Wednesday, November 6, 2013

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ: HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU… MẤT BẠC TỶ

THỤY CHÂU
Tưởng đã chắc cú khi mua bán nhà đất với người đứng tên trên giấy chủ quyền, nào ngờ người đó chỉ là người đứng tên giùm. Cuối tháng 7-2007, ông D. (ngụ Đồng Nai) bỏ gần 2,7 tỷ đồng để mua hơn 2.400 m2 đất cùng căn nhà trên đất tọa lạc tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Cứ tưởng việc mua bán sẽ rất suôn sẻ vì hai bên đã hoàn tất các thủ tục liên quan, nào ngờ đến phút chót tất cả đã vuột mất.
Đứng tên giùm mà lại bán nhà
Theo “giấy hồng”, “giấy đỏ” được bà T. (TP Vũng Tàu) trưng ra thì bà là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà, đất trên. Lúc giao dịch, bà T. cũng được UBND phường cấp giấy xác nhận bà chưa đăng ký kết hôn với ai. Thấy chắc ăn, ông D. đã mạnh dạn ký hợp đồng mua nhà đất trên với bà T.
Ngay sau đó, hai bên đã đến Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chứng nhận hợp đồng. Ông D. giao đủ tiền cho bên bán và đã nộp đủ cho nhà nước các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan. Việc sang tên từ người bán sang người mua trên “giấy hồng” đã thực hiện xong. “Giấy đỏ” cũng có dấu mộc của công chứng viên xác nhận toàn bộ diện tích đất đã được chuyển nhượng cho người mua và ông D. chỉ còn chờ được cấp giấy mới. Bỗng dưng, một Việt kiều Mỹ tự xưng là chồng bà T. xuất hiện và đã làm mọi việc rối tinh.
Hóa ra ông Việt kiều này từng chung sống như vợ chồng với bà T. từ năm 2000 nhưng không đăng ký kết hôn. Do cuộc sống chung với bà T. không hạnh phúc nên ông Việt kiều đã nộp đơn xin ly hôn, đồng thời yêu cầu tòa án xác định khối tài sản mà bà T. đứng tên thực chất là… của ông. Do trước đây pháp luật không cho phép nhiều Việt kiều đứng tên sở hữu, sử dụng nhà đất tại Việt Nam nên ông phải nhờ bà T. đứng tên giùm.
Chứng cứ ông Việt kiều xuất trình được gồm giấy bán nhà lập cuối năm 2000 có chữ ký của ông, chủ cũ và một người làm chứng (không rõ địa chỉ, nhân thân). Ngoài ra, còn có giấy của bà T. cam kết mình chỉ là người đứng tên giùm…
Người mua thua đậm
Tháng 7-2008, TAND TP Vũng Tàu đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Theo tòa này, tại phiên hòa giải tháng 3-2007, bà T. đã xác nhận mình chỉ đứng tên tài sản giùm ông Việt kiều. Vậy mà vào tháng 7-2007, bà tự ý rút giấy tờ nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng, đang tranh chấp tại tòa án để chuyển nhượng cho ông D. Tòa sơ thẩm đã tuyên xử hợp đồng mà ông D. ký với bà T. là vô hiệu. Ông D. phải trả lại bản chính toàn bộ giấy tờ cho ông Việt kiều (đang là thành viên của một công ty cổ phần tại Việt Nam) để ông này lập thủ tục đứng tên theo luật định. Ba tháng sau đó, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở phiên tòa phúc thẩm và đã xử y án sơ thẩm.
Như vậy, sau hơn một năm giao dịch với bà T., ông D. đành phải ngậm ngùi trả lại cho ông Việt kiều toàn bộ nhà đất đã mua hợp pháp. Đáng nói là giá trị nhà đất đó giờ đã tăng lên gấp… chín lần. Vì theo thông tin do ông Việt kiều cung cấp, ông này vừa bán nhà đất ấy với giá 19 tỷ đồng!
Theo Điều 137 Bộ luật Dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Ông D. ấm ức: Rủi ro trên xảy ra không phải do ông bất cẩn, không tìm hiểu kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của căn nhà mà là do người bán cố tình nói dối ngay từ ban đầu. Thế mà các cấp tòa đều không làm rõ phần lỗi của bà T. nhằm xác định trách nhiệm bồi thường của bà đối với ông.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code