Viết về đề tài trên
theo lời yêu cầu, chúng tôi xin trình bày vài bước đi trong lộ trình đi
tìm cách giải quyết – tức là các giải pháp trung gian – rồi sau đó tiến
đến các giải pháp pháp lý để giải quyết, trong hoà bình, vấn đề cốt lõi
sau cùng là tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và các nước khác về các
quần đảo, tài nguyên dầu khí, ngư nghiệp, và thềm lục địa tại Biển Đông
và về vấn đề tự do lưu thông hàng hải và khai thác tài nguyên ngoài
biển.
Vấn đề chủ quyền các tài nguyên trên liên quan đến
các quyền lợi mà các quốc gia liên hệ tại Á châu, và các dân tộc của họ,
không thể từ bỏ dễ dàng – vì chẳng khác gì có kẻ cướp vào nhà đòi lấy
tài sản và vợ mình mà mình chịu để yên. Các cường quốc ở xa như Hoa Kỳ
(qua lời ngoại trưỏng Clinton) cũng đã phải tuyên bố gần đây là vấn đề
Biển Đông (trong đó Mỹ chú trọng đến lưu thông hàng hải và khai thác dầu
khí) là nằm trong quyến lợi quốc gia (national interest) của Mỹ, sau
khi thấy Trung Quốc tuyên bố và hành động theo kiểu muốn làm bá quyền
tại Biển Đông. Ngay cả Việt Nam, sau nhiều năm cố gắng nhẫn nhịn thái độ
hung hăng của Trung Quốc vì hy vọng vào 16 chữ vàng (đến chỗ dẹp cả
biểu tình của thanh niên yêu nước chống Trung Quốc – Trần Mạnh Hảo, nhà
thơ, đã than giùm họ: "tôi yêu nước mà sao tôi bị bắt!"), thì nay cũng
đã tìm lối thoát sự đè nén, bắt nạt của Trung Quốc mà nhiều năm qua họ
đã thể hiện qua các hành vi quân sự, như chiếm đảo 1988, hay áp đảo tâm
lý, như đe dọa các hãng dầu có khế ước khai thác tại vùng biển Việt Nam,
đơn phuơng cấm dân chài Việt Nam đánh cá và bắt giữ họ đòi tiền chuộc,
vẽ đường chữ U (Lưỡi Bò) nhận vơ 80% Biển Đông, phản đổi Việt Nam cùng
Mã Lai xác định chung trong một hồ sơ tại Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa
nối dài. Việt Nam tìm lối thoát khi tạo đưọc một "cú" ngọan mục vào lúc
làm chủ toạ hội nghị ASEAN tại Hà Nội vào tháng 7, 2010 và lôi kéo được
12 nước ASEAN yêu cầu Hoa Kỳ xác định lập trường quyền lợi quốc gia của
Mỹ tại Biển Đông, mời tàu chiến Mỹ đi ra đi vô Việt Nam, và đang chuẩn
bị xây dựng thể chế hợp tác chặt chẽ hơn với các nước khác, trong đó có
Mỹ, trong chính sách ngoại giao đa phương, đưa vào việc nghị trình bản
thảo Bá Cáo Chính Trị trong Đại Hội Đảng 2011.
Chúng tôi xét theo quan điểm dân tộc Việt Nam để đưa
ra mấy đề nghị sau đây – và nếu chúng tôi nói tới quyền lợi của các quốc
gia khác ở Á Châu chung quanh Biển Đông (Trung Quốc, Đài Loan, Phi luật
Tân, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Singapore) hay các quốc gia dùng đường
hàng hải hay có quyền lợi kinh tế hay an ninh ở Biển Đông (Mỹ, Nhật, Đại
Hàn, Ấn, Nga) thì cũng là nói tới gián tiếp thôi.
Xin đề nghị 3 loại giải pháp: củng cố nội lực, ngoại giao đa phương và vận dụng luật pháp quốc tế.
1. Tuân theo ý nguyện của nhân dân để có nội lực chính trị và quân sự nhằm đối phó với áp lực của Trung Quốc.
Chính Trung Quốc, về mặt chính thức qua thông cáo của
Bộ Ngoại Giao thì vẫn nói gịong ôn hòa (thí dụ gần đây chỉ nói về biển
đảo mà không nói gì về đường Lưỡi Bò nữa), nhưng về dư luận nội địa
thì lại thả lỏng cho dân chúng, qua báo chí, Internet, hay các bài
của các học giả giáo sư bàn về Biển Đông, nói và viết với giọng bá quyền
và đe dọa chiến tranh với Việt Nam, có lẽ với mục đích để cho một số
lãnh đạo Việt Nam sợ mà không đẩy mạnh củng cố quân lực hay ngoại giao
đa phuơng, nhằm phản ứng kịp thời khi Trung Quốc thình lình đánh úp vài
hải đảo, theo lối tầm ăn rỗi.
Vì lẽ đó, chính Việt Nam cũng phải tìm thế nhân
dân để có sức mạnh quân sự và chinh trị. Vì khí thế nhân dân sẽ làm cho
Trung Quốc nể sợ mà chùn tay lại và nếu có chiến tranh thực thì đó là
một hình thức "Hội Nghị Diên Hồng" trong thời đại mới để tham khảo ý
kiến toàn dân chiến đấu. Phải thả lỏng cho báo chí phát biểu và nhân dân
biểu tình xác nhận mạnh mẽ chủ quyến về các đảo (Hoàng sa, còn Trường
Sa thì có bao nhiêu đảo, chính phủ sẽ nói sau – xin xem lý do nói dưới
đây), về quyền khai thác tài nguyên trên thềm lục điạ và vùng kinh tế
độc quyền, kể cả bênh vực việc đánh cá của dân chài.
Trong kiến nghị ngày 22 tháng 4, 2008 của 122 nhân
vật ở trong và ngoài nước, dưới hình thức thư ngỏ gửi các nhà cầm quyền
Việt Nam, họ trách móc rằng: “Nhà nước Việt Nam đã tỏ ra không
nghiêm túc xét định những kiến nghị quan trọng đã nêu và tỏ ra bất lực
trước nghĩa vụ bảo toàn lảnh thổ quốc gia trước quyết định của Trung Quốc thành lập thành phố cấp huyện Tam
sa, trong đó lại bao gồm cả hai quần đảo máu thịt của Tổ Quốc Việt Nam
chúng ta là Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động ngang ngược này của Trung
Quốc rõ ràng đã coi khinh tình hữu nghị mà Việt Nam chúng ta đã nỗ lực
khôi phục và vun đắp trở lại trong suốt hơn một thập kỷ qua. Sự kiện này
đã làm cho nhiều người Việt Nam chúng ta khi biết tin hết sức bức xúc,
phẫn nộ và đau xót. Không kể gái trai, già trẻ, địa vị, chính kiến đã có
nhiều tiếng nói cá nhân, nhiều cuộc biểu tỏ tập thể công khai đã vang
lên từ khắp nơi, trên mạng Internet, báo chí, trên đường phố, trong và
ngoài nước. Rất khó hiểu, cho đến nay tất cả các vị lãnh đạo cao cấp và
các cơ quan cao cấp nhất trong hệ thống lãnh đạo, quản lý đất nước từ
Quốc hội, Chính phủ,… đều chưa bày tỏ thái độ một cách chính thức và rõ
ràng đối với vấn đề Tổ Quốc đã bị Trung Quốc xâm lấn và tuyên bố thôn
tính.” Họ viết tiếp là các câu phản đối của Chính phủ Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa “hoàn tòan không đủ và đã
xúc phạm lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam khi gọi những cuộc biểu
tình trong trật tự để phản đối Trung Quốc là ‘những cuộc tụ tập không
được phép’. Đặc biệt cần nhấn mạnh những nhân viên an ninh Bộ Công An đã
có những hành xử thô bạo, sách nhiễu cuộc sống của những người biểu
tình ôn hòa xiển dương lòng yêu Tổ Quốc Việt Nam là những hành vi trái
pháp luật, làm tổn thương truyền thống đoàn kết quật cường chống ngoại
xâm của dân tộc Việt Nam. Những hành động ngày càng ngạo mạn của
chính quyền Trung Quốc gần đây đối với Việt Nam liệu có phải là hậu quả
từ sự phản ứng quá nhún nhường của phía Việt Nam chúng ta? Việc ngăn cản
nhân dân phản đối kẻ xâm lược lại càng làm cho dã tâm thôn tính của
chính quyền bành trướng ngoại bang thêm táo tợn? Bất kỳ người Việt Nam
yêu nước nào cũng đều đang đau đớn với những câu hỏi này! Trong khi đó
chỉ bằng hai cuộc biểu tình của giới trẻ Việt Nam trước đại sứ quán và
lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày 09 và 16 tháng 12 năm 2007 đã làm cho
giới lãnh đạo Trung Quốc phải xuống thang bằng việc tỉnh Hải Nam (Trung
Quốc) ngày 19 tháng 12, 2007 phải đưa ra việc phủ nhận về ý định thành
lập thành phố Tam Sa.”
