THIÊN LONG
Chỉ vì một cái
sừng của con trâu bị gẫy, hai gia đình đã đưa nhau ra toà nhờ phân xử.
Kết quả, người có trâu bị gẫy sừng được bồi thường 4, 8 triệu đồng.
Không đồng tình với bản án của Tòa, bị đơn đã làm đơn kháng cáo.
Đêm ngày 17.8.2008, khi thấy trâu nhà ông Lê Mai đứng
cạnh chuồng trâu nhà mình, còn trâu của nhà ở trong chuồng lịch kịch,
ông Lê Trọng ở thôn Nam An Sơn, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng
Nam đã gọi ông Mai dắt trâu về. Sáng hôm sau, ông Trọng phát hiện trâu
nhà mình bị gẫy một cái sừng bên phải. Cùng ngày hôm đó, sau khi đã mời
công an xã đến lập biên bản ghi nhận sự việc, ông Trọng đã kêu người mổ
trâu bán được 6 triệu đồng. Cho rằng do trâu nhà ông Mai gây nên, ông
Trọng đã yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại (ông Trọng tính giá trị con
trâu hơn 14 triệu đồng, nay chỉ bán được 6 triệu đồng. Nên ông Mai phải
bồi thường 8 triệu đồng cho chiếc sừng trâu bị gẫy. Trước đấy, ở Hội
đồng hòa giải của xã, ông Trọng đã nói: con trâu nhà ông là trâu đang
chửa, sinh lợi, mỗi năm trâu mẹ đẻ trâu con. Chưa kể vào vụ đi cày thuê,
ít nhất cũng được vài trăm nghìn đồng. Khi trâu bị gẫy sừng, nó sẽ giảm
sức khỏe, nên đành phải mổ bán lấy thịt…). Vì không thống nhất được
cách giải quyết, ông Trọng đã làm đơn lên TAND huyện Hiệp Đức yêu cầu
giải quyết vụ việc. Kết quả Tòa tuyên ông Lê Mai phải bồi thường cho ông
Trọng 4, 8 triệu đồng tiền thiệt hại cho con trâu. Bản án này ngay lập
tức bị ông Lê Mai kháng cáo.
LS. Phạm Đắc Hải – Trưởng Văn phòng luật sư Phồn Thịnh: “Có chăng con trâu này chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ…”.
TAND huyện Hiệp Đức tuyên án: buộc ông Lê Mai phải
bồi thường cho ông Lê Trọng 4, 8 triệu đồng là chưa thoả đáng. Theo tôi,
đặt giả thiết trâu nhà ông Mai có làm gẫy sừng trâu nhà ông Trọng tối
hôm trước là có thật, thì việc ông Trọng gọi người đến mổ trâu và bán
được 6 triệu đồng, sau đó bắt đền ông Mai phải bồi thường cũng chưa hợp
lý. Bởi trâu nhà ông là trâu nuôi, để cày mà gẫy sừng, trâu không bị
chết thì không ảnh hưởng lắm đến cày kéo và sinh nở. Có chăng, chỉ ảnh
hưởng đến “thẩm mỹ” của con trâu mà thôi!
Khi thấy trâu nhà mình bị gẫy một sừng bên phải, ông
Trọng đã gọi công an xã đến lập biên bản về chiếc sừng bị gẫy, ông Mai
có thừa nhận trâu nhà mình làm gẫy sừng trâu nhà ông Trọng không? Trong
khi hai bên vẫn chưa thoả thuận được việc bồi thường, căn cứ nào ông
Trọng cho rằng trâu nhà mình trị giá 14 triệu và con trâu này đã được
đem ra định giá chưa?
Từ các căn cứ trên cho thấy, việc trâu gẫy sừng chưa
làm rõ nguyên nhân, Toà đã vội buộc ông Mai phải bồi thường cho ông
Trọng 4, 8 triệu đồng, theo tôi là không hợp lý. Đấy là chưa kể đến
những nguyên nhân làm trâu bị gẫy sừng: trước hôm bị gẫy sừng, trâu nhà
ông Trọng va chạm với trâu nào khác không; Sừng trâu nhà ông Trọng có bị
hà, nứt, rạn… không? Trâu nhà ông Trọng có bị đau bụng, cà sừng vào
toang, chuồng hay không? Đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến sừng trâu
bị gẫy. Hơn nữa, trâu này không phải là trâu chọi, chỉ là trâu cày và
sinh nở, nếu gẫy sừng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cày kéo
nếu trâu vẫn sống. Như chúng ta đã biết, voi ở Tây Nguyên còn bị cưa
ngà, vẫn chở gỗ bình thường, trâu bị cưa sừng vẫn sống, kéo cày tốt. Đối
với trâu nhà ông Trọng trong vụ án trên, theo tôi Toà cần nên xem xét
một cách thấu lý, đạt tình để người dân khỏi bị thiệt hại.
LS. Hoàng Ngọc Biên, Văn phòng luật sư Hoàng Minh: “Làm sao mà nhà ông Mai có thể tâm phục, khẩu phục”.
