Wednesday, November 6, 2013

TRANH CHẤP SỞ HỮU: CON GÀ CỒ THUỘC SỞ HỮU CỦA AI?

MINH NGUYÊN
Chỉ có một con gà cồ đẹp nhưng hai người đều nhận là chủ. Chưa kịp phân định rõ ràng thì một bên đã mang gà đi… làm thịt!  Các nhân vật trong chuyện này cùng ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tài sản tranh chấp của họ tuy giá trị không lớn nhưng đến giờ vẫn chưa rõ ai đúng, ai sai.
Gà của người này, người kia đem bán?
Bà T. là người chuyên nuôi gà để bán. Giữa tháng 9-2008, bà đã bán hơn 100 con gà đất và gà nòi. Riêng con gà cồ trông rất oai vệ, bà T. quyết định giữ lại để làm giống.
Hôm đó, khi sang nhà bà T. chơi và nhìn thấy con gà cồ nói trên, một bà hàng xóm rất ưng ý và nằng nặc đòi mua. Lúc đầu, bà T. không chịu bán nhưng sau đó, bà đã bấm bụng bán con gà với giá hơn 100 ngàn đồng. Mừng húm, bà hàng xóm mang con gà cồ về nhà nuôi.
Khoảng năm ngày sau, bà hàng xóm hoảng hồn khi ông láng giềng V. đến nhà bà và nhìn con gà đó là của… ông! Theo ông V. thì bà T. đã vô cớ bắt gà của ông đem bán… Miệng nói, tay làm, ông V. ôm con gà về nhà mình.

Lập tức, bà hàng xóm đến cự nự bà T., đồng thời đòi lại tiền. Cũng hết sức bất ngờ với thông tin trên, bà T. quay sang chất vấn ông V.: “Trước giờ ông không nuôi gà, vậy tại sao ông lại giành gà của tui?”. Ông V. gạt phăng: “Cha mẹ tui đã cho tui con gà đó”… Sau một hồi cãi qua cãi lại mà chẳng ai chịu ai, ông V. và bà T. mới đi đến thỏa thuận: Ông T. cứ giữ con gà cồ qua đêm, sáng mai thả ra, gà về nhà ai thì là của người đó.
Tưởng vậy là xong, nào ngờ sáng hôm sau, ông V. không thả gà ra mà lại cột nó ở góc nhà. Tức giận, bà T. đến bắt con gà đem qua nhà bà nội của ông V. nhờ phân xử. Thế nhưng vợ ông V. đã đến giật con gà lại. Hai bên giằng co một hồi thì vợ ông V. thắng cuộc. Một lát sau, bà này đã làm thịt con gà! Cho rằng nhà ông V. “kỳ cục hết biết”, bà T. đã nộp đơn yêu cầu công an xã xử lý.
Chưa rõ của ai
Tiếp xúc với PV Báo Pháp Luật TP.HCM vào chiều 4-11, bà T. ấm ức: “Chỉ có ông V. mới có thể nhầm lẫn chứ tui nuôi con gà ấy từ nhỏ thì làm sao có thể lầm được. Nếu đúng gà của mình, vì sao ông V. không chờ nó “nhìn” chủ mà lại vội vàng thủ tiêu nó?”.
Ngược lại, ông V. khăng khăng: “Con gà đó là của tui chứ không phải của bà T. Trước đây, do nó hay sang vườn nhà bà T. kiếm mồi nên tui đã nhổ lông cánh nó để làm dấu. Chưa kịp thả gà ra để xem nó về nhà ai thì bà T. lại giằng co với vợ tui khiến con gà bị gãy cánh và gãy chân. Khi vợ tui mang về thì nó đã rất yếu… Tui đã quẳng nó sang nhà bà T. coi như cho bả luôn nhưng bả lại quăng trở lại cho tui. Thôi thì tui mần thịt ăn cho rồi!”.
Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng Công an xã Bình Trinh Đông, xác nhận: “Đúng là có chuyện tranh chấp con gà giữa bà T. và ông V. Chúng tôi đã đề nghị hai bên làm bản tường trình và ai cũng nhận con gà là của mình. Tuy nhiên, con gà đã bị làm thịt rồi nên rất khó giải quyết. Xét thấy đây là tranh chấp dân sự nên chúng tôi đã chuyển vụ việc đến tư pháp xã. Chúng tôi chỉ nhắc nhở hai bên không cãi cọ, gây mất trật tự tại địa phương”.
Xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thanh Phòng, Phó ban Tư pháp xã Bình Trinh Đông, cũng cho biết: “Xã chưa biết phân xử ra sao vì bên nào cũng nói gà là của mình. Riêng bà hàng xóm, do đã có lần mua gà nên bà có thể xác định giúp con gà có bị vặt lông như ông V. nói hay không. Có điều bà này đang nằm bệnh viện nên chúng tôi chưa thể hỏi han gì thêm”…
Một số người biết chuyện cho rằng cách đánh dấu gà kiểu của ông V. hơi “phiêu lưu”. Bởi lẽ sau một thời gian, lông gà có thể mọc lại hoặc rụng dần. Thay vì tìm hiểu kỹ chi tiết này hoặc thả gà vào buổi sáng để xem nó đi vào nhà nào kiếm mồi theo thói quen còn có một cách giải quyết khác thuyết phục hơn. Đó là thả gà vào lúc chiều tối. Vốn dĩ gà chỉ ngủ ở một chỗ duy nhất (nếu nó thường ngủ trên cây thì cứ đến chiều nó sẽ bay lên cây; nếu ngủ trong chuồng thì đến chiều nó sẽ đi vào chuồng…) nên chỉ cần qua một đêm là có thể biết con gà của nhà nào. Đáng tiếc, con gà đã “hy sinh” oan uổng nên giờ không thể thử nghiệm theo cách nào cả.
Theo các bạn, con gà cồ trên của ai và nếu gặp phải tình huống trớ trêu tương tự, bạn sẽ xử lý thế nào để có câu trả lời chính xác nhất?
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
========================================
Tin thêm:
Ngày 17/4/2009, TAND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp con gà cồ trên. HĐXX xác định con gà cồ thuộc sở hữu của bà T. Việc ông V. cho rằng bà T. đã bắt nhầm con gà để bán cho người khác là không có cơ sở. Do đã tự ý làm thịt con gà nên ông V. phải trả lại cho bà T. 115 ngàn đồng là giá trị của con gà.
Theo phapluattp.vn

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code