Giải pháp chúng tôi đề nghị để lòng yêu nước
của toàn thể dân tộc có thể hỗ trợ chính quyền trong việc bảo vệ đúng
mức và sáng suốt quyền lợi quốc gia ngoải Biển Đông (kiên định bảo vệ
quyền lợi cốt lõi của dân tộc nhưng cũng mềm dẻo, hòa bình và khéo léo
về ngoại giao ̶ theo câu của ngoại trưởng Talleyrand của Napoléon:
“dans la diplomatie, jamais trop de zèle” [trong ngoại giao, không bao
giờ nên quá khích] thì phải làm thế nào để toàn dân tin tưởng vào lương
tâm ái quốc thực sự của giới chức cầm quyền, không có sự dè dặt hay nao
núng nào. Và muốn thế, thì trong giới các nhà cầm quyền, nên áp dụng thủ tục bỏ phiếu kín trong các quyết
định trong Đảng và Quốc Hội về các vấn đề gay go đối với Trung Quốc để
không ai sợ bị lộ diện chống Trung Quốc rồi bị tình báo Trung Quốc ám
hại, hoặc Trung Quốc cũng không có thể rải qúa nhiều tiền mua
chuộc lương tâm của đa số người trong Đảng hay Quốc hội mà không lộ ra
công luận và làm sự mua chuộc hết hiệu lực, vì phải đối đầu với trào lưu
ái quốc rất mạnh trong dân tộc. Một thí dụ về bỏ phiếu kín khiến
các đại biểu quốc hội có thể mạnh dạn bỏ phiếu theo sự hiểu biết và
lương tâm, là việc quốc hội bác bỏ dự án đường xe lửa cao tốc khi chưa
hoàn chỉnh. Trong hàng ngũ một số lãnh đạo đã có một sự e sợ Trung Quốc
̶ như thư ngỏ của 122 nhân vật trong nước đã nói tới ̶ vì lãnh đạo
muốn chống Trung Quốc còn ngại là sẽ bị lãnh đạo khác dựa vào Trung Quốc
tìm cách lật đổ địa vị ̶ bằng biểu quyết ̶ trong Đảng và trong
chính phủ. Sự dựa vào Trung Quốc này của một phần lãnh đạo hiện nay,
khác hẳn sự nhất trí trong Đảng chống Trung Quốc sau chiến tranh Trung
-Việt nó khiến Đảng và Quốc Hội đồng tâm ghi thêm vào Hiến Pháp 1980
điều khoản coi “bá quyền Trung Quốc” là kẻ thù “xâm lưọc”. (Trái lại,
người dân thường không sợ mất vị trí công việc của mình mà trở thành
thất nghiệp, khi tỏ thái độ chống bá quyền Trung Quốc). Khi các đại biểu
trong Quốc Hội, hay trong Đảng, biết là vùng Biển Đông ̶ theo một ước
tính, tuy chưa chắc chắn ̶ vào năm 2020 có thể đóng góp vào 55% tổng
sản lượng quốc gia và 55-60% hàng hoá xuất cảng thì họ sẽ càng quyết
tâm bảo vệ tài nguyên của tổ quốc hơn, khi sự biểu quyết của họ được thi
hành bằng bỏ phiếu kín. Dĩ nhiên về các vấn đề mà người dân cần biết
lập trường khi bỏ phiếu của các đại biểu quốc hội về các vấn đề không có
đe dọa đến tính mạng của họ, thì vẫn dùng thủ tục bỏ phiếu công khai
(giống như roll call ở quốc hội các nước dân chủ, và cũng đúng tôn chỉ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”).
2. Theo đuổi mạnh mẽ
chính sách ngọai giao đa phương để có sự hỗ trợ quốc tế chống bá quyền
Trung Quốc, xích lại gần các cường quốc khác như Nga, Nhật, Âu châu, Ấn
Độ và nhất là Mỹ.
Ngay từ thời chính phủ Bush, trong chuyến du hành
của Thủ Tướng Việt Nam qua Mỹ, Tổng Thống Bush đã cam kết bảo đảm cho sự
toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Thông cáo chung Mỹ Việt "nhắc lại sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam về chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ" và nói đến nhu cầu "củng cố đối thoại cấp cao" và ủng hộ"thành
lập các cuộc họp hoạch định chính sách về chính trị, quốc phòng để có
các trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an
ninh".
Thế mà Việt Nam vẫn chậm chạp trong việc xích gần Tây Phương. Trong
hội thảo về Biển Đông tại Đại Học Yale ngày 18/11/2009, ông cựu đại sứ
Việt Nam Nguyễn Trung, từng gần với các nhà ngoại giao Việt Nam rất dè
dặt về Trung Quốc như Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ, và là nguyên cố
vấn thủ tướng, có nói là ôn lại lịch sử thương nghị tay đôi với các nước
thì tuy Việt Nam thành công với Indônêxia và Mã Lai, ông thấy bi quan
cho một giải pháp sau cùng đối với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi có đưa ra
câu hỏi là tại sao Việt Nam không đẩy mạnh đa phương hóa ngọại giao để
có đối lực với Trung Quốc, thí dụ thực hiện sự cộng tác tập trận hải
quân với Mỹ theo đề nghị của chính phủ Bush, thì được biết là Việt Nam
vào lúc đó mới chỉ dè dặt chấp nhận tập việc cùng Mỹ cấp cứu ngộ nạn và
tìm xác người trên biển.
Phải tới tháng 7 năm 2010 mới có một sự đột biến quan trọng. Hồi hạ tuần tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam “không
những thật sự là một quốc gia quan trọng mà còn là một bộ phận của
chiến lược nhắm tăng cường cam kết của người Mỹ trong khu vực Á châu
Thái Bình Dương, đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á.” Khi phát biểu
tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, bà Clinton còn nói
rằng Hoa Kỳ xem việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Nam
Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) bằng đường lối đa phương, theo luật quốc tế, mà không đe dọa hay dùng võ lực, là một “quyền lợi quốc gia” của Mỹ. Những phát biểu này đã khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc phật lòng.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia vùng Đông Nam Á
có dịp để phát triển thêm nữa khi Tổng thống Barack Obama tổ chức cuộc
hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại New York vào ngày 24 tháng 9 năm 2010,
để bàn chuyện hợp tác kinh tế và an ninh ̶ kể cả trong Biển Đông ̶
bên lề phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tin của
Associated Press (19/9/2010) cho biết Dự thảo Tuyên bố chung Mỹ-ASEAN
tái xác nhận nguyên tắc tự do hàng hải và giao thương trong Biển Đông,
ổn định khu vực, và tôn trọng luật quốc tế mà chống lại việc sử dụng hay
đe dọa võ lực để giành chủ quyền ở Biển Đông, và Phụ tá Bộ Trưởng Ngọai
giao Kurt Campbell và Giám Đốc Vụ Á Châu Jeffrey Bader trong Hội Đồng
An Ninh Quốc Gia Mỹ cũng báo cho các đại sứ ASEAN trong phiên họp chuẩn
bị cho Hội nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN, là Trung Quốc có vẻ ôn hòa hơn
trong các buổi gặp gần đây, đồng ý bàn về nguyên tắc các bên phải tuân
theo trong Biển Đông sau khi họ cắt nghĩa là giải pháp hoà bình tôn
trọng luật quốc tế mà Ngọai Trưởng Clinton nói tới tại Hà Nội tháng 7
không ám chỉ riêng về Trung Quốc mà áp dụng cho mọi quốc gia tranh
quyền.
Bà Hillary Clinton cũng đã đến dự Hội nghị thượng
đỉnh Đông Á, diễn ra vào cuối tháng 10, 2010 tại Hà Nội. Sau đó, Tổng
Thống Barack Obama sẽ dự cuộc họp thượng đỉnh Đông Á lần tới tại
Indonesia năm 2011. Cuộc họp thượng đỉnh Đông Á quy tụ những quốc gia
thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New
Zealand. Năm nay, các nước ASEAN đã quyết định mời Hoa Kỳ và Nga tham
gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á để thảo luận về những hồ sơ như an ninh,
thương mại, môi trường. Theo một số nhà ngoại giao, sự tham gia của Mỹ
và Nga vào hội nghị sẽ là đối trọng cho vai trò áp đảo của Trung Quốc
trong khu vực này.
Bản Tuyên Cáo Chung Mỹ-ASEAN (bản chính thức sau cùng) ngày 24 tháng 9, 2010 tuy có bỏ bớt mấy chữ trong Dự thảo “chống lại sự sử dụng hay đe dọa võ lực để giành chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa”
nhưng vẫn duy trì cái ý chính là phải theo đuổi giải pháp hòa bình, tức
là có lên án gián tiếp việc dùng hay đe dọa võ lực, đề cao nguyên tắc
giải quyết hòa bình ̶ vì điều 18 có ghi các nguyên tắc "hòa bình và an ninh vùng, an ninh trên biển, giao thương không bị cản trở [ám chỉ việc khai thác dầu khí và thương mại], tự
do hàng hải theo luật quốc tế, Luật Biển của Liên Hiệp Quốc và các luật
hàng hải quốc tế khác, giải quyết hoà bình các tranh chấp. Rồi điều 19 lại còn
khen ngợi Nga và ASEAN về sự ủng hộ Vùng phi nguyên tử ở Đông Nam Á
[đây là 'đá giò lái' nói ám chỉ căn cứ tầu ngầm nguyên tử của Tàu ở
Yulin]. Điều 23 lại cũng ám chỉ Mỹ bênh vực các nước ASEAN chống Trung
Quốc làm cạn giòng nước sông Cửu Long, khi nói về dự án tiến hành Sáng
Kiến Mỹ-ASEAN về Hạ Lưu Mekong. Rồi lại có một loạt các cơ chế giữa Mỹ
và ASEAN để thực hiện các mục tiêu trên như (1) Mỹ sẽ họp về quốc phòng
với ASEAN trong Buổi Họp Mở Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN (ASEAN Defense
Ministers Meeting Plus, ADMM+) vào tháng 10 năm 2010 (các điều 2,22) và
tham khảo giữa các bộ trưỏng của Mỹ và ASEAN (điều 9); (2) Sẽ có những
khuyến nghị của Nhóm Nhân vật Siêu Đẳng ASEAN và Mỹ, đưa ra cho đến cuối
năm 2011 (điều 3); (3) Mỹ tham dự với cấp cao là ngoại trưởng và Tổng
Thống, họ sẽ đi họp tháng 10 ở Hà nội và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á năm
2011 (điều 5,25). Tóm lại, Mỹ và ASEAN muốn xây dựng tiếp trên căn bản
đã đạt tại "hội nghị lịch sử ở Singapore năm 2009" và " tiếp tục các chương trình cho tới năm 2015"
(điều 6). Tuy Tuyên Bố Chung không nhắc đến chữ South China Sea (Biển
Nam Trung Hoa), nhưng trong thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc sau đó,
nhân nói về bữa tiệc giữa Tổng Thống Obama và các lãnh tụ ASEAN, thì lại
nhắc đến chữ South China Sea: "Tổng Thống và các lãnh đạo cũng đồng ý
về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa
bình, tự do hàng hải, ôn định khu vực, và tôn trọng luật quốc tế, kể cả
trong Biển Nam Trung Hoa".
