Monday, November 25, 2013

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TIỀN: CÓ GIẤY VAY TIỀN TÒA TUYÊN… KHÔNG TRẢ

CÔNG BÌNH (Báo Công an nhân dân)
Ông Trần Thái Trung ở phường Kim Long, TP Huế kiện bà Võ Thị Kim Loan, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý Kim Loan, nợ 300 triệu đồng. TAND TP Huế phân xử bà Loan phải trả nợ cho ông Trung, nhưng TAND tỉnh lại bác phán quyết của TAND TP, tuyên… bà Loan không phải trả(?).
“Sơ thẩm” bảo trả, “phúc thẩm” bảo không
Vào khoảng tháng 4/2007, ông Trần Thái Trung (là khách hàng bán vàng) gặp bà Kim Loan. Qua nói chuyện, bà Loan gợi ý là cần vay tiền để kinh doanh và sẽ trả lãi cao. Nếu ông Trung có thì cho bà Loan vay. Do biết bà Loan là doanh nghiệp trẻ, hiện có uy tín và muốn có lãi cao nên ông Trung đồng ý cho bà Loan vay tiền.
Ông Trung đã trực tiếp cho bà Loan vay số tiền 300 triệu đồng. Bà Loan có viết “Giấy mượn tiền” ghi ngày 20/4/2006 (thực tế ngày vay là 20/4/2007, nhưng bà Loan viết nhầm là 20/4/2006).
Nội dung giấy mượn do bà Loan viết: “Bà Loan có mượn của ông Trần Thái Trung ở Kim Long số tiền là 300 triệu đồng, hẹn đến ngày 15/5/2007 trả bớt 100 triệu đồng và đến ngày 31/5/2007 trả tiếp 200 triệu đồng. Tôi xin cam đoan thực hiện theo cam kết”.
Giữa hai bên có thỏa thuận mức lãi suất (bằng miệng) là 2%/tháng. Tuy nhiên, khi đến thời hạn trả nợ, phía bà Loan không trả nợ gốc và lãi mặc dù ông Trung đã nhiều lần yêu cầu bà Loan trả nợ. Việc giao dịch vay nợ giữa ông Trung với bà Loan có ông Phạm Văn Thị (chồng bà Loan) biết. Ông Trung đã gặp ông Thị để đòi nợ nhưng ông Thị chỉ hứa hẹn mà không trả, nên ông Trung đã khởi kiện yêu cầu bà Loan, ông Thị phải trả số tiền nợ là 300 triệu đồng và lãi suất 2%/tháng đối với số tiền trên.
Ngày 27/9/2007, TAND TP Huế mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản và ra Bản án số 166/2007/DS-ST tuyên xử: chấp nhận yêu cầu của ông Trần Thái Trung, buộc bà Võ Thị Kim Loan và ông Phạm Văn Thị phải trả nợ cho ông Trần Thái Trung với số tiền 300 triệu đồng, cộng thêm tiền lãi hơn 12 triệu đồng; tổng cộng bà Loan phải trả cho ông Trung là 312.055.500 đồng. Về án phí, quyền kháng cáo tuyên theo luật định.
Do không chấp nhận bản án sơ thẩm đã tuyên, ngày 4/10/2007, bà Loan có đơn kháng cáo và ngày 22/10/2007 có đơn kháng cáo bổ sung. Nội dung đơn kháng cáo: kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
Ngày 28/12/2007, TAND tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trên. Bản phúc thẩm số 40/2007-DS-PT đã căn cứ khoản 2 Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm; tuyên xử: Bác đơn khởi kiện của ông Trần Thái Trung yêu cầu vợ chồng ông bà Võ Thị Kim Loan và Phạm Văn Thị phải trả số tiền gốc là 300 triệu đồng và tiền lãi là 12.055.500 đồng.
Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế kháng nghị giám đốc thẩm
Rõ ràng, việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ của toà án quá sơ sài, hời hợt, thiếu khách quan. Tại tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, các bên đương sự đều yêu cầu được đối chất, làm rõ sự việc do các lời khai mâu thuẫn, trái ngược, nại ra…, nhưng đều không được toà án chấp nhận, không cho đối chất…
Các kết luận trong bản án phúc thẩm thiếu khách quan, không phù hợp với tình tiết vụ án.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đơn của đương sự, Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thu thập chứng cứ, xác minh làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ án như sau: Việc vợ chồng bà Loan khẳng định không quen biết ông Trần Thái Trung, không biết ông Trung là ai, là không đúng sự thật.
Trong tháng 5/2007 (trước khi có đơn kiện, bà Loan cam kết trả nợ cho ông Trung theo thỏa thuận vay mượn hai bên), bà Loan và ông Thị đã 8 lần liên lạc với ông Trung qua máy điện thoại cố định và di động.
Hộ khẩu của ông Trung vẫn đang ở phường Kim Long (có bản sao hộ khẩu), có đơn xác nhận của Công an phường Kim Long là vẫn còn hộ khẩu tại địa phương, chứ không phải như kết luận của tòa án cho rằng, địa chỉ khai tại Kim Long để phù hợp với giấy mượn tiền là không chính xác. Lại nữa, việc ông Trung khởi kiện, yêu cầu bà Kim Loan phải trả nợ là có căn cứ, đúng các quy định về nội dung hợp đồng theo các Điều 401, Điều 402, Điều 471, Điều 474 BLDS.
Căn cứ vào các vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung của Bản án số 40/2007/DS-PT ngày 28/12/2007 của TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đối chiếu với các quy định tại Điều 283 BLTTDS, từ các phân tích nêu trên và chứng cứ bổ sung thu thập được, ngày 25/4/2008, Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩ.

NÊN HAY KHÔNG KHI MUA XE MÁY BẰNG GIẤY TỜ TRAO TAY VỚI NGƯỜI KHÔNG ĐỨNG TÊN CHỦ SỞ HỮU?

THẠNH HƯNG – NGUYỄN HỒNG GIAN
TUOITRE - Thay vì giao dịch với chủ sở hữu hợp pháp, nhiều người đã dễ dãi chấp nhận mua giấy tay các tài sản có giá trị lớn. Đến khi sang tên không được, người mua bị thiệt đơn thiệt kép.
Tháng 4-2006, bà G bỏ ra 3.500 USD mua của ông Đ. một xe Honda @. Xe đó do bà A đứng tên và đã được sang tay qua nhiều người. Khi bán cho bà G, ông Đ hứa hẹn: “Từ từ bà A sẽ sang tên xe…”. Nhưng rồi viện lẽ không có giao dịch gì với bà G, bà A  từ chối ký giấy bán xe cho bà G. Thế là bà G phải mất công gửi đơn đến UBND phường nơi ông Đ cư trú để nhờ can thiệp. Song cả ba lần được mời ông Đ đều không đến.
Không còn cách nào khác, bà G. khởi kiện ông Đ ra Tòa án nhân dân quận (cũng là nơi ông Đ cư ngụ) để tranh chấp hợp đồng mua bán xe. Theo yêu cầu của tòa, bà G đóng gần 1,5 triệu đồng tạm ứng án phí. Tưởng chỉ cần chờ ngày được tòa mời lên hòa giải, xét xử nhưng rồi một, hai tháng trôi qua tòa vẫn im ỉm. Sốt ruột, bà G quyết định không nhờ tòa nữa mà phải “tự xử” bằng cách… sang lại xe cho người quen của bà A để lấy tiền mua xe khác (tất nhiên là bà có thể đứng tên).
Theo luật sư Trương Thị Hòa, vì tin tưởng nhau nên nhiều người đã chấp nhận mua bán với người sang tay cuối cùng và tất nhiên chưa phải là chủ sở hữu hợp pháp tài sản. Ngoại trừ những lúc thương thảo được, người mua đã hết sức trần thân với việc nhờ người đứng tên trên giấy chủ quyền thực hiện các thủ tục mua bán, sang tên. Có người đã phải tốn thêm mớ tiền để “bồi dưỡng” cho người đứng tên, có người phải cậy đến cơ quan thẩm quyền mà bà G là một dẫn chứng. Vất vả vậy nhưng ra tòa giao dịch mua bán với người không phải là chủ sở hữu tài sản vẫn có thể bị tuyên vô hiệu, lúc đó người mua chỉ có thể nhận lại đủ số tiền đã giao trước đó rất lâu.
Nếu tự rút đơn (không muốn khiếu nại đến chánh án Tòa án nhân dân quận để sớm được giải quyết vụ án như cách chọn lựa của nhiều nguyên đơn khi gặp những tình huống tương tự), bà G. còn phải chịu mất 1/2 số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Quả là phiền!
Lưu ý: Ngoài trường hợp được các tác giả Thạnh Hưng – Nguyễn Hồng Gian nêu ở trên, nếu mua lại xe từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật (ngay tình hoặc không ngay tình), quyền lợi  và trách nhiệm dân sự của người mua được xác định theo qui định tại các điều 138, 257, 258 Bộ luật dân sự năm 2005 - Civillawinfor
SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ

MỘT CỰU CHIẾN BINH 15 NĂM ĐI KIỆN VÌ BỊ THU HỒI ĐẤT TỪ QUYẾT ĐỊNH LẠ LÙNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN?

CONGANTPHCM - Chuyện hy hữu đã xảy ra tại huyện Tịnh Biên, An Giang. Khi thu hồi đất của dân không bồi hoàn, xã lấy lý do đất công thổ quốc gia. Qua hồ sơ, toàn bộ diện tích đất trên đã được Ủy ban nhân dân (UBND) xã An Nông cùng địa chính huyện Tịnh Biên đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thế chấp ngân hàng.
Kiểu giải quyết lạ lùng của UBND xã đã đẩy ông Vũ Hùng Mạnh (SN 1953, ngụ thị trấn tịnh biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nguyên sĩ quan Trung đoàn II, Sư đoàn 330, Quân khu 9 đã phục viên) và gia đình lâm cảnh trắng tay. Vợ phát bệnh, bốn đứa con bỏ học…, Người lính năm xưa lao vào vòng khiếu kiện.
Hai lần mất đất
Trong căn nhà trống trước dột sau, ông Mạnh nói trong nước mắt: “Tài sản tui bị mất hết. Mười lăm năm tui lao vào vòng khiếu kiện cũng là khoảng thời gian tui chứng kiến sự thờ ơ của chính quyền địa phương. Gia đình tui lâm vào cảnh khốn khó không gì bù đắp được. Tui quyết kiện tới cùng”.
Theo hồ sơ ông Mạnh cung cấp, gia đình ông sở hữu 3 ha đất tọa lạc cặp con lộ 55A thuộc xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Năm 1977 chiến tranh biên giới diễn ra, vợ chồng ông Mạnh công tác ở Sư đoàn 330, Quân khu 9. Đất nước hòa bình, ông lại tham gia rà phá bom mìn tại địa phương. Sau nhiều năm bảo vệ quê hương, vợ chồng ông tìm lại mảnh đất gia đình thừa hưởng thì phát hiện bị nhiều hộ dân xâm chiếm trái phép. Năm 1987, huyện Tịnh Biên lập đoàn thanh tra đề nghị trả lại đất cho gia đình ông.
Ông Mạnh dựng nhà an cư lạc nghiệp. Năm 1992, UBND xã An Nông ra thông báo cho ông làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Mạnh mừng muốn rơi nước mắt khi mảnh đất đã được chính quyền địa phương thừa nhận. Ông vội đến UBND xã thực hiện nghĩa vụ thuế để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Nào ngờ, ông Mạnh chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị chính quyền địa phương thu hồi.
Ông Mạnh cho biết, năm 1993 nhà nước thi công con lộ đi ngang qua phần đất của gia đình, nhà ông bị đập phá bởi “lấn chiếm lộ giới”. Bản chất người lính buộc ông chấp nhận hy sinh cho địa phương. Nhưng ngặt nỗi, diện tích đất còn lại đã bị “băm nát”. Ông bấm bụng gom góp số tiền dành dụm mướn máy san ủi cải tạo lại. Ông Mạnh uất ức: “Khi mặt bằng phẳng lỳ do vợ chồng tui lấp cát, hai năm sau xã lại quy hoạch trụ sở UBND xã An Nông ngay chỗ vợ chồng tôi cải tạo đất.
Lần này thì trắng tay! Xã sử dụng toàn bộ diện tích đất mà không một lời thương lượng”. Không đồng tình với kiểu thu hồi đất lạ lùng của UBND xã An Nông, ông Mạnh quyết tâm lao vào vòng khiếu kiện. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Hồng không chịu nổi oan ức và sự thờ ơ của chính quyền địa phương nên bị tai biến trầm trọng, lúc tỉnh lúc mê, nửa đêm la hét, khóc lóc vì nỗi oan ức của gia đình. Bốn đứa con của ông phải bỏ học đi làm thuê làm mướn.
Hôm PV đến nhà, ông Mạnh cho biết bệnh của bà Hồng không thuyên giảm, lúc bà cười một mình, khi lại nói thầm chuyện chính quyền địa phương ép gia đình.
Cái lý mơ hồ của chính quyền xã
Suốt 15 năm qua, ông Mạnh liên tục làm đơn khiếu kiện. Tuy nhiên, yêu cầu của ông lại không được xem xét giải quyết thấu tình đạt lý. Ngày 22-7-1994, UBND xã An Nông mời vợ chồng ông đến giải quyết vụ tranh chấp đất. Tại đây, ông Mạnh vẫn một mực yêu cầu xã trưng dụng phần đất trên phải bồi hoàn theo Luật đất đai.
UBND xã An Nông viện giải: đất của ông Mạnh thuộc công thổ quốc gia nên thu hồi là hợp lý. Cứ thế qua hàng loạt khiếu nại, xã vẫn giữ lập luận trên kèm theo lý do ông Mạnh có thời gian dài không sử dụng phần đất ấy nên xã thu hồi là đúng.
Theo hồ sơ, chúng tôi xét thấy đề nghị của ông Mạnh là thỏa đáng, bởi lẽ phần đất mà xã trưng dụng đã được chính quyền địa phương đồng ý cấp quyền sử dụng đất cho ông. Do đó, ông Mạnh đã có tờ biên nhận cấp quyền sử dụng đất. Năm 1992, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông nhờ UBND xã An Nông xác nhận thế chấp biên nhận trên cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên vay 9,9 triệu đồng.
Chẳng may cho ông Mạnh, sau khi hoàn vốn và lãi cho ngân hàng thì cán bộ tín dụng cho rằng biên nhận của ông thất lạc. Lãnh đạo ngân hàng đã xác nhận cho ông đến UBND xã tiến hành làm thủ tục lại. Thế nhưng, yêu cầu của ông lại bị từ chối. Nếu đất công thổ quốc gia thì tại sao UBND xã An Nông lại đồng ý đề nghị làm biên nhận quyền sử dụng đất và xác nhận cho ông Mạnh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên?
UBND xã An Nông viện dẫn lý do chưa thuyết phục khi cho rằng ông Mạnh không sử dụng đất nên thu hồi, bằng chứng là nhiều năm liền ông Mạnh vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương xem xét lại việc thu hồi phần đất của gia đình ông Mạnh, không vì một lý do nào để vợ chồng ông phải chịu nỗi oan ức suốt 15 năm qua.
SOURCE: BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRANH CHẤP LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG VAY: NGÂN HÀNG CÓ QUYỀN TỰ Ý TĂNG LÃI SUẤT CHO VAY?


