Wednesday, November 6, 2013

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN CỔ PHIẾU: TRANH CHẤP HƠN 23 TỶ ĐỒNG CỔ PHIẾU

HOÀNG YẾN
Người bảo bên kia cam kết mua lại nếu cổ phiếu sụt giá, người lại nói cam kết đó chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký giao dịch… Mới đây, Tòa kinh tế TAND TP.HCM đã lần đầu tiên đưa ra xử một vụ tranh chấp chuyển nhượng cổ phiếu lên đến hơn 23 tỷ đồng giữa ông T và ông B (cùng ngụ quận 6).
Kiện vì cổ phiếu sụt giá
Cuối tháng 5, ông T. nộp đơn kiện lên Tòa kinh tế TAND TP, trình bày: Ngày 30-1-2007, ông B., bạn thân của ông đã chuyển nhượng cho ông ba tỷ đồng cổ phiếu của một ngân hàng với các thang điểm 7,5 và 7,8. Tổng cộng ông T. phải thanh toán cho ông B. 23,1 tỷ đồng. Tại bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu ký cùng ngày, ông B. cam kết nếu sau này cổ phiếu sụt giảm thì ông sẽ mua lại số cổ phiếu trên bằng với số tiền mà ông T. bỏ ra.
Thực hiện chuyển nhượng, ông T. đã giao đủ cho ông B. 23,1 tỷ đồng. Đến ngày 9-3, ông B. chuyển giao cho ông T. số cổ phiếu này. Đến nay, giá trị cổ phiếu của ngân hàng trên liên tục bị sụt giảm trên thị trường chứng khoán và thang điểm chỉ còn có 1,5. Vì thế, ông T. đã nhiều lần yêu cầu ông B. thực hiện cam kết mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã chuyển nhượng nhưng ông B. không chịu. Do đó, ông T. buộc lòng phải khởi kiện bạn mình để nhờ Tòa kinh tế TAND TP.HCM phân xử.
Cam kết chỉ giá trị trong 15 ngày?
Giải quyết, tòa đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa hai bên nhưng không thành vì ông B. một mực khẳng định việc ông cam kết mua lại cổ phiếu chỉ tính trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu. Cuối cùng, tòa phải đưa ra xử.

Trước tòa, đại diện của ông T. giữ nguyên ý định khởi kiện và buộc ông B. phải thanh toán một lần 23,1 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Còn đại diện của ông B. phản đối, cho rằng việc chuyển nhượng trên đã diễn ra từ tháng 1-2007 nên nay không đồng ý mua lại cổ phiếu với giá 23,1 tỷ đồng. Mặt khác, trong bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu giữa hai bên đã ghi rõ: Việc ông B. mua lại cổ phiếu của ông T. bằng số tiền mà ông T. bỏ ra chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký.
Về chuyện này, một nhân chứng kể lại: Ngày 30-1-2007, anh cùng ông T. đến chỗ ông B. nộp tiền theo bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu. Tại đó, nhân viên văn phòng được ông B. ủy quyền nhận tiền đã xem bản quyết toán và gọi điện thoại cho ông B. Ông B. chỉ đạo nhân viên văn phòng phải ghi thêm vào bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu dòng chữ là “chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày từ ngày ký”. Ông T. có nghe, có thấy nhân viên văn phòng ghi thêm vào. Lúc đó, chính nhân chứng này cũng đề nghị nhân viên văn phòng ghi thêm rồi mới ký làm chứng.
Người nhân viên văn phòng cũng xác nhận rằng lúc ghi thêm dòng chữ trên thì ông T. đang có mặt ở đó. Về phần mình, đại diện nguyên đơn nói ông T. có phản đối việc ông B. thêm dòng chữ trên vào bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu nhưng lại không xuất trình được chứng cứ chứng minh.
Bác yêu cầu khởi kiện
Sau khi xem xét, tòa nhận định tại điều 4 bản quyết toán và chuyển nhượng cổ phiếu của các bên có thỏa thuận: “Sau này cổ phiếu có sụt giảm (lỗ), ông B. sẽ mua lại cổ phiếu của ông T. bằng số tiền mà ông T. đã bỏ ra nhượng lại”. Tuy nhiên, cả hai nhân chứng đều xác nhận là sau khi đọc bản quyết toán thì điện thoại báo ông B. và được ông B. chỉ đạo bổ sung thêm dòng chữ “chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký”… Ông T. biết chuyện này và không phản đối, chứng tỏ việc cam kết mua lại giữa hai bên chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký (30-1-2007). Do đó, việc mãi tới ngày 26-5-2008, ông T. mới khởi kiện là không có cơ sở để chấp nhận.
Tại tòa, ông T. nói mình tin tưởng ông B. là bạn nên mới ký bản quyết toán chuyển nhượng mà không nắm giá cổ phiếu của ngân hàng; bản quyết toán chuyển nhượng ký ngày 30-1-2007 nhưng đến ngày 9-3-2007, ông B. mới chuyển giao cổ phiếu là gây thiệt hại cho ông vì lúc đó giá cổ phiếu đã sụt. Về những điểm này, tòa không đồng tình bởi dựa trên các thông tin trên báo chí thì giá cổ phiếu của ngân hàng này vào thời điểm đó chỉ tăng chứ không giảm. Mặt khác, ông B. đã trả lãi chậm cho ông T. vì chuyển giao cổ phiếu chậm.
Theo tòa, việc ông T. mua cổ phiếu “lời hưởng, lỗ chịu” là chuyện bình thường của người tham gia thị trường chứng khoán. Từ đó, tòa đã bác yêu cầu khởi kiện của ông T., buộc ông phải đóng án phí hơn 25 triệu đồng.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code