ASEAN cũng tuyên bố là đang thương lượng với Trung Quốc để có một tuyên ngôn chi tiết hóa việc thi hành cái bản "Tuyên Bố về Cách Ứng xử (Declaration of Conduct) trên Biển Đông"
năm 2002. Ngày 30 tháng 9, 2010 Đại sứ Trung Quốc tại Phi luật Tân cho
hay là đã bắt đầu thương thuyết với các nước Đông Nam Á nhắm tới việc
thỏa thuận về một Qui tắc Ứng xử(Code of Conduct), có hiệu lực bó buộc, để đối phó với các vụ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong vùng Biển Đông.
Ngày 24 tháng 9 năm 2010, Giáo sư Thayer của Úc cho
biết là Trung Quốc đã phủ nhận không hề chính thức nói Biển Đông là
quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc. Cựu Đại sứ Mỹ Stapleton Roy cũng nói
trong một cuộc hội thảo ở Center for Strategic and International Studies
ở Washington, D.C. là không có một văn kiện chính thức nào nói về quyền
lợi cốt lõi này, tuy các tài liệu các học giả hay các bài trên báo chí
hay mạng Internet có nói. Việc vẽ đường lưõi bò (chữ U) đòi quyền trên
80% Biển Đông cũng không có trong văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao
Trung Quốc, mà chỉ có trong các bài của các tư nhân (xin xem đọan dưới
đây). Và ngay trong Hội Nghị về Biển Đông tại Saigon ngày 11/11/2010,
các học giả Trung Quốc bị các học giả quốc tế chất vấn, cũng lúng túng
không trả lời thế nào là quyền lợi cốt lõi, hay thế nào là căn bản pháp
lý của đường hình chữ U. Có lẽ Trung Quốc áp dụng chính sách thả quả
bong bóng thử thách các nước ASEAN, để nếu các nước này e sợ, Trung Quốc
sẽ lấn tới, theo chiến lược "mềm nắn, rắn buông". Nếu bị phản đối thì
Trung Quốc lại dừng lại
Về lập trường Việt Nam muốn đa phương hoá nền ngọai
giao và dựa nhiều hơn vào việc Mỹ quay trở lại Đông Nam Á thì ta thấy
trong hội thảo ở trụ sở Quốc hội Mỹ tháng 9, 2010, Đại sứ Việt Nam tại
Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, cho biết rằng Việt Nam ủng hộ việc Hoa Kỳ
quyết định quay lại Đông Nam Á và Đông Á:"Việt Nam mạnh mẽ ủng hộ
chính sách ngoại giao của Mỹ là quay lại Đông Nam Á và Đông Á. Như Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nói, Hoa Kỳ quay lại khu vực này để
tiếp tục hiện diện chứ không rút đi. Chúng tôi ủng hộ chính sách đó."
Câu hỏi cần nêu ra là lời ông Đại Sứ Việt Nam có phản
ảnh khuynh hướng ở cấp cao nhất tại Việt Nam không? Dự thảo Báo cáo
Chính trị cho Đại Hội Đảng 2011 cho ghi rõ mục tiêu tăng cường hợp tác
với các nước chung quanh Biển Đông và Thái Bình Dương: "giải quyết
các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, việc xác định ranh giới
biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở những nguyên tắc
cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt
công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị,
hợp tác và cùng phát triển. Củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu
nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới. Chủ động,
tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững
mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan
trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương."
Theo giáo sư Úc Carl Thayer chuyên nghiên cứu về Việt
Nam, thì lãnh đạo Việt Nam có hai khuynh hướng: một muốn mở rộng quan
hệ quốc tế, liên hệ với nhiều quốc gia; một muốn nể nang, liên hệ chặt
chẽ với Trung Quốc hơn nước khác (gọi là nhất biên đảo), nhưng cũng theo
GS Thayer, trước khuynh hướng chống Trung Quốc của nhân dân, nhóm thân
Trung Quốc này hình như cũng phải đồng ý phải tìm con đuờng quốc phòng
khác dựa vào quan hệ đa phương, không thể chỉ dựa hay tin vào Trung
Quốc.
Vì Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 500% từ 1997
cho đến nay, phát triển rất mạnh hải quân, củng cố căn cứ hải quân Yulin
ở nam Đảo Hải Nam với chỗ đậu cho nhiều chiến hạm lớn và tầu ngầm kể cả
tầu ngầm phóng đầu nguyên tử và hàng không mẫu hạm mà họ đang trong
giai đoạn xây dựng, cải tiến phi trường tại Hoàng Sa và đài radar tại
Fiery Cross Reef ở Trường Sa, cho nên trong liên hệ đa phương với các
cường quốc bạn, nhất là Mỹ, là nước đã thấy sự đe dọa của hải quân Trung
Quốc đối với sự đi lại của Hạm Đội 7 (thí dụ nhu vụ quấy nhiễu tàu
Impeccable của Mỹ), thì Việt Nam phải tìm cách nhờ họ giúp canh tân hải
quân (chiến hạm chạy mau và tầu ngầm) và không quân (máy bay oanh tạc và
trực thăng võ trang) để có thể tiếp cứu mau chóng các hải đảo. Quân
lực mạnh sẽ là biện pháp ngăn ngừa (deterrence) đối với Trung Quốc, như
câu châm ngôn "muốn có hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh". Hơn
nữa, phải liên minh, hay phối trí ̶ nếu ngại dùng chữ liên minh ̶ với
Mỹ để cùng tuần hành với Hạm Đội 7, bảo vệ người Mỹ và tài sản Mỹ trên
các giàn khoan dầu trong các dự án hợp tác khai thác với Việt Nam, và
tiến hành các cuộc tham khảo về an ninh và chính trị với Mỹ, theo như
Thông Cáo Chung của Tổng Thống Bush với Thủ Tướng Dũng tháng 6 năm 2008.
Giáo sư Taylor Travel của Massachusetts Institute of Technology, nghiên
cứu 24 vụ tranh chấp biên giới trong 60 năm của Trung Quốc, thấy là
Trung Quốc sẽ không sử dụng võ lực nếu đứng trước một cường quốc ̶
trái lại năm 1974 và 1988 đã tiến đánh Việt Nam để chiếm nốt Hoàng Sa và
một số đảo ở Trường Sa. Tóm lại, phải cứng rắn thì Trung Quốc mới ngừng
lại ̶ vì từ trước đến nay họ vẫn theo chính sách "mềm nắn, rắn buông".
Chắc lãnh đạo Việt Nam cũng ý thức rằng phải củng cố khả năng chiến đấu bảo vệ hải đảo
là vì một khi đã để mất hải đảo thì hành quân chiếm lại gần như không
thể thực hiện được vì cường quốc Trung Quốc sẽ củng cố hải đảo bằng đủ
loại khí giới tối tân và các biện pháp tàn bạo, và Việt Nam dù có dùng
chiến thuật biển người cũng không làm được, vì không phải là đất liền.
Số tử vong của các chiến sĩ cố chiếm lại đảo sẽ lên quá cao ̶ như có
thể thấy qua kinh nghiệm đau đớn của quân đội Mỹ trong Thế chiến II, khi
vất vả chiếm lại dần dần các đảo trên Thái Bình Dương từ tay quân đội
Nhật (chết nhiều đến nỗi Mỹ sau đó ném bom trải thảm trên đất Nhật để
trả thù).
Mặt khác, để theo đuổi mục đích đấu tranh hoà bình, dựa vào dư luận quốc tế,
trong Hội Nghị tại Hà Nội ngày 12/10 /2010 của các bộ trưởng quốc phòng
ASEAN mở rộng ̶ tức là có thêm sự tham dự của 8 nước đối tác khác như
Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga, Đại Hàn, Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan, Thủ Tưóng
Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách nước chủ tịch, có sự hỗ trợ của các nước
Đông Nam Á, đã kêu gọi giải quyết trong hòa bình các vấn đề tranh chấp
ngoài biển, theo luật quốc tế, nhất là Luật Biển năm 1982, và trong sự
tôn trọng độc lập và chủ quyến mỗi nước, dù Biển Đông không có trong
chương trình nghị sự ̶ và chi tiết hoá các quy tắc ứng xử đã tuyên bố
trước đây (Declaration of Conduct) thành các nguyên tắc của một bộ luật
cưỡng hành (Code of Conduct). Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng
kêu gọi như vậy, và nhấn mạnh đến giải pháp đa phương. Tại Hội nghị
Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5 vừa kết thúc ngày 30/10/2010 tại Hà Nội,
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái xác định lập trường của Hoa Kỳ: “Hoa
kỳ xem quyền tự do lưu thông hàng hải và hoạt động thương mại trên biển
không hạn chế thuộc phạm vi quyền lợi quốc gia của mình. Khi xảy ra
tranh chấp lãnh hải, chúng tôi cam kết giải quyết tranh chấp một cách
hòa bình, trên cơ sở thông lệ quốc tế”. Nếu người Việt nào trong
nước hay tại hải ngoại còn nghi ngại không biết sự ủng hộ của Mỹ đối với
Việt Nam có trường cửu hay là tuỳ giai đoạn và quyền lợi thay đổi của
Mỹ theo thời điểm Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa cầm quyền, thì thiết
tưởng nên nhớ đến lời tuyên bố của Cựu Tổng Thống Dân Chủ Bill Clinton
tại Đại Học Ngoại Thương ở Hà Nội trong tháng 11, 2010 và của một cựu
ngọai trưởng của mấy tổng thống Đảng Cộng Hoà trước đây,và nay vẫn là cố
vấn lớn của Đảng này, nói với một đại diện có thẩm quyền của Đảng Cộng
sản Việt Nam cũng trong tháng 11, 2010 (nguồn tin riêng, chúng tôi không
tiện nói tên cả hai người), là chính sách ủng hộ Việt Nam là chính sách của Lưỡng Đảng.