The-Thinker ÁI PHƯƠNG
Tuy hợp đồng ấn định mức lãi suất 0,88%/tháng nhưng viện lẽ mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, ngân hàng đã nâng lên 1,75%/tháng.
Cần tiền cho con đi du học, ông Nguyễn Thành Kham (cư xá Chu Văn An, quận Bình Thạnh) đã làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần X.
Chỉ giải ngân với lãi suất cao
Theo hợp đồng tín dụng được ký vào ngày 2-11-2007, Ngân hàng X đồng ý cho ông Kham vay gần 400 triệu đồng, thời hạn giải ngân tối đa đến hết ngày 31-12-2008. Lãi suất cho vay là 0,88%/tháng và mức lãi suất này là cố định trong thời gian 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Ngân hàng đã làm thủ tục xuất tiền cho ông Kham (còn gọi là giải ngân) làm hai đợt với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Đến 12-6, khi ông Kham đề nghị giải ngân hơn 200 triệu đồng còn lại thì ngân hàng lại cho biết mức lãi suất mới là 1,75%. Ông Kham thắc mắc thì được trả lời: “Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay bình quân đang áp dụng là 1,75%/tháng. Nếu cần giải ngân gấp thì khách hàng phải chịu mức này”.
Ngày 18-6, để kịp đóng học phí cho con, ông Kham đành chấp nhận điều kiện trên của ngân hàng. Tính ra, ngoài việc phải chịu mức lãi suất cao hơn so với hợp đồng, ông Kham còn bị thiệt hơn 15 triệu đồng do tỷ giá VND/USD tăng so với ngày 12-6. Ông yêu cầu ngân hàng phải khắc phục thiệt hại này cho ông, đồng thời phải làm đúng như hợp đồng ban đầu về mức lãi suất cho vay.
Ông Kham giãi bày: “Nếu như ngân hàng chịu bàn bạc để đi đến thống nhất mức lãi suất mới với tôi thì tôi sẵn sàng chia sẻ. Trong hợp đồng cũng quy định: “Nếu có tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng, hai bên sẽ thương lượng để có biện pháp giải quyết thích hợp”. Đằng này, cách làm của ngân hàng khiến tôi cảm thấy mình bị ép…”.
Vi phạm hợp đồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Ngân hàng X cho rằng: “Chúng tôi không vi phạm hợp đồng đã ký với ông Kham. Sở dĩ ngân hàng từ chối giải ngân vào ngày 12-6 là do chưa thu xếp được nguồn vốn giá thấp. Nên lưu ý, Điều 2 hợp đồng đã quy định: “Theo yêu cầu của bên vay và khả năng nguồn vốn của ngân hàng, số tiền cho vay sẽ được ngân hàng giải ngân theo hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ”. Cũng cần nói thêm, thời hạn giải ngân kéo dài đến 31-12-2008 nhưng trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, ngân hàng không hề thu phí để duy trì hạn mức. Với những khách hàng khác, ngân hàng đều làm việc lại và họ đều chấp nhận mức lãi suất mới”.
Đại diện Ngân hàng X khẳng định: “Ngân hàng sẽ không chấp thuận yêu cầu của ông Kham về việc áp dụng mức lãi suất 0,88%. Đồng thời, việc tỷ giá tăng gây thiệt hại cho ông Kham là do điều kiện khách quan, không phụ thuộc vào sự điều chỉnh của ngân hàng. Ngoài ra, ông Kham đã đồng ý ký vào khế ước nhận nợ ngày 18-6 với lãi suất 1,75%, sao nay còn đòi điều chỉnh?”.
Khách hàng có quyền kiện ngân hàng?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét: Việc ngân hàng đơn phương nâng mức lãi suất có thể được xem là vi phạm hợp đồng. Lý do “chưa thu xếp được nguồn vốn giá thấp” chỉ là cái cớ thoái thác. Khoản tiền hơn 200 triệu đồng trong lần giải ngân cuối cùng là một phần giá trị của hợp đồng tín dụng đã ký, không thể tách rời nên lẽ ra ngân hàng cần áp dụng mức lãi suất như đã cam kết”. Tuy nhiên, do ông Kham đã ký vào khế ước nhận nợ, thể hiện sự đồng ý về lãi suất mới nên bây giờ không có cơ sở để khởi kiện.
Cũng theo luật sư Hậu, cách hành xử của ngân hàng X không sòng phẳng. Đối với các trường hợp khách gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, khi chưa đến hạn thì ngân hàng đâu có nâng lãi suất lên cho họ, vậy tại sao lại nâng lãi suất cho vay khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực?
Không tăng lãi suất đối với các hợp đồng đã ký kết trước ngày 19-5-2008. Ngày 16-5, Ngân hàng nhà nước đã có công văn quy định lãi suất cơ bản bằng đồng VN là 12%/năm; đồng thời cũng quy định lãi suất kinh doanh của các ngân hàng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức là 18%/năm (tương đương 1,5%/tháng). Căn cứ vào quy định mới này, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tuy khách hàng không đồng ý. Ngày 4-6, Ngân hàng nhà nước đã có Văn bản 5004 xác nhận: Đối với các hợp đồng tín dụng ký kết trước ngày 19-5, các bên tiếp tục thực hiện những nội dung đã ghi trong hợp đồng.
(Tên của bài viết thay đổi do civillawinfor)
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM: BÊN MUA TÀI SẢN ĐƯỢC BẢO HIỂM CÓ ĐƯỢC THỤ HƯỞNG TIỀN BẢO HIỂM KHI XẢY RA SỰ KIỆN BẢO HIỂM?


image Civillawinfor tổng hợp (Theo Hoàng Yến – Báo pháp luật TPHCM)
Chuyển bảo hiểm lòng vòng
Ngày 11-1-2007, Công ty P. ký hợp đồng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự 24 xe ôtô loại 29 chỗ với Công ty Bảo hiểm N. (gọi tắt là Công ty Bảo hiểm).
Một ngày sau, Công ty P. chuyển nhượng năm trong số 24 xe trên cho Công ty C. Theo thỏa thuận, Công ty P. đồng ý cho Công ty C. tiếp tục thụ hưởng phần còn lại của bảo hiểm thân xe. Riêng phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hai bên không bàn tới nhưng Công ty P. có giao cho Công ty C. năm giấy chứng nhận bảo hiểm xe được mua từ Công ty Bảo hiểm.
Tháng 7-2007, một trong số năm xe của Công ty C. gặp tai nạn. Công ty C. đã phải bỏ ra hơn 110 triệu đồng để đóng viện phí, bồi thường cho hành khách trên xe, bồi thường trụ điện chiếu sáng công cộng mà xe tông phải. Song song đó, Công ty C. cũng thông báo sự việc cho Công ty Bảo hiểm biết.

Sau khi giám định, thu thập hồ sơ tai nạn, tháng 9-2007, Công ty Bảo hiểm gửi văn bản từ chối bồi thường với lý do ngày xảy ra tai nạn phát sinh sau ngày thông báo hủy hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 4-2007 (thời điểm đó, Công ty P. có công văn đề nghị Công ty Bảo hiểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm với năm ôtô chuyển giao cho Công ty C.).
Đòi bảo hiểm không được, đầu tháng 12-2007, Công ty C. đã khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu Công ty Bảo hiểm bồi thường 110 triệu đồng bảo hiểm về tai nạn xe.
Tranh cãi kịch liệt, tòa khó quyết
Tại phiên sơ thẩm đầu năm nay, đại diện Công ty C. và Công ty Bảo hiểm đã tranh cãi kịch liệt.
Theo Công ty Bảo hiểm, Công ty P. đề nghị chấm dứt hợp đồng bảo hiểm với năm xe ôtô bán cho Công ty C. từ tháng 4-2007. Khi tòa hỏi lúc chấm dứt hợp đồng, Công ty Bảo hiểm và Công ty P. có thông báo cho Công ty C. hay không, cả hai công ty đều nói do trụ sở cũ của Công ty C. không còn hoạt động, chỗ mới thì không biết nên họ không thông báo.
Phía Công ty C. nói bảo hiểm dân sự là loại bảo hiểm bắt buộc đối với xe, không có giấy xe sẽ không thể lưu hành. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn còn hiệu lực nên Công ty Bảo hiểm phải bồi thường.
Ngược lại, Công ty Bảo hiểm cho rằng trước đó, Công ty P. chưa đóng đủ phí bảo hiểm và ngưng hợp đồng nên trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh. Việc chuyển nhượng xe giữa hai Công ty P. và C. không liên quan gì đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự mà Công ty P. mua của Công ty Bảo hiểm. Việc bàn giao giấy chứng nhận bảo hiểm giữa Công ty P. và Công ty C. không có giá trị pháp lý.
Phản bác, Công ty C. bảo giấy chứng nhận bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm không hề ghi “chỉ có hiệu lực khi đã thanh toán đầy đủ”. Đồng thời, nếu được thông báo phí bảo hiểm chưa được thanh toán đủ, Công ty C. sẵn sàng đi đóng. Ngoài ra, việc Công ty Bảo hiểm từ chối bảo hiểm sau một tháng là không hợp lý.
Cuối cùng, TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của Công ty C., buộc Công ty Bảo hiểm phải bồi thường bảo hiểm. Ngay sau đó, Công ty Bảo hiểm kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, các bên tiếp tục lặp lại lập luận của mình. Một điều khác trong vụ án là giấy chứng nhận bảo hiểm đã được Công ty Bảo hiểm cấp cho Công ty P. từ trước khi hai bên ký hợp đồng bảo hiểm. Chưa kể, khi hai bên hủy hợp đồng bảo hiểm cũng không thu lại giấy. Theo chủ tọa, chính cách làm việc thiếu minh bạch, không đúng quy cách trên đã gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp.
Vì tính chất phức tạp của vụ việc, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa phải hoãn tuyên án, vì cần thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ
Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.
Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
(Theo Điều 14, 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm)
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/toa-an/view.aspx?news_id=221672

TRANH CHẤP VỀ SỞ HỮU: NGƯỜI CÓ GIẤY TỜ SỞ HỮU HỢP PHÁP CHƯA HẲN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN QUYỀN CỦA MÌNH?

TỬ DUY
Đại Đoàn kết - Với nhiều người chứng cứ, nhân chứng, lời khai đầy đủ, khách quan, thế nhưng một thẩm phán tại TAND huyện Chơn Thành – Bình Phước dường như chỉ dựa vào phía đương sự đưa ra những chứng cứ “khai bằng miệng” để phán quyết!
Theo đơn khiếu nại, kêu cứu của bà Nguyễn Thị Bé Tư (sinh năm 1958, ngụ khóm 3, phường 11, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) gửi đến nhiều cơ quan chức năng và báo chí, vào thời điểm cuối năm 2002, chồng của bà Bé Tư là ông Dương Văn Sơn (sinh năm 1958, cùng ngụ địa chỉ trên) cùng anh ruột của bà là ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) có đến ấp 5, xã Minh Lập, huyện Bình Long cũ (nay là huyện Chơn Thành), tỉnh Bình Phước để mua một mảnh đất. Do người có quyền sử dụng mảnh đất trên là bà Thái Thu Ngân (ngụ quận 6, TP.Hồ Chí Minh, hiện là Phó Chánh án TAND quận 6, có diện tích 47.017m2 đất) và Thái Thu Hà (ngụ tỉnh Vĩnh Long, có diện tích 83.700 m2 đất) nên bà Bé Tư đã liên hệ với em ruột là bà Nguyễn Thị Bé Năm (sinh năm 1962, ngụ quận 6, TP.Hồ Chí Minh) để nhờ hỏi bà Ngân và bà
Hà trong việc sang nhượng lại hai mảnh đất có diện tích trên.

