Lúc đó sẽ dẫn đến chuyện dùng giấy để thế
chấp hoặc thực hiện các quyền song hành bằng hai loại giấy khác nhau.
Đây là một hệ quả pháp lý mang tính tiêu cực.
* Vậy phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Để giải quyết vấn đề này, cần phải có hướng dẫn
thật chi tiết và làm rõ trách nhiệm quản lý đất, mà Nhà nước phải là
người đúng ra xác định ranh giới thửa đất, với việc đăng ký quyền sở hữu
về nhà ở, làm sao cho có một trình tự thủ tục không làm phiền nhiễu đến
người dân. Việc xử lý thế nào phải do các cơ quan quản lý nhà nước thực
hiện, không nên để người dân phải qua quá nhiều “cửa” khi tiến hành thủ
tục xin cấp giấy.
Trong trường hợp người dân đổi từ giấy này sang giấy
kia thì phải quy định rất chặt chẽ về việc thu hồi giấy đã cấp trước khi
cấp giấy mới để tránh trường hợp có hai loại giấy song hành.
Nếu chúng ta có một hệ thống đăng ký thống nhất thì
không phải làm việc này, nhưng do pháp luật đã quy định và trong khi
chưa có Luật Đăng ký bất động sản thì chúng ta phải làm chặt chẽ để
tránh những hệ quả pháp lý rất xấu, nếu một thửa đất có hai loại giấy.
SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ
0 comments:
Post a Comment