Ngoại trưởng Indonesia, một nước không có tranh chấp biển đảo ở Biển
Đông đã tuyên bố như sau về biển Đông khi hội nghị kết thúc ở Việt Nam: “Không nên có chỗ cho chính trị vũ lực và chính sách ngoại giao pháo hạm. Tất cả phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”
Theo báo South China Morning Post ngày 12/12/2010 Bộ
Ngoại giao Việt Nam tiết lộ là cả năm rồi, Việt Nam đã theo đuổi một
chính sách ngoại giao hai rãnh song hành, thương nghị song phương với
Trung Quốc về Hoàng Sa và mở rộng liên hệ đa phương với các quốc gia
Đông Nam Á trong khuôn khổ ASEAN và các cường quốc ̶ mặc kệ phản đối
của Trung Quốc ̶ để có sự ủng hộ rộng rãi trong việc giải quyết các
vấn đề hải đảo và Biển Đông nói chung, và minh thị xác nhận chủ quyền
Việt Nam trên cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa. Giáo sư Thayer ngạc nhiên về sự
kín đáo khéo léo ngọai giao này.
3. Dùng luật pháp quốc tế
theo truyền thống và trong các hiệp định và công ước mà Việt Nam và
Trung Quốc đã ký, nhấn mạnh mọi chuyện tranh chấp phải giải quyết theo
luật pháp, trong hoà bình, không có đe dọa hay sử dụng võ lực
LUẬT PHÁP VỀ THỀM LỤC ĐỊA
Thềm lục điạ đã được định nghĩa rõ rệt theo các tiêu
chuẩn địa dư và địa chất rõ rệt trong Công Uớc Liên Hợp Quốc 1982 về
Luật Biển, và phạm vi tính từ bờ biển đi ra xa như thế nào đã rõ trong
luật, Việt Nam không cần nói cũng có chủ quyền.
Chỉ còn vấn đề thềm lục địa nới rộng thì Việt Nam
cũng đã làm thủ tục đăng ký, đặc biệt đã nộp hồ sơ chung với Mã Lai về
khu vục thềm lục điạ hai nước trùng nhau.
Uỷ Ban Liên Hợp Quốc lo việc đăng ký thềm lục địa mở
rộng cũng không phải là trọng tài giải quyết tranh chấp, vì việc bất
đồng ý kiến của các quốc gia cận duyên về biên giới thềm lục địa nới
rộng phải do các bên liên hệ thương lượng với nhau để giải quyết. Vì
thế, ngoại giao song phương hữu nghị của Việt Nam với Trung Quốc trong
vấn đế thềm lục địa trùng nhau tại Vịnh Bắc Bộ và phiá bắc Biển Đông vẫn
phải tiến hành.
LUẬT PHÁP VỀ QUYỀN KHAI THÁC NGHỀ CÁ CỦA DÂN CHÀI VIỆT NAM
Việt Nam cần đòi hỏi mạnh mẽ việc thực thi Hiệp định
Nghề cá đã ký với Trung Quốc và Hiệp Uớc Quốc Tế. Trung Quốc đã trắng
trợn vi phạm Hiệp định Cộng Tác Nghề Đánh Cá ngày 25/12/2000 ký kết giữa
Trung Quốc và Việt Nam và Hiệp Định của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm
1982, trong việc kỳ thị đối với dân chài Việt Nam, xua đuổi, đánh đập họ
và vi phạm quyền tư hữu của họ, mà cho các dân chài các nước khác được
hưởng quyền trú chân trốn bão, vốn có từ lâu trong lịch sử loài người và
quy định trong các văn kiện luật quốc tế, nhất là Hiệp Định Liên Hợp
Quốc 1982.
Trắng trợn vi phạm điều 12 Hiệp định Nghề cá nói
trên, theo đó, hai nước đã lập ra vùng đệm (buffer zone) ở ngoài lãnh
hải của mỗi nước (territorial sea), để nếu các thuyền đánh cá nhỏ của
một nước đi lạc vì lầm lẫn vô lãnh hải của nước kia, thì nước kia sẽ
cảnh cáo và ra lệnh cho các thuyền đó đi ra mà không bắt giữ, mà cũng không
dùng võ lực. Nếu có điểm gì tranh chấp, thì điều 12 cũng nói là phải
đưa ra Uỷ ban Hỗn hợp Việt Trung về Nghề cá trong Vịnh Bắc Việt nếu có
điều gì ngoài chuyện đánh cá (thí dụ như trốn bão chẳng hạn). Uỷ ban này
phải quyết định phân xử theo lối đồng thuận giữa hai bên Việt Trung.
Vậy Trung Quốc đã vi phạm về mặt thủ tục luật pháp quy định ngay trong
Hiệp định Trung Quốc đã ký, coi rẻ người Việt Nam và nhà nước Việt Nam.
Trắng trợn vi phạm về mặt nội dung điều 15 và 16 Hiệp
định Nghề cá, theo đó khi dân chài và thuyền đánh cá một nước bị tai
biến khẩn cấp (distress or other emergencies) trong khu lãnh hải của
nước kia thì nước kia có nhiệm vụ phải cứu giúp và che chở; và khi dân chài và thuyền một nước tìm cách trốn bão, thì có quyền trú ẩn trong lãnh hải nước kia. Ghe thuyền đánh cá một nước có quyền hàng hải, có quyền đi qua vô hại (innocent passage).
Trung Quốc trắng trợn vi phạm Hiệp định Liên Hợp Quốc
về Luật Biển 1982, điều 292, theo đó một nước duyên hải chỉ có thể bắt
giữ ghe thuyền và thuỷ thủ nước khác trong một số trường hợp giới hạn,
thí dụ đánh cá bất hợp pháp, sau khi lên tầu và khám xét để thấy có bằng
chứng vi phạm, và phải mau chóng thả, sau khi bắt đóng tiền thế
chân hay bảo đảm khác (luật quốc tế định như vậy để tránh sự lạm dụng
quyền thi hành luật của nước duyên hải).
Nếu không thả sớm, hoặc không đưa ra xét xử trong tòa
án quốc nội hay cơ quan xét xử nào khác (thí dụ Uỷ ban Hỗn hợp trong
Hiệp định Việt-Trung nói trên), thì trong vòng 10 ngày (Hiệp định Liên
Hợp Quốc quan niệm đây là thủ tục khẩn cấp ̶ accelerated procedure),
quốc gia của người dân chài bị bắt giữ có thể đưa ra, hay uỷ quyền cho
chủ ghe thuyền đưa ra, trước Toà án Quốc tế Luật Biển (International
Tribunal of the Law of the Sea) về việc bắt giữ qúa lâu này. Tòa án đó
phải giải quyết khiếu nại ngay, không được trì hoãn, và định số tiền thế
chân để thả người ta ra.
Việc cho trú ngụ khi gặp bão không phải là vấn đề gay
go về tranh chấp chủ quyền, thì không có gì phải nể Trung Quốc quá, sẽ
mang tiếng là không thương người dân chài vô sản, vô tội, thua kém cả
người nước ngoài như một đại tá hải quân Nga cũng đã lên tiếng, trong
dịp tầu Nga Panteleyev viếng thăm Đà Nẵng tháng 6 năm 2009, chỉ trích
Trung Quốc cấm đóan tầu đánh cá Việt Nam và nói Nga sẵn sàng giúp đỡ họ.