Sau đó, với giá thỏa thuận là 342 triệu đồng, bà Bé Tư đã nhờ một người em khác là Nguyễn Thị Bé Sáu mang 42 triệu để bà Bé Năm và ông Nguyễn Văn Hùng đặt tiền cọc cho bà Ngân, ông Hùng là người giao tiền và ký xác nhận đặt cọc số tiền này. Bà Bé Tư cho biết, em ruột của bà Bé Tư (cũng là em ruột của bà Bé Năm) là ông Nguyễn Văn Việt (quốc tịch Canada) có gửi về cho bà Bé Tư số tiền 20.000 USD (vụ việc này đã được ông Việt xác nhận tại tòa) để mua đất.
Ngày 20-2-2003, bà Bé Tư cùng bà Ngân, bà Hà đã có mặt tại UBND xã Tân Lập, huyện Chơn Thành để bàn giao đủ số tiền 300 triệu đồng, làm các thủ tục chuyển nhượng dưới sự chứng kiến chính của quyền địa phương và các giao dịch mua bán liên quan đến hai mảnh đất này đều được ông Lưu Văn Chuyên (Phó chủ tịch UBND huyện Chơn Thành) và ông Tạ Hữu Dũng (Trưởng Phòng địa chính huyện Chơn Thành) ký và đóng dấu xác nhận. Sau này, hai mảnh đất nói trên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chủ hộ là bà Bé Tư. Tuy nhiên, tháng 11-2007, bà Bé Năm đã khởi kiện tại TAND huyện Chơn Thành để đòi lại “đất của mình” vì cho rằng chính bà đã mua hai mảnh đất và để chị ruột (tức bà Bé Tư) đứng tên giùm (nhằm chứng minh tài chính cho con gái của bà Bé Tư đi du học ở nước ngoài?).
“Án dân sự, xử thế nào cũng được”?
Việc khởi kiện “đòi lại đất” của bà Bé Năm có nhiều điều chưa rõ ràng, không có tính thuyết phục. Điển hình là tờ giấy ủy quyền (viết tay) của ông Nguyễn Văn Hùng cho bà Bé Tư. Trong biên bản này ông Hùng xác nhận rằng ông là người ủy quyền cho bà Bé Tư đứng tên giùm trên giấy hợp đồng chuyển nhượng và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông đã chuyển nhượng từ bà Hà và bà Ngân. Tuy nhiên, khi vụ việc vỡ lở thì chính ông Hùng đã gửi đến TAND tỉnh Bình Phước, TAND huyện Chơn Thành để “nói lại cho rõ” là tờ ủy quyền nói trên là do bà Bé Năm tạo dựng và yêu cầu ông ký tên; trong tờ ủy quyền này chỉ có duy nhất chữ ký của ông Hùng (người được ủy quyền là bà Bé Tư không biết gì cả!).
Tại tờ xác nhận sau đó ông Hùng đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình trong việc giúp bà Bé Năm tạo dựng chứng cứ không đúng sự thật. Bên cạnh đó, lý do mà bà Bé Năm kiện đòi lại đất của bà Bé Tư thì được bà Bé Năm trình bày là do bà Bé Tư xin được đứng tên để chứng minh tài chính cho con đi du học, nhưng không có giấy tờ nào chứng minh việc đó, và người em trai của hai bà này là ông Nguyễn Văn Việt (ở Canada) cũng phủ nhận việc bảo lãnh con của bà Bé Tư sang Canada du học.
Ông Việt có xác nhận đã cho bà Bé Tư số tiền 20.000 USD để mua đất kinh doanh, nhằm phụng dưỡng cha mẹ già đang sinh sống chung với bà Bé Tư. Đặc biệt những người sang nhượng lại hai mảnh đất, cụ thể là Thái Thu Hà khẳng định là chỉ giao dịch mua bán với bà Bé Tư chứ không phải là bà Bé Năm. Việc bà Bé Năm cho rằng bà đã thuê người em út là ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1967, ngụ thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để trông coi kể từ năm 2006, nhưng tại phiên xử sơ thẩm của TAND huyện Chơn Thành và kể cả trước đó ông Thành cũng phủ nhận việc này, cho rằng ông là người được bà Bé Tư thuê, trả lương hàng tháng để trông coi, canh tác trên diện tích đất này từ tháng 4-2003. Điều này cũng đã được chính quyền xã Minh Lập và những hộ gia đình “liên canh, liên cư” tại đó xác nhận.
Những chứng cứ rõ ràng chứng minh việc bà Bé Tư mua đất như trên, cùng với giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền huyện Chơn Thành đã bị Hội đồng xét xử TAND huyện Chơn Thành do Thẩm phán Đoàn Ngọc Thảo làm Chủ tọa trong phiên xét xử ngày 28-4-2008 bỏ qua một cách khó hiểu. Và những chứng cứ kiểu “khai miệng” thiếu tính thuyết phục, không có xác nhận của chính quyền địa phương được bà Bé Năm trưng ra lại được Hội đồng xét xử nhấn mạnh.
Đặc biệt, phiên tòa đã không cho phía gia đình cũng như bà Bé Tư, các nhân chứng được đối chất (thể hiện trong bản ghi âm tại phiên tòa). Và cuối cùng, bản án số 09/2008/DSST của TAND huyện Chơn Thành đã tuyên vợ chồng bà Bé Tư – ông Dương Văn Sơn phải trả lại diện tích đất 144.400m2 cho bà Bé Năm, đồng thời bà Bé Năm phải bồi hoàn cho bà Bé Tư số tiền hơn 488 trệu đồng cho các hiện trạng nhà cửa và công đã chăm sóc trên hai mảnh đất. Ngày 8-5-2008, Viện KSND huyện Chơn Thành đã kháng nghị bản án dân sự nói trên và đề nghị TAND tỉnh Bình Phước xét xử vụ kiện dân sự này theo hướng “phải công nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Bé Tư và ông Dương Văn Sơn đối với 2 diện tích đất nói trên”.
Bản án sơ thẩm nói trên của TAND huyện Chơn Thành đã gây bức xúc và khó hiểu ngay cả đối với nhiều người dân và chính quyền địa phương. Không ít người trong cuộc và dư luận địa phương đang nghi ngại về những tiêu cực phía sau việc tuyên án khó hiểu này.
(Tên của bài viết có sự thay đổi do Civillawinfor)

Saturday, November 23, 2013

Đôi điều về giải thích pháp luật theo nghĩa rộng

 Nguyên tắc bắt buộc đối với công việc giải thích pháp luật là phải mang đến được cho văn bản pháp luật một nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ của văn bản đó. Ở một góc độ khác, hoạt động giải thích pháp luật có thể đưa ra cho văn bản một nghĩa xa hơn ý nghĩa ngôn ngữ của nó, một nghĩa mở rộng hoặc hạn chế hơn nghĩa mà ngôn ngữ của văn bản có thể mang.

1. Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là gì?

Giải thích pháp luật là cách thức làm cho việc hiểu, thực hiện pháp luật trong cuộc sống được thống nhất, hợp pháp và hợp lý. Giải thích pháp luật là một cấu thành tất yếu của pháp luật, một bảo đảm đối với pháp luật. Việc tạo lập một cơ chế thích đáng cho giải thích pháp luật là mục tiêu và yêu cầu của mỗi hệ thống pháp luật, mỗi quốc gia.

Giải thích pháp luật trong thực tế được tiếp cận dưới nhiều góc độ. Ở góc độ phổ biến, thông thường, góc độ hẹp hiện nay, giải thích pháp luật được xem là: “một hoạt động có lý trí  đưa ra nghĩa của một văn bản pháp luật”1; là “hoạt động liên quan với việc xác định thông điệp có tính quy phạm mà nó xuất hiện từ văn bản”2; là “hoạt động để tìm ra nghĩa và hiểu rõ mục đích của tác giả văn bản pháp luật”3…(Từ đây, xin gọi giải thích pháp luật theo nghĩa hẹp, nghĩa thông thường là giải thích pháp luật, để định rõ và phân biệt với giải thích pháp luật theo nghĩa rộng sẽ bàn đến sau).

Nguyên tắc bắt buộc đối với công việc giải thích pháp luật là phải mang đến được cho văn bản pháp luật một nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ của văn bản đó. Đây là điều kiện cần và đủ đối với một hệ thống giải thích pháp luật hiện tại. Bản thân hoạt động giải thích được giới hạn bằng giới hạn của văn bản, và giới hạn của văn bản phải đặt trong giới hạn của ngôn ngữ. Một hoạt động là giải thích nếu nó đưa ra nghĩa trên văn bản phù hợp với một nghĩa (rõ ràng hoặc ẩn) trong ngôn ngữ (cộng đồng hoặc cá nhân) của văn bản. Giải thích pháp luật có tác dụng trong các giới hạn của ngôn ngữ. Nó truyền đạt cho văn bản một nghĩa mà ngôn ngữ có thể mang. Hoạt động giải thích sẽ kết thúc tại “điểm cuối” của ngôn ngữ4.

Ở một góc độ khác, giải thích pháp luật được tiếp cận rộng hơn gấp nhiều lần và khác cơ bản so với giải thích pháp luật thông thường. Dưới góc độ này, hoạt động giải thích có thể đưa ra cho văn bản một nghĩa xa hơn ý nghĩa ngôn ngữ của nó, một nghĩa mở rộng hoặc hạn chế hơn nghĩa mà ngôn ngữ của văn bản có thể mang. Để làm được điều đó, người giải thích có thể tiến hành hàng loạt các thao tác mà nó sẽ trái, thậm chí phá vỡ các luật lệ của giải thích pháp luật thông thường (sẽ phân tích sau)… Đó chính là giải thích pháp luật theo nghĩa rộng. Một số học giả còn gọi cách tiếp cận giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là một học thuyết - học thuyết không giải thích (Non-interpretive Doctrines).5

Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng vượt ra ngoài ngôn ngữ của văn bản, chúng mang đến cho văn bản một sự hợp lý nhất định mà đôi khi, sự hợp lý đó không có cơ sở vững chắc trong ngôn ngữ của văn bản (tất nhiên, “chuẩn mực” của sự hợp lý phụ thuộc vào truyền thống của mỗi hệ thống pháp luật, vào cơ chế giải thích pháp luật của mỗi quốc gia, và vào tính mục đích, tài năng của bản thân mỗi chủ thể giải thích pháp luật…) Nói giản đơn, công việc của giải thích theo nghĩa hẹp đưa đến nghĩa một cái gì “là”; còn giải thích theo nghĩa rộng sẽ đưa đến nghĩa từ cái gì “là” đến cái gì “không là”. Ở giải thích theo nghĩa rộng, sự “có” của văn bản có thể được suy ra sự “không” của vấn đề khác. Lấy ví dụ, một mâu thuẫn giữa hai đạo luật, giải thích theo nghĩa hẹp sẽ quyết định ý nghĩa của mỗi đạo luật, rút ra hiệu lực của chúng từ các quy tắc giải thích, còn giải thích theo nghĩa rộng đưa đến cách giải quyết mâu thuẫn đó, đến khu vực chứa đựng sự mâu thuẫn.

 Trong lịch sử các hệ thống pháp luật truyền thống, giải thích theo nghĩa rộng là một phần của giải thích (thông thường), mặc dù nó đi xa và vượt khỏi giới hạn của sự giải thích. Ví dụ, trong hệ thống pháp luật Anh, thẩm phán có quyền thay đổi một văn bản - để tránh những điều ngớ ngẩn - được coi là một phần của hoạt động giải thích pháp luật của thẩm phán. Trong truyền thống pháp luật Đức thì lấp đầy một khoảng trống cũng được coi là hoạt động giải thích (theo nghĩa rộng).

2. Nội dung của giải thích pháp luật theo nghĩa rộng

Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là một hoạt động đa dạng và phức tạp. Sự đa dạng, phức tạp chứa đựng ngay trong nội dung của nó.

Lấp đầy các khoảng trống trong văn bản

Lấp đầy các kẽ hở trong văn bản là hoạt động khác biệt cơ bản so với giải thích pháp luật thông thường. “Giải thích là cung cấp nghĩa cho các quy phạm, còn lấp đầy kẽ hở là thêm ngôn ngữ vào văn bản, thêm quy phạm cho văn bản”6. Trên thế giới, cách tiếp cận với các văn bản là đối tượng của giải thích pháp luật tương đối bao quát, nó có thể là hiến pháp, các đạo luật, các văn bản dưới luật, di chúc, hợp đồng…, tức là tất cả các văn bản, nếu nó liên quan đến cách thức làm cho việc hiểu, thực hiện pháp luật trong cuộc sống được thống nhất, hợp pháp và hợp lý.

Khi nào thì một văn bản có kẽ hở? Thứ nhất, khi văn bản chứa đựng những hàm ý mà có thể làm rõ bằng sự giải thích thông thường; thứ hai, khi văn bản không đề cập đến một vấn đề mà nó không lưu tâm; thứ ba, khi sự cung cấp của văn bản đến vấn đề mà nó lưu tâm gây ra sự thiếu sót đối với các vấn đề mà nó không lưu tâm; và thứ tư, khi có sự thiếu khuyết thực sự của văn bản, bản thân văn bản không đủ để điều chỉnh những vấn đề nhất định mặc dù nó tương đối rõ ràng hoặc chắc chắn…7 Và giải thích theo nghĩa rộng cho phép lấp đầy các kẽ hở như vậy trong văn bản.

Việc lấp đầy các khoảng trống trong luật: Ở thế kỷ 19, trong hệ thống pháp luật Anglo-Saxon, các thẩm phán đã có được quyền này trong việc lấp đầy các khoảng trống trong luật khi giải quyết vụ việc. Hiện nay, tòa án không được làm như vậy, mà họ phải sử dụng “cái tổ an toàn” của thông luật để giải quyết trong những trường hợp ngôn ngữ của một đạo luật không tương xứng để biểu đạt được mục đích của đạo luật đó8.

Pháp luật Anh cho phép lấp đầy khoảng trống trong luật đối với các trường hợp được bao hàm bởi các quy tắc pháp luật thông thường.

Việc lấp đầy kẽ hở trong hợp đồng: Kẽ hở trong hợp đồng tạo nên tình trạng không đầy đủ, thiếu thông tin và mâu thuẫn với mục đích của nó. Thông thường một kẽ hở trong hợp đồng được lấp đầy bằng các luật lệ ngầm định, phong tục hoặc tập quán, tất nhiên hiệu quả chung trong những trường hợp này là không lớn, nên trong thực tế các nguồn trên được sử dụng như một sự hướng dẫn.

Nguồn thứ hai bên cạnh các luật lệ ngầm định, phong tục hoặc tập quán để giải quyết, trong luật lệ của Anh còn có các “điều khoản mặc nhiên”, tức là việc lấp đầy khoảng trống trong hợp đồng là cần thiết cho hiệu quả và là bổn phận của hợp đồng mà các bên đảm nhiệm9.

Luật pháp của Mỹ cũng đã sử dụng các điều khoản hàm ý này, hiện nay thì đã có sự thay đổi, tuy nhiên gần đây, các học giả Mỹ cũng có lưu tâm đến việc sử dụng các “luật lệ ngầm định” để lấp đầy khoảng trống trong hợp đồng10.

Ở một vài quốc gia như Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, các thẩm phán được phép lấp đầy các khoảng trống dựa trên các nguyên tắc của tính trung thực, nguyên tắc sự tin tưởng trong luật dân sự để lấp đầy các khoảng trống trong hợp đồng. Hệ thống pháp luật của Thụy Sỹ ủy quyền cho một thẩm phán lấp đầy khoảng trống theo mục đích khách quan của các bên nếu các bên thật thà, trung thực và dựa trên các nguyên tắc của công lý11.

