Wednesday, November 6, 2013

THỰC TIỄN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ: XỬ LÝ HẬU QUẢ VỤ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÁI PHÁP LUẬT Ở TP. QUI NHƠN – 10 NĂM GỠ CHƯA RA???

MINH TRUNG – ĐĂNG KHOA
Để thi hành bản án, Đội thi hành án TP. Qui Nhơn đã cưỡng chế kê biên, tổ chức bán đấu giá tài sản của công dân bằng hình thức “bỏ phiếu kín”. Kết quả của việc làm trái luật này đã dẫn tới hậu quả: án nhỏ thành án lớn và kéo dài suốt 10 năm qua?
Đấu giá “hai trong một”
Bản án dân sự sơ thẩm số 182/DSST ngày 29.4.1998 của Toà án nhân dân TP. Qui Nhơn có hiệu lực buộc bà Đặng Thị Thông trú tại tổ 38, khu vực 4, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn phải trả cho nguyên đơn là ông  Phạm Kiều trú tại Khu tập thể D3, phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Qui Nhơn khoản nợ vay trước đó là 1 triệu đồng và 19 chỉ vàng Ngọc Thiện phẩm 97%. Hết thời hạn THA, Đội THA áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, tổ chức bán đấu giá ngôi nhà của bà Thông. Tuy nhiên việc bán đấu giá ngôi nhà, Đội THA lại không tuân thủ đúng nguyên tắc theo quy định của Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19.12.1996 của Chính phủ.
Theo đó, ông Phạm Kiều – người tham gia đấu đã dễ dàng “qua mặt” Đội THA bằng thủ pháp giả chữ viết và chữ ký của người hàng xóm (có tên là Nguyễn Văn Vinh) để đứng đơn đăng ký. Biến tướng vụ đấu giá hai người trong một người (?). Quy chế trên còn quy định, việc bán đấu giá phải được tổ chức công khai bằng lời nói, nhắc lại giá đấu 3 lần; thế nhưng Đội THA đã linh động bằng hình thức “bỏ phiếu kín”… Nguyên nhân dẫn tới việc làm trái luật này còn một phần là do lỗi của Phòng THA tỉnh Bình Định -  cơ quan cấp trên của Đội THA trước đó đã hướng dẫn nghiệp vụ không rõ ràng. Đội trưởng Trần Văn Thạnh, thẳng thắn phản biện.

Sau khi mua được nhà với giá 16.700.000đ, ông Kiều làm thủ tục bán lại cho vợ chồng ông Đồng Văn Mạc và bà Mai Thị Bích Thủ, trú tại KV4, phường Quang Trung, TP. Qui Nhơn với giá 17.000.000đ. Hợp đồng mua bán nhà của hai bên đã được Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Bình Định chứng thực ngày 20.11.2001, nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên trước bạ theo đúng qui định pháp luật. Tuy nhiên từ thời gian này, vợ chồng ông Mạc đã trở thành chủ sở hữu ngôi nhà.
Tai bay vạ gió
Cũng trong thời gian này vì không chấp nhận ngôi nhà của mình bị bán với giá “bèo”, bà Thông đã có đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền. Những sai phạm trong việc tổ chức bán đấu giá ngôi nhà của Đội THA đã bị VKSND tỉnh Bình Định phát hiện. Theo đó, cơ quan này đã ban hành Văn bản số 260/BC-KS yêu cầu Phòng THA tỉnh Bình Định  huỷ kết quả bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá lại căn nhà của bà Thông theo đúng quy định của pháp luật. Tại Văn bản số 476/TP-THA ngày 8.9.2002, Cục Quản lý THA dân sự – Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo Phòng THA tỉnh Bình Định thực hiện đúng tinh thần kiến nghị của Viện KSND tỉnh Bình Định. Cùng thời gian trên, UBND tỉnh Bình Định cũng ban hành quyết định huỷ Giấy chứng nhận QSHN đã cấp cho ông Kiều và thủ tục cấp sổ SHN ở và QSDĐ ở cho chủ mới là gia đình ông Đồng Văn Mạc và bà Mai Thị Bích Thủ (theo tinh thần NĐ số 60/CP ngày 5.7.1994 về quyền SHN và quyền SDĐ ở tại đô thị). Vô lý vì mua nhà hợp pháp mà bị tước trắng quyền lợi, vợ chồng ông Mạc khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Bình Định ra Toà hành chính. Tuy nhiên cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn của ông và công nhận QĐ của UBND tỉnh Bình Định là đúng.  
Không biết thi hành theo kiểu nào?
Ngay sau khi kết quả bán đấu giá ngôi nhà bị huỷ, bà Thông đã mang toàn bộ số tiền phải THA nộp đầy đủ cho cơ quan THA. Tuy nhiên bà Thông không có cách nào lấy lại được ngôi nhà của mình vì vợ chồng ông Mạc đang “cố thủ”. “Vợ chồng tui mua nhà có giấy tờ được UBND tỉnh cấp hợp pháp. Lỗi là do cơ quan có chức năng gây ra” – ông Mạc giải thích. Hơn nữa trong suốt thời gian ở “nhờ”, vợ chồng ông đã bỏ kinh phí ra để sửa chữa nâng cấp, bây giờ không lẽ trả lại là êm chuyện. Đó là chưa nói đến, nếu trả nhà thì vợ chồng ông sẽ ra sống ở đâu (?).
Rõ ràng là việc làm trái quy định của Đội THA Quy Nhơn đã dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng: Biến vụ án nhỏ thành vụ án lớn. Kéo theo là hàng loạt hệ luỵ khác: Vợ chồng ông Mạc – từ chỗ một công dân gương mẫu chấp hành pháp luật bỗng trở thành đối tượng vi phạm pháp luật (nếu không chịu giao nhà cho bà Thông) và lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Nhưng không chỉ có vậy, vụ việc còn làm phát sinh một tình huống không có tiền lệ trong thủ tục THA.  “Chúng tôi không biết cưỡng chế ngôi nhà bằng hình thức nào và theo thủ tục gì để trả lại cho bà Thông. Bằng thủ tục THA là không đúng vì ông Mạc không phải là đối tượng THA. áp dụng theo thủ tục cưỡng chế hành chính lại càng không ổn”. ông Trần Văn Thạnh – Đội trưởng ĐTHA Quy Nhơn nói.
Minh Trung – Đăng Khoa Để xử lý dứt điểm vụ khiếu nại của bà Đặng Thị Thông kéo dài, tại cuộc họp ngày 01.7.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  đã kết luận: “Giao cho Trưởng THA dân sự tỉnh chỉ đạo cho Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn thoả thuận với ông Đồng Văn Mạc về thiệt hại đối với diện tích 56 m2 đất ở và chi phí sửa chữa lại nhà để bồi thường và thu hồi nhà giao cho bà Đặng Thị Thông quản lý sử dụng; phần diện tích 13, 32 m2 ngoài sổ sở hữu chủ do các bên tự thoả thuận, Nhà nước không đặt vấn đề xem xét. Nếu ông Mạc không chấp hành thì tiến hành lập thủ tục cưỡng chế thu hồi nhà để giao cho bà Đặng Thị Thông và hướng dẫn ông Mạc khởi kiện ông Phạm Kiều ra Toà án để giải quyết”.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code