Phải đem ra toà án về luật biển của Liên Hợp Quốc. Và
người dân chài có thể làm việc này và dĩ nhiên cần nhờ một luật sư chỉ
dẫn cho họ. Điều nên nhớ là họ phải được sự uỷ quyền của nhà nước Việt
Nam
LUẬT PHÁP VỀ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ
Có lẽ chính Trung Quốc đã thấy việc xác nhận chủ
quyến trên 80% Biển Đông bằng Đường Lưỡi Bò, mà nguồn gốc chỉ là bản đồ
do hai cá nhân vẽ năm 1914 và 1947 (Hu Jinjie và Bai Meichu), là không
có căn bản pháp lý nào, nhất là nếu chiếu theo Luật Biển 1982, cho nên
bây giờ không thấy Trung Quốc nói tới trong giác thư gần đây nhất của Bộ
Ngoại Giao. Trong hội nghị về tranh chấp biên giới biển (maritime
boundary disputes) tại Houston, Texas ngày 21 tháng 4 năm 2010, do các
hãng dầu Mỹ bảo trợ, sau khi phái đòan Việt Nam trình bày qua lời Phó
Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Nguyễn Hồng Thao về quan điểm xác nhận chủ
quyền Việt Nam ở Biển Đông theo đường lối cộng tác hoà bình và nêu cao
luật quốc tế, thì phái đòan Trung Quốc nói về lập trường Trung Quốc về
các hải đảo, rồi nói về Đường Lưõi Bò, rằng khi hai nhà địa dư Trung
quốc vẽ đường đó, không ai phản đối, và còn nói qúa đáng là họ cảnh cáo
các hãng dầu khí Mỹ khi tới South China Sea (Biển Đông) thì phải tuân
theo "luật Trung Quốc". Với tư cách người Mỹ gốc Việt ở Mỹ, chúng tôi
thấy có nhiệm vụ lên tiếng trước lập trường lấn lướt đó, vì chắc ông chủ
tọa và các luật sư và hãng dầu Mỹ "không nỡ" phản bác huỵch toẹt, vì họ
đóng vai chủ nhà trong hội nghị và cũng ngại làm mất mặt đại diện Trung
Quốc để còn kinh doanh làm ăn bên Trung Quốc. Trước hết, chúng tôi yêu
cầu ông chủ tịch phiên họp là luật sư Thomas Johnson của văn phòng
Covington & Burling ở Hoa Thịnh Đốn (đã cố vấn cho Việt Nam vào thời
gian ông Võ văn Kiệt là thủ tướng) xác nhận là đúng, cái ý kiến khởi
đầu chúng tôi nêu ra là mọi tranh chấp trên đại dương là phải theo Luật
Biển 1982, trừ khi Luật đó không rõ thì áp dụng các quy tắc luật quốc tế
truyền thống mà các quốc gia đã thi hành trong nhiều thế kỷ. Sau đó,
chúng tôi đã bác bỏ lập trường Trung Quốc với các bằng chứng lịch sử về
chủ quyến của Việt Nam ở các hải đảo. Vì lúc đó chỉ đủ thời gian nói vắn
tắt vài điểm, nên chúng tôi sẽ quảng diễn rõ hơn dưới đây. Rồi chúng
tôi cũng bác bỏ đường Lưỡi Bò sau khi nêu ra là Luật quốc tế truyền
thống cũng như Luật Biển 1982 không có điều khỏan nào công nhận đường
Lưỡi Bò để xác nhận chủ quyền trên đại dương; không những thế, điều 89
của Luật Biển 1982 nói tới “việc đòi chủ quyền trên đại dương là vô giá trị”
(invalidity of claims of sovereignty over the high seas). Chúng tôi hỏi
thêm: liệu Hạm Đội 7 của Mỹ có phải xin phép Trung Quốc mỗi lần đi qua
khu vực Đường Lưỡi Bò hay không? và liệu Tổng Thống Mỹ lại có thể nào
không giám làm nhiệm vụ hiến định là phải bênh vực quyền lợi và sinh
mạng người Mỹ trên các giàn khoan dầu khí khi hợp tác khai thác chung
với các nước Đông Nam Á trong khu vực Đường Lưỡi Bò hay không? Đại diện
Trung Quốc không trả lời.
Bắc Kinh rất ít khi hay là không giám đưa ra chi tiết
về căn bản pháp lý của Đường Lưỡi Bò, mà chỉ xác nhận hàm hồ, là tất cả
phần lớn Biển Đông, khoanh trong Đường Lưỡi Bò, là của Trung Quốc từ
“thời tiền sử” và vẽ ra trên bản đồ “một đường chu vi lịch sử về chủ
quyền” thâu tóm 80% Biển Đông, thâu tóm cho Trung Quốc hầu như là tất cả
mọi thứ trong đó ̶ biển đại dương, các đảo, đáy biển. Đường chu vi
này đi xuyên qua các khu vực giếng dầu đang sản xuất ngay gần Sarawak,
qua một số giếng dầu Việt Nam đã khám phá, và chiếm một phần lớn các khu
Natuna có trữ lượng khí đốt của Indonêxia. Học giả Wain nói rằng “đường
chu vi lịch sử về chủ quyền” này bị các chuyên gia độc lập về đại dương
cho là quá lố lăng, có lẽ vì thế mà Bắc Kinh không muốn bàn công khai
về nó. Ông Valencia thuộc East West Center (Hawaii), nay ở Trung Tâm
Woodrow Wilson, nói là đường chu vi ấy chẳng có căn cứ gì trong luật
quốc tế thời hiện đại. Nhà học giả Mã Lai về đại dương Hamzah ví cái sự
đòi chủ quyền này như cái Mệnh Lệnh Giáo Hoàng lố lăng và nông nổi năm
1493 đem chia các đại dương trên trái đất ra cho hai nước Tây Ban Nha và
Bồ Đào Nha. Tại Hội nghị ở Houston tháng 4, 2010 nói trên, cũng có luật
gia Mỹ nói đùa là: Nếu Trung Quốc đòi chiếm đại dương ở Biển Đông bằng
Đường Lưỡi Bò, thì Mỹ cũng sẽ có thể đòi hết Gulf of Mexico về cho mình,
tước bỏ quyền của Mexico và Cuba và các nước ở Trung Mỹ.
LUẬT PHÁP VỀ CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
Cần dựa vào luật pháp quốc tế để đòi hỏi sự công nhận
chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, tuy phạm vi chủ quyền Việt
trên bao nhiêu đảo ờ Trường Sa thì chưa ấn định rõ, sẽ cần thuơng thảo
sau với các nước Đông Nam Á.
Luật quốc tế truyền thống, đã được công nhận qua nhiều thế kỷ và có trứơc Hiệp Ước Luật Biển 1982, nói về chủ quyền đối với một miền đất như sau:
một chính quyền muốn xác nhận chủ quyền phải có sự liên tục hành xử chủ
quyền trong hòa bình, nói rõ ý định làm chủ, và nếu bị cưỡng chiếm thì
phải phản đối chính quyền mới cướp bằng võ lực đất của mình để ngăn cản
chính quyền mới này thủ đắc chủ quyền bằng sự hành xử chủ quyền liên
tục.
Xét các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam theo luật quốc tế này, thì Việt Nam đã xác nhận và hành xử chủ quyền trên Hoàng sa và Trường Sa (tuy phạm vi hành xử ở Trường sa thì chưa xác định tới bao nhiêu đảo); và khi Trung Quốcchiếm Hoàng Sa bằng võ lực năm 1974 và Việt Nam Cộng Hòa phản đối, sau đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (nay là Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam) – kế quyền của Việt Nam Cộng Hòa theo nguyên tắc thừa kế quốc gia (succession of state) – cũng
phản đối vụ Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa và rồi phản đối nhiều
lần việc Trung Quốc dùng võ lực chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988 (gây thương vong cho nhiều lính hải quân Việt Nam) và
các năm sau đó, thì chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa
không thể bị coi là đã sói mòn vì thiếu sự tuyên bố và hành xử chủ
quyền.
Vì bài này nói về khiá cạnh luật pháp của chủ quyền, và sẽ chỉ nói vắn tắt tới các sự kiện trong lịch sử về việc Việt Nam tuyên nhận và chiếm hữu chủ quyền về các đảo như là bổ sung cho luận cứ pháp lý, cho nên ở đây chỉ xin tóm tắt về các sự kiện đó – mà chúng tôi, khi
viết một bài phân tích tổng quát và khuyến nghị chính sách và nghị
trình như thế này (general analysis & policy and agenda
recommendations), theo kiểu một bài phân tích trong tập san Foreign
Affairs, thì không muốn ghi nhiều chú thích tỉ mỉ về mỗi sự kiện đó, làm
chia trí độc giả, và do đó chỉ xin lưu ý độc giả là, quí vị, như
chúng tôi, có thể tìm ra nhiều bài viết và sử liệu giá trị, cung cấp bởi
các nhà nghiên cứu sử, thí dụ như Tập San Sử Địa xuất bản trước
1975,luận án và bài viết của ông Nguyễn Nhã, Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông
v.v., nhất là với phương tiện như “Google” trên mạng Internet.
Trong khi vào năm 1898 Tổng Đốc Quảng Châu không nhận
trách nhiệm xử lý về một vụ đắm và cướp tầu, viện lý do là quần đảo Tây
Sa là những đảo bị bỏ rơi, không sáp nhập vào quận nào của Hải Nam, thì
Việt Nam đã có khoảng 30 tư liệu về chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường
Sa, suốt từ đời các Chuá Nguyễn tới đời Nhà Nguyễn (Thiên Nam Tứ Chí Lộ
Đồ Thư hay Toàn tập An Nam Lộ 1686, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn
1776; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú 1821, Hoàng Việt
Địa Dư Chí 1833, Đại Nam Thực Lục Chính Biên Tiền Biên, đệ nhất đến đệ
tam kỷ, 1848,1864 và 1879; Châu Bản Triều Nguyễn (đặc biệt tập tấu của
bộ công ngày 12 tháng 12, năm Minh Mạng 17, tức là năm 1836, có nói đến
việc sai đội thuỷ binh Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa cắm mốc và đặt bia chủ
quyền, việc này thành lệ hàng năm, như nói trong Khâm Định Đại Nam Hội
Điển Sử Lệ, 1851), Đại Nam Nhất Thống chí, 1882, 1910.
Có ý kiến rằng chứng cớ lịch sử về chủ quyền Việt Nam
thời vua chúa trước thời Pháp cai trị, đối với Hoàng Sa thì đã quá rõ,
nhưng về Trường Sa thì không rõ, thí dụ có ý kiến rằng Phủ Biên Tạp Lục
nói Chúa Nguyễn phái Biệt Đội Bắc Hải "đi du lịch" đến Bắc Hải (Trường
Sa) và Côn Lôn để thu lượm các hải vật là không rõ ràng xác lập chủ
quyền Việt Nam. Nhưng theo thiển ý, khi có một cuộc hải trình của một
biệt đội tên là Bắc Hải do nhà nước sai phái (state expedition), và đặt
dưới quyền giám sát của một biệt đội nhà nước khác là Biệt đội Hoàng Sa,
thì phải giải thích đó là một cuộc hải trình của nhà nước, vì nếu chỉ
là tư nhân du lịch thì không có sự đặt tên và sắp xếp hệ thống quân giai
như vậy. Đến đời vua Ming Mạng, khoảng sau năm 1838 khi quốc hiệu đổi
thành Đại Nam, thì có cuốn Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ nói đến "Vạn Lý
Trường Sa" và nó có giá trị bằng chứng lịch sử để xác lập lần nữa chủ
quyền Việt Nam (mặc dầu cuốn này không phải do vua ra lệnh làm ra ̶
không phải là "khâm định" ̶ mà có lẽ do một số đại thần trong Quốc Sử
Quán làm) và từ đó, Trường Sa, hay ít ra là đa số các đảo trong quần đảo
đó mà Việt Nam đã chiếm (trừ những đảo quá xa Việt Nam và gần Phi, Mã
Lai, Indonêxia, Borneo hay Brunei) không còn là đất vô chủ (terra
nullius) theo luật quốc tế nữa, mà đã có Việt Nam xác lập chủ quyền.