Cách tiếp cận khác của Unidroit, “nếu các bên không đồng ý một giới hạn quan trọng đối với các quyền và nghĩa vụ của họ, tòa án sẽ bổ sung vào hợp đồng một giới hạn phù hợp với tình huống liên quan”12.

Về việc lấp đầy các khoảng trống trong di chúc: Truyền thống Đức đã từng cho phép lấp đầy khoảng trống trong di chúc. Tòa án Israeli có quy định rõ ràng việc thẩm phán được lấp đầy các khoảng trống trong văn bản, trong đó có di chúc.

Giải quyết mâu thuẫn mang tính quy phạm

Sự thống nhất trong hệ thống pháp luật là một yêu cầu quan trọng. Các quy tắc trong một hệ thống pháp luật phải nằm trong mối liên hệ và không được mâu thuẫn với nhau. Nhưng trong thực tế, ít có hệ thống pháp luật nào đạt được như vậy. Các quy tắc đối lập và mâu thuẫn với các nguyên tắc của luật lệ và với bản thân các quy tắc khác vẫn đang nảy sinh và tồn tại. Nếu không giải quyết được các mâu thuẫn này, chúng sẽ làm “xói mòn sự ổn định” và “sự tin tưởng chung” đối với cả hệ thống pháp luật. Yêu cầu đặt ra là phải thiết lập các luật lệ cho việc giải quyết các mâu thuẫn đó.

Mâu thuẫn mang tính quy phạm là mâu thuẫn giữa các quy tắc mà mỗi quy tắc có giá trị của chính nó, nhưng các quy tắc đó lại không thể áp dụng đồng thời, cùng nhau, cho các vấn đề giống nhau. Trong thực tế, chúng có thể biểu hiện dưới các dạng sau:

Mâu thuẫn giữa các quy tắc trong cùng một văn bản: Khi hai hay nhiều quy tắc pháp luật đều không thể cung cấp cách giải quyết vấn đề, khi đó mâu thuẫn xuất hiện. Ví dụ một trường hợp mà tồn tại hai quy tắc, một quy tắc cho phép và một quy tắc cấm đoán, thì hai quy tắc đó mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn giữa các quy tắc chính là biểu hiện lỗi của hệ thống pháp luật.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bản thân mâu thuẫn cần phải được xác định. Một mâu thuẫn chỉ thực sự tồn tại khi kết thúc tất cả các quá trình giải thích liên quan. Tòa án là chủ thể có vai trò dẫn dắt đến cách giải quyết các mâu thuẫn này nhờ vào sự giúp đỡ của các luật lệ giải thích. “Một mâu thuẫn thực sự tồn tại khi nó làm kiệt sức tất cả các khả năng giải thích đối với nó”. Việc xác định rõ giá trị pháp lý của mỗi quy tắc là hoạt động giải thích theo nghĩa hẹp và quá trình xác định mối liên hệ giữa một quy tắc và một quy tắc khác – giải thích theo nghĩa rộng là khác nhau. Luật lệ để giải quyết mâu thuẫn giữa các quy tắc trong các văn bản khác nhau là luật lệ của giải thích theo nghĩa rộng.

Mâu thuẫn có thể tồn tại khi trong một văn bản có hai quy tắc mâu thuẫn với các quy tắc khác. Vậy quy tắc nào sẽ có hiệu lực áp dụng. Thông thường các hệ thống pháp luật đều có cách lựa chọn đối với quy tắc ra đời sau, hoặc quy tắc có giá trị pháp lý cao hơn.

Mâu thuẫn giữa các quy tắc trong các văn bản khác nhau: Mâu thuẫn có thể xảy ra giữa hai quy tắc có giá trị pháp lý ngang nhau ở các đạo luật ngang nhau, đưa vào các văn bản khác nhau. Nếu mâu thuẫn là có thực, sau khi thẩm phán đã sử dụng hết các khả năng giải thích thông thường, thì cái chiếm ưu thế sẽ là quy tắc được ban hành muộn hơn, điều này có giá trị đối với cả các đạo luật, di chúc và hợp đồng. 

Mâu thuẫn giữa các quy tắc có giá trị pháp lý khác nhau: Vấn đề đặt ra là nếu một quy tắc cao mâu thuẫn với một quy tắc thấp hơn, câu trả lời thường xuyên là quy tắc cao nhất có giá trị áp dụng. Vậy vấn đề đặt ra là, làm thế nào để quy tắc cao nhất vẫn là cao nhất, và quy tắc thấp hơn vẫn có thể phát huy được giá trị hợp lý của nó. Ví dụ Hiến pháp New Dilan quy định các thẩm phán không được xem lại tính hợp hiến của các đạo luật. Trong hệ thống pháp luật Hà Lan thì nguyên tắc cao nhất là chính trị chứ không phải là pháp luật, các cơ quan lập pháp không được hoạt động ngoài nguyên tắc này.

Như vây, cao nhất có lẽ không phải là pháp luật, cũng không phải là chính trị, mà chính là cái có thể làm mất hiệu lực của một quy tắc thấp hơn. Tiêu chuẩn có tác dụng quyết định đến mối liên hệ giữa hiến pháp và đạo luật; đạo luật và các văn bản dưới luật là tiêu chuẩn của giải thích theo nghĩa rộng. Các thẩm phán không đưa ra nghĩa của các văn bản khác nhau mà xác định rõ hơn hiệu lực pháp lý của chúng, điều này dựa vào luật lệ của giải thích theo nghĩa rộng.

Sửa chữa lỗi trong văn bản

Thông thường sự sửa chữa lỗi trong văn bản thuộc về tác giả của chúng. Tuy nhiên, thẩm phán trong luật lệ của giải thích thông thường có thể sửa chữa các lỗi đó, trên cơ sở không thêm hoặc bớt; nhưng sẽ là tốt hơn nếu thẩm phán được phép cân nhắc sửa chữa cái có thật xung quanh văn bản hơn là sửa chữa một lỗi, vì với vị trí của họ, thẩm phán là chủ thể mà không ai có thể tranh luận hơn.

Trong thực tế cũng có quan điểm cho rằng: “Nếu các từ ngữ của một hành động là trong sáng, anh (tòa án) phải theo chúng, thậm chí dù anh nghĩ chúng sẽ dẫn dắt đến một sự vô lý. Tòa án sẽ là vô lý nếu hỏi, nhà lập pháp liệu có tận tâm không, và tòa án không có gì để làm trong trường hợp này”13.

Đây là một nhận định tương đối khắc nghiệt, nó phù hợp hơn với giải thích thông thường, bởi vì sự sửa chữa lỗi của thẩm phán trong thực tế đôi khi giúp nhận ra mục đích của đạo luật, ý định chung của các bên trong hợp đồng và ý định của người lập di chúc trong di chúc.

Vì vậy trong những trường hợp nhất định, thẩm phán đã được phép tác động đến một lỗi trong đạo luật trên cơ sở giảng giải, để tránh việc làm hỏng ý định của nhà lập pháp hoặc mục đích của đạo luật, nhất là đối với những trường hợp mà bất cứ một người đọc văn bản nào cũng có thể nhận ra lỗi mà văn bản đó chứa đựng.

Truyền thống pháp luật Anh ủy quyền một thẩm phán sửa chữa những lỗi hiển nhiên trong một văn bản đã được ban hành, đây cũng là ý muốn của các cơ quan lập pháp để ý định của văn bản có thể được nhận ra.

Hầu hết các hệ thống pháp luật đều cho phép các thẩm phán sửa chữa lỗi trong hợp đồng14. Lỗi trong hợp đồng chính là khoảng trống giữa sự thỏa thuận thực sự đạt được bởi các bên, và sự thỏa thuận mà họ đã thể hiện bằng ngôn ngữ của hợp đồng.

Trong Sucession Law, 1965, L.S.I quy định: “Nơi mà một di chúc chứa đựng một lỗi rõ ràng, hoặc một lỗi khi mô tả về người hoặc tài sản, mô tả thời hạn, số liệu, lịch hoặc các vấn đề tương tự mà sự mô tả này có khả năng để quyết định rõ ràng ý định đúng của người để lại di chúc, thì thẩm phán có thể sửa chữa lỗi đó”15.

Thay đổi ngôn ngữ trong văn bản để tránh sự vô lý

Sự giải thích theo nghĩa hẹp làm cho văn bản được hiểu theo một nghĩa thông thường và tự nhiên của nó. Tuy nhiên không phải lúc nào nghĩa thông thường và tự nhiên của văn bản cũng được ngôn ngữ của văn bản đảm bảo sự hợp lý và thỏa đáng. Khi đó, phải có một “nguyên tắc vàng” của giải thích theo nghĩa rộng xuất hiện, để có thể tránh sự vô lý được mang tới từ các nghĩa của ngôn ngữ văn bản. Thứ nhất, đó là thẩm phán được phép phân chia, làm chệch hướng từ nghĩa tự nhiên, nghĩa thông thường của ngôn ngữ nếu các nghĩa đó sẽ dẫn đến kết quả vô lý16. Nó hướng dẫn người giải thích chọn một nghĩa pháp luật hợp lý của văn bản giữa một số ít các ngữ nghĩa học mà văn bản có thể tổng hợp trong ngôn ngữ. Thứ hai, văn bản có thể mang lại một sự vô lý xa hơn giới hạn của ngôn ngữ, thì cho phép một thẩm phán chữa ngôn ngữ, thêm vào nó, hoặc làm trượt ra từ nó, để tránh sự vô lý17.

Hoàn thành mục đích của văn bản bằng những thay đổi nhất định

Trong thực tế, đôi khi mục đích mang tính tổng quát của văn bản không được thể hiện ở ngôn ngữ của nó. Trường hợp này, nguyên tắc của giải thích pháp luật thông thường là chỉ được đưa đến cho văn bản một nghĩa mà ngôn ngữ của nó có thể mang, hay mục đích của văn bản chính là cái được thể hiện trực tiếp tại ngôn ngữ hiện hữu của văn bản.

Truyền thống thông luật thừa nhận học thuyết giải thích theo nghĩa rộng đối với trường hợp của luật hợp đồng và di sản. Nếu một hợp đồng hoặc một hành động pháp lý của một bên di tặng tài sản cho mục đích công cộng, và mục đích đó không thể được đáp ứng, một thẩm phán có thể ra lệnh tài sản đó được sử dụng cho một mục đích có thật tương tự. Ví dụ: một người để lại di sản của mình cho bệnh viện trong việc điều trị bệnh X. Nhưng thời gian trôi qua, các nhà khoa học đã triệt tiêu được căn bệnh X. Vậy bệnh viện đó có thể sử dụng quỹ đó để chữa trị căn bệnh Y không? Sự giải thích thông thường không cho phép. Nhưng hoạt động giải thích theo nghĩa rộng thì khác, nó có thể dẫn dắt đến kết quả số tiền để chữa bệnh X có thể được dùng để điều trị căn bệnh Y. Hoạt động giải thích theo nghĩa hẹp khi đến giới hạn của nó, người giải thích phải dừng lại; nhưng hoạt động giải thích theo nghĩa rộng thì có thể đi tiếp, cụ thể trong trường hợp này, thẩm phán có thể quyết định rằng quỹ đó được phép sử dụng để chữa trị các căn bệnh khác, và điều này là phù hợp với mục đích và ý tưởng của người để lại tài sản.

3. Nguyên tắc của giải thích pháp luật theo nghĩa rộng

Giải thích theo nghĩa rộng chính là hành động rời xa ngôn ngữ của văn bản mà chủ thể giải thích (thẩm phán) mang đến trong quá trình thực hiện. Giải thích theo nghĩa rộng chỉ diễn ra trong thực tế khi có sự cho phép, các chủ thể giải thích phải được ủy quyền, và hoạt động này sẽ chấm dứt khi sự ủy quyền đó kết thúc. Vì vậy, hoạt động này không xuất hiện một cách thông thường, nó là một ngoại lệ và cần có sự bảo vệ bằng một học thuyết đặc biệt, bằng cả một cơ chế giải thích và thực hiện pháp luật nhất định. Nguyên tắc chung, phổ biến là các thẩm phán, các chủ thể giải thích vẫn phải làm việc trong giới hạn của ngôn ngữ. Giải thích theo nghĩa rộng chỉ xuất hiện khi kết thúc tất cả các giai đoạn và thủ thuật giải thích thông thường, khi giải thích theo nghĩa hẹp đã đi hết các chặng đường của nó. Các chủ thể được ủy quyền phải sử dụng những nội dung nhất định của cách giải thích này, trong một giới hạn, phạm vi vấn đề cụ thể, nếu không, các quy tắc giải thích thông thường, nguyên tắc phân chia quyền lực, nguyên tắc dân chủ trong hiến pháp, nguyên tắc tôn trọng sự tự trị của các văn bản tư… sẽ bị xâm phạm.

4. Giá trị và sự vận dụng lý thuyết giải thích pháp luật theo nghĩa rộng vào Việt Nam

Giá trị của giải thích theo nghĩa rộng nằm trong bản thân những nội dung mà hoạt động này chứa đựng, tuy nhiên cũng từ chính những nội dung này cho thấy đây là một hoạt động phức tạp và đòi hỏi sự thận trọng cao khi tiến hành. Việc chấp nhận và vận dụng những mức độ nào đó của lý thuyết này tùy thuộc vào quan niệm, vào truyền thống pháp luật, vào cơ chế thực hiện pháp luật, và vào trình độ, hiệu quả hoạt động của các chủ thể giải thích.

Nội dung của giải thích theo nghĩa rộng còn có thể được bổ sung, bởi nó phụ thuộc vào nhu cầu, vào cách thức tiếp cận văn bản khi hiểu, thực hiện trong thực tế, vào chính yêu cầu của văn bản khi giải thích, nó cũng biến đổi cùng với sự biến đổi chung của đời sống pháp lý… Tính mục đích là điều phải được cân nhắc đầu tiên khi vận dụng cách thức giải thích pháp luật này. Tiếp đến là việc thừa nhận vai trò của thẩm phán, sự tin tưởng đối với các kết quả xét xử, đến việc tạo lập và phát triển một cơ chế giải thích pháp luật hiệu quả…

Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng, ở một khía cạnh nào đó, sẽ tạo nên những tác động nhất định đến các nhà lập pháp trong việc biểu đạt và dự liệu các vấn đề có thể xảy ra bằng ngôn ngữ văn bản. Nó yêu cầu hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản phải có sự cân nhắc, dự liệu, bao quát và sát thực cao nhất có thể, đối với các tình huống trong cuộc sống.

