Saturday, November 23, 2013

Bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội” và tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự



 
bo luat Hinh Su Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội và tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sựKhoa học Pháp lý – Phaply.com.vn : “Thuật ngữ “suy đoán vô tội” chưa được Hiến pháppháp luật Việt Nam sử dụng và ghi nhận chính thức. Tuy nhiên, trên cơ sở những tư tưởng tiến bộ trong Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 “Một người bị buộc tội về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình…” và Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hiệp quốc “Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật…”, thì nội dung của nguyên tắc này đã được đề cập trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2001 (Điều 72), Bộ luật TTHS năm 1988 (các điều 10, 11) và Bộ luật TTHS năm 2003 (các điều 9, 10)…”
1. Nguyên tắc “suy đoán vô tội” và sự cần thiết phải bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự
 “Suy đoán vô tội” là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc tôn trọng các giá trị cao quý của con người (nhân phẩm, danh dự) trong xã hội và coi một người có đủ tư cách công dân với các quyền, nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định, khi người đó chưa bị Tòa án (cơ quan có thẩm quyền xét xử) kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, để loại trừ, ngăn ngừa sự tùy tiện, lộng quyền, áp đặt hay vi phạm pháp luật từ phía cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), người THTT mà Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam đã quy định rõ các hoạt động TTHS phải tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) “Mọi hoạt động TTHS của cơ quan THTT, người THTT và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này” (Điều 3 Bộ luật TTHS năm 2003).
Thuật ngữ “suy đoán vô tội” chưa được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam sử dụng và ghi nhận chính thức. Tuy nhiên, trên cơ sở những tư tưởng tiến bộ trong Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 “Một người bị buộc tội về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên tòa xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình…” và Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hiệp quốc “Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật…”, thì nội dung của nguyên tắc này đã được đề cập trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2001 (Điều 72), Bộ luật TTHS năm 1988 (các điều 10, 11) và Bộ luật TTHS năm 2003 (các điều 9, 10). Cho nên, xét dưới góc độ tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, yêu cầu của nguyên tắc “suy đoán vô tội” đòi hỏi tất cả các chủ thể, trước hết là các cơ quan THTT, người tiến hành TTHS phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của công dân, sau đến những người khác, cơ quan, tổ chức, báo chí, truyền thông… cũng phải đối xử và tôn trọng họ khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Còn khi họ đã có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật, thì Nhà nước đã quy định các quyền và nghĩa vụ của họ với tư cách là người đã bị kết án.
Điều 72 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đó có hiệu lực pháp luật.
Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.
Điều 9 Bộ luật TTHS năm 2003 nhắc lại và đặt tên nguyên tắc “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Ngoài ra, Điều 32 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (Điều 72) ngày 23/11/2012 quy định: “1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.
4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.
Nghiên cứu Điều luật này trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, chúng tôi nhận thấy, nội dung liên quan đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” và một số điểm hạn chế, tồn tại của Điều 72 Hiến pháp hiện hành đã được Ban soạn thảo hoàn thiện như sau:
Một là, đã bỏ đi cụm từ “và phải chịu hình phạt” trong khoản 1 để bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ với Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, sửa đổi năm 2009 về miễn hình phạt (Điều 54) vì phải bao quát hai trường hợp có hậu quả pháp lý khác nhau:
a) Một người phạm tội và đến khi xét xử, trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án, người đó bị coi là có tội và bị áp dụng hình phạt;
b) Một người phạm tội nhưng đến khi xét xử, trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án, người đó bị coi là có tội nhưng không bị áp dụng hình phạt mà được miễn hình phạt.
Hai là, đã bổ sung nội dung “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” để bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN và quyền được xét xử công bằng được ghi nhận trong Điều 10 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 “Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như bất cứ sự buộc tội nào đối với họ” và Điều 11 (đã dẫn ở trên), cũng như Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên hiệp quốc. Hơn nữa, logic đương nhiên là “người bị buộc tội” mới cần được “suy đoán vô tội”. Ngoài ra, Điều 32 Dự thảo đã bổ sung nội dung “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa” cho bảo đảm tương thích với các Công ước quốc tế (đã dẫn), cũng như tôn trọng quyền bào chữa và trợ giúp pháp lý của những người bị buộc tội tương ứng với các giai đoạn TTHS, thậm chỉ bao gồm cả người bị tình nghi (người bị bắt).
Ba là, đã bổ sung cho chính xác trong các giai đoạn tố tụng và thuật ngữ thống nhất trong Bộ luật TTHS về người bị bắt và các người tham gia tố tụng (người bị tạm giữ, tạm giam) về việc tôn trọng quyền con người của những người này. Khi họ bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Còn người nào làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 32 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Điều 293, 294 Bộ luật Hình sự hiện hành
Từ nội dung Điều 32 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 72 Hiến pháp hiện hành), chúng tôi xin đóng góp thêm để hoàn thiện Điều luật này, cũng như bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp với BLHS và Bộ luật TTHS như sau:
Một là, về cơ bản, chúng tôi nhất trí với những đề xuất của Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp về Điều 32 Dự thảo lần này, tuy nhiên, có ba điểm nên sửa đổi, bổ sung bao gồm:
- Khoản 1 Điều 32 Dự thảo quy định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Sau khi đã bỏ đi cụm từ “và phải chịu hình phạt” nội dung khoản này đã rất đầy đủ. Mặc dù vậy, để bảo đảm nội dung nguyên tắc “suy đoán vô tội” và thống nhất với quy định của Bộ luật TTHS, cũng như tương ứng với các chức năng cơ bản trong TTHS, khoản này nên bổ sung thêm nội dung: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
- Khoản 2 Điều 32 Dự thảo quy định: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” nên sửa đổi, bổ sung thành: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị Tòa án kết án hai lần về một tội phạm mà người đó đã bị kết án” cho bảo đảm đầy đủ nội dung (logic là thẩm quyền kết án chỉ do duy nhất Tòa án, đồng thời không thể bị kết án hai lần về một tội phạm mà người đó đã bị kết án), đồng thời phù hợp với khoản 7 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên hiệp quốc, cũng như nguyên tắc pháp chế XHCN trong Hiến pháp và pháp luật.
- Khoản 3 Điều 32 Dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa” nên sửa đổi, bổ sung thêm cả “những người khác theo quy định của pháp luật” (cùng với người bào chữa). Bởi lẽ, Bộ luật TTHS năm 2003 quy định người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân (Điều 56), nhưng Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 còn quy định cả Trợ giúp viên pháp lý cũng được coi là người bào chữa thực hiện các nhiệm vụ như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện theo pháp luật… (điểm b khoản 3 Điều 21); hoặc dự phòng sau này có thể có thêm chủ thể nào đó được pháp luật quy định có quyền này.
- Khoản 4 Điều 32 Dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật” nên sửa đổi, bổ sung cho ngắn gọn và thống nhất với Điều 29 Bộ luật TTHS năm 2003, cũng như cần phục hồi cả các quyền lợi khác cho họ ngoài việc bồi thường, khôi phục danh dự (chức vụ, lương bổng…) như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự, quyền lợi. Người làm trái pháp luật trong các hoạt động tố tụng đó gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật”.