Trong khi đó tại Trung Quốc, Thích Đại Sán viết Hải
Ngoại Ký Sự năm 1696 nói chúa Nguyễn sai thuyền ra khai thác Vạn Lý
Trường Sa; và tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc đều xác định đảo Hải
Nam là cực nam biên giới phía nam Trung Quốc và không hề vẽ Tây Sa và
Nam Sa. Sau này Trung Quốc cứ nói mà không có bằng chứng, hay bịa đặt,
là họ đã khám phá các hải đảo, khi thì nói là vào đời Tống, khi thì nói
là vào đời Hán. Trong các cuốn chính sử hay địa dư rất dầy và nhiều
quyển của Trung Quốc đều không nói gì về việc Trung Quốc khám phá hay
quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, thí dụ như không có sự nhắc nhở bàn luận
nào về các quần đảo này trong Khâm Định Đại Thanh Nhất Thống Chí (theo
sự nghiên cứu của ông Nguyễn Quang Ngọc trình bày ở Học viện Ngọai Giao
2009), hay Thanh Sử Cảo hoặc Đại Thanh Nhất Thống Bản Đồ (theo sự nghiên
cứu của ông Hồ Bạch Thảo đăng trên báo mạng Diễn Đàn 12/2009). Luật
quốc tế qui định là khám phá mà không kèm theo việc hành xử chủ quyền
quản lý liên tục thì cũng không tạo ra chủ quyền quốc gia. Một thí dụ là
khi nhóm người Pilgrims đến Massachusetts trên tầu Mayflower vào năm
1620, thì một người Pháp, ông Champlain, trước đó, từ năm 1604 đến 1606,
đã từ khu vực Nova Scotia (Canada) đến khám phá Maine và Massachusetts,
vẽ bản đồ cho các khu vực đó và gọi là New France (Nước Pháp Mới), in
trong cuốn sách “Voyages” xuất bản năm 1613. Nhưng vua Pháp không hỗ trợ
cho công cuộc quản lý chủ quyền mà ông Champlain đã tuyên bố cho nưóc
Pháp. Rút cục, các vùng đất này trở thành thưộc địa của Anh Hoàng và hai
tiểu bang của Mỹ sau đó.
Tài liệu của Tây Phương như nhật ký trên tầu
Amphitrite, năm 1701, sách của Chaigneau (1769-1825), linh mục Taberd
(1833) đều nói vua Gia Long khẳng định chủ quyền trên Hoàng Sa năm 1816.
Nhưng nhà cầm quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương lơ
là trong một thời gian việc xác nhận chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường
Sa của nước bị bảo hộ An Nam. Chỉ đến năm 1909 khi có cuộc khảo sát trái
phép Hoàng sa của Tổng Đốc Quảng Đông, và báo chí báo động thì nhà cầm
quyền Pháp mới hành động thực thi chủ quyền, như việc Viện Hải Dương
Học Nha Trang khảo sát Hoàng Sa năm 1925 và lập đơn vị hành chánh quận
Hoàng Sa năm 1932.
Riêng về Trường Sa, thời Pháp thuộc, Pháp cũng chỉ
ghi được có 6 đảo, và cũng không biết tòan thể quần đảo có bao nhiêu
đảo, nhưng năm 1933 có cử một hạm đội nhỏ ra gắn các chai đựng văn bản
xác lập chủ quyền vào cột xi măng xây trên mỗi đảo, kéo cờ Pháp lên. Cao
Uỷ Pháp cố vấn cho chính phủ Bảo Đại, cũng như Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại
coi Trường Sa là lãnh thổ Pháp, ngay cả vào sau này, trong thời gian
chính phủ Ngô Đình Diệm, đã tuyên bố vào năm 1956 là cả Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc lãnh thổ Pháp, khiến chính phủ Ngô Đình Diệm phẫn nộ.
Nhưng thực ra thì Pháp trước đó, qua nghị định số 4762 ngày 21-12-1933
của thống đốc Nam Kỳ Krautheimer, đã sát nhập Trường Sa vào Bà Rịa, Nam
Kỳ, là thuộc địa Pháp. Như vậy có thể nói khi Pháp trả thuộc địa Nam Kỳ
cho Việt Nam, thì theo nguyên tắt thừa kế quốc gia, Trường Sa đã thuộc
chủ quyền Việt Nam. Năm 1938, Pháp lập bia chủ quyền và trạm vô tuyến ở
đảo Itu-Aba.
Như vậy cho đến khi kết thúc Thế chiến II, việc thực
thi chủ quyền của Pháp nhân danh thuộc địa An Nam, tuy muộn màng, nhưng
không gặp phản đối của nước nào.
Việc tranh chấp chủ quyền xảy ra nhiều hơn từ các năm sau Thế Chiến II,
giữa một bên là Pháp (nhân danh Việt Nam), Việt Nam và bên kia là Trung
Hoa Dân quốc và Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa. Năm 1946, Quân đội Nhật
rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, Pháp trở lại và Cao Uỷ Đông Dương
D’Argenlieu cử chiến hạm l’Escarmouche ra đảo Hoàng Sa (Pattle); nhưng
Trung Hoa Dân Quốc cử 4 chiến hạm đến Trường Sa. Pháp phản đối và yêu
cầu quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm mà họ không rút. Năm
1949, chính phủ Bảo Đại được lập ra và hoàng thân Bửu Lộc khẳng định chủ
quyền của Việt Nam trên hải đảo. Khi lục địa Trung Quốc rơi vào tay
Mao, quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Hoàng Sa và ngày 14/10/1950 Pháp
chính thức chuyển giao quyền về Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại, đại diện
bởi Thủ Hiến Trung Phần, trong buổi lễ tại Hoàng Sa. Tại Hội Nghị San
Francisco 1951 có 51 quốc gia tham dự để ký hoà ước với Nhât, ngoại
trưởng Liên sô Gromyko đưa ra bản tu chính để nói Nhật nhìn nhận chủ
quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đối với Hoàng Sa, nhưng Hội nghị
bác. Khi Thủ Tướng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên
bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam thì không có đại biểu nào
trong Hội nghị phản đối. Tuy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không tham gia
Hội Nghị, ngoại trưởng Chu Ân Lai ra thông báo về dự thảo Hiệp ước là
Trung Quốc đã có các quyền lâu đời về các quần đảo. Nhưng thực tế là vào
năm 1950 và sau đó, tại Hoàng Sa và Trường Sa chỉ còn quân trú phòng
của chính phủ quốc gia Việt Nam,tuy cũng có những sự cố như Đài Loan có
gửi tầu chiến đến đảo Itu Aba vào năm 1956.
Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam quy định là
Hoàng Sa và Trường Sa ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới quyền quản lý hành
chính của chính quyền Miền Nam.
Từ 1956 đến 1975, có nhiều cuộc lấn chiếm của các
bên. Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu của Việt Nam Cộng Hòa khẳng định chủ quyền
Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa và quân đôi Việt Nam Cộng Hòa
chiếm đóng các đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo
Hoàng Sa (Pattle) và một số đảo chính của quần đảo Trường Sa và Tổng
Thống Diệm ký sắc lệnh quy định Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa mà tên mới
là Phước Tuy. Nhưng tháng 10, 1956 hải quân Đài Loan chiếm đảo Itu-Aba
là đảo lớn nhất ở Trường Sa. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chiếm đảo Phú
Lâm (Boisê), đảo lớn nhất của Hoàng Sa. Sắc lệnh 1961 của Tổng Thống
Việt Nam Cộng Hoà sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Năm 1973, Việt
Nam Cộng Hòa (VNCH) sáp nhập Trường Sa vào xã Phước Hải, tỉnh Phước Tuy
̶ nhưng tháng 1.1974 Trung Quốc tuyên bố việc sáp nhập ấy là lấn chiếm
lãnh thổ Trung Quốc, và VNCH bác bỏ lời tuyên bố đó.
Ngày 15/1/1974, Trung Quốc điều động hải quân (mà
ngụy trang là tầu đánh cá) có phi cơ yểm trợ. VNCH gửi đến Hoàng Sa các
tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, khu trục hạm Trần Khánh
Dư, và hộ tống hạm Nhật Tảo, cho tóan biệt hải đổ bộ lên hạ cờ Trung
Quốc. Súng nổ trên đảo Duncan và một đảo khác. Ngày 16/1/1974, VNCH bác
bỏ luận cứ của Trung Quốc và xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần
đảo. Cuộc hải chiến xảy ra ngày 19/1/1974. Chiến hạm Nhật Tảo bị bốc
cháy rồi chìm, một số chiến hạm bị hư hại và một số binh sĩ Việt Nam bị
bắt hay mất tích; nhưng Trung Quốc bị chìm hai chiếc chiến hạm và cháy
hai chiếc. Mỹ không can thiệp mặc dầu được yêu cầu.
Sau đó đại biểu VNCH tố cáo Bắc Kinh tại hội nghị
luật biển ở Caracas và hội nghị khác. Ngày 14/2/ 1975, Bộ Ngoại Giao
VNCH công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ hải quân
VNCH trong cuộc hải chiến năm 1974 (mà ngày nay trong nước Việt Nam cũng
phải công nhận là những người ái quốc mà không gọi là nguỵ quân) cùng
vói các lời phản đối của chính phủ VNCH ngay sau đó và năm sau, là những
đóng góp quan trọng cho việc xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, chiếu theo luật quốc tế đã nói, "liên
tục hành xử chủ quyền trong hòa bình, nói rõ ý định làm chủ, và nếu bị
cưỡng chiếm thì phải phản đối chính quyền mới cướp bằng võ lực đất của
mình để ngăn cản chính quyền mới này thủ đắc chủ quyền".
Sự đóng góp này càng quan trọng để chống lại luận cứ của Trung Quốc khi họ viện dẫn Công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng
để nói rằng ông Đồng đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên các lãnh
hải, kể cả lãnh hải tính từ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc
nói ông Đồng ra công hàm ủng hộ Trung Quốc, tiếp theo lời tuyên bố của
Chu Ân Lai xác nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc và cách tính chiều
rộng lãnh hải từ lục địa và các hải đảo. Nhưng có thể bác luận cứ của
Trung Quốc như sau: (a) Quan trọng nhất, Hiệp Định Geneva trao quyền
quản lý hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa, đều ở phía nam vĩ tuyến 17,
cho chính phủ Miền Nam Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến đó, cho nên các hành
vi xác lập và hành xử chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa phải thuộc
thẩm quyền chính phủ Miền Nam Việt Nam, và chính phủ này cũng như hải
quân của họ đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền Việt Nam ở các hải đảo trong
và sau biến cố hải chiến 1974, còn ông Đồng, chỉ đại diện miền Bắc Việt
Nam lúc đó, không có thẩm quyền tuyên bố gì về Hoàng Sa và Trường Sa vào
thời điểm đó; (b) Một bản tuyên bố (declaration) không có hiệu lực pháp
lý về mặt quốc tế, không thể cố áp dụng lý thuyết estoppel, tức là lý
thuyết trong luật pháp quốc nội của một số quốc gia có quy định là “Đã nói ra thì không nói ngược lại được”,
vì lý thuyết này không áp dụng trong luật quốc tế (Điều 38 Quy chế Toà
Án Quốc Tế không công nhận lời tuyên bố trở thành luật quốc tế) và do đó
không thể coi lời nói đơn phương có hiệu lực ràng buộc như luật quốc
tế. Tòa án quốc tế trong một vụ xử giữa Đức và Đan Mạch/Hà Lan về thềm
lục địa đã nói như vậy. Đối với quốc gia của nhà ngoại giao đã ra tuyên
bố suông, thì quốc gia ấy có thể coi đó như lời tuyên bố vô tội vạ của
một chính khách, nhứt là quốc gia ấy vẫn còn có tư cách để ký hiệp định
ràng buộc, với sự phê chuẩn của quốc hội, thì lời tuyên bố là thừa, vì
quốc gia đã có thể dùng biện pháp ký hiệp định để nói rõ ý định của mình
; (c) Và dù có ký hiệp định ràng buộc về Hoàng Sa và Trường Sa đi nữa,
thì cũng có thể hủy bỏ hiệp định đã ký theo luật quốc tế (theo nguyên
tắc rebus sic stantibus, tình trạng thay đổi thì thay đổi
luật),và cũng như theo luật hiến pháp của một nước; ở Việt Nam thì theo
điều 84 Hiến Pháp, quốc hội có quyền hủy bỏ hiệp định đã ký kết nếu thấy
hiệp định không còn thích hợp với quyền lợi quốc gia. (d) Xét về nội
dung, công hàm của ông Đồng được giải thích lại bởi nhiều giáo sư luật
và ông Lưu Văn Lợi, cố vấn bộ Ngoại Giao Việt Nam, nói rằng Công hàm đó
chỉ nói công nhận 12 hải lý lãnh hải mà ông Chu Ân Lai tuyên bố cho
Trung Quốc, chứ không nói công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
thuộc Trung Quốc. Sau này, Việt Nam sau khi thống nhất cũng xác nhận
lại quan điểm là Việt Nam vẫn có chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa
trong nhiều văn kiện, dùng lại cả các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam
Cộng Hoà tại miền Nam đã đưa ra.
Giữa một bên là Trung Quốc vẫn nói tới tình hữu
nghị với Việt Nam và vài quốc gia Đông Nam Á, và một bên là Việt Nam
thống nhất sau 1975, vẫn tiếp tục tranh chấp về chủ quyền trên các quần
đảo. Trong các năm 1978, 1979, 1980, 1981, 1982, 1984, 1988, 1990,
1991, Việt Nam đã đưa ra các bằng chứng xác lập chủ quyến tại Hoàng Sa
và Trường Sa (sách trắng 1979 và 1981 dùng lại nhiều tài liệu của VNCH),
bác bỏ các lập luận của Trung Quốc và Phi luật Tân và Mã Lai, và phản
đối, nhất là năm 1988 khi Trung Quốc tiến chiếm mấy đảo đá ngầm và giết
hại các lính hải quân Việt Nam (20 bị thương và chết, 74 mất tích) dù họ
không mang khí giơí vì chỉ đi tiếp tế cho bạn đồng đội. Cũng trong năm
1988, Trung Quốc chiếm thêm nhiều bãi đá ngầm. Và đến năm 1989 họ đặt
bia chủ quyền trên các bãi đá ngầm đó (điều này không được luật quốc tế
công nhận).
Cũng trong năm 1988, Việt Nam phản đối Quốc hội Trung
Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam, và lại công bố
sách trắng. Năm 1989, Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nhỏ. Năm 1990,
cho nhiều tầu quân sự, tầu kháo sát và tầu đánh cá đến tại Trường Sa và
Việt Nam phản đối. Năm 1991, bình thường hoá ngoại giao. Sau năm bình
thường hoá ngoại giao với Trung Quốc, mỗi khi Trung Quốc vi phạm thềm
lục địa,vùng đặc quyền kinh tế, thì Việt Nam đều phản đối. Đến năm 1994
lại phải phản đồi sự vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế bởi
Trung quốc nhân vụ Crestone.
Tuy chế độ Việt Nam hiện nay có ra các bản tuyên bố
hay bạch thư, phản đối các hành động lấn chiếm của Trung Quốc, để bảo vệ
chủ quyền, nhung có vài vụ trong quá khứ đáng bị phê bình là qúa yếu
khi đối diện với Trung Quốc: không phản đối gì khi Trung Quốc đánh chiếm
Hoàng Sa 1974, hoặc cấm sinh viên, thanh niên biểu tình chống Trung
Quốc mấy năm gần đây; hay lời tuyên bố không suy nghĩ chín mà ủng hộ
Trung Quốc của Ông Phạm Văn Đồng vào năm 1958.
Riêng về con số đảo tại quần đảo Trường Sa (các đảo
trải rất rộng và rất xa nhau) mà Việt Nam có thể đòi (con số hiện nay là
29 hay 21, tùy theo đã trừ đi mấy đảo đá ngầm đã bị Trung quốc lấn
chiếm xây nhà và căn cứ, tổng cộng Trung Quốc chiếm 16 đảo) – còn lại
bao nhiêu đảo khác do các nước khác nữa đã chiếm và thực sự nắm giữ, như
Đài Loan (1), Phi-lip-pin (7), Malayxia (1-2), Inđônexia (2), ̶ thì phạm vi của chủ quyền Việt Nam phải bàn lại kỹ hơn trong sự thương lượng với các nước ấy – để có một mặt trận thống nhất của ASEAN đương đầu với Trung Quốc. Để tránh sự phản đối của Trung Quốc, vốn tham lam nhận vơ tất cả Trường Sa, là "sao Việt Nam tự nhận quyền ban phát chủ quyền cho các nước hay sao, mà dám nói đảo này đảo kia thuộc các nước ASEAN?"
và một cách để tạo thành một thế liên minh với các nước ASEAN để đương
đầu với Trung Quốc, thì phải khách quan công nhận cho ASEAN những đảo
nào mà họ đã chiếm ngụ lâu đời và Việt Nam chưa hề lui tới, và Việt Nam chỉ nên tuyên bố một cách mập mờ vào lúc này theo kiểu ngoại giao khôn khéo
là: chủ quyền Trường Sa thuộc về Việt Nam, mà phạm vi chưa xác định vì
chưa nói đến chủ quyền của các nước khác, nhưng quy tắc ứng xử là giữ
nguyên trạng mà không lấn chiếm, và luôn luôn tìm giải pháp hoà bình,
theo luật quốc tế.
Các đảo Hoàng Sa đã thực tế mất về Trung Quốc, và có
thể là Trung Quốc đi tìm dầu khí phiá bắc Biển Đông không thấy có dầu
mà chỉ có nhiều các cục kim lọai (nodules) dưới lòng đáy biển (như Hãng
thăm dò Geophysical Service, Inc. đã cho văn phòng luật sư của chúng
tôi tại Saigon trước 1975 biết), và ngay từ trước 1975, các hãng dầu
thăm dò ở Biển Đông mà chúng tôi làm luật sư đại diện, như CalTex,
Mobil, Marathon, Shell, Sun Oil, đều hướng về phía nam Biển Đông ̶ vùng
Trường Sa ̶ để xin thầu các lô khai thác ̶ cho nên chắc là Trung
Quốc hướng lòng tham của họ về tài nguyên (nhất là dầu khí rất cần cho
kinh tế của họ) ở vùng Nam Biển Đông, tức là vùng rộng lớn của Trường Sa.
Trung Quốc, giữa thập niên 1990, không hề tìm ra một giếng dầu lửa nào
trong số 80 đến 100 giếng dầu trong Biển Đông, trong khi đó thì Việt
Nam, vào thời ấy, mỗi năm sản xuất 35 triệu thùng dầu thô từ các khu
tranh chấp ở phía nam Biển Đông. Hiện nay, nhu cầu dầu lửa của Trung
Quốc lại tăng gấp bội vì nền kinh tề phát triển mạnh. Việc bảo vệ
quyền lợi quốc gia của Việt Nam ở phía nam Biển Đông, vùng Trường Sa,
trong sự tôn trọng hoà bình và luật quốc tế, thì ngoài sự chuẩn bị thế
mạnh nội lực, như nói ở trên, còn phải có sự ủng hộ của nhiều nước Đông
Nam Á – cùng với các cường quốc khác, nhất là Mỹ – để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
Ngoài việc toan sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào một huyện tỉnh Hải
Nam, năm 2007 và 2008, Trung Quốc cố ép hãng dầu BP của Anh và
Exxon-Mobil của Mỹ phải rút lui khỏi việc làm ống dẫn khí trong vùng
biển Vũng Tầu và thăm dò lô khai thác mới trong thềm lục địa Việt Nam ở
phía nam Biển Đông. Theo tin ngày 23 tháng 7, 2008 của Tờ báo South
China Morning Post thì các nhà ngoại giao của Trung Quốc tại Thủ Đô Mỹ Washington D.C. đã liên tục vận động với công ty ExxonMobil của Mỹ, yêu cầu ngưng cộng
tác với Việt Nam trong dự án khai thác dầu lửa ở Biển Đông Hải, vì cho
rằng hai phía Việt Nam và ExxonMobil đã cộng tác trong nhiều năm trước
đây nhằm thăm dò trữ lượng dầu để tiến đến việc khai thác trong tương
lai. Việc Trung Quốc vận động này sảy ra cả nhiều tháng trước
cuộc gặp gỡ giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thống Bush ở Mỹ
tháng 6, 2008 trong đó Bush tuyên bố Mỹ bảo đảm an toàn lãnh thổ cho
Việt Nam. Nhưng trong tháng 7, 2008 thì những vận động ngầm này mới
được công khai hóa bởi nhiều báo Trung Quốc. Theo đài BBC thì tờ Văn Hối
ở Hồng Kông, phản ảnh quan điểm của nhà nước Trung Quốc, đã cho đăng
một bài báo với những lời lẽ nặng nề, rằng: "Việt Nam đã làm lộ rõ
mong muốn thực hiện ước mơ khai thác dầu ở Nam Hải, nhờ sự giúp đỡ của
một công ty Mỹ”… " và lợi dụng sự hung hăng của Mỹ trong vụ này" và nhắc lại câu nói của Đặng Tiểu Bình hồi năm 1979 là "dạy cho Việt Nam một bài học" để đưa ra lời đe dọa: "Trung Quốc cần giảng cho Việt Nam một bài học về thế nào là đồng thuận". ExxonMobil phản ứng cứng rắn hơn
so với British Petroleum (BP) hồi năm 2007 (BP tạm ngưng), tuyên bố
rằng chưa ký hợp đồng khai thác nào với Việt Nam, nhưng khu vực mà
ExxonMobil nhắm hợp tác thăm dò và lượng giá đều nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Trong vùng Trường Sa phía nam Biển Đông, Trung Quốc đã có một chủ trương "được đằng chân [Hòang Sa] thì lân đằng đầu [Trường Sa]" như
ta thấy trong bao nhiêu hành động lấn át trong nhiều năm từ trước cho
tới nay, ngay cả với nước Việt Nam cùng theo một chủ thuyết trị nước.
Tháng 10/1987 hải quân Trung Quốc tập trận lớn ở vùng Trường Sa. Tháng
03/1988 quân đội Trung Quốc tấn công chiếm giữ 6 điểm trên quần đảo
Trường Sa, làm thương vong nhiều chiến sĩ Việt Nam. Năm 1989 Trung Quốc
chiếm thêm một số đảo Trường Sa. Ngày 25/02/1992 Trung Quốc công bố đạo
luật về lãnh hải, xác định chủ quyền đối với toàn bộ Hoàng Sa, Trường
Sa. Tháng 05/1992 Trung Quốc cho công ty Crestone thăm dò dầu khí tại
thềm lục địa Việt Nam, trong một khu gọi là Wan’ An Bei, cạnh mỏ dầu Đại
Hùng. Tháng 07/1992 Trung Quốc chiếm đóng thêm một số hòn đảo Trường Sa
để hỗ trợ công ty Crestone. Năm 1993 một cuốn sách xuất bản tại Trung
Quốc đã công bố chiến lược “nhanh chóng…đánh đuổi quân chiếm đóng nước ngoài ra khỏi Nam Sa”
(tức Trường Sa ). Năm 1994 Trung Quốc tuyên bố giành chủ quyền tại mỏ
dầu Thanh Long (Blue Dragon) của Việt Nam, nhắc lại là khế ước giữa Việt
Nam và Mobil là vi phạm chủ quyền Trung Quốc và còn dùng hải quân chặn
không cho tầu Việt Nam tiếp liệu cho một giàn khoan.
CẦN CHUẨN BỊ HỒ SƠ PHÁP LÝ ĐỂ ĐƯA RA TÒA ÁN QUỐC TẾ
HAGUE, TÒA ÁN QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN VÀ ĐẠI HÔỊ ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC, VÀ
NGAY CẢ HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC, NẾU CÓ VI PHẠM ÀO ẠT QUYỀN DÂN
CHÀI.
Việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý có lợi là, dù có gặp
quyền phủ quyết của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an hay việc Trung Quốc
không ưng thuận nhận thẩm quyền Toà án quốc tế, thì hồ sơ đầy đủ
của Việt Nam cũng là một khí giới đánh động dư luận quốc tế ủng hộ Việt
Nam, trước các cơ quan chính trị quốc tế hay báo chí, truyền thông và
đại chúng, vì Việt Nam, vốn yếu hơn Trung Quốc về quân sự, cần vận dụng pháp luật là khí giới tốt nhất của kẻ yếu nhưng có lẽ phải.
Các cơ quan tài phán
Tòa án Quốc Tế tại Hague, Hà Lan. Tòa này có
hai loại thẩm quyền: (a) thẩm quyền nhiệm ý, để đưa ra các bản ý kiến
khuyến cáo (advisory opinions) do Liên Hợp Quốc hay các cơ quan chuyên
môn của Liên Hợp Quốc yêu cầu cung cấp; và (b) thẩm quyền bó buộc
(compulsory jurisdiction), chiếu theo điều khoản nhiệm ý (optional
clause) mà quốc gia liên hệ đã chấp nhận, để yêu cầu Toà đưa ra các phán
quyết có hiệu lực bó buộc để giải thích các hiệp định, hay quyết định
về một vấn đề quốc tế pháp hay vấn đề có sự việc vi phạm thỏa ưóc quốc
tế hay không, và bồi thưòng nếu có vi phạm.
Nếu Trung Quốc ký nhận điều khoản nhiệm ý công nhận
thẩm quyền bó buộc của Tòa án Quốc tế, thì Việt Nam có hy vọng thắng và
bó buộc Trung Quốc phải thi hành án, với các lập luận và căn bản pháp lý
chắc chắn về chủ quyền của Việt Nam trên các hải đảo (theo quốc tế pháp
truyền thống về khám phá và quản lý liên tục). Còn nếu cường quốc đó
ngang ngạnh không nhận thẩm quyền bó buộc của Toà án, thì chỉ có thể xin
một ý kiến khuyến cáo của Tòa án. Việc xin ý kiến khuyến cáo này, Việt
Nam có thể nhờ Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, trực tiếp hay gián tiếp
qua Hoa Kỳ và một số quốc gia ven Biển Đông, nhưng nếu Trung Quốc đe dọa
dùng quyền phủ quyết ở đó, thì có thể nhờ một cơ quan của Liên Hợp Quốc
như Uỷ Ban Pháp Luật hay ngay cả Đại Hội Đồng.
Toà án Quốc tế về Luật Biển (Internatinal Tribunal
for the Law of the Sea ITLOS, thành lập 1997) và Uỷ Hội Quốc Tế về Ranh
Giới Thềm Lục Địa cũng là những cơ quan có thể xét về mặt pháp luật các
tranh chấp về quyền lợi ngoài biển cho Việt Nam.
Các cơ quan chính trị
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc: là cơ quan mà
Việt Nam có thể vận dụng dư luận quốc tế để có sự ủng hộ qua các nghị
quyết (resolutions) với đa số quốc gia ủng hộ, Trung Quốc không phủ
quyết được. Trong lịch sử Liên Hợp Quốc, đã rất nhiều vấn đề gay go được
giải quyết bằng nghị quyết có tính khuyến nghị của Đại Hội đồng.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc đưa vấn đề
tranh chấp ra Hội đồng Bảo an thì còn gặp khó khăn khác là chỉ có thể
đưa ra nếu có đe dọa hoà bình và an ninh thế giới trong vùng Biển Đông,
nghĩa là sắp hay đã có nổ súng xung dột. Nhưng một trường hợp khác mà
các lực lượng hay tổ chức phi chính phủ, với quốc gia hội viên, có thể
vận dụng Hội đồng Bảo an, là khi có sự vi phạm nhân quyền ào ạt (massive
violations of human rights); thí dụ như khi quyền sống của đa số dân
chài Việt Nam trên Biển Đông (tức là có vi phạm nhân quyền ào ạt và thô
bạo) thì đó là cơ hội đưa vấn đề ra Hộì đồng Bảo an.
Các cơ quan vùng như các hội nghị các cấp của ASEAN.
Đây các diễn đàn để lôi kéo sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Việc Việt
Nam và Hoa Kỳ đã lôi kéo đươc các nước ASEAN trong tháng 7 tại Hà Nội
và tháng 9 tại New York là một thí dụ về việc vận dụng chính trị và
pháp luật để đối phó với cường lực của bá quyền. Việt Nam có thể đưa ra
quan điểm của mình, ra các hội nghị cấp cao ASEAN cộng, trong đó có
thể gồm thêm các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khu vực như
Ấn Độ, Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn.
SOURCE: TẠP CHÍ THỜI ĐẠI MỚI
0 comments:
Post a Comment