Thursday, February 13, 2014

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN: GẦN MỘT TỶ ĐỒNG BỒI THƯỜNG BỊ MẮC KẸT

TRUNG DUNG
Tranh chấp tiền bồi thường nhà, đất: Sở Tư pháp nói “có thể kiện”, TAND TP.HCM lại bảo “không”. Sinh thời, cha ông Trần Ngọc Xuân có đứng tên làm chủ sở hữu căn nhà 21-21/1 Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Năm 1982, sau khi cha chết, ông Xuân tiếp tục sống tại căn nhà này.
Đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế
Năm 2004, căn nhà bị giải tỏa trắng do nằm trong dự án thoát nước và nâng cấp đường Hoàng Hoa Thám-Vạn Kiếp. Cho rằng ông Xuân là đại diện các đồng thừa kế (mẹ ông Xuân đã chết từ lâu, ông Xuân chỉ có một người em là bà Trần Thị Năm), UBND quận Bình Thạnh đã ra quyết định bồi thường cho ông Xuân hơn 850 triệu đồng.
Để được hưởng trọn số tiền này, ông Xuân đã xuất trình tờ di chúc của người cha chỉ định ông là người thừa kế duy nhất. Tuy nhiên, bà Năm lại cho rằng di chúc đó giả mạo và bà đòi hưởng tiền bồi thường. Tháng 7-2004, trong thời gian chờ hai bên thương lượng, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã chuyển số tiền trên vào ngân hàng.
Tháng 10-2006, ông Xuân đã nộp đơn khởi kiện tranh chấp thừa kế với bà Năm. Tuy nhiên, TAND quận Bình Thạnh đã từ chối thụ lý vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Không biết tính sao, ông Xuân đã quay lại đề nghị UBND quận phân xử.
Xử chia tài sản chung, được không?
Ngay sau đó, UBND quận Bình Thạnh đã gửi công văn nhờ Sở Tư pháp và TAND TP.HCM hướng dẫn cách xử lý. Sở Tư pháp cũng cho rằng ông Xuân và các đồng thừa kế không thể kiện chia thừa kế vì đã quá hạn khởi kiện nhưng các bên vẫn có thể kiện chia tài sản chung. Vì theo điểm 4 khoản 2 Mục 1 Nghị quyết 02 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về tài sản thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì áp dụng các quy định pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
Thế nhưng TAND TP.HCM lại không đồng ý như thế. Theo tòa này, các đương sự cũng không đủ điều kiện chia tài sản chung theo hướng dẫn của Nghị quyết 02. Do TAND quận Bình Thạnh không thể thụ lý vụ kiện nên việc chi trả tiền bồi thường trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND quận Bình Thạnh.
Do mỗi nơi chỉ một kiểu nên UBND quận Bình Thạnh đã phải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp và TAND tối cao.
”Đến nay, hai cơ quan này vẫn chưa phản hồi nên chúng tôi chưa thể trả tiền bồi thường cho ông Xuân” – ông Trần Minh Thơ, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng TAND TP.HCM đã từ chối thụ lý đúng quy định, bởi lẽ chỉ có thể xử chia tài sản chung với điều kiện các đương sự đều nhất trí đó là di sản chưa chia. Thế nhưng ông Xuân khăng khăng mình là người được thừa kế theo di chúc, còn bà Năm lại quả quyết mình phải là người được thừa kế theo pháp luật. Ai đúng, ai sai vẫn chưa rõ vì đến giờ chưa có cơ quan chức năng nào kết luận tờ di chúc viết tay (không có chứng thực) do cha của ông Xuân lập có hợp pháp hay không. Sau gần năm năm bị “neo” tiền bồi thường, nếu ông Xuân và những người thừa kế của bà Năm (đã chết) không cố gắng ngồi lại với nhau, có lẽ họ phải cố gắng đợi hướng dẫn của Bộ Tư pháp và TAND tối cao chứ không còn cách nào khác hơn.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code