Việc tiếp cận, vận dụng lý thuyết giải thích pháp luật theo nghĩa rộng một cách hợp lý là điều cần thiết. Tuy nhiên, muốn vận dụng có hiệu quả thì phải kiểm soát được nó, phải nhận thức và phát huy được những ưu điểm nó có thể mang lại, đồng thời hạn chế được những hậu quả kinh khủng mà nó có thể gây ra, nếu như tính mục đích trong quá trình giải thích bị điều khiển.

Việt Nam chúng ta đang bước đầu chú trọng đến công tác giải thích pháp luật, một phần vì thực trạng giải thích pháp luật thời gian qua, một phần vì chúng ta không thể đứng ngoài xu thế chung của thời đại.

Việc có một lý thuyết giải thích pháp luật đồng bộ, một thực tiễn giải thích pháp luật tương ứng là một mục tiêu lớn của Việt Nam. Hoạt động giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là hoạt động đòi hỏi một trình độ cao trên tất cả các phương diện pháp lý. Tham khảo, vận dụng ở mức độ thích hợp lý thuyết này, cũng chính là một cách hoàn thiện về lý luận và thực tiễn giải thích pháp luật của chúng ta trong quá trình hội nhập và phát triển.

(1) C. Ogden and I.Richard, The meaning of meaning, (10th ed, 1956); M.S.Moore, “Semantics of Judging”, 54 S. Cal. L.Rev. 151 (1981); H.Hart and A. Sachs, “ The legal process”, 1994

(2) K.Larenz, “Methodenlehre der Rechtswissenchaft”, (5th ed, 1983)

(3) F.V.Hawkins, “On the Priciple of Legal Interpretation”, (298-357, 1860) (4) J. Steyn, “Interpretation: Legal Texts and Their Landscape,” (73, 82, B. Markesinis ed, 2000)

(5) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, (61-97, Princeton Uni, 2005)

(6) J. H. Merryman, “The Italian Legal Style III: Interpretation”, 18 Stan. L. Rev. 583, 1996

(7) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, (67-68, Princeton Uni, 2005)

(8) N. Marsh, “Interpretation in a National and International”, (67, 1974)

(9) The Moorcock (1889) 14 P.D. 64; Luxor (Easthourne) Ltd v. Cooper (1941) A.C. 108

(10) E.A. Farnsworth, “Disputes over Omission in Contracts”, 68 colum. L. Rev. 860 (1986)

(11) Section 239 of the Portuguese Civil Code; E. Bucher et al., Schweizerisches Obligationenrecht 160 (1979)

(12) Article 4.8 of Unidroit, “Principle of International Commercial Contracts”, 284, 1994.

(13) R. v. Lord Esher, “Judge of City of London Court”, (273, 290, Q.B, 1892)

(14) Lewison,  supra p.42, note 130 at 227.

 (15) Sucession Law, 1965, 19 L.S.I. 58, 63, sec. 32.

 (16) Benion, supra p.6, note 13 at 751; Cross, supra p.3, note 3 at 16; Lewison, supra p.42, note 130 at 85

 (17) Cross, supra p.3, note 3 at 16.

Phạm Thị Duyên Thảo - Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội

Nguồn: Tạp Chí Nghiên Cứu Lập pháp

Văn bản hành chính có vai trò như thế nào ??

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là làm sao cho các văn bản ban hành đạt chất lượng cao nhất. Nhưng làm thế nào để đo được chất lượng của việc ban hành văn bản? Một khiếm khuyết dễ nhận thấy và đã để lại nhiều hệ lụy là việc phân tích chính sách ít được quan tâm đúng mức để làm cơ sở cho việc ban hành văn bản, thậm chí ngay trong Luật Ban hành các văn bản pháp luật cũng không đề cập công đoạn này. Các văn bản kém chất lượng thường xuất phát từ những nguyên nhân sau: Không thiết lập được những ưu tiên chính sách chính yếu; không đưa ra được những lựa chọn giữa các mục tiêu mâu thuẫn nhau; không chuyển hóa được những ưu tiên thành các văn bản hoạt động cụ thể; tạo ra một khoảng trống về chính sách do không có tính liên tục trong bộ máy hành chính hoặc do những nền tảng chính sách yếu kém và thiếu gắn kết; vai trò của tổ chức không rõ ràng hoặc có sự mâu thuẫn giữa các chương trình công tác của các bộ, ngành hoặc vì cả hai lý do này; các ý kiến đệ trình lên chính phủ không đánh giá đầy đủ về các khoản chi phí theo ngành dọc; có sự tồn tại song song các nhóm lợi ích từ bên ngoài không chịu trách nhiệm nhưng lại có khả năng tác động lên chính sách.

Có bốn nguyên tắc đặc biệt quan trọng trong một quy trình ra quyết định: tính kỷ luật, tính minh bạch, tính bền vững và lựa chọn cấu trúc. Theo nguyên tắc ra văn bản có tính kỷ luật cao, các quyết định cần phải nhất quán, có tính thực tiễn về mặt tài chính và khả năng thực hiện. Trong khi nguyên tắc này có vẻ hiển nhiên, trên thực tế nó lại ít khi được tôn trọng. Ở những nền hành chính kém phát triển, người ta thường ban hành quyết định mà không có sự cân nhắc, xem xét đầy đủ những chi phí tiềm tàng, đặc biệt là gánh nặng chi phí theo ngành dọc tác động lên ngân sách. Ví dụ, kết quả nghiên cứu ở một số nước châu Phi cho thấy hơn hai phần ba quyết định của nội các đưa ra không bao giờ được thực hiện. Ngoài ra, tính bền vững của việc ra quyết định cũng có vai trò quan trọng. Các quyết định nông nổi thường là cản trở lớn cho các hoạt động kinh tế.

Nguyên tắc cuối cùng của một quy trình ban hành văn bản là lựa chọn cấu trúc. Nhiều quyết định đệ trình lên chỉ là những vấn đề thường nhật, ví dụ như việc phê duyệt những thay đổi nhỏ về nhân sự của một bộ, hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự trong ngành ngoại giao… Những quyết định loại này thường được dễ dàng thông qua. Nhưng ở nhiều nước, cũng có việc dồn trách nhiệm dẫn tới việc nhiều vấn đề nhỏ nhặt cũng phải chờ chính phủ phê duyệt. Vì thế, cần phải thực hiện phân cấp ủy quyền để chính phủ có thời gian đầu tư vào những vấn đề chiến lược.

Từ những nguyên tắc chung, đã có những khuyến cáo những nhiệm vụ cụ thể cần được thực hiện, theo đó một cơ chế lập và điều phối để ban hành văn bản tốt phải thực hiện hiệu quả ít nhất năm nhiệm vụ sau: 1. Cung cấp hệ thống thu thập, xử lý thông tin và cảnh báo sớm về vấn đề cần quyết định; 2. Bảo đảm tham khảo đầy đủ ý kiến của mọi cơ quan và ban, ngành có liên quan tới vấn đề đang quan tâm; 3. Cung cấp các phân tích hỗ trợ và xem xét thận trọng các khả năng lựa chọn; 4. Ghi chép và phổ biến các quyết định; và 5. Giám sát quá trình thực hiện và theo dõi sát các bước tiến triển tiếp theo.

Tuy nhiên, nói chung, quy mô của các nhóm trực tiếp ban hành văn bản có thể là nhỏ nên hiệu quả của việc ban hành văn bản sẽ cao hơn, với điều kiện phải có một số cơ chế nhất định để tổ chức thu thập ý kiến rộng rãi từ các cơ quan của chính phủ cũng như từ công chúng. Do đó, điều quan trọng là không nên nhìn nhận các cơ chế lập chính sách trung ương một cách biệt lập. Thông thường, trong thành công của những cơ chế đó luôn có sự hỗ trợ của các cơ chế điều phối bổ sung. Những cơ chế này là rất đa dạng, từ những tiểu ban của chính phủ, các nhóm đặc trách liên bộ và các nhóm làm việc cho tới các văn phòng liên lạc với quốc hội và những ủy ban điều phối quan hệ giữa chính phủ và giới doanh nghiệp là những thiết chế có thể đóng vai trò bổ trợ hữu ích. Và một điều quan trọng cuối cùng là chính phủ cũng nên tìm cách khuyến khích sự hợp tác phi chính thức ở mọi cấp hành chính nhà nước, khơi thông dòng thông tin trong nội bộ chính phủ đến các cấp.

Nhiệm vụ và vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật


KHPL -
Nhiệm vụ và vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật (NGUYỄN NGỌC LÂM)

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 1 /2004

Nhiệm vụ và vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật

NGUYỄN NGỌC LÂM

ThS. Quỵền Trưởng Khoa Luật Quốc tế trường ĐH Luật TP.HCM

1. Vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật

1.1. Trong khoa học pháp lý Liên Xô (cũ) có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật. Tư pháp quốc tế được coi là nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế hay là trong hệ thống pháp luật quốc gia. Theo quan điểm của nhiều tác giả như: S.B Krulov; M.A Plokin; S.A Golunsky; M.S Strogovich; B.E Graba; A.M Ladưzinsky; I.P Blisenko; L.N Talenskaia… Các quy phạm của Tư pháp quốc tế nằm trong Luật quốc tế với nghĩa rộng của nó. Quan điểm này được các tác giả xây dựng dựa trên cơ sở theo đó giữa Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế có mối quan hệ về bản chất nội dung, có họ hàng gần gũi, có sự thống nhất về nguồn luật và được các tác giả coi sự thống nhất này có ý nghĩa quyết định. Trong giáo trình Luật điều ước quốc tế, xuất bản năm 1930 – S.B Krưlov viết: “Cần phải xem xét nội dung chủ yếu của Tư pháp quốc tế… thực sự đó là việc nghiên cứu các điều ước quốc tế mang nội dung của Tư pháp quốc tế”1. Quan điểm này dựa trên lý luận cho rằng trong các quan hệ của Tư pháp quốc tế mặc dù đó là các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động giữa các thể nhân và pháp nhân nhưng có yếu tố nước ngoài nên nó có sự liên quan chặt chẽ đến quan hệ giữa các quốc gia, theo đó mọi tranh chấp, xung đột trong mọi lĩnh vực pháp luật dân sự giữa các công ty riêng biệt, ngay cả xung đột về ly hôn giữa công dân của các quốc gia khác nhau cũng có thể phát sinh thành xung đột giữa các quốc gia.

1.2. Một trường phái khác do L.A Luns đứng đầu và được các tác giả khác như A.B Gureev; K.Ph Egorov; V.P Zvekov; S.N Lelegev; A.L Makovsky; G.K Matvev; N.V Orlova; V.S Pozniakov; M.G Pozenberg; A.A Rubanov; O.N Sadikov… ủng hộ. Trong bộ giáo trình Tư pháp quốc tế (3 tập) của mình L.A Luns cho rằng để xem xét bản chất nội dung của các quy phạm Tư pháp quốc tế trước hết cần phải xem xét đến tính chất của các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của nó, mà trước hết các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là các quan hệ mang tính chất dân sự. Do vậy Tư pháp quốc tế trước hết nó là một bộ phận của pháp luật dân sự quốc gia. Khoa học Tư pháp quốc tế là một bộ phận của khoa học pháp luật dân sự2.

Trong nhiều công trình về Công pháp quốc tế nhiều tác giả như I.I Lukasuk; E.T Usenko; A.P Movchan… cũng có quan điểm cho rằng xét về nội dung của các quy phạm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh thì Tư pháp quốc tế là một bộ phận của của hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau.

1.3. Trong khoa học pháp lý Tư pháp quốc tế ở Việt Nam mặc dù còn non trẻ chưa có nhiều công trình nghiên cứu lớn và chuyên sâu trong lĩnh vực này, “ngay cả trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời kỳ này (1945-1975) cũng rất hiếm khi đề cập đến các quan hệ Tư pháp quốc tế”3. Nhưng bước đầu Tư pháp quốc tế ở Việt Nam cũng đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu như: Trong giáo trình Tư pháp quốc tế của trường Đại học Luật Hà Nội của tập thể tác giả do tiến sĩ Bùi Xuân Nhự chủ biên cho rằng “Tư pháp quốc tế là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, mặt khác trong khoa học nói chung nó lại là một ngành khoa học độc lập mà đối tượng nghiên cứu của nó là lĩnh vực quan hệ pháp luật dân sự, phát sinh trong đời sống quốc tế…. Điều này khẳng định rằng: Thứ nhất Tư pháp quốc tế nghiên cứu các quan hệ pháp luật dân sự”4. Trong giáo trình Tư pháp quốc tế của Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội của tập thể tác giả do tiến sĩ Nguyễn Bá Diến chủ biên cũng cho rằng “Nhờ mang tính chất tài sản, nhân thân và có yếu tố nước ngoài mà đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế đã góp phần khẳng định rằng: Tư pháp quốc tế là một ngành luật riêng biệt, không những độc lập với các ngành luật khác thuộc hệ thống pháp luật quốc gia, mà còn độc lập với luật quốc tế”5. Trong sách tham khảo Một số vấn đề lý luận cơ bản của Tư pháp quốc tế của tiến sĩ Đoàn Năng lại cho rằng “Hiện tại Tư pháp quốc tế tồn tại độc lập với Công pháp quốc tế và cả với pháp luật quốc gia như là một tiểu hệ thống nằm giữa hai hệ thống, nhưng liên quan, gắn bó rất chặt chẽ với cả Công pháp quốc tế và Pháp luật quốc gia”6.

Như vậy trong hai giáo trình Tư pháp quốc tế ở Việt Nam không khẳng định một cách cụ thể là Tư pháp quốc tế nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế hay hệ thống pháp luật quốc gia, như cách làm của các nhà khoa học nước ngoài - thường khẳng định rõ quan điểm của mình. Ngược lại có quan điểm khác lại cho rằng Tư pháp quốc tế là một tiểu hệ thống (pháp luật) nằm giữa hai hệ thống (Pháp luật quốc tế và Pháp luật quốc gia). Thật vậy “Không có một lĩnh vực nghiên cứu pháp luật nào trong khoa học pháp lý như lĩnh vực khoa học về Tư pháp quốc tế – Một lĩnh vực mà trong đó còn tồn tại rất nhiều các quan điểm trái ngược nhau về ngay cả những vấn đề cốt lỏi như vị trí của nó trong hệ thống pháp luật nói chung và trong hệ thống pháp luật quốc gia nói riêng”7.