Theo quy định tại Điều 629 BLDS 2005 về việc bồi
thường thiệt hại do súc vật gây ra: trong trường hợp súc vật thả rông
theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường
theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Điều 79
BLTTDS 2004 quy định: Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó
là có căn cứ và hợp pháp… Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng
minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì
phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không
đầy đủ đó.
Như vậy, việc ông Trọng yêu cầu TAND huyện Hiệp Đức
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Trọng phải đưa ra được
những tài liệu, chứng cứ khách quan để chứng minh được trâu của gia đình
mình bị gãy sừng là do con trâu của gia đình ông Mai trực tiếp gây ra.
Nếu sáng hôm sau, ông mới phát hiện thấy chiếc sừng trâu của gia đình
ông bị gãy, trong khi trâu của ông ở trong chuồng, trâu nhà ông Mai ở
ngoài từ tối hôm trước, rồi nghĩ rằng sừng trâu của gia đình ông đã do
con trâu nhà ông Mai làm gãy, rồi yêu cầu bồi thường 8 triệu đồng là
không có căn cứ. Bởi xét về thời gian cũng như hiện trường, không ai
trực tiếp chứng kiến hai con trâu đang chọi nhau. ông Trọng chỉ phát
hiện ra tiếng động lịch kịch, khi ra thấy con trâu của ông Mai đứng ở
ngoài. Ngoài việc con trâu của nhà ông Trọng bị gẫy sừng, không thấy mô
tả có những thương tích nào khác (kể cả trâu của ông Mai cũng không được
kiểm tra thương tích).
Nếu chỉ thấy việc con trâu của gia đình ông Mai xuất
hiện ngoài chuồng trâu của gia đình ông Trọng mà ông Trọng yêu cầu tòa
án giải quyết bằng một bản án với mức bồi thường 4, 8 triệu đồng mà
không được xem xét, đánh giá một cách thận trọng, chính xác, khách quan,
toàn diện về vụ kiện thì gia đình ông Mai không thể tâm phục khẩu phục.
Bởi người yêu cầu khởi kiện đã đưa ra thiếu chứng cứ khách quan, còn
tòa tuyên đã không dựa vào căn cứ pháp lý để giải quyết vụ kiện.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
——————————————-
TIN THÊM
Ngày 10/12/2008, TAND tỉnh Quảng
Nam đã tuyên y án sơ thẩm, buộc ông Lê Mai phải có trách nhiệm bồi
thường cho cháu họ là ông Lê Trọng 4,8 triệu đồng.
Như vụ việc đã nêu ở trên, khoảng 23 giờ ngày 17-8 – 2008,
vợ chồng ông Trọng thấy con trâu đực của nhà ông Mai đang đứng bên ngoài
chuồng trâu nhà mình khịt khịt bèn sang nhà ông Mai kêu dắt trâu về.
Rạng sáng hôm sau, ông Trọng dậy bỏ rơm cho trâu ăn thì phát hiện trâu
nhà mình bị gãy sừng bên phải. Ông Trọng sang kêu ông Mai, nói khi tối
trâu ông Mai húc gãy sừng trâu nhà ông rồi mời công an xã đến lập biên
bản. Sợ giá trị trâu bị giảm sút, ông Trọng kêu người mổ trâu đến bán
được sáu triệu đồng.
Vì chuyện này mà hai bên tranh cãi suốt một tuần liền rồi đưa nhau ra UBND xã Quế Thọ (Hiệp Đức) hòa giải ba lần nhưng không thành. Ông Trọng nói trâu nhà ông trị giá hơn 14 triệu đồng, nay chỉ bán được sáu triệu đồng nên đòi ông Mai bồi thường tám triệu đồng. Ông Mai bảo khi tối trâu nhà ông phá chuồng sang nhà ông Trọng là ngoài ý muốn. Hơn nữa, khi tối không thấy trâu ông Trọng gãy sừng, sáng hôm sau mới phát hiện là không có cơ sở để buộc ông bồi thường. Hai ông cãi nhau bất phân thắng bại nên phải dẫn nhau ra TAND huyện Hiệp Đức. Hai lần hòa giải không thành, ngày 19-9, tòa đã xử tuyên ông Mai phải bồi thường cho ông Trọng 4,8 triệu đồng.
Vì chuyện này mà hai bên tranh cãi suốt một tuần liền rồi đưa nhau ra UBND xã Quế Thọ (Hiệp Đức) hòa giải ba lần nhưng không thành. Ông Trọng nói trâu nhà ông trị giá hơn 14 triệu đồng, nay chỉ bán được sáu triệu đồng nên đòi ông Mai bồi thường tám triệu đồng. Ông Mai bảo khi tối trâu nhà ông phá chuồng sang nhà ông Trọng là ngoài ý muốn. Hơn nữa, khi tối không thấy trâu ông Trọng gãy sừng, sáng hôm sau mới phát hiện là không có cơ sở để buộc ông bồi thường. Hai ông cãi nhau bất phân thắng bại nên phải dẫn nhau ra TAND huyện Hiệp Đức. Hai lần hòa giải không thành, ngày 19-9, tòa đã xử tuyên ông Mai phải bồi thường cho ông Trọng 4,8 triệu đồng.
Nguồn: V.LINH-Pháp Luật.Tp
0 comments:
Post a Comment