Như vậy, Điều 32 Dự thảo Hiến pháp nên sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 72 Hiến pháp hiện hành
Điều 32 Dự thảo
Hiến pháp sửa đổi
Kiến nghị sửa đổi
Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đó có hiệu lực pháp luật.Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh. 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần về một tội phạm mà người đó đã bị kết án.3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa và của những người khác theo quy định của pháp luật. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự, quyền lợi. Người làm trái pháp luật trong các hoạt động tố tụng đó gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật.
Hai là, thông qua việc hoàn thiện Điều 32 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, chúng tôi cho rằng, các bộ luật, luật dưới Hiến pháp phải phù hợp và thống nhất với Hiến pháp, vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản. Nếu không phù hợp, mâu thuẫn với Hiến pháp phải sửa đổi, bổ sung. Do đó, liên quan đến nội dung về “suy đoán vô tội”, Điều 9 Bộ luật TTHS năm 2003 đã gián tiếp thể hiện ở nguyên tắc: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, còn Điều 10 quy định nguyên tắc: “Xác định sự thật vụ án” nhưng nội dung thứ hai của Điều 10 “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” lại phản ánh nội dung của nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Vì vậy, có ba nội dung cần sửa đổi, bổ sung như sau:
- Sửa đổi tên gọi Điều 9 “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” thành tên gọi “suy đoán vô tội” để tránh trùng lặp với nội dung của Điều luật này.
- Nội dung Điều 9 nêu: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” cần sửa đổi vấn đề liên quan đến vế thứ hai “và phải chịu hình phạt…” cho bảo đảm phù hợp với các quy định của BLHS và thực tiễn xét xử, cũng như thống nhất với Điều 32 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi (đã nêu) với hai trường hợp tương ứng khác nhau.
- Chuyển nội dung thứ hai trong Điều 10 Bộ luật TTHS năm 2003 (đã nêu) đưa vào Điều 9 cho phù hợp và phản ánh nội dung của nguyên tắc “suy đoán vô tội” (còn Điều 10 chỉ còn một nội dung). Việc bổ sung này hoàn toàn phù hợp với các tư tưởng tiến bộ trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hiệp quốc (đã nêu). Ngoài ra, việc bổ sung này còn bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan, người THTT trong việc chứng minh tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội. Hơn nữa, điều này còn tương thích với pháp luật TTHS nhiều nước (ví dụ: Điều 14 Bộ luật TTHS Liên bang Nga cũng quy định về nguyên tắc “suy đoán vô tội”). Đặc biệt, Điều 48 Bộ luật TTHS có quy định về người tham gia TTHS là “Người bị tạm giữ” – cũng là một chủ thể cần được suy đoán vô tội, do đó, nên bổ sung thêm chủ thể này đầy đủ hơn.
Như vậy, Điều 9 Bộ luật TTHS năm 2003 nên sửa đổi, bổ sung như sau:
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành Kiến nghị sửa đổi
Điều 9. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luậtKhông ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều 9. Suy đoán vô tội1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.2. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. 3. Mọi sự nghi ngờ về tội phạm của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định thì các cơ quan THTT, người THTT phải giải thích theo hướng có lợi cho họ.
Ba là, tương tự, để bảo đảm tính thống nhất giữa Hiến pháp với BLHS và Bộ luật TTHS, Điều 293 về “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” và Điều 294 về “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người tội” trong BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009 nên sửa tên tội và nội dung thay cụm từ “ tội” thành cụm từ “phạm tội” cho đúng với bản chất của hành vi phạm tội do chủ thể có thẩm quyền thực hiện trong từng giai đoạn tương ứng khác nhau (điều tra, truy tố, xét xử).
Hiện trong khoa học luật hình sự, BLHS và thực tiễn xét xử tồn tại hai khái niệm “người phạm tội” và “người có tội” nên cần có sự phân biệt rạch ròi, chỉ rõ tư cách tham gia tố tụng nhằm bảo đảm quyền lợi và sinh mệnh chính trị cho họ. Thuật ngữ “người phạm tội” dùng để chỉ một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm. Nói một cách khác, hành vi do người đó thực hiện đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm nào đó được quy định trong Phần các tội phạm BLHS và người thực hiện hành vi đó bị coi là chủ thể của tội phạm (phạm tội là động từ). Trong khi đó, thuật ngữ “người có tội” cũng được sử dụng để xác định một người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, nhưng thu hẹp hơn với người phạm tội – với họ đã có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án (có tội là tính từ). Cho nên, thời điểm phát sinh cơ sở của trách nhiệm hình sự là thời điểm một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, nhưng có thể trách nhiệm hình sự sẽ không được thực hiện trên thực tế, nếu có những điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự cho người đó theo quy định của pháp luật hình sự trên những cơ sở chung.
Như vậy, nhằm thực hiện đầy đủ và nghiêm minh các quy định của Hiến pháp và Bộ luật TTHS, chúng tôi cho rằng, tên tội danh và nội dung trong hai điều luật trên trong BLHS nên sửa đổi, bổ sung như sau:
Bộ luật Hình sự hiện hành Kiến nghị sửa đổi
Điều 293 – Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không tội1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm……. Điều 294 – Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội
1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
……
Điều 293 – Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không phạm tội1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không phạm tội, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm……. Điều 294 – Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội
1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là phạm tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
……
Tóm lại, suy đoán vô tội là một nguyên tắc văn minh, tiến bộ trên thế giới và trong pháp luật của nhiều quốc gia. Việc hoàn thiện các nội dung cơ bản của nó và bảo đảm tính thống nhất liên thông trong Hiến pháp, BLHS và Bộ luật TTHS không chỉ có ý nghĩa chính trị, xã hội và pháp lý quan trọng, mà còn là “lá chắn thép” trong việc phòng chống oan sai, tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người. Đặc biệt, qua đó còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan THTT, người THTT trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, họ vẫn có quyền và nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định cho đến khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án./.


                            

TS. Trịnh Tiến Việt – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/hanh-chinh-hinh-su-tu-phap/bao-111am-nguyen-tac-suy-111oan-vo-toi-va-tinh-thong-nhat-giua-hien-phap-voi-bo-luat-hinh-su-bo-luat-to-tung-hinh-su

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code