NGÂN HÀ
Năm 2006, Công ty TNHH
Thép Nhật Quang ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần xây dựng Quần Phương
(Hà Nội) xây dựng nhà xưởng nhưng sau khi công trình hoàn tất và đưa vào
sử dụng, Công ty TNHH Thép Nhật Quang lại không thanh toán tiền, buộc
Công ty Cổ phần Xây dựng Quần Phương phải khởi kiện ra tòa để đòi nợ.
Sau nhiều lần hoãn, ngày 17.9.2008, TAND huyện Văn Lâm đã mở phiên tòa
sơ thẩm xét xử vụ kiện trên.
Thỏa thuận một đằng, thực hiện một nẻo!
Ngày 15.4.2006, Công ty TNHH Thép Nhật Quang (Cty
Nhật Quang) ký hợp đồng kinh tế số 48/HĐKT với Công ty Cổ phần Xây dựng
Quần Phương (Cty Quần Phương). Theo hợp đồng đã ký, Cty Quần Phương có
trách nhiệm thi công xây dựng các hạng mục công trình của Nhà máy Thép
Nhật Quang tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Cty Quần Phương
đã tiến hành thi công và bàn giao các hạng mục công trình cho Cty Thép
Nhật Quang. Ngày 30.6.2007, hai bên đã ký hợp đồng thanh lý và Cty Thép
Nhật Quang đã thanh toán đủ 3, 9 tỷ đồng (lấy số tròn -PV) cho Cty Quần
Phương.
Ngày 22.12.2006, hai bên ký tiếp hợp đồng kinh tế số
43/HĐKT, theo đó Cty Quần Phương có trách nhiệm thi công xây dựng các
hạng mục công trình như nhà ở, nhà ăn cho công nhân…tại Nhà máy Thép
Nhật Quang (giá trị của hợp đồng này là 3, 34 tỷ đồng). Công trình này
đã được hoàn thiện vào ngày 20.8.2007 (theo đúng thời hạn đã ký trong
hợp đồng) và hiện Cty Nhật Quang đã quản lý và sử dụng.
Tại Điều 5.3 Hợp đồng số 43 ghi rõ: “Sau khi ký
kết hợp đồng trong thời gian thi công bên B (Cty Quần Phương) đưa máy
móc thiết bị đến công trường thì bên A (Cty Thép Nhật Quang) tạm ứng cho
bên B 20% giá trị hợp đồng; Sau khi thi công xong móng và phần thô, bên
A thanh toán cho bên B 50% tổng giá trị hợp đồng; Số tiền còn lại được
thanh toán chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi công trình được bàn giao đưa
vào sử dụng, khi có bản quyết toán 2 bên thống nhất…”. Thỏa thuận là vậy
nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm này, Cty Thép Nhật Quang mới chỉ
trả cho Cty Quần Phương hơn 400 triệu đồng. Số tiền còn lại Cty Thép
Nhật Quang nhất quyết…không thanh toán! Khi việc thương lượng không có
kết quả, ngày 10.4.2008, Cty Quần Phương buộc phải làm đơn khởi kiện Cty
Thép Nhật Quang ra TAND huyện Văn Lâm để đòi nợ. Theo đơn khởi kiện của
Cty Quần Phương, Cty Nhật Quang phải có trách nhiệm thanh toán số tiền
3, 5 tỷ đồng (kể cả tiền lãi do chậm thanh toán).
Không có căn cứ để chối… nợ!
Tại tòa, đại diện Cty Thép Nhật Quang cũng như luật
sư bảo vệ quyền lợi cho Cty này đã không đưa ra được bất cứ một văn bản
nào để chứng minh việc Cty Thép Nhật Quang không nợ Cty Quần Phương số
tiền nói trên. Biết không thể phủ nhận được toàn bộ nội dung của hợp
đồng số 43 (cũng như bảng quyết toán ngày 20.8.2007) mà ông Nguyễn Nhật
Thăng Tổng Giám đốc Cty Thép Nhật Quang đã ký tên và đóng dấu, đại diện
của Cty này “cãi cùn” rằng vào thời điểm ký kết hợp đồng, Cty Thép Nhật
Quang chưa được phép sử dụng con dấu đã đóng (?). Sau khi đưa ra một số
tài liệu (Cty Thép Nhật Quang coi đây là “những chứng cứ mới” -PV) liên
quan tới việc thẩm định công trình (do Cty Cổ phần Xây lắp Hưng Yên thực
hiện), đại diện Cty Thép Nhật Quang cho rằng Cty Quần Phương đã “quyết
toán vống” so với giá trị thực tế của công trình! Tuy nhiên, những tài
liệu này nhanh chóng bị Cty Quần Phương và HĐXX bác bỏ do không phải là
“chứng cứ” theo quy định tại Điều 90 BLTTDS! Trong suốt quá trình tranh
tụng công khai tại tòa, phía Cty Nhật Quang đã không đưa ra được lý do
chính đáng cho việc chậm thanh toán tiền cho Cty Quần Phương theo đúng
cam kết trong hợp đồng ngoài việc “bắt bẻ” một số lỗi đánh máy!
Chính vì không có căn cứ để chối… nợ, Cty Thép Nhật
Quang đã bị HĐXX tuyên buộc phải trả cho Cty Cổ phần Xây dựng Quần
Phương 3, 5 tỷ đồng (gồm cả tiền nợ gốc lẫn tiền nợ lãi do chậm thanh
toán). Ngoài ra, Cty Thép Nhật Quang còn phải nộp 30 triệu đồng tiền án
phí sơ thẩm.
Thế là, thay vì chỉ phải trả hơn 3, 34 tỷ đồng như đã
thoả thuận trong hợp đồng số 43, nay Cty Thép Nhật Quang còn phải chịu
thêm cả tiền lãi do việc chậm thanh toán và tiền án phí do thua kiện. Đó
là kết quả tất yếu của việc kinh doanh nhưng lại xem thường chữ “tín”!
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment