Thursday, November 7, 2013

Một số vấn đề về thi hành luật cán bộ, công chức năm 2008

Luật Cán bộ, công chức (CB-CC) có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Nếu chiếu theo những quy định của luật này, thì làm một người CB-CC sẽ không hề đơn giản. Bởi nếu lỡ quên mà quen thói hách dịch, cửa quyền với dân sẽ bị kỷ luật, hoặc dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực kém thì vẫn sẽ bị bố trí công tác khác… 1. Nặng lời với dân bị kỷ luật
“Mạnh tay” với cán bộ, công chức kém đạo đức, văn hóa
Nếu như trước đây, vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp của CB-CC chủ yếu được quy định dựa trên quy chế của cơ quan, đơn vị, thì với Luật CB-CC nhằm thực hiện chủ trương xây dựng và quản lý đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp đã được đưa thẳng vào luật (Điều 15, 16,17 Luật CB-CC). Ví dụ như với nhân dân, theo Luật CB-CC phải gần gũi, có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc và tuyệt đối không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Trong tình trạng cán bộ công chức “đánh mất nụ cười” khi tiếp dân như hiện nay thì những quy định này có thể nói là tương đối cần thiết và sát thực.
Và tất nhiên, nếu CB-CC vi phạm các quy định này thì sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Có thể nói, Luật đã khá “mạnh tay” xử lý CB-CC kém đạo đức, văn hóa thông qua việc phân định lại hình thức kỷ luật áp dụng cho từng đối tượng Bên cạnh những hình thức xử lý kỷ luật cũ như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc, thì có bổ sung thêm hình thức giáng chức. Tuy nhiên, việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, luật có quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm (trước đây là 03 tháng). Với việc kéo dài thời hiệu như vậy, vấn đề xử lý kỷ luật CB-CC vi phạm sẽ được tiến hành triệt để và nghiêm minh hơn.
Năng lực công chức – yếu tố được xem trọng
Việc tuyển dụng CB-CC vào của nước ta hiện nay còn khá nhiều bất cập và kẽ hở vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của đội ngũ CB-CC. Có thế nói, không có một cơ quan, tổ chức nào hiện nay có may mắn sở hữu được một đội ngũ công chức vừa hồng lại vừa chuyên, và ở đâu đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải đánh giá công chức và quan trọng hơn là kết quả đánh giá phải được phục vụ cho chính công cuộc cải tổ đội ngũ  công chức.
Theo Luật CB-CC, công chức được đánh giá 6 tiêu chí như: chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ… Ngoài ra, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức. Việc đánh giá công chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện và nhất thiết phải được tiến hành hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Kết quả đánh giá công chức (xếp theo các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ) được lưu vào hồ sơ công chức và thông báo đến công chức được đánh giá.
Đáng chú ý sẽ là yếu tố năng lực rất được xem trọng trong hoạt động đánh giá công chức. Vì vậy, từ kết quả đánh giá, nếu công chức có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Còn công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.
CB-CC được miễn trách nhiệm khi nào?
Theo Điều 77 của Luật, nếu CB-CC phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; hoặc do bất khả kháng theo quy định của pháp luật thì sẽ được miễn trách nhiệm
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng:  “Đạo đức và văn hoá giao tiếp của CB-CC là một trong các nghĩa vụ phải thực hiện để xứng đáng là “công bộc” và “đầy tớ” của nhân dân”.
2. Ai là công chức?
Luật Cán bộ, công chức có tất cả 12 Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Trong đó, có hai Nghị định đặc biệt thu hút được sự chú ý của CB-CC cũng như dư luận xã hội xoay quanh vấn đề xác định những người là công chức và hoạt động thanh tra công vụ.
Đơn vị sự nghiệp công lập có công chức không?
Hiện nay dự thảo Nghị định quy định những người là công chức đang trong quá trình chấp bút, nhưng đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm vì đúng như tên gọi, Nghị định sẽ chỉ ra nhưng người sẽ được gọi là công chức trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND (mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng), trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND (mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp) và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập).
Cũng từ quy định của Nghị định, vấn đề “đơn vị sự nghiệp có công chức không” – vốn là vấn đề hiện nay đang có nhiều tranh luận từ các nhà làm luật cũng như từ chính những người đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập – sẽ được hóa giải. Theo đó, câu trả lời là có, nhưng chỉ giới hạn trong một số vị trí.
Bên cạnh, người đứng đầu, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động và trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBTVQH, Chính phủ, Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ… là công chức, thì công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý Nhà nước bao gồm người làm việc trong bộ máy lãnh đạo hoặc người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Như vậy, có thể hiểu những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo không phải là công chức, mà là viên chức quản lý được phân loại theo vị trí viên chức quản lý và viên chức thừa hành.
Thanh tra công vụ – “cảnh sát” của cán bộ, công chức
Có thể khẳng định ngay “thanh tra công vụ” là một cụm từ hoàn toàn mới và chưa hề có được nhắc đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam kể cả Luật Thanh tra hiện hành. Phục vụ cho mục tiêu tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và quản lý các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, từng bước đổi mới cơ chế quản lý công chức phù hợp với thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Điều 74, 75 Luật CB-CC đã đề cập tới vấn đề thanh tra công vụ. Tuy nhiên, do trong luật không định nghĩa về thanh tra công vụ nên trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thanh tra công vụ cũng hề không đả động thế nào là thanh tra công vụ.
Dự thảo Nghị định chỉ quy định thanh tra công vụ có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB-CC theo quy định của Luật CB-CC hoặc do cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền giao hoặc theo nội quy, quy chế làm việc của cơ quan tổ chức. Ngoài ra, thanh tra công vụ còn chịu trách nhiệm thanh tra cả việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật công chức, thực hiện đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức… Đối tượng của thanh tra công vụ là CB-CC thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, quận, thị xã, thành phố….
Người có thẩm quyền thực hiện thanh tra công vụ được chia thành các cấp như thanh tra Bộ, thanh tra Bộ Nội vụ, thanh tra Sở, thanh tra Sở Nội vụ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Thẩm quyền của thanh tra Bộ Nội vụ và thanh tra Sở Nội vụ được mở rộng hơn do thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật công chức…Hoạt động thanh tra công vụ tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất vi phát hiện có vi phạm.
Như vậy, có thể nói “thanh tra công vụ” không chỉ là một hoạt động thanh tra hoàn toàn mới mà còn rất rộng và có thể hiểu nôm na đây chính là lực lượng “cảnh sát” giám sát các hoạt động của bản thân CB-CC cũng như liên quan tới CB-CC để đảm bảo đúng luật, kỷ cương công vụ. Vì thế, nên quá trình và hiệu quả thực hiện như thế nào vẫn chưa thể khẳng định, nhất là khi Luật Thanh tra hiện hành cũng bắt đầu được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Nhưng, theo ông Lê Trọng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Nội vụ đây là hoạt động nhất thiết phải có xuất phát trên quan điểm thanh tra công vụ hết sức quan trọng nhằm bảo vệ và giữ gìn trật tự, kỷ cương của hoạt động công vụ.
“Đơn vị sự nghiệp công lập nói tại Nghị định này là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dụng thể thao, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định” (Khoản 3 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định những người là công chức).
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP - XUÂN HOA
Trích dẫn từ:http://www.moj.gov.vn

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code