1.4. Theo chúng tôi thì hiện tại trong các sách báo pháp lý ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đều thể hiện một cách khá rõ ràng là “Bên cạnh hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia còn tồn tại hệ thống pháp luật quốc tế”8. Như vậy trên thực tế chỉ tồn tại hai hệ thống pháp luật đó là hệ thống Pháp luật quốc tế và hệ thống Pháp luật quốc gia mà không tồn tại một hệ thống pháp luật trung gian thứ ba nào khác. Do vậy Tư pháp quốc tế không là một ngoại lệ. Hoặc Tư pháp quốc tế nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế hoặc trong hệ thống pháp luật quốc gia. “Theo quan điểm được nhiều người thừa nhận hiện nay. Tư pháp quốc tế là một bộ phận pháp luật quốc gia chứ không phải pháp luật quốc tế hay bộ phận pháp luật liên hệ thống. Hơn thế Tư pháp quốc tế được xem là một ngành pháp luật độc lập đặc biệt trong hệ thống pháp luật quốc gia”9. Mặc dù có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là Tư pháp quốc tế ở Việt Nam hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Còn nhiều vấn đề trong lý luận chưa được hoàn chỉnh, thiếu sự thống nhất trong cách tiếp cận ngay cả những vấn đề cơ bản nhất.

Do vậy khi bàn đến vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật chúng tôi cho rằng cần phải xem xét một cách toàn diện trên cơ sở phân tích, so sánh các nội dung như: Đối tượng điều chỉnh; Phương pháp điều chỉnh; Chủ thể; Nguồn luật cũng như cách thức thực hiện biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế với Luật dân sự và Tư pháp quốc tế với Công pháp quốc tế để từ đó có kết luận mang tính thuyết phục hơn.

- Thứ nhất: Về đối tượng điều chỉnh thì Tư pháp quốc tế điều chỉnh các quan hệ mang tính chất dân sự (dân sự theo nghĩa rộng), khác với quan hệ dân sự của pháp luật quốc gia đó là các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia. Yếu tố nước ngoài tham gia trong các quan hệ Tư pháp quốc tế có thể được phân thành ba nhóm phụ thuộc vào quan hệ pháp luật mà nó có liên quan.

+ Nhóm thứ nhất: Yếu tố nước ngoài là chủ thể tham gia trong các quan hệ pháp luật mang tính chất dân sự. Đó là các thể nhân và pháp nhân nước ngoài, trong một số trường hợp Quốc gia tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt.

+ Nhóm thứ hai: Yếu tố nước ngoài ở đây là khách thể của quan hệ pháp luật, là các tài sản có liên quan đến quan hệ pháp luật đó đang nằm ở nước ngoài.

+ Nhóm thứ ba: Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật đó xảy ra ở nước ngoài.

Yếu tố nước ngoài trong quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế có thể tồn tại trong bất kỳ nhóm nào. Quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong Bộ luật Dân sự CHXHCN Việt Nam năm 1995 tại Điều 826 đó là “…Yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Căn cứ vào quy định tại Điều 826 Bộ luật Dân sự thì ở Việt Nam đã có quan điểm khẳng định: Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là các quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật dân sự đó phải có yếu tố nước ngoài tham gia.

Yếu tố nước ngoài theo chúng tôi đó là quan hệ mang tính chất dân sự vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Khác với quan hệ mang tính chất chính trị giữa các quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh của Công pháp quốc tế.

Như vậy về mặt bản chất đối tượng điều chỉnh của hai ngành luật Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế - được coi là có tính “quốc tế” này hoàn toàn khác nhau.

Xét về đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với Luật dân sự thì sự khác nhau là khá rõ ràng đó là Tư pháp quốc tế điều chỉnh các quan hệ pháp luật “Tư”. Nó bao gồm các quan hệ trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động… hay nói một cách khác là các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia, còn đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là những nhóm “…Quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự”10.

- Thứ hai: Về phương pháp điều chỉnh thì Công pháp quốc tế điều chỉnh chủ yếu bằng phương pháp thỏa thuận (thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế) giữa các chủ thể của Công pháp quốc tế với nhau. Còn Tư pháp quốc tế điều chỉnh bằng hai phương pháp mang tính đặc thù của ngành luật này đó là phương pháp thực chất - bằng cách áp dụng các quy phạm thực chất, trong đó quy phạm này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như cách thức áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định của một hệ thống pháp luật quốc gia xác định và phương pháp xung đột – áp dụng các quy phạm xung đột để “dẫn chiếu” đến hệ thống pháp luật quốc gia cần được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Như vậy ở đây chúng ta cũng thấy rõ sự khác nhau giữa phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với Luật dân sự đó là phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột còn phương pháp của luật dân sự là phương pháp bình đẳng thỏa thuận.

Tóm lại: Theo Lý luận nhà nước và pháp luật truyền thống khoa học pháp lý để phân biệt ngành luật này với một ngành luật khác cần phải “Dựa trên hai căn cứ là đối tượng điều chỉnh (những quan hệ xã hội có đặc điểm cùng loại cần điều chỉnh) và phương pháp điều chỉnh (cách thức tác động vào các quan hệ đó)”11 thì chúng ta có thể kết luận sơ bộ rằng Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế là những ngành luật độc lập với nhau.

- Thứ ba: Xét về chủ thể của hai ngành luật này chúng ta thấy: Chủ thể cơ bản của Công pháp quốc tế đó là các quốc gia có chủ quyền. Còn chủ thể cơ bản của Tư pháp quốc tế đó là các thể nhân và pháp nhân của các nước khác nhau, trong một số trường hợp quốc gia tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế. Như vậy chủ thể của hai ngành luật này là các “loại” chủ thể khác nhau về quyền lực và địa vị pháp lý khi tham gia vào các quan hệ pháp luật.

- Thứ tư: Biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế cũng khác nhau về mặt bản chất. Biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế là bồi thường thiệt hại mang tính tài sản, pháp luật của các quốc gia được áp dụng để điều chỉnh. Còn chế tài trong Công pháp quốc tế mang tính chính trị, phản đối về ngoại giao… tuy rằng có những trường hợp áp dụng các chế tài mang tính tài sản như bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế gây thiệt hại của quốc gia gây nên cơ sở pháp lý của việc áp dụng các biện pháp chế tài là do chính các chủ thể thỏa thuận trong các điều ước quốc tế.

- Thứ năm: Ngoài một điểm riêng của Tư pháp quốc tế có nguồn là pháp luật quốc gia thì hai ngành luật này đều có nguồn chung đó là điều ước quốc tế. Đây cũng được coi là điểm cơ bản làm xuất phát điểm để nhiều tác giả cho rằng Tư pháp quốc tế là một phần của Luật quốc tế, đặc biệt là trong tương lai khi các quốc gia tham gia vào mọi lĩnh vực hợp tác quốc tế, thì các điều ước quốc tế sẽ là nguồn cơ bản chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ trong mọi lĩnh vực của quốc gia. Sự phát triển của quá trình hội nhập, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, sự tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật lên sự điều chỉnh pháp luật - Tất cả các yếu tố này cho thấy một xu hướng vai trò, vị trí của điều ước quốc tế là nguồn của Tư pháp quốc tế ngày càng được nâng cao.

Theo chúng tôi, một điều không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn của Tư pháp quốc tế là các điều ước quốc tế, nhưng pháp luật quốc gia vẫn tồn tại như là một “quy luật” tất yếu khách quan, không thể không có pháp luật quốc gia, đây chính là chủ quyền cơ bản của quốc gia được pháp luật quốc tế khẳng định và ghi nhận. Pháp luật quốc gia là cơ sở là nền tảng cho mọi quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.

Như vậy pháp luật quốc gia được coi và vẫn tiếp tục được coi là nguồn cơ bản của Tư pháp quốc tế. Điều này đã được công nhận trong khoa học pháp lý của nhiều quốc gia trên thế giới. A. Batiffol một luật gia người Pháp khẳng định pháp luật của quốc gia này là hoàn toàn khác với pháp luật của quốc gia khác. Vì vậy tồn tại một cách độc lập pháp luật của Đức, Pháp, Italia…12. “Không thể tồn tại một Tư pháp quốc tế thống nhất – GS. Kh Fonbar khẳng định trong bài phát biểu của mình năm 1987 – Các quốc gia khác nhau có Tư pháp quốc tế riêng của mình và nội dung của nó có sự khác nhau về cơ bản”13. Như vậy ở mỗi quốc gia khác nhau (ngoại trừ những trường hợp áp dụng các nguyên tắc và quy phạm thực chất và xung đột thống nhất trong các điều ước quốc tế) trong việc điều chỉnh các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia không sử dụng một loại quy phạm của Tư pháp quốc tế chung, mà mỗi quốc gia khác nhau áp dụng các quy phạm khác nhau.

1.5. Căn cứ vào những phân tích trên cho chúng ta thấy đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế thực chất là các quan hệ pháp luật dân sự “đặc biệt”, tính đặc biệt này được thể hiện là các quan hệ này có yếu tố nước ngoài tham gia. Chính vì vậy theo chúng tôi đưa Tư pháp quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia là hợp lý nhất. Nằm trong hệ thống pháp luật quốc gia nhưng Tư pháp quốc tế là một ngành luật độc lập. Như đã phân tích ở phần trước Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng. Ở Việt Nam do chưa có điều kiện ban hành một đạo luật Tư pháp quốc tế riêng, nên các quy phạm của Tư pháp quốc tế nằm trong Bộ luật Dân sự và ở một số ngành luật khác như trong luật thương mại, đầu tư, quốc tịch, hôn nhân và gia đình, lao động… nhưng cũng không phải vì thế mà cho rằng Tư pháp quốc tế là một phần của Luật dân sự trong nước.

Ngày nay Tư pháp quốc tế có sự phát triển nhanh chóng trên cơ sở từ các chế định, nguyên tắc của Luật quốc tế cũng như các chế định của luật Dân sự trong nước của các quốc gia khác nhau. Do vậy khi nghiên cứu môn khoa học pháp lý này cần vận dụng phương pháp so sánh pháp luật để nghiên cứu mối liên hệ giữa Tư pháp quốc tế với Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế với Luật dân sự nhằm đạt hiệu quả và có cách nhìn nhận đánh giá vấn đề một cách toàn diện hơn.

2. Nhiệm vụ của Tư pháp quốc tế Việt Nam

Trong điều kiện hiện nay việc tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, thực hiện việc đổi mới quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài đã đặt ra trước khoa học Tư pháp quốc tế của nước ta những nhiệm vụ mới, liên quan đến việc xây dựng, soạn thảo những văn bản pháp lý khác nhau điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, bảo hiểm và các quan hệ khác trong thực tiễn đời sống có yếu tố nước ngoài tham gia…. Trên cơ sở này đã hình thành những nhiệm vụ chủ yếu của Tư pháp quốc tế ở Việt Nam đó là:

- Hoàn thiện về mặt pháp lý đối với quá trình hội nhập của nước ta trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế nói riêng và trong mọi mặt của đời sống xã hội của Nhà nước Việt Nam nói chung.

- Thúc đẩy việc áp dụng những hình thức hợp tác mới, sâu rộng hơn và mang lại hiệu quả hơn, trước hết là những hình thức khác nhau của hoạt động liên doanh, liên kết trong hoạt động kinh tế, thương mại.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, của công dân, tổ chức và các công ty của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài.

- Mở rộng việc bảo hộ các quyền hợp pháp của người nước ngoài ở Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau như: thương mại, đầu tư, lao động, hôn nhân và gia đình. Bảo đảm các quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong tố tụng dân sự của người nước ngoài tại Việt Nam và của công dân Việt Nam ở nước ngoài…

Trong thế kỷ của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, của sự hợp tác trong điều kiện hội nhập kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia, khi mà các hoạt động được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia nhưng có quan hệ đến các quốc gia khác và có thể mang lại một hậu quả pháp lý nhất định giữa các quốc gia thì sự hiểu biết về Tư pháp quốc tế có thể giúp các cơ quan có chức năng thẩm quyền trong việc bảo vệ có hiệu quả hơn tài sản quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, pháp nhân của Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó ý nghĩa thực tiễn to lớn của việc nghiên cứu và nắm vững những vấn đề của Tư pháp quốc tế là hết sức cần thiết không những cho các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động kinh tế mà cũng hết sức cần thiết cho các Thẩm phán, Kiểm sát viên; Công chứng viên và các Luật gia, Luật sư làm việc trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực “...Theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…”14

1 Xem Giáo trình Luật điều ước quốc tế,C.B. Krưlov, Nxb Maxcơva, 1930, tr. 21.

2 Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế (3 tập) Phần chung, GS-TS. Luật học L.A Luns, Nxb. Maxcơva, 1973, tr. 11 - 60.

3 Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế, Khoa luật ĐHQG Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Bá Diến chủ biên, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1997, tr. 63.

4 Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế, Trường ĐH Luật HN, TS Bùi Xuân Như chủ biên, Nxb Công an nhân dân, 1997, tr. 6 - 7.

5 Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế, Khoa luật ĐHQG Hà Nội, sđd, tr. 7.

6 Xem Một số vấn đề lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế (sách tham khảo), TS Đoàn Năng, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 51.

7 Xem Mối quan hệ giữa Tư pháp quốc tế và Luật dân sự, TS Nguyễn Trung Tín, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4/1996, tr. 24.

8 Xem Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, PGS-TS Lê Minh Tâm (chủ biên), Nxb Công an nhân dân, 1998, tr. 403.

9 Xem Mối quan hệ giữa Tư pháp quốc tế và Luật dân sự, TS Nguyễn Trung Tín, bài đã dẫn, tr 24.

10 Xem Điều 1 Bộ luật dân sự CHXHCN Việt Nam 1995.

11 Xem Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, PGS-TS Lê Minh Tâm (Chủ biên), sđd, tr. 393.

12 Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế (Bản tiếng Nga), GS-TS Luật học M.M. Boguxlavski, Nxb Iurixt Moscova, 1998, tr. 27.

