Thursday, February 13, 2014

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC: BA NĂM MÒN MỎI CHỜ BỒI THƯỜNG OAN

HỒ KHẢI HÀ
Đến nay, yêu cầu của đương sự vẫn chưa được giải quyết vì chưa xác định được cơ quan làm oan cuối cùng. Đây là một oan án mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Cuối năm 2001, bà Nguyễn Thị Ước, ngụ huyện Chơn Thành (Bình Phước) cho bà H. vay 3,5 triệu đồng cùng hai chỉ vàng và giao hẹn một năm sau bà H. phải trả hết nợ. Đến hẹn, bà H. cứ dây dưa nên bà Ước nảy sinh ý định giữ xe máy của bà H. nhằm buộc bà H. trả nợ.
Ngày 22-10-2002, bà Ước hỏi mượn xe của bà H. Nửa tiếng sau, bà điện thoại về báo cho bà H. biết ý định: “Tui đang giữ xe của bà, chừng nào bà trả tiền thì tui trả xe!”. Đồng thời, bà Ước cũng báo cho ấp, xã biết rõ cớ sự. Ngay hôm sau, trong buổi hòa giải do chính quyền địa phương tổ chức, hai bên thống nhất là bà Ước vẫn giữ xe chờ bà H. đem tiền trả.
Viện rút truy tố, tòa đình chỉ vụ án
Đã thỏa thuận như vậy nhưng bà H. lại đi tố cáo tới công an. Lập tức, Công an huyện Chơn Thành khởi tố bà Ước về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do lúc đó bà đang mang thai nên được tại ngoại điều tra. Một thời gian sau, TAND huyện Chơn Thành phạt bà 10 tháng tù. Thấy oan ức, bà Ước kháng cáo. Tháng 9-2004, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để giải quyết lại từ đầu do cấp sơ thẩm điều tra không đầy đủ.
Nhận lại hồ sơ, phía công an và VKS huyện Chơn Thành vẫn giữ quan điểm là bà Ước có tội. VKS hoàn tất cáo trạng mới truy tố bà Ước về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (không phải tội lừa đảo như trước). Thế nhưng trước khi TAND huyện đưa vụ án ra xử, VKS huyện đã quyết định rút quyết định truy tố. Vì vậy, tháng 9-2005, TAND huyện đã đình chỉ vụ án, kết thúc hai năm chịu biết bao cay đắng, khổ sở của bà Ước.
Rối chuyện bồi thường oan
Tháng 11-2006, bà Ước làm đơn yêu cầu VKS huyện Chơn Thành bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần tổng cộng hơn 100 triệu đồng do đã làm oan bà. Ba ngày sau, VKS trả lời là vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý của viện và hướng dẫn bà Ước làm đơn yêu cầu TAND huyện giải quyết vì việc bồi thường oan là trách nhiệm của tòa. VKS lý giải: Trường hợp của bà Ước, cấp phúc thẩm đã hủy án để điều tra lại, sau đó vụ án đã được tòa đình chỉ, theo quy định tòa sơ thẩm phải chịu trách nhiệm do trước đó đã tuyên bà có tội.

Nhận được văn bản trả lời này, bà Ước khiếu nại rằng phía VKS phải có trách nhiệm bồi thường chứ không phải là tòa. Bà viện dẫn Thông tư liên số 01 ngày 25-3-2004 của TAND tối cao, VKSND tối cao… hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388 quy định cơ quan bồi thường là cơ quan xử lý oan sau cùng. Ở đây, sau khi cấp phúc thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKS đã ra cáo trạng truy tố và hồ sơ đã được chuyển qua tòa. Sau đó VKS rút truy tố và tòa đình chỉ. Như vậy, chính VKS mới là cơ quan làm oan sau cùng và phải bồi thường.
Đẩy qua, đá lại
Song song với việc khiếu nại VKS, bà Ước cũng gửi đơn đến TAND huyện Chơn Thành xem ý kiến cơ quan này ra sao. Tòa nhận đơn nhưng không thụ lý nên bà khiếu nại cơ quan này. Sau đó, TAND huyện có văn bản trả lời rằng “vụ việc của bà rất phức tạp do luật quy định chưa rõ ràng, cụ thể”. Đầu năm 2007, TAND huyện đã phải gửi công văn và hồ sơ đến TAND tỉnh Bình Phước, TAND tối cao để xin ý kiến. Do vậy, bà phải chờ khi có ý kiến chính thức của các cơ quan trên thì mới biết vụ việc của mình có được giải quyết hay không.
Bà Ước tiếp tục chờ. Chờ mãi, qua đến năm 2008 mà vẫn chưa được hồi âm, nóng lòng bà đã gửi đơn cầu cứu đến Tỉnh ủy Bình Phước. Thấy vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa, Tỉnh ủy Bình Phước đã chuyển đơn của bà sang TAND tỉnh. Tháng 8-2008, TAND tỉnh đã gửi công văn trả lời cho bà biết là bốn tháng trước, tòa tỉnh đã chuyển hồ sơ của bà về lại cho TAND huyện Chơn Thành và yêu cầu tòa này báo cáo kết quả giải quyết cho tòa tỉnh. Do vậy, bà cần liên hệ tòa huyện.
Một lần nữa, bà Ước lại phải chạy vạy gõ cửa TAND huyện. Tháng 10-2008, TAND huyện cho bà hay dù theo nguyên tắc chung thì cơ quan phải có trách nhiệm bồi thường là cơ quan làm oan sau cùng nhưng đối với trường hợp của bà thì Nghị quyết 388 quy định không rõ và cũng chưa có thông tư nào hướng dẫn. Do vậy, để xác định đúng cơ quan có trách nhiệm bồi thường, TAND huyện đã có công văn đề nghị lãnh đạo TAND tỉnh xin ý kiến TAND tối cao để có sự thống nhất bằng văn bản xác định cơ quan nào là cơ quan phải bồi thường cho bà. Sau khi xác định được thì cơ quan đó sẽ có trách nhiệm bồi thường cho bà.
Bà Ước cho biết từ đó đến nay đã gửi rất nhiều đơn đến các cơ quan chức năng, nhất là TAND tối cao nhưng không hề được hồi đáp. Bà đã chờ mỏi mòn một câu trả lời là cơ quan nào sẽ có trách nhiệm bồi thường oan cho bà nhưng vụ việc của bà vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo chúng tôi, đã đến lúc các cơ quan tố tụng liên quan cần phải xem xét, giải quyết triệt để những hậu quả pháp lý trong chuyện làm oan bà Ước chứ không thể bắt bà phải chờ đợi mãi trong vô vọng như vậy.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code