13 Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế (Bản tiếng Nga), GS-TS luật học M.M.Boguxlavski, sđd, tr. 27.

14 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 120.

Nguon: Tap Chi Khoa Hoc Phap Ly - DH.Luat TP.HCM

Triết học pháp luật trong hệ thống các khoa học pháp lý

16 Tháng 9
Tóm tắt. Bài viết phân tích những vấn đề cơ bản thuộc đối tượng nghiên cứu của triết học pháp luật liên hệ vào thế giới đương đại. Triết học pháp luật, xã hội học pháp luật và lý luận pháp luật là ba cách thức – ba hướng nghiên cứu cơ bản trong khoa học pháp lý hiện đại. Tác giả cũng nêu lên một số vấn đề cơ bản, cấp bách của triết học pháp luật hiện nay như: mối quan hệ giữa đạo đức, pháp luật, dân chủ và tự do, giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, nhận thức pháp luật và một số vấn đề triết học pháp luật chuyên ngành khác. Tác giả đề xuất việc triển khai nghiên cứu triết học pháp luật trên cả hai phương diện: tích hợp ngay trong nghiên cứu lý luận pháp luật truyền thống cùng với xã hội học pháp luật và: xây dựng triết học pháp luật như là một bộ môn khoa học pháp lý độc lập trong hệ thống các khoa học pháp lý.
Đặt vấn đề
Trong hệ thống các khoa học pháp lý, triết học pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng trên cấp độ chung và cấp độ chuyên ngành. Nói một cách đơn giản nhất, triết học pháp luật chính là cách tiếp cận triết học các vấn đề pháp luật và các vấn đề nhà nước trong mối quan hệ với pháp luật. Ở nước ta, trong những năm gần đây đã bắt đầu có sự quan tâm nghiên cứu, bàn luận về triết học pháp luật. Tuy vậy, so với tầm vóc và ý nghĩa của bộ môn khoa học pháp lý này cũng như sự phát triển của nó trên thế giới, việc nghiên cứu ở nước ta về triết học pháp luật vẫn còn rất khiêm tốn, cả trong lý luận hàn lâm và lý luận giảng đường.
1. Ba con đường – ba cách thức – ba hướng cơ bản về tiếp cận pháp luật
Trong khoa học từ xa xưa đã hình thành nên ba con đường hay ba cách thức cơ bản về tiếp cận pháp luật, nhà nước: lý luận pháp luật, triết học pháp luật và xã hội học pháp luật. Đó cũng chính là ba hướng tiếp cận pháp luật cần được quan tâm triển khai ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Có làm được điều này thì chúng ta mới có thể khắc phục nhanh chóng được sự lạc hậu và chủ động tham gia hội nhập, trong đó có hội nhập về tư tưởng, về khoa học và đào tạo luật học. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, ngoài ra còn một số cách tiếp cận khác về nhà nước, pháp luật như: tâm lý học pháp luật, kinh tế học pháp luật, nhân chủng học pháp luật v.v… Nhưng với tư cách là những cách thức, hướng tiếp cận có tính liên ngành, chung và cơ bản nhất vẫn là: triết học pháp luật, lý luận pháp luật và xã hội học pháp luật.
Ba cách thức – ba hướng tiếp cận các vấn đề pháp lý không phải hoàn toàn tách biệt nhau mà luôn có sự tích hợp trong việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Về phương diện này những năm gần đây ở nước ta bước đầu đã được triển khai nghiên cứu tuy chưa thường xuyên và sâu sắc. Ví như vấn đề triết lý của luật thương mại, triết lý của quan hệ lao động, triết lý lập pháp, mối quan hệ giữa xã hội và pháp luật; mối quan hệ giữa pháp luật và tập quán, luật tục, hương ước, tôn giáo, đạo đức v.v… Không chỉ trong các ấn phẩm khoa học mà cả trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo luật, đặc biệt là tại Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, trong nhiều môn học đã có sự tích hợp ba cách tiếp cận pháp luật này – lý luận pháp luật, triết học pháp luật và xã hội học pháp luật.
Lý luận pháp luật nghiên cứu nội dung bên trong và mối quan hệ của các quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật. Lý luận pháp luật có hai cấp độ cơ bản: lý luận chung về pháp luật và lý luận pháp luật chuyên ngành – lĩnh vực pháp luật như lý luận luật hình sự, lý luận luật hành chính, luật lao động, luật dân sự v.v… Lý luận pháp luật có đặc trưng tiêu biểu là nghiên cứu các khái niệm, các phạm trù, các nguyên tắc pháp luật, hệ thống pháp luật thực định, đương nhiên không chỉ nghiên cứu bản thân hệ thống pháp luật thực định mà cả những nguyên lý tạo thành, áp dụng, vận động và phát triển của pháp luật. Như vậy, thực chất cũng đã có sự tích hợp một số cách tiếp cận triết học pháp luật vào lý luận pháp luật. Xét trên bình diện tổng thể, đến lượt mình, bản thân lý luận pháp luật đích thực cũng đã phải bao hàm các cấp độ của triết học pháp luật, xã hội học pháp luật, kinh tế học pháp luật và lý luận pháp luật. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự tích hợp triết học pháp luật vào nội dung của lý luận pháp luật như là phần bổ sung không thôi thì cũng chưa đầy đủ mà cần hình thành và phát triển một hướng nghiên cứu mang tính độc lập tương đối về triết học pháp luật với tư cách là một hướng, một cách thức tiếp cận pháp luật chuyên sâu. Tại các quốc gia có nền văn hoá pháp luật lâu đời và tiên tiến, triết học pháp luật luôn được quan tâm trong giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng. Hiệp hội triết học pháp luật của nhiều nước châu Âu vẫn được nhóm họp hàng năm để hợp tác các hoạt động nghiên cứu chung.
Xã hội học pháp luật có đối tượng nghiên cứu đó là những gì phát sinh và phát triển, gây ảnh hưởng và tác động đến pháp luật, tức là xem xét cơ sở xã hội của pháp luật, tính bị quy định về xã hội của pháp luật [1, tr.448]. Đối tượng nghiên cứu của xã hội học pháp luật cần xác định rõ để không lẫn lộn với phương pháp xã hôi học trong nghiên cứu của lý luận về pháp luật – nghiên cứu pháp luật trong đời sống thực tiễn. Tính quy định xã hội của pháp luật chính là vấn đề cơ bản nhất của xã hội học pháp luật. Theo đấy, xã hội học pháp luật tập trung nghiên cứu (lý thuyết và ứng dụng, thực nghiệm) sự tác động của các nhân tố tâm lý – xã hội – công nghệ – kỹ thuật đối với các hiện tượng của đời sống pháp luật và nhà nước. Sự tác động trở lại của pháp luật đối với đời sống xã hội cũng là nội dung quan trọng của xã hội học pháp luật như vấn đề hiệu quả của pháp luật trong các lĩnh vực xã hội: kinh doanh, lao động, việc làm; trật tự an toàn giao thông, hiệu quả của các loại hình dịch vụ pháp lý vv…
Triết học pháp luật (THPL) xuất hiện từ thời cổ đại như là khát vọng mong muốn đạt được nhận thức quy luật tồn tại của pháp luật, mục đích và nhiệm vụ, khả năng, ưu điểm và hạn chế của pháp luật. Với tư cách là khoa học pháp lý độc lập, THPL có nhiệm vụ thực hiện những chức năng khoa học chung, có tính chất phương pháp luận, nhận thức luận và là bộ môn khoa học liên ngành của luật học và triết học. THPL nghiên cứu ý nghĩa, bản chất, khái niệm pháp luật, các cơ sở tồn tại và vị trí của pháp luật trong xã hội, giá trị và tầm quan trọng của pháp luật, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. THPL có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý trong pháp luật, tính công bằng, nhân văn của pháp luật. THPL không chỉ nghiên cứu pháp luật, mà còn nghiên cứu cả nhà nước, mặc dù trọng tâm là pháp luật. Trong THPL của mình, Hêghen cũng có cách tiếp cận như vậy: “Hệ thống các học thuyết về nhà nước, pháp luật, xã hội chính là triết học pháp quyền của Hêghen”[2, tr.46]. Cách tiếp cận triết học pháp luật của Mônteskiơ cũng được thể hiện rõ, trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” – ông nghiên cứu cả Nhà nước trong mối tương quan với pháp luật và ngược lại.
THPL là một khoa học liên ngành giữa luật học và triết học. Cả khoa học pháp lý và triết học đều cần tìm kiếm chân lý pháp luật đều cần đến một ngành khoa học. Chính bản thân lĩnh vực pháp lý có mối quan tâm đến phương diện triết học chứ không phải là một sự ghán ghép, áp đặt. Ví dụ như vấn đề triết học trong lĩnh vực pháp luật lao động, trong lĩnh vực tội phạm và hình phạt, xu hướng vận động của tội phạm cũng như hình phạt, mối quan hệ biện chứng giữa tự do và trách nhiệm trong trách nhiệm hình sự v.v… Hoặc, trong lĩnh vực luật hiến pháp, tư duy triết học là cơ sở khoa học cho các nguyên tắc và quy tắc hiến pháp. Ngay bản thân Nhà nước pháp quyền, trên phương diện tư tưởng, học thuyết thì đây đích thực là một học thuyết triết học – chính trị – pháp lý về nhà nước, pháp luật. Nguyên tắc phân chia quyền lực trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng vậy, tiếp cận triết học pháp luật sẽ cho phép nhận thức đúng bản chất và từ đó mới có sự áp dụng đúng đắn trên thực tiễn nguyên tắc phân chia quyền lực. Phải nhận thức vấn đề phân chia quyền lực – sự thống nhất của các mặt đối lập, thống nhất là tuyệt đối, độc lập, phân chia là tương đối trong thể thống nhất về quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước về bản chất là thống nhất. Những sự kiện trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua đã làm tăng thêm tính đa dạng, phong phú, sinh động, phức tạp và mới trong đời sống chính trị – pháp lý toàn cầu, những sự kiện như: một quốc gia hai chế độ, sự thành lập và củng cố các liên minh nhà nước, quốc hội, hiến pháp chung của các thiết chế này v.v… Đó là những điều cần phải được lý giải dưới góc độ của THPL.
Mối quan tâm chính của THPL là ý nghĩa, vị trí, vai trò của pháp luật và luật học trong thế giới quan triết học, trong hệ thống các học thuyết triết học về thế giới, về xã hội, con người, hình thức và quy phạm của đời sống xã hội, về con đường và phương pháp nhận thức, về hệ thống các giá trị pháp luật, giá trị đạo đức, giá trị tôn giáo v.v… THPL nói một cách đơn giản nhất là sự tiếp cận pháp luật từ phương diện triết học – hay những vấn đề triết học của pháp luật. Theo Hêghen, tác giả của tác phẩm nổi tiếng: “Triết học pháp quyền” thì triết học pháp quyền nghiên cứu tư tưởng của pháp luật. Nhiệm vụ chủ yếu của triết học pháp quyền là tìm hiểu những tư tưởng chủ đạo nằm trong pháp luật tạo nên tinh thần pháp luật [3, tr.59]. Tư tưởng triết học pháp quyền của Hêghen thực chất là tư tưởng về nguyên tắc và tính chất của pháp luật [4, tr.13].
THPL nghiên cứu bản chất, vai trò, giá trị của pháp luật, lý luận pháp luật nghiên cứu nội dung bên trong và mối tương quan của các quy phạm pháp luật, các quan hệ pháp luật; các kỹ năng áp dụng pháp luật, còn xã hội học pháp luật – chính là thực tiễn pháp luật, là mối tương tác đa chiều giữa pháp luật và các nhân tố xã hội. Cả ba lĩnh vực trên ở mức độ này hay mức độ khác đều có thể được xem là những lĩnh vực tri thức khoa học độc lập, có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong việc xem xét các vấn đề pháp lý. THPL, xã hội học pháp luật và lý luận pháp luật là ba cách, ba con đường, ba hướng tiếp cận pháp luật. Mỗi một vấn đề pháp lý thuần tuý luôn luôn chịu sự chi phối, tác động của các vấn đề xã hội. Đó là hướng – cấp độ nghiên cứu pháp luật của xã hội học pháp luật. Trong việc nghiên cứu các vấn đề pháp lý dù ở cấp độ chung, khái quát hay chuyên ngành cụ thể, chúng ta đều không thể bỏ qua, không thể lẩn tránh được các vấn đề của triết học pháp luật và xã hội học pháp luật. Các vấn đề triết học về nhà nước và pháp luật. Vấn đề quyền con người cũng phải tiếp cận từ phương diện triết học pháp luật, trong đó có mối quan hệ giữa quyền con người và sự giới hạn quyền lực nhà nước, giới hạn cả bản thân quyền con người, tương quan giữa quyền con người và lợi ích công cộng…
Bất kỳ một hiện tượng pháp luật nào, một loại hành vi pháp luật – hợp pháp hay không hợp pháp về nguyên tắc đều phải được tiếp cận theo cả ba cách thức: lý luận pháp luật, triết học pháp luật và xã hội học pháp luật. Chỉ có điều, tuỳ thuộc vào yêu cầu, mục đích của việc nghiên cứu cụ thể mà hàm lượng và tỷ lệ tương quan giữa chúng được phân bổ hợp lý. Ví như trong nghiên cứu hiện tượng tham nhũng, bên cạnh việc nghiên cứu các quy phạm pháp luật hiện hành về xử lý hành vi tham nhũng, cần thiết phải nghiên cứu các vấn đề triết học và xã hội học của tham nhũng như sự tác động của các nhân tố tâm lý – xã hội đến tham nhũng, xu hướng vận động của hiện tượng này. Có như vậy mới có sự đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có hệ thống về tham nhũng và trên cơ sở đó có thể đề xuất những giải pháp hữư hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất loại tội phạm này này. Vấn đề tham nhũng theo đấy được nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học, ngay trong luật học cũng cần được nghiên cứu từ góc độ lý luận chung về pháp luật và lý luận của các chuyên ngành luật học.
Lâu nay giữa các nhà chính trị học, nhà luật học thay vì liên kết, hợp tác chặt chẽ họ lại riêng rẽ trong việc nghiên cứu các vấn đề nhà nước, pháp luật và xã hội. Mỗi khoa học thường chỉ theo đuổi mục đích, đặc thù nghiên cứu riêng của mình. Nhà luật học, chẳng hạn thường là ít hoặc không quan tâm đến các qúa trình chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của quốc gia và nhân loại. Còn nhà chính trị học lại ít quan tâm đến các vấn đề pháp luật, áp dụng pháp luật… Trong khi đó, pháp luật, sự ban hành và áp dụng pháp luật lại là những vấn đề xã hội, phụ thuộc vào những điều kiện khách quan của xã hội, chỉ có thể lý giải và minh chứng từ chính các quá trình xã hội. Trong trường hợp đó, THPL là khoa học nghiên cứu, liên kết cả hai. Sự tách biệt giữa hai khoa học này – chính trị học và luật học cần được khắc phục cũng chính như sự độc lập tương đối của bản thân các vấn đề chính trị và pháp luật. Khoa học triết học pháp luật có thể làm nhiệm vụ đó.
Triết học pháp luật có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý trong pháp luật. Đã đành rằng pháp luật do công quyền quy định, người đại diện chính thức cho toàn xã hội, song nói đến pháp luật còn phải xem xét đến tính chân lý, công bằng, tính đúng đắn, tính nhân văn. Trong lý luận pháp luật thường có sự đồng nhất giữa Luật và Pháp luật. Quan điểm tiếp cận này về pháp luật, coi pháp luật nói chung là pháp luật khách quan, pháp luật thực định tức đã đồng nhất pháp luật với luật. Điều đặc trưng cho lý thuyết pháp luật nói chung là quy về quy phạm học, cách quan niệm này cho rằng chân lý của pháp luật ở chính trong pháp luật và được giới hạn ở ý chí của nhà làm luật, quan điểm và ý kiến của người cầm quyền chính là pháp luật khách quan. Quan điểm này tất nhiên không hoàn toàn phù hợp với bản chất và yêu cầu của chân lý, pháp luật chân chính không phải được dựa trên ý chí chủ quan của một thế lực nào mà là dựa trên chân lý, lẽ phải. Đó là những vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của THPL. Trong THPL có một phần quan trọng đó là lý luận nhận thức pháp luật, mà cơ sở của nó là vấn đề sự khác biệt và tương quan giữa pháp luật và luật.
Một trong những nội dung nghiên cứu của THPL là pháp luật trong sự khác biệt và tương quan với các loại quy tắc điều chỉnh xã hội khác. Theo đấy, có những mối quan hệ thường trực như mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức, tôn giáo và ngay chính với nhà nước. Xét về cơ cấu, triết học pháp luật có hai phần: phần chung của THPL là những vấn đề triết học của pháp luật như bản chất, vai trò, giá trị xã hội của pháp luật; mối quan hệ giữa pháp luật với các loại công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác, mối quan hệ biện chứng giữa nhà nước và pháp luật, giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự; giữa nội dung và hình thức nhà nước; mối quan hệ của cá nhân và pháp luật; v.v… Phần riêng của THPL là những tư tưởng truyền thống và hiện đại của THPL. Theo đấy là những quan điểm cơ bản về pháp luật và nhà nước trong mối quan hệ với pháp luật, cá nhân trong mối quan hệ với nhà nước và pháp luật trong các hệ tư tưởng pháp luật của nhân loại qua các chặng đường lịch sử.
Trong tương quan giữa xã hội học pháp luật và triết học pháp luật, nếu xã hội học pháp luật quan tâm đến hành vi thực tế, đến thực tại pháp luật thì triết học pháp luật cung cấp khả năng về nhận thức – những nhận thức về vai trò giá trị xã hội của pháp luật, vị trí, ý nghĩa sự điều chỉnh pháp luật, giá trị của pháp luật đối với thang giá trị xã hội nói chung.
2. Một số vấn đề cơ bản thuộc đối tượng nghiên cứu của THPL trong bối cảnh hiện nay
Nhiệm vụ và vai trò của THPL là rất to lớn, đối tượng nghiên cứu của THPL do vậy cũng bao gồm nhiều vấn đề. Bước đầu có thể nêu một số vấn đề, một số hướng chủ yếu trong THPL hiện nay như sau.
2.1. Về nhận thức – quan niệm pháp luật
Một trong những vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới lý luận đó là nhận thức về pháp luật, pháp luật là gì, nên hiểu như thế nào và đến giới hạn nào về pháp luật. Từ xa xưa triết gia người Đức Kantơ đã nhận xét: các luật gia luôn đi tìm một định nghĩa về pháp luật, câu nói đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến thời đại ngày nay. Pháp luật là sự phản ánh cái đang tồn tại, cái hiện thực, cái có sẵn hay pháp luật là cái cần phải có… Trong lịch sử đã từng tồn tại các quan niệm khác nhau về pháp luật, tạo nên những trường phái đặc thù như: trường phái tôn giáo về pháp luật, pháp luật tự nhiên, pháp luật thực định: xã hội học pháp luật, triết học pháp luật, tâm lý pháp luật; quan niệm giai cấp về pháp luật. Hiện nay quan niệm pháp luật là đại lượng của tự do, công bằng đang là xu thế thời đại. Quan niệm triết học về pháp luật, về nguyên tắc của tự do: pháp luật được xác định các điều kiện, trong đó con người có thể hành động một cách tự do, có nghĩa là xác định lĩnh vực hay là giới hạn, khuôn khổ – đại lượng tự do cá nhân. Do vậy, cần đi sâu nghiên cứu về pháp luật, bản chất, giá trị, công năng, các thuộc tính và mối quan hệ với các công cụ điều chỉnh hành vi khác.
2.2. Nghiên cứu mối quan hệ giữa đạo đức, pháp luật, dân chủ và tự do
Trong điều kiện Nhà nước pháp quyền dân chủ và xã hội dân sự, các vấn đề chi phối sự quan tâm của mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc và thời đại đó là tương quan giữa đạo đức, pháp luật, dân chủ và tự do. Những vấn đề này về nguyên tắc cũng đã được thể chế hoá trong pháp luật. Sự nhận thức, thực hành các giá trị này vốn đã phức tạp nay lại càng phức tạp hơn trong xã hội hiện đại. Tiếp cận THPL sẽ cho phép lý giải nhiều vấn đề cơ bản của mối quan hệ đa chiều giữa các phạm trù đạo đức, pháp luật, dân chủ và tự do.
Pháp luật chỉ quan hệ với tự do có giới hạn, tự do của một người bị giới hạn bằng tự do của người khác. Trong điều kiện Nhà nước pháp quyền, tự do được mở rộng đối với mỗi cá nhân, tự do được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Các nhà tư tưởng lỗi lạc của nhân loại đã lý giải và xây dựng những đề án về tự do: “Tự do được thừa nhận về mặt pháp lý tồn tại trong nhà nước dưới hình thức pháp luật. Luật pháp là những tiêu chuẩn khẳng định tích cực, rõ ràng, phổ biến trong đó tự do có được sự tồn tại không phụ thuộc vào sự tuỳ tiện của cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh tự do của nhân dân”. Từ J.Lôcke đến Montesquieu với tác phẩm bất hủ vượt thời gian “Tinh thần pháp luật”, đã xây dựng lí thuyết phân chia quyền lực và khẳng định, ở đâu không có pháp luật thì cũng không có tự do, bởi vì pháp luật là công cụ cơ bản quyết định việc giữ gìn và mở rộng tự do cá nhân, đồng thời bảo đảm cho cá nhân tránh khỏi sự tuỳ tiện và ý chí độc đoán của những người cầm quyền [5, tr.100-101].
2.3. Nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong nhận thức và hoạt động thực tiễn
Giữa đạo đức và pháp luật có sự thống nhất bao hàm sự khác biệt, không đồng nhất, không thay thế nhau và loại trừ nhau mà luôn tồn tại trong một thể thống nhất. Pháp luật hay đạo đức, dân chủ hay tự do thì cũng đều phải giải quyết vấn đề lợi ích, vấn đề tương quan giữa quyền và nghĩa vụ, sự tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ, tôn vinh các giá trị, các quyền con người. Đây là những điều kiện thiết yếu để thực hành đạo đức, dân chủ, tự do và pháp luật. Về nguyên tắc, không phải pháp luật phán xét đạo đức mà ngược lại, đạo đức mới có quyền phán xét pháp luật. Trong lịch sử và mãi mãi, pháp luật chưa bao giờ lấn át được đạo đức. Các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức luôn là tiêu chí tác động đến nội dung của các quy phạm pháp luật, được tính đến khi xem xét các vấn đề pháp lý và ngược lại, trong từng vấn đề của đạo đức đều phải xem xét cả phương diện pháp lý.
2.4. Nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật
Trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật không chỉ phải quan tâm đến sự thống nhất nội tại, sự cần thiết có nhau của nhà nước và pháp luật mà còn phải xem xét đến sự khác biệt, sự không tương thích, hay những mâu thuẫn tất yếu của nhà nước và pháp luật. Sự không tương xứng với nhau của nhà nước và pháp luật được thể hiện ở rất nhiều vấn đề cụ thể, ví như sự không phù hợp giữa hoạt động tổ chức của nhà nước với hoạt động xây dựng pháp luật hay nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ áp dụng pháp luật nhiều khi lạc hậu so với các lý luận khoa học và thực tiễn, thậm chí với chính các quy định pháp luật mới. Sự thống nhất bao hàm sự khác biệt, không đồng nhất, không thay thế nhau và loại trừ nhau, nhà nước và pháp luật luôn luôn tồn tại trong một thể thống nhất. Bất kỳ một sự thống nhất nào cũng không có nghĩa là đồng nhất. Đó chính là biện chứng của nhà nước và pháp luật trong mối quan hệ sinh tồn của chúng.
2.5. Nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, Nhà nước pháp quyền và quyền con người
Một Nhà nước pháp quyền đích thực phải được tồn tại trong môi trường có sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự và ngược lại. Hai loại thực thể này trên phương diện triết học vừa đối lập vừa nằm trong một thể thống nhất, phụ thuộc, nương tựa, ảnh hưởng lẫn nhau và cũng phải tự phân định phạm vi giới hạn chủ quyền của nhau và phạm vi của sự hợp tác. Trong xã hội dân sự, hoạt động của nhà nước cần được tiến hành trong các hình thức pháp lý dân chủ để bảo vệ các quyền con người và các giá trị nhân đạo khác. Xã hội dân sự là điều kiện thiết yếu để hình thành và phát triển Nhà nước pháp quyền. Cần phải xây dựng trong lòng xã hội dân sự ý thức tôn trọng pháp quyền, tính chất pháp quyền phải có mặt trong tất cả các quan hệ pháp luật. Chỉ có nhờ vào xã hội dân sự thì nhà nước mới không rơi vào tình trạng độc tài, mới thực sự vì lợi ích chính đáng của con người. Và ngược lại, Nhà nước pháp quyền đảm bảo an toàn cho xã hội dân sự vận hành. Tiếp cận THPL cho phép nhận diện một cách toàn diện, có hệ thống về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và quyền con người cũng là một trong những vấn đề cơ bản của THPL. Bởi lẽ, không chỉ đơn thuần là việc quy định trong pháp luật các quyền con người hay việc thực thi chúng trong thực tiễn mà còn là vấn đề mang tính nguyên tắc chung hơn ví như vấn đề tự do đối với cả hai phía – cá nhân mỗi con người và nhà nước. Giới hạn của quyền lực nhà nước nhìn từ một phương diện đó chính là quyền con người. Nhưng đến lượt mình, bản thân quyền con người và sự giới hạn tất yếu của nó cũng là lợi ích xã hội, lợi ích chung mà pháp luật nhà nước là một trong những cách thức, một trong những công cụ thể chế hoá và thực hiện trong đời sống xã hội. Những vấn đề đại để như vậy cần phải được tiếp cận từ phương diện triết học, coi đó là cơ sở để xâm nhập một cách tự tin vào các quy định pháp luật, vào hệ thống các thiết chế và các biện pháp pháp lý.
2.6. Những vấn đề triết học cơ bản khác thuộc các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành
Ngoài những vấn đề chung có tính liên ngành nêu trên, triết học pháp luật còn cần được triển khai trên quy mô của các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành. Điều này trước hết xuất phát từ chính mối quan hệ hữu cơ của các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, không thể biệt lập các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành được kể cả trong văn bản pháp luật, kể cả trong thực tiễn nhận thức và áp dụng. Những nguyên lý hình thành, biến đổi của hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực cần được tiếp cận từ phương diện triết học pháp luật, triết học văn hoá – đạo đức. Ví như, tương quan giữa tội phạm và hình phạt, xu hướng vận động của các loại hình phạt qua các không gian và thời gian; vấn đề pháp lý và đạo đức của án tử hình v.v… đều thuộc phạm vi những vấn đề triết học của pháp luật – của THPL. Ngay cả những vấn đề thường nhật như trách nhiệm bồi thường thiệt hại tinh thần và vật chất, vấn đề lỗi cùng tính bắt buộc hay không bắt buộc của nó trong các quan hệ không chỉ lĩnh vực luật tư mà cả lĩnh vực luật công cũng cần được nhận thức và thực hành như thế nào cho hợp lý tối ưu nhất… đều thuộc vùng phủ sóng của THPL.
Xuất phát từ vị trí, vai trò của THPL và phù hợp với hội nhập quốc tế về đào tạo và nghiên cứu pháp luật, việc triển khai nghiên cứu THPL ở nước ta hiện nay có thể tiến hành song song trên cả hai phương diện: tích hợp ngay trong nghiên cứu lý luận pháp luật truyền thống cùng với xã hội học pháp luật và, xây dựng triết học pháp luật như là một bộ môn khoa học pháp lý độc lập trong hệ thống các khoa học pháp lý nước nhà.
Tài liệu tham khảo
[1] Đào Trí Úc, Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
[2] Montesquieu, Tinh thần pháp luật, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.
[3] Hêgen, Triết học pháp quyền, NXB Bek, Maxcơva, 1990 (bản tiếng Nga).
[4] Nguyễn Trọng Chuẩn, Triết học pháp quyền của Hêghen, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
[5] V.X. Nhersexian, Triết học pháp quyền, NXB Bek, Maxcơva, 1998 (bản tiếng Nga).
Hoàng Thị Kim Quế
Theo: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế – Luật 